Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / CÁC THUỘC TÍNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (phần 3)

CÁC THUỘC TÍNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (phần 3)

CÁC THUỘC TÍNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (phần 2)

Các thuộc tính đạo đức và thuộc linh của Đức Chúa Trời.

Năm thuộc tính đầu tiên của Đức Chúa Trời: 1/Hiện hữu đời đời, 2/Thần linh, 3/Toàn Tri, 4/Toàn Năng, 5/Toàn Tại biểu thị  những đặc tính chủ yếu của TRỜI. Đức Chúa Trời cũng bày tỏ những đặc tính thuộc phạm trù đạo đức của Ngài. Đức Chúa Trời không chỉ sáng tạo các định luật vật lý và để chúng vận hành trong vũ trụ, mà Ngài con thiết lập các nguyên tắc về đạo đức và tinh thần (thuộc linh) để hướng dẫn cho đời sống nhân loại. Nếu không sống bằng các nguyên tắc này, tất cả các cá nhân, gia đình, cộng đồng và quốc gia sẽ bị tổn hại nghiêm trọng về phương diện đạo đức.

op

  1. Đức Chúa Trời là lẽ thật (chân lý)

Đức Chúa Trời là lẽ thật có nghĩa Ngài là Đấng có thực, chân chính.  Hai từ Hy lạp thường được dịch thành lẽ thật là từ alethia và alethinos. Alethinos có nghĩa là chân thật (không phải giả mạo) và chính cống, xác thực trong bản tánh.

Từ alethinos được sử dụng trong 1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:9, “…trở lại cùng Đức Chúa Trời, bỏ hình tượng đặng thờ Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật (alethinos).” Cụm từ “Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật” đối lập với các thần giả mạo. Sứ đồ Giăng cũng dùng từ này, “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật (alethinos), cùng Jesus Christ, là Đấng Cha đã sai đến.” (Giăng 17:3). Đức Chúa Trời chân thật hằng sống đời đời tương phản với các thần đã chết. Trong Khải huyền 3:7, “Nầy là lời phán của Đấng thánh, chân thật (alethinos)…”.  Đấng Christ là chân thật.

Từ alethia có nghĩa là sự thật – lẽ phải, đối lập với giả dối. “Thà xưng Đức Chúa Trời là thật và loài người là giả dối…” (Rô-ma 3:4). Giăng làm chứng về Chúa Jesus, “Ai đã nhận lấy lời chứng của Ngài thì làm chứng chắc rằng Đức Chúa Trời là thật (alethia).  Vì Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến thì rao truyền lời của Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Trời ban Thánh Linh cho Ngài không chừng mực.” (Giăng 3:33-34)

Lời Đức Chúa Trời là chân thật, không hề pha trộn một chút giả dối, “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài ở gần; Các điều răn Ngài là chân thật.” (Thi. 119:151). “Các lời Đức Giê-hô-va là lời trong sạch. Dường như bạc đã thét trong nồi dót bằng gốm. Luyện đến bảy lần.” (Thi. 12:6)

Chân lý hay lẽ thật cũng diễn tả sự thành tín và tính kiên định vững chắc của Đức Chúa Trời. Khi TRỜI phán điều gì, Ngài luôn thành tín với lời đó. Điều này chính là thuộc tính của Ngài.  “Đức Chúa Trời thành tín, giữ sự giao ước và nhân từ đến ngàn đời cho những người yêu mến Ngài và vâng giữ các điều răn Ngài.” (Phục. 7:9). Trước giả sách Ca Thương viết, “Ấy là nhờ sự nhân từ Đức Giê-hô-va mà chúng ta chưa tuyệt. Vì sự thương xót của Ngài chẳng dứt;  Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn, sự thành tín Ngài là lớn lắm.” (Ca. 3:22-23). Phao-lô viết cho Hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca, “Đấng đã gọi anh em là thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó.” (1 Tê. 5:24)

  1. Đức Chúa Trời công nghĩa

Công nghĩa hay đúng đắn là những từ tương đương trong Kinh Thánh. Ý nghĩa của từ công nghĩa hay công bình được tìm thấy trong câu chuyện của Áp-ra-ham khi ông hỏi TRỜI, “Không lẽ nào Chúa làm điều như vậy, diệt người công bình luôn với kẻ độc ác; đến đỗi kể người công bình cũng như người độc ác. Không, Chúa chẳng làm điều như vậy bao giờ! Đấng đoán xét toàn thế gian, há lại không làm sự công bình sao?” (Sáng. 18:25). Làm sự công bình có nghĩa là làm điều đúng. Đức Chúa Trời luôn làm điều đúng theo như thuộc tính của Ngài.

op2

Chúng ta đọc lại lịch sử tuyển dân để thấy thế nào là sự công bình của Đức Chúa Trời. “Xảy khi nước của Rô-bô-am vừa được lập vững bền, và người được cường thạnh, thì người và cả Y-sơ-ra-ên liền bỏ luật pháp của Đức Giê-hô-va.  Vì chúng có phạm tội cùng Đức Giê-hô-va, nên xảy ra trong năm thứ năm đời vua Rô-bô-am, Si-sắc, vua Ê-díp-tô, kéo lên hãm đánh Giê-ru-sa-lem;  có dẫn theo một ngàn hai trăm cỗ xe và sáu vạn lính kỵ; lại có dân Li-by, dân Su-ri, và dân Ê-thi-ô-bi từ Ê-díp-tô kéo lên với người, số không thể đếm đặng.  Si-sắc bèn chiếm lấy các thành bền vững thuộc về Giu-đa, rồi đến tận Giê-ru-sa-lem.
 Tiên tri Sê-ma-gia đến cùng Rô-bô-am và các kẻ làm đầu Giu-đa, đương nhóm tại Giê-ru-sa-lem để trốn khỏi Si-sắc, mà nói rằng: Đức Giê-hô-va phán như vầy: Các ngươi đã bỏ ta, nên ta cũng đã bỏ các ngươi vào tay Si-sắc.” (2 Sử ký 12:1-5)

Lúc bấy giờ, các người lãnh đạo của Giu-đa đã thừa nhận, “Đức Giê-hô-va là công bình.” (2 Sử ký 12:6).  Khi TRỜI nhìn thấy sự ăn năn của họ, Ngài đã tha thứ cho Giu-đa khỏi bị hủy diệt hoàn toàn.

Sau bảy mươi năm làm phu từ ở Ba-by-lôn, tuyển dân được trở về xây dựng Giê-ru-sa-lem. Lúc này thầy thông giáo E-xơ-ra, một người lãnh đạo thông thạo luật pháp của Chúa đã “quì gối xuống, giơ tay ra hướng về Giê-hô-va Đức Chúa Trời ta, mà thưa với Ngài rằng: Ồ, Đức Chúa Trời tôi! Tôi hổ ngươi thẹn mặt, chẳng dám ngước mặt lên Ngài, là Đức Chúa Trời tôi; vì gian ác chúng tôi đã thêm nhiều quá đầu chúng tôi, và tội chúng tôi cao lớn tận trời.” (E-xơ-ra 9:5-6)

E-xơ-ra là người cầu thay cho tội lỗi của tuyển dân và ông thừa nhận, “Hỡi Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên ôi! Chúa vốn là công bình; còn chúng tôi, chỉ một số ít người được thoát khỏi, như đã thấy ngày nay: nầy chúng tôi ở trước mặt Chúa, mắc tội lỗi nhiều; nhân đó, chẳng ai có thể đứng nổi trước mặt Ngài.” (9:15)

Đức Chúa Trời công bình nhưng Ngài cũng là Đức Chúa Trời yêu sự công bình. “Vì Đức Giê-hô-va là công bình; Ngài yêu sự công bình. Những người ngay thẳng sẽ nhìn xem mặt Ngài.” (Thi. 11:7)

TRỜI công bình, vì vậy sự công bằng của Ngài rõ ràng, đúng đắn. Ngài có thể bỏ qua điều gian ác và tội lỗi. Tuy nhiên chúng ta phải nhớ:

“Đức Giê-hô-va vốn chậm nóng giận và đầy ơn; hay xá điều gian ác và tội lỗi; nhưng không kể kẻ có tội là vô tội…” (Dân số ký 14:18)

  1. Đức Chúa Trời là thánh.

Trong Tiếng Hê-bơ-rơ từ thánh khiết là qodesh có nghĩa tách biệt riêng ra. Trong Tân ước từ thánh khiết là hagios cũng mang nghĩa tương tự. Đức Chúa Trời thì tách biệt riêng ra và ở trên tất cả các tạo vật.

Vào năm vua Ô-xia băng hà, tiên tri Ê-sai thấy một khải tượng Chúa đang ngồi trên ngôi, vạt áo của Ngài đầy dẫy đền thờ. Ông nhìn thấy các sê-ra-phim đứng bên trên Ngài; mỗi sê-ra-phim có sáu cánh, hai cái che mặt, hai cái che chân và hai cái dùng để bay. Các sê-ra-phim cùng nhau kêu lên rằng: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn quân! Khắp đất đầy dẫy sự vinh hiển Ngài!” (Ê-sai 6:3)

Bởi vì tiếng kêu đó, các nền ngạch cửa rúng động, và đền thờ đầy khói. Lúc bấy giờ Ê-sai thốt lên, “Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giê-hô-va vạn quân!” (Ê-sai 6:5)

Bấy giờ một sê-ra-phim bay đến bên cạnh tiên tri Ê-sai, tay cầm than lửa đỏ mà đã dùng kiềm gắp nơi bàn thờ, để trên miệng ông nói rằng: “Nầy, cái nầy đã chạm đến môi ngươi; lỗi ngươi được bỏ rồi, tội ngươi được tha rồi.” (Ê-sai 6:7). Những gì không tinh sạch, bất khiết không thể tồn tại trong hiện diện của Đức Chúa Trời.

Bảy trăm năm sau đó sứ đồ Giăng nhìn thấy một khải tượng khác. Ông viết, “Nhằm ngày của Chúa, tôi được Đức Thánh Linh cảm hóa, nghe đằng sau có tiếng kêu vang, như tiếng loa,  rằng: Điều ngươi thấy, hãy chép vào một quyển sách mà gởi cho bảy Hội Thánh tại Ê-phê-sô, Si-miệc-nơ, Bẹt-găm, Thi-a-ti-rơ, Sạt-đe, Phi-la-đen-phi và Lao-đi-xê.
Bấy giờ tôi xây lại đặng xem tiếng nói với tôi đó là gì; vừa xây lại, thấy bảy chân đèn bằng vàng, và ở giữa những chân đèn có ai giống như con người, mặc áo dài, thắt đai vàng ngang trên ngực.  Đầu và tóc người trắng như lông chiên, trắng như tuyết; mắt như ngọn lửa;  chân như đồng sáng đã luyện trong lò lửa, và tiếng như tiếng nước lớn. Tay hữu người cầm bảy ngôi sao; miệng thò ra thanh gươm nhọn hai lưỡi, và mặt như mặt trời khi soi sáng hết sức. Vừa thấy người, tôi ngã xuống chân người như chết.” (Khải. 1: 10-17)

Ê-sai và Giăng là hai thánh đồ mẫu mực, nhưng khi họ đối diện với Đức Chúa Trời, họ đầy kinh ngạc và sợ hãi.

Đền tạm trong Cựu Ước là biểu tượng về hiện diện của TRỜI giữa dân sự, nhưng nó cũng là  một bức tranh rực rỡ về sự thánh khiết vinh diệu của Ngài.  Đức Chúa Trời hiện diện khắp mọi nơi và Ngài cũng ở bên trên chúng ta.

Lối vào đền tạm được tách ra khỏi trại tuyển dân bằng một tấm màn dày. Tấm màn thứ hai che khuất nơi thánh, và tấm màn thứ ba ngăn ra nơi thánh và nơi chí thánh. Nơi này có hòm giao ước biểu minh cho sự hiện diện của TRỜI. Chỉ một mình thầy tế lễ thượng phẩm có thể bước vào trong nơi chí thánh mỗi năm một lần thực hiện nghi thức thờ phượng.

Tất cả những minh họa này bày tỏ cho chúng ta biết  có một vực sâu ngăn cách giữa Đức Chúa Trời thánh khiết và con người tội lỗi.3 Và rồi Đấng Christ vô tội đã mang lấy tội lỗi của toàn nhân loại và đem chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời. Trước khi chúng ta có thể ra mắt TRỜI, chúng ta cần được tẩy sạch khỏi những điều bất nghĩa thông qua sự đổ huyết của Chiên Con – là Đấng đã cất tội lỗi của thế gian đi.

(Còn nữa)

james

JAMES SEMPLE

Trích từ: BIBLE TRUTHS ABOUT GOD

Translated by Tuong Vi    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn