Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / DẠY CON TỪ THUỞ CÒN THƠ

DẠY CON TỪ THUỞ CÒN THƠ

Ngày nay trên khắp thế giới, ngay cả ở Việt Nam, các nhà giáo, các nhà báo và cả những người cầm quyền đều khuyến khích dân chúng tìm hiểu và học theo gương của người Do Thái. Tôi thấy những bài viết: Học cách làm nông nghiệp, học cách giáo dục, đào tạo, kiếm tiền, sản xuất… học các ngành, học cả lãnh vực an ninh, quân sự của người Do Thái. Ít người biết rằng đàng sau sự thành công nhiều mặt của người Do Thái hiện đại là đức tin của cả dân tộc Do Thái.

ModernIsrael2007
Tổ phụ nổi tiếng của dân Do Thái tên Áp-ra-ham là người đầu tiên (2000 TC) phát hiện chỉ có một Đức Chúa Trời “có một và thật”.
Lãnh tụ nổi tiếng của người Do Thái tên Môi-se là người xây dựng truyền thống đặc biệt nhất gọi là Shema. Shema nghĩa là “Hỡi dân Israel, hãy nghe! Hãy hết lòng, hết linh hồn, hết sức mà yêu Chúa Trời!”” Ngũ Kinh của Môi-se (5 sách đầu của Kinh Thánh) vừa là sách lịch sử vừa là nền tảng luật pháp của dân Do Thái và của nhiều nước khác. Lịch sử của dân Do Thái còn xác chứng về niềm tin của mỗi người Do Thái rằng ai nấy đều tin tưởng và sống như mỗi người là thành viên của một tuyển dân của Đức Chúa Trời.
Mọi sinh hoạt và lối sống hằng ngày của dân Do Thái đều xoay quanh đức tin của họ. Sa-bát tức ngày Thứ Bảy là ngày nghỉ bắt buộc hằng tuần của toàn dân Do Thái. Trong ngày Sa-bát, dân chúng được nghỉ ngơi để duy trì mối liên hệ sống động với chính Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa và là Đấng Giải Cứu của dân Do Thái.
Ít người biết rằng sở dĩ dân Do Thái có được kết quả thành công mọi mặt như ngày nay là nhờ sức mạnh tinh thần của họ. Đó là lý do chúng ta phải học tinh thần của người Do Thái hôm nay. Kỳ nầy tôi đề nghị bạn đọc suy nghĩ đến truyền thống dạy đạo cho thiếu nhi của từng gia đình và cả xã hội của người Do Thái, một việc mà không phải dân tộc nào cũng làm được.
DẠY CON THỜI CỰU ƯỚC
Các trường học dạy thiếu nhi đã có mặt từ thời của Kinh Thánh Cựu Ước. Trong thời kỳ dân Do Thái bị lưu đày (586-444 T.C.) họ đã phát triển các nhà hội (synagogues). Vì cớ không thể nhóm nhau ở đền thờ Jerusalem, họ đã gặp nhau ở các nhà hội để học Luật Pháp và giữ đức tin sống động. Chính đức tin thờ Trời đã giữ dân tộc Do Thái khỏi họa diệt vong. Khi người Do Thái hồi hương từ chốn lưu đày, họ mang theo các nhà hội về quê nhà. Sau khi đền thờ được tái thiết trở thành nơi thờ phượng, các nhà hội trở thành nơi nghiên cứu. Người lớn nghiên cứu Luật Pháp, còn trẻ em thì được dạy Luật ở các nhà hội. Từ nhỏ cho đến 6 tuổi, các em được dạy ở nhà, sau đó các em được đưa đến các nhà hội để tiếp tục việc giáo dục.
Đến năm 64 S.C. việc đi học ở các nhà hội trở thành lệnh bắt buộc cho các em trai Do Thái.
Kinh Thánh có nói đến việc sớm dạy đạo cho thiếu nhi. Sách Phục Truyền Luật Lệ đã lưu truyền những chỉ dẫn của lãnh tụ Môi-se khi dân Do Thái chuẩn bị tiến vào Đất Hứa. Chỉ dẫn nầy là ý định chung của Chúa dành cho tất cả các gia đình tín hữu trải qua các đời. Chúng ta gọi đó là sự thành hình đời sống thuộc linh của trẻ em.

Lập truyền thống thuộc linh trong đời sống hằng ngày.
Việc dạy đạo cho thiếu nhi là lệnh truyền bắt buộc đến từ Chúa. Chúa dạy lãnh tụ Môi-se rằng việc dạy thiếu nhi là một công tác quan trọng cần vâng giữ và thi hành luôn luôn, không được lơ là hay bỏ sót.
Xem Phục Truyền 6:1-3, 6, 17-18, 24-25.
Kết quả mong muốn của sự giáo dục nầy không chỉ là sự hiểu biết trong tâm trí nhưng là nếp sống hằng ngày. Môi-se đã truyền dạy cho toàn dân Do Thái rằng chương trình giáo dục thuộc linh không chỉ dành cho cá nhân hay gia đình nhưng là dành cho cả cộng đồng đức tin. Toàn dân Do Thái cần phải chuẩn bị tinh thần để dạy cho trẻ em. Sau khi nhắc lại Mười Điều Răn trong sách Phục Truyền 5: 6-21, Môi-se tiến tới một trình độ giáo huấn căn bản hơn trong Phục Truyền chương 6. Ông kêu gọi: Hỡi Israel, hãy nghe!
“Hỡi Y-sơ-ra-ên! Hãy nghe: Đức Chúa Trời chúng ta là Đấng có một không hai.
Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Đức Chúa Trời ngươi. Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy.” Phục Truyền 6:4-7.
Hãy để ý đến lời kêu gọi nầy. Ông Môi-se đã trước nhất tuyên bố với dân Israel về khải tượng một Đức Chúa Trời có một và thật, là Đức Chúa Trời của họ. Họ tin tưởng một Chúa Trời tích cực đã sáng tạo, đã giải phóng, và đã bày tỏ cho họ cách sống thờ Trời. Tất cả mọi sinh hoạt trong đời sống đều căn cứ trên đức tin nơi Đức Chúa Trời. Thứ hai ông kêu gọi họ không chỉ liên hệ với Ngài nhưng phải yêu mến Ngài. Thứ ba ông nói mạng lệnh của Chúa phải được thực hành thực sự hết lòng. Nói cách khác đây không phải là một hình thức bề ngoài nhưng là một kết ước được thúc đẩy bằng thứ tình yêu quý mến biết ơn kính sợ Chúa Trời.
Chỉ sau khi người lớn xác định đức tin nơi Đức Chúa Trời, bước vào mối liên hệ thân yêu với Ngài, và áp dụng luật Trời vào ngay trong đời sống của mình, thì họ mới thực sự bắt đầu dạy dỗ con cháu của họ được. Chính đức tin thực sự của người thầy mới có hiệu quả trong việc truyền dạy cho học trò. Đức tin là mục tiêu của giáo dục. Các câu chuyện và bài học khác chỉ là phương tiện. Thầy giáo phải luôn đặt mục tiêu là làm sao cho các em tin Chúa. Vì đó, chúng ta cần một đội ngủ thầy giáo có tâm huyết và tin cậy Chúa.
Tiếp theo ông Môi-se ra lệnh cho dân chúng:
Khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy. Khá buộc nó trên tay mình như một dấu, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chỉ; cũng phải viết các lời đó trên cột nhà, và trên cửa ngươi. Phục Truyền 6:7-9
Mệnh lệnh của Chúa đã trở thành lối sống của dân chúng hằng ngày. Họ có thể nói chuyện với nhau về Chúa trong mọi hoàn cảnh, vào mọi lúc, mọi nơi. Lúc đi ngủ, khi thức dậy. Bất cứ lúc nào một người nghĩ đến Chúa là người đó có thể nói về Chúa cách tự nhiên. Chỉ cần nhìn đóa hoa, nghe tiếng chim hót, kể một câu chuyện, chúng ta có thể nói về Chúa. Cha mẹ có thể tạo điều kiện để nói về Chúa trong nhà. Các em có thể nghe âm nhạc, xem một quyển sách thiếu nhi, xem một cuộn phim hoạt hình, quan sát vạn vật, cảnh đẹp thiên nhiên, tâm trí của các em và người lớn có thể tưởng đến Đấng Tạo Hóa. Có thể nghĩ đến Chúa khi ở nhà, lúc đi ngoài đường hay vào những ngày nghỉ lễ, du ngoạn. Có thể nói về Chúa khi trồng một cây hoa, một cây ăn trái, một cây xanh. Cha mẹ có thể đọc chuyện Kinh Thánh hay lịch sử cho các em nghe trước khi đi ngủ. Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo. Con đường đặt đức tin nơi Chúa hằng hữu.

Treo các bảng ghi nhớ xung quanh
Cha mẹ Do Thái còn dùng thị cụ treo ngoài cửa, treo trên tường với nội dung của những câu Châm ngôn, những luật pháp. Giống như ngày nay chúng ta treo câu gốc Kinh Thánh trong nhà, kẹp tấm card ghi câu gốc bên trong sách. Môi-se truyền cho cha mẹ là những người đầu tiên có bổn phận dạy dỗ con cháu trong gia đình. Gia đình là trường học quan trọng nhất của nền giáo dục Do Thái Giáo. Thử tưởng tượng cả một cộng đồng gồm tất cả các gia đình đều cùng dạy một bài học về tin Trời, kính Trời, yêu Trời, vâng phục Trời… những bài học lịch sử của dân tộc, chúng ta thấy cả xã hội sẽ tiến lên an bình, thịnh vượng. Đó là điều đã xảy ra trong cộng đồng người Do Thái. Từ đầu hôm cho đến tối mịt, lời nói “Shema”: Hỡi Israel, hãy nghe… Hãy yêu mến Chúa… cứ thâm sâu, tràn ngập tâm hồn và đời sống người thờ Chúa. Hãy thử tưởng tượng các bậc cha mẹ ai nấy đều giúp nhau để dạy cho con em biết thờ Trời và yêu Trời, chúng ta sẽ thấy kết quả của một xã hội tiến bộ và văn minh. Người Tây Phương đã bắt chước người Do Thái. Hơn 90 % người Mỹ đều có thể nói Chúng Tôi Thờ Trời (IN GOD WE TRUST).

images (3)
Môi-se còn nhấn mạnh:
Khá cẩn thận giữ lấy những điều răn, chứng cớ, và luật lệ của Đức Chúa Trời các ngươi đã truyền cho ngươi. Vậy, ngươi phải làm điều ngay thẳng và tốt lành trước mặt Đức Giê-hô-va, để ngươi được phước và vào nhận lấy xứ tốt đẹp mà Đức Giê-hô-va đã thề hứa cùng tổ phụ ngươi, để ban cho ngươi. Phục Truyền 6:17-18.
Môi-se dự kiến rằng các em sẽ tìm hiểu và sẽ hỏi người lớn, “Tại sao cha mẹ làm như vậy?” Và đó là lúc cha mẹ sẽ nhắc lại mạng lịnh và lịch sử Chúa truyền. Cha mẹ sẽ dạy về đức tính tin cậy vâng lời Chúa, về giá trị và ích lợi của một đời sống thờ Trời.
Về ngày sau, khi con ngươi hỏi ngươi rằng: Các chứng cớ, luật lệ, và mạng lịnh nầy là chi, mà Đức Chúa Trời chúng tôi đã truyền cho cha? thì hãy đáp rằng: Chúng ta đã bị làm tôi mọi cho Pha-ra-ôn tại xứ Ê-díp-tô, và Đức Giê-hô-va có dùng tay mạnh đem chúng ta ra khỏi xứ ấy. Đức Giê-hô-va có làm trước mặt chúng ta những dấu kỳ và phép lạ rất lớn lao đáng sợ, mà hại xứ Ê-díp-tô, Pha-ra-ôn, và cả nhà người; Ngài đã đem chúng ta ra khỏi xứ ấy, để dẫn vào xứ Ngài đã thề cùng tổ phụ chúng ta; để ban cho chúng ta. Đức Giê-hô-va có phán cùng chúng ta khá làm theo các luật lệ nầy, kính sợ Đức Chúa Trời chúng ta, hầu cho chúng ta được phước luôn luôn, và được Ngài bảo tồn sự sống cho chúng ta y như Ngài đã làm đến ngày nay. Vả, chúng ta sẽ được xưng là công bình nếu chúng ta cẩn thận làm theo các điều răn nầy trước mặt Đức Chúa Trời chúng ta, y như Ngài đã phán dặn vậy. Phục Truyền 6: 20-25.
Cha mẹ người Do Thái không cần dạy lớp Thần Học cao sâu, họ chỉ cần kể lại những câu chuyện mang ý nghĩa Thần Học đã từng xảy ra trong lịch sử dân tộc. Những câu chuyện đang xảy ra trong đời sống của họ.
Ngày nay chúng ta mỗi người cha mẹ vẫn có thể kể lại câu chuyện đã xảy ra cho đời sống của mình. Bổn phận của cha mẹ là nghĩ đến tương lai. Gia đình được cứu và gia đình được phước đã xảy ra nhờ ảnh hưởng lớn của cha mẹ. Mỗi người cha có thể sẽ là một Áp-ra-ham mới cho dòng dõi đức tin của mình. Tôi đang nhìn thấy Chúa đã làm điều đó cho tôi và gia đình tôi. Ai nấy trong gia đình chúng tôi đều cảm nhận ơn yêu thương dẫn dắt của Chúa trong đời sống gia đình.
Chúng ta cần để ý thêm một việc quan trọng khi Môi-se suy nghĩ đến tương lai. Ông biết tính người, tính hay quên nếu không có ai nhắc nhở.
Khi Đức Chúa Trời ngươi đã dẫn ngươi vào xứ mà Ngài thề cùng tổ phụ ngươi, là Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp, đặng ban cho ngươi, khiến ngươi lấy được những thành lớn và tốt mà ngươi không có xây cất; những nhà đầy đủ các thứ của mà ngươi không có chất chứa; các giếng mà ngươi không có đào; cây nho và cây ô-li-ve mà ngươi không có trồng; khi ngươi ăn và được no nê, khá giữ lấy mình, kẻo ngươi quên Đức Giê-hô-va, là Đấng đã đem ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, tức là khỏi nhà nô lệ. Phục Truyền 6:10-12.
Môi-se sợ dân Do Thái quên Chúa. Có ba lần trong sách ông nói đến mối sợ nầy. Xem 4:9; 6:12; 11:16 và rồi trong các câu liên hệ ông nhắc đến trách nhiệm cha mẹ dạy đạo cho con. Xem 4:10; 6:7; 11:19. Cha mẹ dạy con, trả lời câu hỏi của con cũng là lúc cha mẹ nhớ đến Chúa. Tình yêu của chúng ta với Chúa sẽ tăng lên, trí nhớ và trí khôn của chúng ta sẽ phát triển. Học để dạy và dạy để học vẫn là phương pháp tốt nhất có giá trị cho đến ngày nay.
Chúng ta và gia đình cùng tiến lên trong cuộc hành trình đức tin với nhau và đây là cách chúng ta cùng nhau bảo vệ gia đình, cùng nhau xây dựng tương lai.
Chúng ta cần nhớ đây là mạng lịnh không chỉ nhắc chúng ta nhớ giữ một vài truyền thống nhưng là một mệnh lệnh nhắc chúng ta biến việc học đạo và sống đạo trở thành một nếp sống tự nhiên phát xuất từ sự thuyết phục từ bên trong thể hiện ra bên ngoài xã hội.

Lập các ngày lễ hội trong năm
Mạng lệnh tin Trời, thờ Trời, vâng giữ luật Trời vô cùng quan trọng đối với đời sống dân Do Thái, đến nỗi ngoài các mạng linh nói trên, chúng ta thấy Chúa truyền cho dân chúng tuân giữ hàng năm những kỳ lễ hội với các nghi thức tín ngưỡng dựa trên lịch sử để toàn dân ghi nhớ. Các ngày lễ hằng năm là cơ hội để dạy cho con em trong thế hệ kế tiếp. Sách Phục Truyền chương 16 nói đến ba kỳ lễ cần giữ hằng năm, đó là Lễ Vượt Qua (16:1-8), Lễ Các Tuần (16:9-12) và Lễ Lều Tạm (16:13-17).
Lễ Vượt Qua được lập ngay trước khi dân Do Thái được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập. Họ được giải phóng khỏi ách nô lệ sau 400 năm. Lễ Vượt Qua có nhiều ý nghĩa và khi dự lễ, trẻ em sẽ hỏi: “Việc nầy có nghĩa gì?” Đó là lúc cha mẹ giải thích, nhắc lại việc Chúa làm. Trải qua nhiều năm tháng, phong tục lễ có nhiều thay đổi khi đền thờ Jerusalem bị sụp đổ vào năm 70SC, nhưng tình thần của Lễ Vượt Qua vẫn còn lưu giữ trong các gia đình Do Thái.
Hai lễ khác, Lễ Các Tuần và Lễ Lều Tạm, đều là cơ hội để người Do Thái biết ơn Trời, tạ ơn Trời. Lễ Các Tuần là ngày vui để mừng hoa quả mùa màng vừa thu hoạch. Lễ Lều Tạm bắt đầu lễ hội khi người Do Thái giơ nhánh cây qua lại để tôn vinh Chúa. Trong cả tuần lễ dân chúng ở dưới các nhà lá che tạm. Mục đích của Lễ là nhớ lại tổ phụ của họ đã sống trong các lều khi Chúa Trời đưa họ ra khỏi Ai Cập– để họ biết chuyện cũ và cũng biết, “Ta là Đức Chúa Trời của các ngươi” (Lê-vi 23:43). Có thể gọi đây là các quốc lễ của người Do Thái. Mỗi năm 3 lần người Do Thái phải du hành đến Đền Thờ hoặc Đền Tạm. Toàn dân Do Thái đều tham gia các Lễ hội nầy như một khối dân tộc. Trẻ em học tập ý nghĩa từ các ngày lễ hội nầy. Các hiểu biết nầy đến từ kinh nghiệm trực tiếp của các em. Lưu truyền từ thế hệ nầy đến thế hệ khác.
Lập các biểu tượng cho cả nước
Điều răn thứ nhất của Chúa nghiêm cấm thờ hình tượng. Trong cả nước Do Thái không có chỗ nào cho hình tượng, nhưng họ có nhiều biểu tượng có ý nghĩa. Chẳng hạn trước hết là Đền Tạm và sau đó là Đền Thờ. Chúa đã chỉ dẫn cách xây dựng Đền Tạm hay Đền Thờ của Chúa cách tinh vi, nhiều chi tiết. Tất cả các biểu tượng với cách tổ chức đàng hoàng khiêm túc mà người Do Thái tuân giữ là bài học đức tin cho con cháu khi chúng quan sát, tìm hiểu.

chap_verse-dec14
Ngày xưa khi dân Do Thái vượt qua sông Giô-đanh tiến vào đất hứa, Chúa truyền họ phải mang theo 12 tảng đá từ lòng sông và dựng lên bên trại tại Ghinh-ganh (Giô-suê 4:1-8). Ông Giô-suê đã giải thích:
Hầu cho điều đó làm một dấu ở giữa các ngươi. Về sau, khi con cháu các ngươi hỏi rằng: Những hòn đá nầy có nghĩa chi? thì hãy đáp rằng: Ấy là nước sông Giô-đanh đã rẽ ra trước hòm giao ước của Đức Giê-hô-va; khi hòm đi ngang qua sông Giô-đanh; thì nước sông bèn rẽ ra; các hòn đá nầy dùng cho dân Y-sơ-ra-ên làm kỷ niệm đời đời. Giô-suê 4:6-7.
Sau khi chiếm xong Đất Hứa, lãnh tụ Giô-suê cũng đã kêu gọi toàn dân họp lại để tái kết ước với Chúa. Ông đã xây dựng một bàn thờ bằng đá to lớn trên Núi Ebal và dâng Lễ Thiêu cho Chúa.
Tại đó Giô-suê cũng khắc trên đá một bản luật pháp mà Môi-se đã chép trước mặt dân Y-sơ-ra-ên. Cả Y-sơ-ra-ên, các trưởng lão, các quan cai, và các quan xét đứng hai bên hòm trước mặt những thầy tế lễ, người Lê-vi, là người khiêng hòm giao ước của Đức Giê-hô-va. Những khách lạ luôn với dân Y-sơ-ra-ên đều có mặt tại đó, phân nửa nầy ở về phía núi Ga-ri-xim, và phân nửa kia ở về phía núi Ê-banh, tùy theo lịnh mà Môi-se, tôi tớ của Đức Giê-hô-va, trước đã truyền cho chúc phước dân Y-sơ-ra-ên. Đoạn, Giô-suê đọc hết các lời luật pháp, sự chúc lành và sự chúc dữ, y như đã chép trong sách luật pháp. Chẳng có lời nào về mọi điều Môi-se đã truyền dặn mà Giô-suê không đọc tại trước mặt cả hội chúng Y-sơ-ra-ên, trước mặt đàn bà, con nít, và khách lạ ở giữa họ. Giô-suê 8:30-35.
Hãy để ý người Do Thái đã không quên đưa trẻ em vào tham gia mọi lễ hội kỷ niệm của dân tộc Do Thái. Trẻ em được mời tham gia buổi lễ cầu an cho dân tộc trong thời vua Jehoshaphat bị quân thù đe dọa. Trẻ em đã là một phần tham dự viên trong Lễ mừng ngày khánh thành bức tường Jerusalem được tái thiết. Nê-hê-mi 12:27-34.
Các lãnh đạo tình thần, các tiên tri dân Do Thái thường lo sợ về sự bội đạo của dân chúng. Cha mẹ nào yêu Chúa kính Chúa đều muốn con cháu mình tin Chúa và thờ Chúa. Thực tế nếu không có dạy dỗ lời Chúa để các em kinh nghiệm về Chúa trong đời sống thì đạo dòng sẽ chỉ là hình thức nhưng không có ý nghĩa. Người Mỹ thường nhắc, “Not religion but relationship”. Tiên tri Giê-rê-mi đã nhìn vào tương lai của dân Do Thái và đã nói lên hy vọng.
Đức Chúa Trời phán: Nầy, những ngày đến, bấy giờ ta sẽ lập một giao ước mới với nhà Y-sơ-ra-ên và với nhà Giu-đa. Giao ước nầy sẽ không theo giao ước mà ta đã kết với tổ phụ chúng nó trong ngày ta nắm tay dắt ra khỏi đất Ê-díp-tô, tức giao ước mà chúng nó đã phá đi, dầu rằng ta làm chồng chúng nó, Đức Chúa Trời phán vậy.
Đức Chúa Trời phán: Nầy là giao ước mà ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên sau những ngày đó. Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân ta. Chúng nó ai nấy sẽ chẳng dạy kẻ lân cận mình hay là anh em mình, mà rằng: Hãy nhận biết Đức Chúa Trời! Vì chúng nó thảy đều sẽ biết ta, kẻ nhỏ cũng như kẻ lớn. Đức Chúa Trời phán: Ta sẽ tha sự gian ác chúng nó, và chẳng nhớ tội chúng nó nữa. Giê-rê-mi 31:31-34.
Bạn có quan tâm đến đời sống đức tin của con em mình hay không?
Bạn muốn nhìn thấy tương lai tốt hơn của cả gia đình, hãy bắt đầu áp dụng nền Cơ-đốc Giáo Dục cho con em chúng ta ngay từ hôm nay. Chúng tôi đang cố gắng tiến hành việc đào tạo con em chúng ta với sự hiệp tác của quý vị và các bạn. Xin hãy liên lạc với chúng tôi. Your life is better if you connect with us!

hue

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ
Tài liệu tham khảo:
Catherine Stonehouse, Joining Children On The Spiritual Journey, Baker Academic, Grand Rapids, Michigan, 1998.   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn