Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / THỢ CẮT TÓC

THỢ CẮT TÓC

nguoitho

Tôi đang ngồi chăm chú đọc báo. Bà Lài bảo: “Tới phiên cô.” Tôi ngẩn mặt lên hỏi: “Dạ bà kêu con phải không ạ?” Bà Lài ngật đầu và nói: “Hôm nay tôi để cô ngồi chờ hơi lâu vì đông khách.  Tôi xin lỗi cô nha!”

Ngồi vào bàn cắt tóc, bà Lài còn đưa cho tôi thêm mấy cuốn sách nhỏ nhỏ, cuốn nào cũng chút xíu khoảng năm, bảy trang giấy. Nhìn trên bàn, tôi thấy bà Lài để cả đống hộp, mỗi hộp đều có nhãn hiệu đàng hoàng. Liếc mắt qua, tôi thấy hộp thứ nhất có tên “truyền giáo”, hộp thứ hai tên “xây nhà nguyện”, hộp thứ ba “sửa nhà thờ”, hộp thứ tư “trẻ em khuyết tật”, hộp thứ năm “giúp người nghèo”, hộp thứ  sáu “người già  neo đơn”, hộp thứ  bảy “giúp mục sư quản nhiệm”.

Tôi đang suy nghĩ về mấy chiếc hộp, chưa kịp hỏi bài Lài thì bà hỏi tôi: “Cô muốn cắt tóc kiểu gì?” Tôi nói nửa đùa, nửa thật: “Con muốn cắt tóc kiểu đẹp, bà cứ cắt kiểu gì thấy đẹp ý bà là con  chịu.” Bà Lài ân cần bảo: “Vậy để tôi cắt ngắn khoảng một inch cho bớt mấy cọng vàng vàng, óa óa  dưới đuôi tóc, rồi tỉa kiểu chữ V để cô giữ mái tóc dài này nhé.” Tôi, “Dạ.” Thế là bà Lài đứng trau chuốt, gọt giũa mái tóc của tôi.

images (2)

Bà Lài vừa cắt tóc, vừa trò chuyện líu lo đủ điều. Bà hỏi tôi: “Cô đang làm nghề gì?” Tôi, “Dạ con chưa đi làm, con là sinh viên thần học và con cũng đang học cắt tóc. Mai mốt con học cắt tóc xong, lấy bằng rồi ra tiệm phụ bà được không? Tiệm bà có cần thêm người không vậy?”

Bà Lài cười. Bà nói: “Tiệm này có một mình tôi làm, buổi chiều và cuối tuần có con gái của tôi đến giúp, nếu có thêm cô nữa thì tốt lắm nhưng ở đây cắt tóc rẻ và ít tiền lắm đó nghe cô!” Tôi gật gù, “Con thấy khi nãy đến giờ khách đến cũng đông bà nhỉ!” Bà Lài nói: “À, mà có hồi thì khách vô ào ào, tôi làm không kịp, họ bỏ đi. Có khi tôi ngồi chờ, không có mạng nào ghé tới đó chứ!”

Cắt tóc xong, bà Lài đưa cho tôi cái kiếng để nhìn trước, nhìn sau mái tóc. Tôi khen bà Lài khéo tay quá, và hỏi bà bao nhiêu tiền. Bà Lài cười, nói: “Cô là sinh viên thần học, sau này là người hầu việc Chúa, tôi không lấy tiền của cô đâu!” Tôi ngạc nhiên cười đáp lại và nói: “Bà ơi! Vậy là con phải đến đây thường xuyên hơn để được bà cắt tóc miễn phí.” Tôi đứng dậy ôm bà Lài cảm ơn. Tôi tìm cách biện hộ để gởi tiền cho bà Lài. Tôi nói: “Bà không lấy tiền công cắt tóc nhưng con xin gởi tiền  tip cho bà nha.” Bà Lài hài lòng cười và nói: “À, tiền tip thì tôi nhận.” Bà Lài cầm mấy đồng tiền từ trên tay tôi. Bà vui vẻ chia đều trong các hộp đã được đặt sẵn trên bàn. Bà Lài lẩm bẩm: “Hộp thứ bảy này gần đầy, chuẩn bị mở được rồi, cảm ơn Chúa!”

Tôi thắc mắc:

“Bà ơi! Được đồng nào bà bỏ hết vô mấy cái hộp đó rồi tiền đâu bà trả chỗ mướn, tiền điện, tiền nước?…” Bà Lài nhìn thẳng vào mắt tôi với một giọng khẳng định: “Vậy mà dư đó cô.” Tôi lúng túng, đứng ấp a ấp úng chưa biết phải nói gì thì bà tiếp: “Tiệm này của con gái tôi đứng tên, làm chủ. Tôi có tiền già, nhưng tôi muốn làm việc để tay chân và tâm trí của tôi được tiếp tục hoạt động chứ không phải vì tiền. Hơn nữa, tôi mướn cái tiệm trong ngõ hẻm này cũng rẻ lắm, mỗi tháng chỉ trả có tám trăm đô thôi. Có tháng thì vừa đủ chi tiêu. Có tháng thì tôi làm gần hai ngàn lận. Không ban cho thì để tiền làm gì, già rồi!”… Bên ngoài có mấy người khách đang vào tiệm nên tôi tạm biệt bà Lài ra về…

Khoảng hai tháng sau tôi trở lại tiệm bà Lài cắt tóc. Thấy tôi vào tiệm, bà Lài chào và mời tôi ngồi đợi. Tôi thấy bà Lài vừa cắt tóc vừa làm chứng về Chúa cho một bà khách cũng cỡ tuổi như  bà. Tôi nghe bà Lài nói với bà khách: “Tin Chúa đi, bà sẽ được sự sống bình an, phước hạnh trong Chúa. Lúc chưa có Chúa, tui cũng buồn giống như bà. Bây giờ tui có Chúa, tui vui mừng lắm. Mỗi tuần tui đi nhà thờ vui lắm, già như tui cũng ca hát, rồi được mấy bà khác trong nhóm cầu nguyện cho nhau. Mỗi tối thứ Sáu tụi tui xúm nhau lại nhà của một người chị em trong nhóm rồi nấu ăn, học Kinh Thánh, cầu nguyện, chia sẻ vui buồn với nhau nên tui không biết buồn là gì. Bà già rồi, cứ buồn, chán hoài coi chừng bị trầm cảm, rồi biến chứng sinh bệnh đó biết không! Hay là thứ Sáu này tui qua chở bà đi nhóm với tui nha!”

Bà khách hỏi bà Lài: “Đi có xa lắm không bà? Mà tới đó, bạn của bà đâu biết tôi là ai!” Bà Lài cười sảng khoái và nói: “Thì bà nói, bà là bạn của tui là được rồi, mà bà lo chi mấy chuyện đó, có bà đến là mấy chị em tui vui rồi. Vậy đi hen! Khoảng sáu giờ rưỡi chiều thứ Sáu tui đến đón bà nghen!” Bà khách cười: “Ok”…

Hôm đó, tôi mang đến cho bà Lài mấy cuốn truyền đạo đơn nhỏ nhỏ. Bà Lài chưa kịp nhìn đã chọn một cuốn chạy ra chỗ đậu xe đưa cho bà khách lúc nãy và dặn dò bà khách: “Bà nhớ chiều thứ Sáu tuần này nha, sáu giờ rưỡi tui đến rước.”…

Tôi thật bái phục bà Lài và cảm ơn Chúa về tinh thần hầu việc Chúa của bà. Đến phiên tôi ngồi vào ghế cắt tóc. Bà Lài chải tóc cho tôi và nói: “Cô ạ! Không phải chỉ có Mục sư mới là người hầu việc Chúa mà là tất cả con cái Chúa từ già đến trẻ đều có thể hầu việc Ngài. Những đứa trẻ thì có thể vào trường, vào lớp tạo điều kiện, cơ hội để làm chứng hay mời bạn bè đến nhà thờ. Những người làm công sở thì bạn bè thiếu gì trong sở để làm chứng. Thậm chí những người bịnh hoạn nằm một chỗ cũng có thể hầu việc Chúa qua sự cầu nguyện và cầu thay. Còn tôi, tôi không đi đây, đi đó để truyền giáo thì tôi truyền giáo tại trong tiệm cắt tóc này, hoặc tôi cũng có thể phụ một ít tài chánh để tài trợ cho người nào có thể đi ra truyền giáo. Cô thấy tôi nói có lý không?”

Tôi gật đầu: “Dạ! Bà Lài nói quá đúng! Nhưng bà ơi, con không làm công sở lại ít bạn bè, con cũng ít đi đâu để kết bạn thì làm sao nói về Chúa cho người khác?”

Bà Lài ân cần bảo: “Cô có nhiều cơ hội nhưng cô không để ý hay chưa nhìn thấy đó thôi. Để tôi liệt kê danh sách số người cô gặp hằng ngày, hằng tuần hoặc hằng tháng nhé.” Bà Lài xổ một tràn tên tuổi những người tôi tiếp cận với, làm tôi chóng cả mặt.

Bà Lài hỏi: “Hằng tuần cô có đi chợ phải không?”  Tôi, “Dạ.” Bà Lài nói tiếp: “Vậy trong chợ ngày nào cũng có người, cô vào chợ thì tha hồ mà phát sách hay làm chứng. Cô thỉnh thoảng cũng có đi nhà hàng ăn uống, đi mua bảo hiểm xe, đi bác sĩ, đi khai thuế, đi đến nhà bạn bè, đi về nội, về ngoại, đi nghỉ mát… Cô gặp biết bao nhiêu là người, chưa nói đến hàng xóm của cô cũng có nhiều người chưa biết Chúa. Cô cũng biết sử dụng máy vi tính, email, lên facebook chat với người này, người kia được thì tại sao không giới thiệu hay nói về Chúa cho họ. Cô cần cầu nguyện nhiều và cần Chúa Thánh Linh đồng hành cùng cô. Nếu cô không mở miệng ra thì người ta sẽ đi vào hỏa ngục đó cô biết chứ!”…

Lái xe về nhà, tôi cứ suy tư mãi về công công việc và tâm tình của một người thợ cắt tóc như bà Lài. Tôi tự nhủ, câu tục ngữ: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” quả thật có lý. Tôi mới bước ra tiệm cắt tóc đã được bà Lài giáo huấn, chỉ bảo vô số điều về đức tin thực dụng. Nhưng nghe rồi, học rồi tôi có thực hiện được những gì  mình đã nghe, đã học hay không, đó mới là điều đáng nói. Một người mang danh sinh viên thần học như tôi, có bao lần tôi ra cổng chợ đứng phát sách hay làm chứng được người nào! Những người hàng xóm của tôi, những người tôi gặp gỡ, tiếp xúc, họ có Chúa hay không tôi cũng chẳng biết! Chính việc dâng hiến một phần mười tôi làm cũng chưa trọn. Ở nhà, tôi cũng bắt chước bà Lài mua ba cái hộp nhỏ và hằng tháng bỏ tiển vào đó cho truyền giáo, thăm người đau ốm và xây nhà cho người nghèo, nhưng mỗi khi hết tiền đổ xăng tôi lại moi ra sử dụng, nói gì đến ngoài việc dâng hơn một phần mười lại thêm bảy hộp khác như bà Lài… Càng suy nghĩ, tôi càng thấy mình bé nhỏ, nông cạn và hạn hẹp… Tôi thật sự rất nhút nhát khi gặp người lạ, nhưng tôi cầu nguyện và thử thực hiện theo ý kiến của bà Lài. Tôi gặp người nào cũng làm quen, thăm hỏi và tạo điều kiện kết bạn.

Tôi thường bỏ trong giỏ xách những tờ truyền đạo đơn để tặng cho người khác khi có cơ hội. Tôi thỉnh thoảng lên mạng tìm bạn bè và người thân để chat, trò chuyện và giới thiệu về Chúa cho họ. Trong vòng ba tháng, tôi làm chứng được ba người tin Chúa. Trong ba người đó, có hai người bạn thân thiết nhất của tôi, và một người bạn tôi mới quen qua facebook. Ba tháng sau, tôi đến tiệm bà Lài. Lần này tôi đến không phải để cắt tóc nhưng tôi ghé tiệm để thăm bà Lài, và khoe với bà tin vui về mấy người bạn của tôi đã tin Chúa. Bà Lài cảm ơn Chúa líu ríu! Bà cũng cho tôi hay trong vòng ba tháng qua bà đã đem đến với Chúa được bảy linh hồn. Và những người bà đang làm chứng, đang cầu nguyện cho họ, có thể nay mai họ tin nhận Chúa qua công việc rao giảng của bà. Tôi lấy làm thẹn thùng, bỡ ngỡ vì một người già cả như bà Lài lại được Chúa sử dụng và ban ơn cho bà nhiều hơn tôi. Có lẽ, miệng của bà Lài luôn mở ra lời làm chứng, nên Nước Thiên Đàng tràn lan cho những người đang trông đợi. Còn tôi vẫn dè dặt nên số người tin Chúa rất ít ỏi, chưa đếm hết đầu ngón tay!…

Mỗi lần đến tiệm  bà Lài, tôi được Chúa nhắc nhở, dạy bảo qua đời sống và tấm gương hầu việc Chúa của bà Lài. Tôi thầm nghĩ, sau này, nếu tôi không thể trở thành mục sư, tôi cũng có thể hầu việc Chúa trong bất kỳ nghề nghiệp hay lĩnh vực nào mà tôi đang sinh sống như bà Lài, một “Người Thợ Cắt Tóc” đã hầu việc Chúa tốt theo khả năng và ân tứ Chúa dành cho bà.

hair

Những năm cuối đời, tay bà Lài run run không thể cầm kéo cắt tóc được. Nhưng bà vẫn còn minh mẫn, thỉnh thoảng nhờ người con gái lái xe chở bà vào viện dưỡng lão để làm chứng, trò chuyện và chăm sóc tinh thần mấy người già. Bà Lài đã xong cuộc chạy, đã về nước Chúa vào mùa Đông năm ngoái. Bà Lài hưởng thọ bảy mươi bảy tuổi.

Có lẽ, có những người Cơ Đốc vẫn còn e ngại, ít nói giống như tôi. Nếu bạn chưa biết phải làm chứng về Chúa như thế nào, thì bạn cũng có thể mời bạn bè, người thân đến nhà thờ để mục sư và những người trong Hội Thánh giúp bạn. Chính bạn cũng cần học hỏi, tập tành, gắng kết với Hội Thánh và dự phần trong công tác hầu việc Ngài… Tôi được học hỏi rằng, mỗi Cơ Đốc nhân là người hầu việc Chúa. Mỗi người Cơ Đốc là một viên gạch, đồng công, chung sức, góp tay xây dựng Hội Thánh của Đức Chúa Trời mỗi ngày thêm lớn mạnh, và Tin Lành được truyền ra khắp đất…

Mỗi lần đi ngang qua tiệm cắt tóc của con gái bà Lài, tôi lại nhớ đến hình ảnh, nhớ đến tấm lòng phục vụ và tâm tình hầu việc Chúa của bà Lài. Tôi cảm động làm mấy câu thơ này như một ngọn nến tưởng nhớ bà Lài và thân tặng bạn đọc:

“Xin Thần Ngài đổ trên môi
Cho con ca ngợi không thôi rao truyền,
Theo Ngài tiếp tục thường xuyên
Dắt đưa về Chúa những chiên xa bầy,

Tập tành học hỏi mỗi ngày
Gắng công phục vụ góp xây cộng đồng,
Nhóm nhỏ, Hội thánh thông công
Thanh niên, già, trẻ, quan tâm từng người.

Thực hành ân tứ bạn ơi!
Hãy môn đệ hóa mỗi người thành viên,
Công xưởng, trường học, xóm giềng…
Phúc Âm rao giảng mọi miền gần xa.”

TÔN THIỆN THI

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn