Chủ Nhật , 24 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Bài Thơ Hay

Bài Thơ Hay

                                          CHỨC TRUYỀN ĐẠO

tuy

                                    Chức vụ nào hơn chức vụ này
                                    Chức ban từ Chúa lớn lao thay!
                                    Chức trong vui, khổ, lòng trung tín
                                    Chức dẫu buồn, vinh, dạ thảo ngay
                                    Chức gánh hồn linh, mòn mỏi gối
                                    Chức mang nhân thế, nặng nề vai
                                    Chức không ưa chuộng đời cung lộc
                                    Chức hưởng từ Cha sống mỗi ngày.
                                                         TĐ. Đinh Thống – 1955

            Bài “Chức Truyền Đạo”, do Truyền Đạo Đinh Thống, (nay là Mục Sư Đinh Thống, nguyên Quản nhiệm HTTL. Tuy Hoà, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Giáo Phẩm HTTLVN (MN), hiện đã nghỉ hưu tại TP. Tuy Hoà, Tỉnh Phú Yên), sáng tác năm 1955 (?) nói về chức vụ cao quý mà Chúa ban cho mình, một chức vụ mà không một chức vụ nào của trần gian nầy có thể sánh được.

Mục Sư Đinh Thống, sinh năm 1931, tại làng Hạ Nông, Xã Điện Phước, Huyện Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam. Ông tin Chúa năm 1949. Học Trường Kinh Thánh Đà Nẵng năm 1953. Tốt nghiệp Trường Kinh Thánh Đà Nẵng năm 1960. Đã từng chủ toạ các Hội Thánh: Thăng Bình (1960 – 1966), An Hải (1966 – 1967), Sông Cầu, kiêm nhiệm La Hai lần thứ 2 (1967 – 1969), Tuy Hoà (1969 – 2007). Tấn phong Mục Sư năm 1969. Từng giữ các chức vụ trong Giáo hội: Nghị viên Ban Trị Sự Địa Hạt Nam Trung Bộ Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (MN) năm 1970; Phó Chủ Nhiệm Địa Hạt Nam Trung Bộ năm 1973; tái đắc cử năm 1975 và Quyền Chủ Nhiệm Địa Hạt Nam Trung Bộ từ năm 1988 – 2001; Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Phẩm HTTLVN (MN) từ 2002 – 2006.

Bài thơ được làm theo thể Thất ngôn bát cú (tám câu bảy chữ), một thể thơ Đường không phải dễ làm, vì cần phải đối ý, đối từ cho chuẩn xác ở các câu 3 và 4, 5 và 6. Nhưng ở đây, chúng ta thấy tác giả đã lột tả được nhiều khía cạnh khó nhọc, nhưng cao quý của một chức vụ hết sức phước hạnh. Tạ ơn Chúa! Lâu nay, tôi không hề biết hoặc nghe nói Mục Sư Đinh Thống có làm thơ, nhưng khi một tôi tớ Chúa cho tôi xem bài thơ nầy của Mục Sư Thống, tôi rất lấy làm ngạc nhiên, vì bài thơ hay quá, đẹp quá, ý nghĩa quá! Tôi vui mừng vì khám phá ra rằng, Mục Sư Đinh Thống, không những là một tôi tớ Chúa hầu việc Chúa sốt sắng, nóng cháy với lòng ngay thẳng vì công việc nhà Chúa, mà ông còn là một người biết yêu thơ và còn dám … liều làm thơ, mà lại làm thơ hay nữa chứ! Tôi tin rằng, tôi cũng như nhiều bạn đọc yêu thơ Cơ-đốc, nhất là những bạn đọc là những tôi tớ Chúa, sẽ rất yêu thích bài thơ nầy, vì nó thể hiện được những nhiệm vụ cao quý của một chức vụ cao quý đến từ Thiên thượng.

Một người có thể làm được nhiều bài thơ, xuất bản được nhiều tập thơ, nhưng chưa hẳn đã thành nhà thơ trong lòng bạn đọc; ngược lại, một người có thể không sáng tác được nhiều bài thơ, không xuất bản được một tập thơ nào và có khi cả đời chỉ làm được một vài bài thơ mà thôi, nhưng chỉ với vài bài thơ ấy, hay thậm chí chỉ một bài thơ duy nhất, lại được bạn đọc đón nhận và thuộc lòng, thì người ấy xứng đáng là nhà thơ đích thực. Mục Sư Đinh Thống nằm vào trường hợp thứ hai và theo tôi, ông xứng đáng là nhà thơ Cơ-đốc đích thực.

Tôi không biết là Mục Sư Đinh Thống có làm nhiều thơ để ca ngợi Chúa không? Và ông có lưu giữ lại thành tập để rồi sẽ cho “ra mắt” bạn đọc trong tương lai vào một thời điểm thích hợp hay không? Nhưng tôi may mắn có đọc được một số những bài thơ khác của Mục Sư, xin được chép ra đây để bạn đọc Cơ-đốc gần xa được biết, được đọc và cùng được khích lệ nhau trong niềm tin:
phu
NHỚ SÔNG CẦU (1)
                        Ao ước trong lòng đã bấy lâu
                        Hôm nay có dịp viếng Sông cầu
                        Thương thương mặt biển anh chài lưới
                        Nhơ nhớ dòng sông chú thả câu
                        Tín hữu mến yêu còn ở đó
                        Lân bàng quen thuộc có đi đâu?
                        Bâng khuâng hồi tưởng năm năm trước
                        Thật Chúa yêu tôi chức vụ đầu.
                                                            TĐ. Đinh Thống
                                    NHỚ BẠN (2)
                        Bạn ơi, có nhớ số mười ba
                        Còn lại hôm nay mấy mạng già
                        Tuổi tác chất đầy trên mái tóc
                        Tháng ngày in vết khắp làn da
                        Dặn lòng trung tín vì “chiên” Chúa
                        Dốc đổ tâm hồn bởi “nước” Cha
                        Góc bể, chân trời đâu dễ gặp…
                        Kẻ đi, người ở há phôi pha!
                                                Mục Sư Đinh Thống
                                    THƠ CHÚC TẾT (1998).
                        “Đinh Sửu” ra đi thế “Mậu Dần”
                        Dặm trường đèo dốc mỏi đôi chân
                        Chúa thêm sức mới còn đi mãi…
                        Người hưởng vinh quang đã đến gần
                        Trung tín, yêu thương theo “Lẽ thật”
                        Dặn lòng thử thách chớ phân vân!
                        Dầu bao năm tháng trên trần thế
                        “Cha” vẫn đi cùng, ban phước ân.
                                                   Mục Sư Đinh Thống (3)

Đọc những bài thơ “Thất ngôn bát cú” trên của Mục Sư Đinh Thống, thiết nghĩ tôi không cần phải phân tích gì thêm, bạn đọc cũng đã cảm thụ được cái hay, cái đẹp, cái sâu sắc, ý nhị được tác giả gởi gắm trong đó rồi. Phải công nhận rằng, Mục Sư Đinh Thống được Chúa ban cho biệt tài làm thơ thất ngôn bát cú cách rõ ràng. Và điều đó đã khẳng định cách mạnh mẽ rằng Mục Sư Đinh Thống rất xứng đáng với danh hiệu là Thi sĩ Cơ-đốc đích thực.

Thi sĩ Tường Lưu đã từng cho biết “tuyên ngôn về thơ” của ông là: “Thơ tôi ca ngợi một mình Chúa thôi.” Tôi tán đồng một trăm phần trăm với Thi sĩ Tường Lưu về “tuyên ngôn” ấy. Và tôi tin rằng nhiều nhà thơ Cơ-đốc chân chính cũng tán đồng như thế. Vì chỉ có Chúa, Đấng mà mỗi chúng ta đang tôn thờ mới đáng để chúng ta ca ngợi mà thôi.

Chúng ta đã có nhiều nhà thơ Cơ-đốc xưa nay đã làm thơ với mục đích là để ca ngợi Chúa của mình. Có thể kể như cố Mục Sư Thi sĩ Phan Đình Liệu, cố Mục Sư Thi sĩ Lưu Văn Mão, Mục Sư Thi sĩ Đinh Thống, cố Thi sĩ Lê Đình Lân, cố Thi sĩ Nguyễn Ngọc Diệp, Thi sĩ Tường Lưu, Thi sĩ Linh Cương, Thi sĩ Thái Trịnh, Thi sĩ Tiểu Minh Ngọc… Mong ước sẽ có thêm nhiều những nhà thơ Cơ-đốc được ơn Chúa ban cho để làm được nhiều những bài thơ hay mà ca ngợi Chúa kính yêu của chúng ta.

Còn nhớ Đại Thi sĩ, Hoàng đế Sa-lô-môn của nước Do-thái ngày xưa, được Kinh Thánh ghi lại rằng: “Người nói ba ngàn câu châm ngôn và làm một ngàn năm bài thơ.” (I Các vua 4: 32). Làm được “một ngàn năm bài thơ” để ca ngợi Chúa là một khối lượng thơ đồ sộ, không phải ai cũng có thể làm được, nếu không được Chúa ban ơn cho. Rất nhiều những bài thơ của Đại Thi sĩ Sa-lô-môn làm còn được ghi lại trong Kinh Thánh để con dân Chúa trải qua mọi thời đại có thể đọc và thưởng thức hầu thêm lên lòng yêu mến Ngài. Tạ ơn Chúa!

Làm thơ ca ngợi Chúa là một điều nên làm, nên phát huy. Không những chỉ nêu lên “tuyên ngôn thơ” của mình cho mọi người biết, mà Thi sĩ Tường Lưu còn kêu gọi tôi, con Chúa nên làm thơ để ca ngợi Chúa nữa. “Ca ngợi Chúa, làm thơ, nên, nên quá!”

Những ai được Chúa ban cho ơn tứ làm thơ, hãy làm thơ để ca ngợi Chúa; những ai không được Chúa ban cho ơn tứ đó, hãy góp phần tìm đọc và thưởng thức cũng như phổ biến những bài thơ Cơ-đốc hay (như bài “Chức Truyền Đạo” nêu trên) cho nhiều người cùng nghe, cùng biết hầu thêm lên lòng yêu kính Chúa trong mỗi một con dân Ngài. Tôi cũng ước ao ngày càng có thêm nhiều những nhạc sĩ Cơ-đốc dành thì giờ để phổ nhạc những bài thơ Cơ-đốc hay, sâu sắc và ý nghĩa của những Thi sĩ Cơ-đốc để cho tôi, con Chúa khắp nơi cùng ca ngợi Chúa kính yêu của chúng ta qua những bản nhạc phổ thơ ấy.

Cuộc đời nầy sẽ thiếu đi biết bao nhiêu ý nghĩa nếu thiếu đi thơ ca. Cuộc đời theo Chúa cũng như thế, sẽ thiếu đi biết bao nhiêu niềm vui, nếu thiếu đi những bài thơ Cơ-đốc trong lòng chúng ta. Không phải ngẫu nhiên mà các sách Thi văn lại được Chúa cho sắp đặt nằm ngay vào phần giữa Kinh Thánh. Điều đó chứng tỏ thi văn chiếm một phần quan trọng, nếu không muốn nói là trung tâm để ca ngợi, chúc tụng Chúa phải không bạn?

ps

Mỗi khi tôi cảm thấy buồn trong cuộc sống, tôi thường tìm đến những Thi-thiên trong Kinh Thánh để đọc, như Thi-thiên 1, Thi-thiên 23, Thi-thiên 90, Thi-thiên 100, Thi-thiên 103, Thi-thiên 116, Thi-thiên150… và lòng tôi được vui mừng, thoả thích trở lại, đồng thời lòng tôi thêm lên sự yêu mến và tin cậy Chúa Hằng Hữu của mình. Tôi cũng thường hay đọc những bài thơ Cơ-đốc của những Thi sĩ Cơ-đốc để được khích lệ và thêm lên niềm vui trong Chúa. Bạn cứ thử làm như thế đi, bạn sẽ cảm nhận được nhiều niềm vui và phước hạnh hơn trong Chúa chẳng sai.

Tôi hơi lan man rồi đó phải không bạn? Mong bạn thông cảm cho tôi nhé. Mỗi khi nói chuyện về thơ, tôi thường hay lan man trong vườn thơ như thế, nhưng đó là một sự lan man đẹp bạn ạ. Nếu bạn yêu thơ ca, bạn cũng sẽ có cùng cảm nhận đó như tôi. Qua bài viết … lan man nầy nhân đọc bài thơ hay của Mục Sư Thi sĩ Đinh Thống kính yêu, tôi xin được kính lời chúc sức khoẻ đến cụ Mục Sư Thi sĩ trong tuổi già. Xin Chúa ban cho cụ được nhiều niềm vui và phước hạnh trong những ngày còn lại của đời mình. Và mong ước sẽ được đọc những bài thơ mới của cụ làm để ca ngợi Chúa.

Mong ước ngày càng có thêm nhiều tôi con Chúa yêu mến thi văn Cơ-đốc qua việc sáng tác và tìm đọc những thi văn ấy để cuộc đời của mỗi chúng ta thêm hương vị thơm lừng của TRÁI THÁNH LINH.  Mong thật nhiều!
  🙂 🙂 🙂                                                    
(1): Bài thơ nầy được tác giả làm trong chuyến đi vào Sài Gòn để dự ĐHĐ. TLH năm 1964. Khi đến địa phận Huyện Sông Cầu, (thuộc Tỉnh Phú Yên ngày nay), ông đã ghé vào thăm Hội Thánh Sông Cầu, nơi mà trước đó, ông đã hầu việc Chúa.
(2): Bài thơ nầy, Mục Sư Đinh Thống làm sau năm 1975 để gởi tặng Mục Sư Nguyễn Hoài Đức, ở Hoa Kỳ, là bạn cùng học Trường Kinh Thánh với nhau, niên khoá 1959 – 1960. Con số mười ba trong bài thơ là nói đến 13 anh em học cùng niên khoá ấy.
(3): Ba bài thơ nầy (“Nhớ Sông Cầu”, “Nhớ bạn” và “Thơ chúc Tết” (1998)) được trích từ cuốn Hồi Ký “CUỘC ĐỜI THEO CHÚA” của Mục Sư Đinh Thống, ấn hành tại Tuy Hoà, năm 2005.
🙂
Nguyễn Đình Bùi Thị 
http://www.songdaoonline.com

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn