Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / Không Bao Giờ Vội Vã

Không Bao Giờ Vội Vã

Đức Chúa Trời: Không Bao Giờ Vội Vã; Luôn Đúng Thời Điểm

Mục Sư Rick Warren

Jas1
“Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào.”  (Gia-cơ 1:4)

Hãy nhẫn nại với Chúa và với chính bạn.  Một trong những thất vọng của đời sống là thời điểm của Chúa hiếm khi trùng hợp với thời điểm của chúng ta.  Chúng ta thường vội vã trong khi Chúa thì không.  Bạn có thể cảm thấy thất vọng với mức tiến bộ dường như chậm chạp của mình trong cuộc sống.

Hãy nhớ Đức Chúa Trời không bao giờ vội vã, nhưng Ngài luôn hành động đúng thời điểm.   Ngài sẽ sử dụng trọn cuộc đời của bạn để chuẩn bị cho vai trò của bạn trong cõi đời đời.

Kinh Thánh đầy dẫy những thí dụ về cách Đức Chúa Trời dùng một quá trình lâu dài để phát triển tâm tánh, đặc biệt nơi những con người lãnh đạo.  Ngài đã dùng 80 năm để chuẩn bị Môi-se, kể cả 40 năm trong đồng vắng.  Trong suốt thời gian 14,600 ngày đó, Môi-se đã luôn chờ đợi và tự hỏi, “Đã đến thời điểm chưa?”  Nhưng Chúa cứ phán, “Chưa đâu.”

Trái với tựa đề của nhiều tác phẩm thịnh hành, Đức Chúa Trời không có “Những Bước Dễ Dàng Đạt Đến sự Trưởng Thành” hay “Bí Quyết Trở Thành Thánh Nhân Cấp Tốc.”  Khi muốn tạo một cây sồi khổng lồ, Ngài cần cả trăm năm, nhưng khi muốn tạo một cây nấm, Ngài chỉ cần qua một đêm.

Những linh hồn tuyệt vời thường phát triển qua những gian nan, sóng gió và những mùa của đau khổ.  Hãy nhẫn nại với tiến trình này.  Gia-cơ khuyên. “Sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào” (Gia-cơ 1:4).

Khi tiên tri Ha-ba-cúc ngã lòng vì ông đã nghĩ rằng Chúa đã không hành động nhanh đủ, Ngài phán cùng ông: “Vì sự hiện thấy còn phải ứng nghiệm trong kỳ nhứt định, sau cùng nó sẽ kíp đến, không phỉnh dối đâu.  Nếu nó chậm trễ, ngươi hãy đợi; bởi chắc nó sẽ đến, không chậm trễ!” (Ha-ba-cúc 2:3)

Một sự chậm trễ không phải là một sự từ khước của Chúa!

Hãy nhớ bạn đã đi được bao xa, chứ không phải bạn còn đi bao xa.  Bạn chưa đạt đến mức bạn muốn, nhưng bạn cũng không còn ở tại vị trí bạn đã từng đứng.  Nhiều năm về trước người ta thường gắn những nút khẩu hiệu mang dòng chữ tắt XKNCCHTVT. Dòng chữ nầy chính là “Xin Kiên Nhẫn, Chúa Chưa Hoàn Tất Với Tôi.”  Chúa cũng chưa hoàn tất với bạn, hãy tiếp tục bước tới.  Ngay chính con ốc sên cũng bò lên được chiếc tàu của Nô-ê nhờ sự kiên trì của nó!

Thảo Luận

Chúa đã dùng một giai đoạn gian nan trong cuộc sống để phát huy nhân cách của bạn ra sao?

Tại sao khó cho chúng ta kiên nhẫn, kể cả khi tin rằng Chúa đang hành động?

Đức Chúa Trời có những lời hứa nào, hay bạn có một kinh nghiệm nào trong quá khứ, khi nhớ lại sẽ khích lệ bạn khi bạn đợi chờ thời điểm của Ngài?

Môn Đệ Hóa Là Một Tiến Trình Để Được Giống Đấng Christ

Eph4

“Chúng ta sẽ nên bậc thành nhơn, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ.” (Ê-phê-sô 4:13b.)

Môn đệ hóa là một tiến trình để trở nên giống như Đấng Christ; cuộc hành trình của bạn sẽ kéo dài trọn đời.  Mỗi ngày Chúa muốn bạn giống Ngài thêm một chút: “Bạn đã bắt đầu sống cuộc đời mới, là người đang đổi ra mới theo hình ảnh Đấng dựng nên bạn.” (Cô-lô-se 3:10a)

Ngày nay chúng ta thường bị ám ảnh bởi tốc độ, nhưng Chúa quan tâm đến sức mạnh và sự ổn định hơn sự là nhanh nhẹn.  Chúng ta muốn cách giải quyết tức thì, đi đường tắt, giải pháp tại chỗ.  Chúng ta muốn một bài giảng, một khóa hội thảo, hay một kinh nghiệm sẽ ngay lập tức giải quyết tất cả các vấn đề, loại bỏ mọi cám dỗ, và thoát khỏi mọi cơn đau đang hoành hành.

Nhưng sự trưởng thành thật sự không bao giờ là kết quả của một kinh nghiệm đơn độc, bất kể là nó có mạnh mẽ hay xúc động đến thế nào.  Sự trưởng thành thì từ từ.  Kinh Thánh chép, “Đời sống chúng ta dần dần sáng tươi và càng tươi đẹp khi Đức Chúa Trời ngự vào đời sống mình và giúp chúng ta trở nên giống như Ngài.” (2 Cô-rinh-tô 3:18b)

Người ta thường nhận diện mình theo những khiếm khuyết của họ.  Chúng ta nói, “Đó là giống tôi y chang…” và “Tánh tôi là vậy đó.”  Sự lo lắng ăn sâu trong tiềm thức là nếu tôi bỏ thói quen của tôi, tổn thương của tôi, tật xấu của tôi, tôi sẽ là ai?

Thói quen cần có thời gian để phát triển.  Hãy nhớ rằng cá tính của bạn là tổng hợp tất cả những thói quen của bạn.  Bạn không thể nói là mình nhân từ, trừ khi bạn luôn có thói quen nhân từ — nghĩa là bạn tỏ lòng nhân từ một cách tự nhiên mà không hề suy nghĩ về điều đó.  Bạn không thể tự cho mình là người liêm chính, trừ khi bạn có thói quen luôn luôn thành thật.  Một người chồng chung tình với vợ mình hầu như phần lớn thời gian là không chung tình gì cả.  Những thói quen định nghĩa cá tính của bạn.

Chỉ có một cách duy nhất để phát triển những thói quen của cá tính giống Đấng Christ: Bạn phải thực hành chúng — và phải cần thời gian!  Không thể tạo được thói quen trong nháy mắt.  Phao-lô thúc giục Ti-mô-thê, “Hãy chuyên tâm thực hành những việc đó hầu cho mọi người thấy sự tấn tới của con.” (1 Ti-mô-thê 4:15).

Thảo luận

Bạn đang làm gì để tăng trưởng từng bước một nhưng kiên định như là một môn đệ của Đấng Christ?

Ai trong cuộc đời có thể giúp và khuyến khích bạn khi bạn tập phát triển một cá tính giống Đấng Christ?

Bạn muốn người ta biết đến bạn nhờ các đặc điểm nào?  Làm thế nào để bạn có thể phát triển những đặc điểm đó trong đời sống của bạn?   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn