Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / NHỮNG “MÂU THUẪN” TRONG KINH THÁNH

NHỮNG “MÂU THUẪN” TRONG KINH THÁNH

Giới Hạn Việc Giải Nghĩa Kinh Thánh Cho Các Mục Sư?

KINH THÁNH LÀ QUYỂN SÁCH ĐÁNG TIN CẬY
Thẩm quyền Kinh Thánh và những “mâu thuẫn” trong Kinh Thánh

bi
Thật không hổ danh mà người ta đã đặt cho một robot thông minh có tên là Toddler – Em Bé Tập Đi. Gần đây Viện Công Nghệ Massachusetts đã công bố sản phẩm robot mới nhất tại một cuộc họp của Liên Hiệp Tiến Bộ Khoa Học Hoa Kỳ, sản phẩm đã trình diễn như người ta mong đợi. Với chiều cao đến tầm đầu gối của một người lớn, robot này bước đi tự nhiên hơn hẳn những thế hệ robot trước đó. Trong tương lai, sẽ có những robot có thể bước đi trong nhiều ngày chứ không phải chỉ trong vài phút và sử dụng những kỹ thuật đơn giản hơn những thế hệ trước.
Robot Em Bé Tập Đi và những robot với thiết kế tương tự có thể giúp các nhà khoa học phát triển những thiết bị giả nhằm hỗ trợ cho con người một cách tự nhiên hơn, đồng thời phát triển một thế hệ robot mới nhằm trợ giúp cho công việc. Không giống những em bé tập đi mà tôi được biết, chúng không cần phải thay tả vào lúc hai giờ sáng.

ro
Các bài báo cáo đập vào tôi những cảm xúc trái ngược. Một là cảm giác ngưỡng mộ trí khôn ngoan của con người, khả năng chế tạo những máy móc cực kỳ phức tạp như thế. Tôi không có tri thức cơ bản nhất để tạo ra một thiết bị có thể tự bước đi, cảm nhận sàn nhà và tự động điều chỉnh trong mỗi bước đi.
Nhưng đồng thời, tôi cũng được nhắc nhở về sự hiểu biết hạn hẹp của con người. Những nhà khoa học vĩ đại nhất của nhân loại, làm việc trong những phòng thí nghiệm tiên tiến nhất hành tinh vẫn chưa thể chế tạo ra một thiết bị có thể thực hiện một hành động của một đứa trẻ mà ở thời chưa có chữ viết vẫn có thể làm được một cách tự nhiên. Chúng ta có thể bước đi trong không gian, nhưng chúng ta không thể hoàn toàn bắt chước bước đi của một đứa trẻ nhỏ. Chúng ta có thể tạo ra những máy tính để viết chữ, nhưng chúng ta không thể chế tạo ra một cọng cỏ mang trong mình sự sống được.
Đối với tất cả những phát triển khoa học của con người, suy nghĩ của chúng ta vẫn còn bị giới hạn và mắc phải sai lầm. Ống nghiệm không thể cho chúng ta thấy những gì xảy ra sau cái chết, phía bên kia của khoảnh khắc ngắn ngủi mà chúng ta gọi là sự sống. Kiến thức được chứng minh chỉ hạn chế ở những lát cắt mỏng của thời gian hiện tại mà chúng ta đang trải qua. Với những câu hỏi về cõi đời đời, chúng ta cần có kiến thức vượt quá giới hạn thời gian của thế giới này. Chúng ta cần một mối quan hệ với Đấng Tạo Hóa là Đấng vượt trội hơn tạo vật của Ngài. Chúng ta cần tin cậy vào Đấng mà không một ống nghiệm nào có thể chứa đựng được, là Người mà không suy luận khoa học nào có thể hiểu thấu được.
Nhưng chúng ta vẫn cứ cố gắng chứng minh những vấn đề về cõi đời đời. Chúng ta muốn cuộc sống phải có tính hợp lý của nó. Chúng ta tin rằng phép thử để biết lẽ thật đó là điều đó không có mâu thuẫn, nghĩa là con đường hướng về tương lai phải logic hợp lý. Chính vì vậy, chúng ta phản kháng khi thấy những mâu thuẫn hiển nhiên trong phòng thí nghiệm hoặc trong Kinh Thánh. “Kinh Thánh chứa đầy những mâu thuẫn” chúng ta thường nghe vậy. Những phê bình như thế rất phổ biến trong ngày hôm nay nhằm thanh minh cho hoài nghi về thẩm quyền Kinh Thánh. Tại sao chúng ta suy nghĩ theo hướng này? Chúng ta phải tin gì về Kinh Thánh trong “những mâu thuẫn” của nó? Tại sao vấn đề này lại quan trọng?
Mâu thuẫn trong lịch sử về những điều mâu thuẫn
Mọi người đều biết rằng mâu thuẫn là điều không tốt. Nếu bạn tìm thấy một phát biểu nào trong chương này bất đồng với một điều khác mà tôi đã nói, bạn sẽ cảm thấy có lý do để bác bỏ cả hai. Dù một trong hai có thể đúng, hoặc cả hai cũng có thể không đúng. Tại sao?
Chúng ta có thể cảm ơn hoặc đổ lỗi cho Aristotle (384-322 trước công nguyên). Với khao khát góp nhặt tất cả tri thức vào một hệ thống trật tự, ông đã nghĩ ra những quy luật logic để làm công cụ sắp xếp. Một trong số đó là Luật mâu thuẫn. Luật ấy giải thích rằng: A không thể đồng thời bằng B và không bằng B.
Từ đó đến nay, những người Phương Tây đã áp dụng quy luật của Aristotle để làm nền tảng xác định mọi lẽ thật. Nếu chúng ta có thể tìm thấy bất kỳ mâu thuẫn nào trong Kinh Thánh, chúng ta nghĩ rằng mình đã có lý do để bác bỏ tính chân thật của Kinh Thánh. Nhưng trước khi chúng ta quyết định điều nào là đúng, hãy xem xét kỹ hơn về những quy luật của Aristotle.
Phương pháp của Aristotle là cần thiết trong ngành khoa học vật lý. Chúng ta muốn bác sĩ phải chẩn đoán bệnh tật của mình dựa trên suy luận của Aristotle. Nếu đầu gối của bạn đau, bạn không muốn chuyên viên chỉnh hình cho rằng đó có thể vừa là ung thư vừa là rách dây chằng, và đề nghị chữa trị theo cả hai hướng xem tiến triển thế nào. Bạn muốn một kết luận không bị mâu thuẫn.

ari
Quy luật của Aristotle gặp vấn đề khi được áp dụng bên ngoài phạm vi của quy luật. Aristotle muốn phân loại tất cả tri thức thực tiễn nên ông cần những quy luật logic để thực hiện công việc. Tuy nhiên ông không sử dụng những quy luật này ngoài phạm vi vật lý. Khi chúng ta áp dụng những quy luật này ngoài phạm vi vật lý, sẽ có những vấn đề nảy sinh.
Nói về mối quan hệ hiếm khi nào có tính logic và không mâu thuẫn. Bạn yêu các con của mình nhưng đôi lúc lại ước chúng chưa từng được sinh ra, việc đó nghe có vẻ thật mâu thuẫn. Nhưng nếu bạn là một phụ huynh bình thường, cả hai điều trên là sự thật. Đức Chúa Giê-xu tuyên bố Ngài hoàn toàn là Đức Chúa Trời và cũng hoàn toàn là con người; Đức Chúa Trời là ba nhưng là một; Kinh Thánh được mặc khải thiên thượng nhưng do con người viết ra; Đức Chúa Trời biết tương lai, nhưng chúng ta có quyền tự do lựa chọn. Bên trong mỗi một giáo lý Cơ Đốc cốt yếu là một sự nghịch lý, một điều mâu thuẫn hiển nhiên nào đó.
Đây là bản chất của sự việc. Nếu bạn và tôi có thể hiểu hết được bản chất của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời sẽ không còn là Đức Chúa Trời nữa và chúng ta cũng không còn là chính mình nữa. Chúng ta nên chấp nhận nghịch lý và những căng thẳng lý trí bên trong trí hiểu biết hữu hạn và bất toàn của mình khi nhận thức về Đức Chúa Trời toàn năng của vũ trụ.
Rất nhiều những sự mâu thuẫn như vậy trong Kinh Thánh lại phù hợp với nhiều vấn đề thuộc linh và mối quan hệ xã hội. Chẳng hạn như, Kinh Thánh dạy “Đức Chúa Trời là tình yêu thương” (I Giăng 4:8). Song Kinh Thánh ghi rõ: “Cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật” (Rô-ma 1:18). Cũng vậy, Kinh Thánh cảnh báo rằng: “Còn ai có lòng chống trả không vâng phục lẽ thật, mà vâng phục sự không công bình, thì báo cho họ sự giận và cơn thạnh nộ” (Rô-ma 2:8). Làm thế nào Đức Chúa Trời vừa có thể yêu thương lại vừa căm ghét? Xin đừng hỏi Aristotle. Hãy hỏi bất cứ cha mẹ nào.
Không phải mọi lẽ thật đều trùng khớp với ống nghiệm. Thầy giáo hình học của tôi nói rằng hai đường thẳng song song không bao giờ cắt nhau. Nhưng để chứng minh điều đó, ông sẽ phải vẽ chúng mãi mãi. Trắng và đen không phải là hai màu duy nhất trong hộp bút màu.

(Còn nữa)

James C. Denison 

Trích từ “THE BIBLE – YOU CAN BELIEVE IT”

Translated by Vinh Hien   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn