Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Cuộc Chiến Sáu Ngày

Cuộc Chiến Sáu Ngày

sixdaywar

Binh lính Israel tràn vào Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967. Ảnh: ITN

Tác giả: Đặng Hoàng Xa

http://nghiencuuquocte.org

Mười năm yên tĩnh 1957-1967 dường như chỉ là giả tạm. Bên dưới sự yên tĩnh đó, những đợt sóng ngầm của chiến tranh vẫn âm ỉ. Mâu thuẫn giữa Israel với các quốc gia Ả Rập láng giềng dâng cao trong một vài năm trước 1967. Các cuộc tấn công khủng bố của fedayeen[1] được Ai Cập hỗ trợ vào các trung tâm dân cư của Israel tiếp tục tiếp diễn.

Mùa xuân năm 1967, phía Liên Xô cung cấp cho chính phủ Syria những tin giả là Israel đang chuẩn bị tấn công Syria; Syria thông báo cho Ai Cập. Ngày 22 tháng Năm, để đáp lại, Ai Cập tuyên bố ngoài việc yêu cầu quân Liên Hiệp Quốc rút lui khỏi Bán đảo Sinai, họ cũng sẽ đóng cửa Eo biển Tiran với tàu thuyền “mang cờ Israel hoặc chuyên chở vật liệu chiến lược”, bắt đầu từ ngày 23 tháng Năm.

Phát biểu trước Liên đoàn thương mại Ả Rập ngày 26 tháng Năm, Tổng thống Ai Cập là Gamal Abdel Nasser tuyên bố: “Nếu Israel dấn sâu vào các hoạt động thù địch chống lại Syria hay Ai Cập, thì trận chiến chống lại Israel sẽ là trận chiến toàn diện, không chỉ giới hạn ở biên giới Syria hay Ai Cập và mục tiêu cơ bản của chúng ta là hủy diệt Israel.

Với những hành động gây hấn của Nasser, bao gồm việc phong tỏa Eo biển Tiran và triển khai quân đội tại Bán đảo Sinai, gây nên sức ép quân sự và kinh tế lên Israel, cùng với việc Hoa Kỳ còn đang trù trừ vì vướng vào cuộc Chiến tranh Việt Nam, lãnh đạo quân sự Israel thấy rằng chỉ có một khả năng có thể xoay chuyển được tình thế là đánh phủ đầu. Nội các Israel nhóm họp ngày 23 tháng Năm quyết định mở cuộc tấn công nếu Eo biển Tiran không được mở trở lại ngày 25 tháng Năm. Lãnh đạo Israel quyết định là nếu như Hoa Kỳ không làm gì và Liên Hiệp Quốc án binh bất động, thì Israel phải tự hành động. Ngày 1 tháng Sáu, tướng Moshe Dayan được cử làm Bộ trưởng Quốc phòng Israel. Israel đã sẵn sàng.

Tháng Sáu năm 1967, trong một kế hoạch quyết liệt nhằm hủy diệt Israel, quân đội Ả Rập thống nhất triển khai với số lượng lớn dọc các đường biên giới với Israel, trong khi Ai Cập đóng cửa Eo biển Tiran và Nasser yêu cầu Lực lượng Khẩn cấp Liên Hiệp Quốc (UNEF) rời Ai Cập. Để chuẩn bị cho cuộc chiến, Ai Cập tập trung khoảng 100 ngàn trong tổng số 160 ngàn quân về Bán đảo Sinai, bao gồm toàn bộ bảy sư đoàn (4 sư đoàn bộ binh, 2 sư đoàn xe bọc thép và 1 sư đoàn cơ giới), cũng như bốn lữ đoàn bộ binh độc lập và bốn lữ đoàn bọc thép độc lập. Không dưới một phần ba trong số đó là các binh lính kỳ cựu từ cuộc can thiệp của Ai Cập vào nội chiến Yemen cùng với khoảng một phần ba khác là quân dự bị. Lực lượng này có 900-950 xe tăng, 1.100 xe bọc thép (APC) và hơn 1.000 khẩu pháo. Không quân Ai Cập được cho là lớn và hiện đại nhất trong số các quốc gia A Rập, với khoảng 450 máy bay chiến đấu của Liên Xô, trong đó có nhiều máy bay MiG-21 hiện đại bậc nhất lúc đó. Trong thời gian đó, Nasser tiếp tục tiến hành các hoạt động nhằm gia tăng mức động viên quân đội từ Ai Cập, Syria và Jordan, nhằm gia tăng sức ép lên Israel.

Jordan chuẩn bị cho cuộc chiến với 9 lữ đoàn đóng ở Bờ Tây, gồm 45 ngàn quân, 270 xe tăng, 200 trọng pháo, với hai trung đoàn bọc thép tinh nhuệ tại Thung lũng Jordan. Khoảng 100 xe tăng và một sư đoàn bộ binh Iraq cũng được đặt ở tình trạng báo động gần biên giới Jordan. Hai phân đội máy bay chiến đấu Hawker Hunter và MiG-21, cũng được chuyển về gần các căn cứ sát biên giới Jordan. Syria có 75 ngàn quân, chia làm 9 lữ đoàn, hỗ trợ bởi xe tăng và pháo binh để chuẩn bị cho cuộc chiến ở vùng Cao nguyên Golan. Chỉ huy vùng Bờ Tây của Jordan cam kết là “trong vòng 3 ngày chúng ta sẽ đến Tel Aviv”.

Về phía mình, quân Israel ra lệnh tổng động viên, bao gồm cả quân dự bị, gồm 264.000 người. Dù số quân đó không thể duy trì lâu dài, vì quân dự bị đóng vai trò sống còn trong vận hành cuộc sống hàng ngày của đất nước, phóng viên Hoa Kỳ James Reston, trong New York Times ngày 23 tháng Năm năm 1967, nhận xét: “Về mặt kỷ luật, huấn luyện, tinh thần, trang bị và năng lực nói chung, quân đội của Nasser và các lực lượng Ả Rập khác, không kể đến trợ giúp trực tiếp từ Liên Xô, không phải là đối thủ của người Israel…”.

Cuộc chiến tranh sáu ngày bắt đầu ngày 5 tháng Sáu. Lúc 7:45 sáng ngày 5 tháng Sáu, khi còi báo động vang lên trên toàn Israel cũng là lúc không quân Israel (IAF) mở Chiến dịch Focus (Moked). Gần 200 chiếc máy bay phản lực cất cánh từ các sân bay Israel ào ạt tấn công các sân bay của Ai Cập. Cơ sở phòng không của Ai Cập rất yếu, không có sân bay nào được trang bị boong-ke bọc thép để bảo vệ máy bay. Máy bay của Israel bay ra Địa Trung Hải trước khi vòng lại hướng về Ai Cập. Trong khi đó, phía Ai Cập lại tự làm hại mình bằng cách đóng toàn bộ hệ thống phòng không của họ, vì họ sợ lực lượng nổi dậy Ai Cập có thể bắn hạ máy bay chở Nguyên soái chiến trường Amer và Trung tướng Sidqi Mahmoud, đang trên đường từ al Maza tới Bir Tamada ở Sinai để gặp các chỉ huy tại đó.

Dù thế nào đi chăng nữa thì việc đó cũng không làm tình hình thay đổi mấy, vì các phi công Israel bay rất thấp để tránh radar và bay dưới tầm mà tên lửa phòng không SA-2 có thể bắn được họ. Các phi công Israel phối hợp nhiều chiến thuật cùng lúc: ném bom và dùng hỏa lực oanh tạc các máy bay đang đậu trên đường băng, ném bom xuyên phá đường băng để máy bay Ai Cập không cất cánh được, làm mồi cho các đợt không kích tiếp theo của máy bay Israel. Cuộc không kích thành công vượt mức, phá hủy gần như toàn bộ không quân Ai Cập ngay trên mặt đất. Hơn 300 máy bay Ai Cập bị phá hủy, hơn 100 phi công Ai Cập chết. Phía Israel mất 19 máy bay, phần lớn do trục trặc kỹ thuật, hay tai nạn. Cuộc không tập mang lại cho Israel ưu thế áp đảo trên không cho đến hết cuộc chiến.

mirage

Đội hình máy bay Mirage của Israel năm 1967.

Cùng ngày IAF đồng thời tấn công các lực lượng không quân Jordan, Syria và Iraq. Tới tối, không quân Jordan bị xóa sổ, không quân Syria và Iraq bị thiệt hại nặng tới mức không còn khả năng chiến đấu. Sau hai ngày đầu chiến sự, Israel cho biết họ đã phá hủy 416 máy bay của phe A Rập, trong khi mất 26 máy bay.

Sau những thắng lợi mở đầu của không quân, Israel mở chiến dịch tấn công toàn diện trên bộ đánh chiếm Bờ Tây của Jordan ngày 7 tháng Sáu, Dải Gaza và Bán đảo Sinai từ Ai Cập ngày 8, và Cao nguyên Golan của Syria ngày 9.

Tuy mang tên Cuộc chiến Sáu ngày, song Israel đã thắng ngay trong ngày đầu tiên, trong vòng vài giờ đồng hồ. Tới ngày 11 tháng Sáu, các lực lượng Ả Rập buộc phải rút lui và tất cả các bên chấp nhận lời kêu gọi ngừng bắn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc theo Nghị quyết 235 và 236. Cuộc chiến kéo dài chỉ vỏn vẹn trong sáu ngày với thắng lợi tuyệt đối nghiêng về phía Israel: Israel giành được quyền kiểm soát một vùng đất rộng lớn gồm Bán đảo Sinai, Dải Gaza, Cao nguyên Golan, Bờ Tây (gồm cả Đông Jerusalem), và một trong những lăng mộ thiêng liêng nhất của người Do Thái là “Bức tường phía Tây”[2] (The Western Wall) hay còn gọi là “Bức tường Than Khóc” (The Wailing Wall), đây là một phần của Đền Thờ còn lại sau cuộc chiến tranh với người La Mã năm 70.

Israel sau đó sát nhập Đông Jerusalem vào Tây Jerusalem và từ năm 1980 tuyên bố Jerusalem là thủ đô “vĩnh viễn và không bị chia cắt của Israel”. Việc này đã gây nhiều tranh cãi vì Đông Jerusalem vốn được cho là thủ đô đang được chờ đợi của đất nước Palestine tương lai.

Với kết quả này, lãnh thổ Israel rộng thêm được 7.099 km2 (2.743 mi2) gồm 5.879 km2(2.270 mi2) của Bờ Tây (West Bank), 70 km² (27 mi2) của Đông Jerusalem (Israel đơn phương tuyên bố sáp nhập năm 1980), và 1.150 km² (444 mi2) của Cao nguyên Golan (Israel tự sáp nhập không tuyên bố chính thức); với một triệu người Ả Rập bị đặt dưới quyền kiểm soát của Israel trong các lãnh thổ mới chiếm được. Chiều sâu chiến lược của Israel kéo dài ra ít nhất 300 km về phía nam, và 20 km lãnh thổ đồi núi hết sức hiểm trở ở phía bắc, một lá bài an ninh hết sức quan trọng trong cuộc chiến tranh Yom Kippur sáu năm sau. Bằng Cuộc chiến Sáu ngày, Israel đã hoàn thành mỹ mãn ý đồ mở rộng phạm vi kiểm soát của người Do Thái tới hầu hết các vùng đất lịch sử của Israel mà Chủ nghĩa Zion đã theo đuổi ban đầu. Người dân Do Thái tin rằng Thượng Đế đã đứng về phía họ trong cuộc chiến này.

Đây là một phần trích từ cuốn sách Câu chuyện Do Thái: Từ Do Thái Giáo đến Nhà nước Israel Hiện đại của tác giả Đặng Hoàng Xa do Sách Thái Hà dự định xuất bản vào tháng 1/2015.

——————-

[1] Từ bắt nguồn từ tiếng Ba Tư, chỉ những người tử vì đạo (NBT).

[2] Bức tường phía Tây là một địa điểm tôn giáo thiêng liêng nhất của Do Thái giáo tọa lạc ở Phố cổ Jerusalem. Ở đây, có một phong tục thiêng liêng là việc viết một lời cầu nguyện trên một mảnh giấy và đặt mảnh giấy trong một khe hở tại một nơi nào đó trong bức tường. Hơn một nửa bức tường, gồm 17 hàng tường nằm ở bên dưới đường phố, có niên đại từ cuối thời kỳ Đền Thờ thứ hai, được xây dựng vào khoảng năm 19 TCN bởi Herod vĩ đại. Các lớp còn lại đã được bổ sung thêm từ thế kỷ 7 trở đi.

Logo HH Media

Oneway.vn – Cuộc chiến 6 ngày bùng nổ cách đây 51 năm, được đánh giá “có một không hai” trong lịch sử. Đó là cuộc chiến chớp nhoáng giữa Israel chống lại 3 nước Ả Rập: Ai Cập, Syria và Jordan. 

Cuộc chiến không cân sức

Chỉ diễn ra trong 6 ngày, bắt đầu từ 5/6 và kéo dài đến 10/6/1967, nhưng vô cùng ác liệt với tổn thất nặng nề cho khối Ả Rập.

Năm 1967, khi Israel mới thành lập được 20 năm, Ai Cập bất ngờ trục xuất quân đội gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, huy động lực lượng khổng lồ tới biên giới Israel, phong tỏa eo biển Tiran (cửa ngõ hàng hải chiến lược của Israel) và kêu gọi tất cả các nước Ả Rập trong khu vực cùng nhau tiêu diệt nhà nước non trẻ này.

Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser tuyên bố: “Nếu Israel tham gia vào các hoạt động chống lại Syria hay Ai Cập, thì trận chiến chống lại Israel sẽ là trận chiến toàn diện không chỉ giới hạn ở biên giới Syria hay Ai Cập, và mục tiêu cơ bản của chúng ta là hủy diệt Israel”.

Israel thua kém về hỏa lực lẫn quân lực ở cả 3 mặt trận: Ai Cập ở phía Nam, Jordan ở phía Đông và Syria ở phía Bắc. Liên Xô tham chiến cũng đã đổ số lượng vũ khí trị giá 2 tỷ USD vào các nước Ả Rập. Kẻ thù của Israel mang tới chiến trường số binh lính gấp đôi, số xe tăng nhiều gấp 3 và gấp 4 lần số máy bay mà Israel sở hữu. Các quốc gia Ả Rập xung quanh đã thề sẽ khiến Địa Trung Hải nhuộm đỏ bằng máu của người Israel.

Hàng chục xe thiết giáp của quân đội Ai Cập bị Không quân Israel phá hủy. Ảnh: Reuters.

Phép lạ xảy ra

Thế nhưng thay vì bị tiêu diệt, thay vì “lấy công viên làm nghĩa trang”, Israel đã giành được một trong những chiến thắng vang dội nhất lịch sử chiến tranh thế giới. Người ta đưa ra nhiều lý do để giải thích nguyên nhân các nước Ả Rập thất bại, như thông tin liên lạc, bị bất ngờ, lỗi chiến thuật, sai sót, tai nạn kỹ thuật… nhưng đối với nhiều người, nhất là giới Cơ đốc giáo thì phép lạ đã xảy ra với Dân Thánh của Chúa.

Tác giả Sara Rigler, một người từng viết về Cuộc chiến 6 ngày tin rằng hàng loạt sai lầm và sự không may của Ai Cập là do có bàn tay của Đấng Tối Cao: “Bạn có thể nói: Ồ, thật trùng hợp, may mắn! Chúa đã an bài tất cả theo cách mà nó đã xảy ra, bởi Ngài muốn Israel thành công. Chúa muốn chúng tôi chiến thắng”.

Joel Rosenberg, nhà phân tích Trung Đông nhận xét: “Kể cả những người Tin Lành tin rằng Cuộc chiến 6 ngày là bằng chứng sự can thiệp của Chúa dành cho người Do Thái (…). Sáu ngày sau, Israel tự vệ thành công, tiêu diệt kẻ thù, chiếm được diện tích đất gấp 3 lần trước đây, tái kiểm soát Jerusalem lần đầu tiên trong 100 năm. Và đến ngày thứ 7 họ nghỉ ngơi. Nghe thật giống như Kinh Thánh đối với người Tin Lành khắp thế giới, và họ đã hân hoan vui mừng cho người Do Thái”.

Tác giả Rigler nói: “Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, tất cả mọi người, kể cả tín hữu lẫn người thế gian đều nhận thấy điều này đến từ Chúa bởi nó không hề hợp lý! Bởi hầu hết đều dự đoán một thất bại ê chề cho Israel”.

Binh sĩ Israel ăn mừng chiến thắng trong Cuộc chiến 6 ngày. Ảnh: Reuters.

Đức Chúa Trời thành tín

Dưới góc nhìn Cơ đốc, bàn tay quyền năng của Đức Chúa Trời đã hành động, như nhiều chiến thắng không tưởng mà khác Kinh Thánh ghi lại. Cụ thể như cuộc chiến sống còn của Gideon/Ghi-đê-ôn cùng 300 quân Israel chống lại liên quân Ma-đi-an, A-ma-léc và các dân phương Đông “đông như cào cào, còn lạc đà thì nhiều vô số, như cát nơi bờ biển”(Các Quan Xét 7); giữa Đa-vít với Gô-li-át (1 Sa-mu-ên 17)…

Kinh Thánh khẳng định Israel là tuyển dân của Đức Chúa Trời, được Ngài bảo vệ, gìn giữ. Và Đức Chúa Trời thành tín, vẫn giữ lời hứa với tuyển dân Ngài, để rồi cho đến nay, Israel đã và đang là cường quốc hàng đầu thế giới.

Israel ngày nay. Ảnh: carleton.ca.

“Vậy, bây giờ, nếu các ngươi vâng lời ta và giữ sự giao ước ta, thì trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về ta, vì cả thế gian đều thuộc về” (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5);“bởi ngươi là một dân thánh cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi; Đức Giê-hô-va đã chọn ngươi trong các dân trên mặt đất, hầu ngươi làm dân riêng của Ngài” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 14:2); “Bởi vì Đấng gìn giữ Israel không hề nhắm mắt, cũng không hề buồn ngủ” (Thi Thiên 121:1-8).

Hoàn Nguyện tổng hợp   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn