Năm đó khi những cơn gió đông lành lạnh thổi về, trời se se lạnh mọi người đang chuẩn bị đón mừng ngày con Chúa ra đời, những bài thánh ca vang dội cả phố phường thì Quỳnh con bạn thân cùng lớp đến rủ tôi đi vượt biên, mới đầu tôi cũng hơi ngần ngại nhưng sau nghe nó thuyết phục dữ quá tôi nghĩ hay là liều đi một chuyến thử xem, sau khi được sự đồng ý của ba mẹ tôi và cả nhà tôi theo Quỳnh ra bến xe miền tây gặp một bà hơi luống tuổi đang đứng đợi sẵn, bà này dẫn chúng tôi lên xe đò xuôi về miền tây đến một cây cầu thì bà giao chúng tôi cho một thanh niên, anh này dắt chúng tôi lên một chiếc ghe nhỏ, ghe này chở Quỳnh, tôi và mấy người nữa chạy xuôi theo sông ra cửa biển, đi được một lúc thì có một chiếc tàu đánh cá đợi sẵn, khi chúng tôi đang chuẩn bị lên tàu lớn thì bỗng nhiên nghe tiếng súng bắn chỉ thiên tiếng canô đuổi theo, tiếng quát:
-Tàu vượt biên đó bắt lấy chúng.
Và lố nhố công an trên chiếc canô áp tải chúng tôi vào bờ và họ đưa chúng tôi đến công an xã giam tạm một đêm. Vừa đói vừa mệt vừa sợ nên không tài nào tôi chợp mắt được.
Sáng hôm sau chúng tôi bị đưa vào trại giam, khi cửa phòng giam mở tôi thấy có cỡ 7, 8 người ở trong đó họ túa ra hỏi thăm chúng tôi, một chị trong số họ hỏi tôi và Quỳnh:
-Các em đi vượt biên?
Tôi gật đầu lí nhí:
-Dạ
Chị nhìn chúng tôi lắc đầu ái ngại nói:
-Đi chi cho khổ vậy em
Nói rồi chị đi dọn chỗ cho chúng tôi nằm. Khi đã quen những người trong phòng thì tôi được biết đa số họ cũng bị bắt vì tội vượt biên, cũng có một số người móc túi giựt hụi, lừa đảo đánh lộn, giết người. Trong phòng có tất cả 12 người kể cả Quỳnh và tôi. Sáng hôm sau hai đứa tôi được gọi lên làm việc, sau khi khai báo xong hai đứa tôi được ra vườn lao động, công việc của chúng tôi cũng nhẹ nhàng, chúng tôi chỉ ngồi nhổ cỏ trong các luống rau, khi tôi đang lúi húi nhổ cỏ thì chị Thanh là người hỏi tôi hôm qua đến ngồi bên, chị chỉ cho tôi cách nhổ sao cho rau không bị bật rễ, rồi vừa làm việc chị vừa hỏi thăm tôi đủ chuyện nào là quê ở đâu làm gì còn đi học không? … Mặc dù mới vừa vào trại một buổi nhưng tôi cảm thấy gần gũi chị như một người thân, khi nghỉ tay ăn cơm chúng tôi được nhà bếp cho mỗi người một tô cơm trắng, thấy tôi và Quỳnh không có gì ăn chị Thanh đem đến cho chúng tôi một chén thịt ba chỉ kho ruốc, tôi vội vàng cảm ơn và lần đầu tiên tôi ăn cơm một cách ngon lành hơn gấp vạn lần những bữa cơm thịnh soạn ở nhà.
Vậy là chị Thanh và chúng tôi thân nhau lúc nào không biết đi đâu ,làm gì chúng tôi cũng cùng đi cùng làm, tôi được biết chị đã ở đây được ba tháng, chị sinh ra và lớn lên ở Sàigòn, lúc trước ba chị là sĩ quan cấp tá trong QLVNCH nên sau 75 bị cải tạo chị nói không biết bao giờ về, chị lớn hơn tôi vài tuổi và năm 75 thì đang học văn khoa, sau giải phóng gia đình khổ quá chị cũng làm đủ nghề để giúp mẹ và các em rồi có người giúp chị đi vượt biên nhưng chưa đi được thì bị bắt. Ở với chị một thời gian tôi để ý thấy chị thật tốt không những với tôi và Quỳnh nhưng hầu như tất cả mọi người kể cả những người ghét chị.
Cũng như những nhà tù khác mà tôi thường nghe kể thì nhà tù tôi ở cũng vậy đủ mọi thành phần nào là đầu trộm đuôi cướp, lừa đảo giết người. Ở đây ngay trong phòng tôi có nhóm bà Sáu Thẹo, người ta gọi bà là Sáu thẹo vì trên trán bà gần lông mày không hiểu sao có một vết thẹo dài cỡ 6,7 phân nằm vắt ngang như một con đĩa lồi lên nên trông mặt bà dữ dằn rất đáng sợ. Nhóm của bà cỡ 4,5 người nhìn người nào cũng thấy ngầu ngầu ra tướng anh chị, không hiểu họ bị tội gì mà bị bắt vào đây, thấy chúng tôi là ma mới lại thân với chị Thanh nên họ ghét chúng tôi ra mặt hay châm chọc, mỉa mai những câu nào là bọn tiểu thư, nào là con tư bản, dân thành phố… có một lần tôi đang ngồi nhổ cỏ thì chị Tư ếch người cùng nhóm với bà Sáu thẹo đi qua đá vào mông tôi nói:
-Nhổ cỏ gì mà khèo khèo vậy mày, đồ cái tụi con nhà giàu chẳng làm gì được.
Tôi khó chịu định lên tiếng thị Thanh ra hiệu cho tôi im đi kệ họ, khi chị Tư ếch đi rồi chị Thanh nói nhỏ với tôi:
-Chị ở đây cũng khổ sở với bọn họ lắm, họ kiếm chuyện đủ điều nhưng chị nghĩ mình cứ nhịn nhục và đối xử lại thật tốt với họ vì chị nghĩ họ không được học hành và giáo dục như mình nên họ mới vậy.
Và từ đó tôi để ý mặc dù nhóm bà Sáu thẹo tìm cách hãm hại, nói xấu, vu khống châm chọc đủ điều nhưng đáp lúc nào tôi cũng thấy chị Thanh đáp lễ bằng im lặng nhịn nhục hoặc bằng một nụ cười, đã vậy chị cũng hay chia sẻ cho họ khi thì nải chuối, chén mắm ruốc vài cái bánh ú hay ít ổ bánh mì mà người nhà chị thăm nuôi. Một hôm cả phòng tôi được lệnh đi nhổ khoai lang ở tít sau vườn, khoai này do các tù nhân bên trại nam trồng chúng tôi đào lên giũ sạch đất cát rồi bỏ vào thúng cho con buôn vào cân, tôi đang ngồi đập đập các củ khoai cho sạch cát thì thấy bóng ai lấp ló trong bụi, tôi giả vờ như để quên gì đó vào lấy thì thấy bà Sáu thẹo đang dấu một thúng khoai vào bụi tôi làm bộ ngó lơ đi như không thấy.
Qua ngày hôm sau khi chúng tôi đang ăn sáng thì thấy hai cán bộ đến trước phòng tôi với thái độ hầm hầm, nhìn thái độ của họ tôi biết chắc có chuyện chẳng lành nhưng không đoán ra, hai cán bộ đến trước phòng tôi dí dí cây dùi cui hỏi:
-Hôm qua lúc đào khoai ai dấu thúng khoai trong bụi khai mau.
Cả phòng im thin thít, không ai lên tiếng, thấy không ai nhận tên cán bộ càng điên tiết quát lên:
-Nếu không ai nhận tôi sẽ còng cả phòng.
Một không nặng nề căng thẳng, tôi không dám nhìn bà Sáu thẹo, lúc đó tự nhiên tôi nghe tiếng chị Thanh nhẹ nhàng, bình tĩnh:
-Thưa cán bộ là tôi
Tôi sững sờ nhìn chị Thanh vì tôi biết không phải là chị mà vậy tai sao chị lại nhận. Tôi thấy người cán bộ trừng mắt nhìn chị:
-Tại sao chị dám ăn cắp của chung, chị có biết đó là mồ hôi của biết bao nhiêu anh em không?
Tôi thấy chị Thanh bình tĩnh trả lời:
-Vâng tôi biết nhưng vì muốn bồi dưỡng cho các chị em trong phòng, với lại tôi nghĩ chỉ là một thúng khoai thôi.
Vậy là chị Thanh bị nhốt vào một phòng riêng, bị còng chân. Tôi biết vì chị sợ cả phòng bị phạt, bị còng nên chị đứng ra chịu tội để cứu cả phòng, tôi lấm lét nhìn bà Sáu thẹo không biết bà nghĩ gì? Chị Thanh bị nhốt 5 ngày thì được thả ra 2 chân chị sưng tím nhưng chị không có vẻ gì là ân hận cho hành động của mình trái lại chị nói chị rất vui vì nhờ vậy mà cả phòng không bị phạt và tôi để ý từ đó nhóm bà Sáu thẹo không còn nhìn chúng tôi với ánh mắt ganh ghét nữa, cũng không còn những câu xiên xỏ mỉa mai, kiếm chuyện hay khiêu khích nữa. Rồi một đêm khi chúng tôi đang ngủ thì nghe tiếng chị Tư ếch kêu thất thanh:
-Bà Sáu bị sốt rồi, người bả nóng rang.
Cả phòng xúm lại quanh chỗ bà Sáu chị Thanh rờ trán bà rồi chị lấy một khăn ướt đắp lên xong chị lục lọi trong giỏ xách chị lấy thuốc cho bà uống tôi thấy chị nhẹ nhàng cẩn thận âu yếm như đó là người thân của chị. Sáng hôm sau bà Sáu được đưa lên trạm xá, tôi thấy chị Thanh hay xin phép lên thăm bà Sáu và cũng thường mang lên cho bà khi thì tô cháo, lúc ổ bánh mì… những thứ này chị gởi bà bếp đi chợ mua dùm.
Bà Sáu nằm trạm xá được hai tuần thì hết bệnh, hôm bà về trông bà xanh xao tiều tụy nhưng bà có vẻ hiền hơn lúc trước. Bà không phải ra vườn lao động như tụi tôi, bà được ở trong phòng nghỉ. Có một hôm tôi cũng bị ốm vì chiều hôm trước tôi theo chị Thanh và hai, ba chị khác vào khu vườn phía sau kiếm củi lúc về thì trời mưa, tôi lại không đem theo áo mưa, chị Thanh đưa tôi một tấm nylon che tạm nhưng vẫn bị nhiễm mưa, nếu ở nhà thì mẹ tôi bắt tắm nước nóng, uống nước gừng thì không bị cảm nhưng ở đây làm gì có nước nóng và gừng nên tối hôm đó tôi bị cảm vậy là tôi không ra vườn lao động được phải ở lại phòng với bà Sáu. Lúc này tôi không còn sợ bà nữa nhưng tôi cũng không thân thiện với bà được. Tôi nằm ở cuối phòng gần cửa ra vào còn bà nằm ở cuối phòng gần cửa sổ, tôi vờ nhắm mắt như đang ngủ vì tôi chẳng biết nói chuyện gì với bà tôi nằm một lúc thì thấy có ai đá đá vào chân mình, biết là không thể giả ngủ mãi tôi mở mắt ra thì thấy bà Sáu tay cầm mấy viên kẹo còn chân thì đá vào chân tôi gọi:
-Nè em hết bệnh chưa? Dậy đi nói chuyện cho vui ăn kẹo không ?
Tôi ngồi dậy đỡ mấy viên kẹo từ tay bà, cảm ơn.
Bà ngồi xuống bên tôi rờ trán và nói:
-Đỡ rồi nè, con nhà giàu có khác mắc mưa một chút là đau.
Tôi ngồi lên tựa vào vách nghe bà nói
-Con Thanh coi vậy mà tốt ghê, nói thiệt nhen mới đầu qua không ưa nó và mấy đứa bay nữa.
Tôi nhìn bà hỏi
-Sao vậy, tụi tôi đâu có làm gì bà?
Bà ngó lơ đi chỗ khác và nói:
-Tại hồi nào tới giờ tao cứ thấy bọn nhà giàu là ghét
Rồi bà tâm sự:
-Hồi nhỏ tao khổ lắm mẹ chết lúc còn nhỏ xíu, ba tao bỏ tao cho nội đi ở với bà khác, bà tao già đâu có làm gì có tiền nuôi tao nên tao ra đời làm đủ việc ai thuê gì làm nấy từ chặt củi, giữ em rửa chén miễn sao có tiền để nuôi bà nội và tao vậy mà cũng bữa đói bữa no, vì nhỏ quá nên người ta cũng không muốn thuê nên nhiều đêm tao nằm tủi thân khóc rồi cứ nghĩ tới bọn nhà giàu bằng tuổi mình nó được nâng niu chìu chuộng còn mình muốn được ăn cho no cũng không có, rồi tao cũng lớn lên cái ý nghĩ làm sao cho có nhiều tiền nên tao không trừ một thủ đoạn nào từ ăn cắp, móc túi, lừa đảo và càng ngày càng ghét cay ghét đắng bọn nhà giàu và những ai hơn tao.
Bây giờ thì tôi thấy lời chị Thanh thật đúng vì họ không được giáo dục và học hành nên họ mới vậy, nếu có ai chỉ cho họ thì họ cũng trở thành những người đàng hoàng tử tế, rồi tôi kể lại cho chị Thanh nghe những gì bà Sáu nói, từ ngày đó tôi thấy chị hay lân la làm thân với nhóm bà Sáu hơn nữa và đêm đêm chị hay nói với họ về Chúa.
Rồi tôi được ra trại, bẵng đi một thời gian tôi không gặp lại những người đó và cũng chẳng tin tức gì cho tới một hôm tôi theo chân chị Tâm một người hàng xóm là một tín đồ Cơ đốc đi nhà thờ, vào nhà thờ nhìn lên ca đoàn tôi thấy một người rất quen ai như chị Thanh tôi nghĩ thầm trong bụng và đúng như vậy tôi đợi xong lễ ra gặp chị, gặp lại tôi chị mừng lắm chị em ôm nhau, chị hỏi thăm Quỳnh và kể cho tôi nghe về nhóm bà Sáu thẹo, họ đã hoàn lương sau khi ra tù và bây giờ đang bán trái cây ở bến xe và nhờ chị Thanh giới thiệu họ đã học giáo lý và được làm báp-têm. Tôi vui mừng khôn tả, tôi nghĩ chính chị Thanh đã đem Chúa đến cho họ và chính đời sống chị đã làm thay đổi những con người đã một thời là tay anh chị khét tiếng. Vâng một đời sống đạo đức trong Chúa của chị Thanh đã làm thay đổi cuộc đời họ hơn nghìn bài giảng hùng hồn khác
HẠ DI
Kontum