Những Cam Kết Của Bạn Định Hình Cuộc Đời Bạn
Mục Sư Rick Warren
“Vì mọi vật đó phải tiêu tán thì anh em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào.” (II Phi-e-rơ 3:11 – BDM)
Bạn không cần phải hiểu tất cả những hàm ý của quyết định của bạn khi bạn chọn theo Chúa Jesus. Bạn chỉ cần đơn giản đáp lại lời mời gọi của Ngài và cam kết đi theo Ngài.
Những cam kết của bạn hình thành cuộc sống của bạn nhiều hơn bất cứ điều gì khác. Những cam kết của bạn có thể phát triển bạn hoặc có thể hủy hoại bạn, nhưng một trong hai cách, chúng sẽ xác định bạn.
Nói cho tôi biết bạn cam kết điều gì, và tôi sẽ nói với bạn những gì bạn sẽ làm trong 20 năm tới, bởi vì chúng ta sẽ trở nên bất cứ điều gì chúng ta cam kết.
Chính vì điểm cam kết này mà hầu hết mọi người bỏ lỡ mục đích của Đức Chúa Trời dành cho cuộc sống của họ. Nhiều người e ngại cam kết với bất cứ điều gì, và họ chỉ trôi dạt qua cuộc sống. Một số khác cam kết nửa chừng để tranh những điều mà họ cho là có giá trị, từ đó dẫn đến thất vọng và tầm thường. Một số khác lại cam kết trọn vẹn để theo đuổi những mục tiêu của thế gian, như trở nên giàu có hay nổi tiếng, và họ kết thúc trong sự thất vọng và cay đắng.
Mọi sự lựa chọn đều có những hậu quả vĩnh cửu, vì vậy bạn cần phải chọn một cách khôn ngoan: “Vì mọi vật đó phải tiêu tán thì anh em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào.” (II Phi-e-rơ 3:11 – BDM)
Việc trở nên giống Chúa Jesus đến từ những cam kết giống như Chúa Jesus.
Thảo luận
Dựa trên những cam kết của bạn, mọi người có thể nghĩ gì về bạn?
Điều gì ngăn trở bạn cam kết những điều sẽ giúp bạn ngày càng trở nên giống Chúa Jesus?
Lời khuyên giục tha thiết trong II Phi-e-rơ 3:11 có ảnh hưởng như thế nào đến những cam kết của bạn?
Bước Đầu Tiên Của Bạn Để Trở Thành Môn Đồ
“(Ngài) muốn cho chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật, để trong mọi việc chúng ta đều được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ.” (Ê-phê-sô 4:15 – BDM)
Chúa muốn bạn lớn lên: “Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa.” (Ê-phê-sô 4:14)
Mục đích của Cha Thiên Thượng là giúp bạn trưởng thành và phát triển những đặc tính của Chúa Jesus, sống một đời sống yêu thương và phục vụ khiêm nhường. Đáng buồn thay, hàng triệu Cơ Đốc nhân mỗi ngày già đi nhưng lại không bao giờ lớn lên.
Họ đang mắc kẹt trong trạng thái thơ ấu thuộc linh, vẫn mang tã và giày trẻ em. Lý do là vì họ không bao giờ có ý định lớn lên. Sự tăng trưởng tâm linh không phải là tự động, nó cần một cam kết cố ý. Bạn phải có ý muốn tăng trưởng, quyết định tăng trưởng, nỗ lực tăng trưởng, và kiên trì trong sự tăng trưởng.
Trở thành môn đồ là tiến trình trở nên giống Chúa Jesus Christ, và luôn bắt đầu với một quyết định: “‘Hãy theo ta.’ Người (Ma-thi-ơ) liền đứng dậy, mà theo Ngài.” (Ma-thi-ơ 9:9b – BDM)
Khi những môn đồ đầu tiên quyết định theo Chúa, họ không hiểu hết ý nghĩa quyết định của họ. Họ chỉ đơn giản đáp ứng lời mời gọi của Chúa Jesus.
Đó là tất cả những điều bạn cần để bắt đầu: Quyết định trở thành môn đồ của Chúa Jesus.
Thảo luận
Hãy nghĩ về khoảnh khắc khi bạn chọn theo Chúa Jesus. Bạn đã hiểu gì về ý nghĩa của một tín đồ?
Những đặc điểm nào của Chúa Jesus mà Đức Chúa Trời đã phát triển trong bạn?
Bạn muốn Chúa làm việc trong cuộc đời bạn như thế nào? Hãy dành thời gian để cầu nguyện và xin Chúa giúp bạn lớn lên ở những lãnh vực này và xin Chúa ban cho bạn sự tin cậy và kiên nhẫn để chờ đợi câu trả lời của Ngài tại đúng thời điểm của Ngài.
Chúa Không Bao Giờ Vội Vã
“Nhưng sự kiên nhẫn phải phát huy hết hiệu lực của nó, để chính anh em được trưởng thành, hoàn hảo, không thiếu sót điều gì.” (Gia-cơ 1:4 – BD2011)
Hãy kiên nhẫn với Chúa và với chính mình. Một trong những sự thất vọng của cuộc đời là thời gian biểu của Đức Chúa Trời hiếm khi giống như thời gian biểu của chúng ta. Chúng ta thường hay vội vã còn Chúa thì không. Bạn có thể cảm thấy thất vọng với tiến trình có vẻ chậm chạp mà mình đang thực hiện trong cuộc sống.
Hãy nhớ rằng Chúa không bao giờ vội vã, nhưng Ngài luôn luôn đúng giờ. Ngài sẽ sử dụng cả đời để chuẩn bị cho vai trò của bạn trong nước thiên đàng.
Kinh Thánh có đầy những thí dụ về cách Chúa sử dụng một tiến trình lâu dài để phát triển đặc tính, đặc biệt là trong những người lãnh đạo. Ngài đã mất 80 năm để chuẩn cho Môi-se, trong đó có 40 năm ở trong đồng vắng. Trong suốt 14.600 ngày Môi-se vẫn chờ đợi và tự hỏi: “Đã đến lúc chưa?” Nhưng Chúa vẫn nói: “Chưa đâu.”
Thực tế hoàn toàn trái ngược với tựa đề những quyển sách nổi tiếng “Các bước để tăng trưởng dễ dàng”, hay “Bí quyết để nên thánh tức khắc”. Khi Chúa muốn làm một cây sồi khổng lồ thì Ngài mất 100 năm, nhưng khi Chúa muốn làm một cây nấm, Ngài làm việc đó qua một đêm thôi.
Những linh hồn vĩ đại được nuôi dưỡng thông qua những cuộc đấu tranh, bão lụt và những mùa khổ đau. Hãy kiên nhẫn với tiến trình này. Gia-cơ khuyên: “Nhưng sự kiên nhẫn phải phát huy hết hiệu lực của nó, để chính anh em được trưởng thành, hoàn hảo, không thiếu sót điều gì.” (Gia-cơ 1:4 – BD2011)
Đừng nản lòng. Khi Ha-ba-cúc chán nản vì không nghĩ rằng Chúa đã hành động đủ nhanh, Ngài phán với ông như thế này: “Vì còn phải chờ đúng thời điểm khải tượng mới ứng nghiệm, nó hối hả chạy đến giai đoạn cuối, nó sẽ thành hiện thực. Nếu nó dường như chậm trễ, con hãy trông chờ nó, vì khải tượng chắc chắn sẽ thực hiện, không nấn ná, chần chờ.” (Ha-ba-cúc 2:3 – BDM)
Hãy nhớ bạn đã đến được bao xa, chứ không phải bao xa bạn còn phải đi. Bạn không đang ở tại nơi mình muốn, nhưng đó cũng không phải là nơi bạn đã từng ở. Cách đây vài năm, nhiều người thích đeo chiếc khuy có ghi chữ PBPGINFWMY (Please Be Patient God Is Not Finished With Me Yet), nghĩa là “Hãy kiên nhẫn Chúa chưa xong việc của Ngài với tôi.” Chúa cũng chưa hoàn tất việc của Ngài đối với bạn, vì vậy, hãy tiếp tục tiến lên. Ngay cả con ốc sên cũng bò đến được chiếc tàu bằng sự kiên trì.
Thảo luận
Bạn đã học được những bài học gì khi Chúa trì hoãn một việc gì đó trong cuộc sống của bạn?
Bạn nghĩ Chúa muốn bạn làm gì khi bạn cảm thấy nản lòng trong khi chờ đợi thời điểm của Ngài?
Làm thế nào bạn có thể bày tỏ sự kiên nhẫn của mình với người khác như Chúa kiên nhẫn với bạn? Bạn có thể khích lệ người khác như thế nào trong tiến trình tăng trưởng thuộc linh của họ?