Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Niềm Tin Rõ Ràng Của Người Baptist

Niềm Tin Rõ Ràng Của Người Baptist

Người Baptist Tin Vào Thẩm Quyền Kinh Thánh

Nhà sử học Baptist Walter Shurden đã tuyên bố về “bốn sự tự do mỏng manh” mà người Baptist bám chặt: tự do tìm hiểu Kinh Thánh, tự do cho linh hồn của mình, tự do Hội Thánh, và tự do sống đạo. Ông phát biểu rằng chúng ta được tự do dưới quyền tể trị của Đức Chúa Giê-su Christ, và chúng ta có sự tự do để diễn giải Kinh Thánh bởi vì Kinh Thánh là con đường dẫn mỗi người đến với Đấng Christ. Chúng ta bám chặt sự tự do sử dụng Kinh Thánh cho mục đích phát triển đức tin trong sự vâng phục không ngừng đối với sự bày tỏ của Đức Chúa Trời. Chúng ta muốn được tự do khỏi mọi thẩm quyền tôn giáo ngoại trừ Kinh Thánh. Cũng vậy, chúng ta tự do diễn giải Kinh Thánh, khi chúng ta học Lời Chúa dưới sự dẫn dắt của Thánh Linh Ngài. 4

Nói cách khác, người Baptist tin rằng chúng ta đều được tự do diễn giải Kinh Thánh cho riêng mình. Tuy nhiên, chúng ta phải diễn giải Kinh Thánh dưới sự kiểm soát của Đức Chúa Giê-su, vì mục đích vâng phục Chúa; tự do khỏi quyền kiểm soát của con người, nhưng được dẫn dắt bởi Đức Thánh Linh. Khi chúng ta hiểu và học Lời Chúa theo cách này, nghĩa là chúng ta đang tiếp cận Lời Chúa như là những người Baptist.

bap

Lập trường này dẫn đến những kết luận thực tiễn sau:

Chủ nghĩa tín điều

Một vấn đề rất quan trọng đối với thẩm quyền Kinh Thánh đó là chủ nghĩa tín điều, nó tiếp cận Kinh Thánh thông qua Hội Thánh và truyền thống (xem chương hai). Xuyên suốt lịch sử của chúng ta, người Baptist đại diện cho sự xác quyết: “không tín điều, chỉ duy nhất Kinh Thánh.”

Khi những tín hữu từ các hệ phái khác tham gia vào Hội Thánh của chúng tôi, họ thường hỏi tín điều của chúng tôi là gì. Tôi chỉ cho họ quyển Kinh Thánh. Một ánh nhìn băn khoăn thoáng trên gương mặt họ, rồi tôi giải thích rằng người Baptist không phải ký vào bản tuyên bố đức tin nào cả. Chúng tôi không kể Bài Tín Điều Các Sứ Đồ hay Tuyên Bố Đức Tin là cơ sở cho thần học của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng mọi tín điều đều được con người viết nên là thứ yếu trước thẩm quyền của Kinh Thánh.

Vậy tuyên bố đức tin của chúng ta là gì? Lời mở đầu NT&SĐB năm 1963 bày tỏ quan điểm mà từ đó các tác giả NT&SĐB viết ra tuyên bố:

(1) Thiết lập một quan điểm thống nhất của một số tổ chức Baptist, lớn hay nhỏ, cho sự dạy dỗ và hướng dẫn chung cho tín hữu và những người khác liên quan đến niềm tin Cơ Đốc. Các quan điểm này không nhằm thêm bất cứ điều gì vào điều kiện cứu rỗi đơn giản được bày tỏ trong Tân Ước, tức là, ăn năn trước Đức Chúa Trời và niềm tin trong Đức Chúa Giê-su Christ là Đấng Cứu Chuộc và là Chúa.
(2) Rằng chúng tôi không xem đó là những tuyên bố hoàn chỉnh về đức tin của chúng tôi, không có bất kỳ tính chất cuối cùng hoặc tính không thể sai sót. Trong quá khứ cũng như tương lai, ở bất cứ thời điểm nào người Baptist luôn giữ sự tự do xem xét lại tuyên bố niềm tin của họ mà đối với họ là khôn ngoan và thiết thực.
(3) Rằng bất kỳ nhóm Baptist nào, lớn hay nhỏ đều có quyền căn bản được lập cho chính họ và công bố cho thế giới một bản tuyên bố niềm tin vào bất cứ lúc nào họ thấy nên phải làm vậy.
(4) Thẩm quyền duy nhất đối với đức tin và thực hành của người Baptist là Kinh Thánh Tân và Cựu Ước. Những tuyên bố khác chỉ là hướng dẫn diễn giải, không có thẩm quyền trên lương tâm.
(5) Rằng đây là tuyên bố xác quyết niềm tin, được viết ra từ Kinh Thánh, và không được cản trở tự do suy nghĩ hoặc nghiên cứu trong các lĩnh vực khác của đời sống.5

Tóm lại: Niềm tin và Sứ Điệp Baptist không thêm điều kiện vào sự cứu rỗi, không nêu ra thần học không thể thay đổi hoặc giới hạn sự diễn giải. Rõ ràng, “thẩm quyền duy nhất đối với đức tin và thực hành của người Baptist là Kinh Thánh.” Chúng ta sẽ không ký bất kỳ tuyên bố niềm tin của ai, thậm chí của chính mình.

Khi tôi về khoa của Chủng viện Thần học Baptist Tây Nam vào năm 1987, tôi bất ngờ khi biết mình phải ký bản NT&STB 1963, và phải đồng ý giảng dạy “theo khuôn mẫu và không trái ngược” với những lời dạy của bản đó. Vì biết rằng chúng ta vốn không có thiện cảm với các bài tín điều, tôi đã rất bất ngờ trước yêu cầu này. Người quản lý giải thích với tôi về yêu cầu trên: “hãy ký tờ cam kết, nhưng diễn giải nó theo như điều ông xác quyết.” Đó có vẻ là một hướng đi tốt.

Quay trở lại năm 1911, sử gia W. J. McGlothlin đã vạch rõ mối liên hệ giữa chúng ta với các bài tín điều và lời tuyên xưng đức tin:

Với tính tự quản và dân chủ trong Hội Thánh, người Baptist vốn luôn rất tự do trong việc tạo lập, thay đổi và sử dụng các bản tuyên xưng đức tin. Chưa bao giờ có bất kỳ thẩm quyền giáo phẩm nào áp đặt một bản tuyên xưng đức tin trên Hội Thánh hoặc tổ chức của họ. Nói đúng ra, tuyên xưng đức tin của họ là những tuyên bố mà một nhóm người Baptist, lớn hay nhỏ, tin vào trong một thời gian nhất định, thay vì một bài tín điều mà bất kỳ người Baptist nào cũng phải tin trong mọi thời đại để được xem là một người Baptist. Theo hướng này, không có một tín điều Baptist nào cả.6

Thật vậy, Niềm Tin Và Sứ Điệp Baptist đúng hơn nên được gọi là: “Một Lời Tuyên bố về Niềm tin và Sứ điệp Baptist.”7 Đây không phải là một bài tín điều mà chúng ta phải tin. Đức Chúa Giê-su tuyên bố: “Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta” (Ma-thi-ơ 28:18). Nếu Đức Chúa Giê-su có mọi thẩm quyền, thì chúng ta không có quyền gì cả. Người Baptist không tin vào bất kỳ tín điều nào ngoài Kinh Thánh.

Được diễn giải cách cá nhân. 

B. Johnson là chủ tịch đầu tiên của Hội nghị Baptist Nam Phương. Năm 1846 ông đã xuất bản một quyển sách phản đối  những tuyên xưng đức tin là nền tảng của khối liên hiệp Baptist. Trong phần dẫn nhập của quyển sách, ông viết ra năm xác quyết cụ thể mà những người Baptist Nam Phương tin vào trong thời điểm đó như sau:

1) Sự tể trị của Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi;

2) Thẩm quyền tối cao của Kinh Thánh;

3) Quyền mỗi cá nhân xét đoán chính mình đáp ứng với lẽ thật được dạy trong Kinh Thánh;

4) Lãnh đạo Hội Thánh dân chủ; và

5) Phép báp-têm cho người tin.8

Sau đó cũng trong cùng thời gian này, Liên Hiệp Baptist Vương Quốc Anh và Ai-len củng cố niềm tin của họ vào “sự mặc khải thiêng liêng và thẩm quyền của Kinh Thánh là quy tắc tối cao và đầy đủ đối với niềm tin và thực hành của tín nhân: quyền và trách nhiệm đoán xét của cá nhân trong việc diễn giải Kinh Thánh.”9

Từ khi bắt đầu, những người Baptist luôn giữ vững quan điểm mỗi người tin Chúa đều có quyền và trách nhiệm diễn giải Kinh Thánh một cách cá nhân. Lớn lên từ việc chối bỏ các tín điều, chúng ta tin rằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời là đủ để hướng dẫn chúng ta hiểu lẽ thật mà Đức Chúa Trời mặc khải.

Chính vì vậy chúng ta khích lệ mỗi một tín hữu học Kinh Thánh cá nhân. Đối lập lại với chủ nghĩa tổ chức của Giáo Hội Công Giáo La Mã, chúng ta ủng hộ chức tế lễ của mỗi một tín hữu (xem chương hai). Chúng ta không tin rằng giáo hội quyết định ý nghĩa của Kinh Thánh, hoặc cho rằng lời dạy và truyền thống của giáo hội ngang hàng với thẩm quyền của Kinh Thánh. Chúng ta không quy phục sự sai khiến hoặc quyết định của các lãnh đạo hệ phái. Khi một tổ chức Baptist chọn một lập trường đối với một vấn đề thần học cụ thể, lập trường đó chỉ đại diện cho những người hiện diện khi biểu quyết. Các nghị quyết và quyết định của họ không có thẩm quyền ràng buộc đối với các cá nhân hoặc Hội Thánh khác.

Chúng ta không đòi hỏi tín hữu của mình phải có bằng cấp thần học hoặc chứng chỉ mục vụ nào trước khi họ diễn giải Kinh Thánh. Chúng ta cũng không ép buộc họ phải đồng ý với Mục sư hay lãnh đạo Hội Thánh của họ về mặt thần học. Các Hội Thánh của chúng ta không đưa ra quyết định ràng buộc đối với những vấn đề thuộc linh hoặc thần học. Không có một quan điểm cụ thể nào về Sáng thế ký hay Khải huyền mà bạn phải xác quyết để dạy Kinh Thánh tại Hội Thánh mà tôi quản nhiệm.

Thẩm quyền gắn liền với sự cứu rỗi và niềm tin

Hugh Wamble là một sử gia về Hội Thánh rất đáng kính tại Chủng viện Thần học Baptist Midwestern. Trong tác phẩm Những nền tảng được phát hành vào tháng 6 năm 1963, ông đã giới thiệu một trong số những bài nghiên cứu kỹ lưỡng nhất mà tôi từng khám phá về chủ đề người Baptist và thẩm quyền Kinh Thánh (được in trong sách Công bố khải tượng của người Baptist về Kinh Thánh).10 Một tài liệu với một trăm hai mươi tám ghi chú trưng dẫn từ hàng vạn lời tuyên xưng đức tin của người Baptist, bắt đầu từ những tuyên xưng đầu tiên vào năm 1610 kéo dài đến bản NT&SĐB năm 1963. Tôi sẽ không sao chép lại những trích dẫn nhưng sẽ dùng bài nghiên cứu của ông để đối chiếu với các bước đi của chúng ta.

Bài viết của Wamble tóm tắt những tuyên xưng của Baptist liên quan đến ba mối quan tâm của chúng ta tại đây. Đầu tiên, ông xác định rõ rằng người Baptist xem thẩm quyền Kinh Thánh trong bối cảnh sự cứu rỗi và niềm tin. Chúng ta không tiếp cận Kinh Thánh như là lời có thẩm quyền trên tất cả mọi chủ đề của con người. Chúng ta không xem Kinh Thánh là lời phán quyết cuối cùng của Đức Chúa Trời đối với các vấn đề về khoa học, địa lý, hay lịch sử. Thay vào đó, chúng ta xem lời Chúa như là một phương tiện dẫn đến kết quả cuối cùng của mối quan hệ giữa chúng ta đối với Ngài. Như chúng ta thấy trong NT&SĐB 1963, “cuối cùng hay mục tiêu của Kinh Thánh là sự cứu rỗi.”11 

images (1)

Wamble khẳng định: “Với rất ít ngoại lệ và tất cả đều bắt nguồn từ những tuyên xưng hiện đại được những người Tin Lành chính thống và những người Baptist ban hành, tuyên xưng Baptist chỉ rõ rằng tôn giáo là lĩnh vực thuộc thẩm quyền Kinh Thánh. Tuyên xưng không công bố thẩm quyền Kinh Thánh đối với các lĩnh vực khác, cũng không tuyên bố con người có thể hiểu được trọn vẹn Kinh Thánh.”12

Thẩm quyền này được xác nhận bởi “công việc bên trong của Đức Thánh Linh,” nghĩa là Đức Thánh Linh làm chứng và Lời Chúa bên trong tấm lòng của chúng ta. Thẩm quyền này không phụ thuộc vào lời chứng con người, nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào Đức Chúa Trời.13

Wamble nói rằng thẩm quyền Kinh Thánh liên hệ đến sự cứu rỗi, cũng như những phát biểu sau đây của nhiều lời tuyên xưng Baptist đã trình bày:

Cuối cùng của Kinh Thánh là sự cứu rỗi. Chính vì vậy tính không thể sai sót của Kinh Thánh liên hệ đến sự cứu rỗi.14

Bên cạnh thẩm quyền liên quan đến sự cứu rỗi, Kinh Thánh có thẩm quyền trong mọi vấn đề niềm tin và thực hành nếp sống đạo. Một lần nữa, Wamble phát biểu những tuyên xưng bày tỏ lập trường của chúng ta:

“Từ quyển Kinh Thánh được Thần cảm và viết ra bởi các Tiên tri, Sứ đồ mà chúng ta tuyên thệ niềm tin và thực hành nếp sống đạo….Kinh Thánh giúp trang bị người của Đức Chúa Trời cho mọi việc lành; Kinh Thánh là thẩm quyền duy nhất cho niềm tin và thực hành nếp sống đạo.”15

Từ “thực hành” bao gồm những điều như: hành vi đạo đức, thờ phượng hầu việc Chúa, các trách nhiệm Cơ Đốc khác, bước đi cùng nhau trong cộng đồng Hội Thánh.16

Chúng ta tin Kinh Thánh là thẩm quyền duy nhất cho sự cứu rỗi, niềm tin và sự áp dụng của chúng ta. Nhưng chúng ta không biến Kinh Thánh thành một bản tóm tắt về khoa học, lịch sử hay địa lý. Chúng ta biết rằng mỗi một quyển sách đều phải được diễn giải theo chủ đích của tác giả. Nếu tôi dùng một quyển sách dạy nấu ăn để sửa xe, tôi sẽ chẳng làm được gì. Lỗi không phải vì quyển sách, nhưng vì người đọc và áp dụng nó.

(Còn nữa)

James C. Denison 

Trích từ “THE BIBLE – YOU CAN BELIEVE IT”

Translated by Vinh Hien   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn