Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / Nguồn Của Một Cuộc Đời Được Thay Đổi

Nguồn Của Một Cuộc Đời Được Thay Đổi

hoa-thach-thao

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống Việt Nam

Có bao giờ bạn nói: “Tôi ghét cuộc sống của tôi”? Làm sao một người có thể kinh nghiệm được sự thay đổi cuộc sống thật sự? Sự thay đổi tích cực?

Tôi khao khát được hạnh phúc. Tôi muốn mình là một trong những người hạnh phúc nhất thế giới. Tôi cũng khao khát một cuộc sống có ý nghĩa. Tôi đang tìm câu trả lời cho những câu hỏi:

• Tôi là ai?
• Vì sao tôi có mặt trên thế giới này?
• Tôi sẽ đi về đâu?

Hơn nữa tôi cũng muốn được tự do. Tôi muốn là một trong những người tự do nhất trên thế giới. Tự do đối với tôi không đơn giản chỉ là làm những gì bạn muốn – bất cứ ai cũng có thể làm được điều đó. Với tôi, tự do nghĩa là có khả năng để làm những điều bạn biết bạn cần phải làm. Hầu hết mọi người đều biết mình phải làm gì nhưng không có năng lực để làm điều đó. Vì vậy tôi bắt đầu tìm kiếm lời giải đáp.

Chúng ta có thể tìm thấy sự thay đổi tích cực ở đâu?

Dường như hầu hết mọi người đều có tôn giáo, vì vậy, tôi đã làm điều hiển nhiên là đi đến nhà thờ. Nhưng có lẽ tôi đã đi nhầm nhà thờ, vì nhà thờ ấy chỉ khiến tôi cảm thấy tồi tệ hơn mà thôi. Tôi đi lễ buổi sáng, buổi trưa và buổi tối nhưng điều đó chẳng giúp ích gì. Tôi là người rất thực tế, và khi cái gì đó không có hiệu quả, tôi vứt bỏ nó ngay. Vì vậy tôi từ bỏ tôn giáo.

Tôi bắt đầu tự hỏi liệu uy thế có phải là câu trả lời. Tôi nghĩ làm một người lãnh đạo, đảm nhận một sự nghiệp nào đó, dấn thân mình làm điều đó, và được mọi người biết đến có lẽ sẽ có được thanh thế. Ở trường đại học mà tôi theo học, những người lãnh đạo sinh viên là người nắm giữ hầu bao và hay ra lệnh người khác. Vì thế tôi ra tranh cử chức chủ tịch sinh viên năm nhất và được đắc cử. Thật tuyệt khi mọi người đều biết đến tôi, khi tôi đưa ra những quyết định, và dùng số tiền của trường để mời những diễn giả mà tôi muốn. Điều ấy thật tuyệt vời, nhưng rồi điều thú vị đó cũng qua đi như bao điều khác mà tôi từng nỗ lực đạt được. Tôi luôn thức dậy vào sáng thứ hai (thường với cơn đau đầu đêm qua) với thái độ: “Chà, còn những năm ngày cơ đấy.” Tôi chịu đựng từ thứ hai cho đến hết ngày thứ sáu. Niềm hạnh phúc chỉ xoay quanh ba đêm trong tuần – thứ 6, thứ 7 và Chúa Nhật. Sau đó lại bắt đầu cái vòng luẩn quẩn ấy.

Tìm kiếm sự thay đổi cuộc sống, sự thay đổi tích cực

Tôi ngờ rằng hiếm có người nào trong các trường Đại học và cao đẳng của đất nước này lại thành khẩn nỗ lực đi tìm ý nghĩa, chân lý và mục đích của cuộc sống hơn tôi.

Trong suốt thời gian đó tôi chú ý đến một nhóm người – khoảng 8 sinh viên và 2 giáo viên trong trường. Có điều gì đó khác biệt trong cuộc sống của họ. Họ dường như biết tại sao họ tin điều họ tin. Họ dường như cũng biết họ sẽ đi về đâu.

Những người mà tôi chú ý đến không chỉ nói về tình yêu – mà họ còn yêu thương thật. Họ dường như làm chủ mọi hoàn cảnh của đời sống học đường. Trong khi những người khác dường như ở dưới vực thẳm thì họ tỏ ra vẫn thoả lòng và bình an như thể không bị hoàn cảnh lèo lái. Họ dường như sở hữu nguồn của sự vui mừng liên tục trong lòng. Họ vô cùng hạnh phúc. Họ có điều gì đó mà tôi không có.

Như những sinh viên thông thường khác, khi ai đó có cái mà mình không có, thì tôi muốn có nó. Vì thế tôi quyết định kết bạn với những người thú vị này. Hai tuần sau khi quyết định, tất cả chúng tôi ngồi xung quanh một cái bàn ở trong hội sinh viên, sáu sinh viên và hai giáo viên. Cuộc nói chuyện này bắt đầu xoay quanh Đức Chúa Trời.

Thắc mắc về sự thay đổi cuộc sống, sự thay đổi tích cực

Họ lo ngại nhìn tôi, vì thế cuối cùng tôi quan sát một trong những sinh viên này – một cô gái dễ thương (Tôi từng nghĩ rằng tất cả Cơ Đốc Nhân đều xấu xí), và tôi dựa lên ghế (Tôi không muốn người khác nghĩ tôi đang thích thú) rồi nói: “Hãy nói cho tôi biết điều gì đã thay đổi cụộc sống của các bạn? Tại sao cuộc sống của các bạn quá khác biệt với những bạn khác trong trường?”

Cô gái trẻ đó ắt hẳn rất có lòng tin. Cô ấy nhìn thẳng vào mắt tôi và nói hai từ mà tôi chưa hề nghĩ ấy là giải pháp trong ngôi trường này: “Chúa Giê-su”.

Tôi nói: “Ôi, vì Chúa, đừng cho tôi thứ rác rưởi đó. Tôi đã chán ngấy với tôn giáo. Tôi chán ngấy với nhà thờ. Tôi chán ngấy với Kinh Thánh. Đừng đưa tôi thứ rác rưởi tôn giáo ấy.”

Cô đáp lại ngay: “Này, tôi không nói về tôn giáo, tôi nói về Chúa Giê-su.” Cô ấy chỉ ra điều tôi chưa từng biết trước đây: Cơ đốc giáo không phải là một tôn giáo. Tôn giáo là khi con người nỗ lực để đến với Đức Chúa Trời qua những việc làm tốt lành; còn Cơ Đốc giáo là Đức Chúa Trời đến với những người nam và người nữ qua Chúa Giê-su để kêu gọi chúng ta bước vào mối quan hệ với chính Ngài.

Có khả năng nhiều sinh viên trong trường Đại học có những quan niệm sai lầm về Cơ Đốc Giáo hơn bất cứ nơi khác trên thế giới. Lần nọ tôi gặp một giáo viên trợ giảng, người từng nhận xét trong một buổi hội nghị chuyên đề dành cho nghiên cứu sinh rằng “hễ ai bước vào nhà thờ đều trở thành Cơ Đốc nhân.” Tôi đáp lại: “Vậy phải chăng việc thầy đi vào ga-ra sẽ biến thầy thành chiếc xe?” Người ta bảo tôi Cơ Đốc nhân là người thành thật tin nơi Chúa Giê-su.

Khi tôi suy xét về Cơ Đốc giáo, những người bạn mới thách thức tôi hãy dùng lý trí để khảo sát về cuộc đời Chúa Giê-su. Tôi khám phá ra rằng Đức Phật, giáo chủ Mô-ha-mét hay Đức Khổng Tử không bao giờ tuyên bố rằng họ là Đức Chúa Trời nhưng Chúa Giê-su đã làm điều đó. Những người bạn ấy yêu cầu tôi hãy xem qua những bằng chứng về thần tánh của Chúa Giê-su. Họ tin chắc Giê-su chính là Đức Chúa Trời trong thân xác loài người, Đấng đã chết trên thập tự giá vì tội lỗi của nhân loại, Ngài đã bị chôn, ba ngày sau Ngài đã sống lại, và vì vậy Ngài có thể thay đổi cuộc sống của con người hôm nay.

Tôi nghĩ chẳng qua đó là trò hề. Thật thế, tôi nghĩ hầu hết Cơ Đốc nhân là những kẻ ngốc nghếch. Tôi đã gặp vài người. Tôi từng đợi một Cơ Đốc nhân nào đó lên tiếng trong lớp là tôi có thể làm tình làm tội anh ấy hay cô ấy trước khi giáo sư kịp làm gì. Tôi cho rằng nếu Cơ Đốc nhân nào hay suy nghĩ, hẳn người ấy sẽ chết vì đơn độc. Tôi không biết điều gì tốt hơn thế.

Nhưng những người này cứ thách thức tôi. Cuối cùng, tôi chấp nhận sự thách thức đó. Tôi làm nó bởi lòng kiêu ngạo để bắt bẻ họ, vì nghĩ rằng đó không phải sự thật. Tôi cho rằng không có bất kì bằng chứng nào mà con người không thể đánh giá được.

Sau nhiều tháng tra xét, tâm trí tôi đi đến kết luận rằng Chúa Giê-su hẳn phải là người như Ngài tuyên bố. Kết luận đó là cả vấn đề. Tâm trí của tôi nói với tôi rằng tất cả điều này là thật nhưng ý chí tôi đang kéo tôi theo hướng khác.

Tôi khám phá ra rằng việc trở thành một Cơ Đốc nhân đã gây choáng đối với cái tôi của tôi. Chúa Giê-su trực tiếp thách thức ý chí của tôi là hãy tin cậy Ngài. Hãy để tôi diễn giải lời Ngài: “Này, Ta đứng ngoài cửa mà gõ, hễ ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy” (Khải huyền 3:20). Tôi không quan tâm việc Chúa Giê-su có đi trên mặt nước hay Ngài hoá nước thành rượu hay không, tôi cũng không cần bữa tiệc vui nào hết. Tôi không thể nghĩ cách nào nhanh hơn để làm hỏng thời khắc đẹp đẽ ấy. Vì vậy tâm trí của tôi đang nói với tôi rằng Cơ Đốc giáo là chân thật nhưng ý chí của tôi thì cứ trốn chạy.

Càng nhận ra rằng tôi ghét chính cuộc sống mình

Mỗi khi tôi gần những Cơ Đốc nhân sốt sắng này, tức xảy ra xung đột. Nếu bạn từng đến gần những người hạnh phúc đang khi bạn khốn khổ, bạn sẽ hiểu họ làm bạn khó chịu như thế nào. Họ thì hạnh phúc, còn tôi đang khốn khổ đến nỗi tôi đã đứng dậy và rời khỏi hội sinh viên và tối đó khi tôi đã lên giường lúc 10 giờ tối nhưng tôi vẫn không tài nào ngủ được mãi đến 4 giờ sáng. Tôi biết tôi phải gạt bỏ nó ra khỏi tâm trí trước khi tôi điên mất. Cuối cùng cái đầu và con tim của tôi cũng hiệp với nhau vào lúc 8 giờ 30 chiều, ngày 19 tháng 12 năm 1959. Khi tôi đang học năm thứ 2 đại học – tôi trở thành một Cơ Đốc nhân.

Đêm đó tôi đã cầu nguyện bốn điều để thiết lập mối quan hệ với Chúa Giê-su, điều đã làm thay đổi cuộc đời tôi từ giây phút ấy. Đầu tiên tôi nói: “Chúa Giê-su, con cảm ơn Ngài đã chết thay con trên thập tự giá.” Điều thứ hai, tôi nói: “Con xưng nhận tất cả những điều trong cuộc sống con chưa làm hài lòng Chúa. Xin Ngài tha thứ và tẩy sạch con.” Điều thứ 3, tôi thưa: “Ngay giờ này, theo cách tốt nhất mà con biết, con xin mở cửa lòng và đời sống để tin Ngài là Cứu Chúa và Chủ của con. Xin cai quản cuộc đời con. Xin biến đổi con từ trong ra ngoài. Xin khiến con trở nên người như Chúa đã tạo nên.” Điều cuối cùng tôi cầu nguyện là: “Bởi đức tin, con cảm ơn Chúa đã bước vào đời sống con.” Đó không phải là niềm tin dựa trên sự ngu dốt nhưng dựa trên những bằng chứng lịch sử và lời của Đức Chúa Trời.

Tôi chắn rằng bạn đã từng nghe nhiều người mộ đạo khác nói về kinh nghiệm cá nhân kèm theo hiện tượng lạ của họ. Nhưng, sau khi tôi cầu nguyện, không có điều gì xảy ra cả. Tôi không thấy gì. Và tôi vẫn không thấy mình mọc thêm cánh! Thật tế, sau khi tôi làm quyết định đó, tôi thấy còn tồi tệ hơn. Tôi cảm thấy thật buồn nôn. Tôi nghĩ: Ôi không, giờ mình bị cái quái gì cuốn vào thế này? Tôi thật có cảm giác mình như người cuồng tín (và tôi chắc rằng nhiều người cũng nghĩ như tôi!).

Đức Chúa Trời và sự thay đổi cuộc sống, sự thay đổi tích cực

Nhưng khoảng từ 6 tháng đến 1 năm rưỡi, tôi nhận ra tôi không cuồng tín. Cuộc sống của tôi đã thay đổi. Lần nọ, khi tôi đang tranh cãi với thầy trưởng khoa bộ môn lịch sử của trường Đại học Midwestern, tôi nói rằng cuộc đời tôi đã được thay đổi. Ông ta ngắt lời tôi: “Anh McDowell, có phải anh đang cố gắng nói với tôi rằng Đức Chúa Trời đã thật sự thay đổi cuộc đời anh trong thế kỉ 20 này chăng? Trong lĩnh vực nào?” Sau 45phút, ông ta nói: “Được rồi, đủ rồi đó.” Để tôi kể cho bạn vài điều tôi đã nói với ông ta và những người có mặt ngày hôm đó.

nhung

Một lĩnh vực Chúa đã thay đổi tôi là tình trạng không yên nghỉ của tôi. Tôi luôn bận rộn. Tôi đến trường và tâm trí tôi như một cơn lốc đầy mâu thuẫn xoáy quanh những bức tường. Tôi ngồi xuống và cố gắng học, nhưng không thể. Vài tháng sau khi tôi quyết định tin Chúa Giê-su, tâm trí tôi đã có sự bình an. Đừng hiểu lầm. Tôi không nói mâu thuẫn đã biến mất. Điều tôi tìm thấy trong mối quan hệ với Chúa Giê-su không phải là không còn mâu thuẫn nữa nhưng là khả năng để đương đầu với nó. Tôi sẽ không đổi điều ấy để lấy bất cứ thứ gì trên thế giới này.

Một lĩnh vực khác đã bắt đầu thay đổi là tính khí nóng nảy của tôi. Tôi từng nổi cáu khi có ai liếc mắt nhìn tôi. Tôi vẫn còn vết sẹo do suýt giết một gã vào năm nhất đại học. Tính khí ấy đã thành một phần con người tôi đến nỗi tôi không có ý thức thay đổi nó. Lúc tôi trong giai đoạn mất bình tĩnh cực độ thì khi đó tôi nhận ra tính nóng của tôi đã biến mất tự lúc nào. Chỉ duy một lần trong vòng 14 năm tôi đã nổi giận (và khi nổi giận lần ấy, tôi đã chuộc lại lỗi lầm những 6 năm!).

Sự thay đổi tích cực trên lòng căm thù

Một lĩnh vực khác mà tôi không mấy tự hào. Nhưng tôi đề cập đến nó bởi vì nhiều người cần sự thay đổi tương tự trong cuộc sống họ, và tôi tìm thấy nguồn của sự thay đổi: mối quan hệ với Chúa Giê-su. Lĩnh vực đó là lòng căm thù. Tôi có nhiều nỗi thù hận trong cuộc đời. Nó không biểu lộ ra bên ngoài nhưng đó là sự đay nghiến nội tâm. Tôi trách móc mọi người, mọi thứ, mọi vấn đề.

Nhưng tôi ghét một người hơn bất cứ ai khác trên thế giới: cha tôi. Tôi căm ghét người đàn ông này. Với tôi, ông ấy là một tên bợm cấp thành phố. Mọi người đều biết cha tôi là một tay say xỉn. Bạn bè tôi thường giễu cợt về việc cha tôi cứ lảo đảo xung quanh trung tâm thành phố. Họ không nghĩ việc ấy làm tôi rất buồn bực. Tôi giống như những người khác – cười đùa bên ngoài. Nhưng để tôi nói cho bạn, tôi đang khóc thầm trong lòng. Nhiều lần tôi đi vào nhà kho và thấy mẹ của tôi bị đánh trầm trọng đến nỗi không thể đứng dậy, chỉ nằm liệt trên đống phân đằng sau mấy con bò. Khi chúng tôi có bạn bè đến nhà chơi, tôi kéo ông ta ra ngoài, trói ông ấy trong nhà kho, đậu xe gần xilô (tháp cao hoặc hầm ủ tươi thức ăn hoặc cỏ cho gia súc trong trang trại – ND). Chúng tôi nói với các bạn của chúng tôi rằng ông ấy phải đi đâu đó. Tôi nghĩ không ai ghét người khác hơn tôi ghét cha tôi.

Sau khi quyết định tin Chúa Giê-su, Ngài bước vào cuộc đời tôi và tình yêu của Ngài quá mạnh mẽ đến nỗi Ngài cất bỏ lòng căm thù và thay đổi tôi hoàn toàn. Tôi đã có thể trực diện nhìn cha tôi và nói: “Cha, con yêu cha.” Tôi thật sự muốn nói điều đó. Sau vài việc tôi đã làm, cha tôi đã thức tỉnh.

Khi tôi chuyển qua học tại một trường đại học dân lập, tôi bị một tai nạn xe nghiêm trọng. Với cái cổ bó bột, tôi được đưa về nhà chăm sóc. Tôi sẽ không bao giờ quên lúc cha tôi bước vào phòng tôi. Cha hỏi: “Con trai, làm thế nào con có thể yêu một người cha như cha?” Tôi trả lời: “Thưa cha, cách đây sáu tháng con rất xem thường Cha.” Sau đó tôi chia sẻ với cha quyết định tôi đến với Chúa Giê-su thế nào. “Thưa cha, con đã mời Chúa Giê-su bước vào cuộc đời con. Con không đủ lời thể giải thích điều đó nhưng kết quả của mối quan hệ giữa con với Chúa là con đã tìm thấy năng lực để yêu thương và chấp nhận không chỉ cha mà còn nhiều người khác dù họ thế nào.”

Bốn mươi phút sau, một trong những câu chuyện cảm động nhất trong cuộc đời tôi xuất hiện. Một người trong gia đình tôi, là người biết tôi quá rõ đến nỗi tôi không thể đánh lừa người ấy, nói với tôi: “Con trai của cha, nếu Đức Chúa Trời có thể làm trong cuộc đời cha những gì mà cha đã thấy Ngài làm trong cuộc đời con, thì cha cũng muốn cho Ngài một cơ hội.” Ngay lúc đó cha tôi đã cầu nguyện với tôi và tin cậy Chúa Giê-su để được tha thứ những tội lỗi của ông.

Thường thì sự thay đổi xảy ra sau vài ngày, vài tuần, vài tháng, hoặc thậm chí một năm. Nhưng cuộc sống của cha tôi được thay đổi tức thì ngay trước mắt tôi. Điều đó như thể có ai đó với tay và bật đèn lên. Cho đến lúc ấy hoặc mãi sau này, tôi chưa bao giờ thấy một sự thay đổi nhanh chóng đến như vậy. Cha tôi chỉ uống rượu uýt-ky chỉ một lần sau đó. Ông ấy tránh xa nó. Tôi đã đi đến kết luận: Mối quan hệ với Chúa Giê-su làm thay đổi cuộc sống.

Sự thay đổi cuộc sống, một cuộc sống tích cực

Bạn có thể cười nhạo đạo Cơ Đốc. Bạn có thể xem thường và nhạo báng nó. Nhưng đạo ấy vẫn có hiệu quả làm thay đổi đời sống. Nếu bạn tin cậy Chúa Giê-su , hãy bắt đầu quan sát thái độ và hành động của bạn vì Chúa Giê-su đang hành động để biến đổi đời sống bạn.

Nhưng Cơ Đốc giáo không phải là đạo ép buộc. Tất cả những gì tôi làm là thuật lại cho bạn điều tôi biết. Sau đó, quyết định là của bạn.

Có thể lời cầu nguyện mà tôi cầu nguyện sau đây sẽ giúp ích cho bạn: “Lạy Chúa Giê-su, con cần Ngài. Con cảm ơn Ngài đã chết thay con trên thập tự giá. Xin Ngài tha thứ và tẩy sạch con. Giờ này đây, con tin Ngài là Cứu Chúa và Chủ của con. Xin khiến con trở nên người như Chúa đã tạo nên. Trong danh Chúa Giê-su. Amen!

Tác giả: Josh McDowell (Josh McDowell là một diễn giả, một nhà văn nổi tiếng thế giới, đại diện đi nhiều nước của tổ chức CCC. Ông đã viết hơn 50 quyển sách, bao gồm những quyển kinh điển More Than A Carpenter (tạm dịch – Còn Hơn Là Một Người Thợ Mộc) và Evidence That Demands A Verdict (Bằng Chứng Cần Phán Quyết).

Nguồn: everyvietstudent.com   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn