Bão Irma đổ bộ vào Florida sau Harvey ở Texas tối thứ bảy. Sáng Chúa Nhật Hội Thánh có đông hơn bình thường vì một số con cái Chúa ở Florida chạy tránh bão. Mục sư lúc ấy cũng đang vào giữa trung tâm bão nhưng cũng còn đủ sức (cố gắng) nói đùa với các tín hữu đang di tản, rằng nếu mà bão cứ tới dài dài thì Hội Thánh sẽ cứ đông như thế này. Hơi ngạc nhiên vì còn có thể đùa được trong khi chính mình đang bị bão thổi tốc mái nhà, nhấc bổng hai chân quăng vào cơn lốc xoáy.
Bài giảng sáng hôm ấy có tựa đề Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào, tên một bài hát của nhạc sĩ Lê Hựu Hà, đặt tựa khi chưa hoàn tất sứ điệp và cũng không biết chắc sứ điệp cuối cùng là gì, chính Mục sư cũng không hiểu cái tựa đề này sẽ dẫn mình tới đâu, nhưng cứ để cho phân đoạn Kinh Thánh 1 Giăng 4:7-13 dẫn mình đi tới nơi mình muốn. Rất ít khi tôi để cho cảm xúc dẫn dắt khi soạn bài giảng, nhưng lần này tôi cứ để cho những gì đang ở trong đầu chảy ra cách tự nhiên, và tôi tin đó là điều Chúa muốn. Tôi muốn giảng đề tài này để tạ ơn Chúa và cám ơn những người mà Chúa đang đặt để quanh chúng tôi, giang rộng vòng tay để ôm chúng tôi lại khi chúng tôi lao đao sắp ngã. Nhưng trên hết nó là một bài học về tình yêu hết sức rõ ràng từ sứ đồ Giăng người sứ đồ được Chúa yêu và được gọi là vị sứ đồ của tình yêu. Tình yêu ấy là tình yêu hy sinh thân mình của Chúa mà dân sự có thể chưa một lần nào yêu như vậy. Tôi muốn các tín hữu của Hội Thánh nhận được và cảm nhận được tình yêu ấy.
Hơn 12 giờ khuya mới vào giường, 2 giờ sáng Chúa Nhật gọi 911 lần thứ ba trong vòng một tháng, lại lái xe theo sau Ambulance trong đêm khuya, vào tới ER làm thủ tục, khi người bệnh đã được cấp cứu, tạm nằm yên trên giường, thì mình cũng liếc mắt tìm một cái giường bệnh trống ngoài hành lang (để cho các bệnh nhân cấp cứu nhẹ nằm), phải tranh thủ chợp mắt một chút để lấy thêm sức lát nữa giảng cho Hội Thánh. Lần trước, một người y tá nhìn thấy tôi ngủ gục trên ghế, đầu ngã vào tường, đã ân cần chỉ cho tôi chiếc giường này và mang cho tôi một cái mền. Vậy mà ngủ ngay lập tức thêm một tiếng đồng hồ nữa khi bác sĩ đến. Khi nói chuyện với bác sĩ xong rồi thì vội vã rời ER, chạy về nhà, chuẩn bị áo quần và tinh thần để đến nhà thờ. Một tín hữu gởi cho một tấm hình Hội Thánh đang nắm tay đứng vòng tròn cầu nguyện buổi sáng trước giờ nhóm khi Mục sư không thể đến được. Đây là chương trình tĩnh nguyện mà Mục sư cố gắng đưa vào chương trình sáng Chúa Nhật của Hội Thánh từ lúc mới về. Nhìn thấy con trai út trong vòng những người đang nắm tay cầu nguyện. Cay mắt.
Tôi không ngạc nhiên khi bước lên bục giảng và bắt đầu bài giảng như chưa hề đối diện với cơn bão trước đó, như không phải là chỉ ngủ một tiếng đêm qua và thêm một tiếng nữa trong phòng cấp cứu, như là bài giảng cuối cùng có thể giảng, như là bài giảng chưa từng giảng bao giờ. Bởi vì đó hoàn toàn là sức của Chúa, không phải tôi. Tôi cảm nhận được sự lắng nghe và đáp ứng của Hội Chúng trong khi nghe và sau khi nghe. Tạ ơn Chúa. Từ trước đến nay, trải qua những hoàn cảnh khác nhau, lúc ít lúc nhiều ngay cả những lúc thật cay nghiệt như trong thời điểm này, còn sức là còn giảng, dù đôi khi lao đao trên ghế ngồi nhưng hễ cứ đứng lên trên bục giảng là quên hết mọi điều, chỉ nghĩ đến bài giảng và phúc lợi của tín hữu khi nghe bài giảng, tôi thường cầu nguyện trước khi bắt đầu bài giảng, nhiều khi chỉ là một lời nói thầm: xin Chúa cho Hội Chúng nhận được sứ điệp này và mang lại ích lợi cho đời sống tâm linh họ. Tất cả là cho Hội Chúng. Họ đã đến đây vì lời của Ngài, và họ cần được lời Ngài ban phước hôm nay. Sau giờ nhóm, một vài tín hữu “chạy bão” đến bắt tay và nói rằng bài giảng hôm nay rất bổ ích cho họ. Há không phải đó là việc làm của Chúa sao?
Khi tôi vừa rời nhà thờ thì nhận được điện thoại của bệnh viện báo rằng sẽ chuyển nhà tôi sang một bệnh viện khác lớn hơn, tiện nghi hơn (hay nặng hơn). Chiều hôm đó chúng tôi đến bệnh viện mới, nhìn thấy bệnh nhân có vẻ “yên tĩnh” hơn, nghĩ rằng cơn bão đã tạm ngưng, tạ ơn Chúa. Con trai út vào, đề nghị Bố về nghỉ để con coi chừng mẹ cho, lại cay mắt. Những ai biết tình trạng đứa con này biết lý do vì sao mà tôi cay mắt, tạ ơn Chúa đã dần hồi thăm viếng nó và chữa bệnh cho nó. Đến chiều tối, nó gọi và nói rằng mẹ lại co giật, hỏi Bố đoạn Kinh Thánh nói về sự bình an, để con đọc cho mẹ nghe, rồi hát thánh ca cho mẹ nghe và cầu nguyện cho mẹ. Mẹ calm down, nó nói. 4 giờ sáng hôm đó trong khi tôi ngủ vùi trong sự mệt mỏi thì bệnh viện gọi, gọi vào một thì giờ mà không ai muốn nghe khi có người nhà trong bệnh viện. Họ báo rằng đã chuyển bệnh nhân sang phòng ICU vì lại co giật, nhưng bảo it’s ok, don’t worry too much, she is stable now. See you today. Bão vừa ngưng lại khởi động trở lại. Sáng hôm đó tôi cũng nghe báo tin một anh em, một Mục sư, một giáo sư, cộng tác với tôi trong chương trình VMI, thỉnh thoảng giảng cho Hội Thánh Truyền Giáo Trên Đường Dây vừa qua đời (này) đột ngột, về với Chúa và sống đời (khác) cùng Ngài.
Ba đêm bệnh nhân nằm trong bệnh viện, lẽ ra ngủ yên vì không phải choàng dậy đột ngột vì tiếng run rẩy thều thào của bệnh nhân, lại không ngủ yên được. Cứ vài phút lại gọi Chúa một lần. Ngủ lại một cách nhọc nhằn. Những cơn bão vẫn luẩn quẩn đâu đó chứ chưa tan hẳn, trong con mắt người nó không thể tan, nó chỉ giảm cường độ để gia tăng tốc độ, nhưng tôi đang học cách chống bão. Chỉ có một cách duy nhất là nắm tay Chúa và nài xin Ngài đi cùng mình vào trung tâm bão. Con không thể tránh bão, tôi nói với Chúa, tôi cũng không nói với Chúa rằng vì sao mà Chúa để con vào cơn bão, nhưng tôi nói với Chúa rằng xin hãy nắm tay con đi cùng con vào cơn bão, ngay cả khi con đang ở giữa trung tâm của cơn bão, xin hãy cho con biết là Chúa đang ở đó cùng con, nắm tay con. Và Chúa ơi hãy làm việc đó với vợ con, người nay không thể nói gì được nữa nhưng vẫn có thể nói với Ngài trong yên lặng, chỉ có Ngài biết chỉ có Ngài hiểu. Con nài xin. Chúa ơi đi vào bão với con.
Greenville ảnh hưởng bão Irma, hai ngày qua cũng tơi bời mưa gió. Đứng ở cửa sổ phòng bệnh nhìn ra, thấy lá xanh rơi rụng tơi bời trên đất, lá xanh bị bão quật ngã rơi xuống đất chứ không phải lá vàng. Rồi nhìn lại bệnh nhân nằm thiêm thiếp trên giường, nhắm mắt nhiều hơn mở, đôi mắt và khuôn mặt đờ đẫn, giống như những cành lá xanh bị quật ngã tơi tả trong cơn bão. Tôi lại nhớ đến người tín hữu đã chia xẻ với tôi câu Kinh Thánh này khi chồng bà đang đối diện với một cuộc giải phẫu lớn rất ít hy vọng người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã giập, và chẳng dụt tim đèn còn hơi cháy…. Chúa ơi con cũng sẽ nương trên lời này của Chúa mà bước đi, cây sậy thật đã giập, giập tơi tả, và tim đèn đang leo lét cháy, nhưng cho dù nó giập thế nào, tim đèn hiu hắt thế nào, thì Chúa cũng không vùi chôn nó, Chúa sẽ làm cho nó hồi sinh.
Hôm qua, sau khi đút cho bệnh nhân ăn từng muỗng bột xay nhuyễn, từng muỗng nước thicken water, cầu nguyện cho bà, rồi chờ bà nhắm mắt, khe khẽ rời phòng, nhưng ra đến cửa phòng, một cái gì đó khiến tôi phải quay trở lại, nhìn lần nữa, rồi nhắm mắt cầu nguyện lần nữa. Xuống đến tầng dưới, mở cửa chapel, quỳ xuống và cầu nguyện lần nữa Chúa ơi, Ngài sẽ chẳng bẻ cây sậy đã giập, và chẳng dụt tim đèn còn hơi cháy…
Bước ra ngoài bệnh viện, sau cơn bão, trời nắng ấm. Bão đời đã qua rồi, nhưng những bão tố trong cuộc đời còn đó. Tôi muốn đứng lại ngay giữa đường và cầu nguyện lần nữa, nhưng tôi vẫn bước đi, mỗi bước đi là một lời cầu nguyện, cầu nguyện cho đến khi vào trong xe, mở máy, và chạy đi.
Mục sư Lữ Thành Kiến