Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Cô Bé Bên Cửa Sổ

Cô Bé Bên Cửa Sổ

Buổi sáng thật là tuyệt, nhất là vừa trải qua một cuộc hành trình vất vả trên chiếc xe khách cà tàng vào đêm hôm trước, rồi được ngủ một giấc ngon lành để lấy lại sức. Những tia nắng của núi rừng xuyên qua vòm lá xanh, lúc lắc trong từng cơn gió, thỉnh thoảng lại có tiếng chim kêu lanh lảnh, đúng là một không gian yên bình của một ngày hè, ngày hè ở núi rừng.

little-vietnamese-girl-walking-alone-in-a-small-road-among-rice-paddies-G8W247

Nhận lời với dì Năm thành thử tôi phải lên đường. Mới vừa về nhà chưa được ít ngày thì dì Năm điện xuống, nói với má, nhờ tôi lên trông nhà giúp, dì có việc đi miền trong. Dì còn “quảng cáo” với má tôi là trên đó khí hậu mát mẻ, phong cảnh hữu tình, rất thích hợp với những ai cần thư giãn tinh thần sau một năm học tập vất vả. Nghe nói vậy, má tôi đồng ý ‎cái rẹt, không cho tôi có một lời từ chối nào, dù chỉ là lấy lệ. Không phải vì má không nhớ tôi sau suốt một năm tôi xa nhà, nhưng má muốn cho tôi được thoải mái ít ngày, được đi đây đi đó, cho biết quê hương đất nước… Tôi cũng hiểu vậy nên không phàn nàn gì nữa, dù rằng đã có những cuộc hẹn cùng mấy đứa bạn hồi cấp ba, đến thăm các thầy cô cũ. Thôi thì hè còn dài, vả lại, có mấy khi dì Năm nhờ vả, mà dì với gia đình tôi thì ơn sâu nghĩa nặng, dì xem tôi như con đẻ, lo cho tôi từng li từng tí…

Cái “biệt thự” xanh mà dì đã khoe với gia đình tôi thật ra là một ngôi nhà nhỏ, chỉ có khu vườn là rất đẹp. Ở đây có khoảng chừng hai mươi căn nhà, nhà nào cũng có một khu vườn thênh thang, còn đường thì, nói cho ra vẻ một chút chứ chẳng qua nó chỉ là những mảnh đất trống dành cho lối đi, nhưng rất rộng, có khi đến cả hai chục mét. Chắc sau này nếu có làm đường nhựa thì khỏi lo chuyện đền bù, giải tỏa.

Dì Năm trồng đủ loại hoa trước sân nhà, phía sau là một vườn cây ăn trái, chỉ tiếc là hình như không có trái nào vừa chín tới để đón chào tôi đến thăm. Đi làm suốt ngày, vậy mà dì vẫn dành những thời gian rãnh rỗi để chăm sóc khu vườn. Ban ngày, người thì vào nương rẫy, người đi làm trên thị trấn, đến chiều tối mới thấy thấp thoáng vài ba người lớn đi lại, nói chuyện. Mọi người rất chân tình, gần gũi với nhau. Cuộc sống rất yên bình, không có trộm cắp, xì ke nên tối ngủ có thể không đóng cửa, đi cả ngày mà không sợ mất đồ, thật là lý tưởng… Đó là sau này tôi mới biết chứ ngày đầu tiên thì tôi thấy nó cũng bình thường như những xóm làng khác, chỉ đặc biệt là rất yên tĩnh mà thôi…

Đang ngồi trước sân để “chiêm nghiệm” cuộc sống trôi qua trước mắt mình, thì một chú chó nhỏ không biết từ đâu chạy tới quấn quít lấy tôi. Không hiểu nó thuộc giống chó gì mà nhỏ xíu, chắc dài khoảng hơn một gang tay thôi, nhưng nhìn cái vẻ khôn lanh của nó tôi đoán đây là chó trưởng thành rồi. Nó cứ kêu rít rít, vẫy đuôi, chạy lăn xăn trước mặt tôi. Lúc đầu tôi nghĩ đây là chó của dì Năm, nhưng sực nhớ dì đâu có nuôi.

Bỗng phía bên kia đường có tiếng kêu:

–    Li Li, mi đâu rồi?

Bên kia đường, trong ngôi nhà nhỏ khuất sau cái hàng rào trắng, một cô bé đang chồm ra ngoài cửa sổ kêu. Tôi bồng con chó và đưa lên rồi hỏi:

–   Có phải hắn không?

–   Đúng rồi đó. Anh thả hắn xuống đi. Li Li, đi tìm đi.

 

Phía bên này, con chó cứ quẫy đuôi và quấn quít lấy chân tôi. Tôi hỏi:

–   Hắn tìm chi rứa?

–  Trái banh.

Tôi nhìn quanh. À, thì ra có một trái banh rớt trong chậu hoa của dì Năm, cái chậu hơi cao hơn so với chiều cao khiêm tốn của con chó nên nó không thể nào với tới được. Tôi hất trái banh xuống đất, Li Li vội chạy lại, gặm lấy trái banh và chạy tót về nhà bên kia.

Tôi đi theo con chó nhỏ qua ngôi nhà bên kia đường. Ngôi nhà cũng từa tựa như nhà của dì Năm, nhưng nằm trên một mô đất cao. Cô bé hàng xóm chỉ khoảng 14, 15 tuổi, đôi mắt tròn và sáng, nước da hơi ngăm đen. Có lẽ con gái ở đây là vậy, tôi thầm nghĩ.

–    Chào anh nghe.

–   Chào.

–   Anh mới tới hồi hôm phải hông?

–   Ờ, mới đi xe lên, răng biết giỏi rứa?

–  Hồi hôm em thấy xe đậu trước nhà cô Năm mà.

 

Chà, cô bé này cũng lanh thiệt. Tôi hỏi qua chuyện khác:

–     Con chó khôn ghê hỉ?

–    Cũng được, nhưng hắn chỉ có một cái trò lượm banh đó thôi, em quăng đâu hắn cũng chạy theo lượm hết.

–  Té ra trái banh hồi nãy là em quăng qua nhà anh?

–  Đúng mà cũng không đúng. Em quăng trúng cái cây, nó văng qua nhà anh đó.

–  Ờ, thì ra rứa. Con chó có vẻ hiền.

–   Dạ. Anh ở chơi lâu hông?

–  Chắc vài ba ngày. Bữa mô dì Năm về, anh về lại dưới nớ.

–  Em có nghe cô Năm nói, rứa anh bà con với cô Năm?

–  Không, nhưng hai gia đình thân nhau lắm, dì coi anh như con ruột.

–   Ờ, cô Năm cũng thương em lắm, coi em như con ruột, rứa là hai đứa mình là hai anh em.

Tôi tức cười với cái câu “hai đứa mình là hai anh em”, con nhỏ này thiệt…

–   Thôi cũng được. Nhưng em phải cho anh biết tên chớ!

–   Anh đoán thử coi.

–   Chịu.

–    Không lẽ lớn như anh mà không đoán được na?

–     Anh mà đoán được thì anh mua một cái gương đen rồi.

–    Chi rứa?

–    Thì đeo vô, ra ngoài chợ làm thầy bói rồi…

Cô bé cười thích chí:

–   Thôi để em nói, tên xấu lắm nghe.

–    Thì nói đi.

–     Hồng Phượng.

Tôi kêu lên:

–    Cái tên chi giống mùa hè ghê rứa.

Cô bé nũng nịu:

–   Thì em đã nói rồi…

–  Không, tên hay đó, nhưng nghe đến là nhớ mùa hè.

–  Anh không thích mùa hè hở?

–   Thích chớ, ai mà không thích mùa hè, nghỉ học, đi chơi, sướng bắt chết.

–   Rứa tên anh là chi?

–   Vũ.

–   Khiêu Vũ?

–   Làm chi có tên Khiêu Vũ, tên Vũ thôi. Hơi xấu phải không?

Cô bé kênh kênh cái mặt.

–   Cũng tàm tạm.

–   Nhưng chắc hay hơn Hồng Phượng?

–    Á, anh chọc em hoài, em không chơi nữa đâu.

–   Thôi, không chọc nữa. Chừ em giúp anh một việc nghe.

–     Việc chi?

–   Ở đây có cảnh đẹp, chỗ mô đi chơi được, em giới thiệu cho anh với chớ. Ở nhà cũng buồn lắm.

–     Biết bao nhiêu là chỗ đẹp, chỉ sợ anh không đi nổi.

Nói rồi cô bé giới thiệu cho tôi nào là Suối Tiên chín tầng, làng Đại Linh nổi tiếng với cây trái miền nam, thác Ồ Ồ… Cô bé còn hướng dẫn cho tôi phải đem theo những gì, nước uống, thức ăn, nghỉ ngơi chỗ nào cho rẻ mà chất lượng… Tôi thầm nghĩ sao cô bé này có vẻ thông thạo quá, giống như một người lớn. Tôi hỏi:

–      Ủa, mấy chỗ ni em đi rồi hả?

–     Đi hết rồi, hè năm mô cả nhà em cũng đi chơi hết.

–       Năm ni có đi không?

Cô bé cười:

–  Năm ni có sự cố, không đi được, nhưng chắc chắn sang năm sẽ đi, có thể đi xa hơn, biết đâu xuống dưới chỗ anh chơi, nếu anh cho phép.

Một lần nữa tôi lại tức cười cho cái từ “nếu anh cho phép”. Nhỏ mà ăn nói như người lớn, ra vẻ nữa chứ.

–     Mà nè, anh có nghĩ là mọi việc xảy đến cho mình là trong ‎ý Chúa hết không?

–      Có chớ. Mình sống theo ý Chúa, Chúa lo liệu cho mình mọi điều.

–     Đúng, em cũng nghĩ rứa, không phải lo chi.

–     Mắc chi lo?

Cô bé im lặng, cười.

Cái nụ cười rất tươi. Nói văn vẻ một tí thì tôi rất rất thích nụ cười này, nó là biểu hiện của một người yêu đời, lạc quan và thanh thản. Tôi lại tự hỏi, sao cô bé lại cười đáng yêu đến thế, và tự trả lời, chắc trong lòng cô bé đang vui. Tự nhiên tôi cũng thấy vui lây với nụ cười đó, trong sáng và rất tự nhiên.

Cô bé cứ ngồi trong nhà, từ cửa sổ chồm ra nói chuyện với tôi, lúc đầu tôi cũng hơi bực mình không hiểu vì sao cô bé không chịu bước ra ngoài cho thoải mái, nhưng rồi tôi cũng quen. Sau này, hễ những lúc nào rảnh rỗi thì tôi lại chạy qua ngôi nhà xinh xắn đó, ngồi trên chiếc ghế đá trước sân nhà trò chuyện với cô bé bên cửa sổ. Chúng tôi dần trở thành hai người bạn thân từ lúc nào cũng chẳng hay, chỉ thấy thời gian trôi rất nhanh…

Nhờ có sự chỉ dẫn của Hồng Phượng mà tôi mới có dịp đi thăm các cảnh đẹp ở đây. Nơi mà tôi thích nhất có lẽ là Suối Tiên, một con suối khá lớn, nằm cách ngôi làng không xa. Suối nước có đến chín tầng, nhưng thường người ta chỉ lên đến tầng thứ ba là cũng đủ mệt nhoài khi leo lên con đường hẹp, dốc, sát bên hông núi. Ngồi bên dòng nước chảy ào ào, tôi thấy thật sảng khoái. Mạch nước dường như vô tận, cứ từ trên cao tuôn xuống. Một vài chiếc lá rơi xuống, rồi vụt trôi theo dòng nước, thoáng đó đã không còn một dấu tích gì. Tất cả không còn gì ngoài dòng chảy của nước, một dòng chảy thật mạnh mẽ từ cội nguồn trên cao, và hình như thời gian không là gì với những con nước ấy, suốt bốn mùa, bao tháng năm đi qua, tôi tin chắc rằng nó vẫn miệt mài trong cuộc hành trình vô tận của mình.

win

Ngày cuối cùng, Hồng Phượng chỉ cho tôi ngôi nhà thờ bằng gỗ nằm sát chân núi cuối làng. Gọi là cuối làng, nhưng đi vào đó cũng phải hơn chục cây số. Tôi hỏi cô bé sao bây giờ mới chỉ nhà thờ cho tôi. Hồng Phượng cười, thì em giới thiệu cho anh những cảnh đẹp của thế gian rồi, bi chừ là đường đến thiên đàng. Ngôi nhà thờ khá nhỏ, làm toàn bằng gỗ, chứng tỏ hồi xưa nơi đây cây rừng khá nhiều. Giữa núi rừng xanh thẳm, thì cái màu nâu xẩm của ngôi nhà thờ như một điểm nhấn của thời gian, đã mấy mươi năm rồi, nó vẫn tồn tại cùng mưa nắng. Đứng trước ngôi nhà thờ nhỏ bé, tôi có cảm giác như mình đang ở một nơi nào khác, hình như cảnh vật ở đây không hề thay đổi qua bao năm tháng, có chút gì cổ kính mà mộc mạc trong từng cành cây, ngọn cỏ.

 

Theo lời của thầy Truyền đạo quản nhiệm, Hội Thánh đang có kế hoạch xây dựng ngôi nhà thờ mới vì ngôi nhà thờ gỗ này không đủ chỗ ngồi. Tôi hỏi thầy Truyền đạo, còn ngôi nhà thờ gỗ, có phá đi không. Ông cho biết vẫn cố gắng giữ lại nó, vì đây không chỉ là một dấu tích lịch sử mà là một kỷ niệm của cha ông một thời rao truyền đạo Chúa trên vùng đất này. Nếu sửa sang lại thì có thể dùng nó để nhóm cầu nguyện mỗi sáng, làm lớp học trường Chúa nhật hoặc phòng nhóm cho các ban ngành…

Thầy Truyền đạo bỗng hỏi tôi:

–    Ai chỉ đường cho em đến đây?

–    Dạ, Hồng Phượng.

–    À, cô bé chỗ nhà chị Năm đó hả?

–   Dạ.

–   Hắn là con bé năng động, can đảm nhất mà tôi từng thấy, mà cũng là con bé cứng cỏi, yêu đời đó nghe.

–   Răng rứa thầy?

–   Em có biết bé bị gãy hai chân không?

–   Ủa, bé gãy hai chân hả. Em đâu biết, cũng mới quen có mấy ngày… Tôi ngần ngại trả lời.

–     Đúng ra là con bé không bị tai nạn. Khi chiếc xe khách lật, con bé bò ra được rồi, tự nhiên nhớ tới trong xe còn hai chị em bạn bị kẹt, hắn chạy tới cứu. Lôi được chị ra rồi, tới tiếp bé em nhỏ thì đồ đạc trên xe đổ xuống, chận hắn gãy hai cái chân, còn con bé nhỏ vẫn bình an vô sự.

–    Rồi sau…

–    Thì sau đó chở vô bệnh viện người ta mổ, bắt vít cả hai chân, không đi được nên ngồi xe lăn cho đến khi nào người ta mổ lấy vít, có thể phải tập đi nạng một thời gian cho cái chân mạnh hẳn.

Rồi thầy chép miệng:

–    Bình thường con bé sôi động lắm, chơi đùa cả ngày. Tuần mô hắn không tới nhà thờ là thấy nhớ hắn – một thiếu niên tin kính Chúa. Tội nghiệp, bị như rứa mà hắn vẫn lạc quan, yêu đời, coi như không có chi. Cũng may hắn học giỏi nên nhà trường đặc cách cho lên lớp chớ không thì ở lại lớp, tốn mất một năm.

 

Tôi yên lặng. Hèn chi mà bao nhiêu lần nói chuyện với Hồng Phượng, chưa một lần nào cô bé bước ra khỏi nhà. Nếu thầy Truyền đạo không nói cho tôi, thì có lẽ tôi cứ nghĩ Hồng Phượng hơi kiêu kỳ một chút. Nhưng điều tôi ngạc nhiên là cái thái độ vui vẻ, lạc quan, yêu đời như không có chuyện gì của cô bé. Tôi chắc chắn đức tin của cô bé rất vững vàng, mới vượt qua được thử thách như vậy, chứ nếu là tôi, chắc tôi ủ rủ suốt cả năm vì không được đi lại…

Khi tôi trở về nhà dì Năm thì Hồng Phượng, “cô bé bên cửa sổ”, và gia đình đã vào thành phố để phẫu thuật cho em. Chắc rồi chúng tôi cũng sẽ được gặp nhau, tôi nhìn qua ngôi nhà phía bên kia đường thầm nói, sẽ gặp sớm thôi. Và cũng cảm ơn cô bé, đã cho tôi một bài học về sự lạc quan và tin yêu trong cuộc sống của một người Cơ đốc.

 

Một chuyến đi nghỉ cũng đầy thú vị!

Vũ Hướng Dương 

HTTLVN.ORG

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn