Sáng thứ hai, dậy trễ, vì đêm qua cứ ngủ chập chờn.
Pha ly cà phê, khuấy oatmeal, thử đường trong máu, cầu nguyện, uống nước, mở laptop, rồi ngồi nhìn cái laptop.
Trong đầu không có một ý tưởng, nhưng không trống rỗng, đầy hình ảnh của bệnh viện, người bệnh, người qua lại, các bác sĩ, y tá, y công, người đi cà nhắc trên nạng, người ngồi wheelchair, cái thang máy, lầu hai, quẹo phải, đi thẳng vào bên trong, lòng không muốn chút nào, nhưng vẫn cứ đi tới.
Thêm một hình ảnh nữa, hôm kia, khi trả lời không với lời mời “cẩn thận” của người chủ biên, mời đọc bài viết chủ lực của Hướng Đi mới, đã ngồi bần thần một lúc, vì rất ít khi say no điều gì với công việc Chúa, nhất là điều mình ưa thích. Không biết người bạn có buồn chút gì không, khi nhận được bài ngắn, với suy nghĩ, bảo là không đọc được, mà viết được…, nhưng mong là bạn hiểu, viết và đọc là hai điều khác nhau, vả, nhận lời rồi mà không đọc được, bắt bạn chờ, rồi nhắc, là điều mình không muốn.
Laptop đã có một vài chữ. Lắc đầu vài cái, như cố rũ cái hình ảnh bệnh viện ra khỏi đầu, nghĩ điều khác.
Hôm kia, khi đang ngồi bên giường người bệnh, nghe điện thoại của người làm việc chung nhiều năm nay, muốn làm lơ đi, không nghe, vì rất không muốn nghe điều gì trong lúc này, nhưng tay vẫn quẹt ngang điện thoại, trả lời. Người hỏi qua về tình trạng người vợ, vẫn giọng bình thường như cũ, thế à, thôi cứ cầu nguyện Chúa, rồi bắt ngay qua công việc Chúa, giọng hào hứng- nếu là mình trong vai trò đó, nói chuyện với một người có tâm trạng buồn, chắc là khoan nói chuyện công việc, an ủi chút đã- nhưng mỗi người mỗi tính, bố ạ, con trai bảo thế, khi mình phàn nàn về người y sĩ gia đình không chăm sóc, để ý bệnh nhân cách nhiệt tình hơn. Một lúc, rồi chợt như quên đi trong khoảnh khắc, không nhìn vào chiếc giường bệnh có bệnh nhân trước mặt, mà nhìn qua khung kính cửa sổ phòng bệnh, nhìn cành cây rung lắc mạnh trong gió, tích cực tham gia vào câu chuyện, không ngạc nhiên thấy mình nẩy ra ý tưởng, góp ý, bàn bạc, như chẳng hề có cái gì đang làm lòng nặng trĩu, rồi lại được đề nghị viết bài. Ý tưởng hay lắm, ý mới, tôi cũng chưa nghĩ tới, Mục sư viết đi. Ông Mục sư của mình hào hứng đề nghị. Lúc ấy mới nhìn lại người bệnh vừa he hé mắt nhìn, buồn bã lắc đầu, nhưng lại nói trong điện thoại, dạ dể tôi cố gắng. Try the best.
Xe rác vừa tới, tiếng động của nó, tiếng của thực tại, tiếng của đời sống thường nhật, tiếng của những người khỏe mạnh đang làm việc. Ngưng lại, ngó ra, trời nắng, nhưng là cái nắng ấm áp, không nắng cách nóng bức, có thể cảm nhận được sự ấm áp qua mầu nắng nhạt, không chói chang. Tháng mười, thu đang tới, định nghĩ đến mùa thu một chút.
Nhưng cái đầu lan man, rồi đôi mắt lan man nhìn lại mình, chỗ ngồi của mình, căn phòng khách đang ngồi, với những bức tranh nhỏ treo trên tường, những bức tranh người bệnh vẽ, vẽ trong thời kỳ đã bắt đầu nhuốm bệnh, đây là những bông hoa trắng, tím, cầu kỳ cách đơn giản với những nét màu đổ xuống, đổ ngang, vừa muốn bôi xóa cái chủ đề, vừa muốn làm cho cái chủ đề ấy nổi bật hơn. Trước mặt là những cành lau xanh tím nguệch ngoạc, mà trông vẫn buồn. Bên kia, nổi tiếng nhất vẫn là bức tranh được chọn làm hình bìa cho tập thơ Chữ Nghĩa Của Đán, mà người bệnh ưu ái đặt tên là Tiểu Thư Buồn, nhưng chẳng thấy tiểu thư ở đâu cả, mà trông như hình một cái thập tự bị bẻ gãy một cách không thương tiếc, cho thấy cả những vết gãy xước không suông sẻ. Hình dung đến một cái gì đó tê tái hơn.
Vừa viết vừa nhìn giờ trên laptop, gần đến giờ phải vào bệnh viện rồi. Vừa viết vừa tranh thủ ăn oatmeal, vừa tranh thủ thở dài một cái, vì lồng ngực hơi nặng. Bóp cái vai, và cái lưng, vì nó đau. Cúi xuống xoa bóp cái gót chân đau một chút, vỗ về nó. Thôi bớt đau đi, chẳng còn thời gian để đau đâu.
Hôm nay không muốn vào bệnh viện đâu, vì phải quyết định một việc mà lòng không hề muốn quyết định, dù biết là rồi sẽ còn phải quyết định nhiều điều khó quyết định hơn nữa, rồi phải ký giấy tờ cho phép. Người có trách nhiệm chính về sức khỏe mình không còn có thể tự quyết định về mình, mà phải nhờ đến người khác quyết định cho mình. Nhớ đến Phi-e-rơ khi Chúa bảo ông rằng sẽ có một ngày người khác thắt lưng cho và dẫn đi đến nơi mình không muốn (không biết có đúng chính xác vậy không và cũng không nhớ rõ địa chỉ ở nơi nào nhưng không còn thì giờ để mở Kinh Thánh tìm kiếm)
Nhớ lại buổi hôm kia, người chị ruột mỗi ngày điện thoại hai lần sáng chiều để hỏi thăm tình hình, có khi gọi mà không nghe trả lời thì gọi đi gọi lại vài lần cho đến khi nghe trả lời mới thôi, bảo rằng em không trả lời làm chị lo quá, không biết tình trạng nó (người em dâu mà chị bảo, thương lắm em ơi) thế nào. Lần đầu tiên trong nỗi bùi ngùi, đã nói: nhìn hình ảnh người bệnh nằm thoi thóp, vật vã trên giường, chợt nghĩ đến kiếp người, hình ảnh một kiếp người. Chị lập lại, thở dài: một kiếp người. Chưa bao giờ mình nói chữ ấy cả, từ ngày tin Chúa. Thật là một kiếp người.
Nhưng nghĩ lại, dùng chữ ấy chắc là cũng không có gì sai lắm, nếu đem đặt chữ ấy và Thi-thiên 90, thì sẽ thấy cái gì đó giông giống
Thật, chúng tôi bị hao mòn vì cơn giận của Chúa
Bị bối rối bởi sự thạnh nộ Chúa
Bởi cơn giận của Chúa, các ngày chúng tôi đều qua đi
Năm chúng tôi tan mất như hơi thở….
Lại nhìn giờ, và quyết định đứng dậy, không đọc lại nữa, hết giờ rồi, gởi đi bây giờ.
Mục sư Lữ Thành Kiến
Bạn thân mến!
Tôi nhận được tin bạn vừa trải qua một cú sốc lớn trong cuộc đời. Những lời chia buồn của tôi có lẽ cũng khó làm cho bạn vơi đi những nỗi nhớ thương đối với đứa con thân yêu của bạn vừa mới ra đi về nơi yên nghỉ vì bệnh ung thư. Những gì tôi viết ra sau đây hy vọng sẽ giúp đỡ bạn được phần nào trong một sự kiện không mong đợi của gia đình bạn. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về câu hỏi này: Vì sao sự đau khổ lại xảy đến cho những con người chính trực và ngay thẳng như bạn?
Có một sách trong Kinh Thánh đã trở thành niềm cảm hứng cho tôi khi suy ngẫm về nó. Bây giờ bạn có thể đọc tiếp những giòng tôi viết sau đây.
Gióp không thiếu bất cứ thứ gì trong ……
Đọc tiếp:
https://huongdionline.com/2015/05/19/dau-kho-tan-cung/
Gióp không thiếu bất cứ thứ gì trong ngôi biệt thự cổ kính của mình. Toàn cả xứ Đông Phương không ai có thể sánh ngang bằng với ông về tư cách, đạo đức, tấm lòng kính sợ đối với Chúa cũng như về tài sản, vàng bạc của ông. Cơ nghiệp và uy tín của ông làm cho bất cứ ai cũng nghiêng mình thán phục. Các nhà quí tộc trong vùng cung kính mỗi khi gặp ông trong các buổi yến tiệc. Khi nói về ông, họ chỉ có một câu tóm lược: ông ấy vô địch về mọi phương diện, đơn giản vì ông ấy là GIÓP.
Đời sống trên đất của Gióp quá đầy đủ và hạnh phúc khiến Sa-tan cũng phải ganh tị. Nó quyết định tấn công Gióp. Sa-tan đến diện kiến Đấng Toàn Năng và đưa ra một lời thách thức:
-Gióp kính sợ Chúa vì Ngài đưa tay ra ban phước cho ông ấy về mọi phương diện. Nhưng nếu Ngài rút tay lại, ông ấy sẽ nguyền rủa Ngài cho xem.
Sa-tan đã lên một quỉ kế với chiến thuật cướp phá và hủy diệt đời sống của Gióp. Nó trở thành địch thủ của Gióp. Trong bối cảnh này, nó làm mọi việc tùy theo sự chấp thuận của Chúa và không thể làm được điều gì nếu Chúa không cho phép.
Đức Chúa Trời phán bảo Sa-tan:
– Được rồi, tất cả những gì Gióp sở hữu đều nằm trong tay ngươi, nhưng ngươi không được đụng đến cá nhân Gióp.
Sa-tan lui ra khỏi mặt Chúa. Nó chuẩn bị những ngón đòn đầu tiên trên cuộc đời Gióp.
Trong một ngày đẹp trời, khi các con của Gióp đang ăn uống trong nhà của người anh cả, một gia nhân chạy đến báo tin cho Gióp:
– Thưa ngài quí tộc, những con bò của ngài đang cày ruộng, lừa đang ăn cỏ thì quân cướp Xa-ba sống ở miền Nam sa mạc Á-rập tấn công, cướp lấy tất cả đàn súc vật và giết chết những gia nhân canh giữ. Nhờ ơn Chúa nên tôi thoát được chạy về đây báo tin cho ngài.
Đang khi gia nhân này còn đang trình bày diễn tiến của sự việc với tâm trạng hãi hùng, thì gia nhân thứ hai chạy đến chỗ ngồi của Gióp mang theo lời tấu trình tệ hại khác:
– Thưa ngài, sấm sét từ trên trời giáng xuống đốt cháy hết các bầy chiên và những người chăn. May mà tôi còn sống chạy về đây báo tin cho ngài.
Tai họa dồn dập đến với Gióp, người này còn chưa nói hết thì gia nhân thứ ba chạy về thở hổn hển:
– Quân Ba-by-lôn sống lưu động giữa sông Ơ-phơ-rát và Giô-đanh chia làm ba mũi tiến công cướp hết các lạc đà của ngài và giết chết các tôi tớ. Tôi nhanh chân bỏ của chạy lấy người về đây để báo hung tin cho ngài.
Chưa dừng lại ở đó, một gia nhân thứ tư chạy thục mạng từ bên ngoài vào với giọng nói đầy hốt hoảng:
– Các con trai và con gái của ngài (gồm bảy người con trai và ba cô con gái) đang ăn uống tại nhà người anh cả, thì một trận cuồng phong dữ dội từ sa mạc thổi đến như vòi rồng cuốn phăng đi mọi thứ làm ngôi nhà đổ sập, mọi người đều chết. Không hiểu sao tôi may mắn thoát được chạy đến đây báo tin cho ngài.
Gióp không khỏi bàng hoàng sau khi nghe bốn bản tấu trình thảm hại từ đám gia nhân. Ông đứng dậy xé áo choàng bên ngoài, rồi cạo trọc đầu chứng tỏ tấm lòng ông đau khổ tột cùng. Ông quì sấp mặt xuống đất thưa cùng Chúa Toàn Năng:
– Tôi chào đời trần truồng thế nào, đến khi chết tôi cũng trần truồng trở về. Chúa đã ban cho tôi mọi thứ, bây giờ Ngài lại cất đi. Đáng chúc tụng danh Chúa thay!
Trong từ điển của Gióp không hề có từ “oán giận” hay “bất mãn” với Đấng Toàn Tri. Ông tin rằng Chúa kiểm soát mọi hoàn cảnh mặc dù ông không hiểu tại sao những tai họa kinh hoàng này lại đổ xuống gia đình ông. Thật đáng kinh ngạc cho một nhà quí tộc sau khi đã mất hết mọi thứ, trở về với con số không, ông vẫn tin cậy Chúa hằng hữu!
Trên đây chỉ mới là khúc dạo đầu của Sa-tan trên cuộc đời Gióp. Nó dường như đã ghi được một điểm trong cuộc chiến chống lại tôi tớ của Đức Giê-hô-va.
Sa-tan cũng đến cùng với các thiên sứ trước ngai của Chúa trong một lần khác. Chúa hỏi nó:
– Ngươi từ đâu đến?
– Tôi dạo chơi lang thang trên khắp thế giới.
– Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi tớ của ta. Dù ngươi tấn công tài sản và con cái của nó, nó vẫn là một con người hoàn thiện, không có một lời bất mãn kêu ca.
– Người ta bằng lòng làm mọi cách để tránh đau đớn. Gióp đã có một phản ứng thích hợp. Nhưng nếu Chúa giơ tay ra đụng đến xương thịt của ông ta, ông ta chắc sẽ nguyền rủa Ngài.
Chúa bảo Sa-tan:
– Được rồi, ngươi giỏi lý luận lắm. Gióp ở trong tay ngươi nhưng ngươi không được đụng đến mạng sống của người.
Sa-tan đắc ý lui ra khỏi hiện diện của Chúa. Nó tấn công Gióp lần nữa trên mặt trận thứ hai. Lần này Sa-tan dùng bịnh phung với một hình thức khủng khiếp, cộng thêm biến chứng sùi da, là một chứng dơ dáy và nhức nhối ở Ðông phương lúc bấy giờ để hành hạ Gióp.
Nó tạo ra vô số vết lở lói đau nhức trên toàn thân thể của Gióp. Từ bàn chân cho đến đỉnh đầu, Gióp chịu cảnh ngứa ngáy vô cùng khó chịu. Gióp ra khỏi thành phố, tự tách mình ra khỏi xã hội theo đúng nghi thức thời đó và ngồi trong đống rác. Ông dùng một miếng sành để gãi khắp người trông thật thảm thương. Cái dáng vẻ quí phái của Gióp không còn nữa. Ông như bị cùi hủi với những vết thương mưng mủ khắp người không giống ai. Sự đau đớn của Gióp lúc này là vô cùng. “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, Gióp đang trải qua những đau khổ tột cùng về mặt thể xác nhưng lạ thay ông vẫn kiểm soát tư tưởng của mình. Dường như sự đau đớn của cơ thể không khiến tâm trí ông nao sờn. Tinh thần ông vẫn vững vàng như một ngọn núi lớn giữa tiếng gào thét chung quanh của những trận cuồng phong ác liệt. Gióp ngồi trên đống tro trong dáng vẻ sầu khổ đau đớn. Ông không hiểu tại sao điều này xảy đến với mình. Mà tại sao phải tìm kiếm nguyên nhân của nó trong khi sự sống và cái chết của ông đã đặt trong vòng tay của Chúa hằng hữu? Lòng tin kính của ông đối với Chúa thật lạ lùng mặc dù ông không phải là người Do Thái. Lúc này người vợ thân yêu của ông buông ra một câu nói tiêu cực:
– Tại sao ông cố chứng tỏ bản thân là một người hoàn thiện. Ông đã rơi vào tình huống này thì hãy rủa sả Đấng Toàn Năng và chết phứt đi cho rồi. Sống như ông thì chết là tốt hơn!
Trong ý tưởng của vợ Gióp, bà cho rằng kết quả đời sống tin kính của Gióp là như thế này đây. Vậy thì tại sao không rủa sả Đấng Tối Cao?
Gióp bình thản đáp:
– Bà nói giống như một đứa ngu dốt. Chẳng lẽ điều chi tốt Chúa ban cho thì nhận, còn điều xấu thì không nhận sao?
Thật lạ lùng, tư tưởng của Gióp trong sáng như pha lê. Ông không hề phạm tội trong ý tưởng vì vậy lời ông nói ra không xúc phạm đến Đấng Toàn Tri.
Gióp có ba người bạn thân Ê-li-pha, Binh-đát và Xô-pha. Cả ba là những tiểu vương đương thời đến từ những vùng đất khác nhau. Khi nghe tin hoàn cảnh đau thương của Gióp, họ hẹn với nhau cùng đến thăm ông. Khi nhìn thấy tình cảnh của Gióp, họ sững sờ vì thấy ông đang ở trong sự đau khổ cùng tận. Những người bạn yên lặng cùng ngồi bên cạnh ông trong suốt bảy ngày đêm không thốt lên được lời nào.
Sau bảy ngày yên lặng chia sẻ đau thương với Gióp, các bạn hữu vốn là những ông hoàng sa mạc với nền học vấn và triết lý đương thời bắt đầu lên tiếng. Cuộc hội ngộ không mong đợi của nhóm bốn người trở thành một hội nghị với chuyên đề về sự đau khổ. Ê-li-pha là người đọc diễn văn chia buồn an ủi Gióp đầu tiên. Những lời Ê-li-pha nói mang tính chất của thần học truyền thống: Chỉ cần kiên nhẫn rồi mọi việc sẽ tốt đẹp. Ê-li-pha nhấn mạnh chúng tôi biết anh là một người đạo cao đức trọng. Vì thế đừng có sờn lòng nhụt chí. Anh đang chịu khổ vì thực ra anh chưa trọn vẹn, hoàn hảo nên cần được xử lý kỷ luật. Nhưng mọi chuyện sẽ qua đi, anh hãy rán chờ đợi.
Gióp phản biện trước bài diễn thuyết của Ê-li-pha. Ông không dễ dàng chấp nhận những lời an ủi theo cách đó.
Binh-đát đưa ra một diễn văn tiếp theo: Nếu Gióp vô tội anh sẽ không chết, Đấng Toàn Năng sẽ binh vực duyên cớ của anh. Đồng thời Binh-đát cũng khẳng định quan điểm của mình: Con cái Gióp đã phạm tội cùng Chúa, nên Ngài trừng phạt chúng?
Tới lượt Sô-pha kêu gọi Gióp: Hãy gỡ tội lỗi ra khỏi tay anh, đừng để điều ác nào còn lảng vảng trong nhà anh.
Cả ba bạn hữu tới thăm an ủi Gióp, nhưng những gì họ nói chỉ là theo hiểu biết truyền thống. Có ích gì khi chỉ ở trong cái khuôn của những định kiến và giáo điều! Ba ông hoàng sa mạc này đại diện cho sự hiểu biết của con người trong mọi thời đại. Những lời an ủi từ các bạn hữu vô tình trở nên những mũi tên bắn vào vết thương đang đau đớn của Gióp. Vô hình trung họ đến để lên án Gióp nhiều hơn là chia sẻ nỗi đau với ông.
Mỗi lần một người bạn phát biểu thì lập tức sau đó Gióp phản biện bằng một bài thuyết giảng dài dòng. Ai cũng có lập luận của mình, và mỗi người nói theo một cách, giống như bốn anh mù sờ voi, mỗi anh chỉ thấy một phương diện mà không thể thấy hết cả con voi. Mỗi người bạn thấy một phần của vấn đề nhưng họ không thể thấy hết được tất cả mọi thứ. Vấn nạn của sự đau khổ đến trên những con người mà lẽ ra họ được miễn trừ vẫn là một chủ đề hóc búa trong mọi thời đại. Gióp nói nhiều hơn tất cả mọi người cộng lại, ông đã phê phán các bạn hữu:
“Còn các ngươi là kẻ đúc rèn lời dối trá, thảy đều là thầy thuốc không ra gì hết…
Châm ngôn của các ngươi chỉ như châm ngôn tro bụi, những thành lũy của các ngươi thật là thành lũy bùn đất” (Gióp 13:4, 12).
Và ông cũng tự binh vực mình:
Chúa biết con đường tôi đi;
Khi Ngài đã thử rèn tôi, tôi sẽ ra như vàng.
Chân tôi bén theo bước Chúa;
Tôi giữ đi theo đường Ngài, chẳng hề sai lệch.
Tôi chẳng hề lìa bỏ các điều răn của môi Ngài,
Vẫn vâng theo lời của miệng Ngài hơn là ý muốn lòng tôi. (Gióp 23:10-12)
Sau các lời phát biểu của ba bạn hữu, Ê-li-hu một người trẻ tuổi xuất hiện. Ê-li-hu đưa ra một quan điểm trung dung giữa quan điểm của Gióp và nhóm ba bạn hữu. Thông điệp của Ê-li-hu nhấn mạnh khổ đau là hồi chuông cảnh báo từ Chúa dành cho con người. Ê-li-hu cho rằng Gióp đã sai lầm khi cáo buộc Chúa bất công. Ê-li-hu cũng ca ngợi quyền năng và sự khôn ngoan của Đấng cai trị trên mọi sự. Ông khuyên Gióp không nên ta thán mà hãy kêu cầu cùng Chúa về những khổ nạn của mình. Những gì Ê-li-hu thuyết giảng cũng mang trong đó một chút kiêu hãnh của tuổi trẻ. Gióp không thể thỏa lòng từ những gì bạn bè chia sẻ, ông phải đối diện với Đức Chúa Trời để nhận ra bài học Chúa muốn dạy.
Không ai nghi ngờ thiện chí của các bạn hữu Gióp, nhưng rồi họ đã nói một cách không xứng đáng về Chúa là Đấng tối cao, và những bài diễn thuyết dài dòng của họ chỉ làm cho Gióp thêm đau khổ, khiến ông có lúc cũng đã sai sót trong những lời nói. Dĩ nhiên trong Gióp có hai con người: Gióp kiên nhẫn và Gióp thiếu kiên nhẫn. Gióp, tôi tớ của Đức Giê-hô-va là một người trọn vẹn, nhưng đồng thời cũng là một con người với những giới hạn thông thường khó vượt qua. Thế nhưng trong mọi suy tưởng và lời nói, Chúa đã nhìn nhận Gióp là luôn nói về Ngài một cách đúng đắn. Gióp đã có những tranh luận với Chúa, nhưng ông luôn tin cậy Ngài bất luận trong hoàn cảnh nào. Câu nói nổi tiếng của ông: “Dù Chúa giết tôi, tôi vẫn còn tin cậy nơi Ngài” (Gióp 13:15)
Gióp là một người công nghĩa vào thời đó trong cái nhìn của Chúa. Nhưng người công nghĩa vẫn phải đi qua những mất mát, đau thương trong cuộc đời. Không có ai trên thế giới này được miễn trừ điều đó. Đau khổ là một phần tất yếu của cuộc sống!
Gióp, hiện thân của con người công nghĩa chịu đau khổ. Nhưng đến cuối cùng qua cơn thử thách Chúa đã bù đắp cho ông. Gióp đã đối mặt cùng Chúa, khi Ngài hỏi ông những câu hỏi thì mọi lý luận trong tâm trí Gióp sụp đổ và ông ngộ ra một bài học lớn:
“Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa,
Nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài:
Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi,
Và ăn năn trong tro bụi.” (Gióp 42:5-6)
Lòng ông tan chảy khi ông đối diện với những câu hỏi mang tính dạy dỗ của Đấng toàn năng. Nếu Gióp không trả lời được các câu hỏi của Đức Chúa Trời về vũ trụ, vạn vật, thì làm sao ông có thể hiểu nổi huyền nhiệm về sự đau khổ, đặc biệt là nó được dành cho những con người công bình chính trực? Gióp đã có những sai sót trong lời nói hướng về Chúa. Nhưng lạ thay Chúa vẫn đánh giá ông là một con người ngay thẳng.
Sứ điệp của Ðức Chúa Trời từ trong gió lốc ở phần cuối của sách đã tỏ ra một phần ý chỉ của Ngài. Chúa cho biết con người hữu hạn không thể hiểu biết mọi sự huyền nhiệm vô hạn của Ngài trong công cuộc sáng tạo và cai trị vũ trụ. Bởi vì tâm trí loài người có giới hạn, và họ sống trong một thế giới mà mỗi ngày họ thấy những điều khó hiểu, hơn nữa họ ở dưới những quyền lực mà tự mình không thể chống lại được.
Gióp đã đi qua những thử thách khó khăn và ông đã vượt qua bởi ân sủng của Chúa. Điều chắc chắn là bản thân Gióp đã được trang bị một tinh thần vững vàng trong nghịch cảnh, nên những gì ông nói phản ánh tính cách của một nhà quí tộc kính sợ và tin yêu Chúa. Và cuối cùng Chúa bù đắp cho Gióp gấp đôi những gì ông đã bị Sa-tan tước mất.
Chúa biết con đường Gióp phải đi qua, và Ngài tạm thời cho phép Sa-tan tấn công khủng bố Gióp trong một giới hạn, nhưng chắc chắn Chúa luôn gìn giữ tôi tớ của Ngài.
Sa-tan luôn luôn là một kẻ chiến bại!
Bạn thân mến!
Bạn đang trải qua những khổ nạn trong cuộc sống? Những gì bạn đối diện có so sánh được với Gióp? Hãy nhìn vào những hoàn cảnh đau thương chung quanh chúng ta. Mỗi ngày trôi qua trên thế giới này có rất nhiều cuộc đời đang sống trong những nỗi bất hạnh. Nguyên nhân nào? Tại sao phải tìm kiếm nguyên nhân trong khi cuộc đời của bạn và tôi đã đặt trong vòng tay của Chúa hằng hữu? Nguyên nhân của sự khổ đau vẫn còn là một huyền nhiệm với tâm trí con người. Phản ứng của chúng ta trong sự khổ nạn thì quan trọng hơn là tìm biết lý do của nó.
Một ai đó đã nói: Tôi thà tiếp tục tin cậy Chúa thành tín, tốt lành còn hơn là tìm kiếm câu trả lời cho hoàn cảnh của tôi.
“Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về; Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê-hô-va!” (Gióp 1:21).
TƯỜNG VI