Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Thập Tự Giá Là Cần Thiết Để Cứu Chuộc

Thập Tự Giá Là Cần Thiết Để Cứu Chuộc

Bài trước: https://huongdionline.com/2018/05/15/su-can-thiet-cua-thap-tu-gia/

Một điều khác nữa cho thấy thập tự giá là cần thiết. Thập tự giá là cần thiết để cứu chuộc chúng ta. Bất cứ ai muốn lên thiên đàng thì trước tiên phải đi đến chỗ thập tự giá. Sự sống đời đời là món quà dành cho bất cứ ai tin rằng Chúa Giê-su đã chết cho tội lỗi của người ấy trên thập tự giá.

cross

Để được cứu, trước tiên phải tin rằng Chúa Giê-su đã thực sự chịu đóng đinh trên cây thập tự. Lịch sử ghi nhận rằng Chúa Giê-su, người Na-za-rét đã bị lính La Mã đóng đinh trên một ngọn đồi ngay bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem vào năm 30 sau Công nguyên. Tin vào cái chết của Chúa Giê-su trên thập tự giá tức là tin rằng nếu bạn có mặt ở đó vào ngày hôm ấy, bạn đã có thể sờ vào thánh giá Ngài và cảm nhận một cái giằm trong ngón tay mình – việc đó phải thật đến thể ấy. Đấng Christ trên thập tự giá hôm ấy đã đang sống, đổ máu và sắp chết. Để trở thành một tín hữu, bạn phải công nhận rằng Chúa Giê-su Christ đã thực sự sống và thực sự chết.

Tuy nhiên, tin vào việc Chúa Giê-su đã chết trên thập tự giá còn có ý nghĩa khác nữa. Điều đó nghĩa là tin vào điều Ngài đã làm để bạn được cứu rỗi. Bạn nhận thức được cá nhân mình là một tội nhân. Bạn xưng nhận bạn cần Chúa Giê-su Christ cứu bạn khỏi cơn giận và sự rủa sả của Đức Chúa Trời. Bạn tin Chúa Giê-su đã chết trên cây thập tự xưa cũ ấy vì tội lỗi của chính bạn. Để trở thành một tín hữu, bạn phải tin rằng Chúa Giê-su Christ không phải chỉ là một huyền thoại; mà Ngài đã thực sự sống và thực sự chết.

Việc hiểu rằng Chúa Giê-su đã chết, hay thậm chí rằng Ngài đã chết cho tội nhân mới chỉ là một phần của niềm tin mà Chúa đòi hỏi nơi chúng ta. Như việc một người nữ kia quyết định trở thành thành viên của một hội thánh bà đang tham dự. Bà được các trưởng lão trong hội thánh hỏi chuyện. Họ hỏi bà nghĩ việc trở thành một Cơ Đốc nhân có nghĩa là gì. Trong số những điều bà đã nói, bà giải thích về Chúa Giê-su đã chết trên thập tự giá để trả giá cho tội lỗi.

Sự hiểu biết thần học của người phụ nữ kia là đúng đắn, nhưng các trưởng lão vẫn cảm thấy hơi băn khoăn về lời chứng của bà. Họ không chắc chắn lắm liệu bà có phải là một Cơ Đốc nhân thật hay không. Điều này là vì bà đã trả lời câu hỏi của họ một cách bình thường, có vẻ như thập tự giá có liên hệ rất ít đến đời sống cá nhân bà. Trong hội thánh, có rất nhiều người giống như người phụ nữ này. Họ nhận mình là Cơ Đốc nhân, nhưng họ vẫn chưa kết ước sống và chết cho Chúa Giê-su Christ.

Vì thế các trưởng lão đã hỏi bà một câu hỏi tiếp theo: “Bà có tin rằng Chúa Giê-su đã chết trên thập tự giá, không chỉ cho tội lỗi của người khác, mà còn cho tội lỗi của bà?” Có một sự yên lặng thật lâu, và cuối cùng người phụ nữ trả lời rằng, “Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ về điều này theo cách ấy.”

Các trưởng lão giải thích cho bà rằng bà cần xưng nhận rằng bản thân bà là một tội nhân mà Đấng Christ đã chết thế cho. Buổi tối hôm ấy, bà đã tin Chúa Giê-su chết trên thập tự giá cho tội lỗi của bà và đón nhận Ngài làm cứu Chúa cho cá nhân mình.

Người phụ nữ này đã hiểu được điều mà mọi người cần phải hiểu để được cứu: sự cần thiết của thập tự giá. Thập tự giá là cần thiết, không chỉ trên phương diện chung như là một phần của kế hoạch đời đời của Đức Chúa Trời, mà còn cần thiết để cứu chính cá nhân bạn khỏi tội lỗi và sự chết.

Sự Sỉ Nhục của Thập Tự Giá

“… Đấng vì niềm vui đặt trước mặt mình, vui chịu thập tự giá, khinh điều sỉ nhục.”

HÊ-BƠ-RƠ 12:2 

Hebrews 12:2 Vintage Bible Verse Background on one cross on a hill
Hebrews 12:2 Vintage Bible Verse Background on one cross on a hill

Thập tự giá đã trở nên quá quen thuộc đến nỗi không còn là sự hổ thẹn nữa. Nó không còn là nỗi sỉ nhục cho Cơ Đốc nhân nữa vì họ đã quen với hình ảnh của nó, nói về nó, nghe về nó và hát về nó liên tục. Thập tự giá cũng không phải sự xúc phạm cho người ngoại. Đối với họ, nó là một biểu tượng của sự kết ước tôn giáo, hoặc có lẽ là một món đồ trang sức thời trang. Đối với nhiều người, thập tự giá của Đấng Christ đã trở nên vô vị.

Việc thập tự giá trở nên vô vị là một dấu hiệu cho thấy ý nghĩa của nó đang mất dần. Vì ngay khi người ta hiểu được việc đóng đinh nghĩa là gì, thì thập tự giá sẽ hoàn toàn trở nên sự sỉ nhục đối với họ. Origen (185 – 254 SCN) – một nhà thần học Cơ Đốc thời kỳ đầu đã rất có lý khi gọi việc bị đóng đinh trên thập tự giá là một “cái chết đê hèn nhất.” 

MỘT ĐIỀU GHÊ TỞM ĐỐI VỚI NGƯỜI LA MÃ

Thập tự giá là một điều ghê tởm đối với người La Mã: một phương pháp hành hình tàn bạo. Đóng đinh cũng như một hình thức tử hình bằng ghế điện hoặc tiêm thuốc độc của thế giới cổ đại, tại nơi án tử được thi hành không có chỗ cho lòng thương xót. Việc hành hình không có gì là đẹp đẽ.

Việc đóng đinh không chỉ là một hình thức hành hình, mà nó còn là một hình thức hành hình khủng khiếp nhất có thể tưởng tượng ra. Marcus Tullius Cicero (106 – 43 TCN) mô tả đó là “một hình phạt hung ác và ghê tởm nhất.” Thập tự giá liên đới đến sự tra tấn, đổ máu, trần truồng và đau đớn. Nó được thiết kế để giết chết nạn nhân chỉ sau khi nạn nhân đã chịu đau đớn hết cỡ.

Không ngạc nhiên khi án đóng đinh vào thập tự là dành cho những tên tội phạm, và chỉ những tên tội phạm chai lì nhất. F.F Bruce – một học giả Tân Ước vĩ đại đã từng viết, “Chết trên cây thập tự là một sự sỉ nhục cùng tận nhất; một hình phạt dành cho những ai bị xét thấy không đáng được sống nhất, những ai không giống người.” Thập tự giá dành cho những kẻ giết người và nổi loạn, với điều kiện họ là những nô lệ hoặc người ngoại quốc.

Tất cả những lý do trên giài thích tại sao thập tự giá là một sự xúc phạm đối với người La Mã, xúc phạm đến nỗi họ từ chối để công dân của nước họ chịu hình phạt này, cho dù người ấy phạm tội gì đi nữa. Cicero từng công bố rằng, “Bỏ tù một công dân La Mã là phạm tội, đánh một công dân La Mã là phạm tội nặng, giết một công dân La Mã thì đích thực là kẻ giết người, còn đối với hành động đóng đinh một công dân La Mã thì tôi phải nói thế nào? Không thể tìm thấy từ ngữ nào cho hành động ghê tởm ấy.”   Thực sự không tìm thấy từ ngữ nào cho hành động đó. Không có một từ ngữ nhã nhặn nào có thể dùng được cho việc đóng đinh, vì từ thập tự giá là một từ cấm kị trong xã hội La Mã. Xin trích thêm một câu nói của Cicero, “Chúng ta hãy quăng xa mọi lời đề cập về thập tự giá ra khỏi không chỉ thân thể một công dân La Mã mà còn khỏi tâm trí, mắt và tai của người ấy.” Chữ Crux (viết gọn của từ đóng đinh) là một lời chửi thề trong tiếng La-tinh.

Vì dân La Mã xem việc đóng đinh là một điều ghê tởm, nên không có gì là ngạc nhiên khi nhiều người La Mã thường chế nhạo niềm tin Cơ Đốc. Một minh họa thu hút về điều này được tìm thấy trên đỉnh đồi Palatine ở Rô-ma. Tại đó, trên bức tường một ngôi nhà, người ta thấy sót lại một bức vẽ từ rất xa xưa vẽ theo phong cách tranh tường. Bức họa thô thiển này phác họa một người đàn ông đầu lừa bị treo trên thập tự. Một người đàn ông khác đứng tại chân thập tự với một cánh tay giơ lên trong tư thế thờ phượng. Bên dưới viết nguệch ngoạc một lời châm chọc: “Alexamenos thờ phượng Chúa.” Vậy, người La Mã đổ sự nhạo báng lên những ai thờ phượng một người bị đóng đinh.

PHILIP GRAHAM RYKEN

(Còn nữa)   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn