Sao Ngài lại làm cho tôi tớ Ngài buồn?
(Dân 11:11).
Cha chúng ta trên trời thường đưa hoạn nạn đến để thứ đức tin chúng ta. Nếu đức tin chúng ta có chút giá trị, nó sẽ đứng vững sau cuộc thử nghiệm. Những đồ vật mạ vàng rất sợ lửa, nhưng vàng ròng thì không; bột kim cương rất sợ phải va chạm với kim cương, nhưng ngọc thật chẳng bao giờ sợ va chạm ấy. Người có đức tin ít oi, nghèo nàn, chỉ có thể tin cậy Ðức Chúa Trời khi bạn bè còn đối xử tử tế, trung thành với mình, lúc thân thể người ấy còn khỏe mạnh, công việc làm ăn còn thuận lợi; nhưng chính đức tin thật mới giữ trung tín được với Chúa khi bị bạn bè đều xa lánh, thân thể gặp yếu đau, bị mất tinh thần và ánh sáng của mặt Cha chúng ta bị che khuất. Ðức tin nào khi gặp hoạn nạn đau đớn nhứt, nhưng vẫn còn có thể nói: Dẫu Chúa giết tôi, tôi cũng còn nhờ cậy nơi Ngài, là loại đức tin vốn có do trời sanh ra. Chúa làm buồn, đem hoạn nạn đến cho tôi tớ Ngài là để chính Ngài được tôn vinh, vì Ngài được tôn vinh cả thể do các ân tứ của các con cái Ngài, là công việc do chính tay Ngài tạo ra. Khi sự thử thách sanh ra sự nhịn nhục, sự nhịn nhục sanh ra kinh nghiệm và kinh nghiệm sanh hi vọng, thì Chúa được tôn vinh vì sự lớn lên của các đức hạnh ấy.
Nếu những sợi dây của cây đàn cầm không bị chạm tới, chúng ta chẳng bao giờ nghe được tiếng nhạc; nếu trái nho không bị ép trên bàn, chúng ta cũng chẳng bao giờ được thưởng thức nước nho; nếu nhục quế không bị nghiền tán, chúng ta cũng chẳng bao giờ khám phá được mùi hương dịu dàng của loại dầu ấy; nếu than không bị tiêu hao, chúng ta sẽ chẳng bao giờ được sưởi ấm. Chúng ta sẽ nhận ra sự khôn ngoan và quyền năng của Ðấng Tạo Hóa khi các vật dụng do lòng nhơn từ Ngài chế tạo qua khỏi cơn thử lửa mà Ngài cho phép xảy đến cho chúng. Những hoạn nạn hiện tại cũng nhằm nâng cao niềm vui tương lai. Trong một bức tranh, chính những bóng tối làm nổi bật những chỗ sáng. Nếu chúng ta không hề biết đến sự rủa sả dành cho tội lỗi và những khổ đau của trần gian, thì có thể nào thưởng thức được những phước hạnh cao cả của thiên đàng chăng? Phải chăng sau cơn chiến tranh thì hòa bình mới êm ái, ngọt ngào hơn, và sau thời gian lao khổ, sự nghỉ ngơi sẽ được chào đón nồng nhiệt hơn? Phải chăng ký ức về đau khổ quá khứ luôn luôn tăng cường phước hạnh của kẻ được tôn cao? Chúng ta còn rất nhiều câu trả lời hay ho khác cho vấn đề chúng ta đã nêu ra cho bài suy gẫm ngắn ngủi nầy; mong rằng chúng ta sẽ cứ nghiền ngẫm chúng cả ngày nay.
C H Spurgeon
———–
Jay Buffon đã biến phòng bệnh của mình thành ngọn hải đăng.
Một người chồng, người cha, thầy giáo trường trung học và là một huấn luyện viên 52 tuổi đang hấp hối vì bệnh ung thư, nhưng căn phòng của ông—Phòng 5020—đã trở thành một ngọn đèn của hy vọng cho bạn bè, gia đình và các nhân viên bệnh viện. Nhờ tinh thần vui vẻ và đức tin mạnh mẽ của ông, các y tá muốn được phân công chăm sóc Jay. Một số người còn đến thăm ông ngoài giờ làm việc.
Ngay cả khi thân thể vận động viên một thời của ông đang dần hao mòn, ông vẫn chào đón mọi người với nụ cười và những lời khích lệ. Một người bạn nói: “Mỗi khi tôi ghé thăm Jay, anh ấy rất vui, tích cực và tràn đầy hy vọng. Ngay cả khi đối diện với căn bệnh ung thư và cái chết, ông vẫn sống bày tỏ đức tin mình.”
Tại tang lễ của Jay, một diễn giả giải thích rằng Phòng 5020 có một ý nghĩa rất đặc biệt. Ông nhắc đến Sáng thế ký 50:20, trong đó Giô-sép nói rằng mặc dầu các anh của ông đã bán ông làm nô lệ, nhưng Đức Chúa Trời đã xoay chuyển tình thế và thực hiện điều tốt lành là “bảo tồn sự sống cho nhiều người.” Ung thư đã xâm chiếm cuộc đời của Jay, nhưng khi nhận biết bàn tay của Đức Chúa Trời đang hành động, Jay có thể nói rằng: “Đức Chúa Trời lại định cho nó thành điều lành.” Đó là lý do Jay có thể sử dụng ngay cả sự tàn phá của bệnh ung thư như là cơ hội để nói với người khác về Chúa Jêsus.
Thật là một di sản của lòng tin không hề nao núng nơi Cứu Chúa ngay cả khi sự chết đang gõ cửa! Thật là một lời chứng về lòng tin nơi Đức Chúa Trời tốt lành và đáng tin cậy!
CHÚA CHO PHÉP KHỔ NẠN XẢY RA?
Đau khổ hay khổ nạn là vấn đề lớn trong đời sống. Chính vì đau khổ mà các tôn giáo sản sinh. Nhiều tôn giáo nghĩ đến khổ nạn như là nguyên nhân chứ không phải là hậu quả. Kinh Thánh lại dạy những người có đức tin rằng khổ nạn thường là hậu quả chứ không phải là nguyên nhân. Chúa có lý do để cho phép khổ nạn xảy ra trong đời sống chúng ta.
Ngày nay khổ nạn vẫn còn. Ngay ở Mỹ đây chứ không phải chỉ ở Việt Nam hay ở chỗ nào khác. Đời sống con người đầy dẫy các trường hợp đau ốm, mất mát, khổ nạn và sự chết. Tại sao? Tại sao thế giới có khổ nạn?
Người Á Đông đẻ ra giả thuyết nghĩ rằng nhiều người đời nầy khổ vì kiếp trước họ làm ác. Họ đã gieo ác nên bây giờ họ gặt khổ. Nhiều người theo các tôn giáo Á Đông đã hài lòng với lối giải thích nầy và vì thế họ tiếp tục theo các tôn giáo. Phần lớn người Tây Phương và người tin Chúa không tin ở lý thuyết nầy. Vậy có lối giải thích nào khác không?
Làm sao để dung hòa đức tin cho rằng Đức Chúa Trời tốt lành đã bày tỏ sự tốt lành của Ngài qua những đau đớn và khổ nạn? Tại sao Chúa cho phép khổ nạn xảy ra?
Chỉ có Kinh Thánh là lời Chúa mới có câu trả lời có thẩm quyền.
Sứ đồ Phi-e-rơ viết, “Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường” (1 Phi 4:12).
Các sứ đồ như Phao-lô và Ba-na-ba, “giục các môn đồ vững lòng, khuyên phải bền đỗ trong đức tin, và bảo trước rằng phải trải qua nhiều nỗi khó khăn mới vào được nước Đức Chúa Trời” (Công vụ 14:22).
Kinh Thánh cho thấy Chúa cho phép khổ nạn xảy ra và Ngài dạy cách chúng ta chuẩn bị đối phó thể nào khi khổ nạn xảy ra.
Khi nghiên cứu đề tài nầy tôi khám phá thấy một vị Mục Sư người Mỹ đã đưa ra 5 lý do rất hay, rất hợp Kinh Thánh về lý do Chúa cho phép khổ nạn xảy ra.
1. Khổ nạn làm chúng ta trở nên khiêm tốn hơn.
Khổ nạn nhắc chúng ta rằng chúng ta chỉ là loài người, chúng ta không điều khiển cuộc đời mình đâu. Chính Đức Chúa Trời mới là Đấng điều khiển, cai trị và quyết định về đời sống và số phận của chúng ta. Loài người vốn kiêu ngạo, luôn muốn tôn mình lên ngang hàng với Đức Chúa Trời.
Tiên tri Ê-sai viết, “Đấng cao cả, ở nơi đời đời vô cùng, danh Ngài là Thánh, có phán như vầy: Ta ngự trong nơi cao và thánh, với người có lòng ăn năn đau đớn và khiêm nhường, đặng làm tươi tỉnh thần linh của những kẻ khiêm nhường, và làm tươi tỉnh lòng người ăn năn đau đớn” (Ê-sai 57:15).
Tác giả Thi Thiên 119: 71 đã làm chứng, “Tôi đã bị hoạn nạn thật lấy làm phải,
Hầu cho học theo luật lệ của Chúa.”
2. Khổ nạn đẩy chúng ta đến chỗ nương dựa vào Chúa.
Khổ nạn khiến chúng ta chạy đến gần Chúa. “Vì, sự sống của anh em là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay” (Gia-cơ 4:14). Nhiều người tưởng mình sống mãi trên trần gian và không bao giờ chết. Cũng sẽ không có ai phán xét mình. Nhiều người chỉ cậy sức riêng, không cần sức Chúa. Đây là lý do Chúa cho phép khổ nạn xảy ra để con người biết giới hạn của mình và khiến họ nương nhờ sức Chúa.
3. Khổ nạn nhắc chúng ta nhớ rằng thế gian nầy không phải là nhà đời đời của chúng ta.
Khổ nạn khiến chúng ta trông mong một quê hương tốt hơn ở trên trời. Không phải ở dưới đất nầy.
Sứ đồ Phi-e-rơ dạy rõ: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, anh em như người ở trọ, kẻ đi đường, tôi khuyên phải kiêng những điều xác thịt ưa thích, là điều chống trả với linh hồn (1 Phi 2:11).
Tác giả Hê-bơ-rơ nhắc đến rất nhiều anh hùng đức tin xưa nay đang “ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời” (Hê-bơ-rơ 11:16). “Vì dưới đời nầy, chúng ta không có thành còn luôn mãi, nhưng chúng ta tìm thành hầu đến” (Hê-bơ-rơ 13:14). Chúng ta phải chuẩn bị để sống trong cõi vĩnh hằng. Chúa cho phép khổ nạn xảy ra để chúng ta biết trông đợi thiên đàng.
Thông thường khi đau khổ con người mới tìm kiếm kêu cầu Chúa. Vì chỉ nghĩ đến đời nầy nên con người chỉ có cái nhìn phiến diện, Chúa muốn chúng ta biết rằng ngoài đời nầy chúng ta còn đối diện một cuộc đời khác. Kinh Thánh chép, “Vả, tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta” (Rô-ma 8:18). Kinh Thánh cũng khẳng định, “Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng vô biên, bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy” (2 Cô 4:17-18).
4. Khổ nạn giúp chúng ta hòa mình với sự hy sinh Chúa Cứu Thế đã gánh chịu vì nhân loại.
Sứ đồ Phi-e-rơ an ủi người gặp khổ nạn vì Chúa cho phép xảy ra. “Nhưng anh em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, hầu cho đến ngày vinh hiển của Ngài hiện ra, thì anh em cũng được vui mừng nhảy nhót” (1 Phi 4:13). Cho đến ngày nay Chúa vẫn cho phép người tin Ngài gánh chịu khổ nạn vì người khác.
Sứ đồ Phao-lô là người truyền giáo chịu khổ vì Chúa và vì Hội Thánh nhiều nhất đã làm chứng, “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ và được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải công bình của tôi bởi luật pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Đấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Đức Chúa Trời và đã lập lên trên đức tin; cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài” (Phi-líp 3:8-10).
Đối với sứ đồ Phao-lô thì biết Chúa qua sự sống của Chúa là phước nhưng cùng chia khổ nạn với Chúa cũng là ơn phước. Càng khổ chúng ta càng đến gần Chúa, càng gần Chúa chúng ta càng biết Chúa, càng biết Chúa chúng ta sẽ được Chúa dùng. Chúa thường dùng khổ nạn để đào tạo những người Chúa muốn dùng.
5. Chúa dùng khổ nạn để huấn luyện chúng ta trong sự công bình.
Chúa muốn con cái Chúa trưởng thành. Chúa huấn luyện và áp dụng kỷ luật để chúng ta trưởng thành trong đức tin. Hãy nghe Kinh Thánh giải thích cách người cha rèn luyện và dạy dỗ con cái trưởng thành.
“Ví bằng anh em chịu sửa phạt, ấy là Đức Chúa Trời đãi anh em như con, vì có người nào là con mà cha không sửa phạt? Nhưng nếu anh em được khỏi sự sửa phạt mà ai nấy cũng phải chịu, thì anh em là con ngoại tình, chớ không phải con thật. Cha về phần xác sửa phạt, mà chúng ta còn kinh sợ thay, huống chi Cha về phần hồn, chúng ta há chẳng càng nên vâng phục lắm để được sự sống sao?
Vả, cha về phần xác theo ý mình mà sửa phạt chúng ta tạm thời, nhưng Đức Chúa Trời vì ích cho chúng ta mà sửa phạt, để khiến chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết Ngài. Thật các sự sửa phạt lúc đầu coi như một cớ buồn bã, chớ không phải sự vui mừng; nhưng về sau sanh ra bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy” (Hê-bơ-rơ 12:7-11).
Chịu đựng và kiên nhẫn là những khía cạnh quan trọng để trưởng thành đời sống thuộc linh. Kinh Thánh không mệt mỏi để dạy chúng ta về lý do Chúa dùng khổ nạn. Mời bạn đọc lại những câu Kinh Thánh sau đây:
“Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào” (Gia-cơ 1:2-4).
“Nào những thế thôi, nhưng chúng ta cũng khoe mình trong hoạn nạn nữa, vì biết rằng hoạn nạn sanh sự nhịn nhục, sự nhịn nhục sanh sự rèn tập, sự rèn tập sanh sự trông cậy. Vả, sự trông cậy không làm cho hổ thẹn, vì sự yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta” (Rô-ma 5:3-5).
“Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức, thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính, thêm cho tin kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến” (2 Phi 1:5-8).
Tôi có đời sống hầu việc Chúa với nhiều khổ nạn và tôi học được một điều, “Chúa cho phép khổ nạn xảy ra cho tôi vì Chúa nhậm lời cầu nguyện của tôi và Ngài muốn dùng tôi cho công việc của Ngài.”
Bạn muốn được Chúa dùng không?
Mục Sư Nguyễn Văn Huệ