Thứ Năm , 23 Tháng Một 2025
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Nguyên Tắc Nền Tảng Đối Với Môn Đồ Hóa

Nguyên Tắc Nền Tảng Đối Với Môn Đồ Hóa

Bài trước:

DÂNG VINH HIỂN VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI

Vậy nguyên tắc nền tảng NÀY đó chính là dâng vinh hiển lên cho Đức Chúa Trời. Hãy xem I Cô-rinh-tô 10:31: “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm.” Cũng vậy, sự vinh hiển của Đức Chúa Trời chính là nguyên tắc nền tảng cho môn đồ của Chúa. Sứ đồ Giăng đã liên kết sự vinh hiển của Đức Chúa Trời với việc trở nên môn đồ của Chúa khi ông nói: “Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: Ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn đồ của ta vậy” (Giăng 15:8). Kế hoạch cuối cùng của Đức Chúa Trời dành cho cuộc đời bạn là một môn đồ của Đức Chúa Giê-su Christ (môn đồ) đó chính là dâng vinh hiển cho Danh Ngài, được minh chứng qua việc sanh bông trái, hay nói cách khác là môn đồ hóa. Môn đồ hóa được thể hiện qua việc giúp người khác nhận biết Đức Chúa Giê-su, giúp họ tăng trưởng và làm theo lời Chúa. Kế đến, họ sẽ bắt đầu cam kết làm theo những mệnh lệnh của Chúa và vâng theo Đại Mạng Lệnh. Sự theo đuổi nhiệt thành này sẽ giúp mỗi một môn đồ của Đức Chúa Giê-su dâng lên Chúa nhiều sự vinh hiển nhất, và điều này cũng kết nối các môn đồ với sứ mệnh truyền giáo toàn cầu của Đức Chúa Trời. Dâng vinh hiển lên cho Đức Chúa Trời là mục đích của mỗi một cá nhân và cũng là kế hoạch mà Đức Chúa Trời dành cho cả địa cầu này. Là những người môn đồ hóa, chúng ta có đặc quyền chia sẻ tin mừng của Đức Chúa Giê-su cho tất cả mọi người và khích lệ những ai đã tiếp nhận Đức Chúa Giê-su Christ tiếp tục tăng trưởng và phát triển cho Đấng Christ.

1 c


Giúp người khác tham dự vào chương trình của Chúa

Ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho bạn gắn liền với sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Ý muốn của Đức Chúa Trời có thể được tìm thấy trong Lời Ngài, và như chúng ta đã chứng minh, ý muốn của Đức Chúa Trời cho cuộc đời bạn đó là dâng vinh hiển lên cho Ngài. Trong mỗi một giai đoạn tăng trưởng và phát triển của bạn là một môn đồ của Đấng Christ, ý muốn của Đức Chúa Trời đó là Ngài được tôn vinh qua cách bạn sống. Song, câu hỏi vẫn là làm thế nào? Làm thế nào tôi có thể dâng vinh hiển lên cho Chúa? Tương tự: “Làm thế nào tôi có thể giúp người khác dâng vinh hiển lên cho Chúa?”

Như chúng ta đã đề cập ở trên, môn đồ có những giai đoạn phát triển nhất định. Mỗi một giai đoạn phải được gắn chặt với ý muốn của Đức Chúa Trời và gắn chặt với nguyên tắc nền tảng đó là tôn vinh Chúa. Là những người môn đồ hóa, mục đích của chúng ta đó là tôn vinh danh Ngài. Chúng ta hoàn thành mục đích này bằng cách “giúp người khác tham dự vào chương trình của Chúa.”3 Giúp người khác tham dự vào chương trình của Chúa bao gồm việc giúp họ khám phá, kinh nghiệm ý muốn Chúa cho cuộc đời họ. Khi chúng ta xem xét ý muốn Chúa trong mỗi một giai đoạn, chúng ta cũng sẽ khám phá những khía cạnh cụ thể trong ý muốn Chúa cho môn đồ.

Về mặt này, môn đồ hóa rất giống với việc làm cha mẹ. Để được làm cha mẹ thuộc thể, bạn phải có con cái. Để trở nên cha mẹ thuộc linh, người khác phải tiếp nhận Đức Chúa Giê-su là Chúa và Đấng Cứu Chuộc thông qua bạn. Cha mẹ thuộc thể thì muốn nhìn con cái của họ lớn lên và phát triển. Khi chúng trưởng thành, chúng cũng sẽ lập gia đình và trở nên những bậc phụ huynh, rồi chúng cũng sẽ có những đứa con của chúng. Cũng vậy, những cha mẹ thuộc linh muốn nhìn thấy những đứa con của họ tăng trưởng và phát triển.

Khi những tân tín hữu trưởng thành về mặt thuộc linh, họ sẽ tăng trưởng đến lúc sản sinh ra những đứa con thuộc linh. Khi những đứa con thuộc linh được sinh ra, những cha mẹ thuộc linh chăm sóc và giúp đỡ chúng “lớn lên” cho đến lúc chúng cũng sẽ có những đứa con thuộc linh riêng của chúng. Mục đích cuối cùng của những cha mẹ thuộc linh đó là nhìn thấy “những đứa con” của họ trưởng thành và ra đi! Những đứa con này sẽ trưởng thành và trở nên hình ảnh phản chiếu của cha mẹ chúng. Chúng sẽ đem lại cho cha mẹ chúng sự vinh hiển. Đó là tiến trình của tự nhiên và cũng nên là tiến trình trong lĩnh vực thuộc linh. Con cái là sự vinh hiển của cha mẹ, và cháu chắt là “mão triều thiên của ông già” (Châm Ngôn 17:6).

Tôi phải bắt đầu từ đâu?

Hãy cùng ôn lại, giai đoạn đầu tiên của ý muốn Chúa cho mỗi một người đó là sự cứu rỗi. Ngài muốn mỗi một người có được mối quan hệ tốt lành với Đức Chúa Giê-su Christ. Được sinh lại đó là điểm khởi đầu cho một đời sống dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời. II Phi-e-rơ 3:9 viết rằng: “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.” Đức Chúa Trời không muốn bất kỳ ai bị chết mất trong tội lỗi và sự hư mất của họ. Đó là lý do vì sao Ngài ban Con Ngài để chết trên thập giá. Ngài đã thay thế chỗ của chúng ta trên thập giá. Ngài đã thay thế chúng ta, và nhờ đó, chúng ta được tha thứ tội lỗi và sống đời sống dâng vinh hiển lên cho Ngài.

Giai đoạn kế tiếp của ý Chúa cho mỗi một môn đồ của Ngài đó là tăng trưởng tâm linh. Hãy suy nghĩ điều Phao-lô đã nói trong I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-4: “Vì ý muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: tức là phải lánh sự ô uế, mỗi người phải biết giữ thân mình cho thánh sạch và tôn trọng.” Câu Kinh Thánh này đã quá rõ ràng. Ý muốn của Đức Chúa Trời đó là bạn tăng trưởng trong sự nên thánh. Sự thánh hóa là một từ ngữ mà chúng ta không thường sử dụng trong ngày hôm nay, nhưng nó có nghĩa đơn giản đó là bạn luôn luôn nói vâng với Đức Chúa Trời và nói không với tội lỗi. Đức Chúa Trời được tôn vinh qua việc chúng ta khích lệ và truyền sức cho môn đồ của Ngài tăng trưởng và phát triển.

Giai đoạn phát triển thứ ba của môn đồ đó là sự phục vụ. Hãy lắng nghe điều sứ đồ Phao-lô đã nói trong Ê-phê-sô 2:10: “vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Giê-su Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.” Ê-phê-sô 2:8-9 nói rằng chúng ta không được cứu nhờ việc làm, nhưng câu 10 nói rõ rằng chúng ta được cứu để làm việc lành. Đức Chúa Trời đã suy nghĩ những điều mà Ngài muốn con cái của Ngài thực hiện. Ngài đã chuẩn bị chúng ta trước để phục vụ trong vương quốc của Ngài. Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao Đức Chúa Trời ban cho mỗi một Cơ Đốc Nhân ít nhất một ân tứ thuộc linh? Mỗi một Cơ Đốc Nhân đều có một ân tứ, và người đó phải sử dụng ân tứ của mình để dâng vinh hiển cho Chúa. Chúng ta sử dụng ân tứ của mình trong thân thể của Chúa để phục vụ lẫn nhau và xây dựng thân thể của Đấng Christ (Ê-phê-sô 4: 16). Greg Ogden nhận định rằng: “Chúng ta đóng góp vào sức khỏe của cả thân thể bởi mục vụ hoặc ân tứ thuộc linh của mình.”4 Nếu bạn tuyên bố mình là môn đồ của Đấng Christ song bạn vẫn chưa hầu việc Ngài, thì tôi nghiêm túc đặt vấn đề chỗ đứng của bạn trong Đấng Christ. Trong Ma-thi-ơ 7:16, Đức Chúa Giê-su đã phán rằng: “Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được.”

Giai đoạn phát triển thứ tư của một môn đồ đó là học để hy sinh và chịu đựng đau khổ. Tôi xin nhắc lại những điều Phi-e-rơ đã nói về sự đau khổ của chúng ta và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời: “hầu cho sự thử thách đức tin anh em quí hơn vàng hay hư nát, dầu đã bị thử lửa, sanh ra ngợi khen, tôn trọng, vinh hiển cho anh em khi Đức Chúa Giê-su Christ hiện ra” (I Phi-e-rơ 1:7). Leith Andersen đã nêu lên quan điểm sau đây về sự đau khổ: “Đức Chúa Trời luôn luôn là người chủ tối cao, chúng ta tin cậy Ngài sẽ có câu trả lời đúng đắn dù chúng ta có thích câu trả lời đó của Ngài hay không. Khi Đức Chúa Trời chọn thi hành phép lạ và hóa giải vấn đề của chúng ta, chúng ta biết ơn Ngài vô cùng. Nhưng khi Ngài nói không, chúng ta vẫn phải trung tín và cầu nguyện rằng Ngài sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để vượt qua khó khăn đó, khiến Ngài được tôn trọng, và dũng cảm trong những lời nói của chúng ta cho Đức Chúa Giê-su.”5

Đức Chúa Giê-su đã cho các môn đệ của Ngài một thông điệp thẳng thắn: “Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta. Còn ai không vác thập tự giá mình mà theo ta, cũng không được làm môn đồ ta” (Lu-ca 14:27-27). Mang lấy thập giá của Đức Chúa Giê-su có nghĩa là môn đồ của Chúa phải sẵn sàng chịu khổ vì Vua muôn vua. Nếu chúng ta bền lòng hy sinh và chịu đau khổ vì Đức Chúa Giê-su, khi ấy Đức Chúa Trời sẽ được tôn vinh.

t 1

Giai đoạn thứ năm phản ánh mục đích cuối cùng của môn đồ Chúa Giê-su: ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho bạn đó là sanh bông trái, và khi bạn sanh bông trái, Đức Chúa Trời được tôn vinh. Một lần nữa hãy lắng nghe lời của Đức Chúa Giê-su trong Giăng 15:8: “Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: Ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn đồ của ta vậy.” Mục đích cao nhất của môn đồ Đức Chúa Giê-su đó là phát triển đến một lúc họ sanh bông trái cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Có nhiều cách đễ diễn giải từ “kết quả” trong câu Kinh Thánh trên. Đầu tiên, đó là bông trái tốt lành nói về tính cách của Cơ Đốc Nhân. Chẳng hạn như, chúng ta có thể nghĩ về bông trái Đức Thánh Linh sản sinh ra những hành động tốt lành trong đời sống của chúng ta, cụ thể là: “Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22-23). Khi những bông trái này được thể hiện, Đức Chúa Trời vui lòng và Ngài được tôn vinh. Loại bông trái này định hình phẩm chất của môn đồ Đức Chúa Giê-su, đó cũng là nền tảng cho mọi mục vụ; trở nên những lãnh đạo để phục vụ. Thêm vào đó, chúng ta cũng có thể kết quả bằng việc chia sẻ phúc âm và giúp đỡ những người mới tiếp nhận Chúa được tăng trưởng. Chúng ta cũng có thể kết quả bằng việc sử dụng những ân tứ thuộc linh và phục vụ những người xung quanh chúng ta. Tất cả những điều trên sản sinh “bông trái” trong đời sống của chúng ta và dâng vinh hiển về Chúa.

Dù bạn làm gì…

Là những người môn đồ hóa, động lực của chúng ta đó là dâng lên Chúa thật nhiều sự vinh hiển qua đời sống chúng ta và qua đời sống của những người mà chúng ta phục vụ. Cuối cùng, chúng ta khao khát muốn nghe Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm” (Ma-thi-ơ 25:21). Chúng ta khao khát được nghe điều đó trong cuộc sống của chúng ta, nhưng chúng ta cũng khao khát cho những người mà chúng ta phục vụ cũng được nghe điều đó nữa.

Đây là nguyên tắc khởi điểm và có tính nền tảng đối với việc môn đồ hóa. Cách mà chúng ta dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời đi theo tiến trình từ được cứu chuộc, đến tăng trưởng thuộc linh, phục vụ, chịu đau khổ, và cuối cùng đó là kết quả. Nguyên tắc nền tảng của môn đồ đó là dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời!

 

– Câu hỏi suy ngẫm –

  1. Mục đích cuộc sống của bạn là gì?
  2. Bạn đang ở giai đoạn nào trong những giai đoạn được nêu ở trên?
  3. Bạn cần làm gì để bước lên giai đoạn tiếp theo?
  4. Bạn có đang kết nhiều quả cho Chúa?
  5. Bạn cần thay đổi gì để được nghe Chúa phán rằng: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm” (Ma-thi-ơ 25:23)?

 

Chú thích

  1. http://www.desiringgod.org/resource-library/articles/the-glory-of-god-as-the-goal-of-history
  2. John Calvin, Institutes of the Christian Religion, ed. John T. McNeill, trans. and indexed by Ford Lewis Battles (Philadelphia, PA: Westminster, 1967), 1:6:2 (72).
  3. Henry T. Blackaby and Richard Blackaby, Spiritual Leadership: Moving People on to God’s Agenda (Nashville: Broadman & Holman, 2001), 20.
  4. Greg Ogden, Unfinished Business: Returning the Ministry to the People of God (Grand Rapids: Zondervan, 2010), 11.
  5. Leith Anderson, The Jesus Revolution: Learning from Christ’s First Followers (Nashville: Abingdon, 2009), Kindle location 585-87.

(Còn nữa)

Dave Earley and Rod Dempsey

Translated by Vinh Hien   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn