Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / SỰ TÍCH HÒN ĐÁ CUỘI

SỰ TÍCH HÒN ĐÁ CUỘI

da c

Nhíp… nhíp… nhíp, tiếng còi báo của chiếc xe vận tải đang từ từ chạy giật lùi vào con đường nhỏ trong làng. Tiếng còi, tiếng động cơ, tiếng quát thét của chú tài xế phụ tải vang ra.

“Tránh ra, tránh ra, trááááááánh raaaaaaa! Bà con đợi một chút cho xe đổổổổổổổ cáááááááát.”
Một cụ ông hơn chín chục tuổi đang được đứa chắt nội cầm tay rắt đi. Nghe tiếng còi, tiếng xe, và tiếng quát của gã phụ xe nên đứa chắt nội ngoan ngoãn, nắm chặt tay cụ ông để cả hai ông cháu cùng nhau ngừng lại.

Chiếc xe tải dừng lại, chú tài xế nhấn nút để máy thủy lực nâng cả cái thùng rờ-moóc lên.  Xoooooạạạạạạt, uuuụụụụụụt, toàn bộ mấy mét khối cát được đổ xuống ngay đường làng. Những chú thợ hồ cũng bắt đầu nhanh tay, lăng xăng chuyển tải đống cát đó vào trong sân nhà của người đang muốn xây dựng.

Trong mớn cát đổ ra đó bỗng nhiên một viên đá cuội to bằng ngón chân cái có màu trắng điểm vân xanh, tuy nó không được tròn trịa, nhưng không hiểu sao viên đá cuội đó lại bon bon lăn tới tận nơi mà hai ông cháu nhà kia đang đứng. Thấy hòn đá sỏi màu trắng có vân xanh lăn lóc và ngừng lại ngay trước mặt mình, thằng chắt nội nhanh nhảu cúi xuống, nhặt hòn đá cuội lên và khoe.
“Cụ ơi! Có hòn đá này đẹp lắm. Nó lăn đến tận chân cụ rồi ngừng lại. Con nhặt lên cho cụ đây này…” Nó nói bằng cái miệng chúm chím và trao hòn đá sỏi lại cho ông cụ.
Mắt của ông cụ tuy già nhưng còn rất tinh tường, ông ngắm ngía hòn đá cuội, mỉm cười, và lẳng lặng cho hòn đá vào túi áo và vẫn trong cách lẳng lặng ấy ông cùng chắt nội lọc cọc chống gậy đi vào trong nhà.

Ông ra bể nước, dùng chính cái bàn chải răng của ông để chà rửa rất tỉ mỉ cho sạch hết mọi vết cáu bẩn của hòn đá cuội đó. Hình như cảm thấy chưa đủ ông còn cho hòn đá sỏi vào tắm trong cốc dấm chua nữa và khoan khoái ngắm nhìn vẻ sáng láng của hòn đá cuội này. Ngay chiều hôm đó, ông mở tủ lấy tập giấy bản ra, ông kêu thằng chắt nội lớn hơn giúp ông mài cục mực tầu trong cái đĩa, còn ông thì quỳ xuống nắn nót viết cho bằng được chữ Nhẫn có nét thanh thoát theo đúng cách mà nghệ nhân như ông muốn bày tỏ nghệ thuật. Viết xong ông cụ cẩn thận dùng chính những tờ giấy có chữ Nhẫn đó để gói cuộn hòn đá sỏi và đem cất viên đá cuội đó vào một cái hộp rất đẹp trong ngăn tủ kính của ông.

“Cụ làm gì?” Thằng chắt nội tò mò hỏi.

“Mai mốt cháu sẽ biết.”

 “Nhưng tại sao cụ phải bọc kín hòn đá và cất vào trong tủ kính hả cụ?” Thằng chắt nội không ngừng tò mò.

“À! Mặc dù hòn đá sỏi này đã nằm dưới lòng sông bao nhiêu năm tháng đã qua nhưng nó vẫn có vẻ trong sáng, mà quan trọng hơn là nó tự nhiên lăn lại chỗ ông cháu mình, do đó ông rửa và cất nó đi.” Ông cụ nói và cười một cách hóm hỉnh.

“Nhưng tại sao cụ lại phải rửa, phải gói vào tờ giấy có chữ  do chính tay cụ viết?” Thằng chắt nội hình như không thoả mãn cho nên nó hỏi tiếp.

“Cháu sẽ hiểu hơn sau này.”

“Cụ cho con coi được không?”

“Không được!”

“Tại sao vậy cụ?”

“Sau này cháu lớn hơn, cháu sẽ biết…”

Ông cụ là một người cha rất kín đáo, thủa trẻ làm thầy giáo được vài năm rồi đất nước đổi thay, bỗng nhiên nghề làm thầy giáo mà ông cho là cao quý, đáng được tôn trọng nay trở thành sản phẩm của xã hội cũ và ông thành kẻ thất nghiệp. Trong cái thời của ông, thất nghiệp không chỉ đơn giản là phải trở về với làng xóm, phải đi cày bừa trong hợp tác xã như bao nhiêu xã viên khác, mà ông còn phải sống trong sự giám sát cẩn mật của các quan chức địa phương. Khẩu hiệu của thời ấy là ‘mỗi người dân là một người công an’, do đó ông không biết xung quanh mình ai đang là một người công an cho nên ông luôn luôn thận trọng.

Bạn bè cùng thời của ông là các thầy giáo cũng bị thất nghiệp như ông và đa số là trở thành nghèo hèn. Họ biết, ông tuy bị thất thế nhưng dù sao nhà của ông vẫn còn có vườn rộng ao sâu do tổ tiên để lại. Vì cớ đó cho nên bạn bè của ông vẫn thỉnh thoảng đến thăm và làm khách trong gia đình. Người thầy của ông là truyền nhân của Ngô Gia Văn Phái cũng bị thất nghiệp, vị thầy giáo già này vẫn thường xuyên đi xe đạp về quê, nơi ông dạy học năm xưa để chơi với  các học trò của mình.

Căn nhà của ông thời đó được xây dựng rất xa các trục lộ, biệt xa tất cả mọi phương tiện giao thông, và những thầy giáo thất sủng khác cũng chỉ chờ có cơ hội đến chơi với nhau để khóc, để cười mà các tai mắt của chính quyền địa phương không thể tiếp cận. Các thầy giáo cũng như bao nhiêu người khác trong thế gian đều có những thói quen, khi đến với nhau, nếu có cơ hội  được vui, được tâm sự với nhau qua những cốc rượu, lúc ngà ngà say họ cũng hay nói nho, hay làm thơ buồn, thơ than thở về thân phận và thời thế để tặng cho nhau.

 thay-tho1

Trong gia đình của ông có một người con trai mà mọi người gọi cậu ta là Ba Đen thường phải phục vụ pha nước chè, dọn cơm cho khách. Bỗng nhiên cậu ta được nghe rất nhiều những thầy giáo bị thất nghiệp vịnh thơ, làm văn và bình phẩm văn thơ các loại. Thời đó, cậu ta ngố ngáo không hiểu tại sao tất cả các bài thơ hay, những bài văn trào phúng gây nên những tràng cười, và cả những chuỗi lệ rơi của các thầy giáo rồi sau khi đọc cho nhau nghe thì những bài thơ đó đều phải bị đốt ‘hóa’ đi. Các thầy giáo trước khi chia tay nhau thường không muốn để lại một chút dấu vết gì của những bài viết có tính cách trào phúng. Vì không biết gì, cậu ta tưởng rằng các thầy giáo này cũng thuộc hạng ‘rởm’ cho nên quây quần với nhau để nhâm nhi với loại rượu rẻ tiền. Họ khóc và cười, họ làm ra những bài thơ, những bài văn rồi cũng như các ông thầy pháp khi tế thần xong họ đều ‘hóa’ tất cả các bài văn tế ấy. Vì các nhà giáo chỉ đốt thơ, đốt văn khi họ đã đọc, đã vịnh và khóc với nhau cho nên cậu ta nghĩ, “Lần sau khi các thầy tới chơi, có đọc thơ ta sẽ cố gắng ghi nhớ và nhập tâm đôi câu, đôi bài…” Cậu ta không bao giờ biết rằng, cậu đã được tiếp cận những bậc thầy thời đó. 

Bẵng đi một thời gian khi có lệnh tổng động viên, cậu ta nhập ngũ vào quân đội, rồi ra chiến trường. Nhóm của cậu ta trong một lần đi trận bị phục kích, và cả nhóm coi như bị xóa sổ. Quân đội của cậu gửi tin về cho gia đình họ hay biết về số phận của các chiến binh này. Mẹ cậu ta khóc ngất, cha của cậu nghĩ thương con mà rụng hết tóc trên đầu, cậu ta có thêm một cái tên thằng Ba Chết. 

Mười năm sau đó Ba Chết trở về với gia đình. Ba Chết nay không chết mà giúp gia đình đào lên cái mộ giả mà người thân đã chôn hắn trong mộ phần của gia tộc để vẫn tưởng nhớ đến hắn đã một thời sống trong thế gian. Ba Đen năm xưa bỗng nhiên trở thành một con người viễn xứ, mất hết tất cả từ quốc gia cho đến người thân trong gia đình. Tất cả những gì mà cậu ta còn giữ lại chỉ là ký ức.

Những năm sau đó trong những chuyến về quê người cha thấy ở cậu con trai của ông có cái gì khác biệt.  Cậu Ba, người con trai đen đủi của ông năm xưa đã trở thành người Tin Lành, anh ta  theo Cứu Chúa và biết rõ Ngài là cứu cánh của đời mình. Rồi người cha thấy cậu ta mang về quê tặng riêng cho mẹ một tập thơ mang tính lịch sử của gia đình ông trong xã hội thời ấy cho nên ông đọc rất kỹ. Sau khi đọc xong tập thơ của người con trai, ông cũng sợ liên lụy cho nên ông cũng ‘hóa’ tập thơ đó đi.

Mấy năm sau con trai của ông trở về và lại mang về tặng cho cha cuốn sách mà anh ta viết bằng tiếng Anh. Người cha không hiểu lý do gì Ba Đen của ông năm xưa lại có thể trở thành người viết văn và làm thơ. Hắn lại mang về tặng cho bố cuốn sách không phải là bằng ngôn ngữ của ông mà bằng tiếng Anh. Ông cụ ngỡ ngàng.

“Sách bằng chữ Nho hoặc tiếng Pháp thì bố còn có thể đọc và hiểu, nhưng sách bằng tiếng Anh thì làm sao bố có thể đọc được?” Ông phàn nàn.

“Con thật sự không viết cho bố mẹ mà con viết cuộc hành trình của con từ người ở trong nhà này, đã thoát ly đi xa; để rồi con được Chúa cứu và trở thành con cái của Ngài.” Người con thổ lộ.

“Thế thì để bố cung nghênh sách này lên ban thờ… để cúng và báo cáo cùng tổ tiên là con cháu của họ đã không phải chỉ thoát nạn, mà cả thành đạt… cho tổ tiên được vui…”

“Ơ không! Không được bố! Con là người theo Chúa và sẽ không cúng ai hết mà chỉ cúng, chỉ thờ một Đức Chúa Trời mà thôi!”

Người cha không hiểu được con mình nhưng ông cho gọi các hàng cháu trẻ tuổi đang học tiếng Anh và dịch lại cho ông xem con của ông viết gì. 

Thời gian gần đây, khi tất cả con cháu trở về thăm quê, ông cụ ngồi xuống cùng với tất cả các con cháu và ghi vào gia phả của gia tộc. Vì tuổi đã già cho nên ông muốn cùng tất cả mọi người chứng kiến cách ông chia gia sản cho hậu duệ. Mỗi người con trai của ông đều nhận được phần gia sản của tổ tiên để lại. Riêng Ba Đen thì ông tặng gì cậu ta cũng không muốn lấy. Cuối cùng ông quyết định sẽ tặng cho cậu ta những thứ mà ông biết là vô giá; tiền bạc không bao giờ có thể mua được.

“Gia sản bố cho dành riêng cho con đây… Ngoài chòm đất của tổ tiên để lại… nhưng có vài thứ con sẽ không bao giờ có thể mua được.” Ông bố nói trong cảm xúc.

Ông bèn lấy ra ba sản phẩm. Một cái mâm đồng ngày xưa dùng để đựng thức ăn khi thết đãi những người bạn quý hay chữ của ông. Chữ Nhẫn mà tự tay ông viết và thuê thợ mộc tạc thành tuyệt tác của nghệ thuật. Vật cuối cùng mà ông gói rất kỹ trong những tấm giấy bản, loại giấy dùng để viết chữ nho của ông.

“Bố không có thứ gì cho con mà con sẽ cảm thấy giá trị… đây là những gì bố dành riêng cho con để con ghi nhớ quê nhà.”

Nhìn thấy gia sản mà người cha chia cho mình mà bỗng dưng Ba Đen ôm mặt mà khóc. Trong gia đình này chưa ai thấy cậu ta khóc bao giờ. Cậu ta xúc động giãi bày.

“Bố! Những gia sản quý báu này là vật làm con xúc động nhất. Chiếc mâm này ngày xưa con vẫn thường bưng cơm cho các thầy đồ ngồi ăn. Khi các thầy ăn uống và ngâm vịnh, chính là khi con đã nhận được ở họ không phải chỉ nghệ thuật văn thơ, mà cả phẩm giá của những bậc làm thầy thiên hạ. Bố ạ! Con đã học được ở những thầy đồ năm xưa là trong khốn khó nhất của đời, trong mất mát tưởng rằng không còn gì là phẩm giá, vậy mà những bậc làm thầy này dù phải khóc, dù phải gạt nước mắt, nhiều thầy vừa ăn, vừa khóc khiến cho nước mắt của họ tràn xuống như chan với cơm… Nhưng họ vẫn là những con người có phẩm giá.”

“Dù họ có phải đọc và đốt những bài văn, bài thơ của họ, nhưng chính họ đã để lại cho con nhiều ấn tượng sâu xa… Thật ra; đốt các bài văn, bài thơ của mình là một nỗi đau, đau như đốt chính tâm hồn của mình vậy. Con có viết văn, có làm thơ, có là tác giả con mới biết được giá trị tinh thần và nỗi đau khi những bài thơ, bài văn của những thầy đồ năm xưa phải đốt. Văn và thơ là những đứa con tinh thần của những con người cầm bút, vậy mà họ phải đốt đi. Con hiểu tại sao khi đốt họ lại khóc… Tuy con không nhớ hết tất cả những gì họ nói, họ viết, họ ngâm vịnh, nhưng con đã được nếm ý vị và cử chỉ cao đẹp của họ.” 

Người cha nghe vậy và ông có vẻ mủi lòng. Bạn bè của ông nay đã qua đời hết tất cả, họ mang theo những nỗi đau khi không thể giúp đời và ngay cả những áng văn chương của họ cũng bị trượt tiêu, may ra chỉ còn trong ký ức của ai đó mà thôi.

“Bố ạ! Gia sản bố cho con không phải là nhà đất hay tiền bạc. Con đã có tất cả những thứ này.” Hai cha con nhìn nhau mà khóc. Ông bố nay đã già, nhưng ông cũng thổ lộ cõi lòng.

“Cái mâm đồng này, nay đã hỏng, đã rách, nhưng con hãy mang về quê của con để cất giữ làm vật lưu niệm. Mai đây con sẽ làm ông tổ bên đó thì chiếc mâm đồng này sẽ nhắc nhở hậu duệ của con là con đã sinh ra và lớn lên trong quê khổ của Việt Nam! Chữ Nhẫn này tự tay bố viết!  Bố nghĩ rất nhiều về con cả đời lặn lội. Con thật sự là một người con chí hiếu nhưng Trời đã mang con đi xa. Bố tặng chữ Nhẫn để con luôn luôn điềm đạm mà sống với đời.” Ông cụ nhìn con trai và nói tiếp trong xúc động.

“Còn trong cái bọc này có một báu vật vô giá. Con hãy mở ra mà xem!

Người con trai lẳng lặngtừ từ mở ra từng miếng giấy bản. Trên mỗi tờ giấy đều có chữ Nhẫn và phong cách viết của người cha. Cuối cùng cậu cũng nhận ra trong cái bọc này là một viên đá sỏi màu trắng có vệt xanh.

“Con! Hòn đá sỏi này ở đâu cũng có. Nó rẻ lắm. Về vật thể thì không có một chút giá trị gì!” Ông cụ nói và bắt đầu khóc mếu máo.

“Hôm vừa rồi có chiếc xe tải đổ cát cho người ta xây nhà, viên đá sỏi này lăn về phía nơi bố đang đứng. Thằng chắt nội nó  cúi xuống nhặt lên và đưa cho bố. Bố đem nó về, chính tay bố đã gia công rửa sạch hòn đá sỏi này. Bố gói nó rất kỹ bằng những tờ giấy bản mà chính tay bố viết chữ Nhẫn rất đẹp cho con. Hòn đá cuội này chỉ là một vật rất thường, bị đổ xuống cùng cát, nó bị đẩy lăn ra xa. Bố đã lau chùi và cất giữ. Bố muốn tặng cho con làm lưu niệm.” Ông cụ ngưng lại và nêu lên ý nghĩa mà ông muốn bày tỏ cho cậu con trai.

“Hòn đá cuội này nếu trẻ nhỏ nhặt được nó sẽ bị đá xuống rãnh nước. Nhưng với bố thì lại khác, nó là biểu tượng của đời con đó.”

Người con nhận gia sản của bố. Nhìn thấy hòn đá cuội, trắng xanh đã được lau chùi sạch sẽ mà lòng của người cậu ta run run.

“Cảm ơn bố đã làm sáng giá hòn đá cuội này! Cảm ơn bố đã gia công rửa và lau chùi nó thành sáng láng.” Cậu ta nói trong xúc động.

“Hòn đá cuội trong tay của bố nó đã trở thành báu vật. Bố đã rửa sạch và tặng cho con. Vật tưởng như tầm thường nhưng câu chuyện và ý nghĩa của hòn đá cuội này còn ý nghĩa nhiều hơn bố ạ!” Nói đến đây mà người con trai phải nghẹn lại. Cậu ta đứng im mặc cho những giọt nước mắt rơi xuống.

“Con đang liên tưởng đến cuộc sống của con. Nhiều khi con tưởng rằng con mất tất, nhưng con đã được Cứu Chúa nhặt lên. Ngài đã dùng chính những gì thuộc về Ngài để lau chùi và rửa sạch con. Đời con cũng như vậy thưa bố!

Người cha vẫn ngỡ ngàng.

“Đức Chúa Trời của con, vẫn thường hay nhặt những con người đáng bỏ của xã hội, Ngài đã biến những kẻ bỏ đi thành những con người, những nhịp cầu, vật vô giá để mang ra danh sáng của Ngài.” Người con nhìn cha mà khóc…

Và từ đây, viên đá sỏi, một hòn đá cuội màu trắng có vân xanh, là một báu vật, quý vô giá, luôn luôn ngự chễm trệ trên bàn học, của người con, cạnh một câu gốc của Thánh Kinh trong Ê-phê-sô 2:11-13.

…hãy nhớ lại lúc trước,  trong thuở đó, anh em không có Đấng Christ, bị ngoại quyền công dân trong Y-sơ-ra-ên, chẳng dự vào giao ước của lời hứa, ở thế gian không có sự trông cậy và không có Đức Chúa Trời.  Nhưng trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em là kẻ ngày trước cách xa, hiện nay đã nhờ huyết Đấng Christ mà được gần rồi. 

Hòn đá cuội và câu Thánh Kinh luôn luôn nhắc nhở cậu ta rằng nếu nó không được người cha nhặt lên và lau chùi, thì nay nó nằm dưới cống rãnh ở một miền quê Việt Nam, nhưng vì được bàn tay người cha nhặt lên, rửa sạch, nâng niu và coi trọng nó. Cuộc đời của cậu ta, đã được  bóng quyền năng của Chúa che phủ và bao bọc, để rồi hôm nay cậu ta có giá trị của cuộc đời. Tất cả lòng khiêm nhường của cậu ta là nhận ra chính Chúa đã nhặt, rửa sạch để cậu ta là một con người trước mặt Ngài.

Ôi cụm từ ‘Cha từ ái!’ sao quá ngọt ngào.

UÔNG NGUYỄN

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn