Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Đối Xử Tốt Với Người Chống Đối Mình

Đối Xử Tốt Với Người Chống Đối Mình

Mục Sư Rick Warren

luke

“Hãy yêu kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phước cho kẻ rủa mình, và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình. Ai vả ngươi má bên nầy, hãy đưa luôn má bên kia cho họ; còn nếu ai giựt áo ngoài của ngươi, thì cũng đừng ngăn họ lấy luôn áo trong.” (Lu-ca 6:27b-29)

Khi bạn bị ngược đãi, quấy rối, và phải đối mặt với sự chống đối, bạn cần đáp lại bằng một phước lành, lấy ân trả oán.

Chúa Jesus dạy trong Lu-ca 6:27-29: “Hãy yêu kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phước cho kẻ rủa mình, và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình. Ai vả ngươi má bên nầy, hãy đưa luôn má bên kia cho họ; còn nếu ai giựt áo ngoài của ngươi, thì cũng đừng ngăn họ lấy luôn áo trong.”

Ai làm điều đó?! Thật ra không mấy ai làm được.  Đó là điểm để phân biệt Cơ-đốc nhân, bởi vì nó không phải là một phản ứng tự nhiên hoặc thông thường hoặc dễ thực hiện.

Cần phải có rất nhiều can đảm để làm những điều đó!  Kẻ khờ dại nào cũng có thể kháng cự lại. Kẻ nhát gan nào cũng có thể trả đũa.  Kẻ ngu ngốc nào cũng có thể nói xấu lại.  Thậm chí loài vẹt cũng có thể được dạy để nguyền rủa.

Chúa muốn bạn yêu kẻ thù mình, đối xử tốt với người ghét mình, chúc phước cho người rủa sả mình, cầu nguyện cho người làm tổn thương mình, và nhịn nhục hết điều.  Điều đó có dễ không? Không.  Bạn chỉ có thể làm được điều đó khi bạn được đầy dẫy tình yêu của Đức Chúa Trời.  Và đó là hình thức làm chứng mạnh mẽ nhất.

Trong phim The Butler, người ta đưa ra hình ảnh của “Freedom Riders” (những người tranh đấu cho dân quyền) chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở miền Nam trong Phong trào Dân quyền, huấn luyện người dân cách không trả đũa khi bị đánh, bị phỉ nhổ, bị rủa sả, bị cưỡng bách, hoặc bị ném thức ăn vào mình.  Đó là một câu chuyện về lập trường bất bạo động có tác động mạnh mẽ.

Khi xem cảnh đó, nước mắt đã bắt đầu rơi xuống mặt của tôi.  Tôi nghĩ: “Tôi muốn trở thành những mẫu người như vậy cho Chúa Jesus.  Tôi muốn được can đảm như vậy.  Tôi muốn có một tấm lòng can đảm không nhượng bộ những gì sai trái, bất kể phải hứng chịu điều gì.  Và tôi muốn đáp ứng bằng tình yêu thương.”

Khi bạn từ chối trả đũa và thay vào đó đáp ứng bằng tình yêu thương ở nơi làm việc, hoặc với những người không thích bạn, Chúa sẽ rất đẹp lòng.  Và, bạn sẽ được phước.

“Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy! Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm;” (Ma-thi-ơ 5:10-12a)

Chúa Jesus đã trả một giá cho bạn.  Ngài nói rằng có một giá phải trả để theo Ngài.  Được yêu chuộng trên đời này không phải là một phần bảo đảm khi bạn là một Cơ-đốc nhân, nhưng phần thưởng của bạn trên Thiên đàng là một sự đảm bảo chắc chắn.
  

Thảo luận

Đức tin của bạn đòi hỏi bạn trả giá điều gì?

Bạn sẵn lòng chịu khổ vì Danh Chúa như thế nào?  Câu trả lời của bạn ảnh hưởng đến cách bạn xử sự khi bị lăng mạ hoặc bị phản đối như thế nào?

Tại sao việc đáp ứng bằng tình yêu thương, không trả đũa là hình thức làm chứng cho Chúa hiệu quả nhất?

 

Giữ Lòng Trung Tín Khi Đau Khổ

1 p 419

“Vậy những kẻ chịu khổ theo ý muốn Đức Chúa Trời, hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo hóa thành tín.” (1 Phi-e-rơ 4:19)

Có người cho rằng Chúa muốn mọi người là triệu phú.  Chúa không bao giờ muốn người nào bị ung thư.  Chúa không bao giờ muốn có bất cứ nan đề nào trong cuộc sống của bạn.

Nhưng Kinh Thánh nói rằng đôi khi đau khổ là ý muốn của Chúa cho đời sống bạn.  Tại sao? Bởi vì nó làm bạn giống Chúa Jesus hơn.  Nó làm đức tin của bạn sâu nhiệm hơn.  Nó mang đến cho bạn phần thưởng trên Thiên đàng.  Nó xây dựng phẩm cách của bạn.  Nó dạy bạn thờ phượng thay vì lo lắng.

Có ba loại đau khổ trên đời này.  Loại đau khổ thông thường là đau khổ chung cho mọi người.  Nó không phân biệt bạn là tín hữu Baptist, Phật Giáo, Hồi Giáo, vô thần hoặc bất cứ tôn giáo nào.  Mọi người cùng phải chịu đựng một số điều nào đó.  Khi một cơn bão ập vào thị trấn, nó không chỉ chọn vào các Cơ-đốc nhân.  Đó là sự đau khổ trên đời mà hết thảy chúng ta đều cùng gánh chịu.

Loại đau khổ thứ hai là đau khổ thể xác.  Đó là đau khổ mà bạn tự chuốc lấy bởi tội lỗi của chính bạn.  Nếu tôi đi ra và sống một đời sống bê tha, vô đạo đức và rồi mắc các chứng bệnh lây lan qua đường tình dục, đó là lỗi của tôi.  Nó không phải là lỗi của Chúa.  Nó không phải là lỗi của một người nào cả.  Đó là lỗi của tôi.  Nếu tôi tiêu xài quá mức thu nhập rồi lâm vào cảnh nợ nần và phá sản, đó không phải lỗi của ai khác nhưng là lỗi của tôi.  Đó là sự đau khổ xuất phát từ tội lỗi và những quyết định sai lầm của tôi.

Không phải mọi đau khổ đều bắt nguồn từ tội lỗi.  Kinh Thánh cho biết đôi khi đau khổ xảy đến theo ý muốn của Chúa, vì Ngài quan tâm đến tánh hạnh của bạn hơn là sự thoải mái của bạn.

Kinh Thánh nói trong 1 Phi-e-rơ 4:19: “Vậy những kẻ chịu khổ theo ý muốn Đức Chúa Trời, hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo hóa thành tín.”

Không quan trọng là mũi tên nào sẽ bắn vào bạn, không quan trọng là bạn phải chịu đựng những gì trong đời này vì đức tin của bạn, Chúa muốn bạn giữ lòng trung tín với Ngài và tiếp tục đối xử tốt với người khác.  Điều đó có dễ thực hiện không?  Không luôn luôn vậy.  Điều đó có đòi hỏi đức tin không?  Chắc chắn có.  Điều đó có đáng không?  Tuyệt đối đáng.

Thảo luận

Việc đối xử tốt với người khác giữa lúc đau khổ có thể giúp bạn thay đổi mối quan tâm của bạn như thế nào?

Trong những tình huống nào trong cuộc sống mà bạn cần đứng về phía Chúa cho dù gặp phải sự chống đối?

Phó thác đời sống mình cho Chúa nghĩa là gì?   

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn