Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / TUỔI THƠ CỦA MÁ

TUỔI THƠ CỦA MÁ

co nhi

Hồi còn nhỏ, má hay kể tôi nghe về khoảng thời gian má ở trong Cô Nhi Viện. Chuyện gì má cũng kể, riết tôi thuộc như chuyện của mình.

Má vào Cô Nhi Viện năm 6 tuổi. 6 tuổi cái thời những năm 1950 – 1960 có lẽ chỉ khôn lanh bằng đứa 3, 4 tuổi bây giờ. Biết đâu vào Cô Nhi Viện vậy mà vui. Được chơi đùa với nhiều bạn bè, được ăn đồ ăn Mỹ, được làm “trùm” đám nít thò lò mũi xanh, nhi nhít… Lúc ấy, hai tiếng “cô nhi” chẳng là gì cả. Chưa biết đau, chưa biết tủi, cứ vô tư hồn nhiên đã. Ai cũng như vậy, gì mà đau, gì mà tủi chứ!

Má thường kể …

Những bữa ăn tập thể, mọi người tranh nhau miếng cơm cháy để quẹt nồi. Ai “út éc” coi như im lặng chịu mất phần.

Những giờ tĩnh nguyện sáng sớm, đứa nào lười biếng trốn trong phòng nếu bị “méc” thì coi như “xong”.

Những lần được vào phố mua đồ, như thể ong vỡ tổ, tung tăng, hào hứng phố phường.

Những khóa Thánh Kinh Tiểu học đường với các giáo sư Mỹ, lạ lẫm, thích thú say sưa khoe nhau những món quà …

Má làm “trùm”. (Má đẹp, hát hay, chơi gì cũng toàn thắng, nhưng cũng là đứa lì lợm, chuyên bày trò). Mà “trùm” thì lẽ tất nhiên: đám dưới trướng mình sợ sệt, nịnh nọt, nhưng lại là cái gai trong mắt các thầy cô. Nên nhiều lần má bị phạt, bị đì. Rồi đâu cũng vào đó. Thế mới là trẻ con, “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” mà.

Má kể rất nhiều. Lâu dần trong tâm trí tôi cũng tự mường tượng ra vườn dừa thì thế nào, Trường Bết-lê-hem ra sao, phòng ở có mấy giường, dãy nhà ăn rộn ràng những bữa cơm khi tiếng kẻng vang lên … cứ như thể những nơi ấy gắn liền với tôi vậy. Có thời gian- lúc ấy tôi bé thôi- tôi đã nghĩ: Má sướng, má là má, má “được” như vậy, chắc đến khi mình lớn cũng sẽ được giống má (tôi nghĩ vậy vì tưởng ở trong Cô Nhi Viện là nơi tất nhiên mọi đứa trẻ sẽ trải qua, sở dĩ mình chưa được vì chưa đến lúc. Vậy mới thấy những câu chuyện của má tác động sâu sắc đến tâm trí của bé con- là tôi- đến mức nào!)

Thời bình yên không bao lâu. Cách mạng vào, đất nước thay đổi. Loạn lạc, chia ly. Trong phút chốc tụi má mất tất cả. Cái tổ chim an toàn, bình yên nhất giờ không còn. Chim mẹ, chim con, tất cả tản lạc. Những chú chim non ngô nghê bay ra đời. Ai còn cha hay mẹ, hoặc bất kỳ người thân nào đó thì về, ai không còn cũng ráng mà tìm nơi để đi. Má mồ côi cả cha lẫn mẹ, quê đâu xa tít miền Tây (nói đến đây, má nhiều lần xuýt xoa: đúng là mình được Chúa chọn để cứu. Thử hỏi bà con dòng họ có ai theo đạo đâu, lại sinh ra ở Bến Tre xa lắc lơ so với Nha Trang. Vậy mà “nhờ” mồ côi, má được gởi vào Cô Nhi Viện Tin Lành Nha Trang. Có vậy nên biết Chúa. Đó không phải Chúa chọn sao?). Lúc ấy mới biết cái từ “gia đình” quý giá biết bao. Má bơ vơ, lạc lõng thật sự!

Gần năm mươi năm sau- là bây giờ- cuộc sống tạm ổn bên chồng, con, rể, cháu. Nói tạm ổn vì cũng phải lo ăn từng ngày, con cái có đứa chưa lập gia đình, cháu thì đau bệnh. Má từng nói: “Mình là cô nhi, được vậy đã là hơn nhiều người. Chúa thương mình nhiều lắm rồi. Cô nhi hình như phần đông ai cũng lận đận. Có cha mẹ thật sướng …”

Nghĩ về cuộc đời má tôi chỉ biết dùng từ “diệu kỳ”.

Không diệu kỳ sao được khi mười chín (???) tuổi má lấy chồng. Chồng má cũng nghèo, được cái đẹp trai, nhưng quan trọng nhất: Ba là người đàn ông mạnh mẽ, bản lĩnh. Dám yêu và dám chịu trách nhiệm để bảo vệ người con gái của mình.

country

Má theo ba về làm dâu giữa một gia đình chồng nghèo khó, đông anh chị em, lại là những người sống khá cay nghiệt. Xung đột, cãi vã là chuyện thường, nhưng mọi người bị buộc phải chấp nhận nhau. Cái nghèo bám riết ba má mấy chục năm trời. Nhưng bây giờ ba má có một căn nhà khang trang, vẫn bên nhau- mọi sự dần đi lên từ hai bàn tay trắng.

Không diệu kỳ sao được khi má cưới ba- một thanh niên ngoại, cứng lòng nên thời gian dài má xa Chúa. Âu cũng vì cái nghèo, cái ngây thơ đến khờ dại khi má chỉ có ba, luẩn quẩn trong cuộc sống với chồng và con. Cuộc sống trước kia trong Cô Nhi Viện hoàn toàn khác với cuộc sống ngoài đời thật lúc ấy. Nhưng Chúa đã kéo má trở về bên Ngài. Niềm tin được nhắc nhớ, kéo theo là quá trình ăn năn và phục hồi. Những trải nghiệm đức tin quý giá của má là bằng chứng cho chúng tôi ngày nay. Má bây giờ, với chúng tôi, khá vững vàng trong đời sống theo Chúa. Đúng thật Chúa đã dùng “dây nhân tình, xích yêu thương” mà kéo má về.

Không diệu kỳ sao được khi má lớn lên như cây dại giữa đời. Có ai dạy cho điều này điều kia đâu. Má về làm dâu với nhiều chuyện khôi hài đến đáng trách và tội nghiệp. Ai đời tôm rim mà không cắt râu tôm, chúng dính thành chùm trên dĩa; rồi … mà cũng chẳng nói chi xa xôi, sự tồn tại lành lặn của của chúng tôi ngày hôm nay cũng là sự kỳ diệu rồi. Nếu so những tai nạn vì “thiếu hiểu biết” thời má mang thai chúng tôi với bây giờ, chắc chúng tôi cũng sẽ chẳng được khỏe mạnh, bình thường như lúc này.

Cuộc đời má, với tất cả thăng trầm, là bằng chứng sống cho chúng tôi. Bằng chứng về nghị lực sống mãnh liệt của con người. Bằng chứng về tình cảm vợ chồng, con cái, cha mẹ. Bằng chứng về tình yêu và quyền năng của Chúa… Chúng tôi học nơi má sự kiên trì chịu đựng, sự vén khéo chăm sóc gia đình, sự hy vọng trong đức tin đặt nơi Chúa. Những mối quan hệ được- mất xung quanh cuộc đời má cũng là những điều thú vị chúng tôi may mắn học được.

Má và “đám bạn cô nhi” (từ má tôi thường dùng khi nói về mấy cô bạn má, giờ cùng nhóm chung trong Hội Thánh) cứ đôi ba ngày lại í ới gọi nhau, chỉ để cho hũ mắm, bị đường; sửa cái quần, vá cái áo cùng nhau … Cuộc sống cũng chỉ luẩn quẩn bên gia đình, Hội Thánh, và vài công việc đơn giản của phụ nữ tuổi xế chiều. Nhưng qua những bể dâu của cuộc đời, mọi người gắn bó hơn bởi cái tình chân thật trong Chúa. Cũng cùng xuất phát từ phận cô nhi cả. Tôi thầm nghĩ: “ít ra đây cũng là chút niềm an ủi cho má trong cuộc sống đơn điệu của bà”.

Bây giờ, cứ mỗi khi chạy trên đường Hòn Chồng, tôi lại thấy nao lòng. Dấu vết xưa cũ của má chẳng còn lại gì. Thay vào đó là các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê. Có chăng chỉ là chút dấu xưa ở Trường Bết-Lê-Hem, nay là Trường Hoàng Văn Thụ; Chẩn y viện xưa nay là Bệnh viện phục hồi chức năng. Đâu rồi hình ảnh tươi mát của vườn dừa bao la? Sự hoang sơ của bãi biển Hòn Chồng đầy đá? Sự hồn nhiên rộn ràng của đám trẻ cô nhi? Tất cả những hình ảnh của những năm tháng xa xưa đó, chỉ còn lại trong ký ức mỗi người. Nhưng những ký ức đẹp đó đủ sức nuôi dưỡng tâm hồn của hàng trăm người ở khắp mọi miền đất nước đã từng xuất thân từ cái nôi “Cô Nhi” nơi đây.

                                                                                          THỊ NỞ

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn