Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Đại Mạng Lệnh Là Ý Muốn Của Chúa Cho Cuộc Đời Bạn

Đại Mạng Lệnh Là Ý Muốn Của Chúa Cho Cuộc Đời Bạn

Bài trước:

ĐẠI MẠNG LỆNH VÀ MÔN ĐỒ HÓA

Đại Mạng Lệnh Là Ý Muốn Của Chúa Cho Cuộc Đời Bạn

Khi Dempsey và tôi dạy các sinh viên Cơ Đốc, họ cực kỳ quan tâm đến câu hỏi: “Ý muốn của Chúa cho cuộc đời tôi là gì?” Câu trả lời cho câu hỏi này có hai phần: “Trở nên môn môn đồ và khiến người khác trở thành môn đồ! Hãy định hướng cuộc đời bạn xoay quanh Đại Mạng Lệnh.” Đó là những lời cuối cùng của Đức Chúa Giê-su. Đó là mệnh lệnh rõ ràng của Chúa dành cho tất cả những ai đi theo Ngài. Đó là ý muốn của Chúa cho cuộc đời của chúng ta.

mark

Việc khiến người khác trở nên môn đồ của Chúa ở tại đâu và bằng cách nào, đối với mỗi người có một câu trả lời khác nhau, tuy nhiên về bức tranh tổng quát thì mỗi người đều giống nhau: Ý muốn của Đức Chúa Trời cho mỗi một người theo Đấng Christ đó là khiến cho người khác trở nên môn đồ của Ngài. David Platt đã phát biểu rằng:

Thật chẳng hợp lý nếu chúng ta cứ hỏi rằng: “Lạy Chúa, Ngài muốn con làm gì?” câu trả lời đã quá rõ ràng. Ý muốn của Đức Chúa Trời đó là tôi và bạn khẩn thiết dâng đời sống mình để khiến phúc âm và sự vinh hiển của Chúa được mọi người biết đến.2

Ý muốn của Đức Chúa Trời cho cuộc đời bạn đó là hoàn thành Đại Mạng Lệnh. Ý muốn của Đức Chúa Trời cho cuộc đời bạn đó là khiến người khác trở nên môn đồ của Ngài.

Đại Mạng Lệnh Không Phải Là Một “Đề Xuất” Vĩ Đại

Đức Chúa Giê-su lập ra một bối cảnh để bắt đầu Đại Mạng Lệnh: “Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta.” Về cốt lõi, Ngài muốn nói rằng: “Ta có thẩm quyền tối cao để ra những sắc lệnh. Chính vì thế, hãy nghiêm túc tiếp nhận tất cả những gì ta sẽ nói đây.

Thật ngu ngốc cho những ai tự gọi mình là môn đồ của Đức Chúa Giê-su nhưng lại không hoàn thành ý muốn cuối cùng của Ngài và không vâng theo mệnh lệnh quan trọng nhất của Ngài. Bởi vì mệnh lệnh rao truyền phúc âm ra khắp thế giới bằng việc môn đồ hóa đã được ban cho một cách rõ ràng và lặp đi lặp lại (Mác 16:15; Lu-ca 24:47; Giăng 20:21; Công vụ 1:8), hiển nhiên mệnh lệnh này phải được vâng theo. Bởi vì chúng ta đã thấy những sứ đồ và những người không phải là sứ đồ vâng phục mạng lệnh này (Công vụ 8:1, 4), chúng ta biết rằng mạng lệnh này được ban cho tất cả chúng ta.

Môn đồ hóa không phải là một đề xuất để chúng ta cân nhắc, cũng không phải là một lựa chọn để xem xét. Môn đồ hóa phải chiếm trọn đời sống của một người đi theo Chúa.

 

Đại Mạng Lệnh Là Môn Đồ Hóa

Từ ngữ chính trong Đại Mạng Lệnh đó là động từ mệnh lệnh “đào tạo môn đồ.” Những từ ngữ khác bao gồm “đi,” “làm phép báp-têm,” và “dạy” tất cả những động từ này đều bổ nghĩa và diễn giải phương cách để chúng ta hoàn thành nhiệm vụ chính của Đại Mạng Lệnh đó là: đào tạo môn đồ. Để làm rõ điều này cho độc giả, tôi xin diễn đạt lại Ma-thi-ơ 28:18-20 như sau:

Ta là Thủ Trưởng Tối Cao, và đây là những mệnh lệnh mà ta sẽ ban cho các con: Khi các con bước vào thế giới, HÃY KHIẾN NGƯỜI KHÁC TRỞ NÊN MÔN ĐỒ!!!

Hãy tạo ra môn đồ từ mọi nhóm người qua việc làm phép báp-têm cho họ và ở cùng họ để dạy dỗ họ vâng theo mọi điều ta đã dạy cho các con. Khi đó các con sẽ thật sự trải nghiệm sự hiện diện của ta.

Quyển sách mà bạn đang đọc là một quyển sách viết về Đại Mạng Lệnh. Quyển sách này được soạn ra nhằm trang bị bạn hoàn thành Đại Mạng Lệnh. Chính vì thế, toàn bộ quyển sách này xoay quanh vấn đề môn đồ hóa bởi vì việc hoàn thành Đại Mạng Lệnh đó là môn đồ hóa, và môn đồ hóa là phương cách duy nhất để làm trọn Đại Mạng Lệnh.

Đại Mạng Lệnh Được Làm Trọn Qua Việc Ra Đi, Giảng Dạy, Làm Phép Báp-têm, và Huấn Luyện

Ra Đi

Đại Mạng Lệnh không thể nào được hoàn thành nếu chúng ta không chủ tâm theo đuổi những con người lạc mất. Đức Chúa Cha đã sai Đức Chúa Giê-su thể nào thì Đức Chúa Giê-su cũng sai chúng ta thể ấy để chúng ta ra đi, tìm kiếm và chinh phục những người chưa tin để đưa họ đến với niềm tin nơi Đấng Christ (Giăng 20:21, 31). Những người được sai đi sẽ không vâng theo mạng lệnh cho đến khi họ đi. Aubrey Malphurs cho chúng ta một cái nhìn thấu đáo về tầm quan trọng của từ “đi” này và hành động theo đuổi những con người lạc mất:

Đấng Cứu Rỗi làm rõ ý định mà Ngài muốn nói về từ ngữ này qua các phân đoạn như Lu-ca 5:27-32, 15:1-10 và 19:1-10, tại đó Ngài xây dựng khái niệm về việc tìm kiếm những con người lạc mất như Xa-chê, Lê-vi là người thâu thuế và các người bạn của họ cũng là những người thâu thuế và các đối tượng khác. Có quá nhiều Hội Thánh đang chờ đợi những con người lạc mất đến với họ. Tuy nhiên Hội Thánh phải chủ động và theo đuổi những con người lạc mất.3

Đức Chúa Giê-su đã kể nhiều ngụ ngôn để bày tỏ về tầm quan trọng của việc chủ tâm tìm kiếm những người lạc mất. Trong Lu-ca 14, Ngài nói về việc đi ra “ngoài chợ và các đường phố” để đem về “những kẻ nghèo khó, tàn tật, đui, què!” (Lu-ca 14:21). Lu-ca 15 bắt đầu với câu chuyện những người Pha-ri-si quở trách Đức Chúa Giê-su vì Ngài ngồi ăn cùng với những người thâu thuế và người có tội (Lu-ca 15:1-2). Đức Chúa Giê-su đáp lại họ bằng hai câu chuyện ngụ ngôn để nói đến sự cần thiết phải tha thiết theo đuổi những người lạc mất. Câu chuyện đầu tiên kể về một người chăn chiên, anh ta đã rời đàn chiên chín mươi chín con của mình để đi tìm một con bị lạc mất (Lu-ca 15:3-6). Niềm vui của người chăn chiên khi tìm được con chiên bị lạc bầy được ví sánh với niềm vui của thiên đàng khi một người có tội ăn năn (Lu-ca 15:7). Kế đến, Đức Chúa Giê-su kể về câu chuyện một người nữ chăm chỉ tìm kiếm một đồng xu bị mất. Một lần nữa, niềm vui này được ví sánh với niềm vui lớn trên thiên đàng khi một người có tội ăn năn (Lu-ca 15:8-10).

Phúc Âm Lu-ca kể câu chuyện Đức Chúa Giê-su đến với một người thâu thuế tên Xa-chê. Sau khi dùng bữa tối và tuyên bố rằng sự cứu rỗi đã đến nhà của Xa-chê, Đức Chúa Giê-su công bố mục đích của Ngài: “Bởi Con người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất” (Lu-ca 19:1-10).

Giảng Dạy

Ra đi thôi vẫn chưa đủ; chúng ta cũng phải nói. Hành động thứ hai cần để hoàn thành Đại Mạng Lệnh đó là rao truyền Phúc Âm: công bố tin lành. Cơ Đốc Nhân phải thể hiện Phúc Âm. Họ cũng phải nói cho những người chưa tin biết về sự chết, chôn và phục sinh của Đức Chúa Giê-su vì cớ tội lỗi của họ. Đại Mạng Lệnh khẳng định rằng: “người ta sẽ nhân danh Ngài mà rao giảng cho dân các nước sự ăn năn để được tha tội” (Lu-ca 24:47). Những người tin Chúa phải “giảng Tin Lành” với mục đích dẫn dắt người khác đến với “niềm tin” (Mác 16:15-16). Kết quả của việc giảng dạy hoặc công bố phúc âm phải là “khiến người khác trở nên môn đồ” (Ma-thi-ơ 28:19).

Làm phép Báp-têm

Hành động thứ ba cần phải thực hiện để hoàn thành Đại Mạng Lệnh đó là “nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ” (Ma-thi-ơ 28:19). Điều này bao gồm việc giúp họ gia nhập vào cộng đồng những người tin Chúa là những người tự xác định mình trong danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh. Bởi vì phép báp-têm là một nghi thức của Hội Thánh địa phương, hiển nhiên Đại Mạng Lệnh không thể được hoàn thành nếu không có sự tham gia của các Hội Thánh địa phương. Không có Hội Thánh địa phương, việc cố gắng khiến người khác trở nên môn đồ của Chúa không chỉ không có hiệu quả mà còn sai Kinh Thánh.

Huấn luyện

Theo mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su, hành động thứ tư để hoàn thành Đại Mạng Lệnh đó là “dạy họ giữ hết cả mọi điều”. Điều này không chỉ là tiếp nhận thông tin. Môn đồ hóa là sự huấn luyện toàn diện trong sự vâng phục để dẫn đến sự phát triển và nhân cấp.

Khi nhiều người nói về việc hoàn thành Đại Mạng Lệnh, họ chỉ đang nói về việc truyền bá phúc âm. Song, Đức Chúa Giê-su đã nói rõ rằng: môn đồ hóa không được làm trọn nếu môn đồ của Chúa chưa thực hiện trọn vẹn mọi điều mà Đức Chúa Giê-su đã truyền dạy, bao gồm mệnh lệnh khiến cho nhiều người trở nên môn đồ hơn.

(Còn nữa)

Dave Earley and Rod Dempsey

Translated by Vinh Hien   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn