Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / VÔ PHÚC? PHÚC TRÙNG LAI!

VÔ PHÚC? PHÚC TRÙNG LAI!

Mục sư Nguyễn Văn Hoàngphuc

Thư pháp là nghệ thuật viết chữ Hán như tranh vẽ bằng bút lông trên giấy, trên lụa. Phổ thông nhất là tranh chữ Phúc. Ngoài chữ Phúc, các chữ Tâm, Đức, Nhẫn… cũng chứa đụng nhiều ý nghĩa tốt đẹp và mang lại những điều tốt lành. Sử sách văn học có ghi lại câu chuyện về thư pháp của nhà thơ Tô Đông Pha rất thâm thuý, sâu sắc vào dịp đầu Xuân. Tô Đông Pha đã làm một đôi câu đối đem dán trước cổng nhà với lời thơ như sau: Xuân phong xuân vũ xuân sắc. Tân niên tân cảnh tân gia. Nghĩa là Năm mới, cảnh mới, nhà mới. Gió xuân, mưa xuân, sắc xuân. Kẻ qua người lại đều tỏ ra thích thú về cái ý thật tươi, thật đẹp, và có người đã sinh lòng tham, đợi đêm đến, gỡ trộm đem đi mất. Trong tâm trạng vừa tức lại vừa cười kẻ gian, đêm giao thừa Tô Đông Pha viết một câu đối khác với nội dung như sau: Phúc vô song chí. Họa bất đơn hành. Nghĩa là Phúc không hai lần tới. Họa chẳng một phen về.  Kẻ qua, người lại và cả người nhà nhìn vào câu đối thì không mấy hài lòng vì chẳng những không thấy tươi đẹp mà lại mang điềm gỡ.  Nhưng cũng vì thế mà không bị mất cắp. Sáng Mùng Một Tết, Tô Đông Pha khai bút bằng cách nối thêm ba chữ vào mỗi câu đối để đọc là: Phúc vô song chí kim chiêu chí. Họa bất đơn hành tạc dạ hành. Nghĩa là Phúc không hai tới sớm nay tới. Hoạ chẳng một đi đêm qua đi. “Họa vô đơn chí, Phúc bất trùng lai” chẳng qua chỉ là một định kiến trong dân gian. Câu thơ mới của Tô Đông Pha đã gieo vào lòng người một ý niệm mang ý nghĩa tích cực. Phúc vẫn đến hai lần, hôm qua đến rồi, sớm nay lại đến; còn họa chẳng tới lần nào, bởi từ đêm qua nó đã đi mất tăm rồi.  Phúc Họa có nghĩa gì trong Văn Hóa và Niềm Tin?

       Phúc có nghĩa là thuận lợi. Thuận từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ ngoài vô trong. Nhà có phúc là ước vọng, là niềm vinh dự. Phúc có vị trí quan trọng hàng đầu trong quan niệm cổ truyền của gia đình Á Đông. Câu nói ”Con hơn cha, nhà có phúc” hàm ý có triển vọng, có tương lai. Uớc vọng đầu năm không thể thiếu chữ Phúc. Cụ Nguyễn Công Trứ có câu sánh đối giữa ông Phúc và thằng Bần rất hóm hỉnh và sâu sắc: ”Chiều ba mươi, nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa. Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà”. Đời vua Gia Long, có người lập được nhiều công trạng, nhà vua hỏi muốn được thưởng gì thì người ấy thưa rằng: ”Hạ thần chỉ xin được một chữ Phúc”.  Vua cười đáp rằng: ”Tiền bạc, chức tước thì ta có thể ban, chứ Phúc thì chỉ có Trời ban. Cả dòng họ ta nhờ có chữ Phúc mà vinh hiển nhiều đời”. Và đó có thể đó là lý do vua Gia Long lấy tên Nguyễn Phúc Ánh. Lời chúc mừng đầu Xuân của cả Đông Tây đều chứa đựng ước vọng hạnh phúc, sức khỏe và thành đạt. Dầu vậy, văn hóa Á Đông phong phú và đa dạng hơn ở chỗ chỉ cần dùng một mẫu tự của chữ Phúc cũng đủ để nói lên trọn ý nghĩa.  Chữ Phúc trong Hán là hình ảnh hai con dơi đâu cánh lại, ngụ ý nói đến ước vọng được Trùng Phúc, hoặc gặp Phúc lại.  Thêm vào đó là hình ảnh năm con dơi đan kết với nhau là biểu tượng của Ngũ phúc. Chúng ta đều quen thuộc với Ngũ Phúc Lâm Môn là Phước, Lộc, Thọ, Khang, Ninh, nhưng Phúc dưới dạng năm con dơi là: Nhất viết Thọ, nhị viết Phú, tam viết Khang ninh, tứ viết Du hảo đức, ngũ viết Khảo chung mệnh. Có nghĩa là được sống thọ, giàu có, bình an, đức tốt, và chết vào tuổi già.  Do quan niệm họa phúc ở đời là do việc gieo nhân, gặt quả, nên phải chú trọng đến việc làm ơn, làm phước. Dù văn chương, chữ nghĩa, lịch sử và bối cảnh xã hội có khác nhau, nhưng chung quy về quan niệm đạo đức của mỗi dân tộc, mỗi thời đại đều có chung quan niệm nhằm mưu cầu lợi ích chung. Phúc phải đi đôi với Đức. “Cha ăn mặn con khát nước”. Mỗi hành động, việc làm không những ảnh hưởng đến bản thân ta mà còn ảnh hưởng đến thế hệ sau. Phúc dày hay mỏng, một phần do chính con người can dự. Nhưng rất tiếc, khi văn minh, khoa học càng tiến bộ bao nhiều thì luân lý, đạo đức càng ngày càng suy thoái, mất dần chỗ đứng đáng phải có của nó. Thế vào vị trí của chữ Đức là chữ Đạt và chữ Lợi để được Phúc Đạt, Phúc Lợi. Chính vì thế, ngày nay, tìm người thành đạt, thành công, thành danh thì dễ mà kiếm được người thành nhân, thành người thì thật hiếm hoi.

Một hình ảnh khác của chữ Phúc là hình ảnh của của đôi tay bưng hũ rượu dâng trước bàn thờ, hàm ý Phúc là điều tốt lành do cầu khẩn mà có được. Vì thế mà người ta cầu phúc, chúc phước để được ban phước hạnh, hưởng phúc lợi. Từ ý niệm đó chúng ta hãy bước vào lãnh vực niềm tin để tìm được bí quyết căn bản và những chứng cớ rõ ràng để trả lời câu hỏi: “Làm sao để được Phúc?”

Từ ngàn xưa, Đức Chúa Trời đã ban cho lãnh tụ Giô-suê một hiệu lịnh căn bản về ơn phước để truyền đạt đến dân sự và lời ấy vẫn còn hiệu lực cho thế hệ của chúng ta hôm nay: ”Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước”. Giô-suê 1:8.  Quyển sách luật pháp là Thánh Kinh. Đọc, suy gẫm, học hỏi, chia xẻ lời Thánh Kinh là chìa khóa mở cửa kho ơn phước của Chúa, nhưng nếu chỉ đọc, học, nghiên cứu, suy gẫm mà không thực hành, không “cẩn thận làm theo” thì cũng không kết quả. May mắn là hạnh ngộ gặp được  Diễm Phúc. Không nhận được sự may mắn của Diễm Phúc có nghĩa là kém may mắn và trong nhiều tình huống, tình trạng thiếu kém may mắn dẫn đến sự bạc phước, bất hạnh mà lý do chỉ vì không “cẩn thận làm theo”. Tác giả Thi Thiên 1 khai triển ý tưởng bất tuân hành, không “cẩn thận làm theo” là hành động đi ”theo mưu kế của kẻ dữ, đứng trong đường tội nhân, và ngồi chỗ của kẻ nhạo bang” dẫn đến hậu quả ”khác nào rơm rác gió thổi bay đi”. Nhưng ngược lại, nếu “Suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm” có nghĩa là thường xuyên, liên tục đến độ trở thành phản xạ tự nhiên trong nếp sống đạo Kính Chúa Yêu Người thì được như một cây tươi tốt, trồng gần dòng nước, sinh hoa quả đều đặn từng mùa và không tàn héo và kết quả sẽ là: “Mọi sự người làm đều sẽ thịnh vượng.” Đó chính là ý nghĩa cao đẹp của Diễm Phúc trong niềm tin.

Đi đôi với chữ phước là những chữ cầu phước, chúc phước, để được ban phước, đổ phước, giáng phước xuống mà hưởng phước. Nhưng Phước từ đâu đến? Thánh Kinh chép: ”Đức Giê-hô-va, là Đấng dựng nên trời đất, đã ban phước cho các ngươi. Ngài dựng nên người nam cùng người nữ, ban phước cho họ. Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất”. Thi Thiên 115:15; Sáng Thế Ký 1:28 5:2.  “Các ngươi hãy đem hết thảy phần mười vào kho, hầu cho có lương thực trong nhà Ta; và từ nay các ngươi khá lấy điều nầy mà thử Ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán, xem Ta có mở các cửa sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng”.  Ma-la-chi 3:10

rick 1

Vì không tin vào sự hiện hữu và ban phước của Đức Chúa Trời nên người vô thần, kẻ vô tín cứ lay hoay đi tìm phước mà sẽ chẳng thấy phước ở đâu cả. Để rồi, mãi cho đến nay, họ đưa cả Chúa và Nguồn Phước vào một ẩn số để đi tìm. Thánh Kinh thuật lại việc sứ đồ Phao-lô đến thành A-thên thuộc nước Hy lạp. Đi đến đâu cũng thấy người ta thờ thần tượng, và có một nơi làm sứ đồ Phao-lô chú ý nhất là đền thờ thờ “Vị Thần Không Biết.” Vị Thần Không Biết đó chí là “ẩn số” mà họ thờ lạy dựa trên nỗi lo sợ rằng nếu bỏ sót một vị thần nào đó mà họ không biết thì sẽ bị thần ấy bắt tội.  Ý tưởng đi tìm ẩn số “x” của thế giới chúng ta đang sống là ẩn số trong phương trình Xmas. Không phải ngẫu nhiên hoặc tình cờ mà người ta đã đơn giản hóa từ ngữ Christmas, thành phương trình Xmas. Hậu quả của việc loại bỏ Christ ra khỏi Christmas là gặt lấy sự bạc phước.

Phước Họa theo quan điểm  của Thánh Kinh. Phúc tốt lành khi hoà hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời và Họa xấu xa khi mâu thuẫn với ý muốn của Ngài. Lấy âm nhạc làm ví dụ chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng một số loại nhạc như nhạc thờ phượng thì dùng món quà âm nhạc mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta theo cách thức tốt đẹp hay hoà hợp với ý muốn của Ngài. Còn nhạc lập dị, có những lời nhạc khuyến khích những hành vi chống lại ý muốn của Đức Chúa Trời, cổ võ việc dùng bạo lực hay quan hệ tình dục ngoài hôn nhân thì mâu thuẩn với món quà âm nhạc mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta và vì thế nó xấu xa.

Một trong những ngăn trở lớn nhất làm cho tín hữu Cơ Đốc cảm thấy không được bình an trong lòng là thói quen phân chia đời sống thành hai phần: Phần Đạo và phần đời, phần thuộc linh và phần thuộc thế tục. Thánh Kinh dạy đời sống hiệp nhất, một thể trọn vẹn, mà trong đó chúng ta có thể phục vụ Ngài hết lòng, ngay cả trong công việc thường nhật. Tất cả những gì Đức Chúa Trời tạo ra đều tốt đẹp, không có gì đáng bỏ cả, nhưng chúng ta phải biết nhận lãnh với lòng biết ơn. ”Bất cứ điều gì anh chị em làm, dù trong lời nói hay hành động, hãy nhân danh Chúa Giêxu mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời là Cha”. Cô-lô-se 3:17  Bất cứ điều gì bao gồm tất cả mọi thứ hay chỉ là những điều thuộc linh?  “Vậy thì, hoặc ăn, hoặc uống hay làm việc gì hãy vì vinh quang của Chúa mà làm”. 1 Cô-rinh-tô 10:31. Điều hiệp lại để làm ích bao gồm tất cả mọi khía cạnh trong đời sống. ”Bất luận làm gì, hãy tận tâm mà làm, như làm cho Chúa, không phải làm cho người ta, vì biết rằng anh chị em sẽ nhận lãnh từ nơi Chúa cơ nghiệp làm phần thưởng; vì Chúa Cứu Thế chính là Đấng anh chị em phục vụ”. Cô-lô-se 3:23-24. Việc làm đem vinh quang cho Đức Chúa Trời bao gồm tất cả mọi sự chứ không chỉ là những điều thuộc linh? ”Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những người yêu kính Đức Chúa Trời, tức là những người được kêu gọi theo mục đích của Ngài”. Rô-ma 8:28

Văn Hóa Do Thái thường nhắc đến sự quan phòng của Thiên Chúa bằng câu chuyện như sau: Có hai lữ khách làm bạn đồng hành đi đến một phương xa. Họ dùng một con lừa để chuyên chở hành lý. Một trong hai người là một tín hữu rất đạo đức. Lúc nào cũng luôn miệng ca ngợi Thiên Chúa là Ðấng tốt lành trong tất cả mọi sự. Còn người kia thì vô tín và cứng lòng. Trước khi mặt trời lặn, họ ghé vào làng, tìm một nơi nghĩ lưng, nhưng không có ai sẵn lòng đón tiếp họ. Cuối cùng họ đành phải ra khỏi làng và tìm đến bìa rừng để qua đêm. Trong cảnh màn trời chiếu đất, người bạn cứng lòng gợi chuyện: “Nào, Chúa của anh có còn tốt không?”. Người tín hữu bình tĩnh đáp lại: “Ðây là chỗ tốt nhất Chúa dành cho chúng ta ngủ qua đêm này”. Chưa kịp đốt lên thì nghe tiếng rú hét đau thương.  Trong chớp nhoáng, một con sư tử đã đến vồ xé con lừa và lôi đi. Vừa thương tiếc cho chú lừa, vừa lo sợ cho thân phận của mình, hai lữ khách leo lên cây để tránh tai họa. Người bạn vô tín mỉa mai: “Nào, Chúa của anh còn tốt nữa không?”. Người tín hữu ngoan đạo dõng dạc tuyên bố: “Thì đấy! Nếu con sư tử không vồ bắt gặp con thì chắc chắn nó đã bổ nhào trên chúng ta rồi. Chúa là Ðấng tốt lành”. Họa vô đơn chí. Chỉ vài phút sau, một cơn gió mạnh ùa đến làm ngọn đuốc vụt tắt, đưa hai người vào cảnh tối tăm ghê rợn. Lần này người bạn vô tín lên tiếng mỉa mai như sau: “Xem chừng như Chúa của anh làm việc phụ trội trong đêm nay?”. Lần này, người tín hữu ngoan đạo chỉ biết giữ thinh lặng. Sáng hôm sau, hai người mon men trở lại làng để mua thức ăn. Họ mới hay biết rằng đêm hôm trước, một băng cướp đã vào làng, vơ vét tất cả tài sản của dân làng và giết hại dân lành. Nhìn cảnh tượng hoang tàn của ngôi làng và nhìn lại sự toàn vẹn của mình, người tín hữu ngoan đạo giải thích cho người bạn như sau: “Anh đã chứng kiến từ đầu đến cuối. Giá như đêm hôm qua, chúng ta thuê được một chỗ trọ trong làng, thì có lẽ chúng ta cũng không thoát khỏi tay của bọn cướp. Nếu cơn gió lớn không làm tắt ngọn đuốc thì bọn cướp đã phát hiện và sẽ chẳng tha cho chúng ta. Bạn thấy chưa, trong tất cả mọi sự, Thiên Chúa là Ðấng thiện hảo”.

Tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa không có nghĩa là bảo rằng tất cả mọi tai họa rủi ro xảy đến trong cuộc sống đều do Chúa gửi đến, nhưng có nghĩa là, khi đứng trước một bất hạnh mà mình không thể tránh khỏi, chúng ta phải tin rằng Thiên Chúa thiện hảo và quyền năng đến độ có thể biến sự bất hạnh ấy thành khởi điểm của một hồng ân cao cả hơn.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta cần nhìn vào tất cả những biến cố, sự cố trong cuộc sống bằng cái nhìn lạc quan và tin tưởng ấy. Qua sự thương khó và sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu trên thập giá quả là một bất hạnh, nhưng Thiên Chúa quyền năng và yêu thương đã biến thành khởi điểm của nguồn ơn cứu thoát. Giữa muôn nghìn thử thách và đớn đau của cuộc sống, chúng ta hãy tin rằng Thiên Chúa đang dành cho chúng ta một ân huệ cao cả hơn sự mong ước hoặc suy tưởng.

“Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe”, “Đời là bể khổ”. Ai cũng đều phải đối diện và đương đầu với những bước thăng trầm của cuộc đời, nên dễ đồng ý với câu: “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Nghĩa là trên cõi đời này những việc may mắn, những việc hên, còn gọi là có phước, được phước, hưởng phước, thường không đến hai lần, không đến một lượt. Ngược lại, những tai họa, những chuyện không may, bất trắc, bất như ý, thường gọi là xui xẻo, lại đến dồn dập, liên miên, liên tu bất tận. Chuyện này vừa xong thì chuyện khác xảy ra. Có khi chuyện này chưa dứt thì nhiều chuyện khác đã ập đến. Nhiều khi những chuyện như vậy xảy ra tới tấp, làm chúng ta tối tăm mặt mũi, choáng váng mặt mày, trở tay không kịp. Nếu tinh thần yếu đuối, bạc nhược, cầu an, hoang mang, sợ sệt, những bước thăng trầm của cuộc đời sẽ nhận chìm họ trong biển khổ đau, ngập tràn nước mắt, đầy tiếng kêu than. Trái lại, với những người tinh thần mạnh mẽ dũng kiệt, thấu hiểu những bước thăng trầm của cuộc đời chính là những thử thách, những rèn luyện, để nâng cao cuộc sống nội tâm của họ ngày một sung mãn hơn, nghị lực của họ ngày một vững vàng hơn.

HOA MAI

Nếu quan tâm về Diễm Phúc nhưng lại cảm thấy vẫn còn vấn vương với tâm trạng giống tâm trạng của thi sĩ Xuân Diệu: “Xuân của đất trời nay mới đến. Trong tôi, xuân đến đã lâu rồi.” hoặc “Xuân về xuân của thiên hạ, tôi mất Xuân rồi đâu biết xuân.” thì rõ ràng, cơ duyên gặp gỡ hôm nay, chính là hạnh ngộ để tiếp nhận ân huệ cao quý Chúa ban cho. Ân huệ, Diễm Phúc ấy chính là được Chúa đội lên đầu mình mão miện của sự nhân từ và thương xót.  Đó là ấn chứng của sự tha thứ và chữa lành. Hãy đối diện với chính mình, hãy nhìn vào đôi mắt của tâm hồn mình để gặp gỡ chính linh hồn mình mà nói với nó rằng: ”Hỡi linh hồn ta, khá ngợi khen Đức Giê-hô-va! Mọi điều gì ở trong ta hãy ca tụng danh thánh của Ngài! Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va. Chớ quên các ân huệ của Ngài. Ấy là Ngài tha thứ các tội ác ngươi, chữa lành mọi bịnh tật ngươi, cứu chuộc mạng sống ngươi khỏi chốn hư nát, lấy sự nhân từ và sự thương xót mà làm mão triều đội cho ngươi. Ngài cho miệng ngươi được thỏa các vật ngon, tuổi đang thì của ngươi trở lại như của chim phụng hoàng”. Thi Thiên 103:1-5

Phúc bất trùng lai hay Phúc vô đơn chí? ”Thật tôi không hiểu họa phước ra sao, rồi đây xảy đến thể nào…” Họa vô đơn chí trong trường hợp của Gióp thật đúng.  Nhưng hãy nhìn đến đoạn kết là một kết thúc rất hậu.  Kết thúc hậu hĩnh của mỗi chúng ta là được vui hưởng hạnh phúc đời đời trong Nhà Chúa Hằng Hữu. Diễm Phúc chính là được gặp gỡ, tin nhận, phó thác đời sống mình cho Chúa Cứu Thế Giê-xu.  Cầu xin Chúa ban sức khoẻ và ơn lành dồi dào trên quý vị suốt Mùa Ơn Phước và trọn những ngày dài trên đất được thỏa lòng. “Hãy ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời”.  Ê-phê-sô 1:2. Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn.  Phúc trùng lai, đổi mới mổi ngày. Phước hạnh và sự thương xót của Chúa theo tôi. Ca Thương 3:23; Thi Thiên 23:6.

Trên đường tiến về miền đất hứa, chúng ta là những lữ khách đang đi ngang qua đồng vắng, sa mạc trần gian và ngay cả cả trũng bóng chết. Tạ ơn chúng ta không sợ hãi vì Chúa ở cùng, đi chung với chúng ta.  Ngài phán: “Ta không lìa người đâu, không bỏ người đâu!”  “Giê-xu cùng đi suốt đàng, tôi không buồn lo thở than. Biết chắc có Chúa, tôi không bồi hồi. Giê-xu thường nhớ đến tôi.”

Phúc trùng lai! “Hồng ân Chúa như mưa, như mưa. Rơi xuống đời con miên man, miên man”. Vì mỗi buổi sáng Chúa thương chúng ta một cách mới và bày tỏ lòng thành tín vô hạn của Ngài.  Hãy đếm các ơn phước của Chúa và kể ra ơn lành từng tên, chắc chắn chúng ta sẽ thấy những việc lạ lùng, nhiệm mầu Chúa đang làm trong đời sống của chúng ta.

MỤC SƯ NGUYỄN VĂN HOÀNG
vanhoaniemtin.com

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn