Nguyên tác: Disciple Making Is….
(Dave Earley)
LỜI NÓI ĐẦU
Quyển sách mà bạn cầm trên tay nói về việc trở nên môn đồ và khiến người khác trở nên môn đồ của Đức Chúa Giê-su Christ. Đã có rất nhiều quyển sách nói về chủ đề này (trên trang Amazon có hơn hai trăm tựa sách về chủ đề “môn đồ hóa”). Thế nên bạn sẽ hỏi: tại sao lại phải có thêm một quyển sách nữa về chủ đề này? Lý do của quyển sách này khá đơn giản. Rod và tôi muốn chia sẻ với bạn một vài nguyên tắc quan trọng về việc theo Chúa, đồng thời giúp đỡ những người theo Chúa Giê-su vươn tới bậc trưởng thành, đứng từ quan điểm của một Hội Thánh địa phương và từ những trải nghiệm của chúng tôi. Mục đích cao nhất của chúng tôi đó là vâng phục và giúp đỡ người khác vâng phục Vua Giê-su và những mạng lệnh của Ngài. Để hoàn thành mục đích này, chúng ta sẽ nghiên cứu những phân đoạn Kinh Thánh quan trọng và từ đó rút ra những nguyên tắc Kinh Thánh cốt lõi. Từ những nguyên tắc này, chúng tôi sẽ đề nghị một vài bài tập thực hành giúp độc giả trở nên những môn đồ và những người đào tạo môn đồ tốt hơn.
Trong quyển sách này, chúng ta sẽ khám phá việc làm một môn đồ có ý nghĩa gì (con người) và đào tạo môn đồ có ý nghĩa gì (tiến trình). Chúng tôi tin chắc rằng phương cách tốt nhất và hiệu quả nhất để phát triển môn đồ của Đức Chúa Giê-su Christ đó là trong bối cảnh thân thể của Chúa (một Hội Thánh địa phương). Dẫu đúng là nhiều quyển sách đã viết về chủ đề này, nhưng rất ít sách được viết từ sự tin quyết rằng Hội Thánh là môi trường thiết yếu để một người trở thành và khiến người khác trở thành môn đồ của Đức Chúa Giê-su. Với sự nhận biết này, Dave sẽ nghiên cứu các sách Phúc Âm, chú giải những lời của Đức Chúa Giê-su đã phán và hành động liên quan đến phát triển môn đồ. Rod sẽ khám phá sách Công vụ các sứ đồ và các Thư tín, khám phá cách mà các Hội Thánh đầu tiên đã nỗ lực môn đồ hóa như thế nào.
Quyển sách có ba mươi chương được chia làm bốn phần. Phần 1 sẽ tập trung vào “Triết lý môn đồ hóa,” nhằm thiết lập một nền tảng thần học và Kinh Thánh vững chắc. Phần 2 sẽ bao quát về “Những kiến thức căn bản về môn đồ hóa,” nêu bật ý nghĩa của việc trở nên môn đồ là gì. Phần 3 phác thảo “Những phương pháp môn đồ hóa” chính, đây là những điều khiến chi phối mục vụ đào tạo môn đồ. Phần 4 sẽ khảo sát và bình luận một số “Mô hình môn đồ hoá,” chú giải tầm quan trọng của sự lãnh đạo của Mục sư và Hội Thánh địa phương trong nỗ lực đào tạo môn đồ. Chúng tôi hy vọng khi đọc hết quyển sách này, bạn sẽ không chỉ hiểu ý nghĩa của việc làm một môn đồ của Đấng Christ là thế nào, nhưng bạn cũng sẽ biết cách khiến người khác trở nên môn đồ của Đức Chúa Giê-su tại Hội Thánh địa phương.
Rod và tôi không bao giờ muốn thôi sống làm môn đồ của Chúa; chúng tôi là những người học tập trọn đời. Kinh Thánh của chúng tôi đầy những câu được gạch chân, những từ ngữ được tô đậm, và những dòng ghi chú ở lề sách. Chúng tôi cũng rất thích đọc sách. Cả hai chúng tôi đều sẽ nói với bạn rằng những quyển sách giúp định hình chúng tôi nhiều nhất là những quyển sách mà chúng tôi đã đánh dấu vào đó nhiều nhất. Chúng tôi đã đọc đi đọc lại những phần chính của những quyển sách ấy. Chúng tôi đã lấy được những câu trích dẫn đầy mạnh mẽ từ những quyển sách ấy. Chúng tôi đã truyền đạt lại những gì chúng tôi học được từ những quyển sách ấy cho
người khác. Chính vì vậy, sau đây chúng tôi xin đề xuất những ý kiến giúp bạn học và ghi nhớ tốt hơn:
– Dùng một cây bút chì hoặc bút mực trong khi đọc.
– Gạch chân những điều bạn thích.
– Đánh dấu sao ở lề sách gần những câu trích dẫn hay hoặc những ý tưởng mang tính thách thức.
– Đánh dấu chấm hỏi ở lề sách trước những điều khó hiểu.
– Tóm tắt mỗi chương sách bằng một câu.
– Cẩn thận suy nghĩ những câu hỏi ở cuối mỗi chương sách.
– Viết xuống một câu áp dụng cho mỗi chương.
Những gợi ý khác giúp bạn tận dụng các lợi ích khi bạn đầu tư thời gian và tiền bạc vào quyển sách này là:
- Trao đổi với một ai đó về những điều bạn đã đọc được.
- Dạy lại những điều bạn đang học cho người khác.
- Áp dụng càng nhiều càng tốt những điều bạn đang học vào trong đời sống và mục vụ.
- Hãy có một quyển sách này cho mỗi người mà bạn đang đầu tư vào và hãy đọc cùng với họ.
Vậy hãy làm một ly cà phê, lấy một cây bút, lấy quyển Kinh Thánh của bạn, và bắt đầu.
Chúng tôi cầu nguyện rằng quyển sách này sẽ trở thành công cụ quan trọng mà Chúa sử dụng để đưa bạn vào hành trình trọn đời. Quyển sách này có tiềm năng không chỉ thay đổi cuộc sống của bạn mà còn thay đổi cuộc sống của những người xung quanh bạn. Vậy đừng cảm thấy tội lỗi khi đọc quyển sách này về việc môn đồ hóa nhưng chính bạn lại không làm một môn đồ trong tiến trình. Và đừng cảm thấy tội lỗi khi đọc quyển sách này về việc làm môn đồ nhưng chính bạn không nỗ lực khiến người khác trở nên môn đồ! Hãy xác định ngay bây giờ rằng bạn là người làm theo những mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su và làm trọn Đại Mạng Lệnh. Chúng tôi cầu nguyện rằng quyển sách này sẽ có ích lợi cho bạn trong việc làm một môn đồ và khiến người khác trở nên môn đồ của Đức Chúa Giê-su Christ.
Dave Earley, Tiến sĩ Mục vụ
Mục sư quản nhiệm, Hội Thánh Grace City, Henderson, Nevada
Phó giáo sư của Mục vụ Mục sư
Chủng viện Thần Học Baptist Liberty
Rod Dempsey, Tiến sĩ Mục vụ
Giám đốc, Trường Đời Sống và Lãnh Đạo
Hội Thánh Baptist Thomas Road, Lynchburg, Virginia
Giáo sư Mục vụ Giáo dục
Chủng viện Thần Học Baptist Liberty
(Rod Dempsey)
Translated by Vinh Hien
Đại Mạng Lệnh đã được người ta ca tụng, nhưng không được vâng theo. Hội Thánh đã cố gắng truyền bá Phúc Âm ra toàn thế giới nhưng lại không khiến người khác trở nên môn đồ.1
Cái Giá Của Việc Làm Trọn Đại Mạng Lệnh
Một vài năm trước tôi đã đến Thổ Nhĩ Kỳ, khi ấy tôi ngồi tại một quán cà phê ngoài trời với một vị giáo sĩ. Trong những năm trước đó, Cơ Đốc Nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt bớ dữ dội. Chính quyền đã liên tục quấy rầy vị giáo sĩ này, nhiều lần trục xuất ông và gia đình. Ba người giáo sĩ khác đã tử đạo dưới tay người Hồi Giáo. Hai trong số đó cùng cộng tác với người bạn của tôi đây.
Chúng tôi đã nói về sự bắt bớ gia tăng, ông chia sẻ về cái giá của việc theo Chúa Giê-su và làm trọn Đại Mạng Lệnh của Ngài. Ông kiên quyết làm trọn Đại Mạng Lệnh của Chúa dù cái giá phải trả là thế nào.
Ông là một môn đồ của Đức Chúa Giê-su Christ.
Quyển sách mà bạn đang cầm trên tay là một quyển sách viết về việc làm môn đồ và khiến người khác trở nên môn đồ của Chúa. Rod Dempsey và tôi sẽ chia sẻ với bạn những kiến thức về việc môn đồ hóa từ trải nghiệm của chúng tôi với cương vị là lãnh đạo nhóm nhỏ, người mở mang Hội Thánh, mục sư, người cố vấn, và giáo sư. Trước khi chúng ta bước vào phần thiết yếu của việc môn đồ hóa, chúng ta cần phải bám chặt vào Đại Mạng Lệnh.
Đại Mạng Lệnh
Một vài ngày trước khi Đức Chúa Giê-su thăng thiên về nơi vinh hiển, Ngài đã ban cho các môn đồ một số chỉ dẫn cuối cùng. Những lời đó đã và hằng luôn là điều quan trọng nhất bởi vì đó là những lời cuối cùng mà Đức Chúa Giê-su phán cùng các môn đồ của Ngài. Vì là những lời cuối cùng của Chúa, những lời đó thể hiện đầy hùng hồn sự tha thiết vĩ đại và sự ưu tiên hàng đầu của Chúa.
Những lời này cũng vô cùng quan trọng bởi vì về bản chất Đức Chúa Giê-su muốn nói rằng: “Đây là điều quan trọng tột bậc và đáng chú ý nhất trong tất cả những điều mà ta đã dạy cho các con trong ba năm qua.” Nói cách khác, khi Ngài nói những lời này, Ngài muốn nói rằng: “Nếu các con không nhớ những điều ta đã nói, thì hãy nhớ điều này!”
Hơn thế nữa, những lời chỉ dẫn cuối cùng này được lặp lại vào ba dịp khác nhau và đây cũng là mệnh lệnh duy nhất của Đức Chúa Giê-su được ghi lại trong cả bốn sách Phúc Âm và sách Công vụ các sứ đồ (Ma-thi-ơ 28:18-20; Mác 16:15; Lu-ca 24:46-47; Giăng 20:21; Công vụ 1:8). Như thể Ngài muốn nói với họ rằng: “Nầy, Ta lặp đi lặp lại chỉ một điều này bởi vì đó là điều quan trọng nhất. Nếu các con không làm những điều khác, thì hãy làm điều này!”
Ngày nay chúng ta gọi sự bày tỏ cuối cùng này là “Đại Mạng Lệnh.” Trong năm phần Kinh Thánh ghi lại về Đại Mạng Lệnh thì Phúc Âm Ma-thi-ơ ghi lại đầy đủ nhất:
Đức Chúa Jêsus đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: “Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” (28:18-20)
(Còn tiếp kỳ sau)
1 lời bình
Pingback: Đại Mạng Lệnh Là Ý Muốn Của Chúa Cho Cuộc Đời Bạn - Nguồn Suối Tâm Linh. Net