Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / Cầu Nguyện Có Hiệu Quả

Cầu Nguyện Có Hiệu Quả

Làm Thế Nào Để Cầu Nguyện Có Hiệu Quả

Mục Sư Rick Warrenneh
“Xin Chúa hãy nhớ lại lời Chúa đã phán dạy Môi-se, kẻ tôi tớ Chúa, rằng: Nếu các ngươi phạm tội, ta sẽ tan rải các ngươi giữa các dân tộc; còn nếu các ngươi trở lại cùng ta, gìn giữ làm theo các điều răn của ta, dầu khi kẻ bị tan lạc của các ngươi ở cuối tận trời, ta cũng sẽ từ đó chiêu tập chúng nó về, và dẫn chúng nó đến nơi ta đã chọn đặng cho danh ta ngự tại đó.” (Nê-hê-mi 1:8-9)

Đây là bốn bí quyết để lời cầu nguyện được nhậm từ cuộc đời của tiên tri Nê-hê-mi:

1. Lời cầu xin của bạn căn cứ trên bản tánh của Đức Chúa Trời.  Hãy cầu nguyện như bạn biết Chúa sẽ trả lời bạn: “Con mong đợi Ngài nhậm lời cầu xin này vì con biết Ngài là ai.  Ngài là Đấng Thành Tín.  Ngài là Đức Chúa Trời cao cả.  Ngài là Đức Chúa Trời Hằng Sống.  Ngài là Đức Chúa Trời tuyệt vời.  Lạy Chúa, Ngài có thể giải quyết vấn đề này!”
2. Xưng nhận tội lỗi mà bạn biết.  Sau khi Nê-hê-mi dựa vào bản tánh Đức Chúa Trời để cầu xin, ông xưng tội của mình.  Ông nói: “Và lại tôi và nhà của tổ phụ tôi cũng có phạm tội.  Chúng tôi có làm rất ác tệ nghịch cùng Chúa, không vâng giữ điều răn giới mạng và luật lệ của Chúa đã phán dạy Môi-se, là kẻ tôi tớ Chúa.” (Nê-hê-mi 1: 6b-7) Không phải vì tội lỗi của Nê-hê-mi mà dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày.  Thậm chí ông chưa chào đời khi sự việc đã xảy ra; có thể ông được sinh ra trong thời gian lưu đày.  Tuy nhiên, ông vẫn kể mình cũng phạm tội như cả dân sự. Ông nói: “Tôi cũng có phần trong nan đề này.”

3. Yêu cầu những lời hứa của Đức Chúa Trời.  Nê-hê-mi cầu nguyện với Chúa: “Xin Chúa hãy nhớ lại lời Chúa đã phán dạy Môi-se, kẻ tôi tớ Chúa” (Nê-hê-mi 1:8a).  Bạn có thể tưởng tượng mình nói Đức Chúa Trời “hãy nhớ lại”?  Nê-hê-mi nhắc Đức Chúa Trời về lời hứa Ngài đã hứa với dân Y-sơ-ra-ên.  Trên thực tế, ông cầu xin: “Lạy Đức Chúa Trời, Ngài dùng Môi-se để khuyến cáo rằng nếu chúng con bất trung, chúng con sẽ mất nước.   Nhưng Ngài cũng hứa rằng nếu chúng con ăn năn, Ngài sẽ ban nước lại cho chúng con.”

Đức Chúa Trời có cần được nhắc nhở không?  Không.  Liệu Ngài có quên những gì Ngài đã hứa?  Không.  Vậy tại sao chúng ta phải làm như vậy?  Bởi vì nó giúp chúng ta nhớ những điều Đức Chúa Trời đã hứa.

4. Hãy rất rõ ràng trong những gì bạn cầu xin.  Nếu bạn muốn nhận được những sự trả lời rõ ràng, hãy dâng những lời cầu nguyện rõ ràng.  Nếu bạn chỉ cầu xin một cách tổng quát, làm sao bạn biết điều đó đã được trả lời hay chưa?

Thảo luận

Điều gì bạn hiện đang cầu xin nhưng chưa được Chúa trả lời?

Hãy tiếp tục cầu xin điều ấy, và áp dụng những bước nêu trên.  Lời cầu xin của bạn thay đổi như thế nào?

Bạn cần yêu cầu Chúa thực hiện cho mình những lời hứa nào?

Chúa Luôn Hiện Hữu, Bất Kể Bạn Cảm Thấy Thế Nào

Job-1-21-The-Lord-Gave-And-Has-Taken-Away-green-copy

“Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về; Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê-hô-va!” (Gióp 1:21)

Khi bạn còn là một “con đỏ” mới tin Chúa, Chúa cho bạn cảm nhận nhiều điều và thường trả lời hầu hết những điều cầu xin ích kỷ và thiếu chín chắn của bạn để bạn biết rằng Ngài hiện hữu.  Nhưng khi bạn trưởng thành trong đức tin, Ngài sẽ dứt bạn ra khỏi những điều lệ thuộc này.

Sự toàn tại của Đức Chúa Trời và việc biểu thị sự hiện diện của Ngài là hai điều khác nhau.  Một cái là sự thực tế, cái kia thường là cảm xúc.  Đức Chúa Trời luôn hiện hữu, ngay cả lúc bạn không nhận biết Ngài, và sự hiện diện của Ngài sâu sắc đến nỗi không thể đo lường bằng cảm xúc đơn thuần.

Đúng, Ngài muốn bạn cảm nhận được sự hiện diện của Ngài, nhưng Ngài quan tâm đến việc bạn tin cậy nơi Ngài hơn là bạn cảm nhận Ngài.  Đức tin, chứ không phải cảm xúc, làm đẹp lòng Chúa.

Những hoàn cảnh làm đức tin của bạn bị thử nghiệm nhiều nhất sẽ là những lúc đời sống bạn đổ vỡ và không tìm được sự giúp đỡ.  Điều này đã xảy ra cho Gióp.  Chỉ trong vòng một ngày ông mất tất cả – gia đình, kinh doanh, sức khỏe của ông, và mọi thứ mà ông sở hữu.  Và sau đó, trong suốt 37 chương của sách Gióp, Chúa không hề lên tiếng!

Làm sao để bạn có thể ngợi khen Chúa khi bạn không hiểu nổi những điều đang xảy ra trong cuộc sống bạn và Chúa im lặng?  Làm thế nào để bạn có thể giữ vững mối liên hệ trong hoàn cảnh khó khăn mà không có một sự tương giao nào?  Làm thế nào để bạn có thể hướng nhìn lên Chúa khi đôi mắt đẫm lệ?  Bạn hãy làm điều mà Gióp đã làm:

“…sấp mình xuống đất mà thờ lạy, và nói rằng: Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về; Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê-hô-va!” (Gióp 1:20b -21)

Nói với Chúa bạn cảm thấy thế nào một cách chính xác.  Dốc đổ lòng mình trước mặt Ngài.  Thổ lộ mọi cảm xúc mà bạn đang cảm thấy.  Gióp đã làm như vậy khi ông nói: “Bởi cớ ấy, tôi chẳng cầm miệng tôi; Trong cơn hoạn nạn của lòng tôi, tôi sẽ nói ra; Trong cay đắng của linh hồn tôi, tôi sẽ phàn nàn.” (Gióp 7:11)

Ông kêu lên khi Chúa dường như vắng biệt: “Chớ chi tôi được như lúc còn tráng kiện, Khi tình thiệt hữu của Đức Chúa Trời còn đoái đến trại tôi;” (Gióp 29:4)

Chúa có thể giải quyết nghi ngờ, tức giận, sợ hãi, đau buồn, bối rối, và các thắc mắc của bạn.

Thảo luận

Bạn tìm đến với ai khi cuộc đời mình lâm vào hoàn cảnh khó khăn?  Bạn nói gì với họ điều mà bạn cũng cần thưa với Chúa?

Đức tin của bạn nơi Đức Chúa Trời thể hiện ra sao khi bạn trải qua sóng gió trong đời?

Tại sao bạn nghĩ rằng Chúa quan tâm đến đức tin của bạn hơn là những cảm xúc của bạn?

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn