- Ân điển của Đức Chúa Trời.
Nghĩa của từ ân điển là ân huệ được ban cho đối tượng không xứng đáng. Nó là món quà từ TRỜI mà chúng ta không đủ xứng đáng để nhận. Một ai đó đã nói, “Chúng ta mắc một món nợ không thể trả nổi, và rồi Christ đã trả món nợ ấy mặc dù Ngài không nợ. Bây giờ chúng ta nhận được món quà mà chúng ta không xứng đáng để nhận.”
Nhờ Đấng Christ, TRỜI tiếp nhận chúng ta. “bởi sự thương yêu của Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên con nuôi của Ngài bởi Đức Chúa Jêsus Christ, theo ý tốt của Ngài, để khen ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài đã ban cho chúng ta cách nhưng không trong Con yêu dấu của Ngài!” (Ê-phê-sô 1:5-6)
Công lý và luật pháp đòi hỏi sự trả giá cho tội lỗi. Nhưng TRỜI yêu thương và Ngài có chương trình tốt đẹp dành cho con người. “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết. “ (Rô-ma 5:8). Và rồi chúng ta “nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Jêsus Christ.” (Rô-ma 3:24).
Ân điển của Đức Chúa Trời biểu lộ tại thập tự giá của Đấng Christ. “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình.” (Ê-phê-sô 2:8-9)
KẾT LUẬN
Điều quan trọng cần nhớ là sự hiệp nhất của tất cả các thuộc tính của Đức Chúa Trời được hòa quyện với nhau như trong một bản nhạc giao hưởng. Chúng ta không nên nhấn mạnh thuộc tính A, nhưng lại phớt lờ thuộc tính B.
Đức Chúa Trời yêu thương phải lẽ, và Ngài cũng công bằng trong tình yêu. Ngài công nghĩa nhưng cũng đầy sự thương xót. Ngài là Đức Chúa Trời chân thật trong toàn thể các thuộc tính của Ngài.
A.W. Tozer đã viết:
“Thật là bình an khi chúng ta nhận ra Cha thiên thượng không bao giờ thay đổi bản tính Ngài. Khi đến với Ngài bất cứ lúc nào, chúng ta không cần hỏi tâm trạng của Ngài lúc này có dễ chịu hay không. Ngài luôn ở đó với một tấm lòng mở ra và bao dung. Đức Chúa Trời không thay đổi trong các thuộc tính của Ngài về bất cứ điều gì. Ngài hướng đến con người bao gồm tất cả những ai đang sa ngã, đau ốm, khủng hoảng….và Ngài đã sai Con Một của Ngài vào thế gian để phục hòa nhân loại trở về với Ngài.”5
Đức Chúa Trời Đang Làm Gì?
“Hỡi Đức Giê-hô-va, công việc Ngài nhiều biết bao!”
Thi thiên 104:24
Đức Chúa Trời không phải chỉ ngự trên thiên đàng và không làm gì cả. Chúa Jesus phán dạy với chúng ta về điều này, “Cha ta làm việc cho đến bây giờ, ta đây cũng làm việc như vậy.” (Giăng 5:17)
Kinh Thánh cho chúng ta biết, “Công việc Đức Giê-hô-va đều lớn lao.” (Thi. 111:2). “Đức Giê-hô-va là công bình trong mọi đường Ngài,
Hay làm ơn trong mọi công việc Ngài.” (Thi. 145:17). “Đức Giê-hô-va làm lành cho muôn người,
Sự từ bi Ngài giáng trên các vật Ngài làm nên.” (Thi. 145:9). Và trước giả Thi thiên viết, “Nguyện Đức Giê-hô-va vui vẻ về công việc Ngài.” (Thi. 104:31). Bây giờ chúng ta thử nhìn vào công việc của TRỜI được bày tỏ trong Kinh Thánh.
Kế Hoạch Của Đức Chúa Trời.
1.TRỜI đang làm việc theo một kế hoạch đời đời.
Kinh Thánh tiết lộ cho chúng ta biết Đức Chúa Trời đang làm việc theo một kế hoạch đời đời. “Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta…trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời.” (Ê-phê-sô 1:4)
Đức Chúa Trời toàn tri, có quyền năng vô hạn đã lên kế hoạch cho tất cả mọi điều. Không có điều nào xảy ra khiến Ngài phải ngạc nhiên. Ngài thiết lập các định luật vật lý cho sự vận hành của vũ trụ. Ngài có chương trình cho tất cả cõi sáng tạo bao gồm con người. Chúng ta được tạo nên theo hình ảnh của TRỜI để làm chức quản gia trên những gì Ngài giao phó. “Chúa làm người kém Đức Chúa Trời một chút,
Đội cho người sự vinh hiển và sang trọng.
Chúa ban cho người quyền cai trị công việc tay Chúa làm,
Khiến muôn vật phục dưới chân người.” (Thi. 8:5-6)
Đức Chúa Trời phán với chúng ta, “Vì ta biết kế hoạch ta dành cho các ngươi, là kế hoạch bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy trong lúc cuối cùng của mình.” (Giê-rê-mi 29:11). Kế hoạch của TRỜI luôn luôn đúng vì Ngài không bao giờ phạm sai lầm.1
- Đức Chúa Trời bày tỏ kế hoạch của Ngài trong Kinh Thánh.
Đức Chúa Trời sáng tạo nên hoàn vũ, và rồi cuối cùng Ngài tạo nên con người, và ban cho con người quyền cai trị những công việc do tay Ngài làm. Vì Đức Chúa Trời thông hiểu mọi sự, nên dĩ nhiên Ngài biết A-đam – con người đầu tiên sẽ không vâng lời. Và rồi cả A-đam và Ê-va bị trục xuất khỏi vườn Ê-đen. Nhưng trong Sáng thế ký 3:15 Đức Chúa Trời phán, “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người.” Trong câu này TRỜI đã công bố kế hoạch của Ngài. Đó là dòng dõi người nữ sẽ đến để giày đạp đầu con rắn là Satan. “Vả, các lời hứa đã được phán cho Áp-ra-ham và cho dòng dõi người. Không nói: Và cho các dòng dõi người, như chỉ về nhiều người; nhưng nói: Và cho dòng dõi ngươi, như chỉ về một người mà thôi, tức là Đấng Christ.” (Ga-la-ti 3:16)
- Đức Chúa Trời chọn một gia đình để thực hiện kế hoạch của Ngài.
Đức Chúa Trời chọn Áp-ra-ham và gia đình ông. “Đức Giê-hô-va có phán cùng Áp-ram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho.” (Sáng. 12:1). Từ gia đình Áp-ra-ham các dân tộc khác sẽ nhận được phước. “Đức Chúa Trời sẽ xưng dân ngoại là công bình bởi đức tin, nên đã rao truyền trước cho Áp-ra-ham tin lành nầy: Các dân sẽ nhờ ngươi mà được phước.” (Ga-la-ti 3:8). Từ dòng dõi tuyển dân Israel, Đức Chúa Jesus được sinh ra và Ngài trở thành của lễ hy sinh cho tội lỗi của toàn thể nhân loại. Nhờ vào ân điển của TRỜI, bất cứ ai tiếp nhận Đấng Christ bởi đức tin sẽ được phục hòa lại với Ngài. “Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta nhờ Đấng Christ mà được hòa thuận lại cùng Ngài.” (2 Côr. 5:18).
- Đấng Christ sẽ trở lại trái đất.
Theo kế hoạch của Đức Chúa Trời, Đấng Christ sẽ tái lâm và Satan bị xử lý. Sự phán xét sẽ đến với Vị Quan Tòa tối cao là Đức Chúa Trời. Những ai từ chối Chúa Jesus sẽ bị tách biệt khỏi TRỜI mãi mãi và đi đến chỗ hư mất đời đời. Tất cả những ai tiếp nhận Christ sẽ được đồng trị với Ngài đời đời.
- Đức Chúa Trời hoạch định kế hoạch của Ngài trong từng chi tiết.
Đức Chúa Trời biết trước những biến cố, sự kiện của lịch sử con người sẽ xảy ra ở đâu, khi nào. Cho dù bất kỳ một thế lực nào cản trở kế hoạch của Ngài, cuối cùng kế hoạch ấy vẫn thành tựu. Không ai có thể phá hỏng chương trình của Ngài.
Trong Kinh Thánh có nhiều câu chuyện minh họa cho điều này. Giô-sép là một câu chuyện điển hình. “Giô-sép, tuổi mười bảy, chăn chiên với các anh mình; người đi kết bạn cùng con của Bi-la và con của Xinh-ba, hai vợ cha mình. Giô-sép thuật lại với cha các chuyện xấu của họ nói. Vả, Y-sơ-ra-ên thương yêu Giô-sép hơn những con trai khác, vì là con muộn mình, nên may cho chàng một cái áo dài có nhiều sắc. Các anh thấy cha thương Giô-sép hơn bọn mình, bèn sanh lòng ganh ghét, chẳng có thế lấy lời tử tế nói cùng chàng được.” (Sáng. 37:2-4)
Câu chuyện tiếp diễn sau đó với hai điềm chiêm bao của Giô-sép. Trong chiêm bao đó Giô-sép sẽ trở thành người lãnh đạo. Giô-sép thuật lại các điềm chiêm bao này với anh em của mình. Họ lại càng ghen ghét chàng hơn nữa.
Khi các anh của Giô-sép đang chăn chiên ngoài đồng. Giô-sép được cha sai ra đồng để xem các anh và bầy chiên như thế nào. Và rồi các anh của Giô-sép đã thực hiện một kế hoạch:
“ Các anh thấy chàng đi ở đàng xa, chưa đến gần, thì đã lập mưu để giết chàng. Chúng bèn nói nhau rằng: Kìa, thằng nằm mộng đến kia! Bây giờ, nào! Chúng ta hãy giết nó đi, quăng xuống một cái hố nước nào đó; đoạn ta sẽ nói rằng nó đã bị thú rừng xé ăn, rồi sẽ xem các điềm chiêm bao của nó ra sao. Ru-bên nghe qua lời đó, liền giải cứu chàng ra khỏi tay các anh mà rằng: Chúng ta đừng giết chết nó; lại tiếp: Chúng ta chớ nên làm đổ máu ra; hãy liệng nó trong cái hố nước nơi đồng vắng kia, và đừng tra tay vào mình nó. Người nói vậy, có ý muốn giải cứu chàng khỏi tay họ, để trả chàng về cùng cha mình. Vừa khi Giô-sép đến gần các anh, họ bèn lột áo chàng, là áo có nhiều sắc đương mặc trong mình; rồi, bắt chàng đem quăng trong hố nước. Vả, hố khô cạn, chẳng có nước.” (Sáng . 37:18-24)
Sau đó Giô-sép được kéo lên khỏi hố và các anh em bán Giô-sép cho đoàn thương lái dân Ích-ma-ên. Để đánh lừa cha già Gia-cốp, họ tiếp tục hành động:
“Các anh giết một con dê đực rồi lấy áo Giô-sép nhúng vào trong máu; đoạn, gởi cái áo nhiều sắc đó đem về cho cha mình và dặn nói rằng: Đây là vật chúng tôi đã kiếm được. Vậy, xin hãy nhìn coi, có phải áo của con trai cha chăng. Gia-cốp nhìn và nói rằng: Ấy là áo của con trai ta đó; một thú dữ đã xé cấu nó! Quả thật Giô-sép đã bị phân thây rồi!” (Sáng. 37:31-33)
Từ đây cuộc đời của Giô-sép trải qua những cảnh ngộ đau thương. Là một tên nô lệ Giô-sép bị dẫn tới Ai-cập thì “Phô-ti-pha, người bổn xứ, làm quan thị vệ của Pha-ra-ôn, mua chàng nơi tay dân Ích-ma-ên đã dẫn đến.” (Sáng. 38:1). Giô-sép được ơn khi làm việc cho viên quan thị vệ này, mọi việc chàng làm đều có tài năng nên được cất nhắc lên làm quản gia cho gia đình của Phô-ti-pha. Lúc bấy giờ Giô-sép là một thanh niên khỏe mạnh, đẹp trai nên bị vợ của Phô-ti-pha quyến rũ tình dục. Bà chủ Phô-ti-pha đưa mắt cùng Giô-sép, “Hãy lại nằm cùng ta. Chàng từ chối và đáp rằng: Chủ đã giao nơi tay tôi mọi vật của người, và nầy, chủ chẳng lo biết đến việc chi trong nhà nữa; trong nhà nầy chẳng ai lớn hơn tôi, và chủ cũng không cấm chi tôi, trừ ra một mình ngươi, vì là vợ của chủ tôi. Thế nào tôi dám làm điều đại ác dường ấy, mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời sao?” (Sáng. 39:7-9). Giô-sép kính sợ Đức Chúa Trời và cự tuyệt người phụ nữ quyền lực. Vì điều này chàng bị vợ Phô-ti-pha vu oan và rồi bị tống giam vào tù.
Trong tù Giô-sép giải nghĩa chính xác các điềm chiêm bao cho hai viên quan tửu chánh và thượng thiện của Pha-ra-ôn. Hai năm sau đó chính Pha-ra-ôn mời Giô-sép vào cung để giải thích điềm chiêm bao của mình. Nhờ có thần minh của Đức Chúa Trời soi sáng nên một lần nữa Giô-sép làm cho Pha-ra-ôn sáng tỏ ý nghĩa của điềm chiêm bao, trong khi các pháp sư và các bác sĩ xứ Ê-díp-tô đều không làm được. Sau việc này Giô-sép được thả ra khỏi nhà tù và trở thành tể tướng của Ê-díp-tô.
Như vậy giấc mơ của Giô-sép khi xưa bây giờ đã trở thành hiện thực. Với tư cách là người đứng thứ hai trong vương triều Ai-cập, Giô-sép điều hành việc bán thực phẩm cho vua Pha-ra-ôn khi trong khắp xứ phải trải qua bảy năm đói kém. “Khi khắp xứ bị đói kém, thì Giô-sép mở mọi kho lúa mà bán cho dân Ê-díp-tô. Xứ càng đói nhiều nữa; vả, vì khắp thế gian đều bị đói quá, nên đâu đâu cũng đổ đến Ê-díp-tô mua lúa nơi Giô-sép bán.” (Sáng. 41: 56-57)
Các anh của Giô-sép cũng đến mua lương thực từ nơi nhà kho của Giô-sép quản lý. Giô-sép nhận ra các anh mình, nhưng họ thì không. Sau đó Giô-sép tỏ mình ra cho các anh em. Các anh của Giô-sép lo sợ sẽ bị Giô-sép đòi lại món nợ đã quăng chàng xuống hố năm xưa. Nhưng không như vậy, tấm lòng của Giô- sép vị tha, bao dung phản chiếu ra tình yêu của Đức Chúa Trời. Giô-sép nói với các anh, “Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi, hầu cho cứu sự sống cho nhiều người, y như đã xảy đến ngày nay, và giữ gìn sự sống của dân sự đông đảo. Vậy, đừng sợ, tôi sẽ cấp dưỡng các anh và con cái các anh.” (Sáng. 50:21-22)
Kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho Giô-sép không thể bị ngăn cản bởi bất kỳ điều gì. Đôi khi Ngài cũng cho phép những người gian ác làm hại người của Ngài nhưng cuối cùng kế hoạch vẫn thành tựu trong sự tể trị, kiểm soát của Ngài.
Bây giờ chúng ta sẽ nhìn vào kế hoạch của TRỜI được bày tỏ trong Kinh Thánh.
(Còn nữa)
JAMES SEMPLE
Trích từ: BIBLE TRUTHS ABOUT GOD
Translated by Tuong Vi