Trở Thành Người Đào Tạo Môn Đồ Nhân Bội Giống Như Phao-lô
Dave Earley and Rod Dempsey
Phao-lô: Môn đồ
Chúng ta đã nói trước đây Phao-lô là môn đồ của Ga-ma-li-ên, một trong những Ra-bi nổi tiếng vào lúc ấy (Công. 22:3). Trước khi gặp Chúa, Phao-lô là thành viên của nhóm Pha-ri-si (Công. 23:6-8; 26:4-5; Phi-líp 3:5). Được huấn luyện từ Ga-ma-li-ên, Phao-lô nhớ nhiều phần Kinh văn của Cựu Ước.
Là một người Do-thái cuồng nhiệt, Phao-lô nổi bật trong nhóm Pha-ri-si. Theo sách Công vụ, Phao-lô đã sử dụng thế lực của mình để bắt bớ hội thánh (Công. 7:58; 8:1-3). Tuy nhiên khi tiến hành khủng bố hội thánh, ông đã chạm trán với Chúa Giê-su trên đường tới Đa-mách. Trong sự kiện này ông đã nghe tiếng Chúa Giê-su và mắt ông bị mù (Công. 9:1-9). Ngay sau đó ông trở thành một người tin theo Chúa Giê-su. Đức Chúa Trời đã dùng A-na-nia để xác nhận sự kêu gọi đặc biệt mà Chúa dành cho Phao-lô, đồng thời cầu nguyện cho ông được sáng mắt lại và làm báp-tem cho ông (Công. 9:10-18). Từ thời điểm đó Phao-lô đã trải qua khoảng ba năm để học về Chúa Giê-su (Ga-la-ti 1:11-12, 15-18).
Là một người mới, Phao-lô trở thành môn đồ của Ba-na-ba, một người lãnh đạo hội thánh. Ba-na-ba bênh vực Phao-lô trước nhóm những người lãnh đạo hội thánh tại Giê-ru-sa-lem (Công. 9:27). Sau đó Ba-na-ba đem Phao-lô về An-ti-ốt để giúp đỡ hội thánh tại đây (Công. 11:25-26).
Đến Công vụ 13:1-3, cả hai sứ đồ Phao-lô và Ba-na-ba được hội thánh An-ti-ốt đặt tay cầu nguyện, sai đi trong công tác truyền giáo, đào tạo môn đồ và gieo trồng các hội thánh giữa vòng dân ngoại bang. Trên hành trình truyền giáo vai trò của Phao-lô bắt đầu nổi bật qua một chuỗi các sự kiện tiếp theo (Công vụ 13:4-13).
Phao-lô: Người Đào Tạo Môn Đồ
Là một Ra-bi, Phao-lô có những học trò theo mình. Chúng ta nói về những môn đồ theo Chúa Giê-su được Phao-lô huấn luyện sau sự cải đạo của ông. Khi Phao-lô gặp nguy hiểm, có thể bị người Do-thái giết chết, các môn đồ đã tìm cách bảo vệ ông. “Người Giu-đa mưu với nhau để giết Sau-lơ. Nhưng có người báo tin cho Sau-lơ về cơ mưu chúng nó. Người ta lại giữ các cửa cả ngày và đêm đặng giết Sau-lơ. Song lúc ban đêm, các môn đồ lấy thúng dòng người xuống ngoài vách thành (Công vụ 9:23-25).
Trên ba mươi năm sau đó, Phao-lô đã đào tạo nhiều môn đồ trong các mục vụ truyền giáo. Kinh Thánh ghi lại có hơn ba mươi người cả nam và nữ được Phao-lô huấn luyện. Chúng ta có thể kể ra: Luke, Silas, Timothy, Titus, Aquila và Priscilla, Erastus, Sopater, Aristarchus, Secundus, Gaius, Tychicus, Trophimus.
Những người trên đây là kết quả bông trái của chức vụ sứ đồ Phao-lô. Họ không những được ông huấn luyện mà còn đồng hành với ông trong nhiều mục vụ. Có thể nói Phao-lô đã hoàn thành đại mạng lệnh của Đức Chúa Giê-su ủy thác, đã gieo trồng nhiều hội thánh, là người đào tạo môn đồ nổi bật trong Tân Ước.
Phao-lô: Người làm cho môn đồ nhân bội lên.
Một trong những môn đồ gần gũi nhất với Phao-lô là Ti-mô-thê. Phao-lô đã ủy thác cho Ti-mô-thê vào vị trí người chăn bầy hội thánh tại Ê-phê-sô. Từ thành phố chiến lược này, Tin Lành đã lan rộng ra khắp vùng Tiếu Á (Công. 19:10; Khải. 2-3). Phao-lô đã viết hai thư tín gởi cho Ti-mô-thê lúc đó đang là một mục sư trẻ tuổi. Trong thư tín Phao-lô nhắc nhở Ti-mô-thê về tiến trình đào tạo môn đồ để làm cho nhân bội lên:
“Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác.” (2 Ti-mô-thê 2:2)
Chú ý là trong câu Kinh Thánh trên có bốn thế hệ cho sự nhân bội môn đồ ở đây. (1) Phao-lô, (2) Ti-mô-thê, (3) những người trung thành, (4) những người khác. Điều Phao-lô muốn Ti-mô-thê phải thực hiện giữa muôn vàn công tác trong chức vụ mục sư, đó là nhân bội – gia tăng các môn đồ qua một tiến trình. Các môn đồ được đào tạo qua chức vụ Ti-mô-thê, đến lượt họ phải huấn luyện cho các môn đồ khác. Và tiến trình này cứ tiếp tục mãi.
Trong hai chương trước, chúng ta đã nói về hai mục tiêu cho môn đồ: chinh phục người hư mất và môn đồ hóa người được cứu. Trong chương này, chúng tôi gợi ý sáu nguyên tắc cho việc nhân bội môn đồ giống như Phao-lô.
Làm thế nào để môn đồ hóa. Mục tiêu thứ ba: Nhân bội Môn đồ giống như Phao-lô1
- Nắm vững những điều mà Đức Chúa Trời đã dạy bạn
MỌI ĐIỀU MÀ CHÚA GIÊ-SU ĐÃ TRUYỀN
Trong khi ẩn dật, bị cô lập ở sa mạc Arabia ba năm, Phao-lô đã nhận được những khải thị từ Đức Chúa Trời. Đây là căn bản của những điều mà ông sẽ chuyển giao cho người khác. Chúng ta đọc bốn sách Tin Lành cộng quan gồm Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng bao gồm những lời dạy của Chúa Giê-su. Là môn đồ chúng ta phải vâng phục theo những lời dạy đó – điều này cũng có nghĩa là chúng ta phải biết rõ những lời dạy đó.
Tôi cẩn thận đọc những lời truyền dạy của Chúa Giê-su, vâng phục và áp dụng những lời đó. Tôi đọc một chương của các sách Phúc Âm mỗi ngày. Khi đã đọc hết bốn sách Phúc âm tôi quay trở lại đọc từ đầu với một bản dịch khác để đối chiếu và nghiên cứu. Tôi cũng đọc các sách chú giải kèm theo Kinh Thánh. Nhờ vậy tôi tìm thấy nhiều thông tin hữu ích để áp dụng cho cá nhân và chia sẻ cho người khác.
NHỮNG ĐIỀU MÀ BẠN ĐÃ HỌC TỪ PHAO-LÔ
Trong 2 Ti-mô-thê 2:2, Phao-lô viết: “Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác.” Chúng ta có tất cả các lá thư của Phao-lô trong Tân Ước. Song hành với đọc bốn sách Phúc Âm, bạn cũng có thể đọc một chương trong các thư tín của Phao-lô mỗi ngày để nắm bắt tất cả những bài học mà vị sứ đồ muốn dạy. Hoặc sau khi bạn đọc xong các sách Phúc Âm và Công vụ, bạn có thể bắt đầu với chương một của sách Rô-ma.
NHỮNG BÀI HỌC MÀ ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ DẠY BẠN TRONG ĐỒNG VẮNG
Trong thời gian ở trong sa mạc Arabia, Phao-lô đã nhận được những bài học từ Chúa. Tất cả chúng ta cũng có những thời gian trong đồng vắng. Mỗi người chúng ta cũng đã trải qua những giai đoạn của sự buồn khổ, cô đơn. Đức Chúa Trời cho phép những điều đó xảy ra, hầu cho khi đi qua khổ nạn chúng ta có tư cách để an ủi người khác trong những cảnh ngộ mà họ gặp. Hãy nhìn lại những thời khắc khó khăn nhất trong cuộc đời bạn. Hãy ghi lại những bài học mà Chúa dạy bạn trong lúc đó.
NHỮNG BÀI HỌC KHÁC MÀ ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ DẠY BẠN
Bạn cũng có những bài học khác có giá trị để chia sẻ với những người mà bạn đang môn đồ hóa. Vào năm mười chín tuổi, tôi đang học năm thứ hai ở Đại học, tôi cố gắng môn đồ hóa một vài người. Tôi không biết nhiều về Kinh Thánh hoặc có nhiều điều để chia sẻ, nhưng tôi có đủ tự tin để bắt đầu với một vài bạn học trong lớp. Về căn bản tôi biết thế nào là cầu nguyện, biết các câu Kinh Thánh mà tôi hiểu và nhớ. Tôi đã dẫn một vài bạn bè đến với Chúa Giê-su.
Hãy liệt kê ra năm điều mà bạn đã học được khiến bạn trở nên tốt hơn khi bước theo Chúa?
Hãy liệt kê năm điều nữa mà bạn mong đợi một ai đó dạy cho bạn trong những ngày đầu tiên sau khi bạn tin Chúa?
Viết xuống mười câu Kinh Thánh đã tác động tích cực vào đời sống của bạn?
Viết ra năm quyển sách Cơ đốc mà bạn từng đọc đã gây ảnh hưởng nhất khi bạn bước đi với Đức Chúa Trời?
- Nhận ra những người trung thành có tài dạy dỗ kẻ khác.
Phao-lô nhắc nhở Ti-mô-thê chú ý đến những người trung thành có tài dạy dỗ kẻ khác. “Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác.” (2 Ti. 2:2). Hãy đầu tư thời gian của bạn cho những người này – đây sẽ là sự lựa chọn khôn ngoan của bạn. Họ có khả năng đi xa hơn, kết quả nhiều hơn cho Chủ mùa gặt.
Chúa Giê-su đã chọn mười hai người trong đội huấn luyện của Ngài, họ được gọi là sứ đồ (Mác 3:13-14; Lu-ca 10:1-3). Khi tìm kiếm những người tiềm năng cho Phúc âm, tôi thường chú ý đến ba đặc điểm nổi bật:
Trung thành: Phao-lô nhắc nhở Ti-mô-thê giao phó/ủy thác những bài học từ Phao-lô cho những người trung thành.
Sẵn sàng: Nhiều người được Chúa Giê-su chọn là rất trẻ với tuổi đời chừng hai mươi. Hãy nghĩ đến các sinh viên đang học ở các Trường Đại học, tại sao chúng ta không đầu tư thì giờ, năng lực của chúng ta cho các bạn trẻ này? Hãy nghĩ đến những ảnh hưởng tích cực của Phúc âm mà nhóm các em sinh viên này sẽ có trong các Trường Đại học và Cao đẳng. Trong mục vụ của mình, tôi đã chuyển trọng tâm sang những người trẻ, những người độc thân bởi vì họ có thời gian linh động để được huấn luyện và trở nên môn đồ tiềm năng.
Có thể dạy được: Bạn không thể dạy cho những người mà họ cho rằng họ biết tất cả. Hãy tìm kiếm những người thực sự đói khát thuộc linh.
TÌM KIẾM CÁC MÔN ĐỒ TIỀM NĂNG Ở ĐÂU?
Tôi đã tìm thấy những người đào tạo môn đồ thành công trong nhiều mối liên hệ khác nhau sau đây:
Các thành viên trong nhóm môn đồ hóa: Đây là nơi đầu tiên nhất, bởi vì những người này sẵn sàng trong mối liên hệ với bạn.
Những người trong nhóm của bạn mà bày tỏ ra tinh thần phục vụ người khác: Trong một buổi học Kinh Thánh của nhóm nhỏ, tôi đưa ra câu hỏi thử nghiệm: “Ai sẽ chịu trách nhiệm liên lạc với nhũng người mà tối hôm nay không đến?” Có vài người đưa tay lên – những người này sẽ là những người tiếp nối bạn để đào tạo môn đồ tiềm năng.
Những người sẵn sàng cam kết giữ mối liên hệ với bạn: Hãy tìm kiếm những người có thể sắp xếp thời gian và trông đợi gặp bạn để được huấn luyện.
Các thành viên trong những nhóm trước đây: Là những người đã có mối liên hệ với bạn trong quá khứ. Họ là những người đã được bạn hướng dẫn, họ đang có mặt trong hội thánh. Trước đây có lẽ họ chưa sẵn sàng cho sự dấn thân, nhưng bây giờ họ có những tín hiệu tốt của một đời sống trưởng thành. Hãy tiếp xúc và giúp đỡ họ trở thành người nhân bội các môn đồ.
Những người đi nhà thờ nhưng không có bất kỳ sự phục vụ nào: Hãy mời họ tham gia vào nhóm của bạn và chỉ cho họ biết họ có thể bắt đầu từ đâu cho công tác môn đồ hóa.
Các thành viên trong gia đình: Hai người lãnh đạo hội thánh Gia-cơ và Giu-đe trong Tân Ước là anh em với Chúa Giê-su. Các môn đồ của Chúa Giê-su cũng bao hàm những người trong gia đình: anh em trai, anh em họ, các cô dì, các cháu và một người khác. Đức Chúa Trời là Đấng tể trị, Ngài ban cho chúng ta có gia đình cùng sống với nhau. Đôi khi mục vụ tốt nhất của chúng ta là ngay trong chính gia đình. Hiện tại tôi đang huấn luyện chương trình đào tạo môn đồ cho các con trai của tôi.
Những người bạn: Hãy nhìn vào các bạn bè của bạn và những người bạn của họ (chúng ta gọi nhóm này là R 1). Xa hơn nữa, hãy làm quen với những người có mối liên hệ với những người thuộc nhóm R 1 – đó là bạn và cha mẹ của họ. Rất có thể là những môn đồ tiềm năng đang ở giữa vòng nhóm người này.
Những người mới qui đạo: Là những người đang có sự biến đổi kỳ diệu trong tâm linh. Họ có những người bạn chưa tin và muốn làm chứng cho bạn của mình. Người mới qui đạo có khả năng gây ảnh hưởng trong nhóm bạn của họ khi mà sự biến đổi họ có trong Christ không ai phủ nhận được.
Những người mang tâm trạng tuyệt vọng hay đang bị tổn thương: Neil Cole tin một cách mạnh mẽ rằng nhóm người này có thể trở thành môn đồ tiềm năng. Ông viết, “Chúng ta phải bắt đầu với những người tuyệt vọng là những người sẽ bám lấy Phúc âm trong nỗ lực cuối cùng.”2 Ông cũng viết, “Người xấu sẽ làm cho đất tốt. Có rất nhiều phân bón trong đời sống của họ.”3
(Còn nữa)
Translated by Tuong Vi