- Hòa mình vào cộng đồng Cơ Đốc
Bài trước: https://huongdionline.com/2018/11/22/mon-va-su-cau-nguyen/
Khi Đức Chúa Giê-su kêu gọi các môn đồ đi theo Ngài, Ngài muốn kêu gọi họ sống đời sống của một cộng đồng. Họ không chỉ dành những tháng ngày đi khắp nơi và ở cùng với Chúa, nhưng họ cũng dành những thời gian để ở cùng với nhau. Họ không chỉ học hỏi qua việc ở cùng Người Thầy của mình, nhưng cũng qua việc sống cùng với nhau. Đối với các môn đồ, tiến trình phát triển của họ không chỉ là học hỏi thông tin từ trong lớp học; nhưng đó là học hỏi Đức Chúa Giê-su cùng với các môn đồ khác.
Tất cả chúng ta đều có khao khát bất tận được tham gia và kết nối, khao khát yêu và được yêu. Có lẽ sự đói khát mối liên hệ này là niềm khao khát mãnh liệt nhất trong tâm hồn con người. Đối với đời sống tinh thần, nhu cầu về mối quan hệ cộng đồng với người khác và mối liên hệ với Chúa là Đấng tạo dựng nên chúng ta cũng giống như thức ăn, không khí và nước uống đối với thân thể con người. Nhu cầu đó không bao giờ mất đi. Nó đi theo chúng ta từ khi chúng ta ở trong nôi cho đến lúc chúng ta được chôn nơi mộ phần. Chúng ta cần tương tác trực diện với những người khác – được nhìn thấy, được biết đến, được thấu hiểu, và được phục vụ, và chúng ta cũng làm điều tương tự đối với họ.
Từ chương đầu tiên trong sách Sáng Thế Ký cho đến toàn bộ Kinh Thánh, Đức Chúa Trời nói về nhu cầu mối liên hệ của chúng ta. Chẳng hạn như Sáng Thế Ký 2:18 viết rằng: “Loài người ở một mình thì không tốt.” Từ câu Kinh Thánh này chúng ta thấy rằng thậm chí trước khi con người sa ngã, Đức Chúa Trời đã phán rằng sự cô độc không phải là một điều tốt. Con người cần phải sống trong cộng đồng với nhau. Sống đơn độc không phải là cách tốt nhất, cũng không phải là phương cách lành mạnh hoặc có thể chấp nhận được để trải qua cuộc sống này.
Sáng Thế Ký 1:26 viết rằng: “Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta.” Hãy lưu ý cách dùng từ “chúng ta” và “ta.” Các từ này nhắc nhở chúng ta rằng Đức Chúa Trời luôn là cộng đồng có ba ngôi, được nói rõ trong Kinh Thánh là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh. Cả ba thân vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa là tách biệt lẫn nhau, nhưng cả ba đều hiệp lại làm một. Nói cách khác “Ba Ngôi Hiệp Một vĩ đại” là sự bày tỏ vĩnh hằng về một cộng đồng khắng khít và phụ thuộc lẫn nhau trong sự vinh hiển.
Sáng Thế Ký 1:27 viết rằng: “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài.” Dược tạo dựng theo ảnh tượng của Chúa, con người phản ánh bản chất cộng đồng từ chính Đức Chúa Trời. Là những con người được tạo dựng theo ảnh tượng của Chúa, bản chất cộng đồng được đóng vào mỗi chúng ta một cách sâu sắc và độc nhất. Song, không giống như Đức Chúa Trời, chúng ta không thỏa mãn khao khát mối liên hệ cộng đồng từ chính mình, nhưng chúng ta thỏa mãn khao khát đó ở trong Chúa và giữa con người với nhau. Nói cách khác, chúng ta không chỉ có một “khoảng trống cho Chúa,” nhưng chúng ta cũng có “khoảng trống cho nhau” trong tấm lòng mình. Chúng ta cần đến nhau.
Cuộc sống không chỉ có “Đức Chúa Giê-su và tôi.” Nhưng cuộc sống là “Đức Chúa Giê-su và chúng ta.” Không ai là toàn diện nếu không có những mối quan hệ lành mạnh với những người khác. Cộng đồng là lý do mà bạn và tôi được tạo dựng nên. Đó là lý do vì sao môn đồ hóa trong bối cảnh Hội Thánh địa phương lại rất quan trọng. Hội Thánh là chỗ dựa cho các mối liên hệ trong việc môn đồ hóa.
Cơ Đốc Nhân trong thời kỳ đầu tiên không theo Cơ Đốc Giáo như một tôn giáo, lễ nghi, tín điều, hoặc sự công bố về tín lý. Nhưng đó là một mối liên hệ sống động với Đức Chúa Trời và với nhau. Tiến trình phát triển của môn đồ không phải là một chương trình; nhưng là một mối liên hệ cộng đồng. Từ ngày đầu tiên trở thành Cơ Đốc Nhân, những người tin Chúa đầu tiên đã tiến sâu vào mối liên hệ cộng đồng với nhau (Công vụ 2:42). Lịch sử trong Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng: “Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện…. Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến đền thờ; còn ở nhà, thì bẻ bánh và dùng bữa chung với nhau cách vui vẻ thật thà” (Công vụ 2:42, 46). Họ đặt hai cuộc họp mặt lên thứ tự ưu tiên hàng đầu. Họ tham dự những giờ dạy dỗ và thờ phượng ở đền thờ, tại đó hàng ngàn người sẽ cùng nhóm họp, và họ cũng gặp nhau thông công trong các nhóm nhỏ nhiều lần trong tuần (Công vụ 5:42).
Những Cơ Đốc Nhân đầu tiên này đã đương đầu với một thế giới mà tại đó họ bị bắt bớ vì niềm tin nơi Đấng Mê-si phục sinh. Họ không chỉ muốn mà còn cần được ở cùng nhau. Nhu cầu đó vẫn tồn tại trong nền văn hóa của chúng ta. Chuck Colson đã viết rằng: “Cơ Đốc Nhân không thể lớn mạnh và đứng vững trước những áp lực của cuộc sống nếu không đứng giữa một nhóm người giúp chăm sóc và gây dựng người ấy trong đức tin.”3
Đối với Đức Chúa Giê-su, sống trong một cộng đồng yêu thương chính là đặc trưng của tiến trình phát triển của môn đồ. Hãy lắng nghe mệnh lệnh rõ ràng của Ngài: “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta” (Giăng 13:34-35). Chúng ta biết rằng phương cách cơ bản để bắt đầu thiết lập cộng đồng đó là gặp gỡ nhau ít nhất một lần một tuần trong môi trường nhóm nhỏ. Dù nhóm nhỏ đó được gọi với những tên khác nhau như những nhóm đời sống, những nhóm tế bào, những Hội Thánh tư gia, hoặc những cộng đồng truyền giáo, nhưng mục đích của tất cả các nhóm trên đều giống nhau: những người bạn cùng đi theo Đức Chúa Giê-su. Khi các nhóm nhỏ này hoạt động hiệu quả, thành viên trong nhóm sẽ sống với sứ mệnh bởi vì họ đã trải nghiệm mối thông công thật, hay còn gọi là koinonia, và cùng nhau chia sẻ cuộc sống.
- Gắn kết với Lời dạy của Đức Chúa Giê-su
Trong thế kỷ thứ nhất, giáo dục tập trung vào việc học thuộc lòng. Lúc lên năm, trẻ em Do Thái bắt đầu học thuộc lòng phần lớn kinh Torah (năm sách đầu tiên trong Cựu Ước). Vào tuổi mười hai, các bé trai phải ghi nhớ được kinh Torah và tiếp tục học những phần chính trong Cựu Ước, còn các bé gái thì học Thi Thiên. Ben Witherington đã nhận xét rằng:
Trong số những người Do Thái, các rabbi được khích lệ phải ghi nhớ toàn bộ các sách trong Cựu Ước, nghĩa là toàn bộ Cựu Ước. Giáo dục của người Do Thái đề cao việc học thuộc lòng… Các môn đồ Do Thái ban đầu là những học viên, và cũng là những người học thuộc lòng và ghi nhớ. Đây là phương cách giáo dục của người Do Thái. Thực ra đó cũng là yếu tố chính trong toàn bộ nền giáo dục cổ đại, kể cả nền giáo dục La-mã – Hy Lạp.4
Vào tuổi mười hai, các bé trai sẽ bắt đầu tập sự học hỏi một nghề nghiệp. Các bé gái sẽ học các kỹ năng nội trợ để chuẩn bị cho hôn nhân. Từ tuổi mười hai cho đến tuổi mười tám, các bé trai có thể bắt đầu tập sự để trở nên một rabbi. Các bé trai đó phải hoàn thành việc ghi nhớ kinh Torah, cùng với phần lớn Cựu Ước, và những lời dạy từ thầy.
Khi mười hai môn đồ trải qua sự dạy dỗ của Đức Chúa Giê-su là rabbi của họ, các môn đồ phải cam kết ghi nhớ và sống theo không chỉ những Lời trong Cựu Ước, mà còn là những lời dạy của Đức Chúa Giê-su.
Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của Ta, và học theo Ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng. (Ma-thi-ơ 11:28-30)
“Ách” là thứ rất phổ biến trong thời của Đức Chúa Giê-su. Các con bò phải bị buộc vào một miếng gỗ để có thể kéo vật nặng. Cũng vậy, thuật ngữ này được dùng cho một môn đồ đặt mình dưới ách là sự hướng dẫn của rabbi. Trong nền văn hóa Do Thái, các học trò của rabbi phải ghi nhớ lời dạy của rabbi đó. Chính vì thế, trong sách giảng giải về giáo luật Do Thái, Mishna, Aboth, ii, 8 có viết: “Một học trò giỏi giống như một bể chứa được trát vữa, không để rơi một giọt nước nào.” Trong câu Kinh Thánh được trích dẫn bên trên, Đức Chúa Giê-su phán rằng: “hãy gánh lấy ách của Ta, và học theo Ta.” Từ “học” có nguồn gốc từ một chữ mà ngày nay chúng ta dịch ra trong Tân Ước đó là từ “làm môn đồ.”
Ngày nay, trường Uppsala của Harald Riesenfield và Birger Gerhardsson đã phân tích mối quan hệ giữa Đức Chúa Giê-su với các môn đồ của Ngài trong bối cảnh các thông lệ rabbi người Do Thái vào năm 200 SCN. Họ đã khám phá rằng trong vai trò là người thầy có thẩm quyền hay nói cách khác là một rabbi, Đức Chúa Giê-su đã huấn luyện các môn đồ của Ngài phải tin và ghi nhớ những lời dạy của Ngài. Bởi vì nền văn hóa của họ rất đặt nặng việc truyền miệng kiến thức, họ phải ghi nhớ một lượng tài liệu khổng lồ dựa theo chuẩn mực của ngày hôm nay. “Giá trị văn hóa đề cao việc môn đồ phải ghi nhớ đúng lời dạy và hành động của người thầy của họ, rồi tiếp tục truyền cho thế hệ kế tiếp.”5 Đối với mười hai môn đồ, lời kêu gọi trở nên môn đồ là sự kêu gọi gắn kết cuộc sống của họ với lời dạy của Đức Chúa Giê-su.
Trong thời gian tôi làm giám đốc phát triển môn đồ của một trường đại học Cơ Đốc lớn và tự hào vì đã đọc tất cả các sách về phát triển môn đồ và môn đồ hóa sẵn có vào lúc đó. Đôi khi vợ của tôi, Cathy, hỏi rằng: “Giáo trình phát triển môn đồ nào tốt nhất trên thị trường?” Tôi đáp: “Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng, cùng với sách Công vụ các sứ đồ, và đặc biệt coi trọng những phần chữ đỏ.”
“Chỉ thế thôi sao?” vợ tôi hỏi, tỏ vẻ bình thường. “Tại sao?”
Tôi đáp: “Bởi vì nếu tôi có thể khiến một người sống theo các sách Phúc Âm và áp dụng các mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su giống như cách các môn đồ đã áp dụng trong sách Công vụ các sứ đồ, tôi tin rằng mình đã đào tạo được một môn đồ. Và tôi tin rằng những môn đồ như thế sẽ thay đổi thế giới.”
Dave Earley
Translated by Vinh Hien