Thứ Năm , 14 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / MỘT QUYỂN SÁCH CÓ NHIỀU MÂU THUẪN?

MỘT QUYỂN SÁCH CÓ NHIỀU MÂU THUẪN?

“MÂU THUẪN” TRONG KINH THÁNH (Phần 2)

Mác, Ê-sai và Ma-la-chi

Mác 1:2-3 bắt đầu kể về cuộc đời của Đức Chúa Giê-xu bằng trích dẫn sau:

Như đã chép trong sách tiên tri Ê-sai rằng: “Nầy, ta sai sứ ta đến trước mặt ngươi, Người sẽ dọn đường cho ngươi.” – “Có tiếng kêu trong đồng vắng rằng: ‘Hãy dọn đường Chúa, Ban bằng các nẻo Ngài.’”

Vấn đề đó là câu trích dẫn đầu tiên không phải từ sách Ê-sai nhưng từ sách Ma-la-chi 3:1. Có phải Mác đã mắc lỗi không? Không.

Câu thứ hai được Mác trích dẫn trực tiếp từ Ê-sai 40:3, vậy nên lời tiên tri mà ông đã dẫn thực ra là từ sách Ê-sai. Nhưng còn lời tiên đoán đầu tiên thì thế nào? Ê-sai là sách đầu tiên trong phần Kinh Thánh Hê-bơ-rơ được gọi là Các Tiên Tri Về Sau (Latter Prophets), vậy nên mọi điều từ Ê-sai cho đến Ma-la-chi có thể được cho là “trong sách Ê-sai.”

Việc quy gán này rất thông dụng trong văn học cổ đại. Chẳng hạn như, sách Châm Ngôn bắt đầu rằng: “Châm ngôn của Sa-lô-môn, con trai Đa-vít, Vua Y-sơ-ra-ên.” Song Châm Ngôn chương 30 lại tuyên bố là “lời của A-gu-rơ, con trai Gia-kê” (Châm Ngôn 30:1), trong khi Châm Ngôn 31 là tác phẩm của “vua Lê-mu-ên” (Châm Ngôn 31:1). Toàn bộ quyển sách được quy cho vua Sa-lô-môn, bởi vì ông là tác giả lớn nhất. Cùng một cách, các lời tiên tri trong Các Tiên Tri Về Sau đều đứng “trong” hoặc dưới tên Ê-sai, là đại diện đầu tiên và được biết đến nhiều nhất.

Người bại liệt và mái nhà

Mác cung cấp cho chúng ta thông tin về những người bạn của một người bại liệt đã cố gắng đem bạn mình đến với Đức Chúa Giê-xu, nhưng họ không thể tiến vào bên trong ngôi nhà đã chật kín những người đang lắng nghe Đức Chúa Giê-xu giảng dạy. Vậy họ “dở mái nhà ngay chỗ Ngài ngồi, rồi do lỗ đó dòng giường người bại xuống.” (Mác 2:4). Mác mô tả một căn nhà điển hình tại xứ Palestin, có mái được xây bằng phẳng và đi lên bằng một cái thang. Thông thường đất sét để làm mái được nén và cuộn lại. Sau đó được bọc với những cành cây đặt lên trên xà gỗ.

34_jesus-forgives-sins-and-heals-a-man-stricken-with-palsy_1800x1200_300dpi_3-570x380

Tuy nhiên, Lu-ca cũng kể về cùng một sự kiện như thế này: “họ bèn trèo lên mái nhà, dỡ ngói ra, dòng người và giường nhỏ xuống trước mặt Ngài” (Lu-ca 5:19). Bởi vì những ngôi nhà của người ngoại quốc thường dùng ngói, có thể nào Lu-ca đã dùng cách mô tả mà ông cảm thấy gần gũi hơn không? Nếu thật vậy, liệu ông đã mắc sai lầm? Liệu những người bạn đã dở một mái nhà đất sét, hay là dở ngói?

Có lẽ là cả hai. Đức Chúa Giê-xu lúc ấy đang giảng trong một ngôi nhà đủ rộng cho một đoàn đông gồm những người Pha-ri-si và các thầy dạy luật “từ các làng xứ Ga-li-lê, xứ Giu-đê, và thành Giê-ru-sa-lem đều đến.” (Lu-ca 5:17). Có lẽ ngôi nhà rộng rãi này có chủ là một người đủ giàu có để lợp mái ngói, thay vì sử dụng mái tranh rẻ tiền hơn và phải thay thế thường kỳ. Những tấm ngói này có thể thay thế cho những cành cây bắc ngang qua các xà gỗ chống đỡ mái nhà bằng đất sét. Mác không nói rằng những người bạn này đã dở các cành cây nhưng chỉ nói là dở mái nhà. Lu-ca cho chúng ta thêm thông tin là họ đã dở các tấm ngói trước khi họ dở mái nhà đất sét. Không có lý do gì kết luận rằng hai bản ký thuật là mâu thuẫn với nhau.

Các thiên sứ tại lễ phục sinh

Vào ngày Đức Chúa Giê-xu phục sinh, khi những người nữ đến ngôi mộ trống “xảy có hai người nam mặt áo sáng như chớp, hiện ra trước mặt họ” (Lu-ca 24:4). Lời kể của Giăng cũng đồng một ý: Ma-ry “thấy hai vị thiên sứ mặc áo trắng, một vị ngồi đằng đầu, một vị ngồi đằng chơn, chỗ xác Đức Chúa Jêsus đã nằm” (Giăng 20:12). Tuy nhiên, Ma-thi-ơ 28:2-7 ghi lại chỉ có một thiên sứ đã lăn hòn đá, làm kinh hãi những người canh giữ ngôi mộ, và nói chuyện với những người nữ. Cũng vậy, Mác kể rằng những người nữ thấy “một người trẻ tuổi ngồi bên hữu, mặc áo dài trắng.” (Mác 16:5).

001-jesus-resurrection

Vậy trong ngày Đức Chúa Giê-xu sống lại đã có hai thiên sứ hay chỉ một hiện ra? Vâng. Trong văn học cổ, việc một người phát ngôn được nhắc đến mà không đề cập gì đến những người đi theo đó là điều bình thường. Chẳng hạn như, trong Công vụ các sứ đồ 15 chúng ta biết rằng Si-la đi cùng Phao-lô trong hành trình truyền giáo lần thứ hai của Phao-lô (Công vụ 15:40). Nhưng khi Lu-ca ký thuật lại: “Người trải qua xứ Sy-ri và xứ Si-li-si, làm cho các Hội thánh được vững bền” (Công vụ 15:41), và sau đó “Phao-lô tới thành Đẹt-bơ và thành Lít-trơ” (Công vụ 16:1). Si-la đã ở đâu? Si-la đã đi cùng Phao-lô mặc dù không được nêu tên hoặc đề cập tới.

Cũng vậy, có thể một vị thiên sứ đã lăn hòn đá và nói chuyện cùng những người nữ, đồng thời một vị thiên sứ khác cũng hiện diện tại đó. Các ký thuật không hẳn mâu thuẫn với nhau. Thêm vào đó, các thiên sứ ngồi (Giăng 20:12) và đứng (Lu-ca 24:4), bởi vì họ thay đổi tư thế trong suốt thời gian diễn ra câu chuyện.

Thực tế các ký thuật độc lập lại càng làm vững chắc tính đáng tin cậy của Kinh Thánh. Rõ ràng các trước giả đã không cố sắp đặt câu chuyện của họ với nhau. Họ không thông đồng với nhau. Bất kỳ cảnh sát giao thông nào cũng có thể nói rằng hai nhân chứng của cùng một vụ tai nạn giao thông sẽ kể câu chuyện với những chi tiết khác nhau. Miễn là họ cùng đồng ý ở những chi tiết trọng yếu thì lời chứng của họ được chấp nhận là đáng tin cậy. Thực tế, nếu mọi chi tiết đều giống nhau, tòa án sẽ nghi ngờ liệu các nhân chứng có kết hợp câu chuyện của họ với nhau trước khi tuyên thệ để làm chứng hay không.

Cũng vậy, chúng ta có thể biết được rằng những người đã ký thuật lại câu chuyện Phục Sinh đầu tiên đã nắm bắt được đúng ý nghĩa và thông điệp mong đợi của sự phục sinh. Việc hỏi thêm nữa là đưa ra những câu hỏi mà bản văn không có ý định trả lời.

Hiểu ý định của trước giả

Một thể loại mâu thuẫn thứ ba xảy ra do hiểu sai bối cảnh nằm sau bản văn trong lời Chúa. Khi chúng ta không có bức tranh tổng thể thì chúng ta sẽ làm méo mó đi những gì chúng ta đã thấy.

Thật không công bằng khi hỏi bất kỳ sách nào những câu hỏi mà sách ấy không có ý định trả lời. Chúng ta không dùng sách dạy nấu ăn để sửa xe, hay một tập thơ cho việc cắt cỏ. Nếu trước giả Kinh Thánh không có ý định viết đúng theo thứ tự thời gian, lịch sử, địa lý hay khoa học, thì thật không công bằng nếu chúng ta phê bình trước giả đó vì không thực hiện đúng theo chuẩn mực chúng ta đặt ra. Một nhà khí tượng học có thể đoán trước thời gian “mặt trời mọc” mà không có ý định đưa chúng ta quay lại với thuyết thiên động để lý giải mặt trời quay quanh trái đất.

Hãy xem xét những ví dụ về những mâu thuẫn dường như có thể xảy ra và được giải thích bằng cách liên hệ đến ý định bản văn Kinh Thánh của trước giả.

Đức Chúa Giê-xu chịu cám dỗ

Trong Ma-thi-ơ 4 ký thuật câu chuyện Đức Chúa Giê-xu chịu cám dỗ theo trình tự này: hóa đá thành bánh (Ma-thi-ơ 4:3); nhảy xuống khỏi đền thờ (Ma-thi-ơ 4:5-6); và thờ lạy Sa-tan trên một ngọn núi (Ma-thi-ơ 4:9). Lu-ca 4 cũng ký thuật cùng một sự kiện nhưng theo một trình tự khác: hóa đá thành bánh (Lu-ca 4:3); thờ ma quỷ trên một ngọn núi (Lu-ca 4:5-6); và nhảy xuống khỏi đền thờ (Lu-ca 4:9-11).

Cách lập luận của Aristotle đỏi hỏi chúng ta đưa ra: Trình tự nào đúng? Trước giả nào sai? Nếu một người sai, có thể cả hai cùng sai. Có thể Sa-tan là tưởng tượng. Có thể câu chuyện Đức Chúa Giê-xu chịu cám dỗ là biểu tượng. Một lần nữa chúng ta bắt đầu đi xuống con đường trượt dốc của mâu thuẫn, chúng ta sẽ dừng lại tại đâu?

Trong ý định của trước giả thì không có sự mâu thuẫn như thế xảy ra ở đây. Cả Ma-thi-ơ lẫn Lu-ca đều không tuyên bố đang viết câu chuyện theo trình tự thời gian, và vì vậy trình tự các điều cám dỗ mà Đức Chúa Giê-xu trải qua là việc không quan trọng so với mục đích của họ.

Chẳng hạn như một nhân viên hỏi tôi đã làm gì hôm nay, và tôi trả lời rằng sáng nay tôi dạy Nghiên Cứu Kinh Thánh cho Quý Ông, tham dự buổi nhóm cầu nguyện thứ năm, và soạn bài giảng cho cuối tuần này. Sau đó vào buổi tối vợ tôi hỏi tôi đã làm gì, tôi trả lời rằng tôi đã dạy Nghiên Cứu Kinh Thánh cho Quý Ông, soạn bài giảng, và dự nhóm cầu nguyện thứ năm. Vậy tôi có mâu thuẫn với chính mình không? Chỉ khi tôi hứa kể ra các hoạt động theo đúng trình tự thời gian mỗi khi tôi kể. Nếu đó không phải là dự định của tôi thì việc kể lại những sự kiện trong ngày là đúng.

Cũng vậy, Ma-thi-ơ và Lu-ca chỉ mâu thuẫn với nhau về việc Đức Chúa Giê-xu chịu cám dỗ nếu họ bày tỏ ý định ký thuật đúng theo trình tự thời gian. Nhưng vì họ không tuyên bố điều đó, rõ ràng trình tự các cám dỗ mà Đức Chúa Giê-xu chịu nằm ngoài dự định của họ và cũng nằm ngoài phê bình của chúng ta.

Lỗi của người sao chép

Kinh Thánh là sản phẩm của khoảng mười lăm thế kỷ sáng tác và thêm mười lăm thế kỷ chép tay. Cho đến thời Gutenberg thì Kinh Thánh mới được sao chép bằng máy móc; và cho đến thời của chúng ta thì Kinh Thánh mới được phổ biến bằng điện tử.

Như chúng ta sẽ thấy trong chương bốn, các bản viết tay của những phân đoạn Kinh Thánh là cực kỳ chính xác và đáng tin. Tuy nhiên, không tránh khỏi việc sao chép bằng tay một áng văn đồ sộ như vậy thỉnh thoảng sẽ mắc lỗi của thư ký.

Hãy xem xét một số mâu thuẫn hiển nhiên do lỗi sao chép. II Sa-mu-ên 10 kể rằng trong xung đột với quân đội A-ram “Đa-vít giết bảy trăm xe binh” (II Sa-mu-ên 10:18). Bốn thế kỷ sau, I Sử-ký 19 ghi lại cùng một sự kiện lại ghi thế này: “Đa-vít giết của quân Sy-ri bảy ngàn lính cầm xe” (19:18). Người ký lục rất dễ mắc lỗi bằng cách giảm số lượng trong I Sử ký hoặc tăng thêm một chữ số trong II Sa-mu-ên.

Dĩ nhiên, về mặt ngữ nghĩa, cả hai ký thuật đều không mâu thuẫn với nhau về ngữ nghĩa, bởi vì 700 là tập hợp con của 7000. Đa-vít giết 700 xe binh nếu ông ấy đã giết 7000  người lính. Nhưng dễ thường sự khác biệt này là do lỗi ghi chép. Lỗi này hoàn toàn không thay đổi gì đến thông điệp mà hai bản văn muốn truyền tải – Đa-vít lãnh đạo đạo binh của mình chiến thắng và quốc gia được bình an.

Một lỗi ghi chép khác trong Thi Thiên hai mươi ba. Bản Kinh Thánh Truyền Thống dịch lại câu cuối: “Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va cho đến lâu dài” (Thi Thiên 23:6). Masoretes (người ký lục Kinh Thánh Cựu Ước) đã dịch động từ là “tôi sẽ trở lại,” từ động từ tiếng Hê-bơ-rơ là wesabti. Nhưng động từ weyasabti (còn lại) mới có thể là nguyên bản. Chữ w (tiếng Hê-bơ-rơ là waw) và chữ y (tiếng Hê-bơ-rơ là yod) rất có thể Masoretes đã thấy chữ y như là chữ w bị lặp lại nên đã bỏ đi, sao chép lại động từ đó là wesabti. Bởi vì các học giả Hê-bơ-rơ tin động từ nguyên bản là weyasabti nên họ đã dịch câu đó là “tôi sẽ ở.”

Trước khi bạn quyết định cho rằng những lỗi truyền tải làm mất đi thẩm quyền Kinh Thánh, hãy áp dụng một bài thử cho bất kỳ phương thức truyền thông nào. Một lỗi in ấn trong tờ báo ngày mai có nghĩa bạn không thể tin bất cứ điều gì tờ báo đưa tin. Một lỗi trong bản tin truyền hình tối nay có nghĩa mọi câu chuyện là không đáng tin. Một lỗi chính tả hoặc cú pháp sẽ làm mất giá trị tất cả những gì bạn đọc trong cuốn sách này.

Với những chuẩn mực như trên thì không một áng văn hoặc một phương tiện truyền thông nào có thể tin cậy được. Không một quyển danh bạ hoặc từ điển nào được tra tới. Không một bác sĩ nào có thể hành nghề y, bởi vì sách y khoa cũng không khỏi mắc phải sai phạm. Vũng vậy, việc hành nghề y cũng không tránh khỏi sai phạm. Nếu một bác sĩ chẩn đoán sai một bệnh nào đó, không ai trong chúng ta sẽ đến khám bác sĩ một lần nào nữa.

Vấn đề quan trọng là ý định của bản văn. Khi chúng ta đọc trong chương chín, Kinh Thánh không được định hướng là một quyển sách đáp ứng những chuẩn mực của thế kỷ hai mươi về tính đúng đắn trong khoa học, địa lý, hoặc lịch sử. Không một quyển sách cổ nào có ý định như vậy. Hơn thế nữa, hiếm có tài liệu nào trong văn học hiện tại có thể đáp ứng được sự dò xét tỉ mỉ đến trọn vẹn như thế. Nhưng Kinh Thánh, vì được truyền tải cho chúng ta qua suốt ba mươi bốn thế kỷ, vẫn giữ hoàn toàn đúng đắn tất cả những ý định mà Kinh Thánh muốn hoàn thành. Kinh Thánh bày tỏ cho chúng ta phương cách tìm kiếm Đức Chúa Giê-xu (Giăng 20:30-31) và phương cách trang bị cho đức tin và phục vụ trong vương quốc của Đức Chúa Trời (II Ti-mô-thê 3:16-17).

Kết luận

Nếu sau này bạn nghe có ai nói Kinh Thánh đầy mâu thuẫn, hãy hỏi họ đã đọc Kinh Thánh chưa. Sau đó hãy hỏi đó có phải là mâu thuẫn không khi một người chưa đọc một quyển sách lại gạt bỏ quyển sách ấy. Và hãy đề nghị giúp người ấy học Kinh Thánh và gặp gỡ chính Tác Giả của Kinh Thánh. Đối với tôi mâu thuẫn đó là một Đức Chúa Trời thánh khiết và hoàn hảo lại muốn tôi sống trong thiên đàng hoàn hảo của Ngài. Tôi mừng vì điều đó không phải là mâu thuẫn của Chúa.

(Còn nữa)

James C. Denison 

Trích từ “THE BIBLE – YOU CAN BELIEVE IT”

Translated by Vinh Hien   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn