Thứ Sáu , 10 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Biển Rộng Hai Vai

Biển Rộng Hai Vai

Đọc “Biển rộng hai vai” của Lữ Thành Kiến

MUC SU kIEN

Nguyễn Đình Bùi Thị

Trên Đặc san Hướng Đi (HĐ), bài của Mục Sư Lữ Thành Kiến xuất hiện với tần suất khá nhiều, nhưng bài nào bài nấy đều có một cái gì đó đáng để đọc và suy nghĩ.

Tôi đã đọc được một số bài của Mục Sư Lữ Thành Kiến từ khi làm quen được với Đặc san HĐ cách đây vài năm. Mỗi khi có HĐ, tôi thường xem qua lướt một lượt các bài vở của các tác giả và rồi xem lần lượt các bài theo sở thích của mình. Những bài của Mục Sư Lữ Thành Kiến tất nhiên đều là những bài nằm trong sở thích của tôi, nên tôi đều… ưu tiên để đọc.

Vừa rồi, tôi được chính Mục Sư Lữ Thành Kiến gởi tặng cho tôi quyển “BIỂN RỘNG HAI VAI” (BRHV) với lời đề tặng và chữ ký rất dễ thương của ông. “BRHV” là một tuyển tập thơ văn của Mục Sư Lữ Thành Kiến vừa được ấn hành tại Hoa Kỳ năm 2008.

Tuyển tập dày 240 trang, in trên giấy trắng đẹp. Mục Sư Nguyễn Văn Huệ viết lời tựa và nhà văn Trần Dạ Từ viết lời bạt. Xen kẽ giữa 21 truyện ngắn và truyện ký, là những bài thơ rất duyên dáng cũng của Mục Sư -Văn Sĩ – Thi Sĩ Lữ Thành Kiến.

Có thể nói rằng, tình yêu là chủ đề xuyên suốt được tác giả kết tinh lại trong 21 truyện và ký ở BRHV thật cảm động, nói như tác giả đã nói: “Phải công nhận rằng tình yêu có một vẻ đẹp. Và vẻ đẹp đó thật lại diệu kỳ… Nó diệu kỳ vì sao bạn biết không? Bởi vì cái cội nguồn của tình yêu phát nguyên từ Đức Chúa Trời”. (Làm Sao Định Nghĩa Được Tình Yêu, p. 171, 172).

Trước hết và trên hết, đó là tình yêu cao cả, nhiệm mầu của Thiên Chúa dành cho chính tác giả cũng như cho mọi người. Tình yêu ấy bàng bạc trong hầu hết các truyện, dưới nhiều cách thể hiện khác nhau, khiến trái tim của độc giả không thể nào không bị lay động, không thể nào hững hờ. Dầu đã học, đã biết, đã giảng về sự kiện Chúa Giê-su chịu chết trên thập tự giá vì tội lỗi của nhân loại nhiều lần lắm trong đời, nhưng tim tôi vẫn rung lên khi đọc những dòng văn nầy:

“Tôi nhìn lên Chúa. Đó là Jesus trên thập tự giá, hai tay giang ra trên hai thanh gỗ, những mũi đinh cắm ngập vào hai bàn tay, hai bàn chân, máu tuôn ra lai láng từ bên hông, từ trên đầu, từ chiếc mão bằng gai nhọn, và thân thể thì tan nát bởi những lằn roi móc sắt. Nhưng nỗi đau không chỉ trong xương thịt mà đau thấu bên trong lòng, đau thắt trái tim, vì sự phản bội của các môn đồ. Vậy mà sao Chúa không có một lời trách móc nào, chỉ là cái nhìn đớn đau thấu suốt tâm hồn, rồi thôi. Thế thì tôi còn trách móc gì nữa, cái quan tài của tôi bỗng hoá ra quá nhỏ so với cái quan tài mang xác Chúa” (Tình Yêu Như Biển, p. 150).

Ở một truyện khác, tác giả đã diễn tả tình yêu cao đẹp ấy của Thiên Chúa dành cho con người một cách thật ấn tượng: “Tôi giả dụ rằng bạn và tôi, đều có tình yêu thương cả, ai cũng có một trái tim biết rung động vì tình yêu, nhưng xét cho cùng không một ai trong chúng ta yêu đến nỗi đi cho đứa con duy nhất của mình, mà không phải cho để làm một con người giàu sang quyền thế. Từ địa vị là một Đức Chúa Trời cao cả, Người đã được Cho Đi, xuống trần gian, sinh ra trong một gia đình nghèo, nghèo không có gì nghèo hơn nữa. Lớn lên đi vào cuộc đời sống một cuộc sống phiêu bạt, không nhà không cửa rày đây mai đó, chỉ chú tâm vào việc giảng đạo, và giúp người. Trong suốt thời gian lang thang trên đất, người đã bị người ta vu cáo, nguyền rủa, tìm cách giết chết. Và cuối cùng họ đã thoả nguyện, Người bị bắt, bị đánh đập tàn nhẫn, bị sỉ nhục, rồi bị đóng đinh treo trên thập tự giá như một người có tội. Mà Người không có tội gì cả. Ngài đã làm tất cả, chỉ vì Ngài yêu” (Người Đứng Trên Thế Giới, p. 223, 224).

Đó là tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người chúng ta. Còn đây là tình yêu giữa người và người mà chính tác giả đã trải nghiệm với nhiều cung bậc khác nhau của trái tim đa cảm của một nhà văn.

“Về Mái Nhà Xưa”, một câu chuyện với kết cấu không có gì phức tạp cho lắm, mà đã khiến trái tim của bạn đọc không thể nào không thổn thức đến rơi nước mắt cùng tác giả bởi tình yêu và sự tha thứ rộng lượng của người cha dành cho đứa con tên Thư hư hỏng, đã rút hết tiền trong ngân hàng của cha rồi bỏ nhà ra đi hoang đàng, sau đó trở về: “Con biết không, những người quen của cha thỉnh thoảng đến nhà nhìn thấy cái bảng cha treo trước cửa, mà khuyên cha: sao anh cứ treo cái bảng đó mãi thế, biết bao giờ nó mới về? Cha nói với họ, nó sẽ về, tôi tin rằng nó sẽ về mà, khi nó về, nhìn thấy tấm bảng đó, sẽ yên tâm mà vào nhà. Tấm bảng đó cha viết từ lúc con mới bỏ đi, bây giờ đã mờ nhạt rồi: Thư, nếu con về, hãy mở cửa vào, Bố vẫn chờ con. Con vẫn còn giữ chìa khóa chứ? Thư, nếu con có về, bất cứ giờ giấc nào, cứ mở cửa mà vào nghe con. Nhà này là nhà của con mà” (Về Mái Nhà Xưa, p. 32).

Phô diễn vẻ đẹp tuyệt vời của tình yêu người mẹ, người mẹ của chính mình (và hầu như người mẹ nào cũng vậy thôi), tác giả đã dùng hình ảnh của một đại dương với các dòng sông để thể hiện tình mẫu tử dành cho con cái thật bao la, rộng lớn biết nhường nào: “Nhưng mà, trong những ngày đó, mới thấm thía hết tất cả vẻ đẹp của những dòng suối khi chảy mãi về lòng đại dương. Và hình ảnh đại dương dang rộng vòng tay ôm hết những dòng suối vào lòng. Ngay cả những dòng suối đã trở thành sông, chia thành những sông con, lòng đại dương vẫn rộng mở. Bà mẹ thành bà ngoại, bà nội, chắt chiu cho con, rồi cho cháu” (Biển Rộng Hai Vai, p. 153).

Tôi thích thú vô cùng khi đọc đoạn kết trong truyện “Biển Rộng Hai Vai”: “Trăng có khi già, gọi là trăng già, nhưng biển thì chẳng bao giờ già. Đâu có ai gọi là biển già. Biển rộng cả hai vai…” (p. 163). Trăng thì có khi già, nhưng biển thì không. Quả là một phát hiện thú vị và chí lý. Ôi, lòng mẹ bao la làm sao! Mẹ thì có thể già, nhưng lòng mẹ, tình mẹ thì giống như biển, không hề già.

Một trong những tình cảm nổi bật mà tác giả thể hiện trong tập truyện của mình làm tôi rất tâm đắc và cảm động, đó là tình cảm dành cho những linh hồn đồng bào Việt Nam thân yêu đang hư mất, cần đến sự cứu rỗi của Chúa Giê-su dành cho họ. Với những đồng bào Việt Nam chưa được cứu, trái tim của tác giả như luôn hướng về họ với những gì yêu thương nhất và luôn mong ước, khát khao họ sớm đến với Chúa Giê-su như mình để được sống trong bình an, hạnh phúc như mình đã hưởng. Hãy nghe những lời yêu thương ấy của tác giả: “Không có gì làm cho người ta hạnh phúc khi sống trong tình yêu. Bạn là ai, đang đau buồn vì mất mát tình cảm, người thân qua đời, bị phản bội, bị lừa dối, thiếu thốn, khó khăn, bệnh tật. Bạn đang ở trong hoàn cảnh nào mặc dầu, bạn có một người yêu, yêu bạn đến nỗi sẵn sàng chết cho bạn và trung thành với bạn cho đến giây phút cuối cùng. Dù mưa, dù nắng, dù băng giá, dù bão bùng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người ấy cũng ở ngay bên cạnh bạn. Bạn có biết điều ấy không? Bạn yêu dấu, bạn nên biết” (Mùa Xuân Chắp Cánh Bay, p. 115).

Tôi đã từng nhiều lần có lời gọi mời thân hữu tiếp nhận Chúa trong những buổi truyền giảng tại nhà thờ, nhưng tôi vẫn rất ấn tượng khi đọc lời gọi mời thân hữu của tác giả như sau: “Tôi muốn mời bạn đến ngôi nhà ấy. Mỗi Chúa Nhật, hãy đến để gặp Đấng mà tôi đã gặp Sau Hơn Ba Mươi Năm Nằm Ngủ, Đấng đã thay đổi cuộc đời tôi, biến những nhọc nhằn thành niềm vui, những bất an thành sự an bình, đã yêu và sẽ mãi yêu. Đấng ấy sẽ làm những điều tương tự cho cuộc đời bạn như đã làm cho tôi, đến để sống những ngày phước hạnh trên đời” (Ngôi Nhà Trong Mơ Ước, p. 25). Một lời mời gọi thật tha thiết, thật nhẹ nhàng, êm ái, nhưng đầy sức thuyết phục. Đúng là nhà văn mời có khác. Tạ ơn Chúa!

Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết rằng: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Mỗi người trong chúng ta ai cũng có một quê hương để mà yêu thương, để mà nhung nhớ, và rồi ai trong chúng ta cũng có một cách khác nhau để thể hiện lòng yêu quê hương của mình. Tác giả BRHV có cách yêu quê hương thật độc đáo và chí lí làm sao, đó là đem tình yêu của Chúa Giê-su đến cho đồng bào Việt Nam thân yêu: “Tôi muốn nói với cháu tôi rằng bây giờ, tôi đã chọn cách yêu quê hương tôi khác hơn, không bằng cách tranh đấu, biểu tình… Tôi đi một con đường khác, con đường mà Chúa Giê-su ngày xưa đã đi… Tôi yêu dân tộc tôi và mơ thấy một ngày gặp những người đồng hương yêu dấu trên thiên đàng… Tôi sẽ đi ra… nhưng không để hô hào những khẩu hiệu chống đối, căm thù. Tôi đi ra để nói cho đồng bào tôi biết rằng “tình thương xóa bỏ hận thù” và chỉ có tình yêu thương vô bờ bến của Đức Chúa Trời mới có thể dập tắt những căm thù và đem chúng ta đến những bến bờ thật sự yêu thương, hàn gắn lại những đổ vỡ của đời sống” (Ba Mươi Năm Viễn Xứ, p. 180). Tôi ưng chịu cách yêu quê hương nầy của tác giả. Có thể nó đây là cách yêu quê hương Việt Nam tốt nhất mà mỗi tín hữu Tin Lành cần thực hiện để góp phần làm cho dân tộc của chúng ta ngày một hạnh phúc hơn, đất nước của chúng ta ngày một tốt đẹp hơn như những quốc gia Cơ Đốc giáo trên thế giới. Tôi cũng đã, đang và sẽ tiếp tục học yêu quê hương Việt Nam bằng cách như Lữ Thành Kiến đã yêu.

ai da
Tình yêu thiên nhiên, cảnh vật cũng dạt dào trong BRHV. Có thi sĩ văn nhân nào mà không yêu thiên nhiên, cảnh vật, cỏ hoa đâu?

Trăng là một trong những niềm yêu thương miên man trong trái tim tác giả. Trăng xuất hiện với tần suất khá nhiều trong BRHV. Chính tác giả đã thú nhận: “Trăng, theo tôi từ những ngày còn rất bé, cái hình ảnh xưa cũ nhất về trăng mà tôi còn nhớ, hình như là một trong những ngày thanh bình rất hiếm hoi ở quê ngoại, tôi nắm tay bà ngoại nhỏ bé, ốm yếu đi trên con đường làng, nhìn vầng trăng tròn treo lơ lửng trên khóm tre cao vút, về sau tả lại trong một truyện ngắn viết về quê hương được giải khuyến khích, đứa bé rất bé lúc ấy, mà đã có một cảm xúc rất lạ lùng, là ước ao có một sợi dây dài ném lên tận trăng, cột vào một góc vầng trăng, kéo trăng theo mình” (Nước Mỹ Và Trăng, p. 58, 59). Với tác giả, trăng chẳng khác gì như người bạn thân yêu: “Lạ lắm, khi nhìn trăng tôi không cảm thấy buồn bã tuyệt vọng nhiều nữa, tôi có cảm xúc như gần một người bạn thân yêu, và trải rộng lòng mình chia sẻ nỗi niềm” (Nước Mỹ Và Trăng, p. 65). Trong một chỗ khác, hãy nghe tác giả diễn tả nỗi… thèm trăng của mình: “Tôi lại gần cửa sổ, mở bức màn cửa lên, và nhìn thấy… một vầng trăng. Cái mầu sáng lung linh của trăng không hề giống như ánh sáng đèn, từ trên cao tôi nhìn lên cao hơn và thấy lại mình từ thuở ấu thơ, thèm quăng một sợi dây tóm được vầng trăng lôi xuống cùng mình” (Nước Mỹ Và Trăng, p. 69).

Lữ Thành Kiến có óc quan sát cảnh vật để tả một cách ấn tượng nhất, để lại dấu ấn khó phai trong lòng người đọc. Chỉ vài nét chấm phá thôi với cách dùng từ “có” lặp đi lặp lại nhiều lần, như những dấu nhấn làm nổi bật lên cảnh vật, tác giả đã lột tả được nét đặc trưng nhất của một vùng cao nguyên nước Việt: “Thời gian khi còn là một cậu học trò mộng ra ngoài cửa lớp, tôi ở trong một thành phố miền cao nguyên, nơi có gió, có suối, có nắng vàng, có mưa bụi, có mây trắng, có một thời thanh xuân, thơ và nhạc, thỉnh thoảng vào rừng cao su, đến ngồi bên bờ suối, bạn thì đàn guitar, mình thì hát Mưa Hồng, Nắng Thuỷ Tinh, Hạ Trắng” (Ngôi Nhà Trong Mơ Ước, p. 19, 20).

Tôi thích những dòng văn tả cảnh của Lữ Thành Kiến, vì nó nhẹ nhàng mà ấn tượng, êm đềm mà sâu sắc làm cho cảnh vật như hiện hữu ở trong đầu, không, ở trong lòng mình vậy. Đây là một lời mời gọi bạn đến thăm thủ đô nước Mỹ của tác giả: “tôi khuyên bạn nếu mà , bạn chỉ có cơ hội đến thăm thủ đô một lần trong đời, hãy đi vào khoảng từ đầu đến giữa tháng 4, đó là cái thời điểm giao hoà tuyệt đẹp của đất trời và lòng người, khi mà hoa anh đào đồng loạt nở rộ hai bên bờ sông Potomac, một màu hồng phơn phớt của tuổi thanh xuân, mỏng manh như những cánh bướm hay chuồn chuồn kim, nghiêng nghiêng hờ hững trên mặt nước, chụp bao nhiêu hình cũng không biết chán” (Mùa Hè Bay Tới Biển, p. 140). Tôi chưa được đến thủ đô Mỹ lần nào, nhưng đọc đoạn văn ấy, tôi thấy như hình ảnh về thủ đô của nước Mỹ đã hiện hữu trong tôi rồi vậy.

Lữ Thành Kiến đôi lúc cũng triết lý đến không ngờ, tôi khoái những triết lý của tác giả: “Có những điều người ta không thể chỉ nhìn thấy bên ngoài. Người ta phải nhìn thấy một cái gì đó bên trong. Đúng hay sai không cần thiết. Cuộc sống không phải chỉ có đúng và sai, nó còn là một cái gì khác nữa.

Đôi khi hãy nhìn bằng đôi mắt cảm thông, dù không thể hiểu. Đôi khi, có những điều mà mình không thể hiểu được, nhất là những vẻ đẹp.

Cũng không cần hiểu. Không phải tất cả mọi sự trên đời này đều phải hiểu rõ. Nhiều khi hiểu rồi thì nó lại không còn đẹp nữa” (Chiều Trên Chesapeake Bay, p. 216).

Văn của Lữ Thành Kiến còn chứa đầy chất thơ và nhạc. Hình như trong con người của tác giả văn, thơ và nhạc đan quyện vào nhau, khó tách rời ra được.

Xen kẽ giữa những truyện ngắn là những bài thơ giàu cảm xúc của Lữ Thành Kiến. “Những Ngày Tôi Với Mẹ” là một bài thơ thật cảm động thể hiện tình cảm sâu lắng của một đứa con dành cho mẹ kính yêu, vì mẹ đã dành trọn đời để chăm sóc và nuôi nấng con, không quản gian lao, khó nhọc, những lời sau đây như là những lời tự sự của người con khi nghĩ về mẹ dấu yêu:

tôi có lẽ sẽ buồn khi thấy lại
màu thời gian trên tóc mẹ tàn phai
vết chân chim trên đồng khô cỏ úa
mẹ vẫn bao la biển rộng sông dài
tôi có lẽ sẽ còn buồn hơn thế
vào một ngày không còn mẹ bên đời
tôi sẽ mang những niềm riêng sâu lắng
đi vào đời thương nhớ mẹ mà thôi
(Những Ngày Tôi Với Mẹ, p. 165)

Nhiều khi đứng trước cái bao la của đất trời, của thiên nhiên cây cỏ, sông suối khi vào thu, ta như thấy mình nhỏ bé trước thinh không, ta như thấy mình không là gì cả trước trời đất rộng minh mông, trước cái vô định của bụi mù. Những lúc như thế lặng lẽ đứng nhìn và lắng đọng tâm tư suy gẫm về mình, về người, về vạn vật là  thượng sách. Lữ Thành Kiến đã làm như thế:

lặng lẽ
cây đàn dựng bên vách
quạnh hiu
dòng suối chảy bên nhà
đất rộng
người xa không dám tới
thổi đám bụi mù
bay rất xa
có lẽ
tôi nên về lặng lẽ
thế thôi
đừng nói một câu gì
cả đất
và trời thu đó, sẽ
gọi buồn một thoáng
gió bay đi
(Lặng Lẽ, p. 235)

Đọc BRHV của Lữ Thành Kiến, tôi thấy được tấm lòng của tác giả dành cho Chúa, Đấng mà tác giả đang tôn thờ thật sâu đậm hơn bất cứ điều gì. Có thể nhận thấy cách rõ ràng, trong hầu hết các truyện của mình, hình ảnh về Chúa Giê-su như bao trùm lên tất cả, như chiếm hữu trọn cả tấm lòng tác giả. Đọc các truyện “Ngôi Nhà Trong Mơ Ước”, “Về Mái Nhà Xưa”, “Những Nẻo Đường Về Đâu”, “Tình Yêu Như Biển”, “Yêu Người Khôn Nguôi”, “Người Đứng Trên Thế Giới”, người đọc rất cảm kích trước tình yêu của tác giả dành cho Chúa. Có thể nói rằng với tác giả, Chúa là tất cả, Chúa là quý báu nhất trong cuộc đời, không có gì hơn Chúa hết. Vì chính Ngài đã chinh phục trọn vẹn trái tim của tác giả bằng tình yêu lớn lao của Ngài: “Tôi đã gặp Chúa Giê-su trong thời gian đó… cái sợi dây tình yêu êm ái ấy vây phủ mình bao giờ không hay. Người ta bị thuyết phục không bằng lý luận, mà bằng tình yêu. Ngày tôi cúi đầu cầu nguyện mời Ngài bước vào để làm chủ cuộc đời mình là một buổi sáng mùa xuân trên bãi biển Nha Trang sóng vỗ miên man như câu ru êm của mẹ dịu dàng. Ngày đó tôi quăng bao thuốc lá Mai vào trong bếp, và không bao giờ cầm lại điếu thuốc trong cuộc đời. Tôi trở thành một người khác” (Nước Mỹ Và Trăng, p. 67). Dứt khoát với lối sống cũ không mấy đẹp đẽ trước đó, tác giả nguyện một lòng dâng cuộc đời mình để theo Chúa và phục vụ Ngài, làm một con chiên trong nhà Chúa, rồi làm một tôi tớ để phục vụ Ngài, dù trong chức vụ một người chăn bầy chiên của Chúa, tác giả gặp biết bao lao nhọc, nhiều khi tưởng chừng “nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương” (Kiều), nhưng rồi, nhờ ơn và sức của Chúa, bởi tình yêu thương của Ngài còn thương xót, lòng nhơn từ của Ngài còn rộng mở, nên tác giả cứ tiếp tục bước tới, bước tới trong đức tin hầu việc Ngài, chăn bầy chiên của Ngài bằng cả tâm hồn mình, bằng tất cả những gì Chúa ban cho mình. Là một người hầu việc Chúa, tôi đồng cảm với tác giả về những xúc cảm được tác giả thổ lộ trong BRHV. Hãy nghe tác giả tâm sự: “Nhiều năm qua, trong chức vụ buồn nhiều hơn vui. Vui vì đi tìm được những con chiên lạc trở về, nuôi chúng, chăm sóc chúng, nhìn chúng lớn lên, sinh nở con cái. Buồn vì những con chiên bướng bỉnh, ngang nghịch, cho ăn không thèm ăn mà còn quay lại cắn… Vui vì những việc làm được cho Chúa, buồn vì vẫn còn quá nhiều điều chưa làm được cho Chúa” (Ngôi Nhà Trong Mơ Ước, p. 23). Ở một chỗ khác, tác giả bộc bạch tấm lòng một cách chân tình: “Tao chịu đựng về phần dâng hiến của chính mình, chịu đựng thêm những buổi họp căng thẳng, những lời nói xúc phạm, chịu đựng thêm tình trạng tín hữu… bỏ cuộc. Những ngày đó, tao chỉ muốn đi đâu đó, biến mất một thời gian, khi trở về, thấy căn nhà thờ đã hoàn tất, như một phép lạ. Nhưng chẳng có phép lạ nào giống như thế xảy ra. Phép lạ Chúa làm cho tao trong thời gian ấy là một tấm lòng kiên trì, bền bỉ, chịu đựng, chảy nước mắt trong phòng riêng, nhưng cười vui vẻ trên bục giảng” (Chúc Mừng Năm Mới, p. 91, 92).

Người hầu việc Chúa, theo tôi, cũng cần có một chút gì đó hài hước, dí dõm để thêm niềm vui mà hầu việc Ngài. Đọc BRHV, ta sẽ phát hiện ra Lữ Thành Kiến có điều đó, mà có một cách thật dễ thương nữa là đằng khác. Không dễ thương sao được khi đọc những dòng nầy: “quyển sách mỏng Ai Đã Vẽ Mùa Thu tôi viết cách đây… 6 năm, in 1000 cuốn và đã… cho gần hết rồi” (Em ơi Mùa Thu, p. 10). Ai bảo nhà văn, nhà thơ không hào hiệp, không… giàu có nào? Đã dành thì giờ để viết cho người ta đọc là một kỳ công rồi, viết xong rồi in cho đẹp, in xong, đáng lý ra phải bán để lấy tiền chi dùng hầu có sức mà tái… sản xuất ra văn chương nữa chứ. Đằng nầy, không… thèm bán, sẵn sàng mở rộng lòng hào hiệp, đem… cho không biếu không hết luôn. Thật đáng nể. Ở một chỗ khác: “Đầu những năm 1990, tôi và gia đình được gọi đi phỏng vấn. Sau đó, chúng tôi vào Sài Gòn để chuẩn bị… bay đi… Những ngày cuối cùng lang thang, vào nhà sách Khai Trí cũ trên đường Lê Lợi, nhìn thấy tập thơ bé nhỏ của mình nằm cạnh những tập thơ của những thi sĩ… lớn, lòng tôi cảm động. Tôi mua một tập, tặng cho… mình” (Nước Mỹ Và Trăng, p. 68). Lại hào hiệp nữa, bỏ tiền ra mua chính thơ của mình viết ra để tặng cho chính… mình. Có ai chơi đẹp như các văn nhân, thi sĩ đâu? Chơi đẹp đến thế là hết cỡ. Thật đáng phục.

Nhà văn Nga Marxim Gooky nói: “Văn học là nhân học”. Người Việt Nam ta nói: “Văn tức là người”. Quả vậy, đọc BRHV của Mục Sư Lữ Thành Kiến, ta như bắt gặp được chính con người của Mục Sư trong đó. Một con người có trái tim đa cảm, một con người có tấm lòng trắc ẩn sâu sắc, đáng quý. Văn của Lữ Thành Kiến mềm mại nhưng không uỷ mị, nhẹ nhàng nhưng không mềm yếu. Đọc BRHV, ta thấy như tác giả đang trải lòng mình ra trên trang giấy, trước mặt Chúa và độc giả. Rất chân thật nhưng không trần trụi. Rất gần gũi nhưng không quá đà. Đọc BRHV, ta thấy tác giả là một con người sống rất gần với Chúa, rất mực yêu mến Chúa, yêu mến bầy chiên của Chúa bằng một tình yêu sâu đậm, một “tình yêu dầm thấm ở trong lòng hơn là phát tiết ra ngoài” (Ngôi Nhà Trong Mơ Ước, p. 24). Trong truyện “Người Đứng Trên Thế Giới”, tác giả có viết: “Có lẽ vì có biệt tài cãi cọ từ nhỏ mà Thanh Mục Sư ngày ấy đi học Luật, trở thành một Luật sư thay vì Mục Sư (tiếc thay), và Kiến thi sĩ, văn sĩ, ca sĩ, tà tà, cà nhỗng ngày ấy bây giờ lại hóa ra rất serious, đi học Thần Học và làm… Mục Sư (đáng tiếc thay)” (Người Đứng Trên Thế Giới, p. 218). Không đáng tiếc thay đâu Kiến thi sĩ ạ, mà bèn là ĐÁNG MỪNG THAY đó, vì nếu không như thế thì bây giờ bạn đọc nói chung, bạn đọc Cơ đốc, nói riêng, đâu có được đọc những truyện ngắn, những bài thơ nhẹ nhàng, đáng yêu từ một Mục Sư – Văn Sĩ – Thi Sĩ dễ thương sáng tác như thế nầy đâu, ấy là chưa kể đến Nhạc Sĩ nữa đó phải không Kiến Mục Sư – Văn Sĩ – Thi Sĩ – Nhạc Sĩ?

Trong Kinh Thánh có đề cập đến nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng, tài danh như Đa-vít, như Sa-lô-môn là “Người nói ba ngàn câu châm ngôn, và làm một ngàn năm bài thơ” (I Các vua 4:32), như “E-xơ-ra, thầy tế lễ và văn sĩ, thạo biết luật pháp của Đức Chúa trên trời” (E-xơ-ra 7:12)… Họ đã để lại những bài thơ, bài văn tuyệt hay, có thần cảm từ Chúa để ngày nay chúng ta học hỏi, suy gẫm và làm theo hầu sống đẹp lòng Chúa. Chúa cũng muốn lưỡi chúng ta “như ngòi viết của văn sĩ có tài” (Thi-thiên 45:1) để ca ngợi Chúa, để tôn cao Chúa. Tôi mong ước Hội Thánh của Chúa ngày càng có được nhiều những nhà văn, nhà thơ như Mục Sư Lữ Thành Kiến thì quý biết bao.

Trong cảm nhận của riêng tôi, tôi tin rằng trong tương lai, Chúa sẽ cho Mục Sư – Văn Sĩ – Thi Sĩ – Nhạc Sĩ Lữ Thành Kiến còn có nhiều sáng tác chất lượng cao hơn nữa gởi đến bạn đọc xa gần.
Hãy đợi đấy mà xem!

Nguyễn Đình Bùi Thị

Lời Mời:

Xin kính mời anh chị em đến dự buổi ra mắt tập thơ “Chàng Từ Nhã Ca Bước Ra” vào lúc 7 giờ tối Chúa Nhật 20/1/2019 tại văn phòng Oneway 90/20 Yên Thế Phường 2 Quận Tân Bình. Rất mong gặp lại anh chị em.

tran-nguyen-dan
Mục sư Lữ Thành Kiến.   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn