Thứ Năm , 14 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Sự Khiêm Nhường của Thập Tự Giá

Sự Khiêm Nhường của Thập Tự Giá

MỘT CẢNH TƯỢNG PHƠI BÀY

“Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết

 – Thậm chí chết trên cây thập tự!”

PHI-LÍP 2:8 

philippians_2_8-10

Địa vị ban đầu của Chúa Giê-su Christ là ngay đỉnh của đường cong pa-ra-pôn. Ngài vốn có bản thể của Đức Chúa Trời và hưởng những vinh quang của thần tánh Ngài, Ngài đã ở địa vị cao như Ngài có thể. Rồi Ngài hạ mình xuống, hướng xuống nơi con loài người. Ngài đã buông vinh quang của thần tánh Ngài, từ bỏ chính mình, mặc lấy thân phận của một tôi tớ, chịu tạo dựng trong hình hài con người, và khiêm nhường nằm trong máng cỏ.

SỰ HÈN MỌN CỦA MÁNG CỎ

Đường cong đi xuống của chiếc parabol tượng trưng hình ảnh Con Đức Chúa Trời từ thiên đàng xuống thế gian. Từ muôn đời về trước, Ngài vẫn luôn vui thích với đặc quyền về thần tánh của Ngài. Tuy nhiên Ngài đã chịu hạ mình để trở nên một con người. Ngài đã không dùng sự bình đẳng với Đức Chúa Trời để tránh né việc trở nên người phàm, nhưng làm điều ngược lại.

Chúa Giê-su Christ đã là một con người về mọi phương diện. Ngài đã được cấu tạo và dựng nên như một người bình thường. Bên dưới lớp da của Ngài là các xương và các bộ phận, cũng có máu bơm qua các mạch máu. Nếu bạn đã ở trong cái hang đá nơi Chúa Giê-su được sinh ra, bạn đã có thể đặt bàn tay mình trên thân thể Chúa hài đồng Giê-su và cảm nhận ngực Ngài phồng lên xẹp xuống đều đều theo nhịp thở trong không khí ban đêm tại Bết-lê-hem. Ma-ri và Giô-sép đã phải cho Ngài ăn và ợ, thậm chí thay tã cho Ngài. Trong vòng tay của họ, Ngài là một hài nhi đang sống, thở và ngọ nguậy.

Tất cả những điều đó là cần thiết để Chúa Giê-su trở thành Cứu Chúa của thế giới. Ngài đã phải trở thành một người như chúng ta để cứu chúng ta. Nhà cải chánh Zacharias Ursinus từng viết rằng: “Vì con người phạm tội, nên con người cần phải trả nợ tội lỗi.” Hay theo lời của Augustine, một nhà thần học có thể gọi là vĩ đại nhất của hội thánh sơ khai, “Chính bản chất được nhận lấy là bản chất được bày tỏ ra.”

Sự hạ mình của Chúa Giê-su Christ là điều xưa nay chưa từng thấy bao giờ. Đó là một điều trái ngược hoàn toàn với những giá trị của thế gian này – một đường lối khác với luân lý thế gian. Câu Kinh Thánh: “Ngài tự hạ mình xuống,” biểu lộ sự tự nguyện hạ mình. Cũng như việc tự từ bỏ chính mình (Phi-líp 2:7), Ngài cũng tự hạ mình xuống. Sự tự hạ mình của Chúa Giê-su Christ là một hành động sẵn lòng hạ cố và tình nguyện hy sinh bản thân.

Chúng ta dễ dàng quên tấm gương khiêm nhường của Đấng Christ cấp tiến thế nào. Các triết gia cổ đại coi thường sự hạ mình. Họ không cho rằng đó là một phẩm cách, nhưng cho đó là một thói xấu. Họ khen ngợi sự kiêu ngạo, và chê sự khiêm nhường là một biểu hiện của sự yếu đuối và hèn nhát.  Đối với những người ngoại đạo sống vào thời Đấng Christ thì sự hạ mình là khuynh hướng yếu đuối của một kẻ hèn nhát. Vậy nên Chúa Giê-su đã làm đảo ngược các giá trị của văn hóa cổ đại và cung cấp cho loài người một lối sống hoàn toàn khác: lối sống hạ mình.

HẠ MÌNH ĐẾN CHẾT

Nếu chúng ta lật mở các trang sách Phúc Âm, chúng ta có thể nhận ra nhiều hình ảnh khiêm nhường của Chúa Giê-su Christ. Tuy nhiên hình ảnh rõ nét nhất về sự hạ mình của Đấng Christ mà Phao-lô tâm đắc khi ông tô lại hình parabol về sự cứu chuộc đến chỗ đường cong vòng xuống là hình ảnh Ngài “vâng phục cho đến chết.”

Tại đây, Phao-lô đã trả lời một thắc mắc canh cánh về khả năng hóa thân làm người của Chúa Giê-su trong lời một bài hát nổi tiếng năm 1995 của Joan Osborne. Osborne đã ngâm nga rằng: “Nếu Đức Chúa Trời là một người trong loài người chúng ta thì sao? Một người giống như chúng ta. Cũng từ bùn đất như chúng ta. Cũng là một người lạ trên xe buýt, đang trên đường về nhà, một mình quay về thiên đàng.”

Nếu Đức Chúa Trời là một người trong loài người chúng ta thì sao? Ngài sẽ cảm thấy như thế nào khi dự phần vào sự tồn tại tẻ nhạt và vô vị của con người? Thực ra, không cần phải suy đoán. Không cần đặt ra những cái “nếu” về điều ấy: vì Đức Chúa Trời đã thực sự trở thành một người như chúng ta. Chúng ta có thể đọc về tất cả những điều này trong các tài liệu lịch sử rõ ràng nhất đã được xác chứng từ thời cổ đại: các sách Phúc Âm trong Tân Ước. Chúa Giê-su cũng đã không cố gắng trở về thiên đàng một mình. Trên mọi bước đường của Ngài, Ngài luôn được thêm sức bởi Đức Thánh Linh và được giúp đỡ nhờ mối thông công thân mật với Đức Chúa Cha.

Tuy nhiên, từ cái nhìn Kinh Thánh, ta thấy một vấn đề trầm trọng hơn trong tác phẩm của Osborne là Chúa Giê-su mà bài hát này trình bày đã không đủ khiêm nhường. Chúa Giê-su trong tác phẩm của Osborne là một nhân vật đáng thương. Chúng ta thấy Ngài một mình trên xe buýt, không bạn bè và tuyệt vọng trong một thế giới sa đọa. Người đàn ông u sầu ấy dường như bị Đức Chúa Trời bỏ rơi, không chắc chắn về số phận đời đời của mình, và bị bỏ mặc để tự thực hiện sự cứu rỗi mình. Tuy nhiên, sự nhục nhã mà Chúa Giê-su phải chịu khi Ngài thực sự hóa thân làm người còn tệ hơn như vậy! Ngài đã phải hạ mình xuống thấp hơn nhiều so với việc chịu cô đơn trên chuyến xe buýt đang chạy trên đường phố. Sự vâng phục của Đấng Christ là sự vâng phục hoàn toàn cho đến chết.

Câu khẳng định trên không phải chủ yếu nói đến khoảng thời gian Đấng Christ chịu vâng lời. Mặc dù thật sự Chúa Giê-su đã vâng theo luật pháp Đức Chúa Trời suốt cuộc đời Ngài, và Ngài đã vâng phục Cha Ngài đến tận giây phút Ngài chịu chết. Nhưng sự “vâng phục cho đến chết” ở đây chủ yếu bày tỏ mức độ vâng phục của Đấng Christ. Việc chết trên thập tự giá là một sự vâng phục đạt đến cấp độ cao nhất, đến mức độ tột cùng của sự chết.

Sự vâng phục tuyệt đối này đã thể hiện cả thần tánh và nhân tánh của Chúa Giê-su Christ. Một mặt, việc phó dâng thân thể mình đến chết bày tỏ thần tánh của Ngài. Loài người tầm thường không thể vâng phục đến nỗi nhận cái chết. Điều này là tất yếu vì chúng ta chỉ là con người hay chết. Dù cho chúng ta có sẵn lòng đầu phục đến chết hay không thì tất cả chúng ta đều phải chết. Chỉ có Chúa Con, là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật mới có thể phó chính mình Ngài cho đến chết trong hành động vâng phục tự nguyện như thế.

Sự vâng phục của Đấng Christ cho đến chết cũng đồng thời bày tỏ nhân tánh của Ngài. Chỗ khác trong Thánh Kinh có nói rằng “Khi còn sống trong thân xác, Đấng Christ đã lớn tiếng dâng những lời cầu nguyện và nài xin đầy nước mắt lên Đấng có quyền cứu mình khỏi chết; và bởi lòng thành kính, Ngài được nhậm lời. Mặc dù là Con, Ngài cũng đã học tập vâng lời qua những khổ đau mình đã chịu” (Hê-bơ-rơ 5:7-8). Những câu Kinh Thánh này trao cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua hiếm hoi về đời sống cảm xúc của Chúa Giê-su Christ, Ngài thậm chí đã kêu khóc lớn tiếng với Cha Ngài trên thiên đàng để xin được cứu khỏi cái chết. Chúa Giê-su Christ đã học tập sự vâng lời qua việc chịu khổ.

Chúa Giê-su Christ đã có thể từ chối con đường thập tự giá. Một khi Ngài đã có cơ hội quan sát những điều xung quanh, chứng kiến mọi thứ và chịu đau đớn trên da thịt mình, Ngài đã có thể chọn đổi sự khiêm nhường lấy vinh quang trở lại. Thực ra đó chính là sự cám dỗ mà Sa-tan mang đến cho Chúa Giê-su: “Ma quỷ lại đem Ngài lên đỉnh núi cao, chỉ cho Ngài thấy tất cả các vương quốc trên thế gian với sự huy hoàng của chúng, và nói: “Nếu ngươi sấp mình thờ lạy ta, ta sẽ cho ngươi tất cả những thứ nầy” (Ma-thi-ơ 4:8-9). Sa-tan gợi ý trao cho Chúa Giê-su một con đường đến vinh quang mà không phải qua thập giá.

Chúa Giê-su đã từ chối con đường dễ dàng đó. Ngài từ chối nó bởi vì nếu không có sự chuộc tội thì sẽ không thể có sự cứu rỗi khỏi tội. Sẽ không có sự cứu chuộc nếu không có sự đóng đinh. Vì thế Chúa Giê-su Christ đã chấp nhận hạ mình cứu chuộc nhân loại. Ngài đã bằng lòng vâng phục đến chết.

PHILIP GRAHAM RYKEN

(Còn nữa)   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn