Câu chuyện sau đây minh chứng cho lời Chúa dạy về việc nên nương cậy Chúa là “Đấng hằng ngày ban mọi vật dư dật cho chúng ta được hưởng” hơn là nương dựa nơi “của cải không chắc chắn.”
Ở tỉnh Saga miền Nam nước Nhựt có một ông cụ già trên 80 tuổi. Vào sáng ngày 10/10/2008 ông cụ phát hiện kẻ trộm đã đào lấy mất hộp đựng tiền của ông ở sau vườn. Số tiền bị mất trong vụ trộm nầy ước lượng 360 triệu Yen (khoảng 4 triệu Mỹ Kim). Đây là số tiền dành dụm của ông cụ suốt 40 năm. Một viên chức Cảnh sát nói, “Ông thấy đất bị đào và rồi khám phá hộp tiền đã biến mất. Ông ấy chôn tiền vì cho rằng các ngân hàng đưa ra phân lời quá thấp. Ông chọn chôn tiền trong vườn để tránh trường hợp tiền bị mất vì nhà cháy hoặc có động đất.” Theo lời viên chức trên thì thỉnh thoảng ông cụ đào hộp đựng tiền lên để xem xét, bỏ thêm tiền vào hộp, rồi chôn lại sau vườn, lần cuối cùng ông cụ xem lại tiền của mình là vào giữa năm 2007. Điều đáng nhớ là khi phát hiện món tiền dành dụm suốt đời bị mất, hai tháng sau ông cụ đã qua đời.
Mới đây, tôi có một bà chị bà con đang sống ở Mỹ đột ngột qua đời. Trước khi qua đời bà có bán được ngôi nhà và để dành được 50,000 Mỹ Kim. Bà để dành tiền mặt để dưỡng già, không dám gởi tiền vào ngân hàng. Cũng có lý do nữa là bà đang dọn nhà đi tiểu bang khác để sống gần con cái. Nhưng do bị bệnh tim bà chết thình lình. Gia đình và Hội Thánh yêu thương lo chôn cất bà chu đáo. Nhưng tiếc thay không ai tìm được số tiền mặt bà cất giấu chỗ nào. Số tiền 50,000 Mỹ Kim kia coi như đã mất. Một bằng chứng nữa về “của cải không chắc chắn.”
Chúng ta có thể cất giấu của cải một cách chắc chắn nhưng nhiều người không biết. Người Mỹ có lẽ kinh nghiệm việc giữ của chắc chắn nhiều hơn người Việt Nam. Phương cách nầy đã được Kinh Thánh dạy từ lâu. Bí quyết quý báu vẫn là tin cậy vâng lời. Ai cũng có thể học được bí quyết nầy. Nó tùy thuộc vào tình trạng tấm lòng của chúng ta. Cách chúng ta sử dụng tiền bạc là biểu hiện chân thật nhất về tình trạng thuộc linh của tấm lòng chúng ta. Kinh Thánh chứa hơn 500 chỗ nói về sự cầu nguyện, gần 500 chỗ nói về đức tin, nhưng có đến hơn 2000 chỗ nói đến tiền bạc và của cải. Trong 38 thí dụ mà Chúa giê-su đã kể trong sách Tin lành, có 16 thí dụ nói đến cách sử dụng tiền bạc. Chúa Giê-su nói về của cải và tiền bạc nhiều hơn nói về thiên đàng và địa ngục. Cứ 10 câu trong sách Tin Lành thì có 1 câu nói đến tiền bạc, tổng cọng 288 câu trong 4 sách Tin lành.
Một Mục sư đứng lên thông báo trước Hội Thánh trong ngày Chúa Nhật. Ông nói, “Tôi có cả tin lành lẫn tin không lành. Tin lành là chúng ta có đủ tiền để hoàn thành chương trình xây cất mới của chúng ta. Tin không lành là, số tiền đó vẫn còn nằm trong túi của quý vị.” Chúng ta thường giữ lại tiền của Chúa đã giao cho chúng ta quản lý để đầu tư. Chúng ta không chịu chi ra. Chúng ta làm theo ý riêng hơn làm theo ý chủ. Chúng ta không chịu làm công việc Chúa muốn chúng ta làm. Chúng ta quên rằng mình là người quản lý. Chúng ta không làm tròn vai trò của người quản lý, chúng ta muốn làm chủ. Chúng ta không chịu vâng lời Chúa hoàn toàn. Chúng ta đánh mất nhiều cơ hội đầu tư. Chúng ta thường tích luỹ của cải dưới đất chỉ vì chúng ta không biết mình có thể gởi của cải lên trời.
Ví ích lợi cho chúng ta, Chúa đã nhiều lần nhiều cách dạy dỗ chúng ta về sự đức tính của người quản lý. Tất cả những gì chúng ta có đều là do Chúa giao cho chúng ta quản lý cả. Thời gian, tài năng, của cải. Kinh Thánh dạy, “Điều người ta trông mong nơi người quản lý là phải trung thành.” Trung thành với chủ. Không làm tôi hai chủ. Luôn làm lợi cho chủ. Không chôn giấu cũng không phung phí tài sản của chủ.
Một Hội thánh ở Cà Mau, Việt Nam. Phía sau là phòng nhóm của họ
Chúa Giê-su đã dạy, “Chớ Chúa của cải ở dưới đất.” Tại sao lại không nên chứa của cải dưới đất? Tại vì chỗ chứa đó không vững chắc, không bền lâu. Tại sao không bền lâu? Tại vì có thể bị mất hết và không làm lợi ra thêm. Có thể mất vì không còn giữ được giá trị. Có thể mất vào tay kẻ trộm hay người lừa gạt. Của cải chứa dưới đất không giữ được lâu. Khi qua đời chúng ta để lại tất cả của cải mình đã chất chứa. Của cải chúng ta chất chứa lại trao vào tay người khác, hoặc không còn ai đáng tin quản lý nữa.
Chúa Giê-su cũng dạy, “Nhưng hãy chất chứa của cải ở trên trời” (Ma-thi-ơ 6:19-21). Tại sao nên chứa của cải ở trên trời? Tại vì đó là chỗ vững chắc nhất, bền lâu nhất. Ví “ở đó không có sâu mối ten rét làm hư, cũng không có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy.” Chúa nói thêm, “Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó.” Nhiều người cứ nghĩ mình sẽ sống mãi mãi dưới đất nầy, vì thế lòng họ ở dưới đất, chỉ chăm chú vào những điều thấy được. Nhiều người giàu dưới đất mà nghèo trên trời. Nhưng người biết chứa của cải trên trời sẽ có lòng hướng về trời, biết chắc mình sẽ sống đời đời trên trời và luôn ham thích đầu tư vào những giá trị đời đời.
MỘT TẶNG PHẨM ĐẦY Ý NGHĨA
Trong một Đại Hội Bồi Linh Truyền Giáo vào tháng 2 năm 2009 ở Jacksonville, Florida, Mục Sư Thomas Stebbins đã tặng tôi và những Mục Sư khác một quyển sách với một điều kiện là phải giảng dạy lại những bài học có trong sách nầy. Quyển sách nhỏ nầy đã được dịch sang Việt Ngữ với đề tựa sách là “Nguyên Tắc Của Cải.” Tác giả là Randy Alcorn. Ông nói sau khi đọc sách nầy việc dâng hiến của ông đã tăng lên. Ông muốn dâng hiến nhiều hơn. Tôi đã đọc quyển sách nầy và rất thích những nguyên tắc đã được nêu ra. Tôi cũng dâng hiến cách rộng rãi hơn, với lòng vui mừng nhiều hơn. Có tất cả 6 nguyên tắc hay 6 chìa khóa:
Nguyên tắc 1: – Đức Chúa Trời là sở hữu chủ muôn vật. Tôi là người quản lý của Ngài.
Nguyên tắc 2: – Lòng tôi luôn hướng về nơi tôi để tiền của Chúa.
Nguyên tắc 3: – Trời là nhà đời đời của chúng ta, chứ không phải là quả đất nầy.
Nguyên tắc 4: – Tôi không nên sống cho đời nầy tạm bợ (một điểm) nhưng nên sống cho đời sau vĩnh cữu.
Nguyên tắc 5: – Ban cho là thuốc duy nhất giải thoát ách nô lệ thần tài.
Nguyên tắc 6: – Đức Chúa Trời cho tôi thịnh vượng không phải để nâng cao mức sống của tôi nhưng để nâng cao mức ban cho của tôi hơn.
Theo ý kiến tác giả, sáu nguyên tắc nầy có thể gồm tóm trong một lời khuyên thực tế, “Chúng ta không có thể mang của cải lên thiên đàng (khi chết) nhưng chúng ta có thể gởi của cải lên thiên đàng trước (khi còn sống).” Tôi thích ý tưởng nầy. Có nhiều bài học và kinh nghiệm rất quý được viết ra trong sách nầy. Đây là quyển sách đáng đọc và đáng thực hành. Cuối cùng tác giả đã đưa ra một bảng giao ước về dâng hiến của cải và khuyên chúng ta ký vào bản giao ước nầy để làm theo.
BẢN GIAO ƯỚC DÂNG HIẾN
- Tôi xác nhận quyền sở hữu hoàn toàn của Đức Chúa Trời trên đời sống tôi (1 Cô-rinh-tô 6:19-20) và mọi thứ Chúa giao cho tôi (Thi Thiên 24:1). Tôi nhận biết rằng tiền bạc và tài sản của tôi thực ra là của Ngài. Tôi là người quản lý của Ngài. Tôi là nhân viên nhận và giao hàng của Ngài. Tôi sẽ cầu hỏi Ngài những gì Ngài muốn tôi làm đối với tiền bạc của Ngài.
- Tôi sẽ để riêng những trái đầu mùa– bắt đầu ít nhất là 10 phần trăm– của tất cả những gì tôi nhận và xem đó là của thánh và thuộc riêng Đức Chúa Trời. Tôi làm điều nầy trong sự vâng lời Ngài, ước ao sự ban phước của Ngài (Ma-la-chi 3:6-10). Bởi đức tin tôi tôi đồng ý sự thách thức của Ngài để thử Ngài trong việc dâng hiến nầy.
- Tôi sẽ dâng những của dâng rộng rãi tự ý từ của cải còn lại Đức Chúa Trời giao cho tôi. Tôi nhận ra rằng Đức Chúa Trời đã giao của cải cho tôi để tôi có thể “làm đủ mọi cách bố thí.”
- Tôi cầu hỏi Đức Chúa Trời dạy tôi hy sinh dâng hiến cho những mục đích của Ngài, bao gồm việc giúp đỡ người nghèo và chinh phục những người hư mất. Tôi cam kết chính mình tránh sự thiếu nợ để tôi không trói giữ tiền quỹ của Ngài và vì thế tôi cảm thấy tự do hơn vâng theo sự thôi thúc ban cho của Đức Thánh Linh.
- Nhận biết rằng tôi không thể đem theo của cải dưới đất, tôi quyết định tích luỹ của cải trên trời– vì sự vinh hiển của Chúa và vì ích lợi đời đời của người khác và của chính tôi.
- Nhận biết rằng Chúa đã ban cho tôi gia đình, bạn bè, Hội Thánh và những người khác trong phạm vi ảnh hưởng của tôi, tôi cầu xin Chúa giúp tôi chia sẻ Nguyên Tắc Của Cải với họ để họ cũng kinh nghiệm niềm vui lớn nhất hiện tại và phần thưởng tương lai.
NHỮNG DANH NGÔN ĐÁNG NHỚ
Bạn nên tìm đọc sách nầy để nắm vững nguyên tắc của cải Chúa đang giao cho bạn quản lý. Rải rác trong quyển sách quý nầy có nhiều câu chuyện và những danh ngôn từ những danh nhân rất đáng cho chúng ta ghi nhớ. Giáo sĩ C.T. Studd tuyên bố, “Chỉ có một cuộc đời, và cuộc đời chóng qua, chỉ những gì chúng ta làm được cho Chúa Cứu Thế mới tồn tại mãi.” Học giả Tozer nói, “Tiền cũng giống những thứ khác có thể biến dạng thành của cải đời đời. Tiền có thể đổi thành thức ăn cho người đói và quần áo cho người nghèo; tiền có thể giữ cho một Giáo sĩ năng nổ chinh phục những con người hư mất đến với ánh sáng Phúc Âm và cuối cùng biến thành những giá trị thiên đàng. Bất kể tài sản tạm thời nào cũng có thể chuyển thành của cải đời đời. Bất kể những gì dâng cho Chúa Cứu thế thì ngay lập tức biến thành của cải bất tử.”
TẶNG QUÀ NGAY LÚC CÓ CƠ HỘI
Tổng Thống Mỹ Wilson là người đã đưa nước Mỹ can thiệp vào Thế Chiến I là người thận trọng với những kỷ niệm nhỏ. Một lần kia, ông và phu nhân cùng nhiều nhân vật cao cấp trong chính phủ dừng lại tại một thành phố thuộc tiểu bang Montana. Cảnh sát làm hàng rào không cho bất cứ ai đến gần Tổng Thống. Thế nhưng không hiểu làm thế nào mà có 2 cậu bé đã chui lọt hàng rào để đến gần chỗ ngồi của Tổng Thống. Hai cậu bé ngắm nhìn ngưỡng mộ vị nguyên thủ quốc gia.
Một cậu đã tặng cho ông lá cờ nhỏ của nước Mỹ đang cầm trong tay. Cảnh sát cố tình ngăn cản, nhưng bà Wilson đã đưa tay đón lấy lá cờ và nhiệt tình cảm ơn em. Cậu bé kia cảm thấy buồn vì không có gì dâng tặng Tổng Thống. Em cố moi trong túi quần và cuối cùng lôi ra được một đồng xu nhỏ. Em sung sướng vô cùng, vì chính Tổng Thống đã chìa tay đón nhận món quà của em.
Năm năm sau, Tổng Thống Wilson qua đời. Khi bà Wilson xếp lại các đồ dùng quen thuộc của chồng, mở chiếc ví tiền, bà thấy một bọc giấy được giữ gìn cẩn thận. Cởi bọc giấy, bà nhận ra đồng xu nhỏ mà cậu bé ở Montana đã tặng chồng bà cách đây 5 năm. Ông Wilson quý đồng xu nhỏ ấy đến độ đi đâu cũng mang theo nó trong mình.
Tôi tin rằng Chúa chúng ta cũng trân quý những quà tặng chúng ta dâng cho Chúa phát xuất từ tấm lòng yêu mến, ngưỡng mộ, tri ân của chúng ta. Đó những tặng phẩm còn lại đời đời. Đừng để mất cơ hội dâng hiến hôm nay.
Mục Sư Nguyễn Văn Huệ