Sự giáng sinh của Ngài đã được dự báo trước trong Cựu Ước
Có ít nhất bốn mươi lăm lời tiên tri trong Cựu Ước dự báo về sự hiện thân thành người của Đấng Christ. Sau đây là các phần Kinh Thánh trưng dẫn về những lời tiên tri trong Cựu Ước được ứng nghiệm trong Tân Ước.
– Ngài được sinh ra từ dòng giống của người nữ (Sáng. 3:15; Ga-la-ti 4:4)
– Ngài hiện hữu đời đời (Thi. 45:6; Hêb. 1:8)
– Ngài được một nữ đồng trinh sinh ra (Ê-sai 7:14; Lu-ca 1:31)
– Ngài sinh ra tại Bết-lê-hem (Mi-chê 5:2; Lu-ca 2:4-7)
– Ngài đến và ra khỏi Ai-cập (Ô-sê 11:1; Ma-thi-ơ 2:14-15)
– Các bà mẹ sẽ than khóc cho con cái của họ (Giê-rê-mi 31:15; Ma-thi-ơ 2:16-18)
– Sự hiện đến của Ngài được chuẩn bị (Ê-sai 40:3-5; Lu-ca 3:3-6)
– Sự hiện đến của Ngài được báo trước qua một sứ giả (Ma-la-chi 3:1; Lu-ca 7:24-27)
– Ngài được công bố là Con Đức Chúa Trời (Thi. 2:7; Ma-thi-ơ 3:17)
– Ngài cưỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem (Xa-cha-ri 9:9; Mác 11:7-9)
– Ngài bị một người bạn phản bội (Thi. 41:9; Lu-ca 22:47-48)
– Ngài bị bán với giá ba mươi miếng bạc (Xa-cha-ri 11:12; Ma-thi-ơ 26:15)
– Ngài im lặng trước những người cáo buộc (Ê-sai 53:7; Mác 15:4-5)
– Ngài bị đánh trên lưng, bị nhổ trên mặt (Ê-sai 50:6; Ma-thi-ơ 26:67)
– Ngài bị kể vào hàng kẻ dữ (Ê-sai 53:12; Mác 15:27-28)
– Ngài chết vì người khác (Ê-sai 53:5; Rô-ma 5:6-8)
– Ngài bị cho uống giấm trộn với mật đắng (Thi. 69:21; Ma-thi-ơ 27:34)
– Kẻ thù bắt thăm chia nhau y phục của Ngài (Thi. 22:17-18; Ma-thi-ơ 27:35-36)
– Ngài bị Đức Chúa Trời bỏ rơi (Thi. 22:1; Ma-thi-ơ 27:46)
– Không có cái xương nào của Ngài bị gãy (Thi. 34:20; Giăng 19:32-36)
– Thân thể Ngài bị đâm xuyên qua (Xa-cha-ri 12:10; Giăng 19:34)
– Ngài được chôn trong một của một người giàu có (Ê-sai 53:9; Ma-thi-ơ 27:57-60)
– Ngài sống lại từ cõi chết (Thi. 16:10; 49:15; Mác 16:6-7)
Những lời tiên tri về Chúa Jesus trong Cựu Ước phải trải qua nhiều thế kỷ sau mới được ứng nghiệm đến từng chi tiết trong Tân ước. Điều này quá kỳ diệu. Một ai đó đã minh họa cho tiến trình này như sau: Giả định là bạn sử dụng một số lượng lớn khổng lồ những đồng tiền xu kim loại để bao phủ toàn bộ tiểu bang Texas. Bạn chỉ đánh dấu một đồng xu trong số đó. Bây giờ bạn trộn chúng lên và dồn đống lại thành một ngọn núi của những đồng xu. Sau đó bạn bịt mắt lại và tìm ra đồng xu mà trước đây bạn đã đánh dấu. Dĩ nhiên điều này là không thể được, trừ phi có một tâm trí thông minh siêu đẳng trợ giúp bạn trong hành động này. Cũng vậy, các lời tiên tri rất xa xưa trong Cựu Ước không thể được ứng nghiệm hoàn toàn nếu không có một đạo diễn thần thượng siêu việt đứng phía sau kịch bản đó.
Ngài được một người nữ đồng trinh sinh ra
Bảy trăm năm trước khi Chúa Jesus được sinh ra đã có lời tiên tri này: “Vậy nên, chính Chúa sẽ ban một điềm cho các ngươi: nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai, và đặt tên là Em-ma-nu-ên.” (Ê-sai 7:14). Em-ma-nu-ên nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.
Thiên sứ Gáp-ri-ên đã hiện ra với Ma-ri, một thôn nữ đáng kính trọng vào thời đó. Kinh Thánh ghi lại: “Thiên sứ vào chỗ người nữ ở, nói rằng: Hỡi người được ơn, mừng cho ngươi; Chúa ở cùng ngươi. Ma-ri nghe nói thì bối rối, tự hỏi rằng lời chào ấy có nghĩa gì. Thiên sứ bèn nói rằng: Hỡi Ma-ri, đừng sợ, vì ngươi đã được ơn trước mặt Đức Chúa Trời. Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Jêsus. Con trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là Con của Đấng Rất Cao; và Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ phụ Ngài.” (Lu-ca 1:28-32). Ma-ri không hiểu những lời này, cô hỏi thiên sứ: “Tôi chẳng hề nhận biết người nam nào, thì làm sao có được sự đó?” Thiên sứ trả lời: “Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Đấng Rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời.”
Ma-ri đã đính hôn với Giô-sép và dĩ nhiên họ chưa ăn ở cùng nhau. Nếu Giô-sép khám phá ra Ma-ri chuẩn bị sinh em bé, thì điều gì sẽ xảy ra? Một lần nữa thiên sứ hiện đến cùng Giô-sép, “Hỡi Giô-sép, con cháu Đa-vít, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Đức Thánh Linh. Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Jêsus, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội.” (Ma-thi-ơ 1:20-21). Kinh Thánh kết luận về sự kiện này: “Mọi việc đã xảy ra như vậy, để cho ứng nghiệm lời Chúa đã dùng đấng tiên tri mà phán rằng:
Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sanh một con trai,
Rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là Em-ma-nu-ên,
nghĩa là: Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.” (Mat. 1:22-23)
Ngài đã sống một đời sống vô tội
Chúa Jesus cầu nguyện: “Lạy Cha xin tha tội cho họ.” (Lu-ca 23:34) nhưng Ngài không bao giờ cầu nguyện: Xin Cha tha tội cho con. Ngài thách thức những người đối nghịch: “Trong các ngươi có ai bắt ta thú tội được chăng? “ (Giăng 8:46). Phao-lô viết về Ngài, “Đấng vốn chẳng biết tội lỗi.” (2 Côr. 5:21). Phi-e-rơ tuyên bố với đám đông có mặt ở pháp trường trong ngày Chúa Jesus bị đóng đinh, họ đã xin tha Ba-ra-ba và la ó đòi giết Chúa: “Các ngươi đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công bình mà xin tha một kẻ giết người cho mình; các ngươi đã giết Chúa của sự sống Hay là nói: Đấng làm đầu cội-rễ của sự sống mà Đức Chúa Trời đã khiến từ kẻ chết sống lại, và chúng ta là người làm chứng về điều đó.” (Công vụ 3:14-15). Khi vị sứ đồ đang giảng dạy, các người lãnh đạo của Do Thái giáo đã rất tức giận. Họ tống giam Phi-e-rơ và Giăng vào ngục, nhưng không ngăn cản được năm ngàn người đã nghe Phúc âm và tin (Công vụ 4:4).
Si-môn Phi-e-rơ đã bước đi với Thầy mình trong ba năm. Ông đã nhìn thấy Chúa Jesus và những mục vụ, tính cách của Ngài tại nơi công cộng cũng như chốn riêng tư. Nếu Chúa Jesus bị phát hiện có bất kỳ một sai phạm nào thì ông đã không thể viết những lời này: “Anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài; Ngài chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không thấy có chút chi dối trá.” (1 Phi-e-rơ 2:21-22).
Khi Chúa Jesus đối diện với những cám dỗ của ma quỉ, nếu là con người bình thường thì rất dễ mắc bẫy và phạm tội. Tuy nhiên Kinh Thánh viết về Ngài: “Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội.” (Hêb. 4:15). Với tư cách là một thầy tế lễ thượng phẩm Chúa chúng ta đã “thánh khiết, không tội, không ô uế, biệt khỏi kẻ có tội, được cất lên cao hơn các từng trời.” (Hêb. 7:26)
Ngài thực hiện những việc tốt lành trên đất
Khi Phi-e-rơ giảng dạy cho gia đình Cọt-nây, ông tập chú vào Chúa Jesus và cống tác của Ngài:
“Ngài (Chúa Jesus) đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước và chữa lành hết thảy những người bị ma quỉ ức hiếp.” (Công vụ 10:38). Kinh Thánh Tiếng Việt dùng từ “làm phước”. Bản Kinh Thánh Tiếng Anh NIV dùng từ “doing good” (how he went around doing good and healing all who were under the power of the devil. “Làm phước” hay “doing good” có nghĩa thực hiện những việc tốt lành cho người dân. Từ Hy-lạp được dùng ở đây là euergeteo có nghĩa làm những mục vụ tốt.
Chúa Jesus không chỉ thi hành chức vụ qua những việc tốt lành, nhưng Ngài cũng khích lệ các môn đồ làm điều tương tự. Gia-cơ, em của Chúa hiểu rõ điều này khi ông viết, “Ví thử có anh em hoặc chị em nào không quần áo mặc, thiếu của ăn uống hằng ngày, mà một kẻ trong anh em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần dùng về phần xác, thì có ích gì chăng? Về đức tin, cũng một lẽ ấy; nếu đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết.” (Gia-cơ 2:15-17). Chỉ vài ngày trước khi Chúa Jesus bị đóngđinh, Ngài đã dạy cho các môn đồ những lời này, “Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất. Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta; ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau, các ngươi thăm ta; ta bị tù, các ngươi viếng ta. Lúc ấy, người công bình sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đói, mà cho ăn; hoặc khát, mà cho uống? Lại khi nào chúng tôi đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà mặc cho? Hay là khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đau, hoặc bị tù, mà đi thăm viếng Chúa? Vua sẽ trả lời rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.” (Ma-thi-ơ 25: 34-40)
(Còn nữa)
JAMES SEMPLE
Trích từ: BIBLE TRUTHS ABOUT GOD
Translated by Tuong Vi