Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / Tại Sao Bạn Tin Kinh Thánh?

Tại Sao Bạn Tin Kinh Thánh?

MỘT QUYỂN SÁCH CÓ NHIỀU MÂU THUẪN?

KINH THÁNH ĐƯỢC CHỨNG THỰC BỞI CHỨNG CỚ NỘI TẠI

 

Thẩm Quyền Kinh Thánh và Bằng Chứng Bản Chép Tay

Người ta nói rằng một suy đoán nhắc lại ba lần thì trở thành sự thật. Càng lặp lại nhiều lần những gì mình được nghe thì chúng ta càng thêm vào câu chuyện đó những ý kiến của cá nhân. Đó là bản chất của con người.

Có lẽ bạn đã từng chơi trò “truyền tin.” Chúng ta sắp ba mươi người ngồi vào một vòng tròn. Nói thì thầm một vài câu về một tin tức gì đó cho người bên phải và yêu cầu họ lặp lại những lời bạn vừa nói cho người tiếp theo. Người đó lại tiếp tục truyền tin cho đến hết vòng. Khi câu chuyện quay trở lại với bạn, nó sẽ chẳng có chút tương đồng nào với câu chuyện mà bạn đã bắt đầu trò chơi.

tam

Khi còn là sinh viên năm nhất trong trường thần học, tôi đã làm công việc bán thời gian là một họa sĩ đồ họa. Một ngày nọ một đồng nghiệp đã hỏi tôi một câu hỏi mà tôi đã không hề suy nghĩ đến trong tám năm kể từ ngày tôi trở thành Cơ Đốc Nhân: “Tại sao bạn tin Kinh Thánh? Bạn biết Kinh Thánh được sao chép bằng tay suốt nhiều thế kỷ mà? Kinh Thánh ngày nay có thể không còn đúng nữa. Làm thế nào bạn có thể tin vào đó được?” Tôi không biết phải nói gì. Còn bạn thì sao?

Một trong số rất nhiều tuyên bố gây tổn hại nhất từ quyển sách bán chạy nhất của tác giả Dan Brown, Mật Mã Da Vinci, do nhân vật “sử gia” hư cấu nhưng lại đúc kết những tuyên bố về sự thật:

Các bạn thân mến, Kinh Thánh là sản phẩm của con người. Không phải từ Chúa. Kinh Thánh không rơi xuống từ trên mây một cách đầy phép mầu. Con người đã tạo ra chúng như một ghi chép lịch sử về nhiều thời kỳ hỗn độn, và nó đã được phát triển ra vô số bản dịch, bổ sung và hiệu đính. Lịch sử chưa từng có một phiên bản nhất định về quyển sách này.1

Điều đáng nói là tác giả Brown đã tuyên bố về tác phẩm của mình rằng: “Mọi mô tả về hội họa, kiến trúc, tài liệu và những nghi lễ bí mật trong quyển tiểu thuyết này là đúng sự thật.”2 Đáng buồn thay, hàng ngàn người đọc tiểu thuyết nầy đã tin tuyên bố của tác giả là đúng sự thật. Tôi đã nói chuyện với nhiều Cơ Đốc Nhân không đồng tình với ý kiến của tác giả Brown nhưng họ không biết lý giải vì sao.

Tin buồn là có quá ít Cơ Đốc Nhân biết Kinh Thánh đến từ đâu. Chúng ta không biết cách để bảo vệ tính đáng tin cậy của Kinh Thánh trước những lời chỉ trích từ người bạn của tôi từ nhiều năm về trước. Nhưng tin vui là đây. Khi học biết Kinh Thánh đã được tạo ra và chuyển đến chúng ta như thế nào, chúng ta sẽ khám phá một lý do khác để tin vào thẩm quyền Kinh Thánh cho cuộc sống mình ngày hôm nay.

Kinh Thánh được tạo ra như thế nào?

tam 2

Vào thời gian Phao-lô bị giam trong ngục đầy lạnh lẽo và ẩm thấp. Khi viết thư cho Ti-mô-thê, người tập sự trẻ của mình, Phao-lô đã có thể yêu cầu bất kỳ điều gì. Thức ăn ngon, nhiều bầu bạn, luật sư để bảo vệ cho trường hợp của ông, yêu cầu Hội Thánh cùng tập hợp để bảo vệ cho ông. Thay vào đó, đây là yêu cầu của cá nhân ông: “Khi con sẽ đến, hãy đem áo choàng mà ta để lại tại nhà Ca-bút, thành Trô-ách, cùng những sách vở nữa, nhứt là những sách bằng giấy da” (II Ti-mô-thê 4:13). Những “sách vở” và “giấy da” này là gì? Tại sao chúng lại quan trọng đối với sứ đồ vĩ đại nhất trong lịch sử này?

Chất liệu của Kinh Thánh

Các cuộn sách được làm từ giấy papyrus, là loại “giấy” thông dụng nhất trong thế giới cổ đại. Sậy papyrus mọc dọc theo Sông Nile tại Ai Cập và những vùng đầm lầy khác. Chúng được cắt, trải ra và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Các mảnh khô được đặt dọc, sau đó các mảnh khác đặt ngang chồng lên. Chúng được dệt và dán lại với nhau tạo thành vật liệu dùng để ghi chép phổ biến và rẻ tiền nhất thời bấy giờ. Những tờ giấy này sau đó được may và dán lại thành những cuộn giấy.

Một loại vật liệu dùng để ghi chép đắt tiền nhưng bền hơn đó là giấy da, được đặt theo tên của xứ Pergamum tại vùng Tiểu Á (ngày nay là phía tây Thổ Nhĩ Kỳ), đó là nơi loại vật liệu này được phát triển. Loại giấy này được làm từ da động vật, thường là chiên hoặc dê (vật liệu để đóng sách bằng da). Cũng giống như papyrus, giấy da cũng thường được cuốn tròn thành cuộn.

Các cây sậy được dùng làm cọ, cùng với một loại mực làm bằng một loại dung dịch keo các-bon. Bút, mực được dùng với giấy papyrus và giấy da.

Các sách gốc của Kinh Thánh có lẽ đều được viết trên giấy papyrus. Bởi vì loại “giấy” đầu tiên này nhanh chóng bị phân rã cho nên không một bản gốc nào còn lại cho đến ngày hôm nay. Các tác phẩm của Plato, Aristotle hoặc Julius Caesar cũng đều như vậy. Chúng ta không thể có bản gốc của các sách cổ nhưng phải phụ thuộc vào bản sao được sao chép qua nhiều thế kỷ.

Khoảng năm 100 Sau Công Nguyên, người ta bắt đầu cắt những cuộn giấy thành những tờ giấy và khâu chúng lại với nhau. Kết quả là chúng ta có được “codex” là tổ tiên của sách mà chúng ta có ngày nay. Các codex sử dụng giấy da là các bản sao trọn bộ Kinh Thánh Tân Ước cổ nhất mà chúng ta có ngày nay.

Các cuộn sách và giấy da mà Phao-lô yêu cầu đó là Kinh Thánh và các sách của ông. Đó là dạng Kinh Thánh cổ xưa nhất mà chúng ta ngày nay yêu mến và học hỏi. Nếu bạn đang bị cầm tù chờ ngày được tự do, liệu đó có phải là điều đầu tiên mà bạn yêu cầu?

Ngôn ngữ của Kinh Thánh

Lời Chúa đến với chúng ta qua ba ngôn ngữ khác nhau. Tiếng Hê-bơ-rơ là ngôn ngữ cổ nhất trong ba ngôn ngữ, đó là ngôn ngữ được dùng trong hầu hết các sách Cựu Ước. Ngôn ngữ này được viết từ phải sang trái, không có ký tự viết hoa, và cũng không có nguyên âm. Nhiều thế kỷ sau, các người sao chép Kinh Thánh đã thêm các nguyên âm (gọi là các “chấm”) mà chúng ta có trong Kinh Thánh Hê-bơ-rơ ngày hôm nay.

Tiếng A-ram là một dòng thuộc tiếng Hê-bơ-rơ. Đó là ngôn ngữ phổ thông của người Do Thái vào cuối thời Cựu Ước, và là ngôn ngữ điển hình trong thời Đức Chúa Giê-xu. Trong Cựu Ước ngôn ngữ này được thấy trong Ê-xơ-ra 4:8-6:18, tại đó trước giả dẫn ra những tài liệu trao đổi giữa vua Ba Tư và những thuộc hạ của ông; Ê-xơ-ra 7:12-26 ghi lại một bức thư từ vua Ba Tư gửi đến cho Ê-xơ-ra; và Đa-ni-ên 2:4-7:28.

Đức Chúa Giê-xu và các môn đồ của Ngài có thể đọc tiếng Hê-bơ-rơ. Chẳng hạn như, Đức Chúa Giê-xu đọc sách Ê-sai được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ trước khi giảng đạo tại Na-za-rét (Lu-ca 4:17-19). Tuy nhiên, bình thường Đức Chúa Giê-xu và các môn đệ sẽ nói chuyện bằng tiếng A-ram. Chúng ta vẫn tìm thấy từ A-ram trong các sách Phúc Âm – “A-ba” nghĩa là Cha (Mác 14:36), và “Eloi, Eloi, lama sabachthani!” (Mác 15:34: “Đức Chúa Trời tôi ôi, Đức Chúa Trời tôi ôi, sao Ngài lìa bỏ tôi!”), đó là một số ví dụ.

Tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ sử dụng chung trong Đế Quốc La Mã, chính vì vậy đó cũng là ngôn ngữ của toàn Kinh Thánh Tân Ước. Có hai loại ngôn ngữ Hy Lạp trong thế kỷ đầu tiên – ngôn ngữ cổ điển được giới trí thức sử dụng và ngôn ngữ Hy Lạp koine (phổ thông) được quần chúng sử dụng.

Một thế kỷ trước, các học giả đã bối rối trước sự trái ngược giữa tiếng Hy Lạp trong Kinh Thánh Tân Ước với các tác phẩm văn học cổ điển. Tuy nhiên sau đó các nhà khảo cổ đã tìm được những mảnh giấy papyrus và những mảnh gốm từ thế kỷ đầu tiên, được viết bằng ngôn ngữ phổ thông của quần chúng. Đó là danh sách mua sắm, những bức thư cá nhân, di chúc, và những tài liệu được tìm thấy. Ngôn ngữ của họ tương đồng một cách đáng chú ý với ngôn ngữ của Kinh Thánh Tân Ước.

Ngày nay giới học giả đánh giá ngôn ngữ của Kinh Thánh Tân Ước trên một thang đo xem đó là tiếng Hy Lạp koine hay đó là tiếng Hy Lạp cổ điển. Các sách Phúc Âm có tính “phổ thông” nhất, chứa đựng rất nhiều lời bày tỏ của Đức Chúa Giê-xu cho dân chúng và nhắm đến việc lan tỏa theo diện rộng. I Phi-e-rơ (do Phi-e-rơ đọc cho Sin-vanh chép ra, I Phi-e-rơ 5:12) và Hê-bơ-rơ sử dụng nhiều ngôn ngữ Hy Lạp cổ điển nhất trong Kinh Thánh Tân Ước. Sách Lu-ca và Công vụ các sứ đồ đứng ở giữa hai thái cực.

William Barclay kết luận: “Điều đáng phải ghi nhớ đó là Kinh Thánh Tân Ước được viết bằng ngôn ngữ Hy Lạp phổ thông; loại ngôn ngữ Hy Lạp đó bất cứ ai vào thế kỷ thứ nhất cũng có thể viết và sử dụng… Bất kỳ điều gì khiến Tân Ước khác hơn so với thời đó thì đã dịch sai Tân Ước.”

t 3

Thật là một phép lạ khi Đức Chúa Trời sử dụng con người xác thịt, rằng Đấng Tạo hóa có thể vào trong tạo vật của Ngài. Cũng thật là một phép lạ khi Đức Chúa Trời bày tỏ cho chúng ta bằng ngôn ngữ con người, và Chúa của hoàn vũ đã có thể viết nên một quyển sách mà chúng ta có thể đọc được. Nhưng đây chính là những gì Ngài đã làm. Sự khôn ngoan của nhiều thời đại đã được truyền vào giấy papyrus và giấy da, bằng ngôn ngữ của con người với những phương tiện của con người. Chúng ta không thể lên đến được với Đức Chúa Trời nên Ngài đã xuống với chúng ta.

(Còn nữa)

James C. Denison 

Trích từ “THE BIBLE – YOU CAN BELIEVE IT”

Translated by Vinh Hien   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn