Thứ Ba , 24 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / Hiện Tượng Đặt Tay Té Ngã?

Hiện Tượng Đặt Tay Té Ngã?

FESTIVAL YÊU HÀ NỘI

Nguồn:
http://www.gianggiaithanhkinh.net

 

                                                                Trần Đình Tâm

foundations

1. Hiện tượng đặt tay té ngã là gì?

“Đặt tay té ngã” là hiện tượng một lãnh đạo Hội Thánh (mục sư, giáo sĩ, giáo sư v.v…) đặt tay trên người tín đồ, ngay sau đó người tín đồ ngã ngửa ra sau và nằm xuống sàn nhà. Thông thường, sự đặt tay đi kèm theo các biểu hiện sau đây: Có thể chỉ có một biểu hiện hoặc nhiều biểu hiện phối hợp với nhau cùng xảy ra trên người chịu đặt tay:

1. Té ngã ra sau.

2. Thân thể run rẩy, co giật, hay lắc lư.

3. Khóc sướt mướt hay cười rũ rượi.

4. Nằm im bất động.

5. Có những trường hợp la hét, kêu rú hoặc chạy nhảy quanh phòng nhóm.

Các biểu hiện đi kèm sự đặt tay té ngã nói trên thường xảy ra trong các buổi nhóm phục hưng thuộc một số hệ phái Tin Lành Ngũ Tuần hay Ân Tứ. Đáng chú ý hơn nữa, hiện tượng nầy cũng từng xãy ra trong các buổi hiệp nguyện gọi là tĩnh tâm Thánh Linh thuộc giáo hội Công Giáo La-mã (Catholic) từ 1967 tại Pittsburgh, Hoa Kỳ. Hiện nay, chỉ riêng cộng đồng tín hữu Công Giáo, đã có 120 triệu tín đồ tại 220 quốc gia trên thế giới tham dự vào các chương trình nhóm tĩnh tâm Thánh Linh nầy.

Theo sự giải thích của những vị lãnh đạo, hiện tượng đặt tay té ngã là công việc của Đức Thánh Linh. Có nhiều cách khác nhau để diễn tả kinh nghiệm của những tín đồ nhận được sau khi đặt tay như: “báp-têm bằng Đức Thánh Linh”; “xức dầu bằng Đức Thánh Linh”; và những cách gọi với những từ ngữ nghe rất thuộc linh như: “say Thánh Linh” (drunk in Holy Spirit); “ngủ trong Thánh Linh” (sleep in Holy Spirit), “bị khuất phục bởi Thánh Linh”  (overcome by Holy Spirit), “yên nghỉ trong Thánh Linh” (resting in Holy Spirit), “tiếng cười thánh” (holy laughter); “chết lịm trong Thánh Linh” (slain in Holy Spirit); “chìm ngập trong Thánh Linh” v.v… Dù được diễn tả với nhiều cách khác nhau nhưng tất cả đều đến từ một hiện tượng chính: Đặt tay té ngã.

2. Đặt tay té ngã có đặt trên nền tảng Thánh Kinh không?

Các buổi nhóm đặt tay té ngã đôi khi thu hút đến vài trăm người tham dự, có khi đến hàng ngàn người tùy theo quy mô tổ chức. Những biểu hiện nêu trên mà chúng ta thấy xãy ra trong các buổi nhóm, được xem là hành động của Đức Thánh Linh, và tất nhiên điều nầy sẽ có tầm ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống của người tín đồ được đặt tay và đồng thời cũng phát sinh những thắc mắc nơi những tín đồ thuộc các hệ phái Tin Lành khác chưa kinh nghiệm về điều nầy. Do đó, một câu hỏi rất “tế nhị” cần được giải đáp thỏa đáng: Sự kiện đặt tay té ngã có được đặt trên nền tảng Thánh Kinh không?

Sự kiện đặt tay té ngã kèm theo các biểu hiện đã mô tả bên trên, được các lãnh đạo Hội Thánh Ân Tứ hay Ngũ Tuần giảng dạy và được nhiều tín đồ khao khát muốn được kinh nghiệm. NẾU thật sự là công việc của Đức Thánh Linh, thì rõ ràng đây là giáo lý quan trọng về Đức Thánh Linh mà Chúa muốn mỗi Cơ-đốc nhân từng trải để đời sống tâm linh được tăng trưởng cũng như gây dựng Hội Thánh chung. Vì tầm quan trọng và lợi ích thuộc linh mà sự dặt tay té ngã đem đến, nên hiện tượng đặt tay té ngã chắc chắn phải được Tân Ước nói đến một cách rõ ràng giống như những gì mắt chúng ta chứng kiến trong các buổi nhóm của hệ phái Ngũ Tuần. Khi nghiên cứu sách Công Vụ Các Sứ Đồ, là sách ký thuật lịch sử phát triển của Hội Thánh, chúng ta thấy Hội thánh đầu tiên phát triển mạnh mẽ, số người tin Chúa rất đông, đạo Chúa lan tràn, con cái Chúa đi trong đường kính sợ Chúa, nhưng chúng ta không hề thấy có bất cứ câu nào nói về sự đặt tay té ngã. Những trường hợp Đức Thánh Linh giáng xuống (1:8; 2:4; 10:44; 11:15; 19:6) hoàn toàn không có sự đặt tay té ngã cùng với ngất lịm hay co giật nào. Ngoài ra, sự đặt tay té ngã PHẢI được luận đến trong các thư tín như là một lẽ đạo về Đức Thánh Linh (vì sự đặt tay té ngã, ngất lịm, run rẩy, co giật, khóc, cười v.v … được xem là công việc của Đức Thánh Linh), tuy nhiên, chúng ta biết các Thư Tín không có một lời dạy nào về đặt tay té ngã, nhưng lại nói rõ những biểu hiện của người bước đi theo Thánh Linh: “Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.” (Ga-la-ti 5:22), hay biểu hiện của tình yêu trong I Cô-rinh-tô chương 13. Công việc của Đức Thánh Linh tác động trên người tín đồ được thể hiện qua nhân cách của mình và cách cư xử đối với người chung quanh, chứ không thể hiện qua sự té ngã nằm bất động.

Như vậy, chúng ta có thể kết luận hành động đặt tay té ngã không có nền tảng Thánh Kinh.

3. Sự hình thành giáo lý đặt tay té ngã.

Hiện tượng đặt tay té ngã hình thành bởi các phong trào (movement), lúc khởi đầu các phong trào nầy hoạt động mãnh mẽ, thu hút nhiều người tham dự và lan rộng nhanh chóng nên được gọi là làn sóng (wave). Xin kể sơ lược như sau:

1. Làn Sóng thứ nhất (1906-1960): Phong trào Ngũ Tuần (Pentecostal Movement): Khởi đầu vào tháng 4, 1906 tại địa điểm Azusa Street, thành phố Los Angeles, California (Mỹ) do William J. Seymour khởi xướng, cùng với người cộng tác viên là Charles Parham, đã đề xuất giáo lý “nói tiếng lạ” là bằng chứng ở người được báp-têm bởi Đức Thánh Linh. Hệ phái Ngũ Tuần hình thành từ phong trào nầy, đúng như tên gọi đã nói lên ý nghĩa: Hệ phái nầy chủ trương Cơ-đốc nhân ngày nay hoàn toàn có thể kinh nghiệm được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh giống như các tín đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần: Sau khi đặt tay, họ nhận được ân tứ nói tiếng lạ.

Sau đó, John Wesley là người ủng hộ ân tứ nói tiếng lạ nên ông gán cho phong trào Ngũ Tuần dưới một cái tên nghe rất thuộc linh là Phong Trào Thánh Hóa (Holiness Movement). Kế đến có Charles Finney, cũng là một trong những người tiên phong của Hệ phái Ngũ Tuần.

2. Làn Sóng thứ hai (1960-1982): Phong Trào Ân Tứ (Charismatic Movement): Hình thành từ 1951, do Demos Shakarian khởi xướng, tại Southern California. Tháng 4, 1960, Dennis Bennet phát triển giáo lý Báp-têm bằng Đức Thánh Linh kèm theo nói tiếng lạ, chữa bệnh, và các biểu hiện khác. Giáo lý đặt tay té ngã phát xuất từ Phong Trào Ân Tứ nầy. Khác với Phong Trào Ngũ Tuần, là phong trào hoạt động mang tính độc lập, không liên quan đến các Hệ phái Tin Lành thuần túy, thì Phong trào Ân Tứ có ảnh hưởng sâu rộng trong các hệ phái Tin Lành thuần túy, họ hình thành từ nội bộ các hệ phái Tin lành nầy, nên các hệ phái Ân Tứ mang tên như: Ân Tứ Trưởng Lão (Charismatic Presbyterians); Ân Tứ Giám Lý (Charismatic Methodists); Ân Tứ Công Giáo (Charismatic Roman Catholics) v.v…

Năm 1966, Phong Trào Ân Tứ xâm nhập vào giáo hội Công Giáo La-mã (Catholic), được giáo dân hưởng ứng mạnh mẽ và được công nhận bởi Tòa Thánh La-mã Vatican II.

3. Làn sóng thứ ba (1982 đến ngày nay): Phong Trào Dấu Lạ (Signs and Wonders Movement): Phong trào nầy lớn mạnh nhanh chóng và nẩy sinh ra các phong trào khác như: “Phong Trào Vineyard”, Nguồn Phước Toronto” (Toronto Blessing), “tiếng cười thánh” (holy laughter)John Wimber là người đầu tiên khởi xướng vào năm 1982, kế đến có Peter Wagner, là cộng sự viên của John Wimber. Nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng mạnh nhất phải kể đến Paul Cain, ông được những người ủng hộ gọi là “vị tiên tri tuyệt vời của mọi thời đại”. Phong Trào nầy không quá nhấn mạnh đến ân tứ nói tiếng lạ, nhưng chú trọng đến lời tiên triphép lạ và sự chữa bệnh.

Trên đây, chúng tôi chỉ trình bày rất sơ lược, chúng tôi cố ý không đi vào chi tiết các hoạt động và tổ chức vì không cần thiết. Mặc dù còn rất nhiều vị lãnh đạo khác kế thừa nhau và tiếp tục giảng dạy giáo lý báp-têm bằng Đức Thánh Linh, đặt tay té ngã, giáo lý thịnh vượng v.v… cho đến ngày nay, nhưng chúng ta không cần thiết phải kể tên từng người ra đây. Chúng ta hãy chú ý đến điểm quan trọng sau đây: Sự khởi xướng và thực hành đặt tay té ngã không đến từ sự dạy dỗ của Kinh Thánh, nhưng hình thành từ ý tưởng của con người, sự đặt tay té ngãkhông có trong sinh hoạt của Hội Thánh đầu tiên mà chỉ xuất hiện vào năm 1960 (làn sóng thứ hai) do chính con người đề xướng ra và nối tiếp nhau truyền bá và thực hành. Chúng ta nên nhớ rằng cho dù nhìn bên ngoài, những người đề xướng phong trào là những người có đức tin mạnh mẽ, có học vấn, nóng cháy trong sự phục Chúa, nhưng họ không có thẩm quyền để thêm vào Kinh Thánh bất cứ giáo lý nào khác. Thêm ý tưởng của con người vào Kinh Thánh là khuynh hướng của những diễn giả ngày nay có học vị, có tài hùng biện, cỏ vẻ bên ngoài đạo mạo, lãnh đạo một cộng đồng rộng lớn, có sức thu hút quần chúng, có ảnh hưởng trên nhiều người khác v.v… Chúng ta đừng quên lời dạy của Chúa Jesus: “Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhân danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!” (Ma-thi-ơ 7:22,23)

Đức Chúa Trời biết rõ điều nầy nên cảnh báo “Các ngươi chớ thêm chi và đừng bớt chi về điều ta truyền cho.”(Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:2). Phao-lô khuyên Ti-mô-thê, là người giữ công tác giảng dạy Lời Chúa: “Hãy lấy lòng ngay thẳng giảng dạy Lời của Lẽ Thật” (II Ti-mô-thê 2:15).

4. Sự thực hành đặt tay té ngã nhằm mục đích gì?

Vì Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình.” (II Ti-mô-thê 3:16) nên những lời giáo huấn trong Kinh Thánh là đầy đủ để giúp cho đời sống tâm linh của con cái Chúa tăng trưởng mà không cần phải thêm vào các suy diễn của con người. Tuy nhiên, sự thực hành đặt tay té ngã đã dẫn người đặt tay (mục sư) và tín đồ xa rời khỏi nền tảng Thánh kinh, vì Cơ–đốc nhân được trưởng thành và mạnh mẽ trong đức tin nhờ vào sự vâng Lời Chúa chứ không phải nhờ vào sự đặt tay của con người kèm theo sự té ngã ngất lịm, hay run rẫy, co giật. Thay vì khao khát học hỏi Kinh Thánh, những người theo Phong Trào Ân Tứ hay Ngũ Tuần lại khát khao tìm kiếm con người nổi tiếng để được đặt tay té ngã. Nhiều tín đồ bị mê hoặc bởi sự giảng dạy hùng hồn của những vị lãnh đạo và bị cuốn hút bởi những buổi nhóm quy tụ hàng trăm người do những vị nổi tiếng làm diễn giả, mà quên lời Chúa Jesus đã từng phán dạy: “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúalạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.” (ma-thi-ơ 7:21).

Những người ủng hộ sự đặt tay té ngã cho rằng được té ngã và ngất lịm là một bằng chứng người đó được báp-têm bởi Đức Thánh Linh và đi vào sự tương giao với Chúa Thánh Linh. Chính vì quan trọng hóa sự đặt tay té ngã nên nhiều tín đồ đã được té ngã nghĩ rằng mình thuộc linh hơn người chưa từng té ngã! Quan điểm nầy hoàn toàn không có cơ sở Thánh Kinh nào.

Lời cảnh báo của Phao-lô cho Hội Thánh Ê-phê-sô chắc hẳn cũng là lời cảnh báo cho các con cái Chúa ngày nay khi đối điện với những sự giảng dạy lệch lạc: “Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc.” (Ê-phê-sô 4:14)

Tất nhiên, những tín đồ của Phong Trào Ân Tứ hay Ngũ Tuần cũng có những khóa học Kinh Thánh, nhưng họ không để Kinh Thánh giữ thẩm quyền tuyệt đối, nhưng lại chấp nhận sự giảng dạy của những vị lãnh đạo của họ mà không tra xét lời giảng có đúng với Kinh Thánh hay không. Họ sử dụng Kinh Thánh theo mục đích của họ trong vấn đề đặt tay té ngã, chứ không phải Kinh Thánh là mục đích mà họ phải học hỏi và làm theo, do đó, họ như những người “học luôn mà không hề thông biết lẽ thật được.” (II Ti-mô-thê 3:7). Vì không tôn trọng thẩm quyền của Kinh Thánh nên sự giảng dạy thường xu hướng về việc tìm kiếm cảm xúc mới lạ, phép lạ, dấu lạ, nói tiếng lạ, giải nghĩa các điềm chiêm bao, giải nghĩa khải tượng và đặt tay té ngã.

BiblicalFoundationsWebSlide

5. Các câu Kinh Thánh hậu thuẫn cho giáo lý đặt tay té ngã.

Nhằm để chứng minh hiện tượng “đặt tay té ngã” là có căn cứ trên Kinh Thánh, những giáo sư giảng dạy và quảng bá cho ý tưởng đặt tay té ngã đã dùng nhiều câu Kinh Thánh để hậu thuẫn cho sự giảng dạy của mình, chỉ xin trưng dẫn dưới đây một vài câu:

1. Sáng Thế Ký 15:12: “Vả, khi mặt trời vừa lặn, thì Áp-ram ngủ mê; nầy một cơn kinh hãi, tối tăm nhập vào mình người.”

Nhận xét: Câu trên chỉ ra Áp-ra-ham đi vào một giấc mủ mê man, không liên quan gì đến “sự chết ngất trong Thánh Linh”.

2. Dân Số Ký 24:4: “Lời ca của người nghe lời Đức Chúa Trời, xem sự hiện thấy của Đấng Toàn năng, sấp mình xuống và mắt mở ra.”

3. Ê-xê-chi-ên 1:28: “Ánh sáng thấy chung quanh đó giống như ánh sáng của cái mống trong mây khi đang mưa. Ấy là tỏ ra hình trạng của sự vinh quang Đức Giê-hô-va. Ta thấy thì sấp mặt xuống, và nghe tiếng của một Đấng phán cùng ta.”

4. Ê-xê-chi-ên 3:23: “Vậy ta chờ dậy và ra đi trong đồng bằng. Nầy, sự vinh hiển Đức Giê-hô-va đứng đó, như sự vinh hiển ta đã thấy trên bờ sông Kê-ba. Ta bèn ngã sấp mặt xuống.”

5. Ma-thi-ơ 17:5,6: “Đang khi người còn nói, bỗng chúc có một đám mây sáng rực che phủ những người ở đó; và có tiếng từ trong mây phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường; hãy nghe lời Con đó! Khi môn đồ nghe tiếng ấy, thì té sấp mặt xuống đất, và sợ hãi lắm.”

Nhận xét: Tất cả bốn câu trên, sự sấp mình xuống là hành động có ý thức của con người biết mình tội lỗi, bất toàn khi đối diện với sự vinh quang, thánh khiết của Đức Chúa Trời. Hành động sấp mình xuống đất bày tỏ sự hạ mình của bản thân và đồng thời bày tỏ sự tôn kính Đức Chúa Trời. Sữ sấp mình trong các câu Kinh Thánh trên không liên quan gì đến sự đặt tay té ngã.

6. Công Vụ Các Sứ Đồ 9:3,4: “Nhưng Sau-lơ đang đi đường gần đến thành Đa-mách, thình lình có ánh sáng từ trời soi sáng chung quanh người. Người té xuống đất, và nghe có tiếng phán cùng mình rằng: Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, sao ngươi bắt bớ ta?”

Nhận xét: Sau-lơ đang trên đường đi bắt bớ Hội Thánh, thì bị một luồng ánh áng mạnh mẽ từ trời giáng xuống một cách bất ngờ nên khiến ông té xuống. Đó là phản ứng rất tự nhiên, điều nầy hoàn toàn không liên quan gì hết với sự đặt tay té ngã mà chúng ta chứng kiến ngày nay.

7. Khải Huyền 11:16: “Hai mươi bốn trưởng lão đang ngồi ở trước mặt Đức Chúa Trời, trên ngai mình, đều cúi mình sấp mặt xuống, thờ lạy Đức Chúa Trời.”

Nhận xét: Đây là quang cảnh diễn ra trên Ngôi Đức Chúa Trời trong ngày sau cùng. Các trưởng lão (đại diện cho Hội Thánh) hiện diện trước mặt Đức Chúa Trời, họ sấp mặt xuống với mục đích thờ phượng Đấng ngự trên ngôi.

8. Giê-rê-mi 5:22: “Đức Giê-hô-va phán: Các ngươi chẳng kính sợ ta, chẳng run rẩy trước mặt ta sao? Ta là Đấng đã lấy cát làm bờ cõi biển …”

9. Ha-ba-cúc 3:16: “Tôi đã nghe, thì thân thể tôi run rẩy, Nghe tiếng Ngài thì môi tôi rung động; Sự mục nát nhập vào xương tôi; và tôi run rẩy trong chỗ tôi, Vì tôi phải nín lặng để chờ ngày hoạn nạn, Là ngày có dân đến xâm chiếm chúng tôi.”

10. Ma-thi-ơ 28:3,4: “Hình dong của thiên sứ giống như chớp nháng, và áo trắng như tuyết. Vì đó, những lính canh sợ hãi run rẩy, trở nên như người chết.”

Nhận xét: Các câu trên cho thấy con người run rẩy khi đối mặt với lời phán của Đức Chúa Trời, lính canh run rẩy vì sợ hãi khi thấy hình dạng chói lòa của thiên sứ, không liên quan gì đến sự đặt tay té ngã và run rẩy.

Nói tóm lại, không hề có bất cứ câu Kinh Thánh nào làm bằng chứng cho hiện tượng đặt tay té ngã. Những người ủng hộ cho hiện tượng nầy đã trích dẫn Kinh Thánh một cách tùy tiện để cố gắng chứng minh cho việc làm của mình.

6. Các câu Kinh Thánh về sự té ngã.

Xin chú ý chi tiết sau: Các câu Kinh Thánh nêu trên được các lãnh đạo Phong Trào Ân Tứ nêu lên để chứng minh cho ý tưởng đặt tay té ngã (té ngã ngửa ra sau giống như đã xãy ra trong các buổi nhóm đặt tay té ngã), nhưng các câu ấy lại cho thấy sự sấp mặt xuống chứ không phải ngã ngửa ra sau! Trong khi có những câu Kinh Thánh cho thấy người ta bị té ngã ra sau thì có liên quan đến hình phạt, chứ không liên quan đến vui mừng hay phước hạnh như lời người ta nói:

1. Sáng Thế Ký 49:16,17: “Đan sẽ xử đoán dân chúng mình, như một trong các chi phái Y-sơ-ra-ên. Đan sẽ là một con rắn trên đường, một con rắn lục trong chốn nẻo cùng, cắn vó ngựa, làm cho kẻ cỡi phải té nhào.”

Động từ “té nhào” trong câu trên được dịch không rõ nghĩa, nếu dịch cho chính xác phải là “té ngã ngửa ra sau” (fall backward). Con rắn cắn vó ngựa là nguyên nhân làm cho người cỡi ngựa té ngửa ra sau. [Chúng tôi không cần phải giải thích gì thêm về hình ảnh “con rắn” gây ra sự té ngửa.]

2. I Sa-mu-ên 4:18: Người vừa nói đến hòm của Đức Chúa Trời, thì Hê-li ngã ngửa xuống khỏi ghế mình ở bên phía cửa, gãy cổ và chết, vì người đã già yếu và nặng nề.”

Thầy tế lễ thượng phẩm Hê-li sau khi nghe tin hòm Giao Ước bị quân Phi-li-tin cướp lấy (I sa-mu-ên 4:11), ông té ngã ngửa ra sau khỏi nghế ngồi khiến ông bị gãy cổ chết ngay lập tức. Sự kiện nầy liên quan đến hòm Giao Ước bị cướp mất, và điều nầy có nghĩa là “sự vinh hiển đã lìa khỏi Y-sơ-ra-ên” (I Sa-mu-ên 4:21). Không có điều gì tốt đẹp qua sự té ngã nầy.

3. Ê-sai 28:13: “Lời Đức Giê-hô-va đối với họ sẽ là giềng mối thêm giềng mối, giềng mối thêm giềng mối; hàng thêm hàng, hàng thêm hàng; một chút chỗ nầy, một chút chỗ kia; hầu cho họ bước tới, thì ngã nhào và giập nát, sập bẫy, và bị bắt!”

Câu trên cho thấy Lời Đức Chúa Trời là nguyên nhân khiến người ta ngã nhào, hay đúng hơn là té ngã ra sau (fall backward), chúng ta thấy rõ sự té ngã trong trường hợp trên là hình phạt của Đức Chúa Trời trên những người không kính sợ Chúa. Như vậy, sự té ngã là hình bóng về sự đoán phạt chứ không phải là sự ban phước.

4. Giăng 18:6: “Vừa khi Đức Chúa Jêsus phán: Chính ta đây, chúng bèn thối lui và té xuống đất.”

Những người đầy tớ của giới lãnh đạo Do Thái đi bắt Chúa Jesus tại vườn Ghết-sê-ma-nê; lúc đứng trước mặt họ, Chúa Jesus phán “chính ta đây” thì họ thối lui và té xuống đất (went backward, and fell to the ground). Khi hình dung lại quang cảnh nầy, chúng ta có thể thấy họ không thể té sấp mặt xuống phía trước nhưng phải té ngửa ra sau, vì lời phán của Chúa Jesus lúc ấy có uy quyền và sức mạnh đẩy họ té ra sau. Đây là cú té của những người đi bắt Chúa Jesus, chẳng có sự phước hạnh nào trong sự té ngã nầy. Thế mà câu Kinh Thánh nầy được những người giảng dạy lấy làm nền tảng cho sự đặt tay té ngã.

Tóm lại những câu Kinh Thánh đề cập đến sự té ngã ngửa đều liên quan đến sự hình phạt chứ không phải là sự ban phước. Điều nầy trái ngược với sự giảng dạy của những vị lãnh đạo các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần.

 

Trần Đình Tâm

[email protected]   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn