Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / ĐẠO CHÚA KHÁC CÁC TÔN GIÁO NHƯ THẾ NÀO?

ĐẠO CHÚA KHÁC CÁC TÔN GIÁO NHƯ THẾ NÀO?

ĐẠO CHÚA KHÁC CÁC TÔN GIÁO
NHƯ THẾ NÀO?

daochuakhac
Một trong những câu hỏi vấn vương lòng tôi là tại sao dân tộc Việt Nam vẫn tiếp tục theo các tôn giáo Á Đông mà không theo Chúa và Đạo của Ngài? Tôi mở mắt để nghiên cứu, tìm kiếm và xem thử có cách nào thuyết phục đồng bào về sự khác nhau của các tôn giáo và mỗi người phải biết lựa chọn con đường sống của mình chứ không thể cho rằng mình có tôn giáo là đủ.
Ngày nay người Việt được Chúa cho phép ra đi khắp trên thế giới. Chúng ta là những người tha hương có mục đích. Sứ đồ Phao-lô có lần đã nói đến mục đích nầy: “Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó… Ngài đã làm cho muôn dân sinh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thời giờ đời người ta, cùng giới hạn chỗ ở… hầu cho họ tìm kiếm Đức Chúa Trời và rờ tìm Ngài cho được…” Ông nói tiếp, “Chúa ở gần người tìm kiếm Chúa, Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta.” Câu nầy có nghĩa là Đức Chúa Trời cho chúng ta đi nơi nầy nơi khác không chỉ để kiếm sống nhưng là để tìm kiếm Chúa và phải kiếm cho được Ngài. Chúng ta có thể kiếm được Chúa vì Ngài không ở xa chúng ta đâu. Chỉ cần kêu cầu Chúa thì Chúa cứu. Tôi tin Chúa cho bạn đến Mỹ, đến Úc, đến Canada, đến Nga, đến Singapore, đến Đại Hàn, đến Mã Lai, đến nơi bạn đang sinh sống… không phải chỉ để đi làm kiếm sống rồi vui hưởng đời nầy… nhưng là nhằm mục đích giúp bạn tìm được Chúa và được cứu rỗi linh hồn. Chúa muốn mỗi người chúng ta có cơ hội gặp gỡ Chúa Giê-su biến đổi cuộc đời mình.
Tôi nghĩ người Việt cần được thông tin đầy đủ về sự cứu rỗi linh hồn để họ có thể biết rõ và lựa chọn. Quyền tự do lựa chọn và quyền tự quyết của linh hồn vẫn được Đức Chúa Trời tôn trọng cho đến hôm nay. Quyền tự do lựa chọn đưa đến trách nhiệm cá nhân của mỗi một người đối với quyết định của mình.

Có phải tất cả các tôn giáo đều giống nhau?
Cho đến nay những người không tin Chúa đều có những lý do khác nhau và lý do chính mà Chúa không có chỗ trong đời sống của họ vì họ đã có triết lý tôn giáo thế chỗ đó rồi. Lòng người không tin Chúa là một khoảng trống mà thế gian đã lấp đầy và không có chỗ dành cho Chúa trong đó. Các tôn giáo ngoài Chúa đều có những lý lẽ để biện minh như:
– “Đường nào cũng dẫn tới La-mã, tất cả các tôn giáo đều dẫn đến Đức Chúa Trời?
– “Tất cả các sông đều chảy về biển, cũng vậy, tất cả các tôn giáo đều dẫn đến Đức Chúa Trời.”
– “Bạn có thể leo lên đỉnh núi bằng nhiều ngã, nhưng cuối cùng rồi bạn cũng sẽ lên tới đỉnh núi.”
– “Có nhiều cách để bạn lên đến phòng ở nhà cao tầng. Bạn có thể đi bộ lên bằng cầu thang, hay bạn có thể lên bằng thang máy, hoặc bạn có thể từ bên ngoài bắc thang sắt leo lên rồi nhảy vào phòng bằng cửa sổ.”
– “Tất cả các tôn giáo đều là những dòng suối chảy ra từ cùng một nguồn và làm tươi mát những mảnh đất và những mảnh đời khác nhau” (Mahatma Gandhi).
– “Tại sao ông nói rằng chỉ có một con đường đến cùng Đức Chúa Trời? Ông không thể cho toa cùng một loại thuốc cho các bệnh tật khác nhau.”
Nhiều người theo các tôn giáo đang hài lòng với những lý lẽ nầy và không hề suy nghĩ đến sự khác nhau của các tôn giáo và Đạo Chúa. Hãy cùng tôi suy nghĩ, hôm nay là thời thuận tiện để suy nghĩ và quyết định. Hôm nay là ngày cứu rỗi.

bui

Các tôn giáo khác nhau về niềm tin căn bản.

a. Niềm tin về “Ông Trời.”
Theo Ấn Giáo, thực thể tối thượng gọi là Brahman thì không bản thể, không liên hệ, không hành động và không ban phước. Theo Phật Giáo nguyên thủy thì ngay từ đầu họ đã từ chối sự thực hữu của Đức Chúa Trời. Theo Hồi Giáo thì không có sự thông công gì giữa Trời và người. Họ nghĩ rằng nếu nói Trời với người có liên hệ cha con là không được, vì nói vậy là không tôn kính Trời.
Trái lại trong niềm tin của Đạo Chúa, Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa Tối Cao, là Cha của Chúa Giê-su Christ, Cứu Chúa chúng ta, là Đấng trông mong nối lại mối liên hệ và thông công với chúng ta, những người con đi lạc. Ngài muốn đứa con đi lạc của Chúa trở về để Ngài ban phước cho họ và qua họ Chúa ban phước cho cả thế giới.
b. Quan niệm về con người.
Theo Phật Giáo, con người không có linh hồn, chỉ có một loạt các trạng thái tinh thần. Theo Ấn Giáo, con người không thực sự phân cách khỏi vũ trụ. Linh hồn cá nhân chỉ là một phần của Linh Hồn Vũ Trụ. Trong khi đó Đạo Chúa dạy, con người có một linh hồn vĩnh cửu (hay nói cách khác con người là một linh hồn vĩnh cửu); con người được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời và con người là vật thọ tạo phân biệt với Đấng Tạo Hóa.

c. Quan niệm về thế giới.
Theo Ấn Giáo, thế giới không phải do Đức Chúa Trời sáng tạo nhưng là một lưu xuất của một thực thể tối thượng. Đó là kết quả của maya, gọi là ảo ảnh (illusion). Theo Đạo Chúa, thế giới do Đức Chúa Trời sáng tạo, đã bị tội lỗi làm cho hư hỏng, nhưng vẫn là nơi Đức Chúa Trời hành động, hoàn toàn là thực (không phải ảo), và là nơi có những quyết định có trách nhiệm giữa Đức Chúa Trời và loài người.

d. Quan niệm về luật đạo đức.
Theo Ấn Giáo và Phật Giáo, luật đạo đức không có gốc rễ từ Đức Chúa Trời. Nó được tìm thấy trong luật karma (nghiệp báo) vốn vận hành độc lập với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời được nâng lên cao trên luật karma và không có dính dáng gì với luật nầy. Nếu Đức Chúa Trời được nâng cao trên luật đạo đức, người tu có thể đạt đến một nơi mà người đó cũng vượt lên trên đạo đức. Người đó không bị ảnh hưởng bởi thiện và ác, tốt hay xấu.
Theo Đạo Chúa , Đức Chúa Trời và loài người cả hai đều được ràng buộc với cùng một luật đạo đức. Sự đạo đức của chúng ta phải phù hợp với bản tính của Đức Chúa Trời và bản tính của Chúa Giê-su Christ, là Đức Chúa Trời sống giữa loài người. Sống trở nên giống Đấng Christ là lý tưởng sống đẹp nhất của mọi người.

Các tôn giáo khác nhau về mục đích cuối cùng.
Tất cả các tôn giáo không giống nhau về mục đích cuối cùng. Theo Phật Giáo, mục đích cuối cùng là triệt tiêu đời sống trong khi mục đích cuối cùng của Đạo Chúa là sự đầy trọn của sự sống. Ấn Giáo tuyên bố giải cứu khỏi samsara, tức là thoát ra khỏi vòng tròn sinh tử luân hồi (sinh và tái sinh), trong khi Đạo Chúa công bố sự giải cứu khỏi hình phạt tội lỗi và quyền lực của tội lỗi. Quan niệm về thiên đàng của Hồi Giáo (là nơi khoái lạc thể xác) hoàn toàn khác với thiên đàng của Chúa (vốn là một nơi trọn vẹn đạo đức). Kinh Thánh nói về thiên đàng và địa ngục. Thiên đàng có thật cũng như địa ngục có thật. Thiên đàng thuộc về những người có Chúa, địa ngục thuộc về những người không có Chúa. Các tôn giáo hay né tránh, không thích đối diện với sự thật nầy.

Các tôn giáo khác với Đạo Chúa về Đấng sáng lập Đạo.
Chúng ta thừa nhận có một số giá trị tương tự giữa Đạo Chúa và các tôn giáo chính trên thế giới như các tôn giáo cùng dạy về tiêu chuẩn đạo đức cao, những kiêng cử, giới răn, điều cấm… lễ nghi. Chúng ta tạ ơn Chúa về sự chân thành vâng giữ những điều hay lẽ phải trong lối suy nghĩ và nếp sống văn hóa của nhiều người theo các tôn giáo. Chân thành là tốt nhưng vấn đề là chân thành đúng hay chân thành sai?
Cơ-đốc Giáo là giải pháp duy nhất, vì cớ Chúa Giê-su, Đấng sáng lập Đạo Chúa là duy nhất. Ngài là Chúa Cứu Thế của cả thế gian. Ngài là con đường cứu rỗi duy nhất do Đức Chúa Trời ban cho loài người. Ảnh hưởng tốt đẹp của Chúa Giê-su vượt trỗi lên trên tất cả mọi giáo chủ đã từng sinh ra trên thế gian.

Sự khác nhau giữa các tôn giáo và Tin Lành?
Tôn giáo do con người lập, Tin Lành do Chúa lập.
Tôn giáo là những gì con người làm cho Chúa, Tin Lành là những gì Chúa đã làm cho loài người.
Tôn giáo là con người tìm kiếm Chúa, Tin Lành là Chúa tìm kiếm loài người.
Tôn giáo là con người cố gắng leo lên bực thang của sự công bình riêng để mong gặp Chúa, trong khi Tin Lành là Chúa sai Con Ngài từ trời đến tìm loài người.
Tôn giáo là quan điểm tốt, Tin Lành là tin tức tốt lành.
Tôn giáo là lời khuyên tốt, Tin Lành là lời công bố vinh hiển.
Tôn giáo nhận một người và để người đó y như vậy, Tin Lành nhận một người và biến đổi người đó trở nên người Chúa muốn.
Tôn giáo kết thúc bằng việc tu sửa, Tin Lành kết quả một đời sống biến đổi nên mới từ bên trong ra bên ngoài.
Có nhiều tôn giáo khác nhau trên khắp thế giới nhưng chỉ có một Tin Lành.

Logo HH Media

Có 3 yếu tố chính khác nhau giữa các tôn giáo và Tin Lành:
1.Hành động bên ngoài khác với bản tính bên trong.
Tôn giáo: Hành động bên ngoài; Tin Lành: Bản tính bên trong.
Tôn giáo dạy bạn cứ làm lành, bạn sẽ trở nên lành. Cứ nói thật bạn sẽ thành người thành thật.Tin Lành dạy bạn phải là người lành nhờ ân điển Chúa bạn mới có thể làm lành. Bạn phải thành thật trong lòng bạn mới nói thật.
Tôn giáo dạy bạn hãy tập suy nghĩ tốt, bạn sẽ có tâm trí thanh sạch. Tin Lành dạy bạn hãy giữ tâm trí thanh sạch thì bạn sẽ suy nghĩ tốt.
Tôn giáo dạy hãy tập giúp người ta bạn sẽ yêu họ. Tin Lành dạy hãy đón nhận tình yêu của Chúa vào lòng, thì tự nhiên bạn sẽ yêu người khác và muốn phục vụ người khác.
Tôn giáo nhấn mạnh đến thái độ bề ngoài, Tin Lành chú trọng đến bản tính bên trong. Tôn giáo nhấn mạnh đến hành động bên ngoài, Tin Lành nhấn mạnh đến tình trạng bên trong. Chúa tái tạo một người và biến đổi người đó trở nên mới từ trong ra ngoài.
2.Các nguyên tắc tôn giáo khác với một Con Người-Chúa Giê-su.
Tôn giáo: Các nguyên tắc; Tin Lành: Chúa Giê-su.
Tôn giáo cung cấp chúng ta một loạt những giáo huấn và nói, “Hãy tiếp nhận, hãy tin và hãy theo những luật lệ nầy.” Tin Lành thì trình bày một Người là Chúa Cứu Thế Giê-su và dạy, “Hãy tiếp nhận Ngài, hãy tin cậy Ngài và hãy bước theo Ngài.”
Một sự khác biệt to lớn giữa các tôn giáo và Tin Lành là mối liên hệ của các tôn giáo và người sáng lập của tôn giáo đó. Các tôn giáo không cần mối liên hệ giữa giáo chủ và giáo dân, trái lại Tin Lành là mối liên hệ mật thiết giữa Chúa và con cái Ngài.
Nếu lấy các giáo chủ ra khỏi các tôn giáo thì các tôn giáo đó vẫn y nguyên. Bạn có thể lấy Phật Thích Ca ra khỏi Phật Giáo thì Phật Giáo vẫn còn đó với Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo. Bạn có thể lấy Mohammed ra khỏi Hồi Giáo thì Hồi Giáo vẫn còn Năm Cột Trụ của Hành Động và Sáu Tín Điều. Dầu Ấn Giáo không có người sáng lập nhưng nếu bạn lấy ra những vị thần của họ thì Ấn Giáo vẫn có những triết lý tôn giáo còn đó. Trái lại nếu bạn lấy Chúa Giê-su ra khỏi Cơ-đốc Giáo thì Đạo Chúa không còn gì cả.
Đạo Chúa khác biệt tất cả các tôn giáo trên thế gian. Vì Đạo Chúa là Chúa đang sống trong lòng người tin theo Ngài. Ở khắp mọi nơi.

Book on the tree.

Chúa Giê-su phán, “Ta là đường đi, chân lý và sự sống.” Ngài không phán Ta sẽ chỉ cho các ngươi con đường, ta sẽ dạy cho các ngươi chân lý, ta sẽ cho các ngươi sự sống. Ngài phán, “Ta là đường đi, chân lý và sự sống.” Khi tiếp nhận Chúa là bạn đi trên đường, tiếp nhận Chúa là bạn có chân lý, tiếp nhận Chúa thì bạn sống. Làm Cơ-đốc nhân chủ yếu là bạn tin cậy vào con người của Chúa Cơ-đốc, là nhận Ngài là Cứu Chúa và Chúa, là bước vào mối giao thông với Ngài, là trở thành một tân tạo vật trong Ngài.
Một người tín đồ Hồi Giáo ở Phi Châu đã trở lại tin Chúa Giê-su. Một số người bạn đã đến hỏi ông, “Tại sao ông trở thành Cơ-đốc nhân?” Ông đã trả lời như sau: “Giả sử như bạn đang đi trên đường và thình lình con đường rẽ ra làm hai hướng và bạn không biết đi hướng nào. Tại chỗ ngã ba đường đó có hai người–một người chết và một người sống- bạn sẽ hỏi đường người nào? Chúa Giê-su là Đấng duy nhất đã chết và đã sống lại. Ngài đang bước vào ngay thời đại nầy và đi thẳng vào lòng chúng ta. Vì thế Ngài không chỉ là Thầy, là gương sáng của chúng ta, Ngài chính là Đấng Cứu Chuộc và là Chúa của chúng ta. Ngài có thể sống trong lòng chúng ta và ban quyền năng để chúng ta bước theo dấu chân của Ngài.

3.Việc làm của con người khác với ân điển của Chúa.
Tôn giáo: Việc lành, công đức; Tin Lành: Ân điển, đức tin.
Các tôn giáo nhấn mạnh đến việc làm, Tin Lành nhấn mạnh đến ân điển.
Các tôn giáo dạy, “Hãy cố gắng”; Tin Lành dạy, “Hãy tiếp nhận.”
Các tôn giáo dạy, “Hãy thử”; Tin Lành dạy, “Hãy tin cậy.”
Các tôn giáo dạy, “Hãy tự phát triển chính mình”; Tin Lành dạy, “Hãy từ bỏ mình.”
Các tôn giáo dạy, “Hãy tự cứu lấy mình”; Tin Lành dạy: “Hãy tự đầu hàng.”
Các tôn giáo dạy, “Hãy làm điều nầy, hãy giữ điều kia, thì ngươi sẽ được giải thoát.” Tin Lành dạy, “Mọi sự đã được Chúa làm trọn. Hãy tin Chúa thì ngươi sẽ được cứu.”
Các tôn giáo dạy hãy hành đạo thì sẽ được thưởng, Tin Lành dạy rằng sự cứu rỗi không phải là phần thưởng cho những công đức của chúng ta nhưng là một món quà ân điển Chúa ban không cho chúng ta. Câu hỏi quan trọng của Tin Lành là bạn sẽ làm gì với những gì Chúa đã làm cho bạn? Bạn sẽ tiếp nhận hay từ khước món quà cứu rỗi. Bạn tin hay không tin Chúa. Bạn không cần tu sửa rồi mới đến với Chúa, bạn cứ đến cùng Chúa với con người nguyên trạng và Chúa sẽ biến đổi bạn hoàn toàn.

 

MS HUE

Mục sư Nguyễn Văn Huệ
Sách tham khảo:
John T. Seamands, Tell It Well: Communicating The Gospel Across Cultutres, Missouri: Beacon Hill Press Of Kansas City, 1981.   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn