Hoàng đế Constantine trở lại Cơ đốc Giáo
Năm 292, Hoàng Đế Diocletian chia Đế Quốc La Mã ra Đông Đế Quốc và Tây Đế Quốc. Sau khi Hoàng đế Galerius băng hà năm 311, Đế quốc La Mã chia ra làm bốn phần để cho bốn hoàng đế cai trị. Hoàng đế Licinius và Maximinus cai trị Đông Đế Quốc. Hoàng đế Maxentius và Constantine cai trị Tây Đế Quốc. Hoàng đế Maxentius đóng đô ở thành La Mã thuộc Ý Đại Lợi, Hoàng đế Constantine đóng đô ở Gaul, thuộc Pháp Quốc ngày nay.
Để bành trướng thế lực, vào năm 312, Hoàng đế Constantine bất thần tập trung binh sĩ vượt qua dãy núi Alps, tiến về hướng thành La Mã, kinh đô của Hoàng đế Maxentius. Khi hay tin quân của Constantine tiến về hướng mình, Hoàng đế Maxentius ra lệnh phá cầu Milvian để chận đường tiến quân của Constantine vào thành La Mã. Thay vào đó, Hoàng đế bắt một cây cầu nổi bằng xuồng ghe để phòng khi phải rút lui trở vào thành. Sau đó, Hoàng đế Maxentius điều động binh sĩ qua cầu nổi Milvian để chận đường tiến quân của Hoàng đế Constantine.
Đang trên đường tiến quân về hướng thành La Mã, Hoàng đế Constantine ngước mắt lên cầu nguyện cùng Thần Mặt Trời thì thấy chữ Chi và Rho (X & P) ngời sáng giữa ban ngày với hàng chữ “Thắng với dấu hiệu này” (Touto nika). Đêm đó, Hoàng đế Constantine ngủ nằm chiêm bao thấy Đấng Christ bảo hãy vẽ chữ Chi (X) và Rho (P) trên thuẫn đỡ của binh sĩ. Khi thức dậy, Hoàng đế ra lệnh vẽ chữ Chi và Rho trên thuẫn đỡ của binh sĩ và trên quốc kỳ của mình. (Chữ X&P là hai mẫu tự đầu của chữ XPIƠTÓS. XPIƠTÓS là chữ Hy Lạp có nghĩa là CHRIST. CHRIST có nghĩa là “Đấng Mê-si hay Đấng chịu xức dầu,” một danh hiệu của Đức Chúa Giê-su).
Khi quân của Constantine kéo đến gần cầu Milvian chạm phải lực lượng của Maxentius. Hai bên đánh nhau quyết liệt, quân của Maxentius yếu thế rút lui trở vào thành La Mã, lúc qua cầu nổi quá hỗn độn làm cho cầu nổi lật chìm, nhiều binh sĩ chết đuối, trong đó có Hoàng đế Maxentius. Quân của Constantine thừa thắng xông lên chiếm thành La Mã đưới ngọn cờ có chữ Chi và Rho. Sau khi thắng trận Milvian, Constantine trở thành Hoàng đế của toàn thể Tây Đế Quốc.
Hoàng đế Constantine trở lại Cơ đốc Giáo vì tin rằng Đấng Christ đã giúp mình chiến thắng Hoàng đế Maxentius. Hoàng đế Constantine băng hà vào năm 337, để lại ngai vàng cho 3 người con trai.
Cơ Ðốc Hóa Ðế Quốc La Mã và Ngẫu Tượng Hóa Hội Thánh
Ðạo Ðấng Christ lan tràn mau lẹ. Tertullien (160-220) viết rằng: “Chúng tôi mới có hôm qua, nhưng chúng ta đã đầy dẫy đế quốc, đô thị, thị trấn, hải đảo, bộ lạc, trại quân, lâu đài, cung điện, hội nghị, và thượng nghị viện của vua.” Vào khoảng cuối những cuộc bắt bớ do tay các hoàng đế (313), tín đồ Ðấng Christ chiếm chừng một nửa dân số đế quốc La-mã.
Constantin trở lại tin Chúa. Ðang khi giao chiến với các địch thủ để lập vững ngôi hoàng đế của mình, nhằm buổi chiều trận đánh tại cầu Milvins, ở ngay ngoài thành La-mã (27-10-312), ông thấy trên trời, bên trên mặt trời đang lặn, hình Thập tự giá hiện ra, và bên trên Thập tự giá có mấy chữ: “Hãy thắng, bởi dấu hiệu nầy,” ông bèn nhứt định chiến đấu dưới cờ Ðấng Christ, và đã thắng trận. Ðó là chỗ rẽ của lịch sử đạo Ðấng Christ.
Chiếu chỉ khoan dung tôn giáo (313). Bởi chiếu chỉ nầy, Costantin ban cho “tín đồ Ðấng Christ và mọi người khác được hoàn toàn tự do theo tôn giáo mà mỗi người lựa chọn.” Ðó là chiếu chỉ khoan dung tôn giáo đầu tiên trong lịch sử. Ông còn đi xa hơn nữa; ông ủng hộ tín đồ Ðấng Christ đủ mọi cách; cho tín đồ vào làm các công sở quan trọng rất đông đúc; miễn cho các Mục sư khỏi phải đóng thuế và thi hành quân dịch; khuyến khích và giúp đỡ xây cất nhiều nhà thờ; lập đạo Ðấng Christ làm tôn giáo của triều đình; công bố bản khuyến cáo hết thảy thần dân hãy theo đạo Ðấng Christ (325). Vì giới quí tộc La-mã vẫn cố quyết theo ngẫu tượng giáo, Costantin bèn dời thủ đô qua Byzance, đổi tên nó ra Constantinople. Ðó là “La-mã mới,” thủ đô của đế quốc mới theo đạo Ðấng Christ.
Constantin và Kinh Thánh. Ông truyền lịnh sao cho các chi hội ở Constantinople 50 quyển Kinh Thánh, dưới sự điều khiển của Eusèbe, trên giấy da bò non tốt nhứt, và do tay những ký lục tài khéo; ông dành hai xe ngựa của chánh phủ để chở Kinh Thánh mau chóng về cho hoàng đế. Rất có thể bản thảo Sinaitique và bản thảo Vatican thuộc trong số Kinh Thánh nầy.
Constantin và Chúa nhật. Ông biệt riêng ngày hội họp của tín đồ Ðấng Christ, tức là Chúa nhật, làm ngày yên nghỉ; trong ngày ấy, ông cấm làm công việc buôn bán, và cho phép binh sĩ theo đạo Ðấng Christ đi dự các cuộc thờ phượng trong nhà thờ. Sự nghỉ một ngày trong tuần lễ đó rất có ích cho những người làm tôi mọi.
Ðạo Ðấng Christ trở thành quốc giáo của đế quốc La-mã. Dầu về nguyên tắc, Constantin đã làm như vậy, nhưng dưới đời trị vì của Théodose (378-395), đạo Ðấng Christ mới trở thành quốc giáo, ai nấy bắt buộc phải gia nhập Hội Thánh. Ðó là Tai Họa Tệ Hại Hơn Hết từng giáng trên Hội Thánh Ðấng Christ vốn đã quyết định chinh phục bởi những phương pháp hoàn toàn thiêng liêng và đạo đức. Cho tới thời Constantin, ai nấy tự ý trở lại tin theo Ðấng Christ, tấm lòng và đời sống của họ thật được thay đổi. Nhưng tới đây, sự bắt buộc trở lại đạo đã làm cho các nhà thờ đầy dẫy những người không được tái sanh. Hội Thánh thay đổi tánh chất, trở thành một tổ chức chánh trị, và đâm nhào vào thời kỳ 1000 năm của chế độ Giáo hoàng.
Các cuộc cải cách. Chế độ tôi mọi, những cuộc giác đấu, sự giết các con trẻ sơ sinh mà cha mẹ không hoan nghinh, sự gia hình đong đinh vào thập tự giá, đều bị bãi bỏ khi đế quốc được Cơ-đốc-hóa.
Các nhà thờ. Nhà thờ thứ nhứt đã được xây dựng dưới đời trị vì của Alexandre– Sévère (222-235). Sau khiConstantin ra chiếu chỉ khoan dung tôn giáo, các nhà thờ được xây cất khắp nơi.
Sự suy vong của ngẫu tượng giáo. Khi Théodose (378-395) lấy Hội Thánh làm một cơ quan quốc gia, thì ông định ý dùng võ lực thủ tiêu mọi tôn giáo khác; ông cấm thờ lạy hình tượng. Do các sắc lịnh của ông (375-400), các miễu thờ thần tượng bị tín đồ Ðấng Christ lũ lượt kéo đến phá hủy, và máu đổ rất nhiều. Lúc nầy, Hội Thánh đã bước vào giai đoạn bội đạo hệ trọng. Hội Thánh đã chinh phục đế quốc La-mã, nhưng thật ra đế quốc La-mã đã chinh phục Hội Thánh, chẳng phải bởi thủ tiêu Hội Thánh, song bởi làm cho Hội Thánh giống như hình ảnh của nó.
Hội Thánh của đế quốc ở thế kỷ thứ 4 và thứ 5 đã trở thành một cơ quan khác hẳn Hội Thánh bị bắt bớ ở 3 thế kỷ đầu. Vì có dục vọng cầm quyền, nên Hội Thánh đã bỏ mất và lãng quên tinh thần của Ðấng Christ.
Sự thờ phượng lúc đầu rất giản dị, đã biến thành những nghi lễ tinh vi, trang nghiêm, long trọng, có tất cả sự huy hoàng bề ngoài vốn thuộc về các miễu thờ thần tượng.
Các Mục sư trở thành thầy cả (thầy tế lễ). Danh từ “thầy cả” không áp dụng cho các Mục sư đạo Ðấng Christ trước năm 200 S.C.. Người ta mượn danh từ nầy của đạo Do-thái và vì theo gương các tế sư của ngẫu tượng giáo. Giáo hoàng Léon cấm thầy cả không được cưới vợ, và sự độc thân của thầy cả đã trở thành luật pháp của Giáo hội La-mã. Nhưng sự độc thân nầy đã gây nên tai hại trải qua mọi thế kỷ.
Các dân tộc dã man trở lại đạo. Các dân Goths, Vandales, Huns đã lật đổ đế quốc La-mã và tiếp nhận đạo Ðấng Christ. Nhưng sự trở lại đạo nầy phần lớn là hữu danh vô thực, do đó Hội Thánh lại càng tràn nhập những thói tục của ngẫu tượng giáo.
Tranh đấu với các triết lý ngoại đạo. Mỗi thế hệ tìm cách giải thích Ðấng Christ theo ý tưởng riêng của mình thể nào, thì cũng một thể ấy, vừa mới xuất hiện, đạo Ðấng Christ đã bắt đầu pha trộn với những triết lý Hy-lạp và Ðông phương. Nhơn đó có nhiều giáo phái dấy lên:–
Duy tri chủ nghĩa (gnosticisme): Vật chất là hư xấu; Ðức Chúa Jêsus chỉ là một ảo ảnh; sự cứu rỗi do sự soi sáng thần bí trong tâm hồn.
Nhị nguyên giáo (manichéisme): Thiện ác nhị nguyên chủ nghĩa của Ba-tư.
Giáo lý của Montanus (montanisme): Chức vị siêu nhiên liên tục của Ðức Thánh Linh.
Duy nhất thân vị luận: Ðức Cha, Ðức Con, và Ðức Thánh Linh là cùng một Thân vị.
Phản tam vị nhất thần luận (arianisme): không nhận giáo lý Ba Ngôi hiệp một Ðức Chúa Trời (Trinité).
Cơ đốc vô nhân tánh luận: Chối rằng Ðấng Christ không có nhân tánh.
Cảnh giáo (nestorianisme): Trong Ðức Chúa Jêsus Christ có hai Thân vị.
Nhị tánh hợp nhứt luận (entychianisme): Ðức Chúa Jêsus Christ có thần tánh và nhân tánh hiệp lại làm một.
Duy nhất tánh luận (monophysisme): Ðấng Christ chỉ có một bổn thể.
Từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 6, Hội Thánh bị xâu xé bởi những cuộc tranh luận về mấy lý thuyết và chủ nghĩa đó cùng mấy lý thuyết và chủ nghĩa giống như vậy, đến nỗi hầu như không còn thấy sứ mạng chân chánh của mình nữa.
Tiểu hành tinh cải giáo cho Hoàng đế Constantine?
Một miệng hố, do một tiểu hành tinh tạo ra vào thế kỷ thứ tư hoặc thứ năm, ở dãy núi Apennine, Italia, có thể giải thích huyền thoại của một ngôi sao rơi và sự cải đạo sau đó của Hoàng đế La Mã Constantine theo Cơ đốc giáo.
Người ta nói rằng Constantine (288-337 sau CN) đã cải đạo vào năm 312 sau khi chứng kiến một cảnh tượng kinh ngạc trên bầu trời. Ngay sau đó, theo dấu của cây thánh giá, Constantine đã giành chiến thắng trước Hoàng đế chung Maxentius. Kết quả là toàn bộ đế chế phía tây rơi vào tay Constantine, tiếp theo là việc cải đạo theo Cơ đốc giáo và nhiệt huyết chống Cơ Đốc giáo chấm dứt. Nằm tại Công viên Sirente Velino, cách Rome chừng 96km về phía đông, miệng hố được phát hiện tình cờ khi nhà địa chất Thuỵ Điển Jens Ormo quan sát bức ảnh chụp một vùng hồ tròn không bình thường. Một chuyến thám hiếm tới địa điểm đó khẳng định chiếc hồ là một miệng hố thiên thạch rộng 115m, dài 140m. Nó có miệng hình yên ngựa, nhô lên khoảng 2m bên trên đồng bằng xung quanh. Việc khẳng định nguồn gốc của vụ va chạm xuất phát từ 17 miệng hố nhỏ nằm rải rác quanh đồng bằng Sirente, do các mảnh vỡ của tiểu hành tinh tạo ra. Phân tích đất cho thấy dấu hiệu từ tính, ngụ ý đó là một thiên thể sắt hoặc sắt và đá. Phân tích một mẫu khoan chỉ ra rằng miệng hố được hình thành vào khoảng năm 370 tới 450 sau CN. Các nhà nghiên cứu đang tập trung vào việc tìm kiếm dấu vết của thiên thạch, bằng chứng rõ ràng về vụ va chạm. Thiên thạch kim loại này, có đường kính khoảng 10m, có lẽ đã lao xuống trái đất với vận tốc 20km/s, lớn hơn 20 lần tốc độ của một viên đạn được bắn ra từ khẩu súng trường. Từ kích cỡ của hố, Ormo ước tính vụ va chạm có lực nổ 1kiloton, tương đương một vũ khí hạt nhân rất nhỏ. Trên thực tế vụ va chạm là một cảnh tượng kỳ lạ khi được nhìn từ Rome. Nhìn từ xa, tiểu hành tinh trông giống như một quả cầu lửa lao qua khí quyển, để lại một vệt bụi. Nó cũng tạo ra tiếng ồn lớn. Tuy nhiên, Giáo sư Timothy D. Barnes thuộc ĐH Toronto, Canada, tác giả của nhiều cuốn sách về Constantine, hoàn toàn không đồng ý. Ông nói: ”Điều đó thật vô lý. Cái mà Constantine và quân đội của ông nhìn thấy là một hiện tượng hào quang của mặt trời ở Gaul vào năm 310 sau CN”. (Minh Sơn – Theo Discovery) |