Thứ Năm , 14 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / SONG CA VỚI GIÓP

SONG CA VỚI GIÓP

Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc.” (Rô-ma 12:15)

Andrew Murray: “Trong ngày hoạn nạn hãy nói: Đức Chúa Trời đã đem tôi đến đây, ấy là bởi ý muốn Ngài mà tôi gặp cảnh khó khăn này. Tôi an nghỉ trong ý muốn Ngài. Tôi biết Ngài sẽ giải cứu tôi ra khỏi hoàn cảnh khó khăn này. Ngài biết lúc nào và bằng cách nào.”

 

Trên thiên đàng, chắc Gióp đang giật mình, hay con mắt “giật giật”, vì có “đứa” nào ở dưới đất vừa nhắc đến mình. Chẳng chỉ nhắc, mà còn đòi song ca với mình. À, thì ra là cái “thằng” ấy. Thấy thương “thằng” ấy, vì hoàn cảnh nó bây giờ cũng khá khó khăn, dĩ nhiên là chẳng thể so sánh với trận bão khốc liệt của mình ngày xưa. Nhưng thế cũng là đáng (để) thương. Thương lắm.

Gióp ơi, bậc đại tiền bối, chẳng dám ví sánh với người. Chỉ xin song ca với người một bài, vì ái mộ người đã lâu. Xin nhường người hát trọn bài, vì người là cả một trường thiên tiểu thuyết, cháu chỉ là một truyện ngắn vài chữ chẳng ra chi. Người sẽ hát giọng chính, toàn bài, cháu chỉ xin thỉnh thoảng bè một chút ở điệp khúc để nhấn mạnh niềm đau của người, của cả hai chúng ta. Về phần cuối, cháu hy vọng hát chung cả bài, vì Chúa đã ban cho người gấp nhiều phần sau cơn bão. Đoạn kết của người thật phước hạnh, diệu kỳ, cháu hy vọng được một chút giống như vậy, là cũng đủ cho phần đời còn lại.

Câu chuyện của Gióp khởi đầu thật tốt đẹp. Người giàu có bậc nhất trong thời của người, được Đức Chúa Trời khen ngợi là công bình, con đàn cháu đống, kính sợ Chúa, dâng lễ vật hàng ngày… Ngày mùa hạ trong xanh, mây trắng, gió mát. Không có trận mưa lớn nào gây lụt lội hay một dấu hiệu bão tố nào có thể thổi bay nhà cửa. Những buổi sáng thức dậy Gióp có lẽ vui hưởng niềm vui thảnh thơi cùng đời sống thanh bình. Không biết những ngày ấy đã có cà phê chưa, nếu có thì chắc bà đại gia Gióp sẽ pha cho chồng một ly và làm vài thứ bánh lặt vặt gì đó, hoặc mua cũng được, chẳng sao cả, miễn là loại bánh ông thích,  để ông ngồi vừa nhâm nhi vừa suy tư trước cái… laptop ngó ra ngoài cửa sổ nơi mùa thu đang đến nhuộm vàng nhuộm đỏ hàng cây trước sân nhà. Gióp nói rất hay trong những trang sau này, tôi tin rằng ông cũng có một tâm hồn thi sĩ, và chắc cũng thường làm thơ, như tôi.

Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng đừng vả, một ngày kia các con trai của Đức Chúa Trời đến ra mắt Đức Giê-hô-va, và Sa-tan cũng đến trong vòng chúng. Sa-tan, một cái tên đáng sợ, người làm dấy lên những cơn bão dữ, những cơn mộng dữ, lôi người ta ra khỏi chăn êm nệm ấm quăng ra ngoài không gian lạnh giá, rứt người ta ra khỏi vòng tay yêu dấu của gia đình ném vào bầu trời mây tối, làm người vợ khóc lóc, người chồng đau thương, trẻ con ngơ ngác. Sa-tan, không ai muốn hắn đến, nhưng hắn vẫn cứ đến, không ai mời, nhưng cứ ngang nhiên nhập tiệc, không ai kêu gọi phát biểu, nhưng vẫn cứ nói. Rõ ràng là Đức Chúa Trời ngạc nhiên khi thấy hắn đến trong vòng các con trai Ngài: Đức Giê-hô-va phán hỏi Sa-tan rằng: Ngươi từ đâu đến? Một cách lễ độ, Sa-tan thưa với Đức Giê-hô-va rằng: Tôi trải qua đây đó trên đất và dạo chơi tại nơi nó. Đi vòng vòng chơi thôi, nhưng con mắt láo liên nhìn ngó, tìm cơ hội để hại người, đó là Sa-tan, từ ngàn xưa cho đến ngàn đời vẫn thế.

jo

Rồi một cuộc đối thoại dài giữa Đức Chúa Trời và Sa-tan sau đó đã làm dậy lên một cơn bão dữ dội thổi trực tiếp vào gia đình Gióp. Katrina không nhằm nhò gì, Harvey là chuyện nhỏ. Người ta thắc mắc mà không dám hỏi tại sao Chúa lại cho phép Sa-tan thử Gióp? Đâu có nhất thiết phải thử, mà thử thật nặng nề. Đức Chúa Trời vốn quá biết rõ Sa-tan là con quỷ dữ. Nhưng ngươi là ai mà dám hỏi Đức Chúa Trời, Ngài muốn làm gì thì làm, những việc Ngài làm thì Ngài hiểu, con người chỉ biết vậy, rồi về sau sẽ hiểu, nhưng tin rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, câu Kinh Thánh thật vĩ đại. Những đoạn người ta đọc tiếp theo là trong một ngày con cái chết hết, tôi tớ bị giết, súc vật cũng theo người mà đi. Tan nát hết tất cả chỉ trong vòng một ngày. Ai mà chịu nổi? Họa chăng là sắt hay là đồng. Tôi đứng bên ngoài nhìn vào thảm họa bên trong mà biết rằng mình khôg thể nói thêm gì, cũng không nói chữ đồng cảm, vì với Gióp, lúc đó, chỉ có Đức Chúa Trời mới an ủi được, loài người không nói thêm gì được. Gióp ơi so với nỗi đau đớn khốc liệt ấy của người, nỗi đau buồn của tôi có đáng gì đâu.

Đối diện với tất cả những điều ấy, hãy xem Gióp nói gì. Than vãn và trách móc Đức Chúa Trời chăng. Ông sẽ hỏi: Lạy Chúa, tôi phạm tội gì, tôi kính sợ Chúa, sống đời công bình, dâng lễ vật đúng luật, tại sao Chúa để tôi chịu những thử thách ghê gớm này. Nếu là bạn, bạn sẽ la lối cỡ nào? Chúa ơi, sao Ngài nỡ để con như vậy, dồn con vào đường cùng không lối thoát, con thoát thế nào đây, khi xung quanh con là hố sâu, là vực thẳm, là bóng chết? Hãy xem bà Na-ô-mi nói gì với hai con dâu khi ba bà góa chuẩn bị cuộc hành trình trở về quê hương Không, hỡi chúng con, nỗi sầu thảm của mẹ cay đắng muôn phần hơn của chúng con, vì tay của Đức Chúa Trời đã giơ ra hại mẹ. Bà đã chỉ đích danh Đức Chúa Trời là người đã trực tiếp đưa bà vào ngõ cụt. Bản tiếng Anh là against, nhưng Phan Khôi đã dịch là hại, một chữ rất nặng trong ngôn ngữ Việt.

Còn tôi, tôi nói sao? Những ngày trước tôi nói: dù là một chéo áo, một ngón tay, con cũng bám lấy Chúa, con vẫn trông đợi một phép lạ, một sự chữa lành từ thiên thượng. Bây giờ tôi nói: Nếu Chúa không chữa lành, xin cho trở về với Chúa cách bình an, đừng vật vã đau đớn nữa. Tôi nhìn vào hoàn cảnh Gióp và nghĩ: tôi không bằng một phần mười, hay phần trăm của ông, sao tôi phải kêu than sầu thảm? Nhưng Chúa ơi con không bao giờ dám kêu than. Những ngày này con không gọi là Chúa nữa, mà tự nhiên trong lòng con, môi miệng con, chỉ gọi Cha ơi, như một người Cha yêu dấu của riêng con, chứ không phải là một vị Chúa Tể đất trời của mọi người. Cha ơi, thương xót chúng con, con chỉ ngửa mặt lên trời và kêu xin một sự thương xót. Buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối. Tôi mỏn sức vì than thở. Mỗi đêm tôi làm trôi giường tôi, dầm nó với nước mắt. Ngoài sự thương xót của Cha, thì con còn biết làm gì.

Sa-tan dường như chưa lấy thế làm đủ, đối với Sa-tan thì việc hành hại những người thuộc về Chúa chẳng bao giờ là đủ đối với hắn. Câu chuyện tiếp tục trong đoạn 2, cảnh cũ, Đức Chúa Trời lại có buổi họp thường kỳ, các con trai Ngài lại đến ra mắt Ngài, và dĩ nhiên Sa-tan, kẻ không được mời, vẫn đến…. Những câu hỏi và câu trả lời lập lại giống lần trước. Đức Chúa Trời lại “khoe” một tôi tớ công bình, trọn vẹn và ngay thẳng của mình. Chúa ơi, Ngài khoe mà làm chi. Và Sa-tan lại “cười mũi” rằng cái lý do mà Gióp vẫn ngay thẳng bền đỗ trước mặt Chúa là vì những hoạn nạn thử thách vừa qua kia chẳng qua là chỉ đụng đến người khác, cho dù là những người thân, và tổn thất quá nặng nề, nhưng bây giờ xin Chúa hãy giơ tay ra, đụng đến hại xương thịt người, ắt người sẽ phỉ báng Chúa trước mặt. Ôi Chúa, Ngài lại vẽ đường cho hươu chạy rồi 🙂

Được phép thử nữa, nhưng không được đụng đến mạng sống, hắn đã làm cho Gióp bị ung độc hành hạ từ đầu đến chân, ngồi trong đống tro có lẽ cho đỡ ngứa, và không thể dùng cái gì để gãi cơn ngứa ngáy đau đớn ngoài một miếng sành, miếng sành chỉ làm cho những ung độc bật máu ra và ngứa ngáy thêm, đau đớn thêm. Bạn hãy hình dung một người, đang vui hưởng đời sống giàu có thanh bình cùng gia đình, từ trên đỉnh cao thình lình rơi xuống vực, chẳng thế, thương tích đầy mình, dở sống dở chết, muốn chết mà không thể chết. Chưa hết, người vợ yêu thương bên cạnh còn nguyền rủa cay đắng. Sa-tan giăng lưới bao quanh ông bốn bề không chừa một lối thoát. Bà ta không chỉ nguyền rủa Chúa, bà còn bảo ông nên chết đi. Tôi nhắm mắt lại, nghĩ về nỗi đau của tôi, đang nằm trong nhà thương, một cái nasal tube gắn trong mũi để chuyền thức ăn (hôm qua đã gỡ nasal tube ra để gắn feeding tube ở bụng), sống hoàn toàn bằng dây nhợ, đủ loại ống, hoàn toàn không ăn uống được, không nhúc nhích được tay chân, không mở miệng được, cũng không mở mắt, thỉnh thoảng hé nhìn, một cái nhìn chăm chăm như nhìn vào cõi thiên đàng trước mặt. Người ấy, tôi biết chắc, sẽ không bao giờ nói một lời nào giống như Gióp phu nhân, nhưng nói rằng: mình không muốn bệnh, vì sợ làm cản trở công việc Chúa của anh. Chỗ này mình có nên nghỉ một chút để đàn dạo không Gióp? Tôi không thể hát tiếp được nữa.

Bị chính cái xương sườn của mình tấn công, Gióp nói gì, ông nói rằng Ngươi nói như một người đàn bà ngu muội. Ủa sao! Sự phước mà tay Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, chúng ta lãnh lấy, còn sự tai họa mà tay Ngài giáng trên chúng ta, lại chẳng lãnh lấy sao? Trong mọi việc đó, Gióp không phạm tội bởi môi miệng mình. Tôi đã phải nhắm mắt lại lần nữa, không dám suy nghĩ nữa, thật là kinh khủng. Tới mức độ đó, mà vẫn không một lời than oán Chúa. Nên lắm chứ, hãy nói ra, nói lớn lên, la lớn lên, để vơi bớt những nỗi đau đớn. Shout to the Lord, Gióp.

Gióp ơi, cùng một kịch bản đây. Khoảng hơn một tháng trước, khi thức dậy tôi thấy tê tê đau đau ở gót chân phải, bước đi bị thốn. Vào trong nhà thờ không dám bước nhanh và phải cất bước cẩn thận, một tín hữu hỏi: chân Mục sư sao vậy. Tôi cười đáp dạ không biết. Nghĩ rằng trặc trẹo chi chút thôi, lấy BenGay thoa bóp, mai sẽ hết, nhưng ngày qua ngày lại, không hết, mà còn có dấu hiệu nặng thêm. Nói với “bác sĩ” gia đình ở nhà thờ, “bác sĩ” cười nói vậy hả mà không tỏ vẻ quan tâm nhiều, chắc cũng nghĩ là không có gì. Cứ hy vọng là vì bị stress quá, nên bị đau. Cho đến khi mình phải yêu cầu đi thử máu và khám bệnh. Gióp ơi, bàn tay của Sa-tan đã chạm đến chính tôi, trong khi nhà tôi vừa thêm một cơn co giật khác trong nhà thương. Sự chẩn đoán cuối cùng cho biết là bị biến chứng của tiểu đường. Những người bị tiểu đường hiểu chữ biến chứng có nghĩa gì và sẽ như thế nào. Tiền bối ơi, Kinh Thánh nói rằng ngay cả khi bị ung độc đầy người nhức nhối ngứa ngáy, phải ngồi vào đống tro và dùng mảnh sành để gãi mình, mà tuyệt nhiên sau trước, tiền bối không có một lời phạm tội cùng Chúa. Còn tôi, ngay khi vừa bước ra khỏi phòng mạch bác sĩ, tôi đã thốt lên một câu nói trong vô thức. Chúa ơi, sao nỡ triệt đường sống của con. Nghĩ lại mà ăn năn đau đớn, vì Chúa có bao giờ triệt đường sống của ai, nhất là đối với con cái Ngài. Chúa yêu thương không hết. Ai sẽ phân rẽ chúng ta ra khỏi sự yêu thương của Đấng Christ, có phải hoạn nạn, khốn cùng, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm hay là gươm giáo chăng? Không ai hết, không bất cứ gì hết, có thể phân rẽ chúng ta ra khỏi tình yêu của Đấng Yêu Thương, phải không Gióp, tôi tin rằng ông cũng chỉ vịn tay vào cánh cửa yêu thương đó mà sống những ngày tang tóc đau buồn nhất trong cuộc đời mình. Tôi, nghĩ cho cùng, thì có đáng gì đâu. làm sao có thể dám song ca với người.

Những đoạn sách Gióp sau đó mô tả Gióp tự thán. Không phàn nàn Chúa, Gióp tự phàn nàn về mình, về việc mình sinh ra, lớn lên. Ông nói phải chi ông đừng phải sinh ra, để ông chết đi trong lòng mẹ, đừng bao giờ phải mở mắt nhìn thấy ánh sáng mặt trời và tham dự cuộc đời như một con người. Nếu ông biết làm thơ, có lẽ phải sửa thơ Chế Lan Viên một chút. Tôi có chờ đâu có đợi đâu. mang chi tôi đến để tôi sầu. Điều này thì tôi không đồng ý với ông đâu, Gióp. Tôi cảm thông nỗi đau của ông, nhưng tôi yêu cuộc sống, tôi tin rằng khi Đức Chúa Trời tạo dựng tôi trong lòng mẹ và cho phép tôi ra đời, tham dự vào cuộc sống này, Ngài có một chương trình cho tôi, dù chương trình ấy là gì, như thế nào. Tôi yêu sự đẹp đẽ của thiên nhiên xinh đẹp tuyệt vời mà Chúa đã tạo dựng, tôi yêu những sinh vật mà Chúa đã nắn nên từ bụi đất và hà sinh khí vào lỗ mũi để trở nên một loài sanh linh. Tôi yêu lắm những sớm mai khi nắng bắt đầu lên bên ngoài cửa sổ, ngay cả khi nắng chưa lên, mặt trời chỉ lấp ló đâu đó dưới chân đồi, cuộc sóng vẫn có vẻ đẹp diệu kỳ. Tôi yêu tiếng sóng biển vỗ miên man vào bờ cát, những rặng đảo xa mờ. Tôi yêu mùa thu tuyệt vời miền Đông Bắc Hoa Kỳ đẹp như bàn tay họa sĩ của Đấng Lạ Lùng vẽ nên. Làm sao có thể nói hết. Dù ngày mai sẽ trở về nơi chân Chúa, ai rồi cũng phải đi con đường đó, như Giô-suê một lần nói, tôi sẽ mãi yêu cuộc sống mà Chúa đã tạo dựng để con người thụ hưởng. Gióp ơi, dù nỗi đau của tôi không thể sánh với niềm đau tan nát lòng của ông, nó vẫn là một nỗi đau, dù vậy, tôi tin rằng Chúa đã tạo dựng tôi và cho tôi đóng góp một chút gì đó vào chương trình kỳ diệu của Ngài, tôi tạ ơn Chúa vì điều đó. Nhưng ông ơi, có phải tạ ơn Chúa mà lòng không đau đớn? Tôi ngồi đây, hình dung ra hình ảnh ông ngày ấy, và biết rằng ông đau đớn lắm, nỗi đau không ai có thể cảm nhận được và cảm thông hết. Tôi hiểu ông, tiền bối ơi. Ông nói là nói thế thôi, nhưng khi bị các bạn hữu chỉ trích, ông đã tự bạch: lời nói của một người ngã lòng chỉ như luồng gió. Phải, chỉ như luồng gió thôi, như luồng gió thổi ngang dịu đi bớt sức nóng kinh khủng của mùa hè đỏ lửa. Nói cho hả hơi thôi, bởi vì không nói thì không thể chịu nổi.

lu tha

Gióp, ông có nghe bài thánh ca Lặng mà hậu thế của ông ngàn năm sau đã sáng tác để nói thay cho tiếng lòng đau đớn của ông:

Lặng… để nghe tiếng sóng, sóng xô, xô trong lòng ta
Lặng… để nghe tiếng gió, gió cuốn cơn đau ngày sau.
Lặng… để nghe nước mắt hắt hiu trên đôi bờ mi xanh.
Đời sao vắng tanh cho trái tim xanh tàn nhanh.

Nhìn… nhìn lên Thánh Giá, Chúa đang dang tay lặng im.
Từ… từ trên Thánh Giá, Chúa có nghe con nài van!
Vì… vì sao Chúa hỡi cứ như…như vô tình không nghe?
Lòng con sắt se ôm nỗi đau riêng Ngài ơi!

Vì sao Chúa hỡi, Ngài đành mặc bỏ con vậy sao?
Đời con lao đao bao nhiêu đau thương sầu tim vỡ…
Vì sao Chúa nỡ lặng nhìn và muốn con lặng thinh?
Nhận bao hi sinh đau thương như Chúa trên Thập hình.

Lặng… để nghe tiếng Chúa, nói trong trong tâm hồn ta
Lặng… để nghe Chúa nói…Thánh Giá Ta mang vì ai…
Lặng… để nghe Chúa khóc, khóc khi ta vô tình quay đi
Nhiều khi vấn nghi ơn Chúa trên bao ngày qua.

Lặng… để ta thấy Chúa bước đi song song cùng ta
Lặng… để ta thấy Chúa đau đớn hơn ta khổ đau
Lặng… để ta thấy Chúa sớt chia bao vui buồn không tên
Ngài luôn ở bên, con có hay đâu Ngài ơi…

Khi tôi ngồi đây, sáng nay, mặt trời vẫn còn yên lặng đâu đó, bầu trời xanh xám buổi bình minh, nghe lại bài hát mà một người tín hữu đã hát tặng cho tôi, như một tiếng lòng đồng cảm cho tiếng lòng tôi, lòng tôi vừa đau đớn cảm xúc vừa được an ủi. Quả thật, tôi đã giảng nhiều lắm, khích lệ nhiều lắm cho bao người, nhưng cho đến bây giờ tôi mới có thể thật sự đồng cảm, không phải lý thuyết mà là thực tế, với anh chị em mình. Hỡi bao nhiêu anh chị em tôi đã từng nhìn người thân mình lặng lẽ trên giường bệnh, từng lau nước mắt, lặng thinh, từng hỏi Chúa, từng hy vọng rồi thất vọng nhưng không bao giờ để rời bàn tay mình khỏi bàn tay Chúa, như Gia-cốp nói: Tôi sẽ không để cho Ngài đi đâu nếu Ngài không ban phước cho tôi.

Buổi sáng, khi thức dậy, tôi vẫn còn nhìn thấy mây bay ngang bầu trời, con sóc nâu chạy ngơ ngác sân sau nhà, thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng chim hót trên cành cao lá đã bắt đầu nhuộm màu từng phần trong không khí bắt đầu se lạnh của mùa thu, dù những đau nhức thân thể, dù nỗi đau đớn tâm hồn, tôi vẫn còn đây. Tôi vẫn còn những người bạn, những tín đồ đây đó email thăm hỏi, điện thoại xẻ chia, gởi tiền hỗ trợ, và những cái nắm tay siết chặt, những cái quàng vai, những cái ôm thân ái, không bị ai tấn công, lên lớp, dạy dỗ như những người bạn của ông ngày xưa. Tôi vẫn còn nhiều thứ lắm để phải tạ ơn Đức Chúa Trời, ngày nào còn viết được, còn trải bày tâm tư trên màn hình của laptop, thì tôi biết rằng tôi vẫn còn sống, và sống trong ân điển vô hạn của Ngài.

Gióp ơi. Hát với tôi câu này, hát chậm để chấm dứt. Ông đã qua một đời, nhưng tôi, còn phải khập khiễng đi nốt phần đời còn lại.

Hear my voice when I call, O Lord;
be merciful to me and answer me.
Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy nghe tiếng con kêu cầu cùng Ngài:
Hãy thương xót con và nhậm lời con.

kien-lu-310x205

Mục sư Lữ Thành Kiến   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn