Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / Lòng Thương Xót

Lòng Thương Xót

Bốn Lý Do Chúa Mong Muốn Bạn Có Lòng Thương Xót

Mục Sư Rick Warren

Mt5
“Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót!” (Ma-thi-ơ 5:7)

Chúa Jesus phán trong Ma-thi-ơ 5:7, “Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót!”

Nói cách khác, điều gì bạn cho, bạn sẽ được nhận lại.  Bạn cần học để trở thành người biết thương xót nếu bạn muốn Chúa ban phước cho đời sống mình.

Nhưng tại sao Chúa mong muốn bạn bày tỏ lòng thương xót đối với người khác?  Tại sao bạn cần phải thương xót?

1. Vì Chúa đã bày tỏ lòng thương xót với bạn. 
Ê-phê-sô 2:4-5 chép: “Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài đem mà yêu chúng ta, nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ – ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu.”

Chúa muốn bạn ban phát lại sự thương xót bạn đã được nhận từ Ngài.

2. Vì Chúa ban lệnh cho bạn phải thương xót.
Bạn muốn biết cuộc sống được gói gọn trong điều gì không?  “Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?” (Mi-chê 6:8)

3. Vì bạn sẽ cần sự thương xót nhiều hơn trong tương lai.
Bạn sẽ còn mắc phải rất nhiều lỗi lầm kể từ lúc này cho đến khi bạn vào Thiên đàng, và bạn sẽ phải cần đến lòng thương xót của Đức Chúa Trời.  Nhưng bạn sẽ không thể nhận được điều mà bạn không chịu ban ra.  Gia-cơ 2:13 chép: “Sự đoán xét không thương xót kẻ chẳng làm sự thương xót; nhưng sự thương xót thắng sự đoán xét.”

4. Vì bày tỏ lòng thương xót đem đến hạnh phúc.
Ma-thi-ơ 5:7 nói rằng Đức Chúa Trời ban phước cho người nhân từ. Chữ “Phước” cũng có nghĩa là “Hạnh Phúc”, vì vậy bạn càng học và thể hiện phẩm chất này bao nhiêu, bạn sẽ càng được phước và hạnh phúc bấy nhiêu.

Thảo luận

“Hay thương xót” có nghĩa là gì?

Bạn thấy Đức Chúa Trời ban phước cho bạn như thế nào những lúc bạn phải quyết định làm một điều gì đó rất khó nhưng đúng, để bày tỏ lòng thương xót đối với người khác?

Nghĩ đến vài cách bạn bày tỏ lòng thương xót đối với người khác trong tuần qua.  Bạn nghĩ điều đó có thể thay đổi kết quả của sự việc như thế nào?

Lòng Khao Khát Thuộc Linh Của Bạn Ra Sao?

17140-1-peter-2-2
“Hãy ham thích sữa thiêng liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn, (1 Phi-e-rơ 2:2)

Bạn có khao khát Chúa không?

Duy trì lòng khao khát Chúa suốt quãng đời còn lại của bạn là điều có thể thực hiện.  Đây là năm cách để giữ được lòng khao khát thuộc linh.

1. Tự nhắc bạn rằng Chúa yêu bạn biết bao.
Bạn càng hiểu Chúa yêu bạn nhiều bao nhiêu, bạn càng yêu Chúa bấy nhiêu.  Kinh Thánh chép: “Để anh em khi đã đâm rễ vững nền trong sự yêu thương, được hiệp cùng các thánh đồ mà hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu của nó là thể nào, và được biết sự yêu thương của Đấng Christ, là sự trổi hơn mọi sự thông biết, hầu cho anh em được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời. (Ê-phê-sô 3:18-19)

2. Đừng no nê với thức ăn vô bổ.
Trong lòng bạn có một khoảng trống tâm linh mà chỉ có Chúa mới có thể lấp đầy.  Khi bạn cố gắng lấp khoảng trống ấy bằng lương bổng, địa vị, công danh, tình cảm, của cải, quyền lực, tiếng tăm, hay bất cứ điều gì khác hơn là Chúa, bạn sẽ không thỏa lòng.

Châm ngôn 15:14 chép: “Lòng người thông sáng tìm kiếm sự tri thức; Còn miệng kẻ ngu muội nuôi lấy mình bằng sự điên cuồng.”

3. Đặt mục tiêu hàng đầu của bạn là hiểu biết Chúa.
Hạnh phúc là một sản phẩm phụ của việc hiểu biết Chúa.  Chúa Jesus phán trong Ma-thi-ơ 6:33, “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.”

4. Suy gẫm lời Chúa hằng ngày.
Kinh Thánh là thức ăn cho linh hồn bạn.  Mỗi tuần một bữa ăn sẽ không làm bạn khỏe mạnh được.  Cũng vậy, bạn cần nuôi mình bằng Lời Chúa hằng ngày.

“Hãy ham thích sữa thiêng liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn.” (1 Phi-e-rơ 2:2)

5. Lòng khao khát phụ thuộc vào sự giao tiếp. 
Nếu bạn giao thiệp với những người chỉ thiên về chính trị, mọi điều bạn quan tâm sẽ là chính trị. Nếu bạn giao thiệp với những người chuộng thể thao, điều quan tâm của bạn là thể thao.

Bạn hãy gia nhập một nhóm nhỏ để được nâng đỡ, vì bất cứ điều gì bạn đề cập đến khi bạn tiếp xúc với người khác là những gì bạn đang khao khát.  Châm-ngôn 2:20 chép: “Sự khôn ngoan sẽ khiến con đi trong đường người thiện. Và gìn giữ các lối của kẻ công bình.”

Thảo luận

Khao khát Chúa nghĩa là gì?

Bạn có thể luôn nhắc nhở mình về tình yêu của Đức Chúa Trời bằng cách nào?

Điều gì bạn nhắc đến nhiều nhất khi nói chuyện với bạn bè?  Với người phối ngẫu?  Cuộc đối thoại đó nuôi dưỡng lòng khao khát thuộc linh của bạn như thế nào?   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn