“Vả lại không ai chiếm lấy chức trọng đó cho mình; nhưng phải được Đức Chúa Trời kêu gọi như A-rôn ngày xưa.” Hêb. 5: 4
Trước khi chúng ta nhìn vào cái mà chúng ta gọi là “Đặc điểm của Hội Thánh Calvary” là gì? Trước hết chúng ta hãy xem xét lại tầm quan trọng của sự kêu gọi và sự bền đỗ trong chức vụ.
Nếu có một đặc điểm nào chắc chắn nhất thiết để chọn một chức vụ hiệu quả đó chính là: Trước hết chúng ta phải nhận định rõ về sự kêu gọi trong đáy lòng của chúng ta. Kinh Thánh nói rằng chúng ta hãy nhận biết chắc chắn về sự kêu gọi của mình. Chúng ta có chắc là Chúa đã kêu gọi vào chức vụ hay không? Điều nầy hết sức quan trọng bởi vì hầu việc Chúa không là một nghề nghiệp mà mình có thể lựa chọn. Nhưng đó phải là sự kêu gọi của Đức Chúa Trời. Làm sao chúng ta biết mình được kêu gọi? Công việc Chúa đối với người được kêu gọi không phải là sự lựa chọn, nhưng nó là điều cần thiết. Như sứ đồ Phao Lô đã bày tỏ rằng: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Lời Chúa” (1Cô-rinh-tô 9:16). Cũng như tiên tri Giê-rê-mi quyết định rằng sẽ không bao giờ giảng Lời Chúa nữa, bởi vì điều đó khiến cho ông gặp rắc rối. Ông đã bị bỏ vào tù và còn bị hăm dọa nữa. Có lúc ông đã muốn bỏ cuộc: “Thôi xong rồi, tôi phải chạy khỏi đây”. Nhưng rồi ông lại nói: Nếu tôi sẽ chẳng nói đến Ngài nữa; tôi sẽ chẳng nhân danh Ngài mà nói nữa, thì trong lòng tôi như lửa đốt cháy, bọc kín trong xương tôi, và tôi mệt mỏi vì nín lặng, không chịu được nữa (Giê-rê-mi 20:9). Sự kêu gọi là như vậy chứ không phải chỉ để phô trương. Có những lúc thật khó khăn trong chức vụ như sứ đồ Phi-e-rơ đã viết: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường” (1 Phi-e-rơ 4:12). Chúng ta cần hiểu rằng mặc dù Chúa đã kêu gọi chúng ta vào chức vụ thì sự kêu gọi đó chắc sẽ trải qua nhiều thử thách. Chúng ta chắc chắn như thế nào về Chúa đã kêu gọi chúng ta phục vụ Ngài?
Khi tôi cảm nhận được sự kêu gọi vào chức vụ, tôi đã vào trường Kinh Thánh để chuẩn bị. Điều khó khăn nhất đối với tôi khi tôi còn trong trường là tôi nghĩ rằng tôi cần phải đi ra ngoài để bắt đầu công việc ngay. Tôi nghĩ: “Thế gian đang chết vì không có Chúa Jesus, còn tôi tại sao lại còn ở đây trong phòng học qua các sách vở.” Lúc đó tôi tin chắc rằng thế giới đang chờ đợi chính tôi. Thế nhưng sau khi ra trường và nhận lãnh mục vụ đầu tiên, các bạn có tưởng tượng được sự ngạc nhiên của tôi khi vỡ lẽ: thì ra thế giới đâu có chờ đợi tôi như tôi đã nghĩ. Thử thách bắt đầu đến. Khó khăn tâm linh cũng như khó khăn về tài chánh. Tôi đã không nhận được kết quả như tôi mong muốn trước đó.
Và vấn đề khó khăn về tài chánh bắt buộc tôi phải đi kiếm việc làm ở ngoài để phụ giúp gia đình và duy trì chức vụ. Tôi biết được rằng làm việc trong Hội Thánh không có lương. Suốt như thế trong 17 năm, tôi vừa làm việc ở ngoài vừa hầu việc Chúa. Lúc đó tôi nhận biết sự khó khăn đến vì tôi chắc là mình được kêu gọi vào chức vụ. Nhưng có lúc tôi cũng tự hỏi về sự kêu gọi của mình. Và có những lúc tôi xin Chúa thay đổi sự kêu gọi đó. Tôi thưa rằng: “Chúa ơi, xin Ngài cho con làm một thương gia. Con cảm thấy làm một doanh nhân rất là dễ, con thấy làm ra tiền cũng rất dễ. Và Chúa ơi, con có thể là một người thương gia tốt. Con sẽ phụ giúp cho Hội Thánh và giúp đỡ cho các mục sư khác vậy.” Nhưng Chúa không để tôi bỏ cuộc, mặc dầu có lúc tôi muốn bỏ cuộc. Khải tượng hầu việc Chúa cứ bùng cháy mãi trong lòng tôi. Thế nên chúng ta cần phải có sự kêu gọi. Điều quan trọng là chúng ta mỗi một người cần phải tự hỏi chính mình câu hỏi đơn sơ này: “Chúa có gọi mình vào chức vụ hay không?”
Cùng một lúc với sự kêu gọi thì cũng cần phải có sự dấn thân. Có nhiều đức tính quan trọng nữa mà một mục sư cần phải có khi đầu phục Chúa Jesus. Tôi nay là người thể nào không bởi sự khát vọng tôi, cũng không bởi chính sự ham muốn của mình, và cũng không phải bởi ý riêng tôi. Tôi đã dấn thân cho Ngài. Và nếu tôi đã dấn thân cho Chúa, tôi cũng luôn trung thành với Lời Chúa và công việc Ngài để phục vụ người khác.
Để có một đức tính tốt trong sự hầu việc Chúa, chúng ta cần ghi nhớ những lời của Chúa phán: “ Các ngươi biết những người được tôn làm đầu cai trị các dân ngoại, thì bắt dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền thế trị dân. Song trong các ngươi không như vậy; trái lại hễ ai muốn làm lớn trong các ngươi, thì sẽ làm đầy tớ; còn ai trong các ngươi muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi cho mọi người”. (Mác 10:42-43). Nên nhớ rằng ở Hội Thánh Chúa không phải là chỗ để chúng ta được hầu hạ, hay là để được tôn trọng vì nghĩ mình là một mục sư. Nhưng thật ra nó là một nơi để chúng ta phục vụ người khác, nếu cần thiết chúng ta phải làm bất cứ điều gì, miễn là vinh danh Chúa.
Trong một dịp gần đây tôi có đi dự một Hội đồng và tôi không thể tưởng tượng được những sự bê bối của các mục sư. Họ đem cả những ly cà phê và nước ngọt vào phòng họp. Những điều đó thì không sao cả, nhưng khi chúng tôi được nghỉ ăn trưa thì họ cứ vứt những ly cà phê và những lon nước ngọt bừa bãi ở trên sàn nhà. Bởi thế, tôi phải đi nhặt chúng lại để dọn dẹp phòng nhóm được sạch sẽ hơn. Vì tôi biết rằng nếu cứ để yên đó thì những người khác đi ngang sẽ đá ngã và làm dơ thảm sàn nhà. Tôi không muốn để cho người khác thấy các mục sư Hội Thánh Calvary bê bối như thế. Thế nên có nhiều người nghĩ là sự hầu việc Chúa là một cơ hội để được phục vụ hơn là để phục vụ người khác. Họ nghĩ rằng: “Sẽ có người dọn dẹp vì tôi là một mục sư ”. Điều này không những không đúng với tinh thần trong Lời Chúa dạy mà còn đối kháng với tinh thần của người hầu việc Chúa nữa.
Xưa kia, tôi hay vứt quần áo lung tung trong nhà. Cuối cùng vợ tôi bảo rằng, “ Nè anh, treo quần áo lên cẩn thận đấy. Tôi làm vợ anh chứ đâu phải là người giúp việc mà tại sao tôi phải dọn dẹp quần áo cho anh chứ?” Sau đó tôi nghĩ lại thì thấy cô ấy nói đúng. Tôi không nên đòi hỏi vợ tôi phải đi nhặt quần áo cho tôi. Bài học đó thật quan trọng cho tôi vì Chúa không kêu gọi tôi để làm vua; nhưng Chúa đã kêu gọi tôi để phục vụ người khác.
Vào thời điểm Chúa ăn bữa tối với các môn đồ trước khi Ngài bị phản bội, bị bắt và rồi bị đóng đinh trên thập tự. Chúa lấy khăn quấn ngang người mình rồi đi rửa chơn cho các môn đồ. Sau khi đã rửa chơn cho môn đồ, Ngài mặc áo lại; đoạn ngồi vào bàn và phán rằng: “Các ngươi có hiểu điều ta đã làm cho các ngươi chăng? Các ngươi gọi ta bằng Thầy bằng Chúa; các ngươi nói phải, vì ta thật vậy. Vậy, nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chơn cho các ngươi, thì các ngươi cũng nên rửa chơn lẫn cho nhau.” (Giăng 13:12-14). Như Phi-e-rơ cũng đã nói “Anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Chirst cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chơn Ngài.” (1 Phi-e-rơ 2:21). Chữ “mục vụ” thực ra có nghĩa là phục vụ. Chúng ta đã được gọi để trở thành tôi tớ. Chúng ta là những tôi tớ trước hết cho Chúa và cũng cho con cái của Chúa nữa.
Theo ý tôi thì những người hút thuốc lá có một thói quen dơ bẩn nhất thế giới. Họ luôn luôn có cái mùi mà đi đâu họ cũng để lại cái mùi đó. Cho nên rất dễ biết được một người có hút thuốc hay không. Mình chỉ cần đi ngang là có thể ngửi được mùi đó trên họ hoặc trên quần áo họ. Khi vào nhà một người hút thuốc, chỉ cần ngửi cái màn cửa không thôi cũng đủ ngã ngữa rồi. Hút thuốc là thói quen bẩn nhất. Nhưng mà còn tệ hơn thế nữa, họ vất những tàn thuốc khắp nơi. Rồi họ thường lấy bàn chân của họ dúi đi điếu thuốc đang cháy làm bẩn cả lối đi. Khi đến phòng nhóm họ cũng phì phà điếu thuốc, sửa soạn vào nhóm họ cứ vứt bừa dưới đất rồi lấy chân chà ngang qua. Ai là người phải đi nhặt những tàn thuốc ấy?
Khi tôi lớn lên trong gia đình, mẹ tôi dặn là không được đụng đến thuốc lá. Thế nên tôi rất kỵ thuốc lá cho đến ngày hôm nay, tôi không thể không cảm thấy khó chịu khi đụng đến thuốc lá hay tàn thuốc lá. Mỗi khi tôi phải nhặt một tàn thuốc ở dưới đất, ngay lúc ấy có cái gì đó làm tôi rất là khó chịu giống như hồi còn nhỏ. Ghê thật! Khi tôi đi vòng trong sân của Hội Thánh và thấy đầy tàn thuốc lá, tôi cảm thấy rất khó chịu đành phảỉ cúi xuống nhặt nó lên. Nhưng khi tôi nhặt nó lên thì tôi cảm thấy trong lòng có sự bực tức đốí với những người hút thuốc, tôi lại nghĩ: “Những người nầy thật là bẩn thỉu, hôi hám, bất lịch sự.”
Nhưng sau đó Chúa phán với lòng tôi rằng: “Con phục vụ ai?” Tôi đáp lại: “Con phục vụ Chúa.” Chúa bảo: “Thế thì đừng có lằm bằm.” Thế nên, không nên phục vụ với lòng cay đắng. Đừng lằm bằm khi phục vụ. Nếu tôi đi nhặt những tàn thuốc và nghĩ xấu về những người hút thuốc, thì tôi không nên làm. Nhưng nếu tôi nghĩ: “Chúa ơi, con muốn giữ cho nhà Chúa sạch sẽ” thì tôi nhận thấy rằng tôi có thể nhặt những tàn thuốc đó và trong lòng không cảm thấy khó chịu vì tôi làm cho Chúa, chứ không phải làm cho ai khác, nhưng chỉ cho Chúa mà thôi. Kinh Thánh cũng cho ta biết: “Mặc dầu anh em nói hay làm, cũng phảỉ nhơn danh Đức Chúa Jesus mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức chúa Trời, là Đức Chúa Cha.”(Cô-lô-se 3:17)
Không có thái độ nào quan trọng hơn điều nầy khi tham gia các mục vụ. Chúng ta cần phải phục vụ người khác như là phục vụ chính Chúa vậy. Chúng ta thấy con người rất là kỳ lạ. Họ thiếu sự biết ơn, thường đòi hỏi và nhiều khi chúng ta không gần gủi họ được. Thế nên nếu anh nghĩ rằng: “Tôi bắt buộc phải phục vụ họ thì nó sẽ làm cho anh đau khổ.” Nhưng nếu anh nghĩ rằng: “Tôi đang phục vụ Chúa mà.” Thì anh có thể làm bất cứ điều gì để vinh danh Chúa. Vì thế bất cứ công việc nào chúng ta làm cũng phải làm như cho chính Chúa vậy, vì biết rằng chúng ta sẽ nhận lãnh phần thưởng từ Ngài.
Không nên tìm kiếm sự khen ngợi của con người. Cũng đừng mong họ nói rằng: “Cảm ơn anh/chị nhé! Ồ, anh tốt với tôi quá nhỉ”. Thông thường thì cũng hiếm khi được nghe họ nói như vậy. Tôi đã phục vụ, vẫn phục vụ và tiếp tục phục vụ người khác, và khi tôi không còn phục vụ họ nữa thì giống như là tôi bị họ đá giò lái vậy. Thế nên các anh cần phải ghi nhớ trong đầu mình là làm bất cứ điều gì như làm cho chính Chúa vậy. Vì Chúa sẽ ban phần thưởng cho chúng ta. Các anh phải ghi nhớ điều đó vì Ngài là chủ, chính Ngài sẽ ban thưởng cho chúng ta. Chính tôi cần phải luôn giữ thái độ đó ở trong lòng. Khi tôi phục vụ người khác tức là tôi phục vụ Chúa.
Chúng ta không chỉ luôn giữ sự trung thành với Chúa Jesus trong sự phục vụ người khác không mà thôi. Nhưng chúng ta còn phải trung thành với Lời Chúa nữa. Tôi nghĩ rằng người nào mà không tin nhận Thánh Kinh là Lời trọn vẹn của Đức Chúa Trời và được soi dẫn bởi Thánh Linh Chúa thì không có quyền vào trong chức vụ. Buồn thay, ở Hoa Kỳ có khoảng 50% mục sư rơi vào trong trường hợp này. Tại sao mình phải dạy Kinh Thánh mà mình lại không tin vào Kinh Thánh ? Và nếu mình đã tin rằng Kinh Thánh đã được Thánh Linh cảm ứng và đó là trách nhiệm của chúng ta để dạy Lời Chúa thì tốt nhất là hãy học biết Lời Ngài. Và trung tín với Lời Ngài. Cũng như sứ đồ Phao-Lô đã dạy Ti-mô-thê: “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật.” (2 Ti-mô-thê 2:15). Chúng ta có thể học biết Kinh Thánh và sự học hỏi thì không bao giờ hết. Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn tiếp tục trung tín học hỏi Lời Chúa, chuyên tâm cho đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Chuck Smith
(Translated by Hon Pham)