Sử gia Do Thái nổi bật nhất trong thế giới cổ đại đó là Flavius Josephus (khoảng năm 37-97 sau Công Nguyên). Sinh ra tại thành Giê-ru-sa-lem, Josephus thuộc gia đình thầy tế lễ có địa vị cao và được tiếp nhận nền giáo dục ở phạm vi rộng. Vào tuổi mười chín, ông gia nhập dòng Pha-ri-si. Ông đã chống đối Rô-ma trong cuộc nổi dậy của người Do Thái bắt đầu từ năm 66 sau Công Nguyên, nhưng sau này ông là người lãnh đạo dưới thời Vespasian tại thành Giê-ru-sa-lem.
Sau khi đền thờ Do Thái bị phá hủy vào năm 70 sau Công Nguyên, Josephus di chuyển đến Rô-ma. Tại đó ông là sử gia trong triều đình Quốc Vương Vespasian. Trong số các tác phẩm của Josephus có cuốn Lịch sử chiến tranh Do Thái, Việc đời xưa (Antiquity); Tự truyện; và Chuyện đời xưa của người Do Thái (On the Antiquity of the Jews).
Trong cuốn Việc đời xưa, Đức Chúa Giê-xu được nhắc đến hai lần. Lần đầu tiên là: Ananias “đã triệu tập một hội đồng tôn giáo của người Do Thái, dẫn Gia-cơ đến trước họ, là em của Giê-xu gọi là Christ, và một số người khác… và ông lệnh ném đá họ” (Việc đời xưa 20:9:1). Xin lưu ý rằng Josephus đề cập đến Đức Chúa Giê-xu mà không có bất cứ bình luận hoặc giải thích chi tiết nào, có thể là dựa trên phát biểu trước đó của ông trong Việc đời xưa nói về Đức Chúa Giê-xu (xem phần tham khảo tiếp theo, Testimonium Flavianum). Nếu là vậy, phần văn bản trong Việc đời xưa xác nhận tính chất xác thực của văn bản trước đó. Cũng vậy, nó thể hiện cho chúng ta thấy rằng nhân vật Giê-xu rất quan trọng, bởi vì nhân vật này có thể được xác định khi nêu tên mà không cần giải thích thêm.
Phần tham khảo trong Việc đời xưa viết rằng:
“Khi ấy, trong khoảng thời gian này xuất hiện Giê-xu, một người thông thái. Bởi vì ông ấy là người làm những công việc tuyệt diệu, một người thầy của những người nam tiếp nhận lẽ thật với lòng vui sướng. Rất nhiều người Do Thái lẫn người ngoại đến với ông. Ông là Đấng Christ. Khi Pilate, chiếu theo kiến nghị của những người đứng đầu giữa vòng chúng ta, đã đóng đinh Giê-xu trên thập tự giá. Những người lúc đầu yêu mến ông ấy đã không từ bỏ ông, bởi vì ông xuất hiện trước họ là một người sống lại từ cõi chết vào ngày thứ ba, như những lời tiên tri đã nói trước về những việc này và mười vạn điều tuyệt diệu khác liên quan đến ông. Nhóm người Cơ Đốc, được đặt tên từ Christ vẫn còn cho đến ngày nay.”
Nếu phần tham khảo trên là đáng tin cậy thì tài liệu này đã công bố một điều vô cùng ý nghĩa về thần tính và sự phục sinh của Đức Chúa Giê-xu. Bởi vì Josephus có được thông tin trực tiếp nên phát biểu của ông là cực kỳ quan trọng.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà diễn giải không tin những yếu tố Cơ Đốc duy nhất trong bản văn này là do Josephus viết ra. Thay vào đó, họ xác nhận rằng những sự thật cơ bản của Việc đời xưa có thể được chấp nhận là có thực, với những ý kiến diễn giải thần học. Như vậy, tài liệu này là một ký thuật quan trọng của người Do Thái về những sự thật căn bản của cuộc đời Đức Chúa Giê-xu, sự chết và sự phục sinh được kể lại của Ngài.
Truyền thống Talmud (bộ sưu tập các văn kiện Do Thái cổ đại) cung cấp thêm thông tin xác nhận về sự hiện diện của Đức Chúa Giê-xu. Talmud là một bộ sưu tập các truyền thống Do Thái truyền miệng được hoàn thành vào khoảng năm 200 sau Công Nguyên. Bản ký thuật của các truyền thống truyền miệng được gọi là Mishnah. Các lời chú thích cổ cho tài liệu này là Gemara. Mishnah và Gemara kết hợp lại thành Talmud.
Chúng ta có lý do tin rằng Talmud có thành kiến về Đức Chúa Giê-xu.
Điều đáng lưu ý đó là những người đã viết nên những tài liệu bác bỏ Đức Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si đã không bác bỏ sự tồn tại của Ngài. Việc bác bỏ sự tồn tại của Đức Chúa Giê-xu có thể là cách dễ dàng nhất để hạ bệ phong trào Cơ Đốc đang lớn mạnh lên. Tuy nhiên những tác giả này vì sống rất gần với thời điểm chức vụ của Đức Chúa Giê-xu trên đất nên họ biết những tuyên bố như vậy cần phải bị bác bỏ. Chính vì vậy thậm chí khi họ mạnh mẽ chống lại làn sóng Cơ Đốc cũng là một minh chứng cho sự tồn tại của Đức Chúa Giê-xu.
Các ký thuật Cơ Đốc vào buổi ban đầu
Các tác giả Cơ Đốc đầu tiên đã viết ra hàng loạt những văn kiện quan trọng về đời sống và tầm quan trọng của Đức Chúa Giê-xu. Rất nhiều trong số những tài liệu ấy chứa đựng những sự thật mang tính sống còn để chứng minh về Đấng Christ. Chúng ta có thể kỳ vọng những tài liệu này phản ánh cách tích cực về niềm tin Cơ Đốc của các tác giả. Điều quan trọng đó là những cam kết đức tin này được lập nên ở thời gian đầu tiên trong lịch sử Cơ Đốc, không phải là sản phẩm tiến triển qua nhiều thế hệ và các biến cố chính trị.
– Clememnt, giám mục của Hội thánh Rô-ma (năm 95 sau Công Nguyên) thường được cho là tác giả Cơ Đốc nói đến những dữ kiện bên ngoài Kinh Thánh sớm nhất. Là người đứng đầu các trưởng lão tại Hội Thánh Rô-ma. Ông đã viết Thư gửi Hội Thánh Cô-rinh-tô, cũng được gọi là 1 Clement, để giúp giải quyết một tranh chấp giữa những người ngoại và các trưởng lão trong Hội Thánh Cô-rinh-tô. Bức thư của ông nêu lên thần tánh của Đấng Christ và sự ủy thác thẩm quyền bởi Đấng Christ trên các sứ đồ của Ngài. Clememt neo thẩm quyền phúc âm trên sự phục sinh của Đấng Christ.
– Ignatius (khoảng năm 110 sau Công Nguyên) đã viết bảy bức thư cho sáu Hội Thánh và một cá nhân (Polycarp). Lúc đó Polycarp sắp bị hành hình tại Rô-ma. Bức thư của Ignatius gửi đến Hội Thánh Trallians cung cấp thông tin về dòng dõi của Đức Chúa Giê-xu, đời sống, sự đóng đinh trên cây thập tự và sự sống lại của Ngài. Thư tín của ông gửi đến Hội Thánh Smyrneans xác nhận dòng dõi của Đức Chúa Giê-xu và việc Ngài được sinh ra bởi người nữ đồng trinh, sự báp-têm, đóng đinh trên thập tự giá và sự sống lại của Ngài. Bức thư của ông gửi đến cho Hội Thánh Magnesians xác nhận sự thật về sự giáng sinh của Đức Chúa Giê-xu, sự chết và phục sinh của Ngài.
– Quadratus (khoảng năm 125 sau Công Nguyên) cung cấp tài liệu biện giáo đầu tiên cho tính chất có thật trong lịch sử của những phép lạ mà Đức Chúa Giê-xu đã thực hiện.
– Thư của Ba-na-ba (khoảng năm 100-130) cho thấy Đức Chúa Giê-xu làm trọn luật pháp Cựu Ước.
– Justin Tử Đạo (khoảng năm 100-165) cung cấp các bài nghiên cứu rất dài nhưng vô cùng quan trọng và ý nghĩa về tính chất lịch sử có thật của Đức Chúa Giê-xu. Cuốn Biện giáo đầu tiên (First Apology) cung cấp tài liệu về đời sống của Đức Chúa Giê-xu, sự chết và phục sinh của Ngài.
Những tài liệu kể trên và những tài liệu Cơ Đốc đầu tiên khác minh chứng rằng đời sống trên đất của Đức Chúa Giê-xu và chức vụ của Ngài là có thật trong lịch sử. Những văn kiện trên được viết ra trong thời gian mà những tuyên ngôn trong đó dễ dàng bị phản bác nếu chúng không phải là sự thật. Những bức thư Cơ Đốc vào thời ban đầu này sao chép lại rất nhiều từ Kinh Thánh Tân Ước và chúng là những bằng chứng độc lập để chứng minh cho tính đáng tin cậy cùng thẩm quyền của Kinh Thánh.
Chính vì vậy, dựa trên những bằng chứng bên ngoài Kinh Thánh, chúng ta có thể biết rằng:
– Đức Chúa Giê-xu đã từng hiện diện trên đất.
– Ngài bị Pontius Pilate đóng đinh.
– Những Cơ Đốc Nhân đầu tiên tin rằng Đức Chúa Giê-xu sống lại từ cõi chết.
– Hội Thánh đầu tiên thờ phượng Đức Chúa Giê-xu là Chúa và là Đức Chúa Trời.
– Những người Do Thái đối lập cố gắng phỉ báng Đức Chúa Giê-xu nhưng họ không bao giờ chối bỏ sự hiện diện của Ngài trên đất.
– Niềm tin Cơ Đốc được lập nên trong lịch sử Hội Thánh ngay từ thuở ban đầu và không phải là sự sáng tạo của những người sau này xem xét lại nghĩ ra.
Đế Quốc Rô-ma đàn áp làn sóng Cơ Đốc bởi vì người Cơ đốc tuyên bố rằng ngoài Đức Chúa Giê-xu thì không có ai là vua. Không cách nào giải thích cho đức tin vững chắc của họ, dũng khí, và về việc phong trào của họ lan tỏa nhanh chóng ngoại trừ nguyên nhân duy nhất là Đấng Christ hằng sống đã thay đổi đời sống của họ và thêm sức mạnh đức tin của họ. Hàng ngàn người đã tử đạo, và con số đó còn nhân lên bởi vì cam kết đức tin của họ với Đức Chúa Giê-xu.
Chính vì vậy các bằng chứng bên ngoài Kinh Thánh minh chứng cho tuyên bố trọng tâm của Kinh Thánh là đáng tin cậy, tuyên bố đó là: Đức Chúa Giê-xu là Chúa. Những sự kiện có thật trong lịch sử là bằng chứng tuyệt vời cho thẩm quyền của Quyển Sách ghi lại đời sống và chức vụ của Ngài.
Bằng chứng khảo cổ học chứng minh cho Kinh Thánh
Chúng ta không chỉ có những bằng chứng bên ngoài Kinh Thánh nổi bật để chứng minh cho chủ đề trọng tâm của Kinh Thánh, nhưng chúng ta cũng có những dữ liệu khảo cổ học tuyệt vời là bằng chứng cho phần còn lại của Kinh Thánh. Sau đây chỉ là một số ít các ví dụ, được nêu lên theo trình tự của Kinh Thánh.
Các khám phá về thời Cựu Ước
Năm 1993, khi các nhà khảo cổ người Israel đang sàn lọc những mảnh vụn của thành cổ đổ nát Đan ở Ga-li-lê. Họ đã phát hiện một mẫu vật có chữ viết trên đó, đây là mảnh vỡ của một “tấm bia” (bia kỷ niệm) và được xác định niên đại vào thế kỷ thứ chín trước Chúa. Tấm bia tưởng niệm chiến thắng của vua Đa-mách trước vua Israel và nhà Đa-vít. Mẫu vật ghi rõ ràng dòng chữ “Nhà Đa-vít.”
Các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện ra những bằng chứng đầy ấn tượng về sự giàu có của Sa-lô-môn và những công trình xây dựng của ông. Các công trường khai quật tại Hazor, Megiddo, và Gezer cho ta cái nhìn thấu suốt về thời đại Sa-lô-môn trị vì. Một phần ngôi đền thờ Sa-lô-môn đã xây vẫn còn đứng ở phía đông của Núi Đền.
Sử ký của người Ba-by-lôn ghi lại việc phá hủy Giê-ru-sa-lem cũng tương đồng với ký thuật Kinh Thánh về bi kịch này. Cũng vậy, tàn tích của cung điện vua Nê-bu-cát-nết-sa đã được phát hiện, chứng minh rằng vị vua này đã từng hiện diện và đóng một vai trò cực kỳ quan trọng ở Trung Đông thời cổ đại.
(Còn nữa)
James C. Denison
Trích từ “THE BIBLE – YOU CAN BELIEVE IT”
Translated by Vinh Hien