Thứ Năm , 14 Tháng Mười Một 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Kinh Thánh Giải Nghĩa Kinh Thánh

Kinh Thánh Giải Nghĩa Kinh Thánh

Kinh Thánh Là Quyển Sách Thích Hợp Cho Chúng Ta

Các nguyên tắc lịch sử

Yếu tố thứ hai trong phương pháp bốn yếu tố để học Kinh Thánh hiệu quả liên quan đến bối cảnh lịch sử và bối cảnh của phân đoạn Kinh Thánh. Bạn có thể đã biết được một vài khía cạnh lịch sử về phân đoạn Kinh Thánh khi bạn nghiên cứu từng từ ngữ riêng biệt và ý nghĩa của các từ ngữ ấy. Giờ đây bạn sẽ nêu lên câu hỏi về bối cảnh rộng hơn và nền văn hóa mà phân đoạn Kinh Thánh được viết nên.

hi

Địa lý

Hãy xác định hoàn cảnh địa lý xảy ra sự kiện trong Kinh Thánh. Bạn càng biết nhiều về vùng đất mà sự kiện đó xảy ra, bạn càng hiểu về phân đoạn mà bạn đang nghiên cứu. Đáng để chúng ta đầu tư thời gian làm quen với bố cục cơ bản của những vùng đất trong Kinh Thánh. Bạn cần một quyển bản đồ tốt, hoặc sử dụng các bản đồ phía sau quyển Kinh Thánh của bạn.

Thêm vào đó, bạn sẽ cần biết được đặc điểm địa lý đằng sau bất kỳ phân đoạn Kinh Thánh nào mà bạn đang nghiên cứu. Hai ví dụ thường được các sách chú giải trưng dẫn liên quan đến vấn đề này.

Đầu tiên, hãy xem Giê-rê-mi 13:1-5:

Đức Giê-hô-va phán cùng tôi như vầy: Hãy đi, mua cho ngươi một cái đai gai, thắt vào lưng ngươi; nhưng chớ dầm trong nước. Vậy tôi theo lịnh Đức Giê-hô-va, mua đai, thắt vào lưng tôi. Lời của Đức Giê-hô-va truyền cho tôi lần thứ hai như vầy: Hãy lấy cái đai ngươi đã mua đương thắt trên lưng ngươi; chờ dậy, đi đến bờ sông Ơ-phơ-rát, và giấu nó trong kẽ vầng đá tại đó. Tôi bèn đi giấu nó nơi bờ sông Ơ-phơ-rát, như Đức Giê-hô-va đã phán dặn.

Phân đoạn này dường như là một tường thuật thông thường, cho đến khi chúng ta khám phá ra rằng sông Ơ-phơ-rát cách xa 650 km từ nơi Giê-rê-mi nhận lãnh mệnh lệnh này. Cuộc hành trình dài và gian nan thể hiện sự hy sinh khi ông vâng lời Chúa. Bối cảnh và ý định của bản văn sẽ không được thể hiện rõ ràng nếu chúng ta không hiểu đặc điểm địa lý cũng như hiểu về những độc giả đầu tiên được đọc bản văn Kinh Thánh.

Một ví dụ thứ hai về diễn giải địa lý được tìm thấy trong Lu-ca 2:4: “Vì Giô-sép là dòng dõi nhà Đa-vít, cho nên cũng từ thành Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê, lên thành Đa-vít, gọi là Bết-lê-hem, xứ Giu-đê.” Hành trình này dài khoảng 150 km với một người nữ “đương có thai” cưỡi trên lưng một con lừa (Lu-ca 2:5). Để hoàn thành lời hứa của Đức Chúa Trời về Đấng Mê-si là Ngài sẽ được sinh ra tại Bết-lê-hem (Mi-chê 5:2) đòi hỏi người mẹ phải vô cùng hy sinh. Phân tích về vị trí địa lý được nói đến trong bản văn sẽ giúp nội dung trở nên sống động và hấp dẫn với chúng ta.

Thêm vào đó, xứ Giu-đê cao hơn xứ Ga-li-lê, giải thích cho phần đề cập của bản văn về việc ông bà phải đi “lên.” Thường thì chúng ta sẽ nghĩ việc đi “lên” đó là tiến về hướng bắc (theo cách nghĩ của người Mỹ) và cảm thấy khó hiểu khi biết rằng ông bà đi “lên” là tiến về hướng nam. Tuy nhiên kiến thức về địa lý giải thích cho bản văn.

Bối cảnh xã hội

Biết về phong tục hoặc tình hình lịch sử thường giúp làm sáng tỏ cho bản văn Kinh Thánh. Đầu tiên, hãy xem xét những sự vật. Trong Ma-thi-ơ 27:34 chúng ta thấy: “họ cho Ngài uống rượu trộn với mật đắng; song Ngài nếm, thì không chịu uống.” Tuy nhiên, Giăng 19:28-30 kể rằng Đức Chúa Giê-su đã yêu cầu và uống rượu trên thập giá. Phải chăng hai ký thuật này mâu thuẫn với nhau?

Không hề. Thức uống mà Ma-thi-ơ nói đến là một loại thuốc mê thường được cho những nạn nhân bị đóng đinh trên thập giá để làm suy giảm cảm giác của họ. Đức Chúa Giê-su từ chối loại thuốc gây mê này, để Ngài hoàn toàn tỉnh táo. Câu chuyện của Giăng xảy ra sau đó sáu giờ, khi Đức Chúa Giê-su cần rượu giấm nhẹ để làm ẩm môi Ngài và để có thể nói lên những lời cuối cùng từ trên thập tự giá. Biết được những sự vật được nói đến sẽ tháo gỡ những nhầm lẫn.

Thứ hai, hãy nghiên cứu tập quán xã hội. Những nghi thức hoặc thông lệ mà xã hội tuân theo trong thời Kinh Thánh có thể rất quan trọng đến việc hiểu về bản văn Kinh Thánh. Chẳng hạn như, điều Đức Chúa Giê-su nói với người đàn bà Sa-ma-ri tại thành Si-kha đã khiến bà rất kinh ngạc: “Ông là người Giu-đa, mà lại xin uống nước cùng tôi, là một người đàn bà Sa-ma-ri sao?” (Giăng 4:9). Câu hỏi của bà được sáng tỏ khi chúng ta biết rằng người Giu-đa rất ghét người Sa-ma-ri, và các Ra-bi người Giu-đa thông thường sẽ không nói chuyện với một người nữ ở nơi công cộng. Đức Chúa Giê-su đã phá vỡ định kiến phổ biến này khi chính Ngài đã thu phục được người đàn bà Sa-ma-ri. Ngày nay chúng ta phải làm điều tương tự.

new-testament-jesus-and-the-woman-of-samaria-john-49-engraving-by-ETX47P

Thứ ba, hãy khám phá những thực tế trong lịch sử. Những thực tế cơ bản trong cuộc sống hàng ngày thường được tác giả hàm ý nói đến nhưng bạn đọc ngày nay lại không biết được. Chẳng hạn như ngụ ngôn của Đức Chúa Giê-su trong Lu-ca 11 kể về một người đàn ông bị bạn mình đánh thức giữa đêm để xin bánh vì khách của anh ta vừa đến. Người đàn ông này rất khó chịu: “Đừng khuấy rối tôi, cửa đóng rồi, con cái và tôi đã đi ngủ, không dậy được mà lấy bánh cho anh” (Lu-ca 11:7).

Mọi chi tiết trong câu chuyện đều rất rõ nghĩa đối với những người đang lắng nghe Đức Chúa Giê-su. Những ngôi nhà điển hình trong nền văn hóa Tân ước lúc ấy chỉ có một gian phòng. Một phần ba phía trong của căn phòng được đóng cao lên bằng gỗ là nơi gia đình ngủ. Hai phần ba phía trước là nền đất là nơi các con vật sẽ ngủ qua đêm. Cánh cửa sẽ được khóa lại khi người nhà đã đi ngủ và không muốn bị làm phiền. Người đàn ông không có bánh ăn đã phạm phải một lỗi lầm nghiêm trọng trong xã hội, bởi vì việc tiếp đãi khách bằng bánh ăn là nhiệm vụ rất thiêng liêng trong nền văn hóa của họ.

Người đàn ông này đã khiến vấn đề của mình thành vấn đề của người khác. Những cái gõ cửa có thể đánh thức cả gia đình và súc vật, khiến cho không ai có thể ngủ lại được trong đêm đó. Mặc dù vậy, người nhà đã thức dậy và cho người lân cận của mình bánh mà anh ta cần. Đây là điểm mấu chốt mà Đức Chúa Giê-su muốn nói: Nếu con người còn đáp lại một lời thỉnh cầu như thế thì Đức Chúa Trời lại sẵn lòng đáp lời cầu nguyện của chúng ta gấp nhiều lần hơn thế nữa. Biết về lịch sử văn hóa khiến câu chuyện ngụ ngôn như sống dậy một lần nữa.

Khi bạn khám phá bối cảnh lịch sử, hãy cẩn trọng với những thay đổi giữa thế kỷ đầu tiên và thời đại của chúng ta ngày nay. Chẳng hạn như, ngày nay gọi một ai đó là “người Sa-ma-ri nhân lành” đó là một lời khen. Nhưng trong thời của Đức Chúa Giê-su, cụm từ này lại chứa đựng những từ ngữ đối lập với nhau. Bởi vì một người Sa-ma-ri giúp đỡ một người Giu-đa đang bị thương sau khi thầy tế lễ người Giu-đa và người Lê-vi khước từ giúp đỡ cho nạn nhân, việc đó cũng giống như một người da đen trong những năm 1960 giúp đỡ một người da trắng đang bị thương sau khi một mục sư da trắng và một thư ký ban chấp sự của Hội Thánh bỏ mặc nạn nhân cho đến chết. Khi chúng ta hiểu và truyền đạt được hoàn cảnh lịch sử của phân đoạn Kinh Thánh, ý nghĩa của phần Kinh Thánh đó vẫn sẽ liên hệ với chúng ta như khi tác giả Kinh Thánh lần đầu ký thuật lại câu chuyện.

Vậy khi bạn đã quen thuộc với mục đích của trước giả dành cho quyển sách và phân đoạn mà bạn đang nghiên cứu, khi bạn đã biết được ý nghĩa của những từ ngữ và cụm từ mà tác giả sử dụng, và khi bạn hiểu bối cảnh lịch sử và xã hội của phân đoạn Kinh Thánh đó, khi ấy bạn đã sẵn sàng để diễn giải Kinh Thánh đúng với thần học và thực tiễn. Bạn đã đặt một nền móng vững chắc để áp dụng lời Chúa cho cuộc sống mình ngày nay.

Các nguyên tắc thần học

Yếu tố thứ ba trong phương pháp bốn yếu tố của chúng ta đó là các nguyên tắc thần học mà phân đoạn Kinh Thánh muốn truyền tải. Tại đây, có hai chủ đề quan trọng cần xem xét.

Kinh Thánh giải nghĩa Kinh Thánh

Đến đây khi bạn đã phát triển ý nghĩa về lịch sử và văn phạm của phân đoạn Kinh Thánh, hãy liên hệ ý nghĩa này với toàn bộ lời Chúa. Sử dụng một quyển Kinh Thánh theo chủ đề hoặc Kinh Tiết Sách Dẫn để tìm những phân đoạn Kinh Thánh khác có cùng chủ đề. Nhưng hãy cẩn thận. Đừng bao giờ dùng những phân đoạn Kinh Thánh khác biệt lập với bối cảnh của phân đoạn đó nhằm khiến phần Kinh Thánh mới phù hợp với nghiên cứu của bạn. Chỉ hãy nối kết đến những phân đoạn Kinh Thánh thực sự có liên quan cho sự áp dụng này.

Tôi dạy một Lớp Học Kinh Thánh dành cho Quý Ông tại Hội Thánh của chúng tôi vào sáng Thứ ba và Thứ năm. Chúng tôi thảo luận Gia-cơ 3 và sự nhắc nhở về tội lỗi của lưỡi. Một người đã hỏi: “Gia-cơ muốn nói đến những loại lời nói như thế nào?” Tác giả không liệt kê rõ. Nhưng tôi đã tra xem những phần Kinh Thánh khác về chủ đề này và đã liệt kê tra trong ghi chú của mình: nói dối (Xuất Ê-díp-tô-ký 20:16); lời nói bề ngoài giả dối (Thi Thiên 62:4); không nói lên sự thật (Lê-vi ký 5:1); và nói hành (Ê-phê-sô 4:31; Tít 3:1-2; I Phi-e-rơ 2:1). Lời Chúa là sách chú giải tốt nhất cho chúng ta, những phần Kinh Thánh tham khảo này giúp cho phân đoạn Kinh Thánh trong Gia-cơ trở nên cụ thể và thiết thực với chúng ta hơn.

Các khái niệm thần học chung

Bây giờ bạn đã sẵn sàng để xem xét những nguyên tắc thần học được bày tỏ qua các phân đoạn Kinh Thánh và trong toàn bộ lời Chúa. Hãy xem phân đoạn Kinh Thánh nói gì về:

  • Đức Chúa Trời
  • Con người
  • Sự sáng tạo và thế giới
  • Tội lỗi
  • Sự cứu rỗi
  • Sứ mệnh của Cơ đốc nhân
  • Tương lai

Những ý nghĩa thần học nào khác được tìm thấy trong bản văn? Những nguyên tắc thần học quan trọng nào mà bản văn liên hệ đến cuộc sống của chúng ta ngày nay?

Chẳng hạn như nếu chúng ta đang học về Rô-ma 12:1-2:

Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.

Chữ “vậy” được đặt ở đầu câu Kinh Thánh có ý nghĩa gì? Chữ này đưa chúng ta quay ngược về Rô-ma 11:33-36 nói về lòng thương xót của Đức Chúa Trời mà bởi đó Phao-lô bày tỏ lòng biết ơn. Vì tất cả những gì Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta, đây là điều mà chúng ta sẽ đáp ứng lại với Ngài: “dâng thân thể mình làm của lễ sống.” Trong nền văn hóa Hy Lạp ở thế kỷ đầu tiên, thân thể và linh hồn tách biệt với nhau. Phần tâm linh là tốt, phần thể chất là xấu. Theo quan điểm văn hóa ấy, điều quan trọng trong cuộc sống đó là giải phóng linh hồn khỏi ngục tù thể xác.

Tại đây Phao-lô kêu gọi chúng ta hãy dâng “thân thể” cho Đức Chúa Trời, nghĩa là trọn đời sống của chúng ta. Không chỉ ngày Chủ Nhật nhưng còn có ngày Thứ hai và những ngày khác. Không chỉ sự cứu rỗi nhưng là sự phục vụ của chúng ta. Không chỉ là những hành động mang tính tôn giáo nhưng là cả cuộc sống, tiền bạc, khả năng và những cơ hội của chúng ta. Biết về ngữ cảnh thần học trong điều Phao-lô phát biểu sẽ giúp chúng ta hiểu được áp dụng bài học cho cuộc sống.

Việc đưa ra những câu hỏi thần học sẽ giúp phân đoạn Kinh Thánh có ý nghĩa với chúng ta. Phao-lô nói gì về Đức Chúa Trời? Rằng Đức Chúa Trời yêu thương và muốn chúng ta thuộc về Ngài. Phao-lô nói gì về chính chúng ta? Chúng ta có thể và cần phải dâng hiến trọn vẹn chính mình cho Chúa. Phao-lô nói gì về thế giới này? Rằng chúng ta không được làm theo lề thói và những ưu tiên của đời này. Phao-lô nói gì về tăng trưởng thuộc linh? Rằng chúng ta phải được biến đổi hằng ngày khi chúng ta làm mới tâm trí mình trong sự hiện diện của Chúa. Phao-lô nói gì về ý muốn của Đức Chúa Trời? Rằng ý muốn Ngài là tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn, và dành trọn cho những ai hoàn toàn thuộc về Ngài.

Những nguyên tắc thần học được khám phá trong một phân đoạn Kinh Thánh là đặc biệt quan trọng khiến phân đoạn đó liên quan đối với chúng ta ngày nay. Tuy nhiên, những nguyên tắc này cần phải được đặt trên ý nghĩa mà trước giả muốn truyền tải, và được khám phá qua việc nghiên cứu về lịch sử và văn phạm. Đó là lý do vì sao phương pháp bốn yếu tố của chúng ta xây dựng những áp dụng thần học dựa trên việc nghiên cứu về bản văn. Chúng ta không bao giờ đi ngược trình tự này.

(Còn nữa)

James C. Denison 

Trích từ “THE BIBLE – YOU CAN BELIEVE IT”

Translated by Vinh Hien 

ethi

Huongdionline.com cần sự ủng hộ của bạn đọc để duy trì và phát triển các mục vụ. Mọi sự dâng hiến cho Hướng Đi Ministries xin gởi về:

VIETNAMESE MISSIONARY INSTITUTE

BBVA compass BANK

3111 North Galloway Ave.

Mesquite, TX 75150, USA

Routing# 113010547

Account# 6702149116

 

 

Chân thành cảm ơn.

hue

Mục sư Nguyễn Văn Huệ.   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn