Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / CƠ ĐỐC GIÁO DỤC

CƠ ĐỐC GIÁO DỤC

codocgiaoduc 1

Bài viết liên quan: https://huongdionline.com/2015/11/24/dao-duc-co-doc/

Dẫn nhập:

Cơ đốc Giáo dục là gì? Chúng ta hãy nghe các phát biểu sau đây:

– Cơ Đốc Giáo Dục là một kinh nghiệm học hỏi nhờ đó chúng ta được biết Đức Chúa Trời và kinh nghiệm về Ngài như được mặc khải qua Chúa Cứu Thế Jesus.
– Cơ Đốc Giáo Dục là học Kinh Thánh.
– Cơ Đốc Giáo Dục nhằm đem người ta đến với Chúa Cứu Thế.
– Cơ Đốc Giáo Dục là công tác giúp con người nhận ra giá trị của chính mình đồng thời biết lựa chọn một lối sống phù hợp với người Cơ-đốc.
– Cơ Đốc Giáo Dục nhằm tạo một cộng đồng yêu thương và săn sóc nhau qua đó con người hiểu biết về chính mình, ý thức được giá trị của chính mình và chấp nhận chính mình như là con cái của Đức Chúa Trời.
– Cơ Đốc Giáo Dục là học hỏi để biết Kinh Thánh được viết như thế nào, viết cho ai và Kinh Thánh muốn nói gì với chúng ta hôm nay.
– Cơ Đốc Giáo Dục là học hỏi để biết yêu Chúa hết lòng, hết trí, hết linh hồn, hết sức và yêu người lân cận như chính mình.
– Cơ Đốc Giáo Dục là tìm cách nuôi dưỡng con người trong sự nhận biết mục đích của Chúa cho đời sống.
– Cơ Đốc Giáo Dục là học để biết sống một đời sống vui mừng và biết ơn về ân điển kỳ diệu của Đức Chúa Trời.
– Cơ Đốc Giáo Dục là học hỏi về đời sống, chức vụ, sự chết và sự sống lại của Chúa Cứu Thế Jesus.

– Cơ Đốc Giáo Dục là một tiến trình truyền đạt cho học viên Lời thành văn của Đức Chúa Trời qua quyền năng Đức Thánh Linh, đặt Chúa Jesus làm trọng tâm và lấy Kinh Thánh làm nền tảng, nhằm mục đích dẫn người khác đến với Chúa và gây dựng họ trưởng thành trong Chúa Cứu Thế.
– Cơ Đốc Giáo Dục bao gồm tất cả những phương cách và sinh hoạt nhằm giúp chúng ta biết Chúa rõ ràng hơn, uốn nắn chúng ta để càng trở nên giống Chúa hơn, giúp chúng ta nhận biết mình là ai và phải làm gì trong mối tương quan với Đức Chúa Trời, với cộng đồng đức tin, và với thế giới mình đang sống. Cơ Đốc Giáo Dục giúp chúng ta trở nên nhạy bén trong việc áp dụng lời Chúa dạy trong cuộc sống thực tế, giúp chúng ta biết dùng khả năng, ân tứ của mình để phục vụ Hội Thánh và đồng loại. (1)

Những lời phát biểu trên đây bao hàm nhiều khía cạnh của Cơ đốc Giáo dục. Chúng ta có thể tóm lược như sau:

ĐỊNH NGHĨA CƠ ĐỐC GIÁO DỤC
cdgd 2

Cơ Đốc Giáo Dục là một tiến trình dạy dỗ và học hỏi đặt nền tảng trên Kinh Thánh và trong sự dẫn dắt của Thánh Linh. Cơ Đốc Giáo Dục nhằm hướng dẫn những cá nhân thuộc mọi trình độ đến chỗ hiểu biết và kinh nghiệm mục đích và chương trình của Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Jesus trong mọi khía cạnh của đời sống bằng những phương tiện giáo dục đương thời. Cơ Đốc Giáo Dục cũng nhằm trang bị con người để làm công tác mục vụ cách có hiệu quả, đặt trọng tâm vào Chúa Cứu Thế Jesus là vị Giáo sư gương mẫu, và lời giáo huấn của Ngài để giúp người khác thành những môn đồ trưởng thành(2)

 

TẦM QUAN TRỌNG CỦA CƠ ĐỐC GIÁO DỤC

  • Chúng ta đang sống trong một thời đại mà đạo đức con người trong xã hội bị băng hoại, dường như mọi giá trị đều bị đảo lộn, nhất là những giá trị đạo đức tốt đẹp bao đời về hôn nhân, gia đình đã bị phá đổ, xói mòn. Ngay cả những gia đình Cơ Đốc cũng có nguy cơ mất đi dần những giá trị đạo đức, tin kính nền tảng, cốt lõi vốn có bao đời nay. Vì thế Hội Thánh và những người lãnh đạo có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cho con dân Chúa về vấn đề Cơ Đốc giáo dục trong gia đình và cộng đồng Hội thánh.
  • Có thể nói Cơ Đốc giáo là một tôn giáo có tính giáo dục cao nhất và tính giáo dục đó trước hết phải được thể hiện trong gia đình. Đạo Chúa coi trọng giáo dục gia đình và Đức Chúa Trời giao trách nhiệm dạy đạo trong gia đình cho các bậc phục huynh. Đạo đức, nhân cách Cơ Đốc của con em chúng ta cơ bản được hình thành từ lúc nhỏ trong gia đình. Vì thế nếu chúng ta quan tâm giáo dục con cái theo đường lối của Chúa thì chắc chắn con em chúng ta sẽ trở nên những người tin kính và gia đình chúng ta sẽ là những gia đình tin kính, làm vinh hiển danh Chúa. “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu chi khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.” (Châm 22:6).

Dạy con kính Chúa, yêu người

Nhờ Lời hằng sống dưỡng nuôi mỗi ngày.

Yêu thương, tôn trọng lẫn nhau

Cảm thông, hiếu thảo làm câu trau mình. (3)
Bây giờ người viết sẽ trình bày ý tưởng của mình xoay quanh 3 câu hỏi sau đây:

cdgd 3

  1.  Một cuộc đời, tập thể, cộng đồng không có giáo dục sẽ như thế nào?
  • “Không có giáo dục” có nghĩa là không được học, không nhận được bất kỳ một hình thức giáo dục nào như: tự học qua việc nghiên cứu các tài liệu, sách báo. “Không có giáo dục” còn có nghĩa là vô giáo dục. Đôi khi được đến trường học tập, nhưng vẫn rơi vào tình trạng vô giáo dục, có nghĩa là được đi học, nhưng không học được gì cả.
  • Một cuộc đời không có giáo dục sẽ giống như một người từ tuổi ấu thơ cho đến khi trưởng thành chỉ biết sống trong rừng nguyên sinh hay trên hoang đảo. Người đó phải tự sinh tồn, sống theo bản năng của con người. Không có giáo dục kéo theo những hậu quả nghiêm trọng. Kết quả là không có một tương lai nào cho những người như vậy.
  • Một tập thể, cộng đồng không có giáo dục thì không thể có văn hóa hay nền văn minh được. Trong một phương diện, có thể nói như thế này: Nếu một tập thể, cộng đồng không có trường học thì cũng không có những giá trị văn hóa và tinh thần được hình thành, đúc kết và phổ biến. Điều này sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường, và cuối cùng tập thể hay cộng đồng đó sẽ biến mất trên bản đồ văn hóa thế giới.
  • Một cuộc đời, tập thể, cộng đồng không có giáo dục sẽ là một thảm họa cho chủ thể đó. Một người được giáo dục thì tương phản với một người không được giáo dục. Giả định là chúng ta sẽ tiến hành một thực nghiệm như sau:
    Sau khi mở mắt chào đời, một em bé được chuyển đến hoang đảo sống với thổ dân. Nơi đó không có Trường học hay bất kỳ một cơ sở giáo dục nào. Nơi đó chỉ có hái lượm, săn bắn và những lễ hội truyền thống của một bộ tộc xa cách nền văn minh. Một em bé khác sống trong một đất nước văn minh, được hưởng mọi tiện nghi của giáo dục. Sau 50 năm điều gì sẽ xảy ra cho 2 em bé này? Có ai tưởng tượng ra em bé sống trên hoang đảo sẽ trở nên như người thế nào? Sẽ là một thảm họa cho em bé nào như vậy. Điều tương tự cũng đến với một tập thể, hay một cộng đồng không có giáo dục. Sẽ không có bất kỳ một tương lai nào cho tập thể hay cộng đồng đó. Chúng ta chưa nói đến một vấn đề khác: Trong thực tế có những hệ thống giáo dục dẫn người ta đến chỗ diệt vong, đi ngược lại với những giá trị giáo dục mang tính phổ quát toàn cầu. Điều này xảy ra trong những tổ chức khủng bố. Một hệ thống giáo dục lầm lạc loại bỏ Đức Chúa Trời và Kinh Thánh sẽ dẫn con người đến chỗ hận thù, chém giết lẫn nhau và cùng đi đến chỗ diệt vong.
  1.  Lịch sử giáo dục Cơ đốc và triết lý của nó:
    cdgd 4Lịch sử là một ngành học về những sự kiện trong quá khứ có liên hệ đến một dân tộc, một thời đại, một nhân vật, hay một tôn giáo cặp theo những lời giải luận về nguyên nhân hay một lượng giá cho những sự kiện đó và được sắp xếp theo thứ tự thời gian. Theo Maro Bloch, lịch sử là khoa học về con người qua thời gian. Theo Martin Luther, lịch sử là câu chuyện về sự quan phòng của Đức Chúa Trời và sự hướng dẫn của Ngài trong đời sống chúng ta (4). Lịch sử là những gì viết về quá khứ, điều chỉnh sự sai lạc trong quá khứ. Lịch sử luôn luôn cho chúng ta những bài học. Sứ đồ Phao-lô đã viết: “Những sự ấy (bao gồm những sự đã xảy ra trong quá khứ) có nghĩa hình bóng, và họ đã lưu truyền để khuyên bảo chúng ta là kẻ ở gần cuối cùng các đời” (1 Cô-rin-tô 10:11). Lịch sử luôn luôn là một bài học đắt giá cho tất cả chúng ta. Tuy nhiên Aldous Huxley, một nhà nghiên cứu đã phát biểu: “Con người không học được nhiều lắm từ những bài học của lịch sử. Đó chính là bài học quan trọng nhất trong những bài học của lịch sử.

That man do not learn very much from the lessons of history is the most important of all the lessons of history.” (5)

Mặc dù chúng ta có thể không học được nhiều lắm từ lịch sử, nhưng lịch sử luôn luôn là một môn học hữu ích cho bất cứ ai có thiện chí.
Trong Cựu ước, giáo dục được đặt trên nền tảng luật pháp của Đức Chúa Trời. Phương pháp giảng dạy thời bấy giờ là truyền khẩu. Môi trường giáo dục chủ yếu là gia đình (Phục 6,7). Trong các dịp lễ, những nhà lãnh đạo dạy cho dân chúng luật pháp của Đức Chúa Trời tại các nơi công cộng (Nê-hê-mi 8:3). Về sau, những luật ấy được viết thành văn và thường theo thể thi ca hoặc phổ nhạc để truyền tụng trong dân chúng. Người Hy Lạp rất chú trọng đến vấn đề giáo dục, và họ có một nền triết học rất vững vàng, có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hoá thế giới. Ví dụ, Plato chủ trương giáo dục là để giúp người công dân sống hoàn hảo và công chính, dùng giáo dục để biến đổi chính trị. “Mục đích cao nhất của nền giáo dục của Plato là đào tạo người cầm quyền trong một nhà nước lý tưởng với các phẩm chất cơ bản: Thông thái, can đảm, tiết độ, công bằng.” (6)
Trong thời Tân ước, Cơ Đốc Giáo Dục đầu tiên được tóm tắt trong bài Tín Điều Các Sứ Đồ. Nó có thể do các tín đồ sau các sứ đồ viết ra (7). Hội Thánh đầu tiên cũng có những lớp giáo lý. Các tín hữu phải học giáo lý 3 năm mới được nhận phép báp tem. Trong những thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên có những trường giáo lý. Những người cùng quan điểm với nhau họp lại chống tà giáo, vì vậy phát sinh ra những trường phái thần học như Clement, Tertullian, Origen, Nicene…. Tác phẩm Didache (hay còn gọi là Giáo lý của Mười hai Sứ Đồ, được đặt bên cạnh các sách Phúc Âm) là tác phẩm đầu tiên được lưu hành trong Hội thánh. Didache là hình thức xưa nhất của tài liệu Cơ Đốc Giáo Dục.
Vào thời Trung Cổ, dưới thời Constanstine, Cơ Đốc Giáo Dục thay đổi toàn diện. Thờ phượng là môi trường chính để học biết giáo lý cho các tín đồ. Ngoài ra, có các trường huấn luyện đặc biệt cho hàng giáo phẩm. Thời kỳ này ít chú trọng đến nền tảng gia đình. Những tu viện và những nhà ẩn tu tự tìm cho mình một đường lối thực hành tâm linh trong những cộng đồng nhỏ, tìm kiếm sự tương giao với Chúa cách riêng rẽ. Hình ảnh, kiến trúc nghệ thuật có ý nghĩa biểu tượng gián tiếp dạy về đức tin. Những mặc khải của Chúa qua lịch sử đều được mô tả qua những tác phẩm nghệ thuật như điêu khắc, chạm trổ. Những nghi thức tế lễ, kịch nghệ và kiến trúc đóng vai trò rất quan trọng trong phương diện giáo dục.
Trong thời kỳ Phục Hưng (thế kỷ 14-16), người ta chú ý đến các vấn đề thuộc lãnh vực văn chương chữ nghĩa. Thời kỳ phục hưng phát xuất từ La Mã, rồi lan tràn qua Âu Châu. Đây là thời kỳ đề cao nhân bản. Giá trị của con người được coi trọng hơn thế giới siêu hình. Vì vậy, có phần coi nhẹ việc nghiên cứu, học hỏi về Đức Chúa Trời. Vì đề cao cá nhân chủ nghĩa, giáo dục nhằm phục vụ các nhân con người hơn là tìm đến những vấn đề thuộc về Đức Chúa Trời. Vì đề cao lý trí hơn là đức tin và đề cao các ngành khoa học. Người ta đã chú trọng đến tạo vật hơn là Đấng Tạo Hoá. Vì chịu ảnh hưởng văn hoá của thời Phục Hưng, Cơ Đốc Giáo Dục cũng chú trọng nhiều đến xã hội, và nhân loại học hơn là chú trọng đến Đức Chúa Trời và Lời của Ngài.
Thời kỳ Cải Chánh tiếp theo sau thời Phục hưng là một thời kỳ hoàn toàn trái ngược với thời kỳ Phục hưng. Martin Luther, tu sĩ dòng Augustine và là giáo sư tại Đại Học Wittenberg, chỉ muốn kêu gọi mở ra các cuộc tranh luận về phép ân xá (indulgence). Lúc đó Luther đã treo 95 luận đề của mình trên cửa nhà thờ lâu đài Wittenberg, nơi dành để treo các thông báo của viện đại học (8). Tuy nhiên, những phản đối của ông đã thổi bùng lên sự chống đối từ phía những người lãnh đạo Giáo hội lúc bấy giờ.

Xảy ra cùng lúc với những biến động lại Đức là một phong trào khởi phát tại Thụy Sĩ dưới sự lãnh đạo của Huldreich Zwingli.  Tuy nhiên vẫn tồn tại một số bất đồng giữa hai phong trào này dù họ chia sẻ với nhau một mục tiêu chung và đồng ý với nhau về hầu hết các vấn đề liên quan.

Sau khi Giáo hoàng quyết định trục xuất Martin Luther và lên án cuộc cải chánh, các tác phẩm của John Calvin đã tạo nên nhiều ảnh hưởng trong việc thiết lập một sự đồng thuận tương đối giữa các nhóm cải cách khác nhau tại Thuỵ SĩScotland, Hungary, Đức và những nơi khác. Việc Anh Giáo  tách rời khỏi La Mã dưới thời trị vì của Henry VIII, khởi đầu từ năm 1529 và hoàn tất vào năm 1536, đem Vương quốc Anh đồng hành với cuộc cải chánh. Dù vậy, những thay đổi tại Anh được tiến hành dè dặt hơn các nơi khác ở Âu châu và người Anh chọn con đường trung dung giữa Cựu giáo và Tân giáo. (Ngày nay về thần học nhiều người Anh vẫn xem mình là Công giáo cải chánh). Như thế  Cơ đốc giáo phương Tây đã vĩnh viễn bị chia cắt thành hai phần: Giáo hội Công giáo Rô-ma và Cải chánh giáo.

Về học thuật, phong trào Cải chánh vốn chịu ảnh hưởng của thời kỳ phục hưng và được hậu thuẫn bởi những viện đại học ở Tây Âu, thu hút giới trí thức, chính trị gia, giới chuyên môn, thương gia và thợ thủ công. Kỹ thuật in ấn đang phát triển giúp quảng bá tư tưởng Cải Chánh, cũng như trợ giúp hữu hiệu cho việc ấn hành những bản dịch Kinh Thánh sang các ngôn ngữ địa phương. Các khái niệm về sự tự do của lương tâm và quyền tự do cá nhân, nảy sinh từ thời kỳ sơ khai của phong trào Cải Chánh, được định hình và phát triển qua một thời gian dài liên tục đối kháng với thẩm quyền của Giám mục thành Rô-ma và hệ thống tăng lữ của Giáo hội Công giáo (9)

Thời kỳ cải chánh chú trọng đến đức tin và sự truyền bá đức tin, nhấn mạnh đến chức tế lễ của tín đồ. Đứng đầu các nhà cải chánh là Martin Luther, đã chủ trương hai trọng điểm: Sola Scripture (Chỉ có Kinh thánh mà thôi) và Sola Fide (Chỉ có đức tin mà thôi). Trong thời kỳ này, mục tiêu Cơ Đốc Giáo Dục là nhằm giáo dục tín đồ trở nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Hằng Sống. Vì vậy, tín hữu phải được tương giao trực tiếp với Đức Chúa Trời, không cần qua trung gian. Tín hữu biết Chúa qua Thánh Kinh với cặp mắt của đức tin. Trong thời kỳ này, Cơ Đốc Giáo Dục là lãnh vực thực hành của Thần học.
So sánh thời Phục Hưng và thời Cải Chánh chúng ta thấy có sự khác biệt rõ ràng. Thời kỳ Phục Hưng chú trọng đến: con người, thành phần tuyển chọn trí thức, vấn đề phục hưng trí tuệ, văn hoá, lý trí, các tác phẩm ngoài Kinh Thánh. Trái lại thời kỳ Cải Chánh chú trọng đổi mới tâm linh. Vì nhận biết sự bại hoại của lý trí con người cho nên chú trọng đến các sách của Kinh Thánh và sự thuận phục Lời Đức Chúa Trời.
Sang thời cận đại, Cơ Đốc Giáo Dục nhấn mạnh đến Trường Chúa Nhật. Trường Chúa Nhật do một người Anh là Robert Raikes khởi xướng năm 1780. Vào thời kỳ ấy, do tình trạng thiếu niên nghèo đi làm cả tuần không có ngày nghỉ, nên ông tổ chức dạy Kinh Thánh vào ngày Chúa Nhật để hướng dẫn các em vào nếp sống đạo qua sự học Kinh Thánh. Những lớp học này trở thành một sinh hoạt thường xuyên của Hội Thánh gọi là Trường Chúa Nhật. Tại Mỹ, Hiệp Hội Trường Chúa Nhật (Gloucester) được thành lập vào năm 1854.
Mỗi một tôn giáo đều coi trọng sự giáo dục giáo lý của tôn giáo cho các tín hữu của mình. Ngay cả những tôn giáo có trước Cơ Đốc Giáo bao gồm những tôn giáo của người Trung Hoa, A-sy-ri,  Ba-by-lôn, Ai-cập và  Hy-lạp, đều có những hệ thống dạy dỗ, giáo huấn cho các tín đồ của họ. Bất cứ nơi nào có sự hiện diện của các tín hữu thì tiếp theo cần phải có nền giáo dục để dạy giáo lý cho các tín hữu và cung cấp những chỉ dẫn tôn giáo cho giới trẻ. Việc giáo huấn đức tin trong Cơ đốc giáo là việc rất cần thiết cho những người ngoại bang mới quy đạo để họ hiểu biết và lớn lên trong đức tin nơi một Đức Chúa Trời hằng sống chân thật.

Đức tin Do Thái Giáo là một đức tin được giáo dục ngay từ ban đầu. Trách nhiệm của những tộc trưởng, dầu đơn sơ và giới hạn trong mọi lãnh vực, là chỉ dạy cho các thành viên trẻ của bộ tộc  trong đức tin và sự thông công đã được thiết lập giữa loài người và Đức Chúa Trời. Sự dạy đạo là một phương cách mà những lời hứa của Lời Đức Chúa Trời được truyền lại từ thế hệ này đến thế hệ khác. Dầu với hình thức truyền đạt đơn giản và thân mật, song sự giáo huấn đó đã có tác dụng hữu hiệu.

Qua Môi-se, người tiếp nhận luật pháp từ Đức Chúa Trời và truyền lại cho dân sự, sự xây dựng nội dung của nền giáo dục đã càng ngày càng rõ rệt. Môi-se đã nhận lãnh Luật Pháp thành văn là nền tảng căn bản cho sự giáo huấn dân tộc Do Thái mãi cho đến chức vụ của Đấng Christ, và còn xa hơn thế nữa. Trải qua toàn bộ giai đoạn từ Môi-se cho đến Đấng Christ, người ta đã noi theo các mạng lệnh của Đức Chúa Trời để huấn luyện dân chúng trong đức tin và giáo lý của Luật pháp. Giáo lý duy nhất này tức là giáo lý về sự giáo dục, đã được trung tín vâng giữ. Do Thái Giáo đã có ảnh hưởng rất lớn trên giáo dục của Cơ Đốc Giáo. Chẳng bao lâu sau khi các Hội Thánh được thành lập, sự dạy dỗ con cái đã trở thành sự dạy dỗ chính yếu của cha mẹ. Suốt cả Tân ước quá trình giáo huấn đã được nhấn mạnh. Điều đó rất cần thiết để thông hiểu sự rao giảng. Không có sự chỉ dạy về giáo lý của Đấng Christ, việc rao giảng Tin Lành sẽ bị đánh mất. Là một Đại Mạng Lịnh, sự dạy đạo đã giữ địa vị đúng đắn của nó cùng với sự truyền giảng Tin Lành, giống như một chiếc xe để chuyên chở sứ điệp của Hội Thánh đầu tiên.

Sứ đồ Phao-lô đã sử dụng lời nói, ngòi bút và sự dạy dỗ như là những phương tiện của ân điển để bảo đảm ghi khắc chân lý Cơ đốc vào trong đời sống dân chúng. Sự dạy dỗ đã trở thành hoạt động quan trọng trong Hội Thánh đầu tiên khi các tín hữu tiến bộ từ cấp học này đến cấp học khác. Các trường học chẳng bao lâu đã được thành lập và đã vượt qua việc học tập giáo lý và các vấn đề của đức tin để bao gồm thêm các môn học cổ điển như: Hy-văn, Văn chương, Lịch sử biện chứng và các ngành Khoa học khác. Tuy nhiên, sự giáo huấn nói trên đã tỏ ra làm hại không ít cho Cơ Đốc Giáo vì đã cố gắng khiến cho Phúc âm phù hợp với Triết Lý Hy-lạp. Đây là một sự thỏa hiệp đáng thương!

Cơ Đốc Giáo Dục thời Trung cổ rất bi đát. Học trình ở những trường học của nhà thờ là một sự phục hưng của các ngoại giáo xưa. Người ta áp dụng bảy môn nghệ thuật tự do gồm tam khoa (Trivium) và những nghệ thuật văn chương được xem như là những môn học bậc thấp và tứ khoa (Quadrivium) hay còn gọi là những nghệ thuật Toán học, được xem như là những môn học bậc cao. Dân chúng ở thời đại này có nền đạo đức sút kém và hầu như không hề biết gì về Kinh Thánh, nhiều nhà lãnh đạo giáo phẩm không hiểu biết ý nghĩa của những lễ nghi mà họ thi hành. Chẳng có thời đại nào trong lịch sử Cơ Đốc giáo dục bị phê phán nhiều hơn là thời đại Trung cổ. Nó còn được gọi là Hắc Ám thời đại.

Sự nổi dậy chống lại thực trạng ngu dốt nói trên đã bắt đầu giữa vòng dân sự Đức Chúa Trời. Công Cuộc Cải chánh đã có khởi điểm từ trong những tấm lòng của những người thất học đang ao ước sự hiểu biết Đức Chúa Trời. Số người phản kháng  gia tăng. Mọi người đều quan tâm đến cùng một việc như nhau: đó là sự giáo dục quần chúng trong Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời. Calvin, Luther, Wiclifle, Huss, và Zwingli đã dẫn đường cho việc trình bày Phúc âm cho dân chúng theo ngôn ngữ bản địa với nội dung giáo dục. Cuối cùng, những người Tin Lành đã đạt được mục tiêu của họ là huấn luyện mọi Cơ Đốc Nhân học Lời Chúa nhằm mục đích gia tăng sự hiểu biết về Đức Chúa Trời trong thế giới này.

Nền giáo dục thời hậu cải chánh đã cung cấp sự giáo dục cho thành phần tinh hoa của xã hội nhưng đã thất bại trong việc cung cấp sự huấn luyện Kinh Thánh cho giới bình dân. Khi thường dân bị bỏ rơi thì Trường Chúa Nhật đã bắt đầu xuất hiện theo kiểu mẫu của Robert Raikes, nguyên là một nhà báo tại Gloucester, Anh Quốc, năm 1780. Với ý định giáo dục các trẻ em nghịch ngợm đang làm việc tại các nhà máy trong tuần, Raikes đã lập ra việc học Kinh Thánh nhằm mục đích dạy cho chúng học đọc và viết. Từ đó những cơ quan tổ chức Trường Chúa Nhật đã được thành lập và hỗ trợ hàng ngàn học sinh. Họ đã phân phát hàng ngàn Kinh Thánh, Tân ước, sách học vần, những sách tập đọc, do đó ngân quỹ cạn dần, và sự tồn tại của họ rất khó khăn. Mục đích của thế kỷ đầu tiên vẫn còn được giữ đúng: cung cấp sự giáo dục cho mọi tín hữu và tạo cơ hội cho các người ngoại đạo được có dịp nghe rõ Phúc âm.

Phong trào Trường Chúa Nhật đã đến nước Mỹ và mở rộng các hoạt động giáo huấn. Nó được Hội Thánh tổ chức, đã dẫn tới sự thiết lập nền Cơ Đốc Giáo Dục và nền giáo dục Cao Đẳng ở nước Mỹ. Từ trước đó trở đi Hội Thánh đã tổ chức các Học Viện, các trường Nội Trú, các Đại Học và các chủng viện trong danh của Đấng Christ. Mục đích chính của các trường này là để giáo dục thường dân đạt được khả năng cao nhất nhằm phổ biến Tin Lành của Đấng Christ cho một thế giới đang chết mất. Mặc dù nhiều trường đại học nầy không còn mang nội dung Cơ Đốc, tuy nhiên họ đã nêu lên một khuôn mẫu xuất sắc tại Hoa Kỳ.

Với sự phát triển của nền giáo dục cưỡng bách trong các trường công lập, nền Giáo Dục Cơ Đốc đã tiếp tục tiến tới trong ngành giáo dục của cộng đồng. Cho đến nay những trường học và những Viện Đại Học dưới sự điều khiển của giáo hội Cơ Đốc đã cung cấp sự giáo dục cho thế hệ trẻ cả nam lẫn nữ. Mục đích đã được bày tỏ của mỗi một cơ sở giáo dục này là để giáo dục việc truyền bá Tin lành khắp cả thế gian. Nhằm mục đích cuối cùng này mà Hội Thánh đã được thành lập và cũng vì cứu cánh này mà các chương trình giáo dục đã hướng đến. Trọng tâm của Cơ Đốc Giáo trong sự giáo dục tôn giáo là nhằm mục đích dạy dỗ về giáo lý, về sự truyền giảng Tin lành và đem lại sự sung mãn linh hồn cho mỗi một con người bình thường trong xã hội loài người. (10).

Nói đến giáo dục Cơ đốc, chúng ta phải đặt trọng tâm vào:

CHÚA JESUS, NHÀ GIÁO DỤC VÀ VỊ GIÁO SƯ VĨ ĐẠI. (11)

a. Chúa Jesus được công nhận:

– Ngài được dân chúng xưng là thầy (Rabbi): Mat 26:25, 49; Mác 9:5; 11:21; 14:45; Gi 1:38.

– Các sách Phúc Âm mô tả chức vụ Ngài là giảng dạy.

– Các môn đồ thừa nhận Chúa là Giáo sư. Chữ “môn đồ” có nghĩa là học trò được dùng ít nhất 200 lần trong các sách Phúc Âm.

bChúa Jesus có đủ tư cách và thẩm quyền:

– Ngài là Chân lý (Gi 14:6).

– Có thẩm quyền (Mat 7:28-29).

– Biết Kinh Thánh: Chúa Jesus trích dẫn ít nhất là 20 sách trong Cựu Ước.

– Chúa hiểu biết tâm lý con người (Mat 9:4; Gi 1:47)

– Ngài tin vào điều Ngài dạy (Gi 13:13).

– Ngài cũng ban uy quyền cho các môn đồ để thực hiện công tác mà Ngài ủy thác cho họ (Mat 10:1; Lu-ca 9:1-2).

cChúa Jesus dạy có chủ đích rõ ràng:

– Nhằm đem người nghe quay về với Đức Chúa Trời (Lu-ca 13:3; Gi 3:3).

– Nhằm giúp người khác sống hài hòa với nhau (Mác 12:31).

– Giúp môn đồ hiểu đúng (Mat 5:48).

– Giúp môn đồ có niềm tin chắc chắn (Gi 21:15-17).

– Huấn luyện để ra đi truyền bá Phúc Âm (Mat 28: 19-20).

Sứ điệp chính của Chúa Jesus:

Sứ điệp và chủ đề chính mà Chúa Jesus giảng dạy là Nước Đức Chúa Trời (Mat 4:23; 9:35; Mác 1:14-15). Cụm từ  “Nước Đức Chúa Trời” được Chúa sử dụng không liên quan đến vị trí địa dư, nhưng nó hàm ý: Nước Đức Chúa Trời đã đến nơi dân sự cư trú, và họ đang đứng trước mặt vị Vua của vương quốc đó. Chúa Jesus đã đến để khởi đầu cho vương quốc đó, do đó  Nước Đức Chúa Trời là một thực thể trong hiện tại cũng như trong tương lai (Lu-ca 22:16-18). Sự trị vì của Đấng Christ sẽ không hoàn thiện cho đến khi Ngài tái lâm cùng với các thánh đồ (1 Tê-sa 3:13) để thiết lập vương quốc của Ngài trên khắp trái đất (Lu-ca 19:12-15). Do đó vương quốc hiện nay của Ngài không thuộc trần gian. Trong thời đại của Hội thánh hôm nay – đang khi chờ đợi Chúa tái lâm, công tác giáo dục của Chúa Jesus được ủy thác cho Hội thánh trên đất. 

Trên đây là lịch sử của Giáo dục Cơ đốc. Vậy thì triết lý của nó là gì?

cdgd 6

Tại sao phải giáo dục? Nếu Kinh Thánh đã được viết mà không nhằm để giáo dục thì bản chất sự khải thị của Kinh Thánh đã hoàn toàn thay đổi. Vì “tôn giáo” của Kinh Thánh là một tôn giáo dạy bảo, và Đức Chúa Trời của Kinh Thánh là một Đức Chúa Trời dạy bảo (Gióp 36:22).
Trong thời hiện đại, kể từ khi khoa triết học về tôn giáo (philosophy of religion) ra đời, triết học cũng giữ vai trò quan trọng trong Cơ Đốc Giáo Dục. Triết học (philosophy) là yêu thích sự khôn ngoan (Philo=love=yêu; sophy=wisdom=khôn ngoan). Vì Đức Chúa Trời là cội nguồn ban sự khôn ngoan (Châm 2:6; 1:7; 9:10) cho nên yêu mến sự khôn ngoan tức là yêu mến Đức Chúa Trời. Vai trò của triết học trong Cơ Đốc Giáo Dục là đặt vấn đề. Ví dụ: tại sao có sự sống? Có Đức Chúa Trời hay không? Qua đó, Cơ Đốc Giáo Dục có cơ hội để trả lời vấn đề dựa trên Kinh Thánh và mặc khải của Đức Chúa Trời.
Chúa Jesus đã giao công tác giáo dục cho Hội Thánh: “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh và làm phép báp tem cho họ và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Mat 28:19). Cả Cựu ước và Tân ước đều cho chúng ta những ý tưởng quý báu về quan niệm và việc thực hành công tác giáo dục. Từ nền tảng này chúng ta có thể khám phá được những nguyên tắc của Cơ Đốc Giáo Dục giúp chúng ta hình thành phương pháp hiệu quả để hoàn tất nhiệm vụ giáo dục. Điều vô cùng quan trọng đối với các giáo viên Cơ Đốc Giáo Dục là vị trí của Kinh Thánh trong chương trình giảng dạy của Hội Thánh. Kinh Thánh phải là trung tâm điểm của mọi sự dạy dỗ. Bởi vì  Kinh Thánh làm chứng về Chúa Jesus (Gi 5:39).

Sự dạy dỗ được gắn liền vào kinh nghiệm tôn giáo của người Y-sơ-ra-ên. Đối với dân Y-sơ-ra-ên, bản chất của tôn giáo là biết và giữ luật pháp của Đức Chúa Trời. Môi-se, người tiếp nhận luật pháp và truyền lại cho dân sự, cũng đã trở thành đại giáo sư của dân Y-sơ-ra-ên (Phục 4:5-6). Để giữ luật pháp cách trung tín, họ cần phải nghiên cứu luật pháp cách chuyên cần (Phục 5:31). Không phải là sự trùng khớp ngẫu nhiên mà Luật pháp còn được gọi là “Torah”, có nghĩa: sự chỉ dạy.

Các thầy tế lễ và người Lê-vi không phải chỉ là những người canh giữ hệ thống tế lễ, họ còn được giao nhiệm vụ dạy dỗ cho dân chúng (Lê-vi 10:11). Trong thời kỳ hậu lưu đày, các thầy tế lễ giữ một vai trò đặc biệt quan trọng là những giáo sư của dân Y-sơ-ra-ên (Nê-hê-mi 1:10). Bắt đầu với Sa-mu-ên (I Sa-mu-ên 12:23), các tiên tri cũng làm nhiệm vụ của các giáo sư.

Trung tâm giáo dục quan trọng nhất trong thời Cựu ước là ở gia đình. Các bậc cha mẹ được liên tục thúc giục hãy kể lại cho con cái của họ nghe biết về những việc lớn lao của Đức Chúa Trời (Xuất 12:26-27, 13:14) và họ được khuyến khích hãy chỉ dạy cho con cái về các Điều Răn của Đức Chúa Trời (Phục 6:1-10). Trong thời kỳ Cựu ước cha và mẹ đã chia sẻ trách nhiệm này (Châm 1:8-9), và nó cứ tiếp diễn cho tới hôm nay.

Trong thời kỳ Tân ước, sự dạy dỗ có một ý nghĩa mới trong chức vụ của Chúa Jesus. Dạy dỗ là nhiệm vụ tiêu biểu nhất của Ngài (Mat-thi-ơ 5:1-2; Lu-ca 4:14-15) và người ta nhận biết Ngài như là “Thầy”. Các môn đồ (Mác 4:38), các kẻ thù nghịch (Ma-thi-ơ 8:19) và các bạn hữu (Giăng 11:28) đều xưng Ngài bằng “Thầy”. Trong nhiều lần  Chúa Jesus tự kể mình như là “Thầy” (Ma-thi-ơ 23:10; Ma-thi-ơ 14:14; Lu-ca 22:11; Giăng 1:13-14).

Đọc Đại Mạng Lịnh trong sách Ma-thi-ơ 28:19-20, chúng ta thấy Chúa Jesus đã ra lệnh cho những kẻ theo Ngài hãy khiến người ta trở nên môn đồ và dạy họ giữ những giáo huấn của Ngài. Các Cơ Đốc nhân đầu tiên đã coi trọng mạng lịnh giáo dục này, họ đã bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ (Công 2:42) và chỉ dạy lẫn cho nhau (Công 18:26).

Dạy đạo là chiến lược truyền bá Tin lành chính yếu trong thời Tân ước. Ngay sau Lễ Ngũ Tuần, các môn đồ Cơ Đốc đã dạy đạo ở khu vực đền thờ (Công 5:42) hàng ngày. Các giáo sĩ Cơ Đốc đã đến Á Châu và Âu Châu, dạy dỗ Tin lành ở bất cứ nơi nào họ đến (Công 15:35, 18:11, 28:31). Dạy đạo và giảng đạo là khác nhau nhưng đều là những hoạt động có liên hệ chặt chẽ với nhau. Nơi nào có Hội Thánh mới được thành lập, nơi đó có các giáo sư Cơ Đốc (Rô-ma 12:7, I Cô 12:28, Ga-la-ti 6:6, I Ti-mô-thê 5:17; Tít 2:3). Trong các gia đình Cơ Đốc, sự dạy đạo cho các con cái cũng rất quan trọng như đã từng có ở giữa dân Y-sơ-ra-ên từ thời xưa (Ê-phê-sô 6:4).

Những Mục Đích Của Giáo Dục:

purpose

Cơ Đốc Giáo Dục có những mục đích căn bản cần đạt đến. Những mục đích này có thể được liệt kê như: hướng dẫn các Cơ Đốc nhân đến sự khôn ngoan, sự chỉ dẫn trong đời sống hằng ngày, sự hạnh phúc, sự ăn năn tội lỗi và lầm lẫn, ảnh hưởng của trật tự xã hội, sự tươi mới thuộc linh, sự thánh khiết đạo đức, học biết và bảo tồn truyền thống cùng giáo dục Cơ Đốc, huấn luyện Cơ Đốc nhân làm chứng cách có hiệu quả, và sự tự tồn tại trong một xã hội chống nghịch với các giáo huấn Cơ Đốc. Kinh Thánh dạy và minh họa một số phương pháp giáo dục. Những phương pháp này bao gồm: kỷ luật, gương mẫu của bản thân, chỉ dạy, những bài học mẫu, những thí dụ, đặt câu hỏi, học Kinh Thánh, các hành động tiêu biểu, sự lặp lại, cả nhóm tham gia và sự vâng lời.

Ngày nay, sự giáo dục vẫn liên hệ mật thiết với nhịp đập của sự phát triển Cơ Đốc Giáo. Những ai muốn sống theo giáo huấn của Chúa Jesus ở giữa một nền văn hóa thế tục cần phải hiểu ý nghĩa của những sự giáo huấn đó. Những ai muốn chia sẻ Tin lành với một thế giới hư mất phải có một sự hiểu biết thông suốt về sứ điệp cứu rỗi. Đây là nhiệm vụ của Cơ Đốc Giáo Dục.

Công tác giáo dục của Hội Thánh nhắm tới mọi người ở mọi lứa tuổi. Thông thường những cố gắng của chúng ta tập trung vào các thiếu nhi. Trong khi thi hành chức vụ Chúa Jesus rõ ràng đã chú ý đến các thiếu nhi. Chúng ta phải dạy dỗ chúng cách nào để đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của chúng. Cũng vậy, khi dạy dỗ thanh niên chúng ta phải hiểu được những nhu cầu cá biệt của họ và đáp ứng một cách có hiệu quả. Lứa tuổi thanh niên là tuổi phải quyết định những điều quan trọng trong cuộc đời. Dạy dỗ những người trưởng thành đòi hỏi hiểu biết về những giai đoạn khác nhau trong cuộc sống mà họ đã phải trải qua. Chúng ta phải cố gắng dạy dỗ họ thế nào để đáp ứng những nhu cầu riêng tư của từng lứa tuổi.

cdgd 7

Cơ cấu tổ chức của một Hội Thánh địa phương ảnh hưởng rất lớn trên kết quả của công tác giáo dục của Hội Thánh. Vai trò của Mục sư quản nhiệm, cơ cấu của các ban ngành liên quan đến giáo dục và những quan điểm về hành chánh đều là những yếu tố quan trọng cần được cân nhắc. Tổ chức và lãnh đạo các tín đồ bình thường để họ trở thành các giáo viên và nhân sự trong Hội Thánh là điểu rất quan trọng. Sau cùng, công tác giáo dục của Hội Thánh phải có liên quan đến nhiệm vụ chung của Hội Thánh. Hoàn tất công tác giáo dục là góp phần khiến Hội Thánh tăng trưởng.

Điều hiển nhiên là Cơ đốc giáo cùng với nền giáo dục của nó đã góp phần quan trọng vào nền văn minh của thế giới. Một học giả đã nhận định: “Khắp mọi nơi Cơ Đốc giáo đều đem đến cho người lao động chân giá trị của nó, đem sự thiêng liêng đến cho hôn nhân, và tình anh em đến cho con người. Ở nơi nào không thuyết phục được, nó khai sáng; ở đâu không làm cho thay đổi được, nó sẽ làm; nơi nào không làm đổi mới được, nó tinh luyện; ở đâu không làm cho nên thánh được, nó chinh phục và nâng cao phẩm giá. Cơ Đốc giáo là ích lợi cho đời nầy cũng như đời sau.” (12)

Cơ Đốc giáo dục trong gia đình đặc biệt quan trọng. Một thống kê ở Mỹ cho thấy một đứa trẻ từ nhỏ cho đến hết bậc  trung học thì chỉ 1% thời gian là ở nhà thờ, 16% là học đường và 83% là ở gia đình. Như thế, không còn nghi ngờ gì nữa, gia đình phải chịu trách nhiệm chính về việc giáo dục con em chứ không là nhà thờ hay nhà trường. (13)

Điều đáng lưu ý là Luật pháp Môi-se rất chú trọng về giáo dục trong gia đình. Điều này cũng dễ hiểu vì nếu gia đình là nền tảng của xã hội thì gia đình cũng là đơn vị nền tảng của cộng đồng con dân Chúa. Chúng ta hãy đọc những lời trong Phục truyền 6:4-9,

“Hỡi Y-sơ-ra-ên! Hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai.  Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi. Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy.  Khá buộc nó trên tay mình như một dấu, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chỉ; cũng phải viết các lời đó trên cột nhà, và trên cửa ngươi.”

Người Do Thái gọi phân đoạn Kinh Thánh trên là Shê-ma. Shê-ma là bản tuyên xưng đức tin của người Do Thái và các con em của họ phải được dạy dỗ như vậy từ nhỏ. Phân đoạn Kinh Thánh này chỉ cho chúng ta phương pháp và nội dung của Cơ Đốc giáo dục trong gia đình. Động từ ‘dạy” [SHA-NAN] trong câu 7 là động từ rất khó dịch vì nó có ý rất sâu sắc. Bản NIV dịch là “impress” nghĩa là gây ấn tượng, khắc sâu trong tâm trí. Phan Khôi và những người cộng tác dịch trong trong Bản Kinh Thánh năm 1926 đã dựa vào bản Kinh Thánh Hoa ngữ là “ân cần giáo huấn” để dịch sang tiếng Việt “ân cần dạy dỗ” là rất đạt vì đã lột tả được ý nghĩa của động từ “sha-nan” trong nguyên tác.

Dạy làm sao để gây ấn tượng sâu sắc, để khắc sâu trong tâm khảm người học là một việc không dễ dàng chút nào. Triết lý của Kinh Thánh trong việc giáo dục là dạy bằng gương mẫu, nghĩa là không phải chỉ dạy bằng lý thuyết, chữ nghĩa mà còn bằng gương mẫu qua hành động nữa. Đó là lối giáo dục lý tưởng nhất, hiệu quả nhất nhưng cũng nhiều thách thức nhất. Muốn được thế, Kinh Thánh bảo trong câu 6 rằng “Các lời mà ta đã truyền cho các ngươi phải ở tại trong lòng các ngươi.” Nghĩa là cha mẹ hay người dạy phải học hỏi và kinh nghiệm “ở trong lòng” trước rồi mới có thể “ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái các ngươi” được. Nếu cha mẹ hay người dạy mà không thực hành để thấm nhuần lời Chúa “ở trong lòng” thì cũng khó mà dạy dỗ con cái thành công. Và để hỗ trợ cho việc giáo dục trong gia đình được hiệu quả, Kinh Thánh cũng dạy chúng ta phải tạo một môi trường giáo dục tốt để giúp con em khắc sâu kiến thức như phải nhắc đến trong sinh hoạt hằng ngày trong gia đình hay ngoài xã hội và phải tìm cách để ghi nhớ như trong câu 8-9 “Hãy buộc những lời ấy vào tay làm dấu, đeo lên trán làm hiệu, và viết các lời đó trên khung cửa nhà và trước cổng.” Thiết tưởng đó là lối giáo dục hiệu quả nhất mà chúng ta phải nhờ ơn Chúa áp dụng. Chính Chúa Jesus đã áp dụng phương pháp giáo dục này khi Ngài rửa chân cho các môn đồ được ghi lại trong Giăng 13. Có lẽ các môn đệ của Ngài sẽ không bao giờ quên bài học mà Chúa đã “ân cần dạy dỗ” một cách đầy ấn tượng này.

Từ những phân tích trên đây chúng ta đi đến một vấn đề cụ thể:  Cơ Đốc giáo dục trong gia đình phải là bài tập thực hành đầu tiên trước khi chúng ta nói đến những bài tập tiếp theo trong những môi trường khác.

cdgd 5

  1.  Vì sao chúng ta mở Trường? Nếu không có Trường thì điều gì xảy ra?

Những lý do khiến chúng ta – những Cơ đốc nhân, những người được học tập và trang bị các kiến thức của chương trình Cao học Mục vụ và nghiên cứu sinh phải mở Trường dạy học:

  1. Chúng ta được Chúa giao cho những ta-lâng về giáo dục Cơ đốc. Và nếu không làm sinh lợi các ta-lâng đó, chúng ta sẽ bị Chúa xử lý là những đầy tớ gian ác và biếng nhác. (14). Muốn sinh lợi các ta-lâng về Cơ đốc giáo dục, không còn con đường nào khác là chúng ta phải mở trường, xây dựng chương trình và bắt đầu dạy.
  2. Trường học là nơi sản sinh ra những hạt giống tiềm năng là những người có khả năng kế tục sự nghiệp Cơ đốc Giáo dục. Trường học là “lò sản xuất” những người lãnh đạo giỏi của Đức Chúa Trời. Những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đều được đào tạo từ những Trường Đại học tốt nhất. Vậy thì những nhà lãnh đạo Cơ đốc giỏi phải được huấn luyện và đào tạo từ những ngôi trường Cơ đốc, mà ở đó Kinh Thánh là nền tảng chủ đạo cho mọi môn học.
  3. Muốn giành thắng lợi trong tương lai hay chính nghĩa của Đấng Christ được tôn cao, chúng ta phải đầu tư vào lãnh vực giáo dục. “Ai nắm lấy giáo dục, người đó sẽ nắm lấy tương lai”. Không thể có một nền giáo dục chính qui, đúng bài bản nếu như chưa có Trường học. Nhưng yếu tố quyết định sự thành công của một ngôi trường chính là đội ngũ giảng dạy và chương trình dạy.

Tới đây có một câu hỏi khác là: Nếu không có Trường thì điều gì xảy ra?

Trường học trong câu hỏi này được hiểu là Trường học thực hiện sứ mạng Cơ đốc giáo dục.

Người viết cho rằng những điều sau đây sẽ xảy ra nếu không có Trường:

  1. Công tác giáo dục Cơ đốc bị giới hạn trong những phạm vi chật hẹp. Nếu chỉ thực hiện Giáo dục Cơ đốc trong gia đình và nhà thờ thì công tác giáo dục này sẽ còn rất nhiều hạn chế. Một nền giáo dục chính qui chắc chắn phải có Trường học và đội ngũ giảng dạy.
  2. Không có Trường, đồng nghĩa với việc không có thầy, không có sinh viên, không có Ban lãnh đạo, không có các Giáo sư, không có các công trình nghiên cứu, không có sách giáo khoa…Và điều này sẽ là một tai họa cho thế hệ tiếp theo. Sẽ không có người được huấn luyện và đào tạo, và tương lai của Hội thánh Chúa trên đất sẽ rất mù mờ.
  3.  Khi chúng ta không có Trường thực hiện sứ mạng Cơ đốc giáo dục, thì những loại trường học khác trong thế giới sẽ áp đảo đạo Chúa. Khi ấy Kinh Thánh là tài sản vô giá của loài người bị loại sang một bên và người ta sẽ thay vào đó những học thuật của thế gian. Trong một chừng mực nào đó, những nền học thuật hay văn hóa của thế giới cũng phản ánh một cách giới hạn những chân lý từ Lời Chúa, vì vô hình trung những lẽ thật từ Kinh Thánh cũng đi vào các nền văn hóa khác nhau (Thực ra đây chính là sự tể trị của Đức Chúa Trời, vì không có gì được gọi là xảy ra một cách ngẫu nhiên). Tại sao? Vì Đức Chúa Trời vĩ đại và siêu việt có những phương cách khác nhau để gieo trồng Lẽ Thật của Ngài vào trong lương tâm hay lương tri của con người cho dù họ thuộc bất kỳ một tôn giáo hay chủ thuyết nào. Nhưng chắc chắn chỉ có ở trong Chúa Jesus Cơ đốc thì mọi lẽ thật mới trở nên hoàn hảo, không bị cong lệch. Tác giả Michael Green (15), một học giả người Anh đã viết trong tác phẩm Niềm tin của người vô thần như sau: “Cả Kinh Thánh khẳng định rằng con người sẽ bị Đức Chúa Trời đoán xét bằng một sự công bình tuyệt đối. Con người sẽ bị đoán xét dựa trên đáp ứng của họ đối với những sự sáng mà họ có. Trong một phân đoạn Kinh Thánh nổi tiếng là Rô-ma, Phao-lô khẳng định rằng Đức Chúa Trời không thiên vị. “Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình. Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình. Ấy là điều sẽ hiện ra trong ngày Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Giê-su Christ mà đoán xét những việc kín nhiệm của loài người” (Rô-ma 2:14-16). Phao-lô muốn nói rằng những quốc gia ngoại đạo không nhận được sự bày tỏ của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh vẫn có sự hiểu biết về điều đúng và sai; cảm nhận về đạo đức của họ giống như một người lập pháp và thẩm phán ở bên trong họ, tán dương hoặc chỉ trích những việc họ làm. Đức Chúa Trời tuyệt đối công bằng”

Như vậy chúng ta không rơi vào cực đoan để phủ nhận những điều hay, điều tốt từ những nền văn hóa khác mà trong sự tể trị thần thượng của Đức Chúa Trời toàn năng Ngài cũng đã soi sáng trong lương tri của họ những giá trị của Ngài.

Kết luận:

Cơ đốc Giáo dục có một tầm quan trọng rất lớn để phát triển nền học thuật của Kinh Thánh, và những lời dạy của Chúa Jesus ra ngoài xã hội. Sứ mạng quan trọng của những người hầu việc Chúa và những người theo Chúa là đầu tư cuộc đời của mình cho sự nghiệp Cơ đốc Giáo dục. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta nhấn mạnh rằng Cơ đốc giáo dục chắc chắn sẽ thay đổi định mệnh hay số phận của con người, trong khi những nền giáo dục khác có những giới hạn nhất định của nó. Vì Cơ đốc giáo dục chính là Chúa Jesus dạy dỗ con người. Và bất kỳ một cá nhân nào không phân biệt đẳng cấp, màu da, chủng tộc khi đã tiếp nhận sự giáo huấn của Chúa Jesus mà không thay đổi từ tối tăm qua sáng láng mới là chuyện lạ. Rõ ràng là không một lãnh tụ trần gian nào có thể sánh ngang bằng với Chúa Jesus Christ và những sự dạy dỗ đầy quyền năng của Ngài. Chỉ có Cơ đốc giáo dục mới có thể cứu vãn tình trạng băng hoại của thế giới này trước ngày Chúa đến. Khi đã thấu hiểu rõ ràng điều này, thì đây là một cơ hội và thách thức cho tất cả những nhà lãnh đạo Cơ đốc trên toàn cầu.

THƯ MỤC:

  1. http://www.nguonsusong.com
  2. Werner C. Graendorf, Introduction to Bibilical Christian Educa-tion, Chicago: Moody, 1981, p.16
  3.  http://www httlvinhphuoc.org
  4.  Martin Luther The Reformer, 3rd Edition, published by Toronto Willard Tract Depository, Toronto, Ontario
  5.  http://tudiendanhngon.vn
  6.  Nguyễn thị Thanh Huyền. Tư tưởng triết học giáo dục của Platohttp://tapchi.vnu.edu.vn
  7.  http://vietchristian.com
  8.  http://lutheranvietnam.org
  9.  http://vi.wikipedia.org
  10.  http://catalog.swbts.edu
  11.  software VietBible
  12.  Sir George St. Pactrick Lawrence. Những trích dẫn vượt thời gian. Huongdionline.com
  13.  http://www.httlvinhphuoc.org
  14.  Ma-thi-ơ 25:14-25
  15.  Michael Green. Faith for the non-religious. Huongdionline.com.  Michael Green là Mục sư của St Aldate’s in Oxford, England. Ông đã viết các sách: New LifeNew Lifestyle và I Believe in the Holy Spirit.

The End

Mục sư Phạm Hơn biên soạn

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn