Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / KINH THÁNH VÀ GIÁO QUYỀN

KINH THÁNH VÀ GIÁO QUYỀN

Kinh Thánh Dành Cho Tất Cả Mọi Người

Dĩ nhiên, người Baptist và hầu hết những người Tin Lành khác đều bác bỏ mô hình “thẩm quyền của Giáo hội”. Chúng ta tin rằng thẩm quyền duy nhất cho niềm tin và thực hành của chúng ta là chính Kinh Thánh. Tuy nhiên trước khi chúng ta lên án mô hình thẩm quyền của Giáo Hội, hãy tìm hiểu nguyên nhân của mô hình này.

Trước hết, rất nhiều học giả trong Hội Thánh đã từng, và bây giờ vẫn thế. Họ là những người có khả năng nghiên cứu học thuật xuất sắc, cùng sự cam kết sâu sắc với lẽ thật Kinh Thánh. Hãy đề cập đến Augustine xứ Hippo (năm 354-430 sau Công Nguyên), ông là người có trí thức hàng đầu trong thời đó và là một trong số những nhà lý luận Cơ Đốc vĩ đại nhất mọi thời đại. Ông dồn hết tâm sức vào việc diễn giải Kinh Thánh một cách đúng đắn và cẩn thận nhất, viết ra những sách giải kinh sâu sắc nhất mà Hội Thánh có được. Người Baptist cần lưu ý kỹ những quy luật của ông sau đây về qui luật diễn giải Kinh Thánh:

  •  Tin cậy Đấng Christ một cách cá nhân trước khi cố gắng hiểu lời Ngài.
  •  Trước hết tìm hiểu nghĩa đen và ý nghĩa lịch sử của phân đoạn Kinh Thánh.
  •  Giải thích dựa theo ý nghĩa ban đầu của tác giả.
  •  Học phân đoạn Kinh Thánh trong bối cảnh của nó.
  •  Sử dụng những phân đoạn rõ nghĩa để giải thích cho những phân đoạn khó hơn.

Vatican_saint_peters_basilica_in_rome

Cũng vậy, Thomas Aquinas (1224-1274), nhân vật đi đầu trong Hội Thánh thời trung cổ, đã làm việc cật lực để nâng cao nghĩa đen, ý nghĩa lịch sử và thẩm quyền của Kinh Thánh. Ông lập luận rằng: “Niềm tin của chúng ta đặt nơi sự mặc khải đã được tỏ bày cho các sứ đồ và các tiên tri, là những người đã viết ra những quyển sách kinh điển, mà không phải là những mặc khải (nếu có) cho các học giả khác.”2 Thomas khẳng định thêm rằng chúng ta không được diễn giải thêm những ý nghĩa khác trong Kinh Thánh mà vi phạm nghĩa đen của bản văn.3

Nếu đã có những bác sĩ xuất sắc, vậy tại sao tôi cần phải học kiến thức y khoa cho chính mình? Chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời.

Thứ hai, một lý do khác trong lời bảo vệ mô hình thẩm quyền Giáo Hội đó là những người “thế tục” không biết nhiều về Kinh Thánh như những nhà Thần học đã qua đào tạo. Riêng tôi đã dành mười ba năm để học Cao học, nhận được ba bằng cấp về Thần học. Tôi đã học tiếng Hy Lạp, Hê-bơ-rơ, Thần học Đức và tiếng Latin. Giờ đây tôi có được đặc quyền dành hầu hết thời gian trong tuần để nghiên cứu và giảng dạy về lời Chúa. Thật khó cho các thành viên trong Hội Thánh địa phương nghĩ rằng họ cũng đủ khả năng nghiên cứu Kinh Thánh giống như tôi.

Thứ ba, để người khác diễn giải Kinh Thánh cho chúng ta dễ hơn. Phao-lô mô tả Cơ Đốc Nhân tại Cô-rinh-tô là “những trẻ sơ sinh trong Đấng Christ,” giải thích rằng: “Tôi đã nuôi anh em bằng sữa chứ không bằng thức ăn cứng, vì anh em chưa thích ứng được. Ngay đến bây giờ anh em vẫn chưa thích ứng được, vì anh em vẫn còn thuộc về xác thịt” (I Cô-rinh-tô 3:1-2). Sữa là thực phẩm đã được tiêu hóa, được người mẹ phân nhỏ chất dinh dưỡng để trẻ sơ sinh có thể hấp thụ được. Nhiều người trong chúng ta muốn người khác làm công việc nặng nhọc đó là nghiên cứu Kinh Thánh và cho chúng ta điều cốt yếu mà chúng ta cần biết. Trong cuộc sống bận rộn chúng ta nghĩ rằng mình sẽ sử dụng thời gian hiệu quả hơn nếu chúng ta trả tiền cho những chuyên gia diễn giải Kinh Thánh và nói cho chúng ta những điều cần biết.

Thứ tư, có một cảm giác quyền lực khi trở thành một nhà Thần học chính yếu trong cộng đồng niềm tin của mình. Tôi từng nghe một Mục sư Baptist hàng đầu tự gọi mình là “người duy nhất nắm toàn quyền về Thần học trong Hội Thánh.” Tôi cũng đã nghe một Mục sư Baptist nổi tiếng khác nói tại một hội nghị Trường Chúa Nhật rằng những lãnh đạo dạy Kinh Thánh của ông như phần phụ thêm cho thầm quyền của ông. Khi bạn là bác sĩ duy nhất, mọi người sẽ cần đến bạn!

Vậy thì mô hình thẩm quyền Giáo hội có gì sai? Tại sao không chấp nhận một hệ thống Thần học mà tại đó chỉ duy Kinh Thánh có thẩm quyền trên chúng ta?

Vấn đề về cách chữa trị

Bất kỳ nhà khoa học nào cũng nói rằng một yếu tố kiểm soát là không thể thiếu cho một cuộc thử nghiệm hiệu quả. Cần có những vạch chuẩn đo lường, những tiêu chuẩn không thay đổi để kiểm chứng cho những lý thuyết và công thức. Đối với Thần học cũng vậy. Khi những nhà Thần học chuyên môn được cho phép xác định những quy luật giải thích Kinh Thánh, luôn luôn có ba vấn đề xảy ra. Chúng ta chữa trị căn bệnh này nhưng lại gây ra ba căn bệnh khác.

exp

Mất đi ý chính của Kinh văn

Đầu tiên, những chuyên gia được đào tạo không phải là không thể mắc sai lầm. Chúng tôi – những người được học ở Trường Kinh Thánh có thể đánh mất ý nghĩa mà Kinh Thánh muốn truyền tải, dù chúng tôi đã mất nhiều năm nghiên cứu.

Chẳng hạn như vấn đề đầu tiên mà những nhà thần học Cơ Đốc thế hệ đầu phải đối diện đó là tìm cách sử dụng Cựu Ước trong niềm tin mới của họ. Câu trả lời điển hình cho vấn đề này đó là: tìm Đấng Christ trong Kinh Thánh Hê-bơ-rơ ở bất cứ nơi nào có thể. Chúng ta sẽ phải làm sao với những bản văn và cả những sách mà tại đó đề cập rất ít hoặc không hề có liên hệ nào đến Đấng Mê-si? Dù gì đi nữa, chúng ta tìm Ngài ở những phần đó.

Để đặt Đức Chúa Giê-su vào từng trang của Cựu Ước, những nhà giải kinh sử dụng một phương pháp học thuật đó là phép ẩn dụ. Họ đã học phương pháp này trong trường học. Những người Do Thái sinh sống tại thành phố Alexandria, Ai Cập, nhiều thế kỷ trước Công nguyên đã áp dụng phương pháp này vào nghiên cứu Kinh Thánh. Họ bị ảnh hưởng rất nhiều thế giới quan của Plato (427-347 trước Công Nguyên) và những môn đệ của ông, chia thế giới thành “tâm linh” và “vật chất.” Họ muốn tìm kiếm điều cao hơn, đó là những lẽ thật thuộc linh trong khi thoát khỏi thế giới “thấp hơn” của những trải nghiệm vật chất.

Áp dụng cách tiếp cận này đối với Kinh Thánh, những người Do Thái tại Alexandria bắt đầu tìm kiếm phương cách để hiểu biết những lẽ thật “thuộc linh” trong những phân đoạn Kinh Thánh. Philo (khoảng 20 năm trước Công Nguyên – 50 sau Công Nguyên) là giáo sư lỗi lạc nhất trong lĩnh vực này. Những Cơ Đốc Nhân đầu tiên đã nắm bắt chiến thuật này. Hãy xem một số ví dụ.

Giám mục Clement của thành La-mã (khoảng năm 30-100 sau Công Nguyên) nói rằng sợi dây thừng đỏ của bà Ra-háp (Giô-suê 2:21) “bày tỏ rõ ràng rằng sự cứu rỗi phải tuôn chảy qua dòng huyết của Chúa cho tất cả những ai tin và hy vọng nơi Đức Chúa Trời.”4 Thánh Justin Tử Đạo (khoảng năm 100-167 sau Công Nguyên) giữ vững lập trường cho rằng những chiếc chuông trên chiếc áo choàng của thầy cả thượng phẩm (Xuất Ê-díp-tô-ký 28:33-35) là biểu trưng cho mười hai sứ đồ, mỗi một người “vang ra” phúc âm của Thầy Tế Lễ Lớn.5 Giám mục Clement của thành Alexandria (150-213 sau Công Nguyên) nghĩ rằng những nhạc cụ khác nhau trong Thi Thiên 150 từng loại biểu trưng cho từng phần khác nhau trên cơ thể người.6 Khi diễn giải về sự kiện Đức Chúa Giê-su bước vào thành Giê-ru-sa-lem đầy vinh quang, Origen (185-251 sau Công Nguyên) dạy rằng con lừa con của Ngài là Kinh Thánh Cựu Ước đã đưa Ngài đến thập tự giá.7

Sự diễn giải sai lầm lại không may được phát triển trong nhiều thế kỷ đầu tiên trong lịch sử Cơ Đốc Giáo. Khi các giếng dầu bắt đầu được đào tại bang Pennsylvania, rất nhiều Mục sư ở New York phản đối dự án này, tuyên bố rằng các giếng dầu này sẽ lấy hết nguồn dầu dự trữ được định trước cho việc đốt cháy thế giới trước khi Chúa tái lâm (xem II Phi-e-rơ 3:10-12). Các tín hữu và lãnh đạo Hội Thánh từ chối sử dụng quạt thóc tại Scotland bởi vì “gió muốn thổi đi đâu thì thổi” (Giăng 3:8). Martin Luther miễn cưỡng chấp thuận tình trạng cưới hai người vợ của Quốc vương Phillip xứ Hesse. Ông lý giải rằng những người như Đa-vít và Sa-lô-môn được cho phép có nhiều hơn một vợ, thì những việc như vậy là hợp với Kinh Thánh.8

Tôi thường bảo Hội Thánh nơi tôi quản nhiệm phải xem xét mọi lời tôi chia sẻ về Kinh Thánh. Lời duy nhất mà Đức Chúa Trời có thể ban phước đó chính là Lời của Ngài.

(Còn nữa)

James C. Denison 

Trích từ “THE BIBLE – YOU CAN BELIEVE IT”

Translated by Vinh Hien   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn