Theo Lu-ca 3:1, Ly-sa-ni-a làm vua chư hầu xứ A-by-len khi Giăng Báp-tít bắt đầu chức vụ. Tuy nhiên chưa có bằng chứng nào chứng minh cho sự tồn tại của Ly-sa-ni-a cho đến khi một mẫu vật được tìm thấy ghi lại một lễ cung hiến đền thờ do ông thực hiện. Tên của ông, chức vị, và địa điểm hoàn toàn trùng khớp với mô tả của Lu-ca.10
Năm 1961, các cuộc khai quật tàn tích bên bờ biển Caesarea Maritima đã đưa ra ánh sáng một mẫu vật vào thế kỷ thứ nhất. Bị hư hại nghiêm trọng, mẫu vật ghi lại những dòng chữ ngắt quãng tiếng La-tin: Tiberieum… [Pon]tius Pilatus… [Praef]ectus Juda[ea]e. Dòng chữ này xác nhận Pontius Pilate là quận trưởng hay nói cách khác là người cai trị xứ Giu-đê.
Yhohnn Yehohanan là một nạn nhân của án tử hình trên thập giá, bị hành hình trong cuộc nổi dậy của người Do Thái năm 70 sau Công Nguyên. Năm 1968, hài cốt của ông đã được phát hiện. Chân của ông bị gãy, minh chứng cho cách của người Rô-ma đẩy nhanh cái chết cho nạn nhân. Những cây đinh xuyên qua cổ tay và cổ chân. Cái chết của ông hoàn toàn phù hợp với mô tả về việc Đức Chúa Giê-xu bị đóng đinh trong cách sách Phúc Âm (xem Giăng 19:17-32).
Lu-ca đã kể về mục vụ của Phao-lô tại thành Cô-rinh-tô và việc ông bị bắt bớ: “Lúc Ga-li-ôn đang làm quan trấn thủ xứ A-chai, người Giu-đa đồng lòng nổi lên nghịch cùng Phao-lô” (Công vụ các sứ đồ 18:12). Ga-li-ôn đã đuổi những người cáo buộc Phao-lô ra khỏi tòa án (Công vụ 18:16) và không khởi tố Phao-lô. Những người phê bình hoài nghi về tuyên bố của Lu-ca nói rằng Ga-li-ôn là “thống đốc” của xứ A-chai trong thời gian Phao-lô thi hành chức vụ tại đó. Sau này một mẫu vật được tìm thấy tại Delphi ghi lại chính xác chức danh của Ga-li-ôn; mẫu vật được xác định niên đại vào năm 51 sau Công Nguyên, là thời gian Phao-lô đang ở tại Cô-rinh-tô.
Ê-rát được nhắc đến trong Công vụ 19:22 là một trong số những người đồng lao với Phao-lô thi hành mục vụ tại thành Cô-rinh-tô. Các khai quật tại thành Cô-rinh-tô đã phát hiện một mẫu vật ghi rằng: “Ê-rát, người thay quyền và quan thị chính, đã xây đường này bằng tiền của ông.”
Ứng nghiệm lời tiên tri
Đức Chúa Giê-xu nhiều lần biện hộ cho mình bằng những tiên tri trong Cựu Ước nói về chính Ngài:
– Khi bắt đầu chức vụ, Đức Chúa Giê-xu đọc một tiên tri nói về Đấng Mê-si từ trong Ê-sai 61. Sau đó Đức Chúa Giê-xu nói với đám đông đang chờ đợi rằng: “Hôm nay đã được ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà các ngươi mới vừa nghe đó” (Lu-ca 4:21).
– Ngài nói với những người chỉ trích Ngài rằng: “Các ngươi dò xem Kinh Thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: ấy là Kinh Thánh làm chứng về ta vậy. Các ngươi không muốn đến cùng ta để được sự sống!… Vì nếu các ngươi tin Môi-se, cũng sẽ tin ta; bởi ấy là về ta mà người đã chép” (Giăng 5:39-40, 46).
– Tại bữa tiệc lễ Vượt Qua cuối cùng, Đức Chúa Giê-xu căn dặn các môn đồ: “Vì ta rao cho các ngươi, có lời chép rằng: Ngài đã bị kể vào hàng kẻ dữ. Lời ấy phải ứng nghiệm về chính mình ta. Thật vậy, sự đã chỉ về ta hầu được trọn” (Lu-ca 22:37).
– Khi bị bắt, Đức Chúa Giê-xu nói với đám đông: “Nhưng mọi điều ấy phải xảy đến, hầu cho những lời các đấng tiên tri đã chép được ứng nghiệm” (Ma-thi-ơ 26:56).
– Trong đêm Chủ Nhật phục sinh đầu tiên, Ngài nói chuyện cùng hai môn đồ đang đi về Em-ma-út rằng: “Hỡi những kẻ dại dột, có lòng chậm tin lời các đấng tiên tri nói! Há chẳng phải Đấng Christ chịu thương khó thể ấy, mới được vào sự vinh hiển mình sao? Đoạn, Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh” (Lu-ca 24:25-27).
– Sau khi phục sinh, Đức Chúa Giê-xu nói cùng những môn đồ đang đầy kinh ngạc rằng: “Mọi sự đã chép về ta trong luật pháp Môi-se, các sách tiên tri, cùng các Thi Thiên phải được ứng nghiệm” (Lu-ca 24:44).
Kinh Thánh Tân Ước cũng đưa ra những lời tương tự, nhiều lần tuyên bố Đức Chúa Giê-xu làm ứng nghiệm các lời tiên tri trong Cựu Ước nói về Đấng Mê-si:
– Trong ngày lễ Ngũ tuần, Phi-e-rơ trích dẫn những lời tiên tri từ Giô-ên 2, Thi Thiên 16, và Thi Thiên 110 nhằm công bố Đức Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si-a mà Đức Chúa Trời đã hứa (Công vụ 2:14-36).
– Sau đó Phi-e-rơ giải thích về việc Đức Chúa Giê-xu chịu đóng đinh trên thập tự giá cho một đoàn dân đông tại thành Giê-ru-sa-lem: “ Nhưng Đức Chúa Trời đã dùng cách đó mà ban cho ứng nghiệm lời Ngài phán tiên tri bởi miệng các đấng tiên tri rằng Đấng Christ của Ngài phải chịu đau đớn” (Công vụ 3:18).
– Phi-e-rơ nói cùng Cọt-nây rằng: “Hết thảy các đấng tiên tri đều làm chứng nầy về Ngài rằng hễ ai tin Ngài thì được sự tha tội vì danh Ngài” (Công vụ 10:43).
– Khi Phao-lô đến thành Tê-sa-lô-ni-ca: “Phao-lô tới nhà hội theo thói quen mình, và trong ba ngày Sa-bát bàn luận với họ, lấy Kinh Thánh cắt nghĩa và giải tỏ tường về Đấng Christ phải chịu thương khó, rồi từ kẻ chết sống lại. Người nói rằng Đấng Christ nầy, tức là Đức Chúa Jêsus mà ta rao truyền cho các ngươi” (Công vụ 17:2-3).
– Phao-lô nói về thông điệp của mình là “Tin Lành xưa kia Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri Ngài mà hứa trong Kinh Thánh” (Rô-ma 1:2).
– Thông điệp của Phao-lô có thể được tóm tắt lại như sau: “Vả trước hết tôi đã dạy dỗ anh em điều mà chính tôi đã nhận lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh Thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh Thánh” (I Cô-rinh-tô 15:3-4).
Rõ ràng, nếu Đức Chúa Giê-xu không phải là Đấng làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Cựu Ước về Đấng Mê-si, cả Đức Chúa Giê-xu lẫn các môn đệ của Ngài đều là những kẻ lừa gạt tồi tệ nhất. Phong trào của họ hoàn toàn dựa trên tuyên bố Đức Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si mà Đức Chúa Trời đã hứa. Cho đến nay tuyên bố ấy vẫn y nguyên.
Các tiên tri giới thiệu về Đấng Mê-si
Hơn 300 lần Kinh Thánh Cựu Ước tuyên bố hoặc dự ngôn về Đấng Mê-si sẽ đến. Đức Chúa Giê-xu đã ứng nghiệm tất cả mọi lời tiên tri. Hầu hết các học giả xác định niên đại cho sách Ma-la-chi, quyển sách cuối cùng của Cựu Ước, là vào khoảng năm 400 Trước Công Nguyên, chứng tỏ rằng những dự ngôn này không được đề ra trong thời của Đức Chúa Giê-xu. Những dịch giả tạo nên bản Kinh Thánh Septuagint, bản Kinh Thánh Cựu Ước tiếng Hy Lạp, bắt đầu công việc của họ vào khoảng năm 250 trước Công Nguyên. Chính vì vậy mà ít nhất khoảng cách thời gian từ những sự dự ngôn cuối cùng được tuyên bố cho đến khi Đức Chúa Giê-xu làm ứng nghiệm các lời dự ngôn là hơn hai thế kỷ.
Sau đây là một số các lời tiên tri chính được liệt kê theo trình tự thời gian đời sống của Đức Chúa Giê-xu trên đất:
– Bởi một người nữ sanh ra (Sáng thế ký 3:15; Ga-la-ti 4:4)
– Được sinh ra từ một người nữ đồng trinh (Ê-sai 7:14; Ma-thi-ơ 1:18, 24-25; Lu-ca 1:26-35)
– Dòng dõi Áp-ra-ham (Sáng thế ký 22:18; Ma-thi-ơ 1:1; Ga-la-ti 3:16)
– Dòng dõi Y-sác (Sáng thế ký 21:12; Lu-ca 3:23, 34; Ma-thi-ơ 1:1-2)
– Dòng dõi Gia-cốp (Dân số ký 24:17; Lu-ca 3:23, 34)
– Thuộc chi phái Giu-đa (Mi-chê 5:2; Lu-ca 3:23, 33; Ma-thi-ơ 1:1-2)
– Từ dòng dõi gia đình Giê-se (Ê-sai 11:1; Lu-ca 3:23, 32; Ma-thi-ơ 1:1, 6)
– Từ nhà Đa-vít (Giê-rê-mi 23:5; Lu-ca 3:23, 31; Ma-thi-ơ 1:1)
– Sinh ra tại thành Bết-lê-hem (Mi-chê 5:2; Ma-thi-ơ 2:1)
– Được dâng những lễ vật (Thi Thiên 72:10; Ma-thi-ơ 2:1, 11)
– Các con trẻ trong khu vực mà Chúa giáng sinh sẽ phải bị tàn sát (Giê-rê-mi 31:15; Ma-thi-ơ 2:16)
– Được Đức Thánh Linh xức dầu (Ê-sai 11:2; Ma-thi-ơ 3:16-17)
– Một sứ giả đi trước Ngài (Ê-sai 40:3; Ma-la-chi 3:1; Ma-thi-ơ 3:1-2)
– Thi hành chức vụ tại Ga-li-lê (Ê-sai 9:1; Ma-thi-ơ 4:12-17)
– Thực hiện những phép lạ (Ê-sai 35:5-6; Ma-thi-ơ 9:35)
– Cưỡi một con lừa tiến vào thành Giê-ru-sa-lem (Xa-cha-ri 9:9; Lu-ca 19:35-37)
– Ngài sẽ bị phản bội (Thi Thiên 41:9; Ma-thi-ơ 10:4)
– Bị các môn đệ từ bỏ (Xa-cha-ri 13:7; Mác 14:50)
– Bị người ta lấy chứng dối mà buộc tội Ngài (Thi Thiên 35:11; Ma-thi-ơ 26:59-60)
– Ngài im lặng trước những người cáo buộc (Ê-sai 53:7; Ma-thi-ơ 27:12)
– Bị thương và chịu đau khổ (Ê-sai 53:5; Ma-thi-ơ 27:26)
– Bị trừng phạt và bị khạc nhổ (Ê-sai 5-:6; Ma-thi-ơ 26:67)
– Bị coi khinh (Thi Thiên 22:7-8; Ma-thi-ơ 27:29)
– Tay và chân bị đâm xuyên (Thi Thiên 22:16; Lu-ca 23:33)
– Chịu đóng đinh cùng với những tên trộm (Ê-sai 53:12; Ma-thi-ơ 27:38)
– Cầu nguyện cho những người đã bắt bớ mình (Ê-sai 53:12; Lu-ca 23:34)
– Những người bạn đứng đằng xa (Thi Thiên 38:11; Lu-ca 23:49)
– Áo Ngài bị xé và bắt thăm để chia cho nhau (Thi Thiên 22:18; Giăng 19:23-24)
– Chịu khát (Thi Thiên 69:21; Giăng 19:28)
– Họ cho Ngài mật đắng và giấm (Thi Thiên 69:21; Ma-thi-ơ 27:34)
– Chịu Đức Chúa Trời từ bỏ (Thi Thiên 22:1; Ma-thi-ơ 27:46)
– Phó thác chính Ngài vào tay Đức Chúa Trời (Thi Thiên 31:5; Lu-ca 23:46)
– Xương Ngài không bị gãy (Thi Thiên 34:20; Giăng 19:33)
– Hông Ngài bị giáo đâm (Xa-cha-ri 12:10; Giăng 19:34)
– Được chôn trong mộ của người giàu (Ê-sai 53:9; Ma-thi-ơ 27:57-60)
– Được sống lại từ cõi chết (Thi Thiên 16:18; Công vụ các sứ đồ 2:31)
– Thăng thiên về trời (Thi Thiên 68:18; Công vụ các sứ đồ 1:9)
– Ngồi bên hữu Đức Chúa Trời (Thi Thiên 110:1; Hê-bơ-rơ 1:3)
Rõ ràng, các lời tiên tri trong Kinh Thánh được ứng nghiệm. Nhân vật trọng tâm của Kinh Thánh: Đấng Mê-si của Đức Chúa Trời.
Kết luận
Các bằng chứng khảo cổ và các bằng chứng bên ngoài Kinh Thánh minh chứng cho Con Đức Chúa Trời chính là những điều chúng ta kỳ vọng tìm thấy. Các sử gia Rô-ma ít chú ý đến đời sống và sự chết của Đức Chúa Giê-xu cho đến khi phong trào của Ngài bắt đầu lớn mạnh trong toàn Đế Quốc. Bằng chứng khảo cổ học cung cấp thông tin về sự tồn tại của hầu hết các vị vua nổi bật trong Cựu Ước và những lãnh đạo được nhắc đến trong Tân Ước. Các ghi chú khảo cổ không mâu thuẫn với Kinh Thánh. Thay vào đó, chúng ta tìm thấy được những bằng chứng bên ngoài Kinh Thánh để xác nhận những điều mà chúng ta đọc được trong Kinh Thánh.
Ứng nghiệm lời tiên tri là một khía cạnh khác. Tại đây chúng ta thấy bằng chứng vượt hơn sự hiểu biết của con người. Nhìn chung, những ký thuật lịch sử bên ngoài Kinh Thánh, bằng chứng khảo cổ, và những lời tiên tri được ứng nghiệm tiếp tục cho chúng ta những lý do để tin vào thẩm quyền Lời Chúa trong ngày hôm nay.
(Còn nữa)
James C. Denison
Trích từ “THE BIBLE – YOU CAN BELIEVE IT”
Translated by Vinh Hien