Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / Tín Ngưỡng Thờ Trời

Tín Ngưỡng Thờ Trời

Phục Hồi Tín Ngưỡng Thờ Trời

NHU CẦU TRUYỀN BÁ ĐẠO TRỜI THEO KINH THÁNH

IMG_7751
Trong bài viết “Jesus, Buddha, or Muhammad?” của J. P. Moreland and Tim Muehlhoff, tôi thấy mấy dữ kiện đáng để ý sau đây:
– Một trong số năm người trên thế giới thì có một người theo Hồi Giáo.
– Năm 1990 có ba mươi đền thờ Hồi Giáo ở Hoa Kỳ. Ngày nay có hơn ba ngàn. Cứ trung bình, mỗi tuần có một đền thờ mới của Hồi Giáo được lập nên ở Hoa Kỳ.
– Từ năm 1990 đến 2001, Phật Giáo tăng trưởng ở Hoa Kỳ khoảng 170% và ngày nay đây là tôn giáo được thực hành nhiều đứng thứ tư ở Hoa Kỳ.
– Nếu vào Google và đánh máy tìm chữ Buddhism (Phật Giáo), bạn sẽ thấy có hơn 37 triệu websites.
– Tổng số 68% dân số thế giới không nhận mình theo Cơ- đốc Giáo.
[J. P. Moreland and Tim Muehlhoff, The God Conversation, IL: InterVarsity
Press, 2017, 47.]

Trong khi đó, ở Hoa Kỳ.
Richard Halverson, cựu Tuyên Úy Thượng Viện Hoa Kỳ nhắc lại: “Hội thánh bắt đầu là một sự hiệp thông của những tín hữu nam nữ tập trung vào Đấng Christ sống động. Sau đó hội thánh chuyển đến Hy Lạp, nơi nó trở thành một triết lý; rồi chuyển tới Rome nơi nó trở thành một tổ chức; rồi nó đã chuyển đến Châu Âu, nơi nó trở thành một nền văn hóa; và cuối cùng, nó đã chuyển sang Hoa Kỳ, nơi nó trở thành một doanh nghiệp.” (Dr. Jim Denison)

Nhưng Mục Sư Rick Warren, một Mục Sư lớn của Mỹ mà tôi ưa thích. Ông viết:
“Có 18 phân tây ở giữa cái đầu và trái tim của bạn. Nhưng, đáng tiếc thay, một vài người sẽ trật mất Thiên Đàng bởi 18 phân tây đó. Họ biết Trời bằng đầu óc nhưng không bằng con tim của họ. Về mặt trí tuệ, họ tin Phúc Âm nhưng họ chưa bao giờ để điều đó thay đổi tấm lòng của họ.
Tôi đã đi học một thời gian dài, tổng cộng 24 năm trời để lấy bằng cao học và bằng tiến sĩ của tôi. Thú thật, tôi đã quên hầu hết những gì tôi đã học được trong thời gian đó.
Nhưng tôi đã không bao giờ quên lẽ thật quan trọng nhất mà tôi đã học được. Chúng ta được tạo dựng nên bởi Trời. Chúng ta được tạo dựng nên vì Trời. Cho đến khi chúng ta hiểu được điều đó, cuộc sống sẽ không bao giờ có ý nghĩa.”
Bạn không phải được tạo dựng nên vì bạn.

thai 2
Kinh Thánh chép, “Một số những người này đã bỏ qua điều quan trọng nhất trong đời – họ không biết Chúa” (1 Ti-mô-thê 6:21a TLB).
Bạn có thể biết lý thuyết Dây. Bạn có thể biết lý thuyết Hỗn Độn. Bạn có thể biết Vật Lý Lượng Tử. Nhưng nếu bạn không biết Đức Chúa Trời, bạn đã bỏ lỡ mục đích cuộc sống của bạn.
Đến cuối cuộc đời của bạn, Chúa Trời sẽ cho bạn một bài thi cuối. Đây là tin mừng, đó sẽ là bài thi cho phép mở sách ra để làm. Tất cả những câu trả lời đều ở trong Kinh Thánh.
Trong bài thi đó, Đức Chúa Trời sẽ không hỏi nếu bạn đã đạt toàn điểm A. Ngài sẽ không quan tâm bạn đã xuất sắc trong nghề nghiệp của mình như thế nào. Ngài sẽ không hỏi bạn có bao nhiêu tiền trong tài khoản của bạn.
Thay vào đó, Ngài sẽ hỏi bạn điều này: Con có biết đến ta không? Con có xây dựng mối liên hệ với Con Trời mà ta đã sai xuống thế gian để chết trên cây thập tự cho con không?”
Tôi nghĩ Đạo Trời không phải là một doanh nghiệp, không phải là một giáo phái, chẳng phải là giáo hội, nhưng Đạo Trời là một giải pháp cứu rỗi duy nhất cho tình trạng hư mất của loài người. Tình trạng bất an, lo lắng, cô đơn, trống rỗng, thiếu mục đích trong lòng người vẫn còn đó. Loài người tội lỗi đang phân cách với Đức Chúa Trời. Làm thế nào để loài người nối lại sự phân cách với Đức Chúa Trời.
Nhiều người lầm tưởng Đạo Trời chỉ nghĩ đến đời sau mà quên rằng Đạo Trời rất quan tâm đến hạnh phúc của loài người trong đời nầy. Người không trở lại thờ Trời lúc nào cũng như đứa trẻ mồ côi. Dù ở cuộc đời nào, thế giới nào.
Nhu cầu tâm linh đau khổ, thèm khát, tìm kiếm tự do và giải thoát vẫn còn đó.
Của cải vật chất, văn minh tiến bộ không làm thỏa mãn lòng người.
Loài người đang tìm kiếm bình an, sự tha thứ, sự hy vọng và sự thỏa lòng.
Giải pháp cứu rỗi loài người đến từ Trời, không đến từ người.
Tự tìm sự cứu rỗi ở đời nầy là vô ích.
Chúng ta cần giới thiệu sự sống đời đời đầy ý nghĩa của ân điển Trời ban cho mọi tội nhân đang tìm kiếm sự tha thứ và hoạt động sống động hữu hiệu của Hội Thánh thời Tân Ước.
Khi suy nghĩ đến hiện thực về các Hội Thánh và đọc các số liệu trên, tôi tự nghĩ:
“Tại sao các tôn giáo đều được phát triển tại Mỹ, một đất nước văn minh?”
“Nếu ở nước Mỹ mà các tôn giáo như Hồi Giáo và Phật Giáo lại phát triển, thì tin mừng về Nước Trời chắc chắn sẽ phục hưng.”
Dầu đời sống vật chất các nơi trên thế giới đều phát triển, nhưng nhu cầu tâm linh của loài người không thay đổi. Bởi lòng người không thay đổi. Loài người còn đau khổ, loài người còn chết thể xác, loài người còn thất vọng về tâm linh.
Đáp ứng nhu cầu tâm linh là mục đích của các tôn giáo. Nhưng tôn giáo không làm được điều nầy. Tôn giáo không có quyền năng. Tôn giáo cấm chúng ta làm điều nầy điều nọ, nhưng tôn giáo không trao cho chúng ta khả năng làm điều phải, điều đúng. Đâu là mục đích cuối cùng của đời người? Đâu là hướng đi duy nhất của đời người? Chúng ta cần chú trọng mục đích cuối cùng cho đúng. Bởi vì, “Nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn thì được ích gì?”

thai 3
Tôi nghĩ các tôn giáo chính và phát triển đều chú trọng một mục đích chính và chung là việc thờ Trời.
– Do Thái Giáo thờ Trời theo gương Môi-se.
– Hồi Giáo thờ Trời theo gương Ma-hô-mết.
– Công Giáo thờ Trời theo truyền thống Giáo Hội.
– Tin Lành thờ Trời theo gương Chúa Giê-su, Các Sứ Đồ và Hội Thánh Đầu Tiên.
Như vậy thờ Trời là mẫu số chung. Đúng như câu nói của người Mỹ mà tôi từng nghe: “Not religion but relationship.” Chúng ta cần giúp đồng bào Việt Nam thiết lập mối liên hệ phụ tử với chính Đức Chúa Trời.
Tôi muốn có một phương pháp truyền giáo hữu hiệu cho quê hương Việt Nam phù hợp với văn hóa của người Việt Nam.
Tôi muốn trước hết người Việt phải được phục hòa với Đức Chúa Trời nhờ sự hy sinh trả giá của Con Trời. Chính Đức Chúa Trời đã đi bước đầu để làm hòa với loài người, đó là tin mừng lớn người Việt cần phải biết. Người Việt không cần tìm kiếm sự giải hòa nầy qua các tôn giáo nhưng chỉ cần tiếp nhận giải pháp hòa bình của Đức Chúa Trời, một món quà Trời ban. Người Việt cần biết về ơn Trời, ý Trời, phước Trời, cầu Trời, nhờ Trời, yêu Trời.
Giải pháp cứu rỗi nầy gồm tóm trong hình ảnh của Thập tự giá khi Con Trời đổ huyết cứu chuộc loài người.
Là người Việt tha hương yêu quê hương và yêu người đồng hương, tôi luôn tự hỏi không biết làm thể nào để 50% người Việt có thể trở lại thờ Trời? Chỉ có thờ Trời qua Con Trời mới được cứu rỗi và có chỗ trên thiên đàng!
Chúng ta không thể hài lòng mãi với con số 2% hay 10% dân tộc Việt thờ Trời. Chúng ta có quyền ước mơ và cầu Trời thương xót cứu người Việt Nam như Ngài đã làm cho dân tộc Mỹ, cho dân Đại Hàn. Tình yêu của Trời không biên giới.
Ước mơ nầy quá lớn, hoàn cảnh quá khó khăn, nhưng vì lòng yêu Chúa, tin cậy Chúa và lòng yêu thương linh hồn đồng bào, tôi vẫn tin tưởng và vẫn muốn đi tìm một phương pháp truyền giáo hữu hiệu cho Việt Nam.
Nếu quý vị và các bạn tìm được giải pháp nào, lý lẽ nào có thể đạt được mục đích trên, xin vui lòng cho tôi biết để học hỏi và áp dụng thi hành.

IMG_7752

TẠI SAO VÀ THẾ NÀO?

Chúng ta người Việt ai nấy đều muốn đa số người Việt được cứu và được phước. Chúng ta biết biết chữ Why? (Tại sao) nhưng ít người biết chữ How? (Làm thể nào).
Là người tha hương chúng ta yêu quê hương và muốn làm điều gì

đó ích lợi cho quê hương. Chúng ta đang sống giữa một quê hương tốt dưới đất và thường quên mất là chúng ta còn có một quê hương tốt hơn ở trên trời.
Chúng ta chú ý đầu tư cho đời nầy (quê hương dưới đất) và quên đầu tư cho đời sau (quê hương trên trời).
Chúng ta nghĩ việc của Cha không phải là việc của mình, nhưng là việc của người khác.
Chúng ta thường hát, “Trần thế chẳng phải quê hương…” nhưng chúng ta quên mình là khách du lịch trên đời nầy.
Chúng ta quên sự thật là khi về quê với Chúa trên thiên đàng, chúng ta không thể mang theo của cải vật chất đời nầy, nhưng chúng ta có thể mang theo những của cải thiêng liêng là linh hồn của những người được cứu rỗi.
Chúng ta quên công việc chính yếu của Chúa Cứu Thế là rao giảng tin lành về Nước Trời (Kingdom of God) và chúng ta cũng phải noi gương Ngài mở rộng Nước Trời. Trách nhiệm của những người thờ Trời là đi khắp thế gian giảng tin lành về Nước Trời. Chúng ta muốn lập giáo phái Tin lành nhỏ của mình nhưng ít chú ý đến việc lớn xây dựng và phát triển Nước Trời. Chúng ta làm việc phụ và quên làm việc chính.
Là người Việt Nam chúng ta có trách nhiệm giải cứu đồng bào Việt Nam thoát ách tội lỗi, thoát ách Sa-tan, thoát số phận đi hỏa ngục. Đức Chúa Trời không thay đổi mạng lịnh Ngài đã giao cho chúng ta. Chúng ta quên trách nhiệm, “Hãy trả cho Sê-sa những gì của Sê-sa và trả cho Đức Chúa Trời những gì thuộc Đức Chúa Trời.”
Chúng ta cần dự phần và hiệp tác để làm phép lạ lớn nhất là di dời đồng bào chúng ta từ nước tối tăm qua nước sáng láng của Con Trời.
Chúng ta sẽ chọn làm gì?

THỰC TẾ VIỆT NAM 

Việt Nam là một nước nghèo đang vươn lên làm giàu. Việt Nam nằm gần các nước Lào, Cao Miên, Thái Lan và Trung Quốc nên chịu ảnh hưởng nặng của các triết lý và phong tục Phật Giáo, Khổng Giáo.

Đặc điểm Việt Nam là nước tôn trọng tự do tín ngưỡng. Tôi không nói tự do tôn giáo theo nghĩa Tây Phương. Việt Nam không có quốc giáo. Việt Nam không cấm các thực hành tín ngưỡng dù đó là mê tín, dị đoan, hay tôn giáo du nhập. Việt Nam là một trong số ít nước kiểm soát chặt chẽ mọi sinh hoạt tôn giáo trong nước theo quy chế xin cho. Không dễ để truyền giáo ở Việt Nam, nhất là đối với những người Việt tha hương về thăm quê hương. Các giáo sĩ ngoại quốc không được phép chính thức hoạt động. Mọi hoạt động truyền giáo từ bên ngoài phải có giấy phép.

Có nhiều giáo phái khác nhau đang cố gắng truyền giáo cho Việt Nam nhưng thiếu hiệp tác, phần ai nấy làm, ai cũng lo phát triển giáo phái của mình. Ai cũng biết đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết, nhưng ít người quan tâm đóng góp và hiệp tác vì công việc chung cứu rỗi đồng bào. Tôi chưa thấy có Hội Thánh Tin Lành nào ở Việt Nam cử giáo sĩ đến giúp truyền giáo cho các dân tộc khác ở Việt Nam.

Việt Nam có dân số đông, gần 100 triệu, đa số là người trẻ và thiếu nhi. Dân tộc Việt có lòng mộ đạo, chuộng các sinh hoạt cộng đồng, tôn trọng các lãnh vực huyền bí linh thiêng, thích lễ hội. Việt Nam có nhiều dân tộc thiểu số sống theo truyền thống tín ngưỡng với ngôn ngữ và văn hóa riêng. Đa số dân chúng suốt các miền Nam, Trung, Bắc chịu ảnh hưởng văn hóa Á Đông, giữ đạo ông bà để lại, giữ các lễ hội bình dân. Chùa chiền và nhà thờ được xây dựng nhiều. Đình miếu còn lưu giữ. Các ngôi mộ cũng được xây cất kiên cố.

Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam theo Tin Lành nhiều hơn so với dân tộc Kinh?

thai

Gần đây ở vùng Tây Bắc Việt Nam có hàng trăm ngàn người Hmong đã trở lại thờ Trời sau khi nghe Đạo Trời qua ngôn ngữ Hmong được giới thiệu trên Đài Phát Thanh FEBC và sau đó họ đã tìm đến Hội Thánh Tin Lành ở Hà Nội để xin giúp đỡ.

Một câu hỏi khác: Tại sao đa   số người Kinh không theo Tin Lành?

Tôi nghĩ câu trả lời rõ ràng là do người Kinh chịu ảnh hưởng nhiều bởi giáo lý Phật Giáo và Khổng Giáo. Tin Lành đến sau Công Giáo. Các thói quen đi chùa, cúng quảy, giữ ngày, giữ tháng không bỏ được. Những ràng buộc trong gia đình, dòng họ. Một số đông người Việt cũng chịu ảnh hưởng của Lão Giáo với các tập tục dị

đoan (xem bói, xem phong thủy, coi thầy, lên đồng). Người Kinh chịu ảnh hưởng tinh thần của dân tộc Trung Hoa, với các tập tục trở thành văn hóa bình dân, vì thế không dễ để người Kinh thay đổi truyền thống văn hóa đã thâm nhập sâu vào nước Việt ngàn năm. Trong khi đó người các dân tộc theo tín ngưỡng thờ thần linh, có chế độ mẫu hệ, không có tổ chức tôn giáo nào. Khi trở lại thờ Trời, người các dân tộc thiểu số được giải thoát khỏi những tập tục ít ràng buộc hơn.

Một thực tế ai cũng thấy là:

Do thiếu sót Lời Chúa, phần lớn dân chúng người Việt sống cho đời nầy, ít nghĩ đến tương lai đời sau, chăm về sự thấy được, không quan tâm đến sự không thấy được.

Người Việt còn bị ràng buộc về tình cảm với gia đình và thường giữ theo truyền thống tôn giáo do ông bà để lại. Đa số người Việt nghĩ đến chuyện làm lành, lành dữ là được, ít người nghĩ đến sự tha tội, sự cứu rỗi linh hồn.

Người Việt hài lòng với giải pháp tu hành tự cứu, thoát khổ bằng việc làm lành, bất kể kết quả dẫn họ đi tới đâu không biết.

Người Việt chỉ lo chứa của dưới đất mà không lo chứa của trên trời.

Người Việt đang mang ách nô lệ của tội lỗi, của Sa-tan, của truyền thống tôn giáo mà không biết.

Người Việt đang đi trên đường dẫn đến hư mất mà không biết.

Người Việt đa số giống như người mù đang được dẫn dắt bởi người mù.
Người Việt ít khi suy nghĩ mình đang đi lên hay là đang đi xuống

VẪN CÒN HY VỌNG VẪN CÒN THỜI GIAN 

Nhưng Việt Nam có một ưu điểm là từ lâu dân chúng đã có tín ngưỡng thờ Trời.

Các vua chúa xưa đều có các lễ tế Trời, dân chúng từ bắc chí nam đều có phong tục lập Bàn Thờ Thiên ngay trước nhà.

Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Trong lúc khó khăn bất ngờ hay gian nguy, người Việt thường kêu, “Trời ơi, cứu tôi!”

Đạo Trời có trước trong lòng người Việt trước khi có các tôn giáo như Khổng Giáo, Phật Giáo, Lão Giáo truyền đến Việt Nam.

Từ lâu người Việt đã biết cầu Trời nhưng chưa có mối liên hệ với Chúa Trời như cha con, như vợ chồng, như thầy trò. Người Việt chưa biết thờ Trời đúng nghĩa. Người Việt chưa đọc Kinh Thánh là sách Trời, bày tỏ Luật Trời, ý Trời, giải pháp của Trời.

Dù theo các tổ chức tôn giáo thờ người và không biết thờ Trời, theo triết lý tự cứu và không nhờ ai cứu, tâm hồn người Việt vẫn biết Trời, kính Trời, thờ Trời, cầu Trời, than Trời và lo sợ cho ngày Chầu Trời. Ngay cả người theo Phật cũng không quên nhắn nhủ con cháu “Cầu Trời Khẩn Phật” (trước là cầu Trời, sau là khẩn Phật). Ý niệm mơ hồ nầy ngầm ý nếu nhờ Đấng nầy không được thì nhờ Đấng khác.

Từ trong bản chất, người Việt chứng tỏ ai nấy đều có lòng tin nơi Ông Trời là Đấng tạo thiên lập địa, Đấng có liên hệ mật thiết với người nông dân luôn cần mưa thuận gió hòa, người ngư phủ cần biển yên sóng lặng… Kho tàng ca dao tục ngữ, thi phú, văn chương, về ước mong sống đẹp lòng Trời vẫn được lưu trữ rất phong phú trải qua các đời.

Bàn Thờ Thiên được biệt riêng để thờ Trời trước sân nhà, trong từng gia đình, theo khái niệm Thờ Trời với tế lễ đơn sơ, không cần thầy tư tế. Người Việt tin Trời, kính Trời nhưng chưa biết giải thích lý do thờ Trời, chưa có Kinh sách, chưa có hệ thống thờ Trời. Vì vậy khôi phục tín ngưỡng thờ Trời “nói có sách, mách có chứng,” cùng với kết quả Thờ Trời thấy được của thế giới, của người thờ Trời ở giữa cộng đồng các dân tộc người Việt, là nhu cầu cấp bách và khả thi.

Phục hồi tín ngưỡng  thờ  Trời là tiền đề quan trọng trong việc truyền bá tin lành về Nước Trời.

Như Chúa Giê-su, như Phê-rơ, như Phao-lô đã làm cho quê hương và cho các dân tộc.

IMG_7757

MS NGUYỄN VĂN HUỆ   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn