Thứ Ba , 24 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / Kinh Điển Kinh Thánh Đã Được Xây Dựng Như Thế Nào?

Kinh Điển Kinh Thánh Đã Được Xây Dựng Như Thế Nào?

Các Bằng Chứng Về Kinh Thánh Tân Ước

Kinh Điển Kinh Thánh Đã Được Xây Dựng Như Thế Nào?
Trải nghiệm đầu tiên của tôi với Kinh Thánh đó là việc đọc lướt qua một cuốn Kinh Thánh bản dịch King James cổ mà ba mẹ tôi cất trong phòng khách. Cây gia phả được viết bằng bút máy với nét chữ rất đẹp ở trang đầu đã khiến tôi thật thích thú. Những từ ngữ cổ như thees và thous (nghĩa là mi, ngươi, người) khiến tôi hoàn toàn không hiểu, từ begats (cha của một người nào đó) thậm chí còn khiến tôi khó hiểu hơn. Tôi cho rằng toàn bộ quyển sách đóng trong bìa da màu đen này đã được Đức Chúa Trời trao cho con người.

Codex-Sinaiticus-46_779521c
Hầu hết mọi người có hiểu biết khá hơn tôi. Họ đã nghe được từ đâu đó rằng một vài sách đã bị loại bỏ khỏi Kinh Thánh nhưng họ không hiểu lý do vì sao. Có thể đó là do một nhóm người lãnh đạo giáo hội đã quyết định. Có thể vì một số sách kể về câu chuyện khác với câu chuyện mà chúng ta có trong Kinh Thánh. Có thể ở đâu đó đã diễn ra một cuộc họp kín để quyết định những sách nào thuộc về Kinh Thánh.
Một trong số những câu hỏi mà tôi thường được hỏi nhất về Kinh Thánh đó là về Kinh Điển Kinh Thánh (từ kinh điển: canon bắt nguồn từ chữ kanon trong tiếng Hy Lạp, dùng để mô tả một cây thước thẳng).1 Kinh điển là từ dùng để chỉ về quyết định giới hạn Kinh Thánh trong vòng sáu mươi sáu sách mà người Tin Lành xác nhận đó là lời Chúa. Trong thời gian gần đây, vấn đề về kinh điển bị khuấy động do một hiện tượng nổi bật trong ngành xuất bản sách, cuốn Mật Mã Da Vinci. Trong quyển sách bán chạy nhất của tác giả Dan Brown này, nhân vật “sử gia” Leigh Teabing đã giải thích cho nhân vật hoài nghi có tên Sophie Neveu rằng Constantine đã “nâng tầm của Giê-xu” từ con người trở nên một vị thần, và do đó ông cần phải “viết lại các sách lịch sử.” Và thế là “phong trào sâu rộng nhất trong lịch sử Cơ Đốc xảy ra” khi “Constantine đã chỉ đạo và cung cấp tài chính cho quyển Kinh Thánh mới, một quyển sách bỏ đi những phúc âm nói về đặc điểm nhân tính của Đấng Christ và thêm thắt cho những phúc âm nói về Ngài như một vị thần. Các sách phúc âm đầu tiên đã bị cấm, tập trung lại và đốt cháy.” Vậy tiểu thuyết gia này kết luận rằng: Kinh Thánh mà chúng ta đọc ngày nay đã được con người sáng tạo ra.
Câu chuyện thật sự lại rất khác.

Kinh Thánh Hê-bơ-rơ hình thành như thế nào?
Cơ Đốc Nhân thường gọi ba mươi chín sách từ Sáng thế ký đến Ma-la-chi là Cựu Ước, nhưng các trước giả Tân Ước lại không gọi như vậy. Khi bị giam trong ngục trước cái chết, Phao-lô đã viết thư cho Ti-mô-thê yêu cầu đem tới cho ông những cuộn sách và giấy da (II Ti-mô-thê 4:13), đó là bản sao của cuốn Kinh Thánh duy nhất mà ông được biết.
Phao-lô đã yêu cầu đem tới cho ông những cuộn sách khác nhau của Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Thứ tự trước sau của các cuộn sách không phải là điều quan trọng, bởi vì mỗi một cuộn sách hay nói cách khác là các sách được tách biệt với nhau. Khi sách hiện đại ra đời, các cuộn sách với duy nhất một tờ giấy dài được cắt ra và may lại với nhau. Chỉ khi đó thứ tự các sách trong Kinh Thánh mới bắt đầu trở nên quan trọng.
Hầu hết các học giả gọi các sách này một cách đúng đắn là Kinh Thánh Hê-bơ-rơ, nhằm tôn trọng niềm tin Do Thái mà họ thể hiện. Ban đầu Kinh Thánh Hê-bơ-rơ được chia thành Luật pháp, Tiên tri, và Văn thơ. Việc sắp sếp như thế này vẫn còn trong thời Đức Chúa Giê-xu. Khi Đức Chúa Giê-xu phục sinh đã phán cùng các môn đồ rằng: “Ấy đó là điều mà khi ta còn ở với các ngươi, ta bảo các ngươi rằng mọi sự đã chép về ta trong luật pháp Môi-se, các sách tiên tri, cùng các Thi Thiên phải được ứng nghiệm” (Lu-ca 24:44). Các Thi Thiên là đại diện cho các sách Văn thơ.
Khi Kinh Thánh Hê-bơ-rơ được phát triển, trước hết Luật pháp được viết ra và biên soạn. Tại đây, chúng ta thấy những quy định tôn giáo của niềm tin người Do Thái, bao gồm Mười Điều Răn và luật dành cho các thầy tế lễ trong việc thực hiện nghi thức và trong đời sống hằng ngày. Các câu chuyện lịch sử Hê-bơ-rơ trong thời ban sơ cũng được liệt vào nhóm này, từ câu chuyện sáng thế cho đến hành trình dân Israel đi đến trước bờ cõi Ca-na-an. Phần này được gọi là Torah, nghĩa là sự dạy dỗ. Sau này được chia thành năm phần, gọi là Ngũ kinh (nghĩa là Năm quyển sách):
– Sáng thế ký
– Xuất Ê-díp-tô-ký
– Lê-vi-ký
– Dân số ký
– Phục truyền luật lệ ký
Phần tiếp theo là Các sách tiên tri, người Do Thái gọi là Nebiim. Trong phần này bao gồm các bài viết mang tính tiên tri cũng như những câu chuyện lịch sử đã xảy ra trong thời bấy giờ.
Người Do Thái sắp xếp các tác phẩm này vào tám sách. Bốn sách đầu tiên được gọi là “Các sách tiên tri trước” (Former Prophets) bao gồm:
– Giô-suê
– Các quan xét
– I & II Sa-mu-ên
– I & II Các vua

n ninle
Xin lưu ý rằng Sa-mu-ên và Các vua chỉ có một sách bởi vì các sách này được tin rằng chúng do một tác giả và phản ánh một mục đích. Chúng ta thường cho các sách trên là các sách lịch sử, nhưng chúng ký thuật lại chức vụ tiên tri của các lãnh đạo Do Thái từ thời Giô-suê cho đến khi bị đế quốc Ba-by-lôn bắt phục và thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy (khoảng năm 586 trước Công Nguyên).
Bốn sách cuối cùng được gọi là “Các sách tiên tri sau” (Latter Prophets) bao gồm:
– Ê-sai
– Giê-rê-mi
– Ê-xê-chi-ên
– “Mười hai sách”
Các sách này kể lại câu chuyện của các tiên tri và lãnh đạo từ thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên cho đến gần cuối thời Cựu Ước. “Mười hai sách” chúng ta gọi là các sách “tiểu” tiên tri (tên gọi này được đặt ra là do các sách này ngắn hơn các sách tiên tri khác) bao gồm:
– Ô-sê
– Giô-ên
– A-mốt
– Áp-đia
– Giô-na
– Mi-chê
– Na-hum
– Ha-ba-cúc
– Sô-phô-ni
– A-ghê
– Xa-cha-ri
– Ma-la-chi
Cuối cùng là các sách “Văn thơ,” người Do Thái gọi là Ketubim. Một số được biên soạn từ các sách nhỏ hơn được viết ra trước đó (chẳng hạn như một số Thi Thiên của các cá nhân). Trong phần này Kinh Thánh Hê-bơ-rơ có mười một sách:
– Thi Thiên
– Châm ngôn
– Gióp
– Nhã ca
– Ru-tơ
– Ca thương
– Truyền đạo
– Ê-xơ-tê
– Đa-ni-ên
– Ê-xơ-ra và Nê-hê-mi
– I & II Sử ký
Tương tự như Sa-mu-ên và Các vua, sách Ê-xơ-ra và Nê-hê-mi và sách I & II Sử ký chỉ là một sách. Chúng ta cho rằng Ê-xơ-ra, Nê-hê-mi và I & II Sử ký là thể loại văn chương lịch sử, nhưng các sách này cũng chứa đựng các chỉ dẫn thuộc linh và khôn ngoan.
Kinh Thánh Hê-bơ-rơ bắt đầu với sách Sáng thế ký, như Kinh Thánh của chúng ta ngày nay. Nhưng Kinh Thánh Hê-bơ-rơ không kết thúc ở sách Ma-la-chi mà ở sách II Sử ký.
Các sách này được viết và biên soạn trải qua nhiều thế kỷ sử dụng. Công việc sao chép Kinh Thánh Hê-bơ-rơ được thực hiện một cách cực kỳ cẩn thận và tỉ mỉ. Những người sao chép dành trọn thời gian của họ cho nhiệm vụ này, và họ đã làm công việc đó với kỹ năng tuyệt vời. Bản “Masoretic Text” (bản Kinh Thánh Hê-bơ-rơ được sao chép bởi các học giả Do Thái từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 10) được bảo tồn với rất ít thay đổi từ thời Cựu Ước cho đến ngày nay.
Khi các Cuộn Biển Chết đầu tiên được phát hiện năm 1947, chúng ta đã có được bản sao Kinh Thánh Cựu Ước với niên đại gần một nghìn năm cũ hơn so với các bản sao mà chúng ta hiện có vào thời điểm đó. Chúng được những thầy tu khổ hạnh người Do Thái sao chép lại chủ yếu vào thế kỷ thứ nhất trước Chúa, họ sinh sống trong các hang động xung quanh khu vực Biển Chết. Rất ít sự thay đổi đã len lỏi vào văn bản qua nhiều thế kỷ, điều đó cho thấy Kinh Thánh Hê-bơ-rơ đã được bảo tồn một cách thành công mỹ mãn.
Sau đó, theo như truyền thống Do Thái kể lại, một hội đồng các Ra-bi và học giả đã được triệu tập tại Jamnia (hoặc Jabneh) tại bờ biển Địa Trung Hải phía tây Giu-đê vào năm 90 sau Công Nguyên và một lần khác vào năm 118 sau Công Nguyên. Họ đã họp về vấn đề đền thờ Giê-ru-sa-lem bị phá hủy năm 70 sau Công Nguyên và nhu cầu cần bảo tồn các văn bản thiêng liêng của họ. Cũng vậy, Kinh Thánh Cơ Đốc được phổ biến và các lãnh đạo Do Thái muốn lập ra Kinh Điển Kinh Thánh của họ để bảo vệ ảnh hưởng Cơ Đốc.
Hội đồng Jamnia đã chốt lại danh sách các sách trong Kinh Thánh Hê-bơ-rơ như chúng ta có ngày hôm nay, thừa nhận những gì mà người dân của họ đã chấp nhận là Lời Chúa trong nhiều thế kỷ qua. Josephus, sử gia Do Thái trong thế kỷ đầu tiên, đã ký thuật lại niềm tin của dân tộc ông về Kinh Thánh:
Chúng ta không có vô số những cuốn sách xung quanh mình, bất đồng và mâu thuẫn lẫn nhau, [như người Hy Lạp có] nhưng chúng ta chỉ có hai mươi hai sách, chứa đựng những ghi chép về các thời đại trong quá khứ; được tin một cách không thiên vị là sách đến từ trời.

(Còn nữa)

James C. Denison 

Trích từ “THE BIBLE – YOU CAN BELIEVE IT”

Translated by Vinh Hien   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn