Tôi thi đậu vào trường Cao-đẳng Sư-phạm sau 1975 một năm. Đó là một niềm vui đối với tôi và gia-đình, không những vì tôi có thể tìm được một nghề chính-đáng trong tương-lai, mà vì còn được học bổng. Như vậy thì gánh nặng về kinh-tế của gia-đình chúng tôi sẽ được vơi bớt, trong lúc tôi chính-thức từ bỏ việc sản-xuất rẻ tiền của mình, và chuẩn-bị để tiếp-tục việc học.
Trong ngày đầu tiên vào trường thì tôi nhận thấy có khoảng 3.000 sinh-viên, cả nam lẫn nữ, đang tề-tựu về đó. Gương mặt của những người trẻ ấy phần lớn đều có một vẻ tươi sáng, có lẽ là vì họ cảm thấy vui-mừng khi nghĩ tới một tương-lai hứa-hẹn ở phía trước. Nhưng sau nầy tôi mới chợt nhớ tới một số người không được tươi vui cho lắm. Nói chung thì họ không phải là những người thi đậu vì có học-lực tương-đối, nhưng chỉ vì họ là những thanh-niên làm chính-trị ở địa-phương, cho nên nhà nước đã ưu-tiên cho họ vào đó, để làm công-tác cổ-động, tuyên-truyền cho chế-độ. Một số người trong đó có học-lực rất yếu, nhưng vẫn được Giáo-viên chủ-nhiệm chỉ-định làm những người lãnh-đạo lớp, và sau hai năm học thì họ cũng ra trường như bao nhiêu người khác, cho dù là điểm thi của họ có như thế nào đi nữa.
Chúng tôi được chia theo từng Khoa mà mình đã lựa chọn lúc còn học trung-học, nhưng cũng có những Khoa quá vắng người mà nhà trường đã yêu-cầu hằng trăm sinh-viên phải chấp-nhận vào những Khoa đó. Đó là những Khoa rất nặng về chính-trị cho nên phần đông sinh-viên đều không ưa-thích. Cũng may-mắn là trong số những người bị ép đó không có tôi, nên tôi vẫn có thể học tiếp với những bộ môn mà mình đã lựa chọn.
Khi chỉ mới bắt đầu năm học được một ngày, thì nhà trường đã tập-tành cho chúng tôi làm quen với việc lao-động chân tay. Sinh-viên trong toàn trường đều phải làm việc và lúc nào cũng có nhiều người đi, kẻ lại trong khắp sân trường. Đương nhiên là việc lao-động đó được tổ-chức theo từng Khoa, nhưng bởi vì tất cả các Khoa đều lao-động cùng ngày với nhau, cho nên nó tạo ra một không-khí xôn-xao trong khắp trường, như để chuẩn bị cho một lễ hội vậy.
Lẽ ra thì chúng tôi không cần phải làm gì cả, vì ngôi trường nằm trên đường An-Dương-Vương đó cũng xinh đẹp dường như được xây từ thời Pháp-thuộc, cùng với những lối đi thẳng tắp, những hàng cây bóng mát, cũng như các khu đất trồng hoa gọn-gàng và ngăn nắp. Có thể nói là nó giống như một công-viên nằm ở giữa thành-phố với hằng trăm loại cây khác nhau và người ta có thể nhìn thấy những chú bướm, mà thậm chí là những con bướm bà to lớn, vẫn thường lảng-vảng bên những bụi hoa giữa sân trường.
Nhưng nhà trường đã “vẽ” ra rất nhiều việc, như cho sinh-viên Khoa nầy khiêng bàn ghế xuống lầu, rồi một năm sau lại cho sinh-viên Khoa khác khiêng bàn ghế trở lên. Hay nhà trường có thể chỉ-thị cho sinh-viên khóa nầy phải trang-trí một vài mảnh đất, bằng cách trồng nhiều loại cây kiểng, rồi lại chỉ-thị cho sinh-viên khóa sau phải bỏ đi và trang-trí lại. Chúng tôi cũng đã từng trang-trí cho một mảnh đất rộng khoảng 30 mét vuông bằng cách trồng kiểng màu tím theo hình bốn chữ CĐSP thật dễ thương, rồi rào xung quanh bằng những cây ắc-ó xanh tươi. Khi đứng từ trên lầu cao mà nhìn xuống thì trông mảnh đất ấy thật đẹp-đẽ, như kỷ-niệm cho một thời tuổi trẻ mà chúng tôi đã học dưới mái trường ấy vậy. Nhưng chỉ một năm sau, chúng tôi thấy nó bị các sinh-viên khóa sau tham gia lao-động bằng cách phá bỏ vườn hoa ấy, để trang-trí lại theo cách mới của chúng.
Nói chung, nhà trường muốn giáo-dục cho sinh-viên cái ý-tưởng “lao-động là vinh-quang”, cho nên bất cứ một tầng lớp nào, một tuổi-tác nào, một trình-độ nào cũng cần phải lao-động quần-quật đổ mồ-hôi, để họ có thể nhận thấy cái giá-trị của lao-động. Nhưng dường như cái lao-động ở đây được nhắm vào việc “đổ mồ-hôi, sôi nước mắt”, có nghĩa là lao-động tay chân, mà tầng lớp bình-dân trong xã-hội trước vẫn thường làm. Họ đã lấy cái ý-tưởng đó làm nền-tảng để xây-dựng một xã-hội mới, một xã-hội mà họ cho rằng sẽ tốt đẹp hơn bội phần cái xã-hội mà họ vừa mới lật đổ. Cho nên tất cả các sinh-viên đều phải học-tập lao-động, từ những người ốm yếu cho tới những người khỏe mạnh, từ những người muốn làm cho tới người không muốn làm. Một số các bạn tôi thì làm việc có vẻ miễn-cưỡng, thậm chí có những đứa ở dưới quê lên thành-phố để học cũng không thích lao-động cho lắm, dẫu không phải là không có sức khỏe mà chủ-yếu mà vì cảm thấy mắc-cỡ khi nghĩ rằng việc đó không thích-hợp với thành-phố. Có lẽ đó là nhận-thức của xã-hội cũ để lại mà không dễ gì xóa đi chỉ sau một năm như thế. Vì vậy nhà trường càng cố gắng rèn tập cho các sinh-viên cái nhận-thức mới nầy, để hi-vọng rằng sẽ có nhiều biến chuyển tích-cực hơn trong một xã-hội mới.
Cho nên, vào thời điểm đó thì giới trí-thức bị xem nhẹ và giới lao-động bình-dân lại được ca tụng trên cả nước. Cũng chính vì vậy mà có nhiều người với bằng cấp tiến-sĩ, thạc-sĩ, hay cử-nhân trong chế-độ cũ, đành phải chấp-nhận làm những việc vặt, hoặc lao-động tay chân để kiếm tiền cho dễ. Có những tiến-sĩ ngồi bên lề đường bán thuốc lá, có những thạc-sĩ lại làm công việc của thợ thủ-công, có những cử-nhân lại đạp xe ba bánh để nuôi sống gia-đình. Họ không hề giấu ai về trình-độ của mình, nhưng khi có người hỏi thăm thì họ chỉ mỉm cười và chấp-nhận rằng bởi vì xã-hội đang chuyển-biến như thế. Bằng-cấp đối với họ chỉ là chuyện quá-khứ, và họ có giữ lại mảnh bằng thì cũng chỉ là để nhắc lại một kỷ-niệm mà thôi. Trong thời buổi mà người ta phải chạy gạo để kiếm sống, và thậm chí có một số gia-đình còn không biết trước được bữa ăn mỗi ngày của mình thì gia-đình họ cần phải được ăn no trước đã.
Nhưng riêng tôi thì lại cảm thấy rất thích-thú khi được làm việc quần-quật và đổ nhiều mồ-hôi như thế. Tôi nhớ khi mình còn học ở trường Nguyễn-An-Ninh, thì có một lần trong giờ ra chơi, tôi đã tham-gia đá banh với các bạn trong sân trường. Mặc dù chỉ có mười lăm phút, tôi vẫn cảm thấy rất sảng khoái và khi cởi chiếc áo thun lót ra để vắt mồ-hôi thì nó lên tới khoảng nửa chén nước. Thật là không thể ngờ được và đó là lần đầu tiên trong đời mà tôi đã đổ mồ-hôi nhiều như vậy.
Rồi một hai năm sau đó, mấy đứa bạn trong lớp đã rủ tôi đi tập judo với chúng ở sân vận-động Cộng-hòa cho vui. Thật ra thì môn võ đó có tính cách thể-dục, chứ không kích-thích tính hiếu-chiến, cho nên chúng tôi thấy nó cũng không có hại gì. Thế là chúng tôi lại trải qua những buổi tập đầy mồ-hôi cùng với những tiếng hò hét và những tiếng quật ngã rầm rầm trên những tấm thảm của sàn judo. Nhờ đổ nhiều mồ-hôi như vậy mà chúng tôi không cảm thấy trời lạnh, thậm chí có những buổi sáng giá buốt mà chúng tôi vẫn có thể ở trần và cảm thấy mát-mẻ, sau khi đã tập một giờ ở sân vận động và trở về nhà. Tuy nhiên chỉ được một năm thôi thì chúng tôi đã phải gác lại tất cả để chuẩn-bị cho kỳ thi Tú-tài, một kỳ thi được xem như quyết-định cho tương-lai của tuổi học trò chúng tôi.
Cho nên dù là học-sinh đã sống từ nhỏ ở thành-phố, và chỉ với một thân hình nhỏ bé, nhưng tôi lại cảm thấy mình có thêm cơ-hội để rèn luyện sức khỏe. Thậm chí khi lần đầu tiên trong đời được cầm những cái cuốc, cái xẻng, với mồ-hôi nhễ-nhại trên người, để trồng một số cây kiểng trong sân trường, thì trong lòng tôi lại cảm thấy hết sức sảng-khoái. Tôi hít từng hơi thở sâu trong buồng phổi và cảm thấy cuộc sống càng thêm đẹp. Những màu xanh của cây lá và bóng mát ở xung-quanh đã khiến cho tôi cảm thấy thật dễ chịu. Có lẽ đó là lần thứ hai trong đời mà tôi phải đổ nhiều mô-hôi như vậy, nó nhễ-nhại từ trên trán cho tới toàn thân, và nó giúp cho tôi khám-phá ra những vẻ đẹp trong cuộc sống càng hơn.
Trong khi chúng tôi tiếp-tục lao-động và học-tập cho đến lúc sắp ra trường, thì đã có một số chuyển biến trong nhận thức của những người cai-trị đất nước. Trong một bài giảng của một người trên Sở giáo-dục trước toàn Khoa chúng tôi đã nói, “Thật là không công-bằng khi một người lao-động chân tay và thiếu văn-hóa lại kiếm được 100 đồng trong một tháng; trong khi một bác-sĩ phải học tới bảy năm mới ra trường, mà mỗi ca mổ chỉ được trả công có 1 đồng”. Thì ra là những người lãnh-đạo đất nước đã nhìn thấy rằng “lao-động” không có nghĩa chỉ là “chân tay”, mà nó còn có thể bao hàm cả lao-động não bộ, lao-động tinh-thần hay nhiều hình-thức lao-động chân-chính khác nữa… Bởi vì đây là thời bình, chứ không phải là thời chiến, nên họ đã nhận ra rằng những kẻ thiếu học-thức đã phá-hoại đất nước nhiều hơn là xây-dựng. Như vậy thì làm nhà giáo như chúng tôi cũng là một hình-thức lao-động, mà có thể được gọi là lao-động trí-thức. Tuy nhiên mặc dù nhà nước đã có những thay đổi nhận thức về lao-động, thì cũng không dễ gì mà thay đổi cả một guồng máy xã-hội đã lỡ vận-hành từ nhiều năm trước.
Riêng tôi thì vẫn rất thích được tham-gia vào việc lao-động chân tay với mồ-hôi ướt đẫm trong hai năm học đó. Nó cũng giống như được tập thể-dục khi chúng tôi còn tập judo và là một nhu-cầu có cần cho cuộc sống. Ngược lại, tôi không thích cho lắm việc giam mình trong những thư-viện mà nhìn đâu cũng thấy toàn là sách vở. Tôi cho rằng một cuộc sống như vậy mang nặng tính lý-thuyết, và sẽ không thể nào có được một sự quân-bình cần thiết. Mặc dù đó là cuộc sống của tôi từ nhỏ cho tới lớn, một cuộc sống chỉ biết học mà không biết tới một điều gì khác, nhưng tôi vẫn thấy rằng được lao-động chân tay là một sự giải thoát cho tình-trạng thần-kinh căng-thẳng mà mình thường gặp phải khi mải-mê với những đống sách vở trong các kỳ thi.
Vào thời-điểm đó thì những con đường trong thành-phố luôn tràn ngập những chiếc xe đạp. Nếu có ai đi xích-lô thì đó là những người sang, còn xe gắn máy thì lâu lâu mới có một chiếc. Còn nói tới xe hơi thời bấy giờ thì lại hiếm hơn nữa và có lẽ chỉ dùng cho nhà nước mà thôi. Sau hai năm học, tôi cũng đã ra trường vào những ngày đó nhưng không đi dạy, vì hoàn-cảnh gia-đình, và có quen với mấy người anh em trong Hội-thánh làm nghề đạp xích-lô. Chỉ với một chiếc xích-lô mà các anh em trong gia-đình đã thay phiên nhau đạp và nuôi sống đến mười mấy người. Họ thật là những người hạnh-phúc vì được xã-hội ưu-đãi, so với những người trí-thức mà người ta vẫn còn xem nhẹ. Vì làm nghề đạp xích-lô, cho nên họ cũng giỏi sửa xe như những người thợ vậy. Nếu chiếc xe đạp của tôi có hư thì họ sửa giùm mà không phải trả tiền, cho dù nó có hư nhiều hay ít đi nữa. Tôi không quên có một buổi chiều mà mình dắt chiếc xe đạp bị xẹp lốp đến nhà người bạn để nhờ anh ấy vá giùm. Lẽ ra thì tôi phải ngồi ở đó mà nói chuyện với anh ấy đang khi anh giúp đỡ tôi. Nhưng buổi chiều hôm ấy tôi cảm thấy mệt tới nỗi phải leo lên căn gác của anh ấy mà nằm ngủ. Khi thức dậy thì tôi mới thấy rằng chiếc xe đã được sửa xong và mọi người đều để cho tôi ngủ yên giấc. Tới chừng đó tôi mới thấy mình thật tệ, nhưng biết nói sao bây giờ? Nó là việc đã rồi và tôi chỉ cảm thấy hối-tiếc vì mình đã mỏi-mệt trong buổi chiều hôm ấy.
Nhưng nhờ quen thân với gia-đình anh ấy mà tôi đã học được cách sống bình-dị của họ, hoàn toàn khác với cách sống của giới trí-thức chúng tôi. Chúng tôi chỉ thường chào hỏi một cách cẩn thận đối với những người quen, còn với những người lạ thì chúng tôi lại rất e-dè. Họ thì lại không có thói quen chào hỏi lịch thiệp như vậy, mà gặp người lạ ở ngoài đường thì họ lại rất dễ bắt chuyện. Rõ ràng là khác nhau tới một trời một vực, và chúng ta cũng không thể nói rằng cách cư-xử nào là tốt hơn. Nhưng nếu đã thấy điều gì tốt ở nơi người khác thì chúng ta cần phải học tập, cho dù là nó chưa quen thuộc với cách sống của mình đi nữa. Cho nên kể từ ngày đó, tôi đã cố gắng bắt-chước những cái hay mà mình thấy ở nơi gia-đình ấy, để bổ-xung cho những cái thiếu sót trong cuộc đời trí-thức của mình.
Thật ra thì hoàn-cảnh của xã-hội ngay từ ngày đất nước được thống-nhất đã đè nặng trên gia-đình tôi nhiều lắm. Chúng tôi đã phải lần lượt bán tất cả đồ-đạc trong nhà để có thể sống qua ngày và cho tới một ngày kia thì hầu như là không còn gì để bán nữa. Chính tôi là con trai lớn trong gia-đình, nhưng cũng không đi dạy được, mà cũng chưa tìm ra được một công ăn việc làm nào, và cũng không thể ngồi một chỗ mà ăn cơm của ba mẹ.
Bỗng tôi nhớ tới chiếc xích-lô của người bạn và suy-nghĩ không biết là mình có thể đạp được hay không? Thật ra thì trông nó cũng giống như chiếc xe đạp mà ai cũng có thể có, chứ đâu có gì là lạ lắm. Hơn nữa, vì rất thích được đổ mồ-hôi trong quá-khứ, cũng như trong những giờ lao-động tay chân của trường CĐSP, nên tôi nghĩ rằng đạp xích-lô cũng không phải là một vấn-đề. Hơn nữa, tôi cũng không còn cái mắc-cỡ của giới trí-thức, khi nghĩ đến những công việc bình-dị nữa. Bởi vì tôi đã tập-tành cách sống giản-đơn từ một vài năm nay, để có thể gần-gũi và cảm-thông với cả những người trí-thức lẫn giới lao-động trong xã-hội. Và cuối-cùng là vì chúng tôi chơi thân với nhau và trở nên giống như người nhà, cho nên tôi nghĩ rằng nếu mình mượn thì có lẽ người bạn sẽ không từ chối. Dù vậy, tôi nên nghĩ tới những khoảng thời-gian mà gia-đình anh ấy không có đạp xe, để không làm ảnh-hưởng tới nền kinh-tế của họ. Như vậy thì buổi tối là tốt nhất, vì tôi thường thấy họ để xe trống ở nhà vào những lúc ấy, và ban đêm sẽ khiến cho người ta không nhìn thấy rõ mặt tôi.
Sau một thời-gian đắn-đo, có một hôm tôi đã hỏi anh bạn rằng: “Gia-đình anh có đạp xích-lô vào buổi tối không?” Anh trả lời là: “Không!” và có lẽ cũng chưa hiểu được ý định của tôi. Tôi bèn hỏi: “Nếu tôi mượn xe của anh để đạp vào buổi tối có được không?” Tới chừng đó thì anh mới hiểu ra được vấn-đề và nói: “Được chứ, nhưng không biết bạn có chịu khó được hay không, vì nó hơi cực?” Tôi nói: “Thì tôi sẽ thử vậy.” Anh đồng ý và chúng tôi hẹn ngày với nhau để bắt đầu công việc.
Buổi tối đó tôi đi xe đạp tới nhà anh bạn và gởi ở đó để bắt đầu đạp thử xích-lô. Anh dẫn chiếc xe từ trong nhà ra khỏi con hẽm và bảo tôi cứ leo lên thử. Tôi leo lên và thấy nó cũng bình-thường như chiếc xe đạp, mặc dù có phần nặng-nề hơn, vì có một chỗ ngồi dành cho khách và ba cái bánh xe. Nhưng thật ra thì nan-đề lớn nhất đối với tôi đó là tôi không rành đường-sá trong thành-phố. Từ nhỏ cho tới lớn hầu như tôi chỉ biết có những con đường nối liền giữa ngôi nhà của mình với các trường học mà thôi. Còn giờ đây khi phải đối-diện với một thành-phố mênh-mông thì tôi cũng chưa biết mình phải làm sao nữa. Khi biết được điều đó thì anh bạn bèn đi xe đạp theo tôi để giúp tôi làm quen với việc đạp xích-lô và những con đường trong thành-phố. Anh hướng-dẫn tôi đạp xe ra quận 5 vì nói rằng ở khu vực đó vào buổi tối có nhiều khách hơn, so với những khu vực khác, và chỉ cần đi vòng quanh khu vực nầy là cũng có thể kiếm được tiền, chứ không cần phải đi xa. Tôi cảm thấy có phần yên tâm vì vấn đề đường sá đã trở nên đơn giản hơn với mình, nhưng chở một người khách trên xe thì tôi chưa bao giờ có kinh-nghiệm.
Chợt anh nói với tôi: “Có người kêu xe kìa!” Tôi nhìn vào lề đường thì thấy có một người đương đứng vẫy tay nên đã từ từ cặp xe vào đó. Anh bèn hỏi người đó đi đâu và báo luôn số tiền thì người kia đồng ý. Anh bảo tôi xuống xe và đi xe đạp theo, để anh có thể hướng-dẫn tôi cách lên xuống xe và xử-dụng thắng một cách gọn-gàng. Chính anh chở người khách tới nơi cần đến và khi người ấy trả tiền thì anh bảo rằng tôi cứ lấy đi. Nhưng điều quan-trọng là qua đoạn đường ngắn ấy thì tôi đã học được cách xử-dụng chiếc xe một cách gọn-gàng, và một lát sau khi có người khách thứ hai gọi thì chính tôi là người cầm lái. Anh đã đi xe đạp theo tôi và khi tôi phải băng qua một đám đông bằng cách xử-dụng cái thắng liên tục, thì anh đã không tin được ở mắt mình. Một lát sau anh đã nói với tôi rằng trông tôi không phải là một người tập lái xe, nhưng giống như một người đạp xe chuyên nghiệp vậy. Đó là buổi tối đầu tiên mà tôi đạp xích-lô và anh đã đạp xe theo tôi để giúp đỡ từng chút một. Có một người đàn ông đi đường đã nhanh trí nhận ra điều đó và hỏi: “Ủa, bộ hai anh em hả? Sao thương nhau quá vậy?” Và đó cũng là buổi tối đầu tiên trong đời mà tôi đã kiếm được một số tiền để có thể đem về nhà và phụ giúp cho gia-đình trong thời buổi khó-khăn đó.
Những buổi tối sau đó thì tôi có thể đạp xích-lô một mình, cũng vòng vòng ở khu quận 5, và kiếm thêm được một số tiền cũng giống như ngày đầu tiên vậy. Tôi cũng mượn luôn của anh bạn cái nón rộng vành của anh và đội sụp xuống khuôn mặt, để người ta không nhận ra nước da công-tử của tôi. Điều mà tôi ngại nhất là lỡ những người thân-thuộc nhận ra mình, thì mình cũng không biết phải nói làm sao đây. Nhưng thỉnh-thoảng vẫn có những người nhận ra gương mặt trí-thức của tôi và khi họ trố mắt nhìn, thì tôi cũng tiếp-tục đạp xe đi nơi khác để cho tâm trí được bình-thường trở lại. Tôi biết rằng người ta luôn tôn-trọng những người có ăn, có học với nước da trắng-trẻo; nhưng tôi muốn trải qua cách sống của một người bình-dân, một phần là để kiếm thêm tiền, và một phần là để có được thêm những kinh-nghiệm sống.
Cũng có những lúc người ta yêu-cầu tôi chở họ tới một nơi mà tôi chưa bao giờ biết. Dân chuyên đạp xe và giới buôn bán thì thừa biết những nơi đó, nhưng với một người dốt đường-sá như tôi thì đành phải chịu. Tôi bèn nói rằng họ cứ lên xe đi và chỉ đường cho tôi đi tới chỗ đó: tôi sẽ tính giá rẻ chứ không mắc đâu. Nhưng họ không đồng ý vì nói rằng mình đã từng bị lừa cũng giống như vậy. Khi tới nơi rồi thì người đạp xích-lô bèn đưa ra những cái giá trên trời dưới đất và gây nên những sự tranh-chấp không cần thiết, cho nên họ không muốn tái-diễn những chuyện như vậy. Tôi đành phải lắc đầu và đạp xe đi nơi khác chứ không biết phải nói làm sao hơn. Tôi nghĩ bụng tại sao lại có những người tham-lam như vậy. Liệu họ có thể làm giàu với những đồng tiền ấy hay không? Hay là cuối-cùng rồi nó cũng rơi vào những chầu nhậu-nhẹt đầy chán-chê của giới lao-động? Ước gì xã-hội không có những hạng người đó, để người ta có thể sống với nhau một cách đơn-sơ, công-bằng và bác-ái vậy.
Nhưng cũng nhờ đạp xe như vậy mà tôi đã khá rành-rẽ đối với khu Chợ lớn hơn, thậm chí sau đó tôi cũng biết thêm một số con đường dẫn ra chợ Saigon và các nơi khác trong thành-phố nữa. Có một lần tôi đã chở một người khách lên tới gần cư-xá Thanh-đa, và khi tới giữa chiếc cầu Kinh thì tôi đã không tài nào đạp thêm nổi. Phải nói là chiếc cầu tệ quá, nó không bằng phẳng mà lại có những khúc gãy ở dọc cầu, giống như là có ai đem quăng những khúc củi vào giữa đường vậy. Nhờ đã được gợi ý từ trước bởi người bạn cho nên tôi đã xuống xe và đẩy nó qua khỏi con dốc đó một cách nặng-nề. Tới chừng đó, tôi chỉ biết thở phào nhẹ-nhõm và mong rằng mình sẽ không gặp nhiều cây cầu như thế.
Cái hay của việc chạy xe buổi tối là nó không có nắng thiêu đốt giống như ban ngày. Phải nói là không-gian luôn luôn mát-mẻ và số người cũng không nhiều trên phố, nên nó cũng giảm bớt những sự tranh giành trong nghề đạp xe. Nhưng có một điều khá nguy-hiểm là người ta cũng có thể gặp những hiểm-họa do bọn trộm cướp ở những đoạn đường tối, trong một thời buổi mà đa số người dân trong xã-hội đều đã trở nên nghèo khổ.
Có một điều lạ là khi mưa đổ xuống vào những buổi tối, thì tôi lại có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Tôi mặc áo mưa vào và cũng phủ những tấm bạt để che cho chỗ ngồi của khách được khô ráo. Đúng như lời chỉ dẫn của những người bạn: khi trời mưa thì số người có nhu-cầu đi xích-lô cao hơn hẳn. Đương nhiên là bởi vì họ không muốn bị ướt nếu phải đi bộ, và nếu người đạp xích-lô có đòi giá hơi cao thì họ cũng đành chấp nhận. Nhưng tôi thì vẫn tính giá cả như ngày thường, cho dù là có mưa hay không mưa đi nữa. Có thể là người ta cảm thấy hài lòng, bởi vì họ không bị ép giá, và cảm thấy cuộc sống nầy dễ thở hơn, cho dù có thể là chẳng bao giờ tôi chở họ đi thêm một lần nữa, vì thành-phố thì quá rộng mà những người đạp xích-lô cũng không hề thiếu.
Cho nên, khi trời đổ mưa xuống thì những người đạp xích-lô lại cảm thấy mừng, chứ không hề thấy phiền, vì nó thuận-tiện cho công ăn việc làm của họ. Có một lần mưa đổ xuống lớn lắm đến nỗi làm mù-mịt cả con đường với những làn gió lạnh buốt. Nhưng tôi lại có một cảm giác tuyệt-vời trên chiếc xích-lô khi đang leo lên một con dốc, là khuôn mặt với hai bàn tay thì lạnh, ở bên trong chiếc áo mưa thì mồ-hôi lại đổ nhễ-nhại. Cái cảm giác vừa lạnh vừa ấm đó đã khiến cho tôi thích-thú, như một con chim sẻ được trú ẩn trong nơi an-toàn trong khi trời đang mưa bão vậy. Tôi biết rằng sẽ không có nhiều người có được cái kinh-nghiệm nầy, mà nhất là những người trí-thức, hay những người làm việc văn-phòng, chỉ suốt ngày đối-diện với những đống sách vở, giấy tờ, chứ chưa bao giờ leo thử lên một chiếc xích-lô và cảm thấy thú-vị khi đổ mồ hôi trong cơn mưa như vậy.
Dù vậy, có một lần trời mưa mà tôi không bao giờ quên được và luôn cảm thấy tiếc mỗi khi mình nhớ lại. Đêm đó tôi tình cờ đạp xe ngang qua cổng bệnh-viện Chợ Rẫy và cảm thấy có thể kiếm được khách. Một lát sau tôi bèn vòng xe lại và đứng chờ khách ở gần cổng lớn dưới cơn mưa. Tôi không biết rằng những người đạp xích-lô ở nơi nầy có toa rập với nhau để ép giá khách hàng mỗi khi mưa, cho nên khi tôi nói đúng giá và khách hàng chấp-nhận, thì họ đã tức giận và đòi hành-hung tôi. Một người vừa băng qua đường vừa hò-hét vang động và đòi đánh tôi rớt xuống khỏi chiếc xích-lô, với lý do là tôi đã giựt khách. Sự việc xảy ra quá nhanh chóng đã khiến cho tôi thấy lòng mình run lên trong cơn mưa, nhưng không biết là vì giận hay là vì sợ, hay là vì cả hai? Tôi không hề có ý định tranh-chấp với ai, và nếu anh ta nghĩ như vậy thì tôi cũng sẵn-sàng nhường khách lại cho anh ta. Nhưng nếu anh ta xông vào tôi, thì xem như đó là chuyện đã rồi và tôi không thể lựa chọn một lối thoát nào khác. Có lẽ anh ta cũng chỉ là một người đi kiếm tiền về cho vợ con mà thôi. Tuy nhiên nếu mình vì miếng sống của gia đình mình, mà lại đi chà đạp lên miếng sống của người khác, thì đúng là không công-bằng. Tôi nghĩ vội, một thư-sinh như tôi thì không bao giờ nghĩ tới chuyện đánh nhau ở dọc đường và nếu cuộc hành-hung có xảy ra thình-lình thì chắc là tôi phải lãnh đủ, nhưng mọi việc có chấm dứt ở đó không, hay sẽ kéo theo nhiều hận-thù khác, và có thể kéo tôi trở lại với cuộc sống cũ của những ngày chưa tin Chúa chăng?
Cũng may-mắn là anh ta đã không hành-hung tôi. Có lẽ anh ta đã thình-lình đổi ý và chỉ muốn đuổi tôi đi khỏi nơi đó mãi mãi. Mà sự thật là như vậy, tôi đã không bao giờ quay trở lại nơi đó thêm một lần nữa. Tôi không muốn đương đầu với những kẻ đó. Ngoài ra, cũng có những lần đạp xe mà tôi cũng cảm thấy hối-tiếc mỗi khi nhớ lại, vì có những con người hoàn toàn không quan tâm tới người khác mà chỉ biết sống cho những điều nhỏ mọn và bất công của mình. Đó là lần mà tôi chở một bà khá nặng ký với giá cả phải chăng. Nhưng đi chỉ được vài trăm thước thì lại có thêm một bà nữa leo lên xe vì họ là bạn nhau. Rồi đi khoảng một trăm thước thì lại có thêm một bà leo lên nữa. Rõ ràng là họ có mưu tính với nhau để chỉ trả tiền một lần mà đi tới ba người. Tôi không muốn phàn-nàn về chuyện đó mà chỉ mong sao cho nó qua đi cho xong. Nhưng phải nói rằng đó là lần chở nặng nhất trong đời và khi đã tới nơi thì tôi thấy mình đuối sức để nhận lãnh một số tiền rẻ mạt.
Trong những lúc đó, tôi thường hay nghĩ tới những đất nước Tin-lành với nền văn-minh và những cách sống đầy tình người. Đương nhiên là ở đâu thì cũng có người xấu và kẻ tốt, nhưng nói chung thì cách cư-xử của họ khác xa với xã-hội chúng ta. Trong khi chúng ta hay xem thường những người nhỏ con, và dễ ăn hiếp những người hiền lành, thì họ lại tôn-trọng mọi con người, mà không hề quan-tâm tới bề ngoài. Đối với họ thì con người là quan trọng, hơn tất cả những gì mà người đó có. Trong khi chúng ta hễ hở ra là thủ-đoạn, dối-trá, lưu-manh,… thì họ lại thích sống ngay-thẳng, công bằng, và có thể làm nhiều việc từ-thiện cho những đất nước khác nữa…
Tôi nghe nói rằng có một người đàn bà đi xe buýt ở Thụy-Sĩ đã làm rớt một sợi dây chuyền vàng. Nhưng qua vài ngày sau thì bà vẫn lượm lại được sợi dây chuyền đó ở chỗ mà mình đã ngồi hôm trước. Đã có nhiều người nhìn thấy nhưng không ai đụng đến, kể cả người quét dọn xe buýt, vì nó không phải là của họ. Họ biết rằng đã có một người nào đó đánh rơi, và mong rằng người ấy sẽ tìm lại được sợi dây chuyền ở chính chỗ ấy… Tôi cũng biết có một ký-giả đã để lại cái ví tiền của mình trong một nhà hàng, và một tuần sau khi anh quay trở lại thì cái ví tiền cũng vẫn còn nằm đó. Đã có biết bao nhiêu người qua, kẻ lại, kể cả những người dọn bàn ở nhà hàng, nhưng không hề có một ai muốn đụng vào cái ví tiền của anh ta. Anh bèn mở ra và đếm lại thì thấy rằng số tiền vẫn không mất một đồng. Anh bèn trả tiền cho nhà hàng rồi bước trở ra và nêu một câu hỏi trên báo chí rằng: “Tại sao những điều đó lại có thể xảy ra trên đất nước Thụy-Sĩ?”
Phải, điều gì đã khiến cho những đất nước ấy có được những cách cư-xử như vậy? Những cách cư-xử mà chẳng bao giờ có thể tìm thấy được trong xã-hội của chúng ta? Tôi cũng đã từng được biết rằng chính Kinh-thánh là nguồn-gốc của nền văn-minh tối cổ của Châu Âu. Như vậy thì phải chăng chính ảnh-hưởng của Cơ-đốc-giáo đã tạo nên những đất nước như Thụy-Sĩ…? Một đất nước mà hầu hết mọi người đều theo đạo Tin-lành…?
Nói chung là tôi đã đạp xích-lô như vậy trong vòng mấy tháng với những câu chuyện buồn vui lẫn-lộn mà tôi chưa bao giờ kể cho một ai biết, trước khi có thể tìm được một công việc thật sự. Một điều đáng mừng là chiếc xích-lô không hề bị hư trong suốt thời-gian ấy, đã khiến cho công việc của tôi được thuận-tiện và đỡ vướng vào những sự rắc-rối. Chỉ cần nó bị xẹp bánh ở giữa đường thì đã là nan-đề với tôi rồi. Còn nếu tôi có bị đụng xe chắc nan-đề lại còn lớn hơn bội phần vì nó ảnh-hưởng đến cả gia-đình của người bạn tôi. Nhưng may-mắn thay các điều đó đã không xảy ra, có lẽ là nhờ sự cầu-nguyện của người bạn trong lúc tôi đang đạp xe trên đường chăng? Phải rồi, anh chẳng bao giờ nói với tôi về điều ấy, cũng như không bao giờ đặt vấn-đề với tôi về tiền bạc, và mỗi lần tôi trả xe thì anh chỉ thường hỏi rằng hôm nay đạp xe có khá không? Thông-thường thì tôi chỉ cảm ơn anh rồi trả lời qua-loa cho có và chào anh để có thể trở về với gia-đình cho kịp buổi tối.
Tôi không dám nói gì với gia-đình về việc mình đạp xích-lô và tôi cũng căn dặn bạn-bè là đừng bao giờ cho gia-đình tôi biết. Tôi biết rằng gia-đình tôi sẽ không bao giờ chấp-nhận việc đó và chắc-chắn là tôi sẽ không được phép để đạp xe thêm, dầu là chỉ một lần đi nữa. Họ đã thừa biết rằng xã-hội nầy vốn đầy những con người nguy-hiểm và một người ốm yếu như tôi có thể gặp phải những tai-nạn không thể lường được, trong khi đạp xích-lô như thế. Thà rằng cả gia-đình chúng tôi chấp-nhận khổ cực thêm một chút, chứ họ không thể để cho một đứa con nào có thể đi vào chỗ chết được. Cho nên, khi trao tiền cho Mẹ, tôi chỉ nói rằng đó là do các anh em trong Hội-thánh giúp-đỡ. Mà số tiền đó là do sự giúp-đỡ của các anh em thật, nhưng cách mà họ đã giúp-đỡ như thế nào thì chỉ có mình tôi biết mà thôi. Tôi thấy Mẹ có thoáng một vẻ ngạc-nhiên xen với niềm vui khi bà nhận số tiền, và bà có nhờ tôi gởi lời cảm ơn đến các anh em.
Nhưng không phải chỉ có gia-đình người bạn tôi trong Hội-thánh làm nghề đạp xích-lô mà một số người khác cũng quyết-định đi theo nghề ấy nữa. Do chính-sách của nhà nước vẫn còn ưu-tiên cho những người trực-tiếp lao-động, cho nên mọi người đều thấy rằng việc đạp xích-lô đã trở nên một nghề dễ kiếm sống. Một người bạn lớn tuổi hơn tôi vốn học luật rất giỏi trên toàn quốc, nhưng anh cũng quyết-định sắm cho mình một chiếc xích-lô để nuôi sống gia-đình, và không còn muốn nghĩ tới việc đi học nữa.
Còn một anh bạn khác thì cũng tự mua lấy một chiếc xích-lô và cùng với một số anh em trong Hội-thánh chia giờ ra để chạy. Cũng giống như tôi, họ chạy được bao nhiêu tiền thì cứ giữ mà xài, còn khi chiếc xe có bị hư thì tất cả đều góp tiền vào mà sửa. Nhưng cũng có những lúc chiếc xe bị hư mà không cần ai phải bỏ tiền ra cả, vì anh chủ xe cảm thấy mình khá-giả hơn người khác, mặc dù anh cũng là một trong những người đạp xích-lô, nên anh đã tự mình bỏ tiền ra sửa xe để làm nhẹ gánh cho mọi người. Như vậy thì anh ấy không những đã không có lời, mà lại còn lỗ nữa, theo cách nói cho vui của các anh em trong Hội-thánh chúng tôi. Thật ra thì họ có thể chọn những cách làm ăn khác để kiếm sống, nhưng họ vẫn thích những công việc đổ mồ-hôi, vì cho rằng nó chân-chính hơn và cũng giúp con người dễ gần-gũi nhau hơn.
Đúng như vậy, vì chúng tôi sống với nhau theo tình anh em, không có hàng giáo-phẩm, không có giai-cấp, và người nào tự cảm thấy mình có khả-năng lãnh-đạo thì cũng là người phải hi-sinh cho mọi người. Điều đó đã trở thành một châm-ngôn cho cuộc sống, tới nỗi không có ai muốn tự tôn mình làm người lãnh-đạo cả. Đã từng có những người bệnh ở giữa chúng tôi, và mọi người đã thay phiên nhau trực trong bệnh-viện, như anh em trong một nhà vậy. Rồi cũng có những người bị bệnh rất nặng và đã được chữa lành hoàn toàn, nhờ sự cầu-nguyện dốc-đổ của cả Hội-thánh, tới nỗi khiến cho các bác-sĩ cũng phải ngạc-nhiên. Đương nhiên là thỉnh-thoảng cũng có những nan-đề xảy ra ở giữa vòng chúng tôi, nhưng nó cũng được giải-quyết một cách đơn-giản, vì chúng tôi là những người con của Chúa, và sống gắn bó với nhau như trong một đại gia-đình vậy.
Sau khi thờ-phượng Chúa vào mỗi ngày Chúa-nhật thì chúng tôi lại dùng bữa với nhau, y như lời Chúa đã dạy. Người nào khá-giả thì mang theo nhiều thức ăn, còn người nào nghèo thì không mang gì theo cũng được. Nhưng rõ-ràng là mọi người đều cố-gắng mang theo, để mình có một điều gì đó mà chia-xẻ với người khác. Chúng tôi đã dùng bữa chung với nhau trong sự vui-vẻ, thật-thà, và khiến cho mọi người cảm thấy như mình đang sống trong một một thế-giới khác, một thế-giới hoàn-toàn khác, ở giữa một xã-hội đầy rối loạn trong thế-giới nầy vậy.
Bỗng tôi lại nhớ tới đất nước Thụy-Sĩ, một đất nước mà tôi chưa bao giờ đi tới đó, nhưng lại nghe nói rằng nó xinh đẹp về cả ngoại-cảnh cũng như tình người. Một đất nước mà cả thế-giới phải lấy làm ngưỡng-mộ mỗi khi nhắc tới, cũng như mỗi người dân đều lấy làm hãnh-diện khi mình là một người con của đất nước ấy. Đi đến đâu bạn cũng có thể nhìn thấy những con người thật-thà, những ánh mắt thiện-cảm, những nụ cười trong-sáng, và người ta có thể chúc phước cho bạn, vì bạn đang ở trên mảnh đất của dân Chúa.
Có một số người thì cho rằng Đà-lạt là một Thụy-Sĩ của Việt-nam, bởi vì không những có nhiều cảnh đẹp trên miền cao-nguyên mát-mẻ đó, mà tánh tình của con người cũng hiền-hòa, chất-phác. Thật ra thì ngay từ thuở nhỏ, tôi đã từng mơ-ước rằng Đà-lạt sẽ là quê-hương của tôi, cho dù là mơ-ước ấy vẫn chưa khi nào trở nên hiện-thực được. Tôi đã từng tới thăm một người bạn trong thành-phố đó cách đây nhiều năm, và nhìn thấy cửa nhà của anh ấy mở toang trong sự bình-yên. Dường như người dân ở đây không lo-lắng về trộm cắp, là những điều vẫn thường xảy ra trên khắp đất nước nầy vậy. Tôi đã bước vào ngôi nhà đó mà ngồi đọc báo, tới mười lăm phút sau thì anh ấy mới bước lên phòng khách và nhận ra tôi trong sự vui-mừng. Nhưng có lẽ điều đó chỉ đúng trong nhiều năm trước đây, rằng đó là một thành-phố bình-yên với hoa nở bốn mùa, chứ nó không còn đúng cho ngày hôm nay, khi có quá nhiều người nhập-cư trên khắp đất nước đổ về Đà-lạt.
Nhưng tôi bỗng giật mình và ngẫm nghĩ: Phải chăng tôi cũng đang được sống trong một đất nước Thụy-Sĩ, cho dù rằng nó chưa lên tới hằng triệu người, mà chỉ nhỏ bé như một đại gia-đình, vào những ngày Chúa-nhật ở tại mỗi địa-phương trên khắp đất nước nầy? Phải, một đất nước Thụy-Sĩ mà trong đó người ta có thể quan tâm tới nhau, chia sớt cho nhau về mọi lãnh-vực trong cuộc sống, từ tinh-thần cho tới vật-chất, mà nói chung là tìm thấy được tình người. Phải rồi, đất nước ấy là có thật, và đó là tình của những con người đã được Chúa cứu-chuộc trên thập-tự-giá, và sống với nhau trong tình anh em, đúng như lời mà Ngài đã phán rằng:
“Nếu các con yêu-thương nhau,
thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết
các con là môn-đồ ta”
Và tôi vui mừng vì đang được sống trong một đất nước Thụy-Sĩ tại Việt-Nam, với những con người được đổi mới từ trong ra ngoài, và đi tới đâu thì cũng được họ đón tiếp một cách chân tình, chẳng những trên khắp đất nước nầy, mà còn ở khắp nơi trên thế-giới nữa…
Saigon, Việt-Nam
Nắng Ấm Mùa Xuân