Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / CÁC DANH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

CÁC DANH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

DANH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI?

A-đô-nai.

isa

Nghĩa căn bản của từ “A-đô-nai” là Chúa hay Ông Chủ. Từ này được dùng để bày tỏ sự tôn kính với một thân vị có uy quyền. Khi dịch sang Tiếng Việt từ A-đô-nai được dịch là chúa (không viết hoa) khi từ này nói đến một con người. Sa-ra đã gọi Áp-ra-ham là chúa (Sáng. 18:12). Nhưng khi đề cập đến Đức Chúa Trời, từ A-đô-nai sẽ được dịch là Chúa (viết hoa).
A-đô-nai là một danh từ số nhiều được dùng thường xuyên để diễn tả Đức Chúa Trời. Còn A-đô là danh từ số ít được dịch là chúa để chỉ về một người chủ có nhiều đầy tớ và nô lệ. Người chủ có trách nhiệm cung ứng các nhu cầu vật chất cho những đầy tớ của mình. Vì vậy các đầy tớ của Đức Chúa Trời phải luôn luôn trông đợi Chúa để Ngài lo liệu các nhu cầu. “Hỡi Đức Chúa Trời là Chúa (A-đô-nai) của tôi, hãy tỉnh thức, hãy chỗi dậy, để phán xét tôi công bình, và bênh vực duyên cớ tôi.” (Thi. 35:23)
A-đô-nai trổi cao hơn tất cả các thần khác trên thế giới (Thi. 135:5-6) và Ngài là Ông Chủ vĩ đại của toàn thể vũ trụ (Thi. 97:5). A-đô-nai kêu gọi và giao trách nhiệm cho các tiên tri công bố lời của Ngài. Trong sách Ê-sai 6:1-8, “…tôi nghe tiếng Chúa (A-đô-nai) phán rằng: Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta? Tôi thưa rằng: Có tôi đây; xin hãy sai tôi.” Vị tiên tri này đã thấy Chúa (A-đô-nai) và nghe tiếng Chúa vào thời điểm vua Ô-xia băng hà.
Nghiên cứu các từ ngữ chỉ về Đức Chúa Trời có một tầm quan trọng đặc biệt, vì những từ này được Chúa Jesus Christ đề cập đến trong Tân Ước. Trong Ma-thi-ơ 22:41-42, “Khi người Pha-ri-si nhóm nhau lại, thì Đức Chúa Jêsus hỏi họ rằng: Về Đấng Christ, các ngươi nghĩ thể nào? Ngài là con ai? Họ đáp rằng: Con vua Đa-vít.” Khi ấy Chúa Jesus đặt vấn đề: “Vậy, vì cớ nào vua Đa-vít được Đức Thánh Linh cảm động, gọi Đấng Christ là Chúa, mà rằng:
Chúa (Giê-hô-va) phán cùng Chúa (A-đô-nai) tôi:
Hãy ngồi bên hữu ta,
Cho đến khi nào ta để kẻ thù nghịch ngươi dưới chân ngươi? [†] Vậy, nếu vua Đa-vít xưng Ngài là Chúa, thì Ngài làm con vua ấy là thể nào?” (Mat. 22:43-45; Trích dẫn Thi. 110:1) Chúa Jesus đã giải thích ý nghĩa của đoạn Kinh văn này. Bởi vì vua Đa-vít đã gọi Đấng Mê-si là Chúa tôi thì Đấng Mê-si ở đây phải là Đức Chúa Trời. Tân Ước trình bày một Đấng Christ (Mê-si) đến từ dòng dõi vua Đa-vít, sinh ra bởi người nữ đồng trinh Ma-ri được gọi là Con Đức Chúa Trời.

Giê-hô-va 

ex

Từ Giê-hô-va chỉ về Đức Chúa Trời được dùng hơn 6 000 lần trong Kinh Thánh.
Ý nghĩa của từ Giê-hô-va được tìm thấy trong câu chuyện về Môi-se trước bụi gai cháy (Xuất. 3:2-14). “Ta là Đức Chúa Trời (Ê-lô-him) của tổ phụ ngươi, Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, và Đức Chúa Trời của Gia-cốp. Môi-se liền che mặt, vì sợ nhìn đến Đức Chúa Trời.” (3:6)
Khi Đức Chúa Trời phán với Môi-se rằng Ngài sẽ sử dụng ông làm một người lãnh đạo tuyển dân, đem họ ra khỏi xứ Ai-cập. Môi-se đã phân trần: “Tôi là ai, dám đi đến Pha-ra-ôn, đặng dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô? Đức Chúa Trời phán rằng: Ta sẽ ở cùng ngươi; nầy là điều làm dấu cho ngươi biết rằng ta đã sai ngươi đi: Khi ngươi dắt dân sự ra khỏi xứ Ê-díp-tô rồi, thì các ngươi sẽ phụng sự Đức Chúa Trời tại trên núi nầy.
Môi-se thưa cùng Đức Chúa Trời rằng: Nầy, tôi sẽ đi đến dân Y-sơ-ra-ên, nói cùng họ rằng: Đức Chúa Trời (Giê-hô-va) của tổ phụ các ngươi sai ta đến cùng các ngươi; nhưng nếu họ hỏi: Tên Ngài là chi? thì tôi nói với họ làm sao? Đức Chúa Trời phán rằng: Ta là Đấng tự hữu hằng hữu (Đấng Ta là); rồi Ngài lại rằng: Hãy nói cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy: Đấng tự hữu đã sai ta đến cùng các ngươi (3:11-14).
Trước đó TRỜI đã giới thiệu Ngài là Ê-lô-him của tổ phụ Môi-se (3:6). Bây giờ trong câu 14 Chúa giới thiệu Ngài là Giê-hô-va. Và trong câu 15, “Đức Chúa Trời lại phán cùng Môi-se rằng: Ngươi sẽ nói cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy: Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Giê-hô-va) của tổ phụ các ngươi, Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, Đức Chúa Trời của Gia-cốp, sai ta đến cùng các ngươi. Ấy đó là danh đời đời của ta, ấy sẽ là kỷ niệm của ta trải qua các đời.”
Trong phần Kinh Thánh trên đây, danh của TRỜI đã được bày tỏ. Người ngoại bang có nhiều chúa, nhiều ông chủ để thờ lạy, nhưng tuyển dân Israel chỉ có một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật, danh Ngài là Giê-hô-va. Trong nguyên ngữ tiếng Hê-bơ-rơ, từ Giê-hô-va được viết bằng 4 phụ âm. Khi chuyển sang tiếng La-tinh, từ này được viết thành YHWH, mang nghĩa tương đương: Ta là Đấng Tựu Hữu và Hằng Hữu.
Danh Giê-hô-va YHWH mang ý nghĩa thiêng liêng bất khả xâm phạm đối với những người Do Thái sùng đạo, họ luôn giữ thái độ tôn kính khi nhắc đến Danh này. Vì thế người Do Thái có khuynh hướng thay thế từ Giê-hô-va YHWH bằng từ A-đô-nai. Vào lúc ban đầu tiếng Hê-bơ-rơ được viết với 22 phụ âm (Thi thiên 119 là một minh họa cho điều này) và không có nguyên âm nào cả. Sau đó một hệ thống nguyên âm được thêm vào để giúp cho sự phát âm các từ trở nên dễ hơn. Lúc này tiếng Hê-bơ-rơ xuất hiện các từ lai ghép khác so với trước đó. Từ Giê-hô-va YHWH được cộng thêm các nguyên âm. Từ này trở thành YEHOWAH. Nhiều học giả tiếng Hê-bơ-rơ cũng cho rằng từ này nguyên thủy được phát âm là Yahweh (Gia-vê).
Dĩ nhiên có những quan điểm khác nhau trong lĩnh vực ngôn ngữ học. Một số người cho rằng từ YHWH có một nghĩa gốc là: ĐẤNG TA LÀ, hay Đức Chúa Trời không hề đổi thay. Một số người khác giải thích từ này có nghĩa là Đức Chúa Trời sẵn sàng giúp đỡ. Một số còn lại cho rằng từ này có nghĩa là Đấng tự hữu, Ngài là nguyên nhân đầu tiên của mọi tạo vật.
Khi nghiên cứu ngữ cảnh của từ YAHWEH được đề cập trong Kinh Thánh, một tài liệu ngôn ngữ của người Do Thái viết: “từ YAHWEH thường hàm ý đến một Danh tôn kính không thể nói ra được, đó là một Danh riêng biệt……và nó phản ánh một lẽ thật: sự tồn tại của Đức Chúa Trời là đời đời.”
YAHWEH – Đức Giê-hô-va là Đấng Ta Là, bày tỏ Ngài là Đấng tự hữu, hằng hữu, không có bắt đầu, không có kết thúc và không thay đổi. Đức Giê-hô-va có thân vị và danh xưng. Ngài không phải là một tạo vật. Ngài là Đấng Tạo hóa đời đời vô cùng, Ngài cai trị tất cả vũ trụ. Đấng Ta là – Đấng tự hữu hằng hữu tại bụi gai cháy được bày tỏ đầy trọn trong Chúa Jesus Christ. “Vì sự đầy dẫy của bổn tánh Đức Chúa Trời thảy đều ở trong Đấng Christ như có hình.” (Cô-lô-se 2:9). Danh Jesus có nghĩa là Đức Giê-hô-va cứu chuộc.

(Còn nữa)

 

JAMES SEMPLE

Translated by Tuong Vi    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn