Mục sư Lữ Thành Kiến
KINH THÁNH: Thi-thiên 40:1-5 Thi-thiên 40:5: Hỡi Giê-hô-va, Đức Chúa Trời tôi, công việc lạ lùng Chúa đã làm, Và những tư tưởng của Chúa hướng cùng chúng tôi, thật là nhiều, Không thể sắp đặt trước mặt Chúa; Nếu tôi muốn truyền các việc ấy ra, và nói đến, Thật lấy làm nhiều quá không đếm được. Bài thánh ca Đếm Các Ơn Phước Chúa Ban là một bài hát được hát nhiều nhất trong nhà thờ vào lễ Tạ Ơn. Sau lễ tạ ơn thì không ai hát nữa. Hình như là tạ ơn chỉ có một ngày? Tôi có một thắc mắc phải được giải quyết trước khi giảng. Chúng ta hát là hãy đếm các ơn phước Chúa ban, nhưng tôi tìm thấy trong 2 câu Kinh Thánh nền tảng là Thi-thiên 40:5 và Gióp 5:9. Tôi đọc đi đọc lại hai câu này xem có bao nhiêu phước Chúa để đếm, nhưng chỉ thấy trong Thi 40:5: Nếu tôi muốn truyền các việc ấy ra, và nói đến, Thật lấy làm nhiều quá không đếm được và Gióp 5:9: Ngài làm công việc lớn lao, không sao dò xét được, Làm những sự diệu kỳ, không thể đếm cho đặng. Xin Hội Thánh đếm giùm tôi bao nhiêu? Cả hai câu đều viết: nhiều quá không đếm được, không thể đếm cho đặng. Như vậy làm sao tôi đếm được. Trong Hội Thánh có ai đếm được ơn phước của Chúa không xin đưa tay cho biết để tôi mời lên giảng thế luôn. |
||||
Đối với cá nhân tôi, tôi nhìn thấy Chúa trong mỗi chi tiết của vũ trụ vạn vật và phước hạnh Chúa ban trong từng hoàn cảnh gian nan khốn khó cũng như vui mừng tươi mới, nhiều vô số kể, như sao trên trời như cát dưới biển, nên bảo phải đếm ơn phước của Chúa là điều không thể làm được. Có ai kinh nghiệm điều này như tôi không, xin đưa tay lên để chúng ta cùng ca ngợi Chúa.
Vì vậy, tôi sẽ giảng một đề tài về sự tạ ơn, về những ơn phước Chúa, nhưng xin đổi đề tài dựa theo câu Kinh Thánh đã dẫn là: Không Thể Đếm Được, tôi sẽ chứng minh cho Hội Thánh thấy là chúng ta không thể đếm hết ơn phước của Chúa. A-men không? HÃY ĐẾM ƠN PHƯỚC CHÚA TRONG VŨ TRỤ VẠN VẬT Hãy trở lại ngay từ lúc sáng thế, để thấy ơn phước Chúa là kỳ diệu và không thể đếm được. 1. Chúng ta đọc Sáng-thế-ký 1, đọc câu chuyện sáng tạo 5 ngày, ngay từ sáng thế loài người đã phải bắt đầu ca ngợi và cảm tạ ơn Chúa rồi, có bao giờ chúng ta tạ ơn Chúa vì nếu Ngài không tạo nên mọi loài, thì ở đâu chúng ta có một vũ trụ vô cùng hệ thống, kế hoạch sẵn, tuyệt vời, như mình đang sống hiện nay?Chúng ta là ai, ở đâu? Từ một khoảng trống đen tối mịt mù vô tận mà chúng ta có, bây giờ là một vũ trụ bao la xinh đẹp với suối sông biển đồi núi bình nguyên và hầu như có tất cả, muốn gì có nấy, đúng không? Chúng ta có thể đếm được ơn phước ấy không? Không, Không Thể Đếm Được. 2. Sự kế hoạch ấy thật kỳ diệu, không sao hiểu nổi, giống như một người thợ làm nhà làm gì trước làm gì sau, Ngài đã bắt đầu cho cái này có trước cái kia là để chuẩn bị cho loài người mọi nhu cầu tối thiểu và cần thiết… theo thứ tự….cái gì cần có trước thì phải có trước, cái gì có sau thì có sau, như khi đất là vô hình và trống không, sự mời tối trên mặt vực thì sự sáng tạo đầu tiên phải là sự sáng, có sự sáng rồi thì mới sáng tạo những thứ khác được. Rồi lần lượt Ngài tạo nên đất trời phân biệt, sông biển, đất đai, cây cối, mặt trời mặt trăng và các ngôi sao, rồi cá dưới biển, chim trên trời, rồi súc vật, thú rừng, thú nhà, côn trùng. Thử đếm xem có bao nhiêu loại tất cả? Chúng ta không nhớ rằng tất cả những sự sáng tạo ấy ấy chỉ để phục vụ cho một tạo vật quý giá vào ngày thứ sáu của cuộc sáng thế: đó là con người. Ngài biết rõ những nhu cầu của con người và đã chuẩn bị hết thảy để khi tạo ra loài người thì họ đã có tất cả mọi thứ cần dùng, để sống còn và phát triển.Có ai nhìn núi, đồi, sông, biển mà tạ ơn Chúa, có ai nhìn mặt trời mặt trăng mà tạ ơn Chúa? Có ai tạ ơn Chúa vì trời mưa có nước uống, trời nắng để cây cỏ xinh tươi? Có ai nhìn mùa thu đẹp quá mà tạ ơn Chúa? Quan trọng hơn cả, cái không khí mà chúng ta đang thở đây ở đâu mà có, nếu không có không khí, thế giới ra sao rồi? Con người có nhìn thấy điều đó là một ơn phước đặc biệt không? Khi nhìn ngắm, sống trong những sáng tạo diệu kỳ đó, chúng ta có thấy ơn phước Chúa là quá lớn không? Có Đếm Được Không? Không Thể Đếm Được. 3.Và ngay cả những chi tiết xem dường như không quá cần thiết, Chúa cũng đã dựng nên…. Những cây cỏ, chim, những cá, thú nhà, thú rừng…. có mặt để điều hòa sinh thái, cho thiên nhiên xinh đẹp, phong phú, nhưng cũng để làm thức ăn cho con người. Ngày hôm nay chúng ta hưởng thụ những điều đó có phải là tự nhiên chăng, hay là trời cho cứ hưởng không cần biết? Không, chính Chúa Jesus đã nói rõ điều này trong Ma-thi-ơ 6:31-32: Ấy vậy, các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? uống gì? mặc gì? Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi. Chúa biết rõ và đã lo lắng rồi. Có ai đang ngồi ăn những món ăn thích thú như lobster, bò Kobe, cá Salmon… (có thể thêm vào những món mình thích) mà tạ ơn Chúa không? Có phải những món đó tự nhiên mà có không, hay nó tiến hóa từ cái gì đó? Chúa quá chi tiết, quá để ý, quá kỹ lưỡng, một Đấng cầu toàn, toàn hảo. Nếu cứ đếm từng chi tiết như thế, có đếm nổi không? Không, Không Thể Đếm Được. 4. Và một điều nữa mà chúng ta không được phép quên: đó là việc chúng ta có mặt ngày hôm nay, qua sự sáng tạo tuyệt vời từ chính bàn tay của Chúa. Có bao giờ chúng ta tạ ơn Chúa vì thân thể mình có thật toàn hảo, một trí thông minh tuyệt vời để cai trị muôn loài, một phần tâm linh tốt lành để tương giao cùng Đức Chúa Trời? Có tạ ơn Chúa vì mình không tiến hóa từ loài khỉ? Chúng ta có tạ ơn Chúa mỗi ngày về sức khỏe Ngài ban cho? Những A-đam có tạ ơn Chúa vì nhờ Chúa giải phẫu cái xương sườn mà có những E-va hôm nay, và những E-va có tạ ơn Chúa vì nhờ A-đam bị giải phẫu mà có mình? Đếm hết không? Và có ai, ngày nay ngồi xe hơi, ngồi máy bay, đi tới, bay tới những chân trời xa, khám phá ra nhiều điều mới lạ, có tạ ơn Chúa vì chính Chúa sau khi tạo nên con người dã ban cho họ trí thông minh tốt đỉnh chỉ kém Đức Chúa Trời một chút để làm nên những phương tiện kỳ diệu giúp thay đổi và thăng tiến đời sống con người. Những thành tựu khoa học kỹ thuật mà con người sử dụng ngày hôm nay có phải là những ơn phước Chúa? Nhìn vào đấy và đếm thử, đếm hết không? Không, Không Thể Đếm Được. Đếm nữa không, không nổi, đếm không hết, chúng ta chỉ nói: con tạ ơn Chúa vì mọi sự. Nói là đủ chưa? Tôi tin rằng đối với ơn phước Chúa ban, chúng ta không thể dùng lời nói để tạ ơn mà đủ. Hãy bày tỏ bằng hành động của mình, không phải để đền ơn vì chúng ta chẳng bao giờ có thể đền ơn Ngài đủ, nhưng bày tỏ lòng biết ơn, điều ấy đẹp lòng Chúa. A-men? Và tôi tin rằng lời tạ ơn thiết thực nhất mà chúng ta có thể dâng lên cho Chúa là sống với tinh thần của người phung trong câu chuyện 10 người phung ở Lu-ca 17:15: Có một người trong bọn họ thấy mình đã được sạch, bèn trở lại, lớn tiếng khen ngợi Đức Chúa Trời; lại đến sấp mặt xuống đất, nơi chân Đức Chúa Jêsus, mà tạ ơn Ngài. Sự tạ ơn ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời, Ngài có lẽ không cần chúng ta dâng của lễ gì vì những của lễ của chúng ta chẳng giá trị gì với Ngài, nhưng Ngài muốn chúng ta thờ phượng và tôn vinh danh Ngài trên đất. Hãy Ngồi xuống, quỳ xuống mà thờ phượng Ngài. HÃY ĐẾM ƠN PHƯỚC CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG THUỘC THỂ 1.Chúng ta hay nói đến sự ban cho lớn lao của Chúa, những phép lạ kỳ diệu, nhưng rất có thể chúng ta không nhớ điều kỳ diệu nhất, phép lạ kỳ diệu nhất Chúa đã làm trong đời sống mình lại chẳng ở đâu xa, mỗi ngày, gần gũi, sát cạnh mình. Tôi thích một câu nói của một Mục sư bạn: chúng ta cứ tạ ơn Chúa về những phép lạ, nhưng lạ gì nữa, Chúa đã làm những việc ấy một cách bình thường. Những điều mà chúng ta cho là rất bình thường như ăn uống ngủ nghỉ, lại là những ơn phước rất tốt lành mà Chúa làm mà chúng ta vô tình không nhớ. Chúng ta có thấy điều đó là ơn phước không?Tôi muốn hỏi Hội Thánh là mỗi ngày chúng ta có tạ ơn Chúa vì sức khỏe Chúa ban cho, về công việc làm Chúa ban cho, sự bình an trong khi lái xe, trong khi đi xa trở về??? Mỗi ngày khi thức dậy, mở mắt ra, thấy mình còn thở, còn sống, còn khỏe, còn có thể suy nghĩ, làm việc được, tôi đều nói: tạ ơn Chúa. Chúng ta quen quá với những thời gian đều đặn mỗi ngày, không thấy đó là ơn phước Chúa, coi là sự tự nhiên. Không tự nhiên đâu, không có gì là tự nhiên. Tất cả đều là sự ban cho của Chúa. A-men? Nếu Chúa không cho, chúng ta sẽ thấy ngay sự khác biệt. Khi mang vào người một thứ bệnh, nhất là các cụ cao niên từ tôi trở lên, mà người ta hay gọi đùa là ba cao một thấp, thì chúng ta sẽ thấy sự khác biệt ngay. Nếu mà mỗi ngày đếm bao nhiêu thứ xảy ra cho mình, bao nhiêu điều Chúa đã ban cho, gìn giữ, an ủi…, đếm nổi không? Không, Không Thể Đếm Được. 2.Chúng ta, con người hữu hạn, giới hạn, nhìn gần hiểu hẹp, nên bị giới hạn trong những cái hạn hẹp của mình, đếm ơn phước Chúa qua những tốt lành mình nhận được, tiền bạc, sức khỏe, công việc, nhưng không nhớ rằng ngay cả trong những lúc không tiền không sức khỏe không công việc thì ơn phước Chúa lại bày tỏ ra cách rõ ràng và sâu nhiệm hơn. Đức Chúa Trời đã tạo nên vũ trụ vạn vật với những sự đối nghịch để thăng bằng. Chúng ta chỉ muốn nắng ấm, nhưng cũng cần có lúc mưa dầm cho đất đai tươi mát. Trong hanh thông chúng ta nhận được sự vui thú nhưng trong khó khăn chúng ta cảm nhận được Chúa rất gần. Khi bình an chúng ta ít nhớ đến Chúa, nhưng gặp khó khăn, bệnh tật là chạy ngay đến Chúa kêu cầu, có phải là mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời? Câu chuyện Kinh Thánh sóng gió trên biển… Chúa để khó khăn đến trong chúng ta để làm gì, để lại biết và yêu Ngài hơn. Và khi Chúa đáp lời chúng ta thấy rõ Ngài qua kinh nghiệm thật chứ không phải chỉ nghe qua kinh nghiệm người khác, như Gióp nói trong Gióp 42:5: Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, Nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài. Có phải đó là ơn phước không? Chính là trong những khó khăn sóng gió chúng ta lại thấy ơn phước Chúa bày tỏ. Lời nói để đời của Gióp trong Gióp 1:10: Sự phước mà tay Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, chúng ta lãnh lấy, còn sự tai họa mà tay Ngài giáng trên chúng ta, lại chẳng lãnh lấy sao?Nếu chúng ta tạ ơn Chúa trong thuận cảnh và cả trong nghịch cảnh, thì chúng ta có thể đếm hết những ơn phước ấy chăng? Không, Không Thể Đếm Được. Đếm không hết, phải làm gì đây? Chúng ta sẽ tạ ơn Chúa bằng lời nói đủ không? Không. Đừng đếm nữa, hãy hành động. Sự tạ ơn được bày tỏ qua hành động. Chúng ta hãy bắt chước người đàn bà bệnh tật này khi được Chúa chữa lành bệnh rét, bà chính là mẹ vợ của Phi-e-rơ, trong Mác 1:30-31: Vả, bà gia Si-môn đang nằm trên giường, đau rét; tức thì chúng thưa với Ngài về chuyện người. Ngài bèn lại gần, cầm tay người đỡ dậy; bịnh rét dứt đi, và người bắt tay hầu hạ.Hãy Đứng Dậy để phục vụ. Phục vụ Chúa là một cách tạ ơn đẹp lòng Chúa. HÃY ĐẾM ƠN PHƯỚC CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG THUỘC LINH Một ơn phước mà chắc chúng ta, những con cái Chúa không bao giờ quên, là những ơn phước thuộc linh. Đây là những ơn phước đặc biệt, kỳ diệu mà chỉ có những ai thuộc về Ngài mới cảm biết được. Cũng chính là những ơn phước mà chúng ta phải tìm kiếm hàng ngày thay vì chỉ tìm kiếm những ơn phước thuộc thể như người không có Chúa. Ma-thi-ơ 6:33: Nhưng trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa. Sự kỳ diệu của ơn phước thuộc linh lớn nhất là mối tương quan kỳ diệu giữa Cơ đốc nhân và chính Chúa Jesus. Tình yêu của Ngài chính là ơn phước lớn nhất và không thể đếm được, vì Rô-ma 5:8 chép nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết. Chúng ta ai cũng biết điều này, nhưng có hình dung ra hết tất cả ý nghĩa của nó? Chúng ta có bao giờ nghĩ rằng: tôi phải đi chết vì tội của người khác? No, never. Nhìn mặt là đã không ưa nổi rồi, nghe một câu là đã ngứa tai rồi. Thấy một hành động là ngứa mắt rồi, ngứa mắt hay đi chung với ngứa tay muốn đánh luôn. Đọc những tin tức tội phạm trên báo, trên các phương tiện truyền thông khác, sau Al Queda, bây giờ là Isis, khủng bố gieo rắc tội ác khủng khiếp nhất trên thế giới, Paris mới đây, chúng ta rất phẫn nộ, cá nhân tôi khi thấy một tin tức nào đó quá sức, cũng phải thốt lên: thôi đi chết cho rồi. Nhưng thưa Hội Thánh, Chúa Jesus đã chết cho tất cả những tội lỗi đó, những tội nhân đó, tội nhỏ tội lớn tội tầy trời… trong đó có chúng ta (đối với Chúa không có tội lớn tội nhỏ, tội là tội).Thật kinh khủng khi biết rằng Chúa Jesus đã chết ngay cho những tội nhân ghê gớm đó. Nếu phải kể hết tất cả mọi tội trên trái đất này ra, chúng ta có đếm nổi không? Thì cũng vậy, sự tha thứ và sự chết của Chúa cho chúng ta là điều mà chúng ta chẳng bao giờ có thể đếm nổi. Đếm nổi không? Không Thể Đếm Được. 2. Sau khi đã tin Chúa, được cứu rồi, chúng ta đã hết tội chưa? Chẳng bao giờ hết. Nói thêm về ơn phước sau sự cứu rỗi đó, thì gọi là… bó tay. Hãy nghe Phao-lô thú nhận điều này trong Rô-ma 7:19: vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn.Sau khi ăn năn, được Chúa cứu, Chúa tha tội, có phải là chúng ta không bao giờ phạm tội nữa? Nếu ai nói đúng thì hãy đọc lại câu thú nhận này của chính Phao-lô sứ đồ đặc biệt của Chúa và là nhà truyền giáo vĩ đại. Chúng ta vẫn cứ tiếp tục phạm tội, phạm tội, trong hành động trong lời nói trong tư tưởng, nhiều quá nhiều quá đếm không hết, đếm mỏi tay mỏi miệng mà vẫn cứ nhiều quá, đến nỗi ông phải la lên một lời hết sức tuyệt vọng, Rô 7:24 Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy. Và ngay sau đó ông vui mừng thốt lên khi thấy có ánh sáng cuối đường hầm, có tin vui giữa giờ tuyệt vọng, câu 25: Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta! Thưa Hội Thánh, nếu tính cái khoảng thời gian từ sau khi được cứu trở đi, rồi phạm tội, rồi được tha, rồi phạm tội, từ trong hành động, từ trong lời nói, từ trong tư tưởng, chúng ta có đếm nổi bao nhiêu lần không? Không Thể Đếm Nổi. Chúng ta không thể nào có hạnh kiểm tốt hơn Phao-lô, người từng hãnh diện nói câu này, Phi-líp 3:6: về lòng sốt sắng, thì là kẻ bắt bớ hội thánh; còn như về sự công bình của luật pháp, thì không chỗ trách được.Những sự tha thứ nhân từ của Chúa như vậy có thể được tính là những ơn phước? Nếu đó là ơn phước, thì chúng ta có đếm nổi bao nhiêu lần tha thứ yêu thương của Chúa trong đời sống mình không? Không. Không Thể Đếm Nổi. Nếu không thể đếm nổi, chúng ta làm sao. Chỉ biết tạ ơn Ngài. Nhưng tạ ơn bằng lời được chưa? Chưa. Sự tạ ơn phải được bày tỏ bằng hành động. Hãy thực hành điều này, sau khi được cứu và được tha thứ, đây là điều Chúa muốn, trong Mác 16:15: Hãy đi khắp thế gian, giảng tin lành cho mọi người. Hãy Đi ra giảng Tin lành cho mọi người. Kết luận bằng bài hát Đố Ai của Phạm Duy. Tôi không biết lý do vì sao ông sáng tác bài hát này nhưng tôi tin là ông đã lấy cảm hứng trong thiên nhiên khi ông cảm nhận được sự mênh mông vô tận của thiên nhiên mà ông không thể đếm được Ðố ai biết lúa, lúa mấy cây Có biết lúa mấy cây, sông mấy khúc, mây mấy từng, trăng mấy tuổi, quét sạch lá rừng… không? Bây giờ, nếu có một bài Đố Ai mới, có thể tác giả sẽ hỏi, đố ai biết có bao nhiêu loài cá dưới biển, bao nhiêu loại cây trong rừng, bao nhiêu loài chim trên trời và còn nhiều nữa. Người ta đã cố gắng đếm, thống kê, nhưng cho tới bây giờ người ta vẫn ngạc nhiên vì thỉnh thoảng lại khám phá ra thêm một vài loại khác. Không Thể Đếm Được. Cũng như ngày nay, người ta cũng thống kê con số Cơ đốc nhân trên toàn thế giới, người ta tính bằng con số tỉ, số triệu, nhưng không thể đếm nổi con số trăm ngàn, chục ngàn, ngàn, trăm, hay mười… Vì con số ấy tăng lên mỗi ngày mà không ai báo cáo hết. Đếm nổi không? Không Thể Đếm Được. Nếu chúng ta không thể biết hết những điều đó, như một sinh vật hữu hạn, thì chúng ta có thể Đếm hết ơn phước Chúa không? Không. Tôi mong ước rằng sau ngày hôm nay chúng ta sẽ có một cái nhìn mới về ơn phước Chúa trong đời sống mình, đếm ơn phước ấy trong từng chi tiết nhỏ nhặt trong đời sống mình và kinh ngạc thốt lên: Không Thể Đếm Nổi. Và nói với Chúa rằng Chúa ơi vì chúng con không thể nào đếm nổi ơn phước lớn lao của Chúa, xin cho chúng con sống cuộc đời có ý nghĩa làm sáng danh Chúa và truyền rao danh Ngài cho thế gian. A-men? Một bà già bị hư xe dọc đường trong đêm tối tuyết lạnh rơi, được một người đàn ông giúp sửa xe, bà muốn gởi món tiền cám ơn, người đàn ông từ chối và bảo nếu bà muốn cám ơn mình thì hãy làm một cái gì đó cho người khác mà bà gặp. Bà đến quán ăn, khuya, quán không có khách, một cô hầu bàn bụng mang thai vẫn phục vụ một cách nhiệt tình vui vẻ. Bà đi ra để lại số tiền tip lớn và ghi một tờ giấy nhỏ: hãy làm điều này cho người nào cô gặp và cần giúp. Cô nghĩ đến chồng đang thất nghiệp cần số tiền này cho cô sinh nở. Cô về nhà đưa cho chồng số tiền và kể lại câu chuyện. Người chồng chính là người đã giúp bà già sửa xe. Anh cảm tạ Chúa và nói: mình hãy dùng số tiền này chuẩn bị cho đứa con của mình sắp ra đời. Bạn có muốn mình là một mắc xích trong sợi dây chuyền yêu thương này không? Tôi tin rằng đây là một hành động bày tỏ tình yêu tốt nhất mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm trong mùa lễ Tạ Ơn này Mục sư Lữ Thành Kiến |
||||