Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / TÌNH CHA ĐỐI VỚI ĐỨA CON BỎ NHÀ ĐI HOANG

TÌNH CHA ĐỐI VỚI ĐỨA CON BỎ NHÀ ĐI HOANG

 

tinhcha

Đầu tháng 10 năm nay 2014, tiệm sách Mardel là nơi tôi thường đến thăm tìm sách và mua sách, đã gởi giấy hứa tặng tôi một quyển sách audio đọc trong một MP3 CD nhan đề BEING A DAD WHO LEADS của tác giả John MacArthur. Trước đây tôi chưa hề nghe đọc sách bằng Audio CD vì nghĩ mình không đủ khả năng nghe và hiểu hết nội dung sách, vì đọc bằng tiếng Anh, nhưng khi bắt đầu đặt băng vào CD player trên xe để nghe, tôi thấy thích, hiểu được và thấy rất hay. Bài đọc rất hợp với những gì tôi đang suy nghĩ, tìm kiếm. Tôi thấy đề tài sách cũng là mục tiêu Chúa đang hướng dẫn tôi về chủ đề truyền giáo cho gia đình với ước muốn TÔI MUỐN CẢ NHÀ ĐƯỢC CỨU mà tôi đang xây dựng. Tôi lập tức đến tiệm sách Mardel để tìm mua ngay một quyển sách có cùng đề tài sách nói trên, sách in bìa cứng và là một quyển sách tôi đang cần. Tôi tin là Chúa đang dẫn dắt tôi. Ngài đang làm công việc của Ngài muốn làm qua tôi. Đó là lý do anh chị em hôm nay được nghe bài giảng TÌNH NGƯỜI CHA ĐỐI VỚI ĐỨA CON ĐI HOANG mở đầu cho một loạt những bài học nhằm xây dựng chương trình truyền giáo thực tế và hiệu quả của chúng ta. Tôi nghĩ đây là chương trình lớn, lâu và lan nghĩa là lớn lao, lâu dài và lan tràn. Mong các bạn sẽ đồng công và đồng hành với tôi.

Có lẽ câu chuyện nổi tiếng nhất mà Chúa Giê-su đã kể trong Kinh Thánh là câu chuyện Người Cha Với Đứa Con Hoang Đàng. Tôi thích câu chuyện nầy. Tôi thấy mình trong đó. Tôi nghĩ ai cũng thích câu chuyện nầy. Bởi vì câu chuyện nầy rất gần gủi và có thể xảy ra với chính gia đình của mỗi người chúng ta. Thật ra chúng ta có thể nói chắc rằng câu chuyện nầy đã xảy ra với gia đình nhân loại của chúng ta khi chúng ta biết người cha trong câu chuyện tiêu biểu cho chính Đức Chúa Trời. Chúa sẵn sàng tha thứ cho chúng ta, chấp nhận chúng ta, khôi phục chúng ta vào địa vị làm con trai, con gái trong gia đình thánh của Ngài. Chính mỗi người chúng ta là mỗi đứa con hoang trong nhà cha, chúng ta giống như chiên lạc, ai theo đường nầy. Đây là câu chuyện của tấm lòng, và thái độ khoan dung tha thứ của cha mẹ. Mỗi người cha, người mẹ hãy chuẩn bị tấm lòng của mình trở nên giống như  tấm lòng của Chúa khi xảy ra trong gia đình mình có đứa con phản loạn bỏ nhà đi, không nghe lời cha mẹ dạy khuyên, không còn muốn liên lạc với gia đình.

Trong câu chuyện của Chúa Giê-su kể chúng ta thấy có 3 phần gồm 3 hình ảnh, một là người con thứ, hai là người cha và ba là người con trưởng.

Người con trai phóng đãng
“Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha, ‘Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài sẽ thuộc về con.’ Người cha bèn chia gia tài cho hai con. 13 Vài ngày sau, người con thứ tóm thâu tất cả những gì thuộc về mình và lên đường đi phương xa, ở đó anh ta ăn xài phung phí tài sản của mình và sống rất phóng đãng. 14 Sau khi anh đã tiêu sạch mọi sự mình có rồi, cả xứ gặp phải một nạn đói rất trầm trọng, và anh bắt đầu lâm vào cảnh túng thiếu. 15 Anh xin đi làm thuê cho một người trong xứ đó. Người ấy sai anh ra đồng chăn heo. 16 Anh ao ước được lấy vỏ đậu của heo ăn mà ăn cho no, nhưng người ta không cho.

 

Phong tục Trung Đông cổ thời

Tại Trung Đông cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, khi cha mẹ còn sống thì đứa con không có quyền gì trên gia tài của cha mẹ. Nhưng trong câu chuyện nầy đứa con trai thứ đã năn nỉ cha chia gia tài cho nó ngay lập tức. Đây là một yêu cầu đáng giận, đáng trách, đáng xấu hổ vì nó ngầm ý muốn nói rằng, “Cha ơi, con muốn cha chết. Con muốn có phần tài sản của con và con muốn có ngay.”

Ông cha đồng ý chia gia tài cho hai người con. Chẳng bao lâu đứa con thứ tóm thâu hết tài sản và đi xa (giống như đi xuất ngoại), và ở đó nó tiêu xài phung phí tài sản của mình và sống rất là phóng đãng. Đây là lý do nhiều người cho đây là chuyện đứa con hoang đàng. Nó sống nếp sống hiện-sinh, bất kể tương lai.

Sau khi người con thứ tiêu xài hết tài sản của mình, anh rơi vào cảnh tứ cố vô thân, bạn bè xa lánh, sống nơi xứ lạ quê người. Anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đi kiếm việc làm và công việc duy nhất anh tìm được là chăn heo. Chăn heo là việc tệ hại nhất, thấp hèn nhất mà một người thanh niên Do Thái phải nhận, bởi vì đối với người Do Thái con heo là con vật ô uế, không ai ăn thịt heo vì họ tin rằng thịt heo nằm trong danh sách các con vật không sạch. Nói tóm lại, người con thứ nầy tượng trưng cho những con người đã rơi xuống tình trạng thấp nhất trong xã hội loài người. Anh là người thanh niên Do Thái sống phóng đãng và đáng khinh giữa thế giới ngoại giáo (sống tha hương), sống qua ngày giữa bầy heo ô uế. Anh đã rơi vào tình cảnh đáng buồn hơn nữa là anh đói quá muốn ăn vỏ đậu là thức ăn của heo, nhưng chủ anh đã không cho. Trong tâm trí của người Do Thái thời Trung Đông cổ, sẽ không có ai thấy một tình trạng nào tệ hơn tình trạng của người con thứ phóng đãng nầy. 

Bắt đầu của sự ăn năn

Chính vào thời điểm nầy người con thứ tỉnh ngộ. Khởi đầu của một sự đổi thay. Sự thật của niềm hy vọng. Tiến trình từ tối qua sáng, từ mất mà tìm lại được.

        17 Bấy giờ anh mới tỉnh ngộ và nói, ‘Biết bao nhiêu người làm thuê ở nhà cha ta cơm bánh ăn không hết, còn ta ở đây lại bị chết đói thể nầy.’ 18 Ta sẽ đứng dậy và trở về cùng cha. Ta sẽ thưa với cha rằng, “Thưa cha, con đã phạm tội với Trời và với cha. 19 Con không xứng đáng được gọi là con của cha nữa. Xin cha cho con được như một người làm thuê của cha vậy.”

Anh tự nhủ: Có nhiều người đang làm thuê ở nhà cha có cơm bánh ăn dư dật mà ta đây đang chết đói. Chẳng bao lâu trước đây khi bỏ nhà ra đi, anh muốn bỏ luôn hình ảnh người cha ra khỏi tâm trí mình. Bây giờ anh không còn gì cả. Không còn gia đình, không còn ai thương. Anh thấy mình vô phước. Đây là bất hạnh thuộc linh lớn nhất. Tệ hơn nữa là bây giờ anh đang ở trong một xứ mới xảy ra nạn đói kém, không biết bao giờ mới chấm dứt. Người con thứ rơi vào tình trạng sẽ chết đói cách cô đơn nếu không có gì thay đổi. Sự thay đổi quan trọng nhất là điều xảy ra bên trong. Anh con thứ tỉnh ngộ. Anh nghĩ thực tế hơn, không xa vời, không viễn vông. Anh đang bắt đầu tiến trình của sự ăn năn thật. Sự ăn năn thật luôn luôn bắt đầu bằng sự đánh giá đúng thực trạng của mình. Anh nghĩ không cách gì tự mình thoát ra khỏi tình trạng bi đát của mình. Anh đang chết đói và không có ai thèm cho anh ăn để anh có thể sống. Anh đã nhận chân sự thật về hoàn cảnh của mình và đó là khởi đầu của một quyết định khôn ngoan, quyết định đứng dậy quay trở về nhà cha.  Ăn năn có nghĩa là quay trở về nhà cha.

Lòng rộng lượng của người cha

Câu nói của người con, “Biết bao nhiêu người làm thuê ở nhà cha ta cơm bánh ăn dư dật” nói lên thực tế về tấm lòng rộng rãi của người cha. Trong thời bây giờ người làm thuê là những nhân công lao động mỗi ngày. Họ là những người có thứ hạng thấp nhất trong các bậc thang xã hội. Hầu hết họ là những người nghèo, không có tài năng. Họ được tuyển làm và được trả công từng ngày. Họ thường được làm công việc tạm thời theo mùa vụ như gặt lúa, đào khoai, làm vườn. Họ hưởng thù lao rất thấp và vừa đủ để sống.

Người con trai thứ đã nghĩ gì về cha anh? Anh nhớ cha anh đã trả công cho người làm thuê cao  hơn giá cả bình thường. Rõ ràng anh nghĩ lại và biết cha anh là người có lòng rộng rãi, tử tế, thương người. Trong luật Cựu Ước, ai đứng ra thuê người làm theo công nhật thì không được phép để lương của công nhân đó qua đêm (Lê-vi lý 19:13). Nghĩa là nếu người công nhân đó phải có lương để sống qua ngày thì người chủ phải trả đủ trong ngày, không được giữ lại tiền công của họ dù chỉ là một ngày công. Anh con thứ nhớ rằng cha anh là người rộng rãi đã làm quá hơn các đòi hỏi yêu cầu của luật pháp. Cha anh là người có lòng rộng rãi. Từ đó anh tin rằng cha anh không phải là người khó khăn hay vô tình. Cha anh là người tử tế. Chắc chắn cha anh không giống người chủ hiện nay đã hững hờ với anh, không để ý cho anh ăn no. Người chủ bây giờ coi anh không hơn con vật mà họ đang giao cho anh chăn. Cha anh chưa từng làm như vậy. Anh nghĩ nếu cha anh nhận anh là người làm công trong nhà của ông, chắc chắn tình trạng của anh sẽ vẫn khá hơn.

Suy nghĩ phân vân

Chúng ta có thể hiểu thêm phần nào về tình trạng của những người làm công thu hoạch nho trong câu chuyện Chúa kể ở Ma-thi-ơ 20. Có một ông chủ “sáng sớm đi ra thuê công nhân về làm thuê cho vườn nho của mình.” Ông đưa ra giá cả rõ ràng là sẽ trả công ngày cho người công nhân giá 1 “denarius” (đơ-ni-ê). Các công nhân đồng ý đến làm. Ông lại ra chợ lúc 9 giờ sáng, 12 giờ trưa và 3 giờ chiều để thuê thêm các công nhân. Cuối ngày ông đã trả cho mỗi công nhân 1 đơ-ni-ê bất kể người đó làm nhiều giờ hay ít giờ. Các công nhân đều được lãnh tiền công đúng như ông chủ đã hứa.

Thực ra, trong xã hội thời bấy giờ người công nhân làm thuê mỗi ngày còn ở dưới bực thang của những người nô lệ đương thời nữa. Lý do là vì người nô lệ được sống chung trong mái gia đình ông chủ, họ được ăn, ở và được chủ đáp ứng các nhu cầu. Trái lại người làm thuê là phải tự túc hết, họ chỉ sống còn nhờ đồng lương mỗi ngày. Có làm mới có ăn.

Người cha trong câu chuyện là người rộng rãi và sống tử tế với các công nhân. Người con quyết định trở về. Anh thấy không có giải pháp nào tốt hơn. Điều anh cần phải làm là hạ mình xuống, nhận mình có tội. Anh chỉ mang hy vọng là cha anh sẽ đối xử với anh như người người chủ đối xử với các công nhân làm thuê mỗi ngày. Hy vọng duy nhất và tốt nhất của anh là được cha nhận anh như người làm thuê. Đời sống anh chắc sẽ khá hơn những ngày làm người chăn heo. Anh sẽ có ăn, anh sẽ không bị đói khổ dài dài.

Dấu hiệu của một tấm lòng ăn năn thật

Qua hình ảnh của người con quyết định trở về chúng ta thấy dấu hiệu của một người có tội biết ăn năn. Anh ấy quyết tâm quay lại. Anh ấy thấy rõ nhu cầu cần được cứu rỗi. Anh nghĩ đến người cha và anh tin tưởng tấm lòng tha thứ của cha. Anh biết cha anh là người tử tế, rộng rãi và thương xót. Anh biết mình đã làm sai, đi sai nhưng anh cũng tin cha anh là người tha thứ. Anh sẵn sàng trở về, chấp nhận mọi hậu quả của tội lỗi và trông mong cha thương xót tha tội. Anh đang trên đường trở về, có lẽ là con đường xa, nhiều suy nghĩ. Anh thì thầm trong miệng những lời thống hối của mình khi sẽ nói với cha.

Ta sẽ thưa với cha rằng, “Thưa cha, con đã phạm tội với Trời và với cha. 19 Con không xứng đáng được gọi là con của cha nữa. Xin cha cho con được như một người làm thuê của cha vậy.”

Người đương thời, nhất là những nhà tôn giáo Do Thái trong đám đông, khi nghe nói đến đây có lẽ sẽ nghĩ rằng ông cha đối xử với người con hư như một người làm thuê cũng là  quý lắm rồi. Anh ta đáng bị đối xử như thế lắm. Anh đã làm xấu hổ gia đình và dòng tộc. Anh không có quyền đòi hỏi gì cả.

Nhưng qua câu nói suy nghĩ trong lòng khi trên đường trở về nhà, ta thấy tấm lòng ăn năn thật của người con. Anh biết mình có tội. Anh muốn nói, “Tội lỗi của con chất chồng cao như trời.” Giống như ngày xưa ông Ê-xơ-ra đã nói thay cho dân Do Thái,

“Ồ, Đức Chúa Trời tôi! Tôi hổ ngươi thẹn mặt, chẳng dám ngước mặt lên Ngài, là Đức Chúa Trời tôi; vì gian ác chúng tôi đã thêm nhiều quá đầu chúng tôi, và tội chúng tôi cao lớn tận trời (Ê-xơ-ra 9:6).

Trong lời xưng tội nầy chúng ta thấy dấu hiệu của tấm lòng ăn năn thật. Anh muốn nói: “Đời tôi hư rồi. Tôi đã phản nghịch, tôi hoang phí đời tôi. Tôi đã làm xấu hổ gia đình, tội tôi cao lớn tận trời.” Người ăn năn thật chỉ trách mình, không đổ thừa người khác. Anh chỉ mong được đối xử giống như tên cướp trên thập tự giá ăn năn, “Hình ta chịu xứng với việc ta làm.” Người ăn năn thật sẽ không còn lưu luyến với ánh đèn và sự hấp dẫn của xứ xa. Người đó không còn mơ hồ nhưng biết chắc sự tự do của xác thịt đã trở thành ách nô lệ, giấc mơ đã trở thành cơn ác mộng, sự vui thú đã trở thành buồn đau, sự hy vọng đã thành thất vọng. Người đó cô đơn khi bạn bè xấu không còn thân, nụ cười thế gian không còn quyền rũ, những bữa tiệc vui chóng qua. Cuối cùng người con tỉnh ngộ.

Trong câu chuyện nầy nhiều người thường nghĩ đến sự thay đổi trong lòng người con, nhưng có lẽ điều Chúa Giê-su nhấn mạnh chính là tấm lòng của người cha. Dầu người con có hư hỏng và đáng chịu phạt, người cha vẫn đầy lòng thương xót và sẵn sàng tha thứ cho con. Câu chuyện nầy Chúa muốn nói rằng nếu người cha là Đức Chúa Trời có thể tha thứ hết cho một tội nhân cực kỳ hư hỏng, thì loài người ở khắp mọi nơi, dù xấu xa thế nào vẫn có thể được Ngài tha thứ.

Chuyện kỳ diệu đã xảy ra

Rồi anh ta đứng dậy và trở về cùng cha. Trong khi anh còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy và động lòng thương xót. Ông chạy đến ôm lấy anh mà hôn tới tấp.

Có lẽ đến đây, những người tôn giáo xung quanh đang nghe Chúa kể chuyện có lẽ đã há miệng sửng sốt. Họ không thể tin nổi lời Chúa đã nói về thái độ của người cha. Họ luôn nghĩ đến công lý, hình phạt. Nhiểm luật pháp, họ chưa hề nghe nói đến ân điển. Họ nghĩ đến hậu quả mà đứa con hư phải chịu, nó đáng phạt hơn là được tha. Theo phong tục người cha có đủ quyền để từ chối gặp con. Anh ấy đáng bị bắt ngồi bên ngoài cửa làng cho thiên hạ chưỡi mắng, trách móc. Sau đó mấy ngày, người cha sẽ mở cổng ra cho người con vào nhà, anh ta phải quỳ xuống dưới chân cha, hôn chân của cha và lên tiếng xin lỗi cha. Lúc đó người cha sẽ nghiêm nghị lên tiếng bắt người con phải làm việc gì đó chứng tỏ lòng ăn năn hối lỗi thành thật của anh. Đến lúc đó lời cầu xin làm thuê của anh mới được chấp nhận. Đó là lời dạy của các Ra-bi Do Thái, đó là điều người con hư đang trông mong. Các tôn giáo đều dạy người mắc nợ phải tự trả nợ, trả hết nợ rồi mới được tha. Thế gian không ban cho con người sự tha thứ, không dạy con người về ân điển. Con người chỉ tìm kiếm sự công bình của thế gian, Chúa dạy chúng ta hãy tìm kiếm sự công bình của Chúa.

5-fathers-greeting

Hãy xem những gì xảy ra. Trong khi người con hư còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy và động lòng thương xót. Ông chạy đến ôm lấy anh mà hôn tới tấp. Người cha đã trông thấy đứa con trở về từ đàng xa. Ông đã trông ngóng và theo dõi. Ông nhớ thương con. Ông mong con trở về. Ông đã làm một điều mà nhiều người khác không làm. Ông đã chạy đến với người con.

Người cha bảo vệ con

Hãy suy nghĩ đến hình ảnh nầy. Bấy giờ là ban ngày, trời sáng và nóng dưới ánh mặt trời. Người ta thấy lạ, phụ nữ và trẻ em cũng như những ông bà già rỗi việc trong làng hay tò mò đã thấy lạ. Họ thấy người cha chạy. Họ kinh ngạc.

Tại sao người cha chạy? Trước hết đơn giản là ông muốn gặp đứa con hư trở về trước khi nó tới đầu làng. Ông có ý muốn gặp người con trước khi dân làng có dịp ném đá đứa con ông cho đến chết.  Ông đã chạy trước ôm con để nếu có người nào nổi giận ném đá đứa con, ông sẽ là người lãnh đủ, gánh thay. Dù dân làng có nói gì đi nữa, người cha đã cố gắng bảo vệ đứa con. Ông thương con và không muốn đứa con bị dân làng khinh bỉ, xua đuổi. Một giọt máu đào hơn ao nước lã là như thế.  Lòng thương xót là như thế. Ân điển Chúa là như thế. Nó thể hiện ra bằng hành động.

Người cha sẵn sàng ôm hôn con

Tại sao dân làng kinh ngạc khi thấy người cha ôm đứa con hư mà hôn tới tấp? Bởi vì theo phong tục Trung Đông, người đáng trọng không ai chạy trong làng. Ông có thể thuê người khác chạy để mua đồ hoặc loan tin. Còn ông thì thư thả đi tới nghiêm trang ngay thẳng. Nếu muốn chạy ông phải nâng cái dài lên và như thế sẽ để lộ da chân ra. Người như thế sẽ bị coi thường, thiếu tư cách. Trong xã hội lúc bấy giờ không một người nào cao trọng lại làm việc như vậy, nhất là làm như thế đối với đứa con hư đã làm xấu hổ gia đình. Sự làm mất mặt là điều tối kỵ trong xã hội Đông phương.  Chữ chạy ở đây là chạy hết tốc lực. Người Trung Đông không dám dịch Kinh Thánh về người cha chạy. Thực ra đây là điều đã xảy ra khi người cha thương con và trông đợi đứa con trở về. Người cha đã tự làm xấu hổ chính mình trước mắt dân làng. Ông muốn bảo vệ con và chấp nhận làm mọi việc cần để cho đứa con an toàn. Khi chạy đến gặp đứa con, người cha đã làm việc đáng kinh ngạc hơn nữa là ông đã ôm con và hôn con tới tấp. Ông đã bất chấp mùi hôi và áo quần tơi tả của người con. Ông không đợi đứa con hôi dơ lo tắm rữa sạch sẽ trước rồi ông mới ôm hôn. Thái độ ôm hôn con tới tấp cho thấy ông đã âm thầm khổ đau suốt những ngày đứa con xa nhà. Ông hứa với lòng sẽ không phạt con như người khác thường làm. Ông tha thứ hoàn toàn. Bây giờ không có gì ngăn cản ông biểu lộ lòng thương con.

Hình ảnh Chúa thương tội nhân

Câu chuyện Chúa kể cho thấy phần nào sự tiếp đón của Chúa đối với những tội nhân ăn năn quay về nhà Cha trên trời. Chúa cũng sẽ chạy qua con đường lầy lội và chịu xấu hổ để tiếp đón khi Ngài thấy một tội nhân ăn năn quay về. Ngài sẽ ôm tội nhân vào lòng bằng hết sức của Ngài và Ngài hôn. Cả thiên đàng sẽ vui mừng khi thấy một tội nhân ăn năn. Câu chuyện kể về thái độ của người cha đã đi ngược hết những truyền thống đương thời dạy dỗ. Người cha đã tự làm xấu hổ mình trước mắt thiên hạ chỉ vì yêu con. Ông đã chạy băng qua con đường làng lầy lội để bảo vệ con. Ông đã ôm con và hôn con dù nó còn đầy người dơ dáy, bẩn thỉu, rách rưới. Người cha nầy đã làm y như Chúa Giê-su đã làm vì cớ chúng ta. Ngài đã lấy thân Ngài, mạng sống của Ngài để hoà giải chúng ta với Đức Chúa Trời.

Hình ảnh được cứu bởi ân điển

Các thính giả của Chúa Giê-su rất kinh ngạc về điều người cha đã làm. Ông không đòi hỏi người con quay về phải làm gì cả, không phải đền bù gì cả. Hãy để ý câu chuyện xảy ra khi người con bắt đầu mở miệng.

“Thưa cha, con đã phạm tội với Trời và với cha. Con không xứng đáng được gọi là con của cha nữa.” Trước khi anh nói tiếp: “Xin cha cho con được như một người làm thuê của cha vậy” thì người cha đã lập tức cắt đứt câu nói của anh và ra lệnh các đầy tớ phải thi hành lệnh truyền của ông ngay. Ông tuyên bố khôi phục ngay toàn bộ địa vị của người con.

Nhưng người cha bảo các đầy tớ, ‘Hãy mau mau lấy áo tốt nhất mặc cho cậu. Hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và hãy lấy giày ra mang vào chân cậu. 23 Rồi hãy bắt một bò con mập làm thịt để chúng ta ăn mừng. 24 Vì con của tôi đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ lại tìm được.’ Rồi họ bắt đầu ăn mừng.

Ở đây ta thấy ý nghĩa tiêu biểu lớn lao. Người cha đã cho con ông chiếc áo dài, chiếc nhẩn và đôi giày. Trong thời đó, người cao trọng mặc chiếc áo dài đặc biệt nói lên vinh dự của người đó. Hãy suy nghĩ ông cha đã khoác lên mình người con chiếc áo dài to lớn trong khi anh vẫn còn dơ dáy.

Kế đến ông cha đã đeo chiếc nhẫn vào tay con. Đây là chiếc nhẫn mang cái dấu ấn của gia đình. Chiếc nhẫn đó có thể ấn vào các văn kiện chinh thức. Chiếc nhẫn là dấu hiệu của uy quyền. Người cha đã trao uy quyền của chính ông cho người con.

Và sau đó người cha mang giày vào chân của người con. Ngày đó, chỉ người cha, người con là chủ nhân mới mang giày, người nô lệ và người làm thuê không được mang giày. Đến đây người cha đã khôi phục hoàn toàn địa vị làm chủ nhân của người con.

Người cha đã làm một việc mà người đương thời không hiều nổi. Họ ngạc nhiên. Họ luôn luôn nghĩ rằng tội nhân cần phải đền bù, làm việc trả nợ. Vì thế tội nhân phải thi hành luật pháp và làm nhiều việc trước khi được tha thứ. Người cha đã làm ơn cho một người không xứng đáng được ơn. Người cha đã làm đúng như lời dạy của Chúa về nguyên tắc được cứu nhờ ân điển Chúa.

Vì nhờ ân sủng, bởi đức tin, mà anh chị em được cứu; đây không phải là công sức của anh chị em, mà là tặng phẩm của Đức Chúa Trời;, đây không phải là kết quả của công việc anh chị em làm, cho nên không ai có thể tự hào. Ê-phê-sô 2:8-9

Ngài cứu chúng ta, không phải vì những việc công chính chúng ta làm, nhưng vì lòng thương xót của Ngài, qua phép thanh tẩy của sự tái sinh và sự đổi mới của Đức Thánh Linh. Ngài tuôn đổ Đức Thánh Linh trên chúng ta dồi dào qua Đấng Cứu-thế Giê-su, Đấng Cứu Rỗi chúng ta, đến nỗi sau khi được xưng công chính nhờ ân sủng Ngài, chúng ta được trở thành những người thừa kế trong hy vọng hưởng sự sống đời đời. Tít 3:5-7

Ở đây ta thấy khi tội nhân ăn năn trở lại cùng Chúa thì tất cả đều được Ngài tha thứ hoàn toàn bởi ân điển của Ngài. Chúa xưng công chính (tuyên bố trắng án) một tội nhân ăn năn không căn cứ vào việc làm của người đó nhưng hoàn toàn là nhờ ơn của Chúa ban ra cho người đó.

Rô-ma 4:5 chép: Nhưng đối với người không cậy vào việc làm, mà chỉ tin vào Đấng làm cho người có tội được xưng công chính, thì đức tin của người ấy được xem là thiết yếu cho sự được xưng công chính của người ấy.

Sứ điệp của Chúa Giê-su ở đây là gì? Ân điển Chúa vượt cao hơn tội lỗi. Ân điển Chúa che đậy hết tội lỗi của chúng ta. Chúng ta hoàn toàn không xứng đáng, chúng ta cũng không thể làm gì để xứng đáng. Chúng ta chỉ cần tin cậy Chúa. Việc Chúa làm khác hơn việc loài người. Lòng Chúa cao hơn lòng người.

Hình ảnh vui mừng khi tội nhân quay về nhà

Người cha vui mừng mở tiệc lớn để mọi người cùng vui với ông.

Rồi hãy bắt một bò con mập làm thịt để chúng ta ăn mừng. 24 Vì con của tôi đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ lại tìm được.’ Rồi họ bắt đầu ăn mừng.

Ăn thịt bò con mập là một trường hợp rất đặc biệt. Đây là dịp đám cưới hay dịp đón tiếp một nhân vật quan trọng. Người cha xem việc đứa con trở về là quan trọng nhất đối với gia đình ông. Có người nghĩ làm thịt bò con mập có thể đãi tiệc cho khoảng 200 người, như vậy có lẽ ông cha đã mời cả làng đến dự. Ông có ý gì khi nói con ông đã chết mà bây giờ sống lại? Đối với đứa con khước từ gia đình và bỏ nhà đi hoang như thế thì trước mắt mọi người đương thời gia đình xem như nó đã chết, họ có thể làm một tang lễ cho đứa con đã chết. Bây giờ nó trở về, ông cha đã khôi phục hoàn toàn sự sống của nó trong gia đình. Chúa Giê-su nói rằng cả thiên đàng cũng vui mừng như vậy khi ở dưới đất nầy có một người ăn năn. Chúng ta sẽ làm cho Chúa vui, các thiên sứ vui, Hội Thánh vui khi đưa được một người lạc mất trở lại cùng Chúa. Chúa sẽ ban cho người có tội ăn năn một sự sống mới: sự sống đời đời.

Qua câu chuyện nầy chúng ta thấy rõ ràng người cha có lẽ đã vui mừng hơn người con. Ông thấy biết lý do mà người con không thấy biết. Tình yêu làm được mọi sự. Đức Chúa Trời cũng vui mừng khôn tả khi tiếp đón những người ăn năn tin nhận Chúa. Chúa nói,

“Phàm ai Cha cho Ta sẽ đến với Ta, và người nào đến với Ta, Ta sẽ không bao giờ loại ra” (Giăng 6:37).

Khi trở về nhà Cha, chúng ta sẽ thấy Chúa đứng ra tiếp đón chúng ta, tha tội cho chúng ta, mặc áo công bình của Ngài cho chúng ta. Ngài ban cho chúng ta vinh dự, uy quyền, tôn trọng, quyền lợi hưởng cơ nghiệp Chúa. Ngài dùng chúng ta như những người đại sứ giảng hoà của Ngài.

Nếu Chúa đối xử với chúng ta dường ấy, chúng ta há không noi gương Chúa để đối đãi với người khác nhất là với những người con ruột thịt của chúng ta như thế hay sao? Chúa vui mừng khi chúng ta bắt chước Chúa.

Tôi nhớ đến câu nói: “Your life is better if you connect with us!” Câu nói nầy dễ hiểu biết bao.  Tôi tin Chúa cũng đang phán cầu nầy với mỗi người Việt Nam chúng ta. Hãy trở lại thờ Trời. Hãy trở về nhà Cha. Ngay hôm nay. Đời sống bạn sẽ tốt hơn nếu bạn liên kết với Đức Chúa Trời.

hue

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn